Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Lợi Ích Của Việc Trở Thành Kẻ Ngốc


        Cách đây không lâu, khi hẹn cùng ngồi cafe cuối giờ chiều, cô bạn của tôi đến muộn hơn 30 phút với khuôn mặt khá căng thẳng; dựng xe lên vỉa hè, cô thận trọng đến quầy order đồ uống rồi bước đến chỗ tôi, cố gắng tỏ ra tự tin nhất có thể khiến cơ mặt cô trông mệt mỏi và thiếu tự nhiên. Vừa ngồi xuống bàn, cô uể oải cảm ơn tôi vì đã chọn cái bàn duy nhất bên ngoài ban công kín đáo vì “hôm nay tao bị soi mói đủ rồi" và bắt đầu kể về trải nghiệm “vô cùng xấu hổ" của mình ngay buổi chiều hôm đó. Cách thời điểm hẹn gặp vài giờ đồng hồ, cô tham gia một chương trình thường niên về chuyên ngành đang theo học với vai trò nghiên cứu viên, cùng với 14 sinh viên khác trên địa bàn Hà Nội, vì là người diễn thuyết thứ 6, chứng kiến sự xuất sắc của các dự án và công trình nghiên cứu đầu tiên khiến cô vô cùng căng thẳng và “tao đã vừa trình bày, vừa run, vừa láo liên nhìn phản ứng của thính giả ngồi dưới và đã quên luôn cả nội dung của chính công trình mình kỳ công nghiên cứu, tao làm mọi thứ rối tung lên, tao thề sẽ không bao giờ tái xuất hiện ở cái chương trình này nữa, tự bêu rếu bản thân thế là đủ rồi”. 

        Vừa nhâm nhi ly cafe trứng gọi lần hai, vừa nghe câu chuyện của bạn mình, tôi lặng lẽ nhớ về cái tôi “tài giỏi” - cũng như cô hiện giờ -  của bản thân hai năm về trước và thấy biết ơn con người dại khờ, quê độ và kém cỏi của mình hiện tại, nghe có vẻ vô lý nhưng, đã giúp tôi trở nên tự tin, trưởng thành hơn và học hỏi được thêm rất nhiều điều.  

NHỮNG CHIẾC KÉN VÔ HÌNH

        Thông thường, chúng ta được dạy rằng, cần phải tự tin với những thế mạnh của mình, bao gồm những kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức đã tích luỹ được. Trước một buổi diễn thuyết chẳng hạn, chúng ta thường tự nhủ rằng mình và đồng đội đã làm rất tốt, công trình nghiên cứu rất sáng tạo và tiềm năng, ta đã có nhiều kinh nghiệm thuyết trình, phong cách diễn thuyết thì vô cùng lôi cuốn,... chính những nền tảng này sẽ dẫn đến thành công đúng như mong đợi. Hay trong các mối quan hệ xã hội. Trước khi gặp khách hàng, chúng ta tự tin rằng mình có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp tốt, vẻ ngoài khá lôi cuốn và các đồng nghiệp đánh giá mình là người dễ dàng lấy được thiện cảm của khách hàng, “mọi thứ có vẻ sẽ tiến triển rất tốt đây”. Nhưng đáng tiếc thay, chính những niềm khích lệ ban đầu này có nguy cơ cao sẽ không những phản tác dụng, mà còn khiến chúng ta ngày càng thu mình vào chiếc kén đẹp đẽ của bản thân. 

        Trở lại với cô bạn của tôi, là một trong số những sinh viên xuất sắc của trường, đạt thành tích cao trong cả học tập và hoạt động xã hội, cô luôn tự tin với những gì mình đạt được, ít nhất là theo lời kể của cô. Sau một vài sự cố ở sự kiện nêu trên, cô nói với tôi “tao có cảm giác như tất cả mọi người đều đang nhìn mình với ánh mắt khinh thường, mọi người nghĩ cả công trình nghiên cứu và bài diễn thuyết đều dở tệ, tao thì là đứa quê mùa quên cả bài nói của mình, tao không chấp nhận được". Sau đó, cô thực sự rút khỏi cuộc thi mặc dù có một tấm vé vào vòng bán kết khu vực miền Bắc. Tất cả sự tự tin ban đầu mà cô có bị vùi dập chỉ vì một số sự cố mà theo cô là quá xấu hổ để nhớ lại. Với trường hợp cô bạn đi gặp khách hàng ở trên, sẽ ra sao nếu buổi gặp mặt diễn ra tại một nhà hàng, sau 10 phút đầu nói chuyện làm nóng không khí, cô vô tình bị người phục vụ làm đổ ly nước lên người, cô bối rối và cười trừ cho qua; tiếp đó, người khách hàng bắt đầu kể về buổi hoà nhạc anh ta vừa mới rời đi trước khi gặp cô, anh ta nói anh ta yêu thích nhạc cổ điển và Baroque, anh ta mê đắm Bach và Mozart, “còn cô thì sao?" anh ta hỏi. Cô không thích nghe nhạc cổ điển và cô cũng không biết gì về nó, làm sao đây? Cô bối rối và trả lời đại rằng mình thích nghe Beethoven và cuộc trò chuyện tiếp tục, người khách hàng thao thao bất tuyệt về các trường phái âm nhạc khác nhau: nhạc cổ điển, baroque, lãng mạn và các nhà soạn nhạc thiên tài của từng thời kỳ đó, còn cô ngồi lắng nghe, cố gắng tỏ ra tự nhiên nhất có thể, xoay sở một cách khó khăn và lảng đi những câu hỏi không phải sở trường của mình, cuộc trò chuyện trở nên ngại ngùng, đến khi vào việc chính, đã chẳng còn đâu sự tự tin và niềm hồ hởi ban đầu, thay vào đó, cô chỉ muốn ra quầy thanh toán cho mau lẹ. 

Nỗi ám ảnh về sự xấu hổ, nhục nhã, hổ thẹn luôn là rào cản lớn nhất mà chúng ta tự dựng nên. 

Nguồn: Pixabay 

        Chính sự khích lệ và kỳ vọng quá lớn vào bản thân khiến chúng ta khó có thể chấp nhận sự thật rằng: chúng ta bản chất đều là những kẻ ngốc, hay có thể biến thành kẻ ngốc bất cứ lúc nào. Theo đó, một mặt, ta dễ dàng bị kích động, trở nên lúng túng khi bị đưa vào tình huống mà ta cho là đáng xấu hổ; mặt khác, tâm lý phòng vệ khiến ta luôn tự hỏi liệu thái độ, hành động, lời nói của mình có khiến bản thân trông ngờ nghệch, kém cỏi, hay liệu mọi người có cười nhạo mình hay không; cuối cùng, ta chọn cách im lặng, lảng đi, hay thu mình lại. 

        Giống như loài ốc, tự tạo lớp vỏ cứng được tô vẽ bằng những vòng hào quang, chúng ta cố gắng náu mình trong đó, giấu đi điểm yếu, phần ngốc nghếch, khờ dại của mình thay vì thẳng thắn phô bày chúng, để rồi càng ngày chúng càng suy yếu, và một khi phòng tuyến bị xuyên thủng, lộ ra phần thịt mềm yếu, bèo nhèo hầu như không còn sức phản kháng. 

TRỞ THÀNH NHỮNG TÊN NGỐC, CHÚNG TA ĐƯỢC GÌ? 

        Những tên ngốc, hay đúng hơn là những tên ý thức được rõ ràng phần ngốc nghếch, ngây dại của mình, lạ thay lại là những kẻ tự tin và dũng cảm nhất. Khác với những người “tài giỏi", thay vì cố gắng tạo nên chiếc vỏ bọc hoa mỹ, những tên ngốc biết cách trực tiếp đối mặt với lỗi lầm, sự kém cỏi của bản thân và cứ thế phơi bày phần da thịt mềm yếu của mình. Nhưng không phải để chúng bị mài mòn, tàn phá, mà ngược lại, để chúng ngày càng cứng cỏi hơn. 

        Vậy rốt cuộc, trở thành một tên ngốc, chúng ta được gì? 

  1. Sự tự tin

        Việc luôn ý thức được rằng bản thân có thể hành động và có những suy nghĩ ngốc nghếch khiến chúng ta dễ dàng chấp nhận những tình huống “đáng xấu hổ", tự tin phô bày tiếng nói, ý kiến của mình thay vì sợ sệt, đắn đo suy nghĩ “liệu ý kiến này có xuẩn ngốc quá không?" “ liệu rằng họ có cười nhạo mình không?”.

        Trở lại với trường hợp của cô gái và vị khách hàng của cô, thay vì trở nên lúng túng, gượng gạo, cô hoàn toàn có thể thừa nhận rằng cô không có sở trường về nhạc cổ điển và tiếp tục cuộc trò chuyện để tìm ra chủ đề chung mà cả hai có thể cùng bàn luận một cách thoải mái, thay vì cố tỏ ra mình là người biết tất cả mọi thứ. Hoặc trong công việc và học tập, khi cần đề xuất ý kiến cá nhân, thay vì sợ rằng bạn bè và đồng nghiệp sẽ coi mình là kẻ kém hiểu biết, bạn hoàn toàn có thể chấp nhận rủi ro, nói lên tiếng nói của mình.

  1. Cơ hội học hỏi

        Việc tự tin phô bày phần ngốc nghếch của bản thân cũng là cách để chúng ta nhận định được điểm yếu của mình hoặc để người khác chỉ ra cho mình thấy, từ đó tự hoàn thiện bản thân và học hỏi từ những người xung quanh. 

        Với trường hợp cô bạn của tôi, nếu cô gạt bỏ được nỗi ám ảnh của sự “bêu rếu" (ít nhất là trong cảm nhận của cô), nhận lấy ý kiến đóng góp về những điểm yếu của bài nghiên cứu, cải thiện và tiếp tục tham gia vòng sau, cô đã có thể cho mình cơ hội để trau dồi và học hỏi được rất nhiều từ một cuộc thi lớn. Khi đi phương tiện công cộng và không biết đường, ta hoàn toàn có thể nhờ đến sự giúp đỡ, chỉ dẫn của người khác, thay vì sợ rằng họ sẽ cười nhạo, cho rằng ta là kẻ quê mùa. Hay trong trong một cuộc trò chuyện thông thường, khi bạn bè của bạn bắt đầu thảo luận về một vài đề tài bạn quan tâm nhưng chưa có nhiều hiểu biết, như y học, lịch sử, triết học,... thay vì cố bẻ lái cuộc trò chuyện vì mình không có nhiều kiến thức để “thể hiện”, bạn hoàn toàn có thể ngồi lắng nghe, sẵn sàng đặt câu hỏi và thu được thêm nhiều kiến thức từ việc đó. 

  1. Cơ hội hoà giải với chính mình 

        Thay vì chì chiết, thoá mạ bản thân vì sự ngu ngốc, kém cỏi của mình; những kẻ ngốc tự tin phô bày, chấp nhận bản thân dễ dàng tha thứ cho lỗi lầm của mình hơn. Xin làm rõ thêm rằng, khác với sự hoà giải bằng cách đưa ra những lời bao biện sáo mòn, xoa dịu bản thân trong ngắn hạn như đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những người xung quanh; sự hoà giải mà những tên ngốc có được xuất phát từ việc thẳng thắn chấp nhận những vấn đề xuất phát từ bản thân họ, mang tính dài hạn và hơn hết, là tiền đề cho nỗ lực thay đổi và hoàn thiện.   

NHỮNG TÊN NGỐC KHÔNG CÔ ĐƠN

        Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện tại, không khó để nhận thấy rằng các phương tiện truyền thông hay các nền tảng mạng xã hội là sân chơi lý tưởng cho những người “tài giỏi”, “hợp thời”. Trên khắp các mặt báo là hình ảnh thanh thiếu niên ưu tú, “con nhà người ta"; những người bạn trong list friend đều có profile xếp vào hàng “khủng”,.....Liệu bức tranh hoàn mỹ này có còn chỗ cho những kẻ ngốc nghếch, kém cỏi, lỗi thời?! 

        Trong thực tế, ý thức về sự bất toàn, ngốc nghếch của con người không hề bị ngó lơ, mà ngược lại, chúng được các tác giả, nghệ sĩ, hoạ sĩ thể hiện muôn hình muôn vẻ qua các tác phẩm của mình. 

        Trong bức tranh sơn dầu nổi tiếng “The Netherlandish Proverbs" - vẽ năm 1559, danh hoạ người Hà Lan Pieter Bruegel mô tả một vùng nông thôn với đầy rẫy những kẻ điên cuồng, ngốc nghếch, cụ thể như người đàn ông tự đập đầu mình vào tường gạch (phía dưới góc trái), người đàn ông khác làm đổ nguyên nồi cháo đang nấu dở (phía dưới góc phải) hay người phụ nữ cố gắng buộc một tên ác quỷ chỉ bằng một chiếc khăn (phía dưới cùng bên trái), Thể hiện bức tranh tổng thể xã hội được tạo nên bởi từng cá nhân bất toàn. 

Tổng thể xã hội được tạo nên bởi từng cá nhân bất toàn. 

Bức tranh sơn dầu “The Netherlandish Proverbs” của danh hoạ Pieter Bruegel

Nguồn: The Art Story

        Trong bộ sách đồ sộ “Đi tìm thời gian đã mất" của Marcel Proust - người được nhận định là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XX, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các nhân cách, trí tuệ méo mó, bất toàn, ở mọi tầng lớp, địa vị xã hội khác nhau, từ bà giúp việc Francoise đến ngài Swann thuộc dòng dõi quý tộc. Theo đó, “Francoise sẽ chẳng tỏ ra ngạc nhiên. Ta có thể tuyên bố rằng đại công tước Rudolf, người bà chưa từng ngờ là có tồn tại, không chết như ta vẫn nghĩ mà đang sống và sống tốt, và bà hẳn sẽ đáp rằng ‘Đúng thế đấy’ như thể bà vẫn chẳng lạ gì chuyện đó”. (Trích “Bên phía nhà Swann” thuộc bộ sách “Đi tìm thời gian đã mất" của Marcel Proust). Vì cho rằng mình biết mọi thứ, bà thường hoảng sợ với những gì mình không tỏ tường. Trong cuốn sách “Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào?” của Alain de Botton, ông chỉ ra rằng mặc dù cách suy nghĩ của Francoise phần nào thể hiện nỗi khao khát tri thức (có phần méo mó) của bà, nhưng sự thực về vị Đại công tước Rudolf vẫn sẽ mãi chỉ là bí ẩn cho đến khi bà chịu chấp nhận một sự thật mất mặt tạm thời nhưng cần thiết để đặt ra câu hỏi “Ông ta là gã quái nào vậy?”. Hay về ngài quý tộc Swann đẹp trai, giàu có, hóm hỉnh, thông minh; người được ăn trưa cùng tổng thống, bạn của hoàng tử xứ Wales, lòng ghen tuông mù quáng khi yêu khiến ông cư xử thiếu suy xét, ngốc nghếch và vô cùng khờ dại.                                           

        Suy cho cùng, mặc cho vẻ ngoài hào nhoáng, bóng bẩy, chúng ta sau rốt đã, đang và vẫn sẽ là những tên ngốc (không ở lĩnh vực này, thì là lĩnh vực khác). Có thể khi dám thể hiện cái tôi ngốc nghếch đó, sếp sẽ cười vào mặt chúng ta vì ý tưởng tồi tệ; bạn gái/bạn trai có thể thẳng thừng từ chối lời cầu hôn; hay người qua đường có buông lời châm chọc vì ta bị lạc đường;... nhưng những điều đó, thay vì mang lại buồn phiền và bực bội, chỉ như phương tiện giúp chúng ta xác nhận lại một điều mà xưa nay đã thấu hiểu “Ta là một tên ngốc” thôi mà. Ít nhất, bằng cách dám thử, chúng ta cho mình 50% cơ hội được phụ trách một dự án quan trọng, được chấp nhận lời cầu hôn, hay được chỉ đường tới một quán ăn ngon, thay vì mãi đặt câu hỏi hay tưởng tượng ra những khả năng có thể xảy ra của chúng. Hay nói cách khác, đó là cách ta tự mở ra cho mình muôn vàn cánh cửa mới thay vì mãi ẩn náu trong cái vỏ đẹp đẽ, bóng lộn của bản thân. 


Tác giả: HV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vuong.hoang.1998 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,011 lượt xem, 2,955 người xem - 2966 điểm