Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Liệu Chúng Ta Có Đang Chết Ở Tuổi 25?

Bạn đã từng nghe qua một câu nói nổi tiếng của Benjamin Franklin chưa? “Hầu hết mọi người chết ở tuổi 25, nhưng chỉ đến năm 75 tuổi mới được chôn”. Ngày trước, tôi đã từng đọc qua câu này ở đâu đó không rõ, tuy nhiên, trong tôi lại chẳng có ấn tượng gì. Sau này, khi đã trưởng thành và bắt đầu dấn thân vào guồng xoay của cuộc đời, câu nói này đột nhiên khiến tôi chững lại.

Hãy thử nhìn lại các mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời của chúng ta nhé. 18 tuổi, bước chân vào trường đại học. 22 tuổi, tốt nghiệp đại học, riêng đối với những sinh viên y khoa thì đến năm 24 tuổi tốt nghiệp. Sau đó tìm việc, làm việc, nhảy việc cho đến khi kết thúc với một công việc ổn định và mức lương có thể chấp nhận được.

Đại đa số người trẻ hiện nay khi nghĩ về tương lai đều chung một con đường như vậy. Đích đến cuối cùng là ổn định, đủ sống. Có thể năm 18 tuổi bạn có những mơ ước cao xa và bay bổng, được làm công việc mình yêu thích, tích lũy một thời gian sẽ thành lập doanh nghiệp của riêng mình, hằng ngày vui vẻ làm việc, tối đến hạnh phúc trở về với căn nhà êm ấm. Nhưng đến khi ra trường, những sinh viên ngày nào giờ đây mới bắt đầu cảm nhận được sự căng thẳng thực sự trong thị trường lao động. Đam mê? Mơ ước? Tất cả đều bị gạt sang để nhường chỗ cho một công việc ổn định. Những dự định, những kế hoạch được vạch ra từ lâu bây giờ được viết tiếp bằng một chữ “nhưng…” .

Vậy, 25 tuổi, sống như thế nào mới là sống?

Đây có lẽ là câu hỏi gây hoang mang khá nhiều đối với người trẻ. 25 tuổi, có thể người vẫn đang loay hoay chưa chọn được con đường cho riêng mình, cũng có người đã tìm được một công việc ổn định. Nhưng nếu được hỏi: “Bạn nghĩ như thế nào là sống? Bạn có đang thực sự sống?”, thì có lẽ không ít người người sẽ lúng túng. Tình trạng này nghe thật vô lý nhưng thực tế lại là một hiện trạng tràn lan trong giới trẻ ngày nay. Họ vẫn cứ sống, sống theo lộ trình mà phần lớn những người trước đó đã đi qua, để rồi chính họ cũng không hiểu họ đang làm gì và vì điều gì.

Sống nhanh hay sống chậm?

Tất nhiên là mỗi người đều phong cách sống của riêng mình, nhưng tựu chung lại thì chủ yếu sẽ rơi vào hai kiểu cơ bản nhất, đó là sống nhanh và sống chậm. Đây cũng là hai xu hướng sống mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong hàng loạt các bài viết về lối sống.

Có người sẽ bảo rằng: “Chúng ta chỉ sống cuộc đời này một lần thôi, nhân lúc còn trẻ phải chạy hết mình về phía trước để sau này không phải hối hận”. Nghe hợp lý nhỉ? Bởi vốn dĩ thời gian không bao giờ đợi con người sẵn sàng cả. Nó cứ liên tục trôi, bất kể những người xung quanh có gắng sức níu kéo. Và nếu chúng ta không nhanh chân đuổi kịp nó, chúng ta sẽ bị bỏ lại đằng sau.

Nhưng cũng có người quan niệm rằng “Sống chậm lại để từ từ cảm nhận cuộc sống này, để được sống trọn vẹn từng giây phút”. Cũng đúng! “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, và yêu thương nhiều hơn” đang dần trở thành châm ngôn của nhiều người trẻ. Sống chậm để có thể quan sát tỉ mỉ hơn, để có thời gian để tâm đến từng niềm vui vụn vặt trong cuộc sống.

Nếu cuộc đời là một chuyến đi, đi nhanh sẽ đi được xa, đến nhiều nơi hơn, còn đi chậm sẽ quan sát được kỹ hơn những cảnh vật bên đường. Bạn chọn gì?  

Sống nhanh là tiến lên không ngừng nghỉ để theo kịp với dòng chảy của cuộc đời  

Nhắc đến sống nhanh hay sống vội, tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng:

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già…”

Xuân Diệu năm đó mới 22 tuổi, vậy mà ông đã thúc giục bản thân mình về dòng chảy tuyến tính không ngừng của thời gian. Con người vốn chỉ là một hạt cát giữa sa mạc thênh thang, chỉ là một giọt nước giữa đại dương sâu thẳm, chỉ là cá thể nhỏ nhoi giữa đất trời. Những thứ chúng ta biết, chúng ta nhìn thấy, chúng ta chạm tới chẳng đáng là bao so với kho tàng của nhân loại.

Ấy thế mà, con người ta chỉ sống duy nhất một cuộc đời. Vậy hà cớ gì không vội vã khi thời gian đang ngày càng ngắn lại? Chúng ta chẳng có hai lần tuổi trẻ, thời gian và sức khỏe đều có hạn, nếu không học hành, không nỗ lực làm việc, không biết vươn lên nắm lấy cơ hội cho mình, chúng ta sẽ bị bỏ lại đằng sau. Khi tất cả mọi người đều tiến về phía trước, bạn dừng lại đồng nghĩa với việc bạn đang đi lùi. “Đừng chọn an nhàn khi còn trẻ”. Nếu hôm nay bạn không cháy hết mình trong thanh xuân, tuổi trẻ, bạn có tự tin rằng sau này mình sẽ không một lần hối hận vì ngày ấy đã bỏ lỡ điều gì đó hay không?

Có một câu nói thế này “Money isn’t everything but everything needs money”, nôm na nghĩa là “Tiền không hẳn là tất cả, nhưng tất cả đều cần có tiền”. Trong Tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu vật chất nhu cầu nằm ở cấp thấp nhất và là nhu cầu căn bản nhất. Nghe thì có vẻ tầm thường, nhưng thực chất chính nhu cầu vật chất cơ bản ấy đóng vai trò nền tảng cho các nhu cầu cấp cao hơn chẳng hạn như nhu cầu được quý trọng, được tự thể hiện bản thân,... Chỉ khi những nhu cầu cơ bản được đáp ứng, con người ta mới có thể vươn tới những nhu cầu ở bậc cao hơn. Sống thực dụng đúng là không tốt, nhưng sống thực tế thì rất đáng được tuyên dương.

Vậy đó, sống nhanh được xem như một yêu cầu tất yếu của nhịp sống hiện đại.

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,

Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi…”

Nếu không thể nhìn nhận cuộc đời này dưới lăng kính vui vẻ và hạnh phúc, thì chúng ta không phải đang sống như một con người thực thụ, mà chỉ đang là những người máy chỉ biết phục tùng mệnh lệnh.  

Sống chậm lại để nuôi dưỡng những mảng sâu thẳm trong tâm hồn

Nếu nhu cầu vật chất chính là bệ đỡ, thì nhu cầu về tinh thần mới chính là những thứ nuôi dưỡng tâm hồn ta từ bên trong. Chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng tiền đúng là quan trọng, nhưng tiền không mua được tất cả. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó có vài câu thế này:

“Tiền có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không thể mua được mái ấm.

Tiền có thể mua được thuốc, nhưng không mua được sức khỏe

Tiền có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian

Tiền có thể mua được cái giường, nhưng không mua được giấc ngủ

Tiền có thể mua được một chỗ tốt nhất ở một bệnh viện tối tân nhất, nhưng tiền không mua được sự sống.

Tiền có thể mua được bảo hiểm, nhưng không mua được sự an toàn…”

Đó là lý do mà chúng cần sống chậm lại. Chỉ khi đó, ta mới có thể cảm nhận được những giá trị thực sự của từng thời khắc trôi qua, cảm nhận từng nhịp đập của cuộc sống. Những giá trị ấy không nhất thiết phải hữu hình như tiền bạc hay nhà cửa, nó chỉ đơn thuần chỉ là những giá trị về mặt tinh thần như thời gian hay sức khỏe. Có người nói khi còn trẻ, có sức, làm được thì cứ làm, sau này về già từ từ mà hưởng thụ. Nhưng chẳng ai đảm bảo được rằng sau này ta còn đủ sức khỏe hay thời gian để có thể hưởng thụ những thành quả lao động của mình.

Vì thế, những người trẻ chúng ta phải thường xuyên dành thời gian để chăm chút cho thế giới nội tâm của mình, từ đó nhìn nhận được đâu mới là mục tiêu sống, là giá trị sống đích thực mà mình mong muốn. Nếu không thể nhìn nhận cuộc đời này dưới lăng kính vui vẻ và hạnh phúc, thì chúng ta không phải đang sống như một con người thực thụ, mà chỉ đang là những người máy chỉ biết phục tùng mệnh lệnh.

Như tôi đã nói ở trên, nhu cầu cấp thấp của con người là những nhu cầu vật chất cơ bản, đó là chân tháp, nhưng mục tiêu sống mà con người hướng tới là những nhu cầu về tinh thần, đó mới là đỉnh tháp, là đích đến cuối cùng. Có nhiều người, khi đến giai đoạn đã có tất cả trong tay, điều họ hối hận lại chính là những điều vụn vặt tưởng mà họ đã bỏ quên mất, là vết chân chim đã hằn sâu trên mắt mẹ, là những tóc bạc ngày một nhiều của cha, là đã bao lâu rồi ta chẳng về nhà…

Sống chậm lại để quan sát thế giới xung quanh ta rõ hơn, để bắt lấy được từng hơi thở của cuộc sống, để trân trọng hơn từng thay đổi nhỏ của vạn vật, và để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc quý giá nào của những người ta yêu thương.  

Cân bằng giữa nhanh và chậm để không bỏ lỡ cuộc sống khi chỉ mới 25

Mỗi chúng ta đều có lý trí và con tim. Sống nhanh chính là lời yêu cầu cấp thiết của lý trí, còn sống chậm chính là tiếng lòng của trái tim. Lý trí không cho phép chúng ta bị hất ra khỏi guồng quay của cuộc sống. Còn con tim thì không muốn ta bỏ lỡ những yêu thương. Chúng ta không thể thiên hẳn về lý trí hay con tim, mà phải học cách cân bằng giữa cả hai thứ để có thể sống trọn vẹn từng giờ khắc quý giá của cuộc đời.

Cuộc sống của chúng ta nằm trong lòng bàn tay ta. Sống nhanh hay sống chậm cũng được, miễn ta sống đúng nghĩa là sống.

Tác Giả: LYs.

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/plzluvurself

---------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.   


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,799 lượt xem, 1,669 người xem - 1671 điểm