Elva Jasmine@Triết Học Tuổi Trẻ
5 năm trước
Lời Thú Tội Của "Con Nhà Người Ta"
Có lẽ từ mà giới trẻ ghét nhất chính là “con nhà người ta” – chính là cái giống hoàn hảo không một khuyết điểm trong truyền thuyết mà bố mẹ hay lôi ra so sánh với chúng ta từ khi chúng ta sinh ra trên mặt đất. 9,10 tháng, con nhà người ta biết đứng, biết bập bẹ O A rồi mà con nhà mình chậm nói thế? Lớp 1, con nhà người ta tự đến trường được, xung phong làm lớp trưởng rồi mà con mình còn rụt rè thế kia. Cấp 2, con nhà người ta được đi thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, đăng ký vào trường chuyên của tỉnh, con mình chỉ dám mơ đủ điểm vào một trường sàn sàn. Rồi con nhà người ta vào đại học top đầu, được học bổng nọ kia, được công ty gì đó mời về làm, lương tháng chục củ, con nhà người ta lấy chồng có con hết rồi, con mình ế sưng ế xỉa bla bla… Những lời so sánh đó, nghe có vẻ đùa vui đấy, đưa mình động lực tiến lên đấy, thực ra đầy mỉa mai, đau đớn, khiến những đứa trẻ bị so sánh ngày càng tự tin, căm ghét cái đứa “con nhà người ta” mà mình chưa từng biết mặt và không dưng nổi quạu với bố mẹ.
Tôi
chính là đứa trẻ đó. Một đứa em họ hàng xa lắc xa lơ, cả năm không thấy mặt,
chính là được đem ra để làm tấm gương cho tôi học tập. Con bé xinh xắn, học giỏi,
thậm chí vừa học vừa nghe nhạc vừa xem ti vi vậy mà 4 năm đại học đều đạt thành
tích cao, ra trường bằng xuất sắc. Câu chuyện về nó cứ lặp đi lặp lại trong mỗi
bữa cơm gia đình tôi và những cuộc nói chuyện từ nhỏ đến lớn, vô hình trung khiến
tôi cảm thấy căm ghét con nhỏ đó.
Lên cấp 2, một cô bạn tôi chơi cùng đột nhiên nghỉ chơi với tôi, dần dà tôi mới biết, tôi chính là “con nhà người ta” trong mắt mẹ nó. Trong khi 2 bà mẹ nói chuyện với nhau, mẹ tôi “vô tình” kể các thành tích học tập đáng tự hào từ khi tôi còn học mẫu giáo ra, đến bây giờ, dự định cho tôi thi học sinh giỏi cấp huyện và 1 trường cấp 3 danh tiếng trên thành phố. Tôi thừa nhận, 12 năm đi học luôn học rất tốt, luôn thức quá 2 giờ sáng làm hết bài tập, mua thêm cả sách nâng cao, luôn đứng đầu lớp về điểm trung bình môn và nhiệt tình tham gia các cuộc thi từ địa phương đến trường học. Càng có thành tích, tôi càng nhận ra việc để duy trì nó thật khó. Tôi biết được kỳ vọng của mọi người dành cho mình, ánh mắt rực rỡ của ông bà, cái vỗ ngực tự hào của bố mẹ, và được nêu tên trong cuộc họp xóm. Tôi trở thành hình mẫu lý tưởng của một người học sinh, và tôi phải luôn như vậy.
Kết
quả là tôi - “con nhà người ta” bị ghét, hoặc không ai chơi cùng, giống như cái
sự ghét vô lý mà tôi dành cho con nhỏ em họ. Nhưng đó không phải là điều tôi bận
tâm, miễn tôi vẫn là người học giỏi nhất.
Thời đại học của tôi, mọi chuyện thay đổi 360 độ. Tôi chuyển ra ở trọ, và học chuyên ngành tôi không hứng thú là mấy. Tôi không nghe những lời tung hô nữa, tôi cũng không thể tiếp thu được lượng kiến thức khó nhằn trên trường, sau một kỳ, tôi biết tôi không phải là “con nhà người ta” nữa.
Tết
năm ấy, mọi thứ trở nên thật tồi tệ. Cô dì chú bác hỏi “Học giỏi nhất lớp
không?” “Kỳ này được học bổng chứ?” “Đi làm có được 10 triệu 1 tháng không?” dồn
dập dồn dập lên, khiến tôi cảm thấy như có hòn đá đang đè lên tim mình, tôi chỉ
muốn tìm cái lỗ nào để mà trốn đi, để mà không phải nghe những câu hỏi ấy nữa.
Thế
là, từ hôm ấy, mỗi lần về nhà thăm bố mẹ, họ hàng, tôi chỉ dám kể ra những điều
gì tốt đẹp nhất, những thành tích đáng nói nhất, thậm chí phóng đại lên, để đỡ
mất mặt và để không làm những người luôn kỳ vọng vào “con nhà người ta” thất vọng.
Có lẽ, nhiều người không biết, làm “con nhà người ta” mệt mỏi biết chừng nào. Hoặc gồng mình lên để tô điểm cho các danh hiệu ấy, hoặc phải giấu đi những cảm xúc thật, những mệt mỏi, áp lực đằng sau sự hào nhoáng đấy, thậm chí với những người thân nhất, để họ không thất vọng.
Có
lẽ, nhiều người không biết, làm “con nhà người ta”. Giống như tôi, đang là một
đứa học giỏi của 12 năm, lên đại học, mọi thứ đều không giống, cái danh hiệu giỏi
nhất lớp ấy chẳng giữ được, bỗng dưng khiến người ta thất vọng.
Thực sự thì mọi chuyện chẳng tệ đến thế. Tôi được làm công việc part-time tôi muốn, được tham gia sự kiện tình nguyện tôi thấy có ý nghĩa và học vừa đủ những môn tôi thích. Hay một ai đó, đang là “con nhà người ta” lương tháng nghìn đô ở công ty nước ngoài, bỏ việc đi khởi nghiệp. Trong mắt mọi người, anh ta trở thành kẻ gàn gở, ngu ngốc, chẳng ai quan tâm đó có phải việc anh ấy muốn làm hay không và mục tiêu cuộc đời anh ấy là gì. Hay lại cô gái nào đó, chưa từng ngồi sổ đầu bài hay yêu đương gì, được mệnh danh là gái ngoan của xóm, cái ngày cô gái nhuộm tóc xanh và học nhảy, đã trở thành “gái hư mắt xanh mỏ đỏ đú đởn đàn đúm” trong mắt mọi người mất rồi. Họ nhìn chúng tôi với ánh mắt trầm trồ vì một điều gì đó chúng tôi đạt được-hoặc có vẻ như thế, cho chúng tôi vào cái khung “con nhà người ta” và khi chúng tôi đi chệch ra, chúng tôi chỉ là kẻ hết thời, kẻ gàn dở, kẻ thất bại, kẻ khiến gia đình xấu hổ.
Thực
không đáng!
Nếu
bạn đã từng như tôi, ghét cái đứa “con nhà người ta” được bố mẹ dẫn ra, thì đừng
ghét nó, cũng đừng giận bố mẹ. Bởi bạn chưa thực sự hiểu người ta, chưa biết
người ta đã chịu đựng áp lực như thế nào, đã nỗ lực bao nhiêu. Và nếu bạn là “con
nhà người ta”, đừng sống theo cái label đó, hãy là “con của bố mẹ” – một người
biết tự hào và chịu trách nhiệm cho cách sống của mình, vậy là đủ rồi.
Tác Giả: Elva @ Đại học Ngoại thương
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Elvaontheway
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,065 lượt xem, 1,007 người xem - 1007 điểm