Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Lối Đi Ngay Dưới … Tay Mình


Viết cho những người trẻ lạc trôi

 

Tôi bắt gặp những người trẻ lạc trôi ở khắp mọi nơi. Trên đường phố, dưới bến chờ xe bus, trong quán caphe, trên giảng đường, trong thang máy…

 

Họ khác nhau về độ tuổi, dáng hình, phong cách thời trang. Nhưng có một đặc điểm giống hệt nhau ở họ: Đó là chiếc điện thoại dính chặt trên tay. Rất khó để “eye-contact” với họ, vì những đôi mắt ấy không mấy khi rời khỏi màn hình.

 


Những người trẻ lạc trôi – Họ là ai?

 

Họ hoàn toàn có thể là những học sinh, sinh viên giỏi giang (nếu định nghĩa giỏi giang bằng điểm số ở trường hay tấm bằng đại học)

 

Họ là những người trẻ tiêu biểu của thế hệ số 4.0 (nếu sự tiêu biểu này được định nghĩa bằng số tin tức nóng hổi hàng ngày họ cập nhật về cuộc sống của người nổi tiếng, về các “trend” thời trang thịnh hành, về những tin tức giật gân liên lục được refresh trên các trang báo mạng.

 

Họ là những “Cư dân mạng” đích thực. Có thể là một “cư dân” sôi nổi tích cực, chả mấy khi vắng mặt trong các trận chiến comments dưới các tít giật gân. Cũng có thể là một “cư dân” lặng lẽ, không bao giờ lên tiếng, chỉ đắm mình trong thế giới ảo đầy lôi cuốn.

 

Khi không cầm “thế giới ảo” trên tay, những người trẻ bỗng thấy hoang mang, lạc lối. Họ thấy chân tay thừa thãi, thấy thế giới thật mà họ đang sống sao mà tẻ nhạt và vô vị. Biết làm gì cho vui khi không UP, LIKE, SHARE, VIEW, COMMENT, POST?

 

Chỉ cần nửa ngày không vào mạng, dạo facebook, họ đã có cảm giác như mình bị cả thế giới bỏ lại phía sau.

 

Thế nên tôi gọi họ là Những Người trẻ lạc trôi


 

Vật bất ly thân của “Hội lạc trôi”

 


Không nghi ngờ gì, đó chính là chiếc điện thoại có kết nối mạng. Với thiết bị nhỏ bé này, Facebook và Web chi phối cuộc sống của những người trẻ bất kể không gian và thời gian: Trong bữa cơm gia đình, trong các chuyến du lịch, giữa các cuộc gặp gỡ bạn bè, các notifications vẫn không ngừng lôi kéo người trẻ vào thế giới ảo.

 

Người trẻ thấy hết sức bình thường khi trong bữa cơm vẫn một tay cầm đũa một tay lướt web.

 

Còn tôi thấy xót xa khi nhìn những bữa cơm Mẹ cặm cụi nấu, chờ đợi người trẻ về ăn, và rồi lại được… ngắm đứa con vừa ăn vừa lạc trôi trong Facebook.

 

Người trẻ thấy bình thường khi bỏ công sức chọn quán caphe đẹp, hẹn hò hội bạn, trang điểm thật xinh và khi gặp nhau thì … mỗi người một máy…

 

Còn tôi thì thấy tiếc cho người trẻ, tiếc công chọn quán, tiếc tiền mua đồ uống, tiếc cốc caphe thật thơm, tiếc công anh chủ quán đã bỏ bao tâm huyết bài trí từng chi tiết. Tôi tiếc những nụ cười thật tươi, những ánh mắt trẻ trung rạng ngời, không phải dành cho cái điện thoại, mà khi các bạn nhìn vào mắt nhau.

 

Người trẻ thấy rất ổn khi cả ngày ôm chặt “hình chữ nhật bé nhỏ” trong chuyến đi du lịch xa. Biết làm gì trong những ngày rỗi rãi mà không lướt web? Người trẻ chỉ thi thoảng rời mắt khỏi điện thoại, chụp vội vài kiểu ảnh, và lại lạc trôi với Up, Post, Share, Like, Comments…

 

Còn tôi hùi hụi tiếc cảnh thiên nhiên tuyệt vời mà người trẻ đang bỏ lỡ. Những hàng cây xanh mát đang thiết tha trong nắng. Sương buổi sớm vẫn còn lấp lánh đọng lại trên đám cỏ xanh. Chỉ một lát nữa thôi khi nắng lên là sương tan và hoa sẽ nở bừng

 

Sương sẽ không đợi người trẻ mà không tan, và hoa cũng chẳng chờ ai mà chậm tàn.

 


Lối đi ngay dưới… tay mình

 

Một dạo nọ, cả thế giới bàn luận về bức ảnh người sáng lập ra Facebook cùng vợ đi dạo với tờ báo giấy trong tay. Cũng là người trẻ, lại là cha đẻ của mạng ảo, nhưng bạn Mac Zuckerberg vẫn trung thành với báo giấy truyền thống. Bạn hãy google image cái tên nổi tiếng này, kết quả sẽ là hàng ngàn bức ảnh giống nhau đến kỳ lạ như được chụp cùng một thời điểm: áo phông xám, quần tối màu. Và tuyệt nhiên không có chiếc điện thoại nào trên tay.

 

Những người trẻ lạc trôi có bao giờ tự hỏi “Vì sao?”

 

Người trẻ hỏi “ Vậy trong lúc rỗi rãi, không lướt Facebook, không vào Web thì biết làm chi?”

 

Tôi sẽ không ngần ngại trả lời “HÃY ĐỌC SÁCH!”.

 

Tin tôi đi, đời sẽ luôn thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi ta làm bạn với sách. Tôi đang nói đến những quyển sách có giá trị thực sự, và hoàn hoàn bỏ qua những loại sách vô bổ như sách ngôn tình (hãy tin tôi lần nữa, sách ngôn tình sẽ chỉ giúp bạn … lạc trôi thêm thôi).

 

Nếu tôi chưa thuyết phục nổi bạn, hãy tìm hiểu về những con người xuất chúng, quyền lực, trí tuệ và giàu có: Bill Gates, Warren Buffett, Oprah Winfrey hay Steve Jobs. Sách có vai trò như thế nào với những cá nhân kiệt xuất này?

 

Bill Gates lập hẳn một danh sách những quyển sách hay để giới thiệu cho mọi người cùng đọc. Ông từng tâm sự rằng món quà Giáng sinh mà ông ao ước hàng năm chỉ là được ai đó giới thiệu cho mình những cuốn sách quý.

 

Oprah Winfrey viết lời tựa trên bìa của rất nhiều cuốn sách best-seller. Bà cũng viết những cuốn sách của riêng mình. Trong quyển “Những điều tôi biết chắc”, bà tâm sự rằng sau cả một ngày dài, điều làm bà hạnh phúc nhất là không phải check mail hay trả lời điện thoại, mà được cuộn mình trong chiếc ghế ấm bên lò sởi và đắm chìm trong cuốn sách yêu thích của mình.

 

Warren Buffett khuyên bạn đọc 500 trang sách mỗi ngày để thông minh hơn và khẳng định đây là món đầu tư hết sức tuyệt vời.

 

Steve Jobs có những cuốn sách gối đầu giường mà mỗi năm ông đều đọc lại ít nhất 2 lần. Liệu đó có phải là chất xúc tác cho tài năng xuất chúng, sự nghiệp rạng rỡ và đời sống tâm hồn phong phú của ông?

 

Các bạn trẻ lạc trôi vớt vát “Thì đó là những bộ óc vĩ đại, còn tôi chỉ là những người trẻ bình thường”.

 

Vậy các bạn có từng nghe tới Rosie Nguyễn, Alex Tú, hay Phi Tuyết? Họ đều là những người Việt trẻ. Họ có các công việc kinh doanh khác ngoài viết lách. Họ thành công, hạnh phúc theo cách riêng của họ. Và họ đều là những “chú mọt sách” thực thụ.

 

Rosie Nguyễn tâm sự rằng niềm may mắn nhất trong đời cô là tìm về với sách.

 

Alex Tú trung bình đọc hai cuốn sách một tuần.

 

Phi Tuyết – tác giả của bốn đầu sách mà tôi rất thích – lại là một độc giả vô cùng hiểu biết của thể loại sách triết học, tâm linh.

 

Giờ…bạn nghĩ thế nào?

 

Quả thật, lối đi ngay dưới tay mình. Lựa chọn cầm chiếc điện thoại để tiếp tục lạc trôi trong thế giới ảo, hay đặt điện thoại xuống để cầm lên cuốn sách đều nằm ở bạn.

 



Thử thách nhỏ

 

Chúng mình cùng thực hiện một thử thách nho nhỏ: “Cai Facebook và báo mạng vào hai ngày nghỉ cuối tuần”

 

Sau hai ngày “cai nghiện”, hãy trả lời thật trung thực cho 5 câu hỏi khảo sát dưới đây:

 

Sau 2 ngày cuối tuần tuyệt đối không vào mạng hay lướt facebook, tôi:

 

1.    Có sẵn một danh sách những việc mà tôi thấy hạnh phúc và hứng khởi khi bắt tay làm

2.    Không thấy chân tay thừa thãi, đi ra đi vào chẳng biết phải làm gì

3.    Không liên tục nghĩ tới việc lướt web và facebook

4.    Hoàn toàn cảm thấy thoải mái tự nhiên khi ngồi cùng bạn bè hay đi thang máy đông người mà không có chiếc điện thoại trong tay

5.    Thấy hào hứng với cuộc sống “thực” và không đếm từng giờ cho 2 ngày thử thách nhanh trôi qua

 

 

Tôi chân thành chúc mừng bạn nếu bạn bộ câu trả lời tuyệt vời “1. Có – 2. Không – 3. Không – 4. Có – 5. Có”.

 

Các bạn đang thực sự SỐNG. Không nghi ngờ gì, mỗi ngày của các bạn luôn hạnh phúc, không phải với tả pí lù các loại thông tin từ thế giới ảo. Vì các bạn đã thực sự tận hưởng cuộc sống của mình, tận hưởng mỗi phút giây và kiến tạo nên cuộc đời mình thay vì tự nguyện làm khán giả trung thành cho cuộc đời người khác.

 

P/S: Nếu bạn lựa chọn sách để “sống sót” qua hai ngày “cai nghiện, hãy để lại comment. Tôi sẵn sàng đồng hành cùng bạn bằng cách gợi ý các đầu sách mà tôi yêu thích, những cuốn sách đã cùng tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời. 

 

Những cuộc sống đã giúp tôi sống sâu, sống thật, sống an lành và hạnh phúc. 

 

Tôi ước mong điều tương tự sẽ đến với cuộc đời của bạn.

 


Tác Giả: Vân Nguyễn

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,281 lượt xem, 1,279 người xem - 1324 điểm