Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Mỗi Người Đến Với Cuộc Đời Mình Đều Để Dạy Cho Mình Một Bài Học

Cuộc đời trần trụi. Có khi nào bạn cay đắng nhận ra một người độc hại với mình lại là người mình thương yêu? Có khi nào bạn lo ngại mình trở nên độc hại với những người xung quanh, rồi một ngày nào đó sẽ nhận lãnh sự xa lánh của bạn hữu? Rồi đến khi, các đau đớn cũng có ý nghĩa, được gọi tên và điểm mặt, thì tôi tin rằng, chúng ta rồi sẽ bước qua chúng, với những trân quý đầy biết ơn, giống như cách mà tôi đang ở trong các mối quan hệ - đón nhận chúng, ghi nhận như chúng là. Và bởi sau cùng, mỗi người đến với cuộc đời mình đều để dạy cho mình một bài học cả thôi.

 

Một bài tập để nhìn lại vòng ảnh hưởng của các mối quan hệ

Tôi được giới thiệu mô hình này trong một bài giảng của thầy Lê Nguyên Phương. Để bắt đầu cho những sự chiêm nghiệm liền sau, hãy bắt đầu bằng cách viết tên những người quen, người thân vào những góc phần tư tương ứng để xem những người này có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến bạn về - có thể là, quan niệm về tình yêu hay cách dạy con. (Tên hai chủ đề này là ví dụ tôi đưa ra, khác với đề bài thầy Phương đã đặt trong bài giảng tôi được học. Nhưng không ảnh hưởng gì, đây đơn thuần là bài tập và có thể áp dụng để soi chiếu mình ở bất kể khía cạnh nào trong các mối quan hệ).

Thật thú vị, tôi nhận được những kết quả không ngờ tới cho chính mình từ bài tập này!



 

“Anh chưa sẵn sàng”

Anh (người yêu tôi hoặc là người tôi yêu), nằm trong góc phần tư của tiếp xúc hàng ngày và tiêu cực! Vâng, cũng không hoàn toàn lúc nào chỉ số cũng như vậy, chỉ là đa phần thời gian và cảm xúc lúc ấy của tôi đặt anh vào vị trí này. Dù trước đó tôi đã từng thú nhận rằng anh chính là liều thuốc tinh thần của tôi. Thật! Cho đến khi tôi nhìn nhận ra, sự thật là, tôi đang bị chi phối cảm xúc bởi anh, lệ thuộc bởi anh. Cái mà theo góc nhìn tâm lý học tôi đang rơi vào được gọi tên là ranh giới cá nhân yếu kém. Bạn có thể đọc thêm bài dịch của The Happiness Project tại đây. Thật không khó để hiểu rằng, từ sau đó, tôi đã tự đặt mình vào trạng thái cẩn trọng hơn trước những nguy cơ ảnh hưởng cảm xúc từ anh, mà thực ra là để tôi độc lập và tự do hơn cho chính mình.


Những lặng thinh kéo dài trước đó (chả là tôi luôn là đứa gửi tin nhắn đi, gọi những cuộc gọi mà không được hồi đáp), được chấm dứt bằng cách tôi buộc lòng anh gặp tôi, bất chấp mọi kết cục có thể xảy đến. Giãi bày được một vài điều – vẫn là những điều tôi đã bày tỏ với anh qua tin nhắn, anh đáp gọn lỏn: “anh chưa sẵn sàng!”

Vâng, bạn không thể biết được chính xác người khác nghĩ gì cho đến khi chúng được thể hiện ra – được nói ra bằng lời hay hiện diện trước mắt bạn. Và tất cả, không gian, thời gian, sự vật, thái độ, cử chỉ, hành vi… ở thời khắc đối diện ấy, đều là dấu hiệu, tín hiệu cho bạn biết chuyện gì đang xảy ra!

Và mãi sau này, kỳ thực chỉ nửa năm sau, khi chúng tôi ngồi lại với nhau và chuyện trò, tôi nói về điều tôi nghĩ và anh bộc bạch điều anh cho rằng.

- “Mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng cách ngồi lại và nói chuyện với nhau”, tôi nói

- “Đúng, và không phải lúc nào người này muốn nói chuyện thì người kia cũng sẵn sàng”, anh nói. Tôi thừa nhận và còn thêm thắt “miễn sao hai bên phản hồi với nhau rằng mình chưa sẵn sàng”. Anh cười mỉm và không đưa thêm lời nào.

Những chuyện về sau, sau khi chúng tôi tái lập mối quan hệ, khi anh nghĩ rằng tôi ghen, tôi tị, khi tôi nghĩ rằng tôi bị tổn thương bởi lời anh nói, chúng tôi đã dễ dàng hơn trong việc ngồi lại và nói chuyện với nhau, dù tôi không phủ nhận những sau đó đều là màu hồng và hiện giờ vẫn có những vấn đề. Điều quan trọng là ngồi xuống và trò chuyện với nhau.

Một chị gái đang trên con đường tu tập từng chia sẻ với tôi rằng: “trừ phi em yêu vô điều kiện, em sẽ hoàn toàn tự do, chừng nào em còn điều kiện, chừng đó em còn bị bó buộc. Khi em yêu, em nhắn tin và đòi hỏi đối phương phải phản hồi, đòi hỏi anh ta phải đón em, chở em đi ăn, khi đó tình yêu của em còn có điều kiện.”

 

“Cứ thử xem, cứ tự do”

Tôi gặp chị gái ở vào quãng ngày tôi lênh đênh trong dòng chảy của chính mình, chưa biết đi về đâu sau khi quyết định dừng công việc mình đã làm được 3 năm. Vườn tược, cây trái và rau rừng, có gì sẽ ăn nấy hoặc chị là điển hình của việc cho phép thử chế biến đủ món đồ và theo những cách khác nhau.


- “Em muốn thử làm gì không?” Chị luôn hỏi khi tôi chẳng có ý niệm gì về việc nấu ăn hay chế biến thế nào. Bởi cái nếp ở nhà luôn có mẹ lo khiến tôi chẳng phải bận tâm về đồ ăn thức uống, và họa là điều đó cũng tước đi ở tôi cái sự cảm nhận chăm sóc cuộc sống, hay hài lòng khi hoàn thành dù chỉ một món ăn mà mãi sau này (ừ, cũng đến vài tháng sau đó) tôi mới thực tâm quen và nhận lãnh được.

Tôi cũng quen dần với cách chị hỏi, thực ra là trao truyền thông điệp với nhau về menu các bữa, và rồi khi bắt tay sơ chế, chuẩn bị, thực đơn lại có thể thay đổi một lần nữa. Chỉ rằng, tôi được phép, được phép thử mới, hoặc ngay cả khi thử cũ thì lần sau làm cũng khác lần trước làm.

Chuyện chúng tôi ép bánh xà phòng khô, chúng tôi ủ phân compost, vẫn là các bước ấy, và có khi xài các nguyên liệu khác, nhưng sau mỗi lần, dù có lặp lại, thì sẽ đều cho những kết quả và cảm nhận không thật giống nhau. Thêm một chút, một theo dõi khác, một thử nghiệm mới – dù chỉ là cách xoay tay cầm và ép một lực mạnh, yếu của máy ép v.v… cũng đem lại một phát kiến mới cho bản thân tôi. Cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi lại có chuyện chia sẻ với nhau.

Tôi nhìn thấy sự vận động và thật giống như một điệu chuyển động ngẫu hứng mà tôi may mắn có dịp tương tác cùng bác đạo diễn – bạn của chị, trong một lần bác ghé chơi. Và, cuộc sống chảy trôi, cuộc sống là một chuỗi các va chạm, khi người này dẫn dắt, khi người kia dẫn dắt, có khi cả hai cùng dẫn nhịp, hòa điệu nhịp nhàng. Mình cứ lắng nghe, đón nhận và phản hồi.

Những lần sau này về thăm nơi chốn ấy, tôi được dịp tự tin hơn với các thể hiện nấu nướng của mình, món gì không biết thì mạnh dạn tra google và biến thiên theo những nguyên liệu đang sẵn có; dù lúc bấy được cổ vũ, tôi không thật nhìn ra món đồ thiếu thiếu vị gì, mà chỉ sau đó khi về ăn cơm mẹ nấu hoặc anh nấu tôi mới thấy đượm vị hơn.

Và dù thế, tôi hiểu rằng, khi được khơi gợi, được cổ vũ và chắp cánh, tôi đã tự tin hơn, vì tôi được phép.

 

Xét đoán

Dịch covid khiến nhóm làm việc của chúng tôi đối mặt với sự sụt giảm nhân sự bởi công ty không đủ tiền để chi trả nguồn lương đều đặn. Từ 18 nhân sự, chúng tôi còn lại 7 sau đợt dịch đầu tiên và sau mùa hè với đợt dịch thứ hai, chúng tôi còn lại 4 mạng. Chúng tôi đều hiểu, sự rời đi của một vài cá nhân, không hoàn toàn liên quan mật thiết tới nạn dịch covid, mà vốn dĩ khối ung nhọt đã chớm khởi phát từ quãng thời gian làm việc trước đó và nay có dịp phát tác.

Mấy đứa chúng tôi đều thuộc thể loại tôn trọng tiến trình của nhau và mỗi đứa sẽ chạy theo một nhịp không giống những đứa còn lại. Đứa nhanh, đứa chậm trong khi có đứa mơ màng chưa hiểu gì, và rằng chúng tôi vẫn gặp gỡ nhau ở vài điểm nào đó. Còn được 4 mạng không có nghĩa rằng chúng tôi hoàn toàn hiểu biết nhau.


Trong suốt thời kỳ khủng hoảng (chúng tôi chuyển địa điểm văn phòng về tại một nông trang và rồi tập tành “sống thử” cùng nhau, mọi chi phí vận hành công ty và cuộc sống đều được thu gọn lại ở mức tối thiểu), chúng tôi nhiều lần ngồi chuyện trò với nhau, phân trần với nhau về mọi sự, người này cảm thấy thế này, người kia muốn thế kia, có hồi tới cỡ 1 giờ đêm chưa xong. Và những thời khắc ấy, tôi có dịp để ý tới cảm nhận của mình hơn. Tôi cảm thấy thế nào, khó chịu ra sao, mất kiên nhẫn với những cuộc thoại liên miên và tụt hứng cỡ nào khi như rằng mỗi ý tưởng đưa ra đều bị đáp trả lại – hoặc tôi đã hiểu là như vậy.

Có lần, tôi đề nghị dừng trao đổi về một sáng kiến dự án mới, ngay lập tức nhận được phản hồi rằng: “chắc là ý kiến của anh phải ảnh hưởng đến em như thế nào thì em mới cảm thấy như thế, blabla…”. (!)

Và một dịp khác khi được hỏi về mức độ sẵn sàng khi tôi (chúng tôi) sẽ ở vào một vị trí, vai trò mới. Vâng, dường như trong mỗi người luôn có một cái lò xo, hễ gặp quan điểm trái chiều hoặc gần hơn với những trải nghiệm đã có, “chiếc lò xo” sẽ phát huy công dụng.

Một lần nữa, tôi lại phải nhắc lại điều tôi mới bộc bạch và nhấn mạnh rằng hãy ghi nhận như đúng những từ ngữ thuộc về cảm xúc, cảm nhận hiện thời của tôi, không suy diễn! Thừa nhận rằng, dù cảm giác này, không bào chữa hay bào chữa lại, thì đều không dễ chịu chút nào, chỉ là khi khẳng định lại điều đã nói, tôi khiến sự thật đỡ bị bẻ cong hơn theo lăng kính của người khác!

Và vẻ như, việc ghi nhận mọi sự như nó vốn là, không phán xét, không suy diễn, không cài cắm ý nghĩa của riêng mình, thật không dễ dàng. Tôi của những ngày tháng mới mẻ này, vẫn đang trên con đường cách mạng - nói về cảm nhận của mình, và ghi nhận mọi sự diễn ra quanh tôi, không gán định.

Lặp lại,

Chị gái nói rằng: “Có thể bây giờ sự việc đó trở lại, để em buộc phải đối diện với nó, giải quyết nó. Và chỉ khi nó đi ra được, em mới thực sự an ổn”. Tôi chia sẻ với chị về nỗi lo sợ trước những hành vi gần gũi, ôm ấp của một người chú – một tương tự mà tôi của tuổi lên 6 đã từng đối diện và sợ hãi, thu mình.

Một người chị lớn, với những từng trải, quan sát và cảm nhận, phân trần với tôi trong một buổi đêm: “Em có thích những hành động ấy không? Xóa bỏ đi những đạo đức nhé, thì cảm xúc của em như thế nào?”. Và chị bảo: “Đừng tiếp sức cho sự hư đốn của đàn ông và lại làm tổn thương mình…”


Ngổn ngang những nỗi truy vấn bản thân, dễ thấy nhất là chứng đau đầu và bụng dạ tôi cũng biểu tình quặn thắt mỗi khi stress.

Từ sau gặp chị gái và có dịp suy ngẫm về cuộc tình của tôi với anh, có nhiều sáng thức dậy, rửa mặt trước gương, tôi thầm thấy bản thân thật xinh đẹp, tự khen mình. Cũng những tháng ngày ngắn ngủi ấy, tôi nhận thấy cần yêu thương bản thân hơn.

Và lúc này, bỏ qua những dụ dỗ và lôi kéo hay lây lan từ những người khác, và cả những lần phó mặc cho thời cuộc của chính mình mà ý niệm sơ khởi tôi định hình là sống ở thời khắc hiện tại, kỳ thực, tôi đã chưa hoàn toàn và thực tâm ở những cái thời khắc hiện tại ấy. Tôi buộc bản thân phải thành thật với chính mình, trần trụi và để những cảm xúc nguyên thủy lộ diện. Tôi dần nhận ra và ghê sợ trước những hình ảnh đã qua, cũng hiểu rằng chẳng có gì thay đổi được. Tôi vẫn đang bước qua nó và vẫn luôn giữ lòng tin vào bản thân mình. Điều khiến tôi giằng xé nhất ở những cuộc tưởng như là đối chất và phải ra quyết định ngay tức khắc, ấy là những khoảnh khắc tôi đối diện với sự nghi hoặc chính mình, không được là chính mình, không chỉ trong chuyện này, mà đã từng trong cả công việc.

Sau cùng, tôi biết câu trả lời rõ ràng hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này là, thành thật với con tim mình và tôi chọn tôi tin tưởng vào chính bản thân mình. Chỉ có bản thân mới là nơi trú ngụ an toàn cho chính tôi, không phải là một nơi chốn nào – ngay cả ngôi nhà của tôi, càng không phải là trong tâm tưởng hay lời dụ ngọt của một ai khác.

 

Những người kế bên tử tế


Tôi tham gia hỗ trợ hậu cần cho một khóa học sinh viên, và thật may mắn rằng, tôi nhận lãnh được nguồn cảm hứng đến từ chính những người trẻ ngoài sự mong đợi, hoặc vì tôi lúc xuất phát đã không mong cầu chúng. Có bạn chọn đón nhận mọi bài học, mọi tương tác đến với một tâm hồn rộng mở và thái độ: “em thấy chúng thú vị đấy chứ và nếu chúng không thú vị em làm cho chúng thú vị” – chúng nuôi dưỡng cảm nhận và giữ cho bạn sự bền bỉ, tò mò trong khi cổ vũ, thúc giục và khai phá thêm từ giảng viên và những người đối diện nguồn tri thức, góc nhìn và kinh nghiệm dày dặn. Chẳng có ai phán xét đúng hay sai. Bài học mỗi người nhận được đúng là bài học mà họ cần nhận được.

Rồi có chị khuyết tật vận động, chia sẻ chân tình rằng, chị đến lớp chỉ với ý thức ăn và học, học từ giảng viên và từ các bạn học viên, mỗi một người đến đều sẽ mang đến cho chị một bài học.

Tôi nhớ về một ví dụ so sánh tác động truyền thông với hành vi con người từ một thầy giáo nọ, đại thể như: hãy vứt rác đúng nơi quy định vì như thế là bảo vệ môi trường; người tử tế vứt rác đúng nơi quy định, hãy vứt rác đúng nơi quy định vì bạn là người tử tế; hay hãy vứt rác đúng nơi quy định vì ca sĩ Mỹ Tâm cũng làm như vậy… Khảo sát cho thấy hiệu ứng hành động của người dân được thúc đẩy với thông điệp truyền thông thứ ba. Một dạng lan truyền và ảnh hưởng đồng đẳng – tôi làm điều này vì bạn cũng làm điều đó. Và vì vậy, khép lại khóa học, nhiều bạn học viên thổ lộ với chúng tôi (những người tổ chức chương trình rằng), bạn mong muốn trở thành những người kế bên tử tế để tạo ra và lan truyền những giá trị tử tế.

 

Kết

Hành trình cuộc đời của tôi, tôi biết rằng mình sẽ được gặp nhiều nữa những con người trân quý, mỗi người đều sẽ dạy cho tôi những bài học cuộc sống. Như rằng tôi đã có lúc nhận ra anh là người độc hại gần tôi; như rằng mẹ tôi cũng có lúc như vậy và những lúc tôi đau buồn nhất, tôi vẫn thường nhớ về khoảnh khắc bà an ủi tôi; như rằng chú là người nhắc tôi một lần nữa về việc tự chăm sóc bản thân, yêu thương bản thân và tự quyết định cuộc đời mình. Và để rồi, tôi tiếp tục lắng nghe bản thân, thành thật với chính mình, tin tưởng vào sức mạnh nội tại của mình.

Còn bạn thì sao? Những người kế bên của bạn đang dạy cho bạn những bài học nào?

Tác Giả: Tâm Ngọc 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hoada921/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,623 lượt xem, 8,397 người xem - 8399 điểm