Nguyễn Phương Thảo@Triết Học Tuổi Trẻ
13 ngày trước
Mông Lung
Một giọt, hai giọt, rồi ba giọt…những giọt nước mắt lã
chã rơi, thấm vào gối đầu, bắt đầu ướt thành các mảng. Gối ướt nửa bên phải, cô
ấy quay sang bên trái, cố kìm nén để không khóc bật ra thành tiếng, đánh thức bạn
cùng phòng đã chìm vào giấc ngủ. Bất lực trước sự mông lung và vô định về con
đường phía trước, từng giọt nước mắt trào ra nhưng cũng không khiến lòng cô nhẹ
hơn. Để khi khóc đủ lâu thì sẽ tự thiếp vào giấc ngủ, rồi sáng mai lại là ngày
mới, và cuộc sống lại tiếp diễn như những ngày trước đó…
Cũng không phải lần đầu tiên cô ấy khóc vì mông lung,
vì cảm giác ấy chưa từng biến mất. Khi đứng trước những ngã rẽ cuộc đời, những
quyết định hay lựa chọn quan trọng, thật khó để không cảm thấy MÔNG LUNG. Nhưng
sau tất cả cô ấy nhận ra rằng: Chẳng sao cả đâu vì… ai mà chẳng có lúc thấy
mông lung!
1.
CẢM GIÁC MÔNG LUNG ĐẾN TỪ ĐÂU?
Một con gà rừng đã quá quen với cuộc sống hoang dã chắc
hẳn rất tự tin khi sống trong khu rừng đầy những nguy hiểm đó. Nhưng nếu đối với
một con gà công nghiệp hơn, à không, phải là “con gà cưng” mang mệnh công chúa,
được bao bọc và chiều chuộng từ khi mới lọt lòng thì việc sinh tồn trong môi
trường như vậy hẳn là một thử thách. Nhiều con đường với những ngã rẽ, đường
qua suối thì không biết bơi mà lên cao thì sợ ngã gãy cánh…Mông lung, vô định,
hoảng hốt, lo sợ, gà ta chỉ muốn quay trở về với tổ ấm. Thế nhưng quy luật của
cuộc sống không cho phép “nàng gà” dựa dẫm vào bố mẹ đến hết đời, đành phải tự
tìm một con đường cho chính bản thân mình để tiếp tục bước đi.
Cô gái ấy của tôi cũng như “nàng gà
cưng” kia. Từ bé đến lớn cô sống trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, trong mắt
các bạn đồng trang lứa, cô ấy được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Sống
trong gia đình luôn yêu thương khiến cô choáng ngợp khi bước ra cuộc sống ngoài
kia, nơi mà thật giả, trắng đen lẫn lộn. Nhưng vì để trưởng thành, cô sẽ phải
đưa ra những lựa chọn về quyết định của mình. Đó là lúc cảm giác mông lung đến
với cô, cảm giác không hiểu rõ bản thân thích gì, mong muốn điều gì, giỏi điều
gì khiến cô thấy khó chịu với chính mình. Bởi lẽ: Đáng ra ta là người hiểu
chính ta nhất, nhưng ta cũng là người mông lung về chính ta.
Như vậy, mông lung đến từ việc không
hiểu rõ bản thân chăng?
Trước khi lý giải câu hỏi này, hãy
cùng quay lại với khái niệm về mông lung được đưa ra: Mông lung được nhắc đến
xuyên suốt bài viết này với cách hiểu là một trạng thái không rõ ràng, thiếu
định hướng trong tư duy, cảm xúc hay suy nghĩ. Vậy việc suy nghĩ không rõ
ràng có thể lý giải bởi một nguyên nhân xác đáng là do không hiểu bản thân
thích gì, muốn gì, giỏi gì, dốt gì. Đó là nguyên nhân chủ quan do bản thân chưa
có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều lĩnh vực để tìm ra câu trả lời cho những
câu hỏi đó.
Một lý do khác đến từ góc nhìn khách
quan. Xã hội ngày nay có quá nhiều thông tin nhanh, giới trẻ ngày nay được tiếp
xúc với mạng xã hội – nơi mà mở ra một chân trời cơ hội cho những người biết nắm
bắt và tỉnh táo, nhưng đồng thời cũng khiến một bộ phận cảm thấy choáng ngợp do
không biết luồng thông tin nào mới đáng tin cậy. Sẽ rất dễ để những bạn trẻ như
“nàng gà cưng” kia bị mắc bẫy. Ví dụ như khi tìm kiếm một công việc, việc nhẹ
lương cao, giờ giấc linh hoạt, đãi ngộ hậu hĩnh… nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng
mà cũng có thể sáng mai thức dậy đi làm không phải Việt Nam mà là ở một đất nước
xa lạ nào đó. Vì sao những công việc như vậy lại dễ dàng tiếp cận với giới trẻ
hơn? Đó là do mạng xã hội chưa thể kiểm duyệt tất cả các thông tin, vậy nên mọi
thông tin bạn nhìn thấy trên mạng chỉ là thứ người khác muốn bạn nhìn thấy, còn
sự thật thì không biết. Nhưng khi nhìn vào luồng thông tin khổng lồ ấy, bạn đôi
khi sẽ cảm thấy thật khó để định hướng đúng thứ bản thân muốn tiếp nhận, vậy
nên bạn thấy mông lung.
2.
KHI THẤY MÔNG LUNG, BẠN THƯỜNG LÀM GÌ?
Nghe bản nhạc yêu thích, xem bộ phim
yêu thích, ăn món ăn yêu thích, hay đi ngủ?
Đôi khi chỉ cần một sự kết hợp hoàn
hảo từ matcha latte không đường cùng kẹo kitkat matcha cũng “hơi ngọt” cũng khiến
tâm trạng của cô ấy vui lên ngay lập tức. Thế nhưng liệu rằng đây có phải là một
cách để trốn tránh cảm giác mà ta không muốn đối mặt không?
Và rồi, cô ấy:
Khóc!
Đó là lí do vì sao có đoạn mở đầu
bài viết này. Khóc không giải quyết được vấn đề gốc, nhưng lại là cách cô ấy nhìn
thẳng và suy nghĩ về vấn đề.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ cô ấy quá
overthinking, chuyện gì đến rồi sẽ đến, rồi sẽ có trường đại học phù hợp cho
mình, sẽ có công việc phù hợp, vậy nên cần gì phải suy nghĩ nhiều đến thể.
Nhưng với cô ấy, đúng là nếu thuận theo tự nhiên thì trời xanh sẽ tự an bài,
nhưng cô muốn chủ động khám phá thế giới này, luôn đặt ra câu hỏi về bản thân để
trả lời, để rồi không trả lời được thì lại mông lung, rồi khóc…Nhưng đó cũng là
bước đầu tiên để chấp nhận cảm xúc, rằng bản thân không hiểu chính mình; từ đó
cô đi tìm câu trả lời.
3.
CỨ THỬ, ĐỂ BIẾT MÌNH THÍCH HOẶC KHÔNG THÍCH ĐIỀU GÌ!
Cô ấy đăng kí tất cả các buổi
workshop nói về cách để hiểu bản thân hơn, xem các video học cách hiểu bản
thân. Mô hình cây, mô hình SWOT, thiền, viết nhật ký… cô đều thử qua. Và nếu bạn
đã từng “đứng hình mất 5s” khi nhìn vào 4 ô: Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách
thức khi làm SWOT về chính mình, thì bạn sẽ hiểu cảm giác của cô ấy. 20 năm đồng
hành cùng chính bản thân, cô ấy lại không biết điểm mạnh hay điểm yếu của mình
là gì, thật vô lý, nhưng đúng vậy! Lấy hết dũng cảm để đặt câu hỏi cho diễn giả
rằng: “Đúng là nếu em tự biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân em là gì thì chẳng
phải thật dễ để lựa chọn con đường đi hay sao, nhưng em lại không biết, vậy em
phải làm gì?”. Vậy là vị diễn giả đó đáp lại rằng: “hãy thử tất cả những gì em
thấy có hứng thú”.
Thế là cô ấy thử, thử apply vào một
câu lạc bộ, thử tìm một việc làm thêm mà cô ấy nghĩ cô sẽ thích…
Một câu lạc bộ khá lớn ở trường Đại
học, lại còn phù hợp với sở thích của cô ấy nữa. Ngày đầu đến gặp các bạn, cô
còn va vào 1 ánh mắt long lanh của 1 chị khóa trước, ánh mắt mà đến tận bây giờ
cô vẫn còn nhớ, bởi nó theo cả sự nhiệt tình và chân thành muốn giúp đỡ. Lần đầu
tiên vào đại học, cô có ấn tượng với 1 người đến thế. Mọi chuyện tưởng chừng êm
đẹp và phù hợp từ đó, nhưng vấn đề bắt đầu xuất hiện. Cô mệt mỏi với những buổi
gặp mặt, rồi tụ tập vào mỗi cuối tuần; dần vắng mặt trong các buổi gắn kết mà
có tí lúa mạch, hay trong các cuộc trò chuyện bàn tán về người khác. Mất kết nối
từ đó, cũng là ngọn lửa đầu tiên đến quyết định từ bỏ thứ mình nghĩ mình sẽ yêu
thích, và biết thêm bản thân không thích điều gì. Vậy nên đôi khi thử, không chỉ
để nhận ra điểm mạnh, rằng bản thân phù hợp với điều gì, mà còn để biết điều gì
không phù hợp với bản thân. Vì thế, thử càng nhiều lĩnh vực, bạn sẽ bất ngờ khi
thấy bản thân không thích nhiều thứ đến vậy-nếu bạn giống cô ấy.
Cũng như việc bóc túi mù, để trúng
túi mà bản thân yêu thích, đôi khi sẽ cần bóc phải nhiều lần túi không như mong
muốn, nhưng đều có giá trị, như 1 bài học.
Bởi vậy, dù không đúng thứ bản thân thích, nhưng ta cũng sẽ không vứt nó
đi. Cũng như những lần thử để thấy bản thân cần rời đi thì đều dạy ta những bài
học khác nhau, đều là bước đệm để ta tìm ra đúng thứ ta cần.
Vậy nên: Thử thì chưa chắc tìm ra được
thứ bạn thích, nhưng chứ thử đi, bạn sẽ tìm thấy thứ bạn không thích. Dù sao
thì khi bạn còn thấy mông lung thì hành động chắc chắn tốt hơn ngồi không.
4.
BÌNH THƯỜNG HÓA VIỆC TỪ BỎ
Bạn đã từng từ bỏ một thứ bạn cho rằng
không thể sống thiếu nó chưa?
Bạn đã từng từ bỏ một công việc ổn định,
gắn bó rất lâu và trở thành thói quen lần nào chưa?
Bạn đã từng từ bỏ việc luôn chạy
theo một người không thích mình? Hay từ bỏ một người mình từng yêu và coi là
sinh mệnh?
Đôi khi, thứ chúng ta cần làm chỉ là
từ bỏ bớt đi những điều không còn phù hợp để còn dành chỗ cho những điều xứng
đáng hơn.
Mông lung, vốn là cảm giác không biết
cần làm gì, giữ hay buông, tiếp tục hay dừng lại. Vậy nên, nếu bạn luôn được
nghe về việc phải cố gắng, nỗ lực không từ bỏ , “never give up” từ khi còn bé,
thì giờ đây cô ấy muốn nói với bạn rằng:
ĐÔI KHI TỪ BỎ CŨNG CHẲNG SAO ĐÂU. Nếu bạn cứ cố chạy theo những thứ vượt qua khỏi
tầm với, hẳn đến một lúc nào đấy bạn sẽ thấy mệt mỏi. Như trong một cuộc thi chạy,
cố gắng đăng kí cự ly cao hơn khả năng của bản thân và nghĩ mình sẽ cố gắng để
vượt qua, nhưng rồi khi gần đến đích, khi đã kiệt sức, quá mệt để tiếp tục cố gắng
thì nên từ bỏ thôi, để tránh gây ra những hậu quả tiêu cực đến chính bản thân mình.
Cô gái ấy của tôi trước đây đã từng
luôn cảm thấy có lỗi với bản thân khi từ bỏ một thứ gì đó, cô cố gắng ôm đồm tất
cả những thứ cô bắt đầu với nó và dường như chưa từng nghĩ đến từ bỏ. Thế nhưng
cô hiểu ra rằng, từ bỏ một thói quen vốn đã quen thuộc để bước vào một cánh cửa
khác cũng chính là cho bản thân một cơ hội để tìm hiểu bản thân thích gì. Khi
văn học trở thành điểm mạnh với 7 năm đi thi HSG, chưa lần nào cô không có giải.
Đối với mọi người thì tại sao cô lại phải mông lung đi tìm câu trả lời khi cô
đã biết điểm mạnh của mình là gì. Nhưng với cô ấy lại là một quyết định khó, và
rồi cô chọn kinh tế, chỉ vì cô nghĩ rằng ở đó cô sẽ học được cách tư duy logic
hơn, và cô ấy muốn thử sức với nó.
Như vậy, chỉ khi từ bỏ nỗi sợ để bước
ra khỏi vùng an toàn với những thứ quen thuộc, bạn mới có thể bước vào một bối
cảnh mới của trò chơi cuộc đời. Vậy nên từ bỏ đôi khi chưa hẳn là nhụt chí, hay
một điều gì xấu. Bởi lẽ:
“Life can be heavy especially if you
try to carry it all at once. Part of growing up and moving into new chapters of
your life is about catch and release. What I mean for that is knowing what
things to keep and what things to release…Decide what is yours to hold and let
the rest go” (Taylor Swift)
5.
NGƯỜI NỔI TIẾNG CŨNG CẢM THẤY MÔNG LUNG?
Nếu như một người sinh ra đã rất yêu
thích một lĩnh vực, cả đời theo đuổi nó với sự đam mê và yêu thích, ít khi cảm
thấy phân vân khi phải lựa chọn và luôn kiên định với quyết định của mình…thì hẳn
người đó thật may mắn.
Nhưng tôi tin chắc rằng, xác suất để
trở thành người may mắn đó là rất nhỏ. Bởi đa phần mọi người, đặc biệt ở độ tuổi
20-30, đều sẽ đôi lúc cảm thấy mông lung.
Tôi tin chắc rằng các bạn trẻ sẽ
không dưới 3 lần nghe qua 3 cái tên mà tôi nhắc đến sau đây:
Taylor Swift, ngôi sao nhạc pop lớn
nhất thế giới, trong bài phát biểu của mình tại NYU (New York University) đã
nói: “I know I sound like a consummate optimist but I really not. I lose
perspective all the time. Sometimes everything just feels completely pointless”
(Tôi biết tôi giống như 1 người lạc quan tuyệt đối nhưng thực sự không phải.
Tôi thường mất quan điểm. Đôi khi mọi thứ hoàn toàn vô nghĩa)
Trong
bài phát biểu tại Stanford năm 2005: Steve Jobs đã nói: “ I had no idea what I wanted to
do with my life, and no idea how college was going to help me figure our” (Tôi
không hề biết mình muốn làm gì với cuộc đời, và cũng chẳng biết đại học có giúp
tôi tìm ra điều đó không)
Lady Gaga, chia sẻ với People
Magazine năm 2020 “I used
to wake up in the morning, and I would realise I was ‘Lady Gaga’. And then I
became very depressed and sad, and I didn’t want to be myself.” (Tôi từng thức
dậy vào buổi sáng và nhận ra rằng tôi là Lady Gaga. Sau đó tôi đã cảm thấy chán
nản và buồn bã, tôi không muốn trở thành chính tôi)
Ngay cả những người nổi tiếng, thành
công như ngôi sao nhạc Pop hàng đầu thế giới hay một trong những người có ảnh
hưởng nhất trong ngành công nghiệp vi tính… đều có lúc cảm thấy mông lung. Vậy
thì chúng ta, những bạn trẻ bình thường nên cảm thấy bình thường với những cảm
giác mông lung đó, bởi:
Bạn mông lung? Chẳng sao đâu, tôi
cũng thế!
6.
TIN VÀO NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP, NÓ CHẮC CHẮN SẼ ĐẾN
Tôi không mê tín, nhưng tôi tin rằng
nếu bạn tin vào điều tốt đẹp, điều tốt đẹp sẽ tìm đến bạn. Ngược lại, nếu bạn
luôn tin vào những điều tiêu cực, bạn sẽ gặp những điều không may mắn. Vì thế
khi cảm thấy mông lung, thay vì tự trách bản thân không đủ giỏi, tự dằn vặt và
tự ti về những điểm yếu của mình thì điều bạn có thể giống cô gái của tôi,
khóc, sau đó bắt đầu ngày mới một cách tích cực. Đôi khi không làm gì cả ngoại
trừ thử, để sai, để học, để rút kinh nghiệm, cũng chính là cách để bạn cảm thấy
bớt mông lung. Vì khi đó thời gian bạn không còn nhàn rỗi quá nhiều để suy nghĩ
đến những điều không cần thiết.
Nghe có vẻ những điều tôi nói ở đây
khá vô lý. Bởi khi mông lung, thì chẳng lẽ lại không hành động gì mà chỉ ngồi
tin vào điều tốt thôi à? Bà nói thiệt hả bà thơ?
Nhưng cô gái ấy đã từng áp dụng và
thành công. Cô ấy luôn manifest được thứ cô ấy thực sự muốn bởi cô ấy đã dành đủ
năng lượng cho nó. Khi bạn hình dung càng rõ thứ bạn muốn, vũ trụ ắt sẽ gửi nó
đến cho bạn. Cô ấy luôn tìm được các công việc theo đúng như cô ấy muốn thử, để
nhận ra cô ấy không phù hợp với nó. Hiện tại cô ấy vẫn có lúc cảm thấy mông
lung, nhưng cô ấy có niềm tin rằng cứ tiếp tục cố gắng, hẳn con đường dành cho
cô ấy sẽ hiện ra. Nó sẽ là con đường cô ấy muốn đi, thích đi và cần đi.
Có một câu nói của Diva Mỹ Linh mà
tôi rất thích đó là: “Các bạn không nhỏ bé đâu, sẽ luôn có chỗ cho các bạn.” Vậy
nên cứ chăm chỉ tin vào những điều tốt đẹp với trái tim tràn ngập ánh sáng, chắc
chắn điều tốt đẹp sẽ đến với bạn dù sớm hay muộn.
7.
TÌM KIẾM MỘT TIA SÁNG
Giữa những bức tường thành của lo toan và những
sa mạc hoang hoải của sự mông lung, đôi khi chỉ cần có một tia sáng nhỏ, một tín hiệu mong manh cũng đủ để con người ta vực dậy và tiếp tục
cuộc hành trình của chính mình. Muốn biết thì phải hỏi mà muốn giỏi thì phải học.
Thế nên điều tôi muốn nói ở đây là bạn có thể tìm cho mình một tia sáng. Nếu bạn
không thể giải quyết được vấn đề của mình thì bạn có thể hỏi người khác, đôi
khi câu trả lời của người ấy không khiến bạn tìm ra con đường của mình ngay lập
tức, nhưng nó có thể là tín hiệu mở đường để bạn tìm ra câu trả lời.
Những lúc cảm thấy mông
lung, nếu có thể, hãy tìm cho mình một cố vấn. Có thể bạn sẽ cảm thấy may mắn
khi tìm thấy người đó, hoặc không, nhưng hãy cứ tìm, rồi bạn có thể phản biện
dưới bài viết này của tôi.
8.
TÌM HIỂU CHÍNH MÌNH
"Vạn
vật đều có vết nứt, đó chính là nơi ánh sáng chiếu vào." Đây là một trong
những câu nói nổi tiếng của Leonard Norman Cohen mà tôi rất thích, dù tưởng chừng
như nó không liên quan lắm đến chủ đề mà tôi đang nói đến. Câu nói này theo tôi
hiểu là nhờ những “vết nứt”- những điều chưa hoàn thiện, mà “ánh sáng”- những
điều tốt đẹp mới có cơ hội chiếu vào. Vậy nên đôi khi nhờ cảm giác mông lung
giúp ta hiểu rõ bản thân mình hơn. Ta sẽ hiểu ta là người hay mông lung, cảm
xúc không được nhất quán, nghèo nàn sự quyết đoán… cũng là một phần tính cách của
chính ta, để khi đưa ra quyết định hay chọn lựa thì cần kỹ càng hơn, tránh bốc
đồng.
Không
chỉ trong công việc mà còn trong tình cảm, đôi khi sự mông lung vì không hiểu rõ
cảm xúc của bản thân cũng sẽ khiến chúng ta có thể đưa ra những quyết định chưa
đúng đắn. Vậy nên, hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “ Tôi là ai?” đôi
khi sẽ khiến bạn muốn khóc, khi càng tìm càng thấy mông lung. Nhưng điều quan
trọng là ở những trải nghiệm tại những nơi mà bạn đi qua.
-----------------------------------------------
Hì
hì, hạ hạ, hẹ hẹ… Bên cạnh những giọt nước mắt thì có những lúc cô ấy cười như
thế. Cuộc sống như tập phim với những tập vui, buồn đan xen.
Cô gái ấy đang trải qua từng tập của bộ phim cuộc đời chính cô, đang tìm kiếm kiểu vai diễn yêu thích và phù hợp. Cô ấy là tôi của quá khứ, tôi của hiện tại và cũng có thể là tôi của tương lai. Vẫn có những lúc mông lung, mất định hướng, không rõ con đường phía trước… Còn bạn thì sao?
Tác
giả: Nguyễn Phương Thảo
Kết bạn và theo dõi tác
giả tại link: https://www.facebook.com/nguyen.phuongg.thao.947289
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận
giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact
Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng
của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết
thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia
sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả -
Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp
đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
125 lượt xem, 97 người xem - 114 điểm