Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Mất Tập Trung : Báo Động Đỏ Trong Thời Đại 4.0

Dấu hiệu của thời đại “Chúng ta mong đợi nhiều hơn từ công nghệ nhưng lại ít hơn từ nhau” - Sherry Turkle.

Nhân loại chế tạo ra những thiết bị điện tử thông minh chỉ để trở thành công cụ phục vụ cho những tham vọng của loài người, thế mà giờ đây chúng ta lại dễ dàng bị thao túng ngược lại. Điện thoại, laptop, facebook, instagram, tiktok,… những đứa con được sinh ra và nâng niu trong nền văn minh 4.0 đang dần tạo những bức tường vô hình giữa chúng ta với công việc, mục tiêu và các mối quan hệ trong đời sống. Mất tập trung – liệu có phải là một căn bệnh nan y tồn tại trong thế giới hiện đại?

*Ping* – chỉ âm thanh đơn giản thế thôi cũng đủ làm bạn ngay lập tức rời khỏi tập tài liệu để check tin nhắn và nhanh chóng cuốn theo đó. Hoặc kể cả không có thông báo gì cũng phải lướt thông tin trên mạng xã hội vì hội chứng “không muốn bỏ lỡ bất kì điều gì”.

Ngồi cạnh nhau trong các buổi hẹn hò, hội thảo hay đơn giản là trên giảng đường đại học nhưng chỉ mặt đối mặt với màn hình điện thoại.

Thế mới nói:

“ Người bên kia trái đất

làm gì em cũng biết tất

Mà anh trước mắt em xem như biến mất” – Lời bài hát Tân Thời

Mất tập trung là lời nguyền rủa hay đặc ân của thế giới hiện đại

Chúng ta nhận thức được rằng thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị các thiết bị điện tử lôi cuốn. Nhưng không phải tất cả đều là những con nghiện công nghệ, một trạng thái mà xảy ra thường xuyên hơn rất nhiều đó là “mất tập trung”.  Mất tập trung là "quá trình làm gián đoạn sự chú ý" và "một kích thích hoặc nhiệm vụ thu hút sự chú ý khỏi nhiệm vụ quan tâm chính". Nói cách khác, sự phân tâm lôi kéo chúng ta ra khỏi những gì chúng ta đáng lẽ phải làm, một công việc nhà hay các công việc ở cơ quan, lúc tận hưởng thời gian với người thân hay thậm chí chỉ là làm điều gì đó cho bản thân như đọc một quyển sách hay cuối tuần. Và việc mất tập trung do công nghệ có thể trở thành một thói quen mà nạn nhân thường không muốn tìm đến nguyên nhân và khó để triệt bỏ nó.

Bằng chứng là ngày ngày, người người trên thế giới vẫn bị cuốn bởi những vòng xoáy của sự sao lãng, tách bản thân khỏi những thứ đáng lẽ phải tập trung đến, thế ắt hẳn mất tập trung phải mang một lời nguyền tiến hóa nào đó mà con người chưa thể hóa giải được. Mụ phù thủy mang tên cách mạng 4.0 đang yểm lời nguyền “hấp dẫn không thể chối từ” lên các thiết bị điện tử, các app trò chơi gây nghiện, các trang mạng xã hội. Thứ bùa chú này kéo những người nằm ở hai bán cầu xích gần nhau hơn nhưng những người sát cạnh nhau lại chẳng thế với tới suy nghĩ đối phương. Thế mới hiểu khoảng cách một-vòng-trái-đất mới xa xôi làm sao.

Đôi lúc phân tâm cũng thật hữu ích đấy chứ. Giảm căng thẳng mệt mỏi nhất thời? Lấy nguồn cảm hứng sáng tạo? Tiếp năng lượng hay thậm chí lãng tránh được một cuộc nói chuyện không mong muốn. Một quả táo rơi gây sao lãng cho một nhà bác học và cũng từ đó sinh ra một định luật vạn vật hấp dẫn vĩ đại. Nhưng chắc hẳn Newton không muốn ngày nào cũng có thứ gì đó bỗng dưng rơi xuống đầu như vậy.

Tôi thích ví sự mất tập trung như một thứ chất gây nghiện. Bạn biết thuốc phiện chứ? Một thứ mà ta có thể xa lánh khi nghe đến như là một tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, trong y tế vẫn sử dụng morphine (thuốc phiện) là một loại thuốc giảm đau và có thể điều trị một số bệnh thoái hóa thần kinh. Vì vậy nó không thể thiếu trong cuộc sống và ngành công nghiệp thuốc phiện vẫn đang phát triển. Nhưng nếu chúng ta lạm dụng, phụ thuộc vào nó sẽ dẫn đến mất kiểm soát và không ý thức được trong hành động. Các thiết bị điện tử cũng vậy, xin phụ huynh đừng nhìn nó với đôi mắt ác cảm và thế hệ gen Z cũng đừng lạm dụng chủ quan. Chúng ta phải làm sao chế ngự được nó chứ đừng trở thành những con nghiện trong cái nền văn minh hiện đại mà mình sáng chế ra.

Ôi không… chẳng phải là thế giới vẫn đang hằng ngày sản xuất những thứ gây mất tập trung? Apple và Google đang muốn chúng ta sử dụng điện thoại nhiều hơn?

Ngược lại là đằng khác.

Nếu công nghệ đang "chiếm đoạt bộ não của bạn" bằng những sản phẩm "không thể cưỡng lại" của họ thì tại sao những công ty này lại hành động chống lại lợi ích của chính mình? Có lẽ những gã khổng lồ công nghệ đã thay đổi ý định hoặc do áp lực dư luận? Thoạt nhìn, có vẻ như mô hình kinh doanh của họ sẽ được hưởng lợi từ việc nghiện ngập các thiết bị điện tử. Bạn sử dụng điện thoại của mình càng lâu, họ càng kiếm được nhiều tiền thông qua các ứng dụng bạn mua và các quảng cáo bạn xem.

Tuy nhiên, biến khách hàng thành những con nghiện sản phẩm sẽ không đạt đến những lợi ích dài hạn của hãng. Khi một sản phẩm gây hại, những người tiêu dùng thông minh sẽ sử dụng nó ít hơn hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Ngày nay, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dùng phát triển hơn bao giờ hết. Hàng đống ứng dụng của bên thứ ba đã cung cấp cho chủ sở hữu điện thoại thông minh các cách để kiểm duyệt việc sử dụng công nghệ bằng các công cụ giúp theo dõi lượng thời gian trực tuyến, tắt quyền truy cập vào các trang web nhất định và giúp giảm sự phân tâm.

Các công ty công nghệ đang thực hiện các bước để giúp người dùng kiềm chế việc sử dụng quá mức thiết bị. Bây giờ đến lượt chúng ta đưa các tính năng này vào sử dụng.

Vậy tại sao loài người vẫn dễ bị dính "lời nguyền 4.0” đến thế?

Trong một nghiên cứu của Đại học College London, những người tham gia được yêu cầu ngồi vào máy tính với nhiệm vụ điều khiển một đám mây điểm bằng một chiếc cần gạt sang trái hoặc phải. Những người tham gia đã làm điều này với độ chính xác cao cho đến khi các nhà nghiên cứu thêm vật nặng vào một bên của tay cầm khiến nó khó di chuyển theo một chiều hơn. Kết quả? Những người tham gia bắt đầu di chuyển cần gạt sai hướng và đi theo chiều dễ điều khiển hơn.

Khi nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn, những người tham gia đã thay đổi cách họ chơi trò chơi trong tiềm thức. Kết quả này hỗ trợ nghiên cứu của các nhà sinh học tiến hóa cho rằng con người đã tiến hóa để tránh các nhiệm vụ tiêu tốn năng lượng bằng cách đi theo con đường ít vật cản nhất.

Làm những gì chúng ta biết chúng ta nên làm thường rất khó. Nếu hình thành thói quen né tránh sự khó chịu bằng cách nghỉ giải lao và đâm đầu vào những thú vui giải trí “dễ nhai hơn”, bạn sẽ dễ dàng phá vỡ sự tập trung cần thiết. Nó như một căn bệnh mãn tính: không quá nguy cấp, nhưng lại dai dẳng, gặm nhấm từ từ những giá trị thực sự cần hướng tới.

Tiến sĩ Nobuhiro Hagura, người dẫn đầu nhóm thí nghiệm trên cho biết "Chúng tôi nhận thấy rằng chi phí để hành động không chỉ ảnh hưởng đến hành vi của con người mà thậm chí nó còn thay đổi những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta thấy. Bộ não của chúng ta đánh lừa chúng ta tin rằng những quả ở cành thấp thực sự là quả chín"

"Suy nghĩ là công việc khó khăn nhất, có lẽ đó là lý do tại sao rất ít người tham gia vào" - Henry Ford

Trong khi đó mạng xã hội, mua sắm hay game online ra đời đang hướng người dùng tới những hành động dễ làm và thú vị, đó là những “quả chín hấp dẫn”. Đỏ mọng, chạm hái dễ dàng nhưng không thực sự là những miếng ngon…

Điều gì khiến bạn đặt cây bút xuống? Khám phá những kích hoạt cho sự mất tập trung và giải quyết chúng.

Kích hoạt bên ngoài:

Đó là những tín hiệu từ môi trường của chúng ta cho chúng ta biết phải làm gì tiếp theo. Những tiếng *ping* của tin nhắn hoặc email, những quảng cáo làm gián đoạn video youtube đang xem, những thông báo từ các ứng dụng shopping online hay đặt đồ ăn. Ngay cả một thiết bị điện tử cá nhân đặt ngay trước mặt cũng có thể là tác nhân bên ngoài: smartphone dường như thôi thúc bạn bật nó lên chỉ bởi sự hiện diện của nó.


Kích hoạt bên trong:

Những cảm xúc, nhu cầu trong tâm trí bạn dẫn đến những kích hoạt phải-làm-gì-đó. Các yếu tố kích hoạt bên trong thường xuyên nhất là cảm xúc. Khi cảm thấy trông ngóng hồi đáp của công ty mới phỏng vấn xin việc, chúng ta không ngừng check gmail dù biết là nếu có mail đến thì ứng dụng đã thông báo ngay lập tức. Khi không chắc chắn về một thông tin nào đó, chúng ta lại tra cứu Google hay lên Messenger tìm một người bạn thông thái. Khi buồn chán là lúc các video youtube, tik tok, trò chơi điện tử và thực sự có thể khơi dậy được cảm xúc lên rất nhiều.

Các sản phẩm hình thành thói quen sẽ biết cách điều chỉnh kích hoạt bên ngoài (ví dụ: thông báo đẩy) với thời điểm cảm nhận kích hoạt bên trong (cảm giác không chắc chắn hoặc chán nản) và dễ dàng thu hút người dùng hơn.

Thời gian của trình kích hoạt bên ngoài càng gần với trình kích hoạt bên trong thì liên kết được hình thành càng sớm.

Ví dụ, khi bạn đã đặt một chuyến bay trên Traveloka vào ngày mai, trong khoảng thời gian từ lúc đó đến gần chuyến bay, bạn có thể liên tục nhận được các tin nhắn hay cuộc gọi về việc đặt xe di chuyển đến sân bay. Bụng bạn sẽ đói cồn cào và thèm ăn nhất vào lúc nào, 11 giờ trưa? 17 giờ chiều? Đây là lúc Grab Food, Now, Baemin,… sẽ gửi các thông báo về ưu đãi và gợi ý cho bữa ăn sắp tới mà bạn sẽ không thể không thèm thuồng khi nhìn vào những bức hình đồ ăn hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu gửi những thông báo trên lúc 9 giờ sáng thì có khi bạn sẽ quên ngay 30 phút sau vì đã cuốn vào công việc.

Bằng cách cung cấp thông tin vào thời điểm người dùng có thể cần, ứng dụng sẽ xây dựng uy tín, sự tin cậy và lòng trung thành với khách hàng. Dần dần chúng sẽ trở thành thói quen đối với bạn.

Những gợi ý sau sẽ giúp bạn đáng kể vào việc loại bỏ các nguồn sao lãng từ công nghệ điện tử và tập trung vào thứ mà mình đang thực hiện.

1. Loại bỏ các kích hoạt bên ngoài

  • Sắp xếp các tệp trên màn hình (kể cả game, mạng xã hội, ứng dụng học tập,…) để chúng vào những thư mục thay vì rải rác trên màn hình. Các app tôi đã lâu không sử dụng đến sẽ được iphone tự động xóa đi (dù vẫn để biểu tượng trên màn hình nhưng cần phải tải lại mới sử dụng được) báo hiệu cho tôi phải dọn dẹp những thứ chẳng mấy khi đụng đến.
  • Tắt thông báo trên màn hình và xóa các tác nhân gây mất tập trung như biểu tượng ứng dụng và dấu trang không cần thiết. Một số trường hợp tôi cần phải trao đổi bài tập trên các ứng dụng nhắn tin, tôi vẫn sẽ để thông báo tuy nhiên dưới dạng biểu ngữ. Nội dung tin nhắn sẽ hiện trên màn hình khóa, tôi sẽ chọn lọc bấm vào các thông báo liên quan đến việc đang trao đổi và sẽ bỏ qua các tin nhắn không liên quan. Ngược lại, nếu một tiếng *ping* vang lên mà tôi không biết ai nhắn và nhắn về việc gì sẽ làm kích thích sự tò mò, mở lên và dễ rơi vào vòng tuần hoàn mất tập trung vì những tin nhắn ngoài lề.
  • Bạn khó mà tránh được việc ngẫu nhiên thấy một thông tin cần thiết nhưng việc xem chi tiết có thể làm bạn gián đoạn sự tập trung. Lưu lại các trang web, bài báo mà bạn thấy thú vị tuy nhiên không liên quan đến nhiệm vụ hiện tại. Bạn có thể đọc lại chúng vào ngay sau buổi làm việc hoặc cuối tuần.
  • Nếu bạn sử dụng thiết bị của apple, hãy để chế độ "không làm phiền" vào những thời gian quan trọng và cả lúc ngủ để tránh được các tiếng thông báo không cần xử lý gấp. 

2. Lưu ý đến những kích hoạt bên trong

Sự thật là việc lạm dụng trò chơi điện tử, mạng xã hội và điện thoại di động không chỉ vì niềm vui mà còn giúp giải phóng chúng ta khỏi sự khó chịu về tâm lý. Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng đó chỉ là phương án tức thời và sự khó chịu đó sẽ không biến mất mãi nếu không giải quyết được tận gốc rễ của câu chuyện. Nếu bạn cảm thấy dù không có nhiều thông báo phiền nhiễu trong lúc làm việc nhưng vẫn luôn tự chủ động tìm đến chiếc điện thoại của mình rồi trở nên phân tâm thì hãy làm theo các bước sau:

Bước 1. Tìm kiếm cảm xúc trước khi bị phân tâm: Bạn có đang thực sự muốn bắt đầu ngay vào công việc này hay không? Hay còn đang vướng mắc bất kì điều gì? Một thông tin mới nghe được loáng thoáng từ những người dân đi đường nhưng vẫn nghi ngờ không biết có là sự thật không. Vừa mới có một cuộc tranh cãi lớn với bố mẹ về hiểu nhầm nào đó mà bạn vẫn đang cảm thấy uất ức vì chưa được làm rõ. Vừa rồi mình ra ngoài có ai nhắn tin hay gửi mail cho mình không? Bạn bè trên Facebook và Instagram liệu có đăng một trạng thái nào mới? Bạn nghĩ tất cả những điều trên sẽ để yên cho bạn ngồi tập trung vào làm việc chứ. Liệu bạn có chắc chắn việc vào link google chỉ để tra cứu cho công việc đang làm thôi sao?

Bước 2. Ghi lại những kích hoạt bên trong: Bạn không thể đổ lỗi cho bất kì điều gì gây mất tập trung nếu không biết thực sự đó là gì. Việc gọi tên và ghi nhớ nó thực sự rất quan trọng để bạn xác định hung thủ và xử lý chúng. Hãy ghi chép lại các hành vi gây sao lãng sẽ giúp bạn liên kết các hành vi với các tác nhân bên trong là nguyên nhân sinh ra nó. Sau này, khi nhận ra đang có  những suy nghĩ và cảm xúc đó là một báo hiệu sắp đến một hành vi mất tập trung, bạn sẽ quản lý chúng tốt hơn.

Bước 3. Khám phá cảm giác tiêu cực với sự tò mò: Thay vì bác bỏ chúng hay cố gắng lãng quên những kích hoạt khó chịu bên trong bằng những thứ thú vị trên điện thoại, bạn nên tò mò về những cảm giác có trước khi mất tập trung. Chúng ta nên giữ nguyên cảm giác đó trước khi làm theo sự thôi thúc của mình. Bạn có thể thử một liệu pháp tâm lý là "lá trôi trên dòng". Hãy tưởng tượng bạn đang ở bên cạnh một dòng suối, trên đó có những chiếc lá nhẹ nhàng trôi qua. Đặt mỗi suy nghĩ và cảm giác tiêu cực trong tâm trí bạn trên một chiếc lá và nhìn chúng trôi đi. Sau khi hết giai đoạn nhạy cảm - là thời điểm thôi thúc bạn với tới những thứ giải trí để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, thì dường như bạn cẩn trọng cân nhắc hơn về việc nên rời khỏi công việc đang làm hay không. Nó giống như trường hợp bạn tự dưng thèm ăn một món gì đó vào một thời khắc nhất định, nhưng một lúc lâu sau, khi nhắc đến lại không còn đủ động lực đi mua nó nữa, mặc dù cũng chưa hề ăn trong khoảng thời gian đó. Việc cố lấp liếm cảm xúc bằng sự mất tập trung chỉ làm xoa dịu cảm xúc tạm thời nhưng không thể giúp bạn giải quyết dứt điểm, từ đó như những cơn nghiện heroin, cứ đến khi có cảm giác đó, bạn lại nhanh chóng mò đến chiếc điện thoại để không nghĩ tới nữa.

Bước 4. Hết sức thận trọng trong những thời điểm quan trọng: 10 phút nghỉ giải lao giữa 2 tiết học, giờ ăn trưa, nằm trên giường trước khi ngủ, khoảng trống ngắn giữa 2 cuộc hẹn hoặc trong lúc đi xe bus đến nơi làm việc. Đó là những khoảng thời gian đa phần chúng ta sẽ mở điện thoại check tin nhắn, đăng một vài dòng trạng thái hay bức ảnh, lướt xem thông tin. Nhưng bạn có chắc rằng việc đó sẽ chỉ nằm gọn trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó hay lại bị cuốn theo nó mà tiếp tục vì không muốn bị gián đoạn. Hãy sắp xếp thời gian biểu cụ thể cho tất cả những công việc cần làm và những khoảng thời gian có thể sử dụng thiết bị điện tử để giải trí một cách thoải mái. Và một khi chưa đạt được yêu cầu bản thân đề ra, hãy hết sức cẩn trọng vời những thời điểm mà bạn sẽ say mê vào công nghệ khó dứt ra.

3. Thiết lập các hiệp ước

Hãy nhờ những người bạn tin tưởng để giữ các thiết bị có thể gây mất tập trung trong quá trình làm việc của bạn hoặc cam kết với họ nếu bạn làm sai quy tắc tập trung sẽ phải chịu một hình phạt nào đó như mua đồ ăn cho họ hay góp tiền vào quỹ chung. Nhờ đó, bạn đã biến những việc gây phân tâm thành một điều gì đó khó khăn và đánh đổi chứ không còn là "những quả chín mọng" dễ dàng với tới như trước.

Thế giới có hai loại người: Người ý thức và kiểm soát được sự mất tập trung và những người còn lại khó có thể làm việc đó. Bạn nên hạn chế việc tiếp xúc trong môi trường đầy rẫy sự sao lãng vì hành vi này rất dễ lây lan nhanh. Như việc chúng ta sẽ có xu hướng chọn học bài tại một quán café yên tĩnh, thư viện nơi mọi người đều đang tập trung vào một việc gì đó. Và nếu bạn trở thành người tự ý thức và truyền những động lực đó cho những người xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bạn sẽ tạo ra “kháng thể xã hội” chống lại virut mất tập trung và góp phần xây dựng những môi trường làm việc và các mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống hằng ngày. Từ đó tác động ngược lại bạn: duy trì sự cố gắng của chính bản thân khi ở trong các môi trường như vậy. Chúng ta sẽ có cảm giác tội lỗi nếu cầm điện thoại làm việc riêng khi chỉ một mình đang thực hiện hành vi đó trên bàn họp nhóm. Hãy thực hiện các hiệp ước trên với mọi người xung quanh như việc đặt hết điện thoại cùng một chỗ khi đang trong cuộc nói chuyện chung.

Trên thực tế, chú ý bao gồm hai chức năng riêng biệt: “tăng cường” (khả năng tập trung vào những thứ quan trọng) và “kìm hãm” (khả năng bỏ qua những thứ không quan trọng). Điều thú vị là, sự tăng cường và sự kìm hãm không đối lập nhau, chúng là những quá trình diễn ra độc lập trong não. Vì vậy, việc bạn loại bỏ những tác nhân mất tập trung không có nghĩa bạn sẽ chịu tập trung làm nhiệm vụ. Vì vậy nguyên tắc luôn là : Gây khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị đang không cần thiết và...

Hãy biến thứ chúng ta cần tập trung thành một trò chơi. MAKE IT EASY!

Trong cuốn sách “Play Anything” của mình , Bogost chỉ cho độc giả giải quyết các công việc hàng ngày với kỷ luật và sự tập trung như cách chơi một trò chơi. Chúng ta nên tập trung cao độ vào nhiệm vụ trước mắt hơn là tập trung vào kết quả cuối cùng hoặc phần thưởng.

Ông minh họa cho lý thuyết này bằng cách sử dụng nỗ lực của mình để làm cho việc cắt cỏ trở nên thú vị hơn. Để học cách tận hưởng công việc cắt cỏ của mình, Bogost tập trung nhiều hơn vào nó. Anh ấy đã học mọi thứ có thể về việc luyện tập và thử thách bản thân để tìm ra sự thay đổi trong hoạt động. Ví dụ, anh ta tập trung tìm ra con đường tối ưu để cắt cỏ sao cho hiệu quả hoặc đánh bại kỉ lục trước của mình. Bằng cách tưởng tượng một nhiệm vụ, bạn có thể làm cho bất cứ điều gì thú vị và trở nên muốn làm hơn. Chính xác thì đó là cách bạn dễ bị cuốn theo các trò chơi có nhiệm vụ hằng ngày.

“Cách chữa trị cho sự buồn chán là sự tò mò. Không có cách chữa cho sự tò mò." 

Một phương pháp lấy công nghệ trị công nghệ cũng áp dụng theo kiểu trò chơi. Một ứng dụng ví dụ đang rất hiệu quả trong việc kiểm soát sự mất tập trung bởi công nghệ là Forest. Sau khi thiết lập thời gian và ấn Start, bạn sẽ bắt đầu hoạt động trồng một cái cây ảo. Trong khoảng thời gian thiết lập này, một khi bạn thoát khỏi ứng dụng này và kích hoạt các ứng dụng khác trên điện thoại, cây của bạn lập tức sẽ héo chết và bạn phải gieo trồng hạt giống lại từ đầu. Ứng dụng cũng có thể được cài đặt để bạn mở các ứng dụng học bài hoặc tra cứu cho công việc mà cây không chết. Càng thành công trồng cây được nhiều lần, bạn sẽ càng có thêm nhiều cây và những phần thưởng khác từ ứng dụng, đó cũng chính là những thành tích đáng tự hào trong công cuộc quản lý sự tập trung của bản thân. 


Tôi biết rằng bạn có thể nắm được nhiều phương án hay hơn tôi. Nhưng có thể bạn đang thất bại rất nhiều lần trong hành trình trên bởi vì thuộc típ người chưa đủ niềm tin vào bản thân.

"Ôi tôi không thể nào giảm cân được đâu."

"Con chẳng thể nào đạt được điểm số ấy."

Và…

Những món đồ điện tử kia thông minh hơn tôi nhiều! Làm sao có thể thoát khỏi khi cả thế giới đều bị chúng cám dỗ. Cách đó không thể hiệu nghiệm với tôi đâu.

Bạn có lẽ đã thua cuộc trước khi bắt đầu. Có thể chỉ là do bạn chưa phân biệt được các trải nghiệm phân tâm và cũng chưa tìm được cách giải quyết triệt để. Nhưng một khi bạn tự nói rằng "Tôi là một người rất dễ mất tập trung", bạn đã tự cho phép lời nguyền này chi phối nhận thức của mình rơi vào các vòng lặp mất tập trung không thể kiểm soát và xem đó là điều hiển nhiên

Đúng vậy, điều quan trọng nhất trước khi thực hiện bất kì một nỗ lực nào là “niềm tin”. Chính bản thân phải tự tin rằng nếu muốn. bạn hoàn toàn có thể hóa giải được lời nguyền của thời đại 4.0. Đừng bao giờ cho rằng những thuật toán được lập trình trong cái đống sắt hình chữ nhật kia khôn ngoan hơn sự cố gắng loại bỏ chúng, rằng con quái vật messenger đang chiếm giữ bộ não của bạn, và rằng thế giới này không thể có thuốc cai nghiện mạng xã hội. Chúng chỉ là những công cụ thông minh phục vụ lợi ích cho chúng ta và mãi mãi là thế. Bạn phải tự khẳng định quyền quyết định của mình trong trận chiến này và không có một hiệp ước nhân nhượng nào để hòa giải.

Không phải mọi sự mất tập trung đều do lỗi của bản thân, nhưng giải quyết nó là nhiệm vụ của chúng ta. Mọi sự gợi ý hỗ trợ trên sẽ trở thành những nguồn kháng thể cho bạn chống lại virus “mất tập trung” nhưng liều vắc xin mạnh mẽ nhất chính là ở nỗ lực của bản thân.  

Tác Giả: Tharo  

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

310 lượt xem, 301 người xem - 301 điểm