Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Một Điều Để Thành Công

 

Sống trên đời ai mà chẳng có trong mình những hoài bão, lòng ham muốn nhất định nào đó. Dù là mục tiêu nhỏ bé hay lớn lao thì chung quy lại cũng gói gọn trong hai chữ “Thành công”. “Thành công” một khái niệm vô hình nhưng lại có thể đem lại cho ta những cảm giác hữu hình khi ta đạt được nó. Vậy nên, thật chẳng có ngoại lệ, bất kì ai trên thế gian này cũng đều khao khát nắm bắt được thứ mang tên “thành công” và thưởng thức mùi vị của nó. Nhưng rốt cuộc là làm thế nào mới có thể đạt được cái gọi là thành công ấy?

 

Đã nhiều lần tôi cảm thấy băn khoăn và tự hỏi liệu có công thức chung nào có thể giúp tôi trở nên thành công, đạt được những gì mà tôi mong muốn. Thế nhưng càng đi tìm công thức thì tôi lại càng cảm thấy mọi thứ thật mông lung và rối rắm bởi có quá nhiều phương pháp để tạo nên thành công mà ta mong muốn. Dẫu sao thì, thật may mắn, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra một điều duy nhất làm nên sự khác biệt giữa hai ranh giới thất bại và thành công. Liệu bạn có muốn mình thành công chỉ với một điều hay không? Nhưng trước khi nói về điều đó, tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện.




Theo tôi, chẳng có bất kì thước đo hay tiêu chí nào để đo lường mức độ thành công của người này hay người kia. Bởi thành công mà mỗi người tự đặt ra cho mình là khác nhau. Có người cho rằng họ thành công khi sở hữu nhiều của cải, có người lại cảm thấy chỉ cần được ở bên những người mà họ yêu quý cũng gọi là thành công rồi. Vậy mà bản thân tôi đã từng nghĩ thành công là khi tôi phải làm một điều gì đó lớn lao và vĩ đại lắm. Chính vì thế mà tôi đã vô tình bỏ quên những công việc tưởng chừng như nhỏ bé, chẳng đem lại lợi ích gì cho bản thân như làm việc nhà mà cứ cố gắng suy nghĩ về cái thành công mơ hồ nào đó. Tôi đã từng cảm thấy thật khó hiểu khi mẹ tôi yêu cầu làm điều gì cũng phải thật hoàn hảo, tất nhiên điều đó là hoàn toàn đúng nhưng ngay cả việc xếp một đôi dép hay đặt những chiếc gối cũng phải thật ngay ngắn và chỉn chu thì thật là khó chịu. Đôi khi tôi cảm thấy cuộc sống của mẹ tôi thật mệt mỏi khi mẹ phải làm mọi thứ như “một người máy” vậy bởi mọi việc mà mẹ tôi đặt ra đều phải làm cho đúng kế hoạch, theo nguyên tắc. Thế nhưng giờ thì tôi nhận ra cuộc sống của mẹ chẳng có gì là vất vả hay mệt mỏi như tôi cảm thấy vậy, thậm chí nó còn được sắp xếp, trở nên khoa học hơn và quan trọng là sự hài lòng, thuận tiện trong cuộc sống. Như vậy thì mẹ tôi cũng có một cuộc sống coi là thành công rồi.



 

Câu chuyện tiếp theo là về một người bạn thân của tôi. Mỗi lần làm việc nhóm ở lớp thì cô bạn ấy thường làm nhóm trưởng, cũng chính vì trọng trách lớn hơn nên đôi khi người nhóm trưởng phải làm nhiều việc hơn những thành viên khác. Thế nhưng đâu phải lúc nào ta cũng có một nhóm hoàn hảo khi mọi người đều sẵn sàng nhận việc để làm. Trước nhiều lần như thế, thật không nói quá khi cô bạn của tôi đã làm hầu hết mọi việc từ slide thuyết trình cho đến cả việc thuyết trình. Vậy nên đã có lần tôi hỏi cậu ấy rằng liệu cậu ấy không cảm thấy bất công khi mình phải làm quá nhiều việc hay sao. Nhưng câu trả lời của cô bạn ấy khiến tôi không khỏi bất ngờ. Cậu ấy đã nói rằng khi mình làm nhiều việc hơn thì đổi lại sẽ học thêm được nhiều thứ, nhiều kĩ năng giúp ích cho sau này, nếu không làm thì sẽ bỏ lỡ một cơ hội để học hỏi. Quả nhiên nhờ đó mà cô bạn ấy đã có thêm rất nhiều những kinh nghiệm, kĩ năng và được nhận làm việc ở nhiều nơi.

 

Cuối cùng thì đây có lẽ là câu chuyện khiến tôi càng thêm tin hơn nữa vào một điều duy nhất tạo nên thành công này đó là chuyện “Người anh triệu phú tìm ra lí do em trai trở nên vô gia cư” – Vnexpress. Nếu bạn đọc thật kĩ bài báo này thì bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi Ivan và David lại là hai anh em ruột trong khi sự cách biệt giàu nghèo của họ lại trở nên quá lớn. Đây là câu chuyện về hai anh em người Anh, họ cùng có một xuất phát điểm như nhau, nhưng người anh Ivan lại là một triệu phú trong khi người em David lại trở nên thật thảm hại. Cùng một bệ phóng nhưng có lẽ sự nuông chiều mà bố mẹ dành cho David chính là điểm khác biệt duy nhất. Từ nhỏ, Ivan để chăm chỉ làm việc trong khi người em lại chẳng làm gì cả ngày trời. Chính vì được nuông chiều nên chính điều đó đã ngày càng tạo nên một khoảng cách giữa hai anh em họ. Ivan chịu khó, cần cù từ nhỏ nên khi lớn đã nhận được trái ngọt xứng đáng cho công sức mà mình bỏ ra. Còn David vẫn dậm chân ở đó, lười biếng, tự do và cũng nhận lại được kết quả thích đáng.

 

Từ những câu chuyện đó mà tôi cũng nhận ra lời mẹ nói thật đúng – sự kỉ luật quyết định thành công sau này. Những công việc nhà mà tôi từng cho rằng đó là những việc vặt vãnh, chẳng đem lại điều gì thì tôi đã không còn nghĩ như thế khi mà tôi phải làm chúng khi không còn người giúp việc nữa. Nếu không có một kế hoạch khoa học và tính kỉ luật cao thì bạn thậm chí sẽ mất cả ngày trời cũng chẳng hoàn thành nổi chừng ấy việc nhỏ bé như quét nhà, lau nhà, giặt giũ,… ấy. Ngay cả việc làm mọi thứ cũng phải thật hoàn hảo dần dần sẽ tạo nên cho bạn một nếp sống kỉ luật. Cuối cùng, thay vì tính kỉ luật, chẳng muốn làm nhiều việc như người khác, chỉ muốn chọn những việc dễ cho mình thì bạn đã vô tình cho mình cái quyền tự do có thể sẽ giết chết tương lai của bạn. Vậy sự kỉ luật chính là điều mà tôi đã nhận thấy, nó sẽ khiến bạn đạt được thành công mà bạn mong muốn.



 

Giờ thì hãy thử lên mạng rồi tra “công thức để thành công”, bạn sẽ tìm thấy thật không thiếu các cách và phương thức giúp cho bạn. Nhưng nghĩ kĩ lại, nếu không tạo ra cho mình một nếp sống kỉ luật thì không phải sẽ thật khó để ta có thể làm theo các công thức thành công hay sao.

 

Vậy thì để tạo cho mình tính kỉ luật, bản thân mỗi người phải có một bản lĩnh. Tôi cho rằng để tránh bản thân quá tự do, mỗi người cần có một kế hoạch nhất định cho mỗi ngày. Những việc mà bạn đã đề ra đó, hãy cố gắng làm sao để hoàn thành hết, không thì ít nhất cũng nên hoàn thành được 70 – 80% công việc. Ban đầu có lẽ sẽ thật khó khăn khi tự dưng ta lại đưa bản thân vào một điều áp lực. Vậy nên đừng đặt ra quá nhiều việc mà bạn ép bản thân mình phải làm bằng được, hãy đề ra những nhiệm vụ phù hợp cho ngày hôm đó mà bạn tin khả năng mình sẽ làm được chừng đó mà thôi. Có như vậy khi hoàn thành được công việc mà bạn đề ra, thay vì quá ít việc được hoàn thành rồi tạo nên cảm giác chán nản thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng phấn chấn và hào hứng. Dần dần, càng nhiều nhiệm vụ được hoàn thành thì như vậy cũng chính là một điều thành công rồi. Hơn nữa, tính kỉ luật thì chẳng phải người Nhật đang thực hiện nó rất tốt sao. Để đạt được thành công thì ta không được quên những điều nhỏ bé. Làm được nhiều việc nhỏ thì mới có thể hoàn thành được việc lớn. Vậy nên hãy làm mọi thứ thật cẩn thận, chỉn chu như dân tộc Nhật Bản vì họ luôn quan niệm dành họ chỉ được sống một lần duy nhất, hãy khiến cho cuộc sống ấy thật hoàn hảo. Hằng ngày ta “tuân thủ” nguyên tắc như vậy thì dần dần, chẳng biết từ bao giờ ta sẽ tạo nên một nếp sống kỉ luật giúp ta chinh phục mọi khó khăn đi tới thành công.

 


Thế nhưng, sống kỉ luật không có nghĩa là sống cứng nhắc và đi ngược lại với quyền tự do. Sống kỉ luật mà con người cần hướng tới chính là làm sao để mọi việc trong cuộc sống của chúng ta được sắp xếp hợp lí, trở nên khoa học để phục vụ lại chúng ta. Để dù cho cuộc đời có đầy rẫy những bất ngờ đi chăng nữa thì nhờ đó bạn vẫn có thể giải quyết được sao cho phù hợp nhất. Khi mà công việc được hoàn thành một cách nhanh chóng nhờ sự kỉ luật thì kéo theo đó ta sẽ có nhiều thời gian làm những việc mà bản thân yêu thích. Còn nếu buông lỏng bản thân, sống “nước chảy bèo trôi” thì sự tự do này chính là con dao đâm lại bạn. Kỉ luật lại càng không phải là sự cứng nhắc vì ta là người làm chủ kế hoạch và công việc mà mình đặt ra, vậy nên ta hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi, sắp xếp lại chúng để làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh và thực tế.

 

Chỉ bằng một điều thôi – sự kỉ luật là ta đã có thể kéo thành công gần lại hơn với mình rồi, vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu tạo nếp sống đó và thực hiện để thành công không chạy đi chơi xa nữa?



Tác giả: Mạc Khánh Vi

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

364 lượt xem, 357 người xem - 372 điểm