Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Một Cái Nhìn Cởi Mở Và Khách Quan Về Chuyện Xăm Hình

Bản chất của xăm hình

Theo Wikipedia.org cập nhật ngày 08/09/2021 có ghi: “Xăm là một hình thức ghi dấu bằng mực, từ đó làm thay đổi sắc tố da, vì nhu cầu thẩm mỹ, tạo ấn tượng hoặc những mục đích khác. Xăm ở người là một loại hình nghệ thuật cơ thể trong khi xăm ở động vật thường để nhận biết và đánh dấu là vật sở hữu.” Hay như Vtudien.com cũng có định nghĩa: “Xăm là hoạt động dùng kim châm vào da người cho thành hình rồi bôi thuốc hoặc mực.”

Tức xăm hình là một hoạt động tạo hình trên da, có sự linh động về đối tượng cũng như đáp ứng được đa dạng các mục đích khác nhau. Đối tượng nếu là con người thì được coi là một loại hình nghệ thuật hiển thị trên lớp da bề mặt của cơ thể, mà nếu là nghệ thuật thì nên được soi xét bằng tâm hồn cảm thụ cái đẹp thì có vẻ hợp lý hơn là nặng về ý chí phán xét. Vậy những mục đích cụ thể của xăm hình là gì?

  • Thứ nhất là nhu cầu tạo ấn tượng, hoặc dễ hiểu thì là thể hiện bản thân. Theo tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) – muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt là nhu cầu bậc cao, là bậc nhu cầu mà được con người hướng đến.
  • Thứ hai là nhu cầu thẩm mỹ - một nhu cầu tầm siêu cao trong thang đo nhu cầu cần thiết của đời sống con người khi thực tế cuộc sống đang dần đòi hỏi nhiều hơn về mặt chăm chút ngoại hình để đạt tới “cảnh giới” có thẩm mỹ. Cụ thể, nhu cầu thẩm mỹ sẽ nằm ở tầng Aesthetic, phía trên tầng Cognitive - Nhu cầu về nhận thức, hiểu biết và tầng trên cùng của tháp Maslow theo thuyết mở rộng.

Tháp nhu cầu Maslow. Nguồn ảnh: Internet.

 

  • Thứ ba, xăm hình còn là một hoạt động thể hiện những mục đích khác nữa. Mà theo tôi, sẽ thật là thiếu xót nếu không nhắc đến mục đích thuở ban đầu của việc xăm mình ở chính đất nước Việt Nam chúng ta: Xăm hình là một tục lệ đã có từ thời các vua Hùng (tức từ những năm 2000 TCN) và được sử dụng như một cách thức để chống lại thú dữ và bảo vệ con người trong thế giới tự nhiên (theo Đại Việt sử ký toàn thư quyển VI, cuốn sách hiện giờ vẫn tái bản đều đặn và bán tại các nhà sách, mọi người có thể tìm đọc rất dễ dàng). Mãi cho đến đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) thì việc xăm hình hay tục xăm hình mới dần mai một vì lý do tréo queo là... nhà vua sợ đau. Đến năm Quý Hợi 1323 dưới thời vua Trần Minh Tông thì tục xăm mình từ một tục lệ bắt buộc đã trở nên tự do hơn, ai thích thì mới xăm.

Vậy xăm hình bản chất nếu đúng như trên thì có thể hiểu là một loại hình nghệ thuật đã tồn tại và được chấp nhận hoạt động ở Việt Nam (cũng như các hoạt động/ nghề nghiệp khác với những quy định và lưu ý nhất định). Nhưng tại sao “loại hình nghệ thuật” này không được thường xuyên đề cập tới hay được ca ngợi như nghệ thuật văn thơ, nghệ thuật hội họa hay nghệ thuật sân khấu, truyền hình... mà lại bị coi là một điều rất xấu bởi một bộ phận không nhỏ người ngoài kia?!

 

Một bộ môn nghệ thuật đang bị nhiều người “kỳ thị”

Nếu xét một cách khách quan, việc một người xăm hình chỉ nói lên được việc là họ có hình xăm, còn ngoài ra tất cả những nghĩa khác đều là tự con người ta gán ghép rồi phán xét mà thôi. Ấy vậy mà vẫn có không ít người “kỳ thị” việc xăm hình hoặc một ai đó có hình xăm trên người.

Có khi đó là sự kỳ thị của chính bố mẹ với con cái, bạn bè với nhau hoặc tựu chung lại là của một người với một người khác đang mang trên mình hình xăm. Nhưng nếu nghĩ đơn giản hơn một chút, bạn hoàn toàn không cần thiết phải “tiến hành” một việc mà tôi xem là rất mệt mỏi, ấy là KỲ THỊ đối với việc xăm và người có hình xăm -- Nếu bạn là một người ghét việc xăm hình thì có quyền không xăm, vì đây là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng không thể vì ghét việc xăm hình mà ghét luôn người có hình xăm trên người. Như thế là phi lý và thiếu... văn minh, là vô lý vô cùng khi bắt ai đó không được làm điều mà bạn ghét.

Mà đôi khi, tôi tự hỏi là không rõ mọi người ghét việc xăm hình thật hay chỉ đang ghét việc người nhà mình bị hàng xóm dị nghị và rồi sợ ảnh hưởng đến hình ảnh gia đình, đặc biệt là ở những vùng chưa phổ biến hoạt động xăm hình? Hay chỉ là bạn đang ghét bạn bè mình vì họ làm những việc mà bạn chưa từng làm và không bao giờ nghĩ sẽ làm, từ đó suy ra là họ không bình thường và đáng chê trách? Hay có khi đơn giản... chỉ là bạn không thích hình xăm của một ai đó thôi?

Xăm là một bộ môn nghệ thuật đang bị nhiều người “kỳ thị”
Nguồn ảnh: Freepik.com

Hãy cùng thử ngẫm nghĩ về vấn đề này một cách khách quan hơn một chút.

Ví như nỗi sợ và xấu hổ đã hiện hữu đối khi nghe thấy những lời phán xét của NGƯỜI NGOÀI và điều đó đã thôi thúc bạn ghét bỏ người thân, bạn bè của chính mình dù họ không đáng ghét và việc xăm vốn không đáng trách.

Ví như việc xa lánh một đứa bạn vốn chơi rất hợp chỉ vì chuyện nó xăm một hình mà theo bạn là kỳ dị ở trên tay, và bạn nghĩ là chơi với một đứa có “dấu hiệu” lạ thì biết đâu mình cũng bị xem là lạ lùng?

Hay như việc bạn đang ngưỡng mộ một doanh nhân/một nhà giáo/một y bác sĩ/ một nhà văn,... nói chung là một người nào đấy ở bất kỳ một lĩnh vực nào đấy với nhưng đóng góp tuyệt vời của họ, và rồi một ngày bạn thấy bức ảnh người đó với hình xăm trên cơ thể chình ình trước mắt bạn, thế rồi tự nhiên họ trong mắt bạn tự dưng thế nào lại biến thành một người kém hiểu biết, thiếu trình độ và bạn từ bỏ việc ngưỡng mộ họ ngay lập tức?

Nghĩ mà xem, những câu chuyện kia có xa lạ hay không hay đã trở thành những tường thành định kiến trong đầu của rất nhiều người – vốn có thể đưa ra những phán đoán và cư xử một cách tốt đẹp hơn nếu biết sử dụng khả năng nhận thức công bằng và thái độ văn mình với việc xăm hình nói chung cơ mà!

 

Người xăm là người – không – ra – gì?

Nếu ai đó dẫn ra ví dụ về hình xăm như một đặc điểm của những kẻ - không - ra - gì thì xin thưa, có rất nhiều người rất đáng kính với những giá trị to lớn mà họ đóng góp cho đời cũng mang trên mình một hoặc một vài hình xăm đấy.

Trong tâm thức của nhiều người Việt đã hoặc chưa từng biết tới tục lệ xăm mình từ những ngày sơ khai thì sẽ coi việc xăm là một hành động “thể hiện bản thân quá đà”, tức là một đặc điểm của những kẻ không ra gì, bị gọi với những cái tên như “trẻ trâu”, hoặc mang tiếng “không tôn trọng cái thân thể nguyên bản được tạo ra bởi cha mẹ”. Mà trùng hợp thế nào, có nhiều kẻ xấu ngoài kia lại mang trên mình những hình xăm và rồi có khi trình diện trước công chúng, thì tội trạng được gán lên người kẻ đó sẽ tự dưng mà dày lên cả xấp trong suy nghĩ của những người kỳ thị chuyện xăm. Dù sự thật là có những kẻ phạm tội không có hình xăm, và có những người có hình xăm nhưng hoàn toàn không phải kẻ xấu.

Nhân nói tới chuyện có những người mang trên mình một hoặc thậm chí một vài hình xăm nhưng lại không phải kẻ xấu, mà thậm chí còn là người có đóng góp thiết thực cho xã hội. Tôi lại nhớ tới những ồn ào xoay quanh câu chuyện cô Phó hiệu trưởng của một trường Trung học phổ thông nọ bị đánh giá và chỉ trích rất nhiều chỉ bởi để lộ hình trong một tấm ảnh chụp lại khoảnh khắc cô phát biểu trong buổi lễ khai giảng online trước toàn cây và sân trường trống hoác của thời dịch bệnh Covid-19 của những ngày tháng 9/2021 – một hình ảnh vốn vẫn được nhắc đến với những cụm từ như “cảm động” và “đáng nhớ” theo nghĩa tích cực trước khi vấn đề hình xăm của cô nhận được sự chú ý và đón nhận rất nhiều ý kiến trái chiều.   

Liệu có đúng đắn không khi đặt giá trị của một người giáo viên đáng kính lên bàn cân phán xét chỉ bởi một hình xăm?

Và liệu có đáng không khi để định kiến cá nhân xóa sạch hết giá trị của một con người dù trước đó họ có là ai hay họ đã làm gì cho xã hội?

 

Xăm hình là không phù hợp truyền thống, thuần phong mỹ tục?

Xét theo phong tục truyền thống, lề lối, lẽ thường của người Việt, như tôi có nói ở trên, thì xăm hình vốn là một tục lệ có khi là bắt buộc từ thời đại các vua Hùng thuở đầu dựng nước, với những tác dụng đáng kể khi bảo vệ được con người khỏi thủy quái và những mối nguy hiểm khác nói chung. Việc xăm hình thời đấy diễn ra trên cả nam giới và nữ giới, từ dân thường cho tới quan lại, nhà vua. Đã đành thời nay không lo thú dữ tấn công như ngày đó, con người cũng được bảo vệ rất tốt khỏi những nguy hiểm từ thế giới tự nhiên. Nhưng tôi lại e ngại khi chuyện xăm hình bị mang ra đánh giá là không phù hợp truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục,...???

Tôi e ngại bởi còn nhiều người ngoài kia đang vô hình chung đang áp đặt những suy nghĩ không mấy thiện cảm của cá nhân mình về chuyện xăm và còn cố gắng thuyết phục những người khác khi gắn việc xăm hình với “truyền thống dân tộc bao đời” hay “thuần phong mỹ tục”. Nhưng có khi nào họ đang nói thiếu, rằng đấy là truyền thống và thuần phong mỹ tục của một “cộng đồng” chỉ những người kỳ thị việc xăm hình từ đủ những lý do mà họ tự suy ra và tự nghĩ như thế?!

Tục xăm hình đã có từ thời xa xưa. Nguồn ảnh: Internet

 

Xăm không “xấu”, xăm xấu mới xấu!

Đây là một câu nói đúng theo cả mặt chữ lẫn mặt nghĩa. Bởi xăm hình vốn không xa lạ trong suốt chiều dài lịch sử và cũng không hề bị liệt vào danh sách những hoạt động bị cấm nói chung. Vậy tại sao lại cứ cố gắng gắn việc xăm với tính từ “xấu” của “xấu xa”. Trong khi rõ ràng, xăm chỉ “xấu” khi một hình xăm cụ thể nào đó “xấu” theo nghĩa của tính từ “xấu xí”?

Hãy cởi mở và rộng lượng hơn với loại hình nghệ thuật này. Và khi đã trót nhìn về những khía cạnh tiêu cực vô tình hay cố ý bị gắn với xăm, thì hãy dành thêm chút thời gian để tìm hiểu cả những khía cạnh tích cực của việc này nữa. Hãy là một con người văn minh với những đánh gia khách quan cho việc xăm nói riêng và tất cả những vấn đề khác của cuộc sống.

 

Tác Giả: Lyng 

 Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/khanhly.nguyen.178899/


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,626 lượt xem, 1,587 người xem - 1933 điểm