Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Mất Định Hướng - Học Tiếp Hay "Làm Đại"?

Bạn là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường hay là người đã đi làm một vài năm?

Bạn là sinh viên đang đi học hay là một bạn trẻ chuẩn bị bước vào giảng đường đại học?

Nhưng…

Dù là ai, bạn cũng vẫn đang mông lung với tương lai của mình. Bạn không biết sẽ học gì hay làm công việc gì. Bạn không hài lòng với công việc hiện tại vì nó thực sự KHÔNG PHÙ HỢP. Song, cái gì phù hợp thì bạn không rõ, bạn chưa xác định được.

Thậm chí…

Bạn rơi vào ranh giới quyết định giữa việc học lên cao học để có một hình dung công việc rõ ràng hơn hay là "làm đại" một công việc nào đó, trải nghiệm để tích lũy và nhảy việc cho tới khi tìm được "chân lý" sự nghiệp. Nhưng bạn có chắc chắn rằng sau vài năm, bạn sẽ thoát khỏi sự sợ hãi về tương lai mịt mù, hay là buông xuôi theo hiện tại với bất cứ một công việc nào đó?


Vậy thì, đâu là lựa chọn tốt nhất? Và làm sao để đưa ra quyết định cho bản thân mình? Bạn có thể lắng nghe những chia sẻ của mình dưới đây nhé! Mình mong rằng những câu chuyện mà mình và bạn mình đã trải nghiệm sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi về tương lai phía trước vô định hình.


Mình hiểu sở dĩ bạn phân vân giữa việc đi học tiếp hay đi làm có nhiều lí do. Trước hết, du học mang lại cho chúng ta rất rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, bạn được có cơ hội trải nghiệm môi trường, cuộc sống, văn hoá ở quốc gia khác. Bạn có cơ hội kết nối, làm quen với nhiều bạn mới. Thứ hai, điều kiện học tập cũng sẽ tốt hơn, được ứng dụng công nghệ hiện đại và được học chuyên sâu hơn. Từ đó, giúp bạn rèn luyện được khả năng tư duy, tự nghiên cứu… Kiến thức và trình độ của bạn sẽ được nâng lên cao hơn rất nhiều. Không chỉ thế, bạn còn được rèn luyện tính tự lập khi rời xa vòng tay bố mẹ, phải tự sắp xếp thời gian và chi tiêu một cách hợp lý ở nơi đất khách quê người. Mặt khác, ở một số nước, sau khi học xong bạn còn có cơ hội ở lại thêm 1 đến 2 năm để tìm kiếm công việc, và dĩ nhiên nếu có 1 công việc tại nước ngoài, mức thu nhập của bạn sẽ cao hơn rất nhiều. Thậm chí, nếu bạn quay trở lại quê hương, với tấm bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ, cơ hội và vị trí cũng như các quyền lợi khác cũng sẽ khởi sắc hơn rất nhiều. Vì thế, nếu phải lựa chọn: một là làm công việc mình không thích và không biết tới khi nào mới có mức thu nhập khấm khá hơn cùng sự thăng tiến tốt hơn, hai là dành một đến hai năm (đối với việc học Thạc sĩ) để học chuyên sâu và có định hướng rõ ràng hơn, và có cơ hội dành được mức lương cao hơn, chế độ tốt hơn, được trọng dụng ở vị trí quan trọng hơn, mình chắc chắn các bạn sẽ chọn điều thứ hai.

Nhưng ngược lại, nếu ở lại quê hương, chẳng lẽ không tốt? Bạn hãy thử nghĩ giúp mình nhé! Nếu bạn có một công việc đúng chuyên ngành hoặc gần với chuyên ngành bạn học, bạn có khả năng làm được công việc đó và nó mang lại cho bạn một mức thu nhập vừa đủ sống, thì nó không thực sự quá tệ đúng không? Sau khi tốt nghiệp Đại học, bạn có một việc làm vừa đủ chi tiêu, có bạn bè thân thiết xung quanh, nếu nhớ gia đình thì có thể về ngay được, bạn không phải cô độc…có được những thứ ấy thì tại sao không ở lại quê hương để xây dựng sự nghiệp chứ. Người ta vẫn thường bảo "Trăm hay không bằng tay quen", và đúng, nếu bạn thực sự cố gắng, rèn luyện và tích lũy dần dần thì kinh nghiệm của bạn là thứ đáng giá để giúp bạn phát triển hơn trên con đường sự nghiệp. Và lúc đó, bạn có thu nhập ổn định, có kinh nghiệm dày dặn, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian đi học cao học nếu bạn muốn.

Thực sự, hướng đi nào cũng có những cơ hội và lợi ích dành cho chúng ta, nhưng cũng nên nhìn thẳng vào vấn đề. Cái gì cũng có hai mặt của nó, và tất nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên thì bạn cũng phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Thứ nhất, với việc du học, bạn có đủ tiền để chi trả cho học phí, phí sinh hoạt, phí bảo hiểm, hay ti tỉ những chi phí khác lên tới hàng trăm triệu, thậm chí trên 1 tỉ đồng tiền Việt Nam (trên 600e/năm)? Background của bạn có đủ tốt, điểm GPA/CPA cao, tiếng Anh siêu tốt để có cơ hội xin được học bổng? Bạn có đủ mạnh mẽ một mình sống ở đất nước khác, không người thân, không bạn bè? Bạn có đủ tự tin để vượt qua những cám dỗ của đồng tiền hay những thứ khác để chuyên tâm vào việc học hành cho kết quả cao? Và rõ ràng là, chuyên ngành bạn học vẫn khiến bạn mất định hướng, vậy bạn có chắc chắn rằng bạn đủ kiên nhẫn, đủ đam mê để dành thời tự nghiên cứu chuyên sâu hơn và xác định hướng công việc rõ ràng hơn? Hay bạn có dám chắc chắn rằng bạn đủ khả năng để thuyết phục người ta cho bạn học cao học trái ngành?...

Thứ hai, với việc "làm đại", bao gồm cả việc bạn làm đúng ngành hay trái ngành, bạn có đủ tự tin rằng bạn sẽ vượt qua được sự chán nản, mệt mỏi vì làm những cái mình không biết, không thích? Bạn có đủ mạnh mẽ để vượt qua những nuối tiếc của bản thân vì không thể theo đuổi đam mê? Bạn có thể bớt ganh tị với bạn bè vì có một công việc lý tưởng? Còn nếu bạn đi làm trái ngành, bạn có sẵn sàng nhận một mức lương thấp hơn?... Mình cam đoan là, chọn hướng nào cũng sẽ vô cùng vất vả, gian nan, khó khăn, nếu không có tinh thần thép, không có niềm tin vào bản thân, thì bạn có chọn hướng nào, bạn cũng sẽ mãi thất bại mà thôi.

Vì vậy, nguyên tắc bất di bất dịch khi đưa ra mọi quyết định đó là: Luôn tin tưởng và yêu bản thân mình.

Và giờ, đem theo nguyên tắc đó cùng mình đi tìm định hướng nhé! Bạn trả lời giúp mình:

  1. Bạn là ai và bạn muốn là ai trong tương lai?

  2. Để trở thành người đó, bạn cần làm gì, tích lũy những kiến thức, kĩ năng hay cái gì khác (đưa ra các tiêu chuẩn)?

  3. So với các tiêu chuẩn đó, bạn đang có cái gì, và bạn thiếu cái gì để trở thành người mà bạn muốn trở thành?

  4. Lập danh sách những việc phải làm để phát huy những cái bạn có, biến những cái bạn thiếu trở thành thế mạnh của bản thân.

  5. So sánh ưu điểm và nhược điểm của việc đi học và việc đi làm đối với bản thân bạn.

  6. Lựa chọn phương án khiến bạn thấy phù hợp và an tâm nhất. 

  7. Vạch ra mục tiêu, kế hoạch cực kì chi tiết để thực hiện phương án bạn đã chọn.

Và tin mình đi, nếu bạn biết bạn là ai, đang ở đâu, muốn là ai, đặc biệt là luôn tin tưởng rằng mình làm được, yêu thương bản thân và nhiệt huyết hết mình, chắc chắn bạn sẽ thành công và hạnh phúc. Vì bạn không phải nuối tiếc bất cứ điều gì, và bạn đã hoàn thành được kế hoạch bạn đặt ra. Một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn có động lực để tiến lên phía trước. Một kế hoạch chi tiết sẽ giúp bạn theo dõi bước đi của mình một cách chắc chắn hơn và vững tin để bước tiếp mà không bị lung lay bởi bất cứ khó khăn hay ngoại cảnh nào, ngay cả khi có rất nhiều người không ủng hộ bạn.

Mặt khác, mình tin rằng các bạn cũng đã đọc được hoặc nghe được những điều trên ở đâu đó, hay các bạn cũng có hiểu biết về hình tượng con nhím - ikigai. Nhưng giữa đọc được, hiểu được và vận dụng được lại là một điều rất xa vời. Biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng, bạn nhé!


Một chia sẻ nữa mà mình cũng muốn đề xuất với các bạn, cũng dựa trên nguyên tắc trên, đó là: Lắng nghe và hiểu bản thân thật kĩ. Bạn có yêu bản thân thì bạn mới hiểu được, và khi bạn hiểu được, bạn sẽ luôn tin tưởng vào chính mình.


Nếu bạn là một người hướng ngoại, hãy thử làm các công việc liên quan đến xã hội, ngoại giao,...xem thử bản thân có vui vẻ và hạnh phúc hay không? 

Nếu bạn là một người hướng nội, nhút nhát hãy thử tham gia các chương trình tình nguyện, giúp ích cho cộng đồng để mở rộng lòng mình hơn; hãy thử chủ động nói chuyện, làm quen với một người bạn mới.


Và sẽ thật tốt, nếu bạn biết tận dụng và làm chủ thời gian của bản thân.

Khi còn đi học, dù việc học là quan trọng nhất nhưng cũng nên dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, bên cạnh việc tham gia các cuộc thi học thuật. Vì điều đó sẽ giúp bạn hình thành và phát triển kĩ năng mềm rất tốt, giúp bạn xây dựng các mối quan hệ, giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, bạn có thể xác định được những thế mạnh và điểm yếu của bản thân, học hỏi từ những người giỏi hơn trong tập thể để hoàn thiện mình hơn.

Khi còn đi học, cũng đừng chỉ đi làm nếu thiếu tiền. Ngay cả khi bố mẹ bạn đủ sức để cho bạn một cuộc sống sinh viên đầy đủ, không lo âu, bạn cũng cần thử thách bản thân mình. Hãy thử làm thêm ở tất cả các lĩnh vực, nhiều nhất có thể, từ trái ngành đến đúng ngành. Sự va vấp của bạn trên thị trường lao động sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn, chân thực hơn về môi trường làm việc và nghề nghiệp trong tương lai, biết phân biệt phải-trái, tránh xa những lừa gạt. Sự dấn thân của bạn sẽ giúp bạn rèn luyện được nghị lực, sự kiên nhẫn, khả năng chịu đựng áp lực và khả năng thích nghi trong mọi biến đổi và yêu cầu của công việc và xã hội.

Nếu bạn đã bỏ lỡ khoảng thời gian sinh viên đẹp đẽ để vừa có thể đi học, vừa có thể đi làm thêm lại vừa có thể tham gia các hoạt động xã hội, thì cũng đừng cảm thấy hoang mang và tiếc nuối nhé. Không bao giờ là quá muộn, hãy thử bắt đầu một chuyến tình nguyện vào cuối tuần sau những ngày dài làm việc đầy hăng say, để vừa thư giãn và vừa đóng góp công sức cho xã hội nhé. 

Tất cả những tri thức mà bạn lĩnh hội được sẽ giúp bạn định hướng được tương lai rõ ràng hơn; và những gì bạn tích lũy được, càng sớm càng tốt, sẽ là bước đệm vững chắc để bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp. Bạn càng hiểu mình bao nhiêu, bạn càng xuất sắc bấy nhiêu. Những gì bạn nhận được cũng sẽ cao như giá trị mà bạn mang lại cho thế giới này.

Như vậy, hãy luôn tin tưởng và yêu bản thân mình; lắng nghe và hiểu bản thân thật kĩ; làm chủ và tận dụng thời gian thật tốt, bạn nhé!

Tuổi trẻ chỉ sống một lần, nên cứ sống hết mình với đam mê, nhiệt huyết và trải nghiệm để không bao giờ phải hối tiếc bất cứ điều gì. Sai thì sửa, vấp ngã thì đứng dậy, còn hơn là bỏ lỡ cơ hội được chạm tay đến ước mơ. Và nhớ rằng, cuộc đời là do bạn làm chủ, đừng lãng phí bất cứ phút giây nào, mình vẫn tin rằng, mọi thứ đến với cuộc đời ta đều có lí do và ý nghĩa riêng của nó, nắm bắt và trân trọng để nhận được quả ngọt bạn nhé!


Tác Giả: Nguyễn Thị Trà My

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nttramy97/

-------------------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

192 lượt xem, 190 người xem - 192 điểm