Nguyễn Văn Tài@Triết Học Tuổi Trẻ
3 năm trước
Lòng Trắc Ẩn Như Là Nền Tảng Của Hành Vi Đạo Đức Theo Schopenhauer Trong Tác Phẩm "Uber Die Grundlage Der Moral"
Tóm
tắt: Ngang qua những chân lý hiển nhiên được trình
bày dưới dạng những châm ngôn tiên quyết và giả thuyết về ba loại động cơ căn
bản thúc đẩy hành động, Arthur Schopenhauer, trong tác phẩm Über die Grundlage der Moral, cho rằng
lòng trắc ẩn (compassion) chính là nền tảng của hành vi đạo đức, được thể hiện
qua hai cấp độ: công bình và tình yêu. Cơ sở siêu hình học cho tư tưởng của ông
là: không có sự tách biệt giữa bản ngã và phi ngã; những
thực thể khác nhau trong vũ trụ thực chất chỉ là sự biểu lộ của cùng Một Thực Thể
Duy Nhất.
Từ khóa: Lòng trắc ẩn, nền tảng đạo đức, Arthur Schopenhauer.
Dẫn
nhập
‘Thế nào là một hành vi có đạo đức?’
dường như luôn là một câu hỏi có tính kinh điển và xuyên đại. Nói khác đi, con
người thời nào cũng khắc khoải trong việc xác định nền tảng hay tiêu chuẩn để
từ đó một hành vi sẽ được đánh giá là tốt hay xấu, đúng hay sai. Theo Arthur
Schopenhauer, trong tác phẩm Über die
Grundlage der Moral (On the Basis of Morality), sau khi kết án lý thuyết
đạo đức mệnh lệnh vô điều kiện[1]
của Immanuel Kant là “vô lý, thiếu nền tảng và phi thực tế”[2],
trong cả “phương pháp, hình thức, nội dung, lẫn ý niệm động cơ”[3],
đã cho rằng: nền tảng của hành vi đạo đức nằm ở lòng trắc ẩn (compassion). Để
làm sáng tỏ quan điểm trên, bài viết này sẽ họa lại tư tưởng của Schopenhauer trong
tác phẩm Über die Grundlage der Moral
của ông theo trình tự sau: một số chân lý hiển nhiên dưới dạng những châm ngôn
tiên quyết sẽ được trình bày đầu tiên; kế đến là ba loại động cơ căn bản thúc
đẩy hành động; tiếp theo là phần luận bàn về lòng trắc ẩn như là nền tảng của
hành vi đạo đức; sau đó, hai cấp độ của lòng trắc ẩn sẽ được đề cập; cuối cùng
là phần trình bày về nền tảng siêu hình học của hiện tượng lòng trắc ẩn. Bài
viết sẽ kết thúc với phần kết luận và một vài bàn định liên quan đến những nội
dung trên.
Trước hết, để có thể hiểu được lý
thuyết đạo đức mà ông sẽ trình bày, Schopenhaur giả thiết độc giả phải thủ đắc
và chân nhận một số chân lý căn bản mà ông gọi là những “châm ngôn tiên quyết”.
Trong đó, Schopenhauer nêu ra 9 châm ngôn. Dưới đây là phát biểu ngắn gọn của 5
châm ngôn nổi bật trong số đó[4]:
(1) Không một hành động nào có thể xảy ra mà không
có một động cơ đủ lớn.
(3) Mọi động cơ thúc đẩy ý chí đều liên quan đến cảm
thức về hạnh phúc và đau khổ.
(6) Một hành động được xem là vị kỷ nếu nó chỉ nhắm đến
hạnh phúc hay đau khổ của bản thân.
(8) Một hành động đạo đức sẽ không có tính vị kỷ; ngược
lại, một hành động vị kỷ sẽ không có giá trị đạo đức.
(9) Giá trị đạo đức của một hành động hệ tại ở hiệu quả mà nó tạo
ra cho người khác; đó có thể là hành động của công bình hay tình yêu.
Trên cơ sở
những châm ngôn này, Schopenhauer cho rằng hạnh
phúc và đau khổ chính là gốc rễ, là đối tượng tối hậu mà từ đó người ta
quyết định làm hay không làm cái gì, dù là cho người khác hay cho chính bản
thân mình.[5]
Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa việc làm cho bản thân và làm cho tha
nhân. Đó cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa hành động vị kỷ và hành vi đạo đức.
Dưới đây là những mô tả sơ lược về hành động vị kỷ.
Thứ nhất,
nếu mục đích của hành động chỉ hướng đến ích lợi của bản thân, dù là ở đời này
hay ở đời sau, hoặc là vì danh dự, lời khen, hay chỉ đơn giản là để nhận được
sự đồng cảm từ người khác,..., tất cả những điều đó đều được Schopenhauer gọi
là hành động vị kỷ. Thứ đến, sẽ là vị kỷ nếu người ta làm những điều tốt đẹp
nhưng với động cơ vụ lợi, hoặc vâng phục một lệnh truyền chỉ vì sợ hậu quả của
sự bất tuân. Thứ ba, cũng là vị kỷ khi người ta quá đề cao công trạng, ý tưởng
hoặc những phẩm tính cao cả và độc đáo của bản thân mà thiếu đi lòng khiêm
nhường. Cuối cùng, nếu người ta nỗ lực hành động chỉ đơn thuần vì mục đích hoàn
thiện bản thân, Schopenhauer cũng xem đó là hành động vị kỷ.[6]
Tóm lại, bất kỳ hành động nào được thúc đẩy bởi động cơ tìm kiếm hạnh phúc hoặc
tránh né đau khổ cho bản thân đều không có chút giá trị đạo đức nào theo
Schopenhauer.
Trái lại, hành
vi đạo đức xuất phát từ động cơ duy nhất là vì hạnh phúc và đau khổ của người
khác. Động cơ ấy thúc đẩy người ta làm hay không làm một điều gì đó; hoàn toàn
không có bóng dáng của tư lợi hay ước muốn gây hại cho tha nhân. Theo đó, trước
khi trình bày chi tiết về hành vi đạo đức cùng với nền tảng của nó, việc tìm
hiểu sơ lược về ba loại động cơ căn bản thúc đẩy hành động sẽ là một điều cần
thiết.
Ba loại động cơ căn bản thúc đẩy hành
động
Như đã trình bày, châm ngôn số 1
của Schopenhauer nói rằng: “Không một hành động nào có thể xảy ra mà không có
một động cơ đủ lớn”. Quả thế, cũng giống như một thiết bị máy móc sẽ không thể
vận hành nếu không nhận đủ nhiên liệu/điện tích; hoặc một hòn đá sẽ không di
chuyển nếu không được tác động bởi một lực đẩy hay lực kéo đủ mạnh. Tương tự, theo
Schopenhauer, mọi hành động của con người đều phải được thúc đẩy bởi một trong
số ba loại động cơ sau đây[7]:
(1) Vị kỷ (Egoism): ước muốn hạnh phúc cho bản thân; (2) Ác tâm (Malice): ước
muốn đau khổ cho người khác; và (3) Lòng trắc ẩn (Compassion): ước
muốn hạnh phúc cho người khác.
Trước hết, nếu một người hành động chỉ để
mong cầu và lĩnh đạt những điều tốt đẹp cho riêng bản thân mình thì
Schopenhauer gọi đó là vị kỷ. Trớ trêu thay, theo Schopenhauer hay trước đó là
Blaise Pascal, bề ngoài lối sống vị kỷ tưởng chừng sẽ giúp người ta có thể tự
vun vén được nhiều niềm vui và ích lợi, nhưng thực chất, lối sống ấy chẳng thể
đem lại cho họ niềm hạnh phúc chân thực. Vì ước vọng của con người là vô cùng mà
sự thỏa mãn lại chẳng bao nhiêu. Giả như có đáp ứng được nhu cầu này thì nhu
cầu khác lại nảy sinh. Cứ thế, nhu cầu sinh ra nhu cầu. Như vậy, cuộc sống mà
con người đang ngụ tại thật là một cõi hư ảo và đầy dẫy những nghịch lý hiện
sinh. Trong đó, người ta cứ phải gắng sức tích góp và vùng vẫy để thoát ra khỏi
vũng lầy của phiền muộn, nhưng rồi khi vừa chợt thấy niềm hạnh phúc và chốn nghỉ
ngơi cho tâm hồn thì nó lại vụt tan đi như làn mây trong cơn mộng tưởng. Thậm
chí, nhiều người đã tìm đến các trò tiêu khiển, như những con thiêu thân lao
mình vào ánh sáng, chỉ để được sưởi ấm trong giây lát rồi vĩnh viễn chia ly
cuộc đời. Theo đó, có lẽ Pascal đã đúng khi nói về những người vị kỷ loại này rằng:
“người ta không phải hổ thẹn khi đầu hàng trước nỗi đau, nhưng cần phải biết
xấu hổ khi bị niềm vui khuất phục”[8].
Như vậy, hành động vị kỷ không những không phải là hành động đạo đức mà còn vô
tình đem lại những điều bất hạnh cho con người.
Thứ đến, sẽ là ác tâm nếu người ta hành động với ý hướng
làm tổn hại hoặc gây đau khổ cho người khác. Điều này thậm chí có thể dẫn đến
những hành động tàn ác nhất mà người ta có thể nghĩ tưởng được[9]
như diệt chủng, ném bom nguyên tử… Quả thế, khi đứng trước những thảm cảnh mà
con người gây ra cho nhau, Schopenhauer đã phải đau đớn thốt lên rằng: “kẻ dữ thì ăn thịt đồng loại, còn kẻ lành thì lừa
gạt lẫn nhau, và người ta gọi đấy là lộ trình của thế giới”[10]. Theo đó, động cơ ác tâm không chỉ dẫn đến những hành động vô đạo đức
mà còn vô nhân đạo nữa.
Cuối cùng, theo Schopenhauer, chỉ có
lòng trắc ẩn, mà theo đó, với lòng hào hiệp và quảng đại, người ta chỉ còn biết
mong muốn và thực thi những điều tốt đẹp cho người khác, sao cho họ được giảm
bớt đau khổ và gia tăng hạnh phúc.[11]
Vì thế, phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày chi tiết về yếu tính và biểu
hiện của lòng trắc ẩn, là điều làm nên giá trị đạo đức cho một hành động.
Lòng trắc ẩn như là nền tảng của hành vi
đạo đức
Schopenhauer nhận thấy sự cần thiết của
việc chỉ ra những tiêu chuẩn của hành vi đạo đức trước khi trình bày học thuyết
đạo đức của mình. Theo đó, ông đưa ra tiêu chuẩn thứ nhất của hành vi đạo đức,
đó là sự vắng bóng của tất cả những động cơ vị kỷ và ác tâm. Tiêu chuẩn thứ hai
mang tính nội tại và do đó khó nhận biết hơn, đó là sự vắng bóng của lòng tự
mãn, tự hài lòng của cái gọi là sự chuẩn nhận hay sự thanh thản của lương tâm. Cuối
cùng, tiêu chuẩn mang tính ngoại tại và có phần khách quan hơn, đó là: những
hành vi đạo đức đưa đến sự trân trọng và thừa nhận của người khác; ngược lại,
hành vi ích kỷ hoặc ác tâm sẽ bị khinh miệt và phản đối. Trên cơ sở đó, Schopenhauer
xây dựng học thuyết đạo đức mà ông cho rằng đây là khả thể duy nhất, là học
thuyết nghiêm túc và chân xác đến mức không thể phủ bác và hoàn toàn khác biệt
so với những học thuyết trước đó, là những gì ông gọi là ngụy biện, quá chi ly,
những công thức tiên thiên mong manh, xáo rỗng, thậm chí là không tưởng.[12]
Vì thế, theo Schopenhauer, lòng trắc ẩn
mới thực là động cơ và là nền tảng duy nhất của hành vi đạo đức. Trong đó, hạnh
phúc của tha nhân trở thành đích nhắm tối hậu cho ý chí của tôi. Đồng thời, tôi
cũng ôm ấp và mang vác lấy đau khổ của tha nhân và cùng cảm nhận nỗi thống khổ
của họ như thể đó là nỗi đau của chính tôi vậy. Nghĩa là, tôi không chỉ biết và
hiểu về tha nhân như một người đứng ngoài nhìn vào bức tranh cuộc đời của người
khác, rồi bày tỏ lòng thương hại đối với họ, nhưng tôi trở nên đồng hình đồng
dạng với họ và trực tiếp thông dự vào sự đau khổ của họ. Từ đó, tôi nỗ lực hành
động cách cụ thể và chan chứa tình yêu, trong việc ngăn cản hoặc loại bỏ đau
khổ ra khỏi cuộc sống của tha nhân, ngõ hầu họ có thể đạt được sự mãn nguyện,
lành mạnh và hạnh phúc chân thực. Đây là những gì mà Schopenhauer gọi là hiện tượng lòng trắc ẩn (the phenomenon
of compassion), là mầu nhiệm cao cả của Đạo đức (the great
mystery of Ethics), và cũng là nền tảng duy nhất cho sự công bình tự nguyện và
tình yêu chân chính.[13]
Theo đó, công bình và tình yêu cũng chính là hai cấp độ của lòng trắc ẩn mà
phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày.
Khi đứng trước đau khổ của tha nhân,
Schopenhauer xác định có hai loại chuyển động khác nhau với những mức độ khác
nhau, trong việc thúc đẩy tôi làm hay không làm một việc gì đó. Chuyển động thứ
nhất cũng là cấp độ thứ nhất của lòng trắc ẩn, đó là chuyển động chống lại tư
tưởng vị lợi và ác tâm. Chuyển động này ngăn cản tôi trực tiếp gây ra hoặc trở
thành nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ của người khác. Đây là cấp độ của sự công
bình (justice). Cấp độ thứ hai, cao hơn cấp độ thứ nhất, là cấp độ của tình yêu
(loving-kindness). Trong đó, tôi chủ động chạy đến và giúp đỡ tha nhân cách cụ
thể và thiết thực nhất theo khả năng của mình.
Ở cấp độ thứ nhất, lòng trắc ẩn được
biểu lộ trong chừng mực của đức công bình – không làm điều này, không làm điều
kia, không gây tổn hại và đau khổ cho người khác. Do đó, dù vẫn được xem là đạo
đức nhưng Schopenhauer xếp cấp độ này vào loại thụ động, tiêu cực. Dẫu vậy, theo
bản tính tự nhiên, hành động của con người thường bị thôi thúc bởi những nhu
cầu, khát vọng, nóng giận và ghen ghét. Theo đó, người ta dễ hành xử cách thô
bạo và bất công với người khác dù là thể lý (đánh đập, hành hạ) hay tinh thần
(sỉ nhục, vu khống, nói xấu, làm buồn phiền, lo lắng, thậm chí là cám dỗ họ
phạm tội). Khi đó, lòng trắc ẩn ở cấp độ công bình, tuy mang nét tiêu cực,
nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong việc giúp con người làm chủ hành vi của
mình, bằng việc nói với chính mình rằng: “Hãy dừng lại”; “Đừng làm điều đó”.
Nguyên lý nền tảng của cấp độ thứ nhất này là: Neminem laede - Đừng làm hại
ai![14]
Vì thế, hành động công bình có thể được xem là có giá trị đạo đức.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu có ai
đó muốn làm hại tôi, thì không phải tôi, nhưng chính người đó, là nguyên nhân
dẫn đến những gì tôi buộc phải làm để tự vệ, và kết quả là tôi có thể chống lại
sự tấn công của người đó, mà không vi phạm luật công bình. Việc thực hành này
được Schopenhauer đặt nền trên nguyên tắc thực tiễn mang tính tiên nghiệm: causa causae est causa effectus - nguyên nhân của một nguyên nhân cũng chính
là nguyên nhân của hậu quả mà nó gây ra.[15]
Đây cũng là điều mà ông gọi là luật luân lý phản kháng (a law of moral
repercussion). Tương tự, không phải lời nói dối nào cũng là vô đạo đức hoặc đem
đến sự bất công. Theo Schopenhauer, Đạo đức cho phép người ta nói dối trong
trường hợp họ cần phải làm như thế để tự vệ hoặc vì một lợi ích lớn hơn cho
người khác. Chẳng hạn, vị bác sĩ nói dối bệnh nhân về bệnh tình của họ, để họ
yên tâm điều trị và phục hồi, thì tốt hơn là nói sự thật để họ bị sốc và chết
trước thời điểm họ phải chết. Trong những trường hợp đó, nói dối còn là một bổn
phận. Cuối cùng, người ta cũng không thể kết án một người nói dối nếu người đó
đang trong tâm trạng lo sợ hoặc thất đảm.[16]
Tóm lại, bổn phận công bình theo Schopenhauer không hệ tại ở những nguyên tắc
đạo đức nhất quyết như I. Kant đã trình bày, chẳng hạn, người ta tuyệt đối
không được nói dối bất luận hoàn cảnh ra sao, nhưng hệ tại ở tính tự chủ và
công tâm, sao cho khi quyết định làm hay không làm một việc gì đó, tôi không
gây ra tổn hại vô cớ cho tha nhân.
Kế đến là cấp độ thứ hai cũng là cấp độ cao nhất của lòng trắc ẩn, trong đó vì tình yêu mà người ta quyết định làm hay không làm một điều gì đó cho người khác, với mục đích duy nhất là đem lại hạnh phúc cho họ. Schopenhauer nhấn mạnh rằng tình yêu tuy không được xếp vào số bốn nhân đức trụ cột,[17] nhưng nó lại được xem là ‘nữ hoàng của các nhân đức ấy’ (queen of all). Thậm chí, trong Kitô giáo, tình yêu còn vươn đến hạnh phúc của những người được xem như là kẻ thù. Do đó, nếu công bình được xem là đặc tính ‘tiêu cực và thụ động’ của lòng trắc ẩn, thì tình yêu chính là đặc tính ‘tích cực và chủ động’ của nó. Vì tình yêu không chỉ ngăn cản tôi làm hại người khác, nhưng còn thúc bách tôi nâng đỡ và trợ giúp họ cách tinh tế và sâu sắc nhất có thể; ngay cả khi điều đó khiến tôi bị tổn hao sức lực thể lý cũng như tinh thần, thậm chí lấy đi tài sản, tự do và cả mạng sống của tôi, mà không mong được đền đáp hay bất kỳ một phần thưởng nào. Theo đó, nguyên lý của hành động yêu thương chính là: Omnes, quantum potes, juva – giúp đỡ tha nhân bao nhiêu có thể trong khả năng của bạn.[18] Chính ở điểm này mà một hành động được xem là có đạo đức, và cũng vì thế mà người khác có thể nhìn vào đó với một sự hài lòng, tôn trọng và chân nhận. Như vậy, lòng trắc ẩn có thể được xem như là nền tảng của hành vi đạo đức theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng hơn cần phải giải quyết lúc này, đó là: đâu là nền tảng của hiện tượng lòng trắc ẩn?
Nền tảng siêu hình của hiện tượng lòng trắc ẩn
Cho đến thời của
Schopenhauer, nhiều triết gia đã xây dựng các học thuyết đạo đức khác nhau,
trên những nền tảng như tốt/xấu (John Mill Bentham, John Mill); đúng/sai (Immanuel Kant); hay sự phát triển toàn diện của con
người (Thomas
Aquinas). Tuy nhiên, Schopenhauer không lấy làm hài
lòng với bất kỳ một nền tảng hiện sinh hay duy nghiệm nào trong số đó. Ông cho
rằng Đạo đức học chỉ có thể được giải thích một cách trọn vẹn và thấu
đáo trong ánh sáng và nền tảng của Siêu hình học. Cụ thể, nền tảng siêu
hình của hiện tượng lòng trắc ẩn là: không có sự tách biệt giữa bản ngã và phi ngã; những thực thể khác nhau trong vũ trụ thực chất chỉ là sự
biểu lộ của cùng Một Thực Thể Vô Hình Duy Nhất (A Single Indivisible Entity)[19].
Trong trường hợp vị kỷ và ác
tâm như các phân tích ở trên, dường như người ta đã phân tách quá rạch ròi giữa
bản ngã - ego (là những gì chỉ giới
hạn trong chính bản thân) với phi ngã –
non-ego (là tất cả những phần còn lại của thế giới). Khi đó, họ đang sống
theo châm ngôn: Pereat mundus, dum ego
salvus sim – thế giới phải chết đi, để tôi được sống. Trái lại, với những
hành động xuất phát từ lòng trắc ẩn, bản ngã của tha nhân được xếp ngang hàng
với bản ngã của tôi. Nói khác đi, tha nhân chính là tôi, ngã và phi ngã là một.
Thậm chí, tôi sẵn sàng thí mạng sống mình để người khác được cứu. Dù rằng, tất
cả những gì chúng ta biết về bản thân và tha nhân chỉ là những hiện tượng bên
ngoài, được nhận biết ngang qua cảm xúc, thái độ, hành vi; còn bản chất thực sự
của tôi và của người khác là gì thì tôi không biết, nhưng có một điều chắc chắn
tôi có thể biết, đó là: yếu tính của tất cả chỉ là một và đồng nhất với nhau.[20]
Vậy ta phải giải thích thế
nào về sự đa dạng của những thực thể trên thế giới này? Schopenhauer nói rằng
việc đó có thể lý giải được ngang qua ý niệm về Thời gian (Time) và Không gian
(Space), là những khái niệm tiên nghiệm (a priori) vốn đã được Immanuel Kant[21] đề cập. Thật vậy, sở dĩ chúng ta có cảm nhận về “cái nhiều” (many)
là vì ta nhìn vào chúng ở những thời điểm khác nhau (sự tiếp nối của thời gian)
và những vị trí khác nhau (sự tương đối của không gian). Do đó, chúng trình
hiện ra cho các giác quan của chúng ta dưới những dạng thức có vẻ là khác nhau,
trong sự giới hạn của năng lực sinh thể và nhận thức của chúng ta, nhưng thực
chất chúng là một thực thể đơn nhất.[22] Đây cũng là lý do vì sao cùng một sự vật, khi được quan sát bởi
những người khác nhau, tại những thời điểm hoặc vị trí khác nhau, lại có những
mô tả khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau về sự vật đó. Như vậy, thực thể
chỉ là một và đồng nhất, nhưng chúng xuất hiện dưới những hiện tượng khác nhau,
tùy theo khả năng nhận thức của chủ thể tri giác chúng. Đó chính là nền tảng
siêu hình cho hiện tượng lòng trắc ẩn mà
Schopenhauer đã xây dựng cho học thuyết đạo đức của mình.
Trở lại với kinh nghiệm hiện sinh, khi
nằm trên giường bệnh trong giờ phút lâm chung, tâm trí con người thường bị
chiếm đoạt bởi ký ức về những việc họ đã làm. Trong đó, họ ân hận về những điều
bất công mà họ đã gây ra cho người khác. Khi ấy, họ sẽ chẳng còn muốn người ta
nói về những thành tích lớn lao mà họ đã đạt được, nhưng điều mà họ muốn nghe là
sự tha thứ và hòa giải từ những người mà họ đã làm tổn thương. Chỉ như thế, họ
mới có thể an bình ra đi được. Vì thế, cách tốt nhất để có được sự thanh thản
trong giờ phút cuối đời, là chừng nào còn sống, người ta cần phải cố gắng chọn
lựa sống sao cho có đạo đức, bằng việc đối xử công bằng với người khác và yêu
thương họ như chính bản thân mình, vì tất cả chúng ta đều giống nhau, đều là thành
phần của một thực thể duy nhất; và vì cả thế giới vốn chỉ là một vô ngã tuyệt đối (absolute non-ego).[23]
Có lẽ, đó cũng là một phần thông điệp mà Schopenhauer muốn truyền tải trong tác
phẩm Über die Grundlage der Moral của
ông.
Theo đó, Schopenhauer cho rằng bản chất
sâu xa nhất của con người chính là lòng trắc ẩn, được biểu lộ trong hình hài
của những hành động công bình và yêu thương. Người nào luôn hành động với lòng
trắc ẩn, thì giống như ngọn lửa luôn tỏa ra hơi ấm ở bất cứ nơi đâu mà nó được
thắp lên, sự hiện diện của người ấy cũng sẽ là sự hiện diện lan tỏa sự điềm
nhiên, bình an và hạnh phúc; một sự hiện diện mang đến sự đồng cảm và chữa lành
cho những người xung quanh. Schopenhauer còn nhấn mạnh: nếu một ai đó không có
lòng trắc ẩn, thì họ sẽ không còn được gọi là người nữa.[24]
Quả thế, điều tương tự cũng được Mạnh Tử - một nhà hiền triết Trung Hoa nhắc
đến trong cuốn Công Tôn Sửu Thượng
như sau: Vô trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã[25]
- không có lòng trắc ẩn, chẳng phải là
người. Để minh họa, khi thấy một đứa trẻ rơi xuống giếng, người ta vội vàng
lao xuống mà cứu nó. Chẳng phải vì họ quen biết cha mẹ của đứa trẻ, cũng không
phải để người đời tán tụng ca khen, hay vì sợ bị mang tiếng là bất nhân bất
nghĩa. Nhưng chính bởi lòng trắc ẩn tự nhiên nảy sinh trong tâm khảm đã thôi
thúc họ hành động như thế.[26]
Như vậy, lòng trắc ẩn chính là bản chất của con người, cũng là điều then chốt
làm nên sự khác biệt căn bản giữa con người với những sinh vật khác. Vì chưng
theo Mạnh Tử, trên đời “không có chuyện tính con chó giống với tính con trâu,
tính con trâu giống như tính con người được”[27].
Đó cũng là những điểm nổi bật làm nên giá trị và nét riêng biệt trong học
thuyết đạo đức của Schopenhauer trong mối liên hệ mật thiết và tương cận với tư
tưởng triết học Đông Phương cổ thời.
Tuy nhiên, thông thường những học
thuyết đạo đức dù có được công nhận rộng rãi, cũng vẫn cho thấy sự bất toàn của
chúng, trường hợp của Schopenhauer cũng không ngoại lệ. Cụ thể, theo lẽ tự
nhiên, người ta chỉ có thể nảy sinh lòng trắc ẩn khi họ gặp những cảnh đời bất
hạnh, còn với những người hạnh phúc hơn mình, lòng trắc ẩn khó có thể nảy sinh
được. Chính Schopenhauer cũng thừa nhận điều này khi nói: “Sự đồng cảm hướng
đến người khác chỉ được giới hạn trong sự đau khổ của người ấy. Nó sẽ không nảy
sinh bởi hạnh phúc của họ, trong bất kỳ trường hợp nào.”[28]
Ông cũng trích lời của triết gia người pháp Rousseau với nội dung tương tự:
“trái tim của chúng ta sẽ không đồng cảm với những người hạnh phúc hơn chúng
ta, nhưng chỉ với những người đáng thương hơn chúng ta.”[29]
Như vậy, nghịch lý trong học thuyết đạo đức của Schopenhauer nằm ở chỗ, hành vi
đạo đức xuất phát từ lòng trắc ẩn có thể vươn đến kẻ thù nhưng rốt cuộc lại bị
giới hạn trong thế giới của những phận người đau khổ. Theo đó, những người bất
hạnh nhất có lẽ sẽ chẳng bao giờ hoặc khó để có lòng trắc ẩn, vì xem ra hầu hết
mọi người trên đời đều hạnh phúc hơn họ; và do đó, hành vi đạo đức dường như chỉ
được thực hiện bởi một số ít những người được xem là hạnh phúc hơn người khác
mà thôi. Nhưng thực tế có đúng như thế không, đó lại là một vấn đề khác!
Thêm vào đó, theo Ernst Tugendhat, có
thể nói, lòng trắc ẩn cũng là một dạng cảm xúc giống như tất cả các cảm xúc
khác, chúng mạnh mẽ nhưng thất thường và do đó không phù hợp và cũng không đủ
chắc chắn để làm cơ sở cho một nền đạo đức phổ quát.[30]
Vì thế, lòng trắc ẩn xuất phát từ sự rung động của con tim theo quan điểm của
Schopenhauer cần có sự song hành của lý trí theo học thuyết đạo đức của
Immanuel Kant. Nhờ đó, những việc đạo đức mới mang lại sự ổn định, phù hợp và
hiệu quả thiết thực nhất cho tha nhân. Như vậy, xét cho cùng, thiết nghĩ một hành
vi đạo đức chân thật và lý tưởng phải được thúc đẩy và được đặt nền trên một “đức
ái có phân định” – một tình yêu có sự suy xét của lý trí!
[1] Thuật ngữ Categorical Imperative/kategorischer Imperativ được dịch giả Đỗ
Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch là Mệnh lệnh
tuyệt đối, còn dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dịch là Mệnh lệnh nhất quyết. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, người
viết nhận thấy thuật ngữ đó nên được dịch là Mệnh lệnh vô điều kiện có lẽ sẽ am hợp với nội hàm của nó và có
tính song đối với Mệnh lệnh có điều kiện trong
hệ mệnh lệnh kép của Kant hơn. Trong đó, I. Kant thiết định ba công thức
(formula) cho mệnh lệnh vô điều kiện:
công thức về Luật Phổ Quát (The
Formula of Universal Law): “Hãy hành động theo châm ngôn mà theo đó đồng thời
bạn cũng muốn rằng nó phải trở thành một luật phổ quát”; công thức về Nhân Tính (Formula of Humanity): “Hãy
hành xử với con người, dù là với chính mình hay với người khác, trong mọi
trường hợp, luôn luôn phải như một mục đích, không bao giờ đơn thuần như một
phương tiện”, cuối cùng là Vương quốc tối
hậu (The Kingdom of ends): mỗi công dân phải
tự xem mình như là nhà lập pháp với một ý
chí tự do trong vương quốc tối hậu. Khi ấy, họ luôn hành động theo các châm
ngôn được ban hành bởi ý chí hoàn toàn độc lập và tự do của họ và xem mỗi thành
viên khác đều có giá trị cứu cánh tự thân. Cf. Immanuel
Kant, Groundwork for the Metaphysics of
Morals, tran. Mary Gregor, (UK: Cambridge University Press, 2000).
[2] Schopenhauer, Arthur. On the Basis of Morality, tran. E. F. J.
Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 48.
[3] See more detail in Wolf, Ursula.
‘How Schopenhauer’s ethics of compassion can contribute to today’s ethical
debate’, Enrahonar. Quaderns de Filosofia 55, 2015, 41-49.
[4] Cf. Schopenhauer, Arthur.
On the Basis of Morality, tran. E. F.
J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 141.
[5] Cf. Ibid., 142.
[6] Cf. Ibid., 142.
[7] Cf. Schopenhauer,
Arthur. On the Basis of Morality,
tran. E. F. J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 145.
[8] Pascal, Blaise. Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York:
E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.160, p.47.
[9] Cf. Schopenhauer, Arthur.
On the Basis of Morality, tran. E. F.
J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 145.
[10] Chiến, Quang. Chân Dung Triết Gia Đức, (Hà Nội: Trung
Tâm VH-NN Đông Tây, 2000), 94.
[11] Cf. Schopenhauer, Arthur.
On the Basis of Morality, tran. E. F.
J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 145.
[12] Cf. Ibid., 139-141.
[13] Cf. Ibid., 143-4.
[14] Cf. Ibid., 148-151.
[15] Ibid., 154.
[16] Cf. Schopenhauer, Arthur.
On the Basis of Morality, trans. E.
F. J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 158-162.
[17] Bốn nhân đức trụ theo
Plato, Aristotle bao gồm: Công Bình, Khôn Ngoan, Can Đảm, Tiết Độ.
[19] Schopenhauer, Arthur. On the
Basis of Morality, tran. A. B. Bullock, (London: Swan Sonnenschein &
Co., Limited, 1903), 269. Bài viết này sử dụng thêm một bản dịch Anh ngữ của A.
B. Bullock để khách quan hoá cách đọc và hiểu bản văn tiếng Đức của
Schopenhauer.
[20] Cf. Schopenhauer, Arthur.
On the Basis of Morality, trans. E.
F. J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 203-6.
[21] See Kant, Immanuel. The
Cambridge edition of the works of Immanuel Kant, trans. Paul Guyer and
Allen W. Wood, (Cambridge: Cambridge University Press, 1998), 174-192.
[22] Cf. Schopenhauer,
Arthur. On the Basis of Morality,
tran. E. F. J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 207-8.
[23] Schopenhauer, Arthur. On the Basis of Morality, tran. A. B.
Bullock, (London: Swan Sonnenschein & Co., Limited, 1903), 276.
[24] Cf. Schopenhauer, Arthur.
On the Basis of Morality, tran. E. F.
J. Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, Inc., 1965), 149.
[25] 無 惻 隱 之 心, 非 人 也. Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng, 6.
Cf. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải,
Ebook, 590-591.
[26] Cf. Lan, Phùng Hữu. Lịch sử triết học Trung Quốc, tran. Lê
Minh Anh, (HCM: NXB Khoa học xã hội, 2013), 85.
[27] Mạnh Tử, Cáo Tử
Thượng, 3. Cf. Trần Trọng Kim, Nho
Giáo trọn bộ, (Hà Nội: NXB Văn Học, 2003), 181.
[28] Schopenhauer, A. On the Basis of Morality, tran. E.
Payne, (USA: The Bobbs-Merrill Company, 1965), 145.
[29] Rousseau, Jean-Jacques. Emile or On Education, tran. Allan
Bloom, (USA: Basic Books, 1979), 223.
[30] Cf. Tugendhat, Ernst. “Das Problem einer autonomen Moral”. In: Scarano, Nico and Suárez, Mauricio (eds.). Ernst Tugendhats Ethik. (2006. ) See Ursula Wolf, How Schopenhauer’s ethics of compassion can contribute to today’s ethical debate, Enrahonar. Quaderns de Filosofia 55, 2015 41-49.
Tác Giả: Nguyễn Văn Tài
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
376 lượt xem, 250 người xem - 258 điểm