Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Multitasking - Bạn Có "Đa Nhiệm" Như Bạn Nghĩ?


Bạn cảm thấy mình là người có thể hoàn thành nhiều công việc một lúc, là người “ba đầu sáu tay”, chẳng hạn như:

Vừa học vừa lướt được facebook, thi thoảng còn nhanh tay comment dạo được.

Check email làm việc nhưng trên trình duyệt web lại mở hàng tá tab khác không liên quan mấy.

Tai nghe giảng bài, tay tranh thủ chơi cờ caro với đứa bạn.

Vừa làm việc vừa chơi game, xem MV ca nhạc.

Vừa làm content nhưng được xếp giao luôn làm cả editor hình ảnh, âm thanh…

Vậy, những việc đó có phải bạn là người đa nhiệm hay không? Đa nhiệm là gì mà nhiều người đầy tự hào viết vào CV của mình rằng: Em là người đa nhiệm, đa di năng. Đa nhiệm là gì mà khiến nhiều nhà tuyển dụng mong muốn tìm kiếm ở ứng viên. Liệu rằng đa nhiệm có thực sự tồn tại? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết này.

 1. MULTITASKING - ĐA NHIỆM LÀ GÌ?

Theo dịch nghĩa tiếng Việt, Multitasking có nghĩa là đa nhiệm.

Trong máy tính, đa nhiệm đề cập đến những thứ như chạy nhiều hơn ứng dụng cùng một lúc. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào giữa thập niên 60, thuật ngữ “multitask” vốn được dùng để chỉ khả năng xử lý đa nhiệm của hệ thống máy tính IBM System/360 vừa ra đời vào lúc đó. 

Trong điện toán, đa nhiệm là việc thực thi đồng thời nhiều tác vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Nhiệm vụ mới có thể làm gián đoạn những nhiệm vụ đã bắt đầu trước khi chúng kết thúc, thay vì chờ chúng kết thúc.

Sau này thuật ngữ này được dùng để mô tả với con người. Được hiểu như là người có khả năng làm trên hai việc cùng một lúc, có sự chuyển đổi qua lại từ việc này sang việc khác và thực hiện một số tác vụ liên tiếp nhanh chóng không sai sót.

Chẳng hạn như bạn vừa có thể đánh máy viết bài và làm toán cùng một lúc mà vẫn đảm bảo chất lượng bài viết, đáp án bài toán chính xác.


2. AI MỚI LÀ MỘT MULTITASKING?

Giáo sư Strayer thuộc bộ môn tâm lý học của Đại học Utah từng có nhận định với phần lớn người bình thường rằng: “não bộ không thể xử lý được lượng thông tin quá nhiều từ các tác vụ” và theo nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng  2% người là có thể đa nhiệm mà mang lại hiệu quả tốt.

Vậy câu trả lời cho việc đa nhiệm có thực sự tồn tại ở con người hay không? Câu trả lời là có, với khoảng 2% dân số. Nhưng liệu bạn có nằm ở con số 2% ít ỏi kia hay không thì phải xem bạn có đạt những tiêu chí sau đây:

2.1.  Đa nhiệm nhưng không ảnh hưởng đến năng suất làm việc

Trên thực tế bộ não chúng ta không có đủ khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc bởi bản chất não bộ được lập trình để tập trung vào một việc trong một khoảng thời gian. Các cấu trúc hệ thần kinh và hệ thống nhận thức luôn vận hành theo hướng chỉ tập trung vào một việc đơn lẻ. Khi bạn đang đa nhiệm là lúc bạn đang ép chính bộ não của mình phải phân chia sự tập trung. Các hệ thống mạng lưới phức tạp trong não sẽ bị rối loạn do phải cùng lúc tiếp nhận và xử lý nhiều thông tin khác nhau.

Chẳng hạn như khi bạn đang làm việc, nhưng vẫn đang mải mê chat với bạn. Câu chuyện đang gay cấn, bạn phải dừng việc của mình lại để tiếp tục buôn về chủ đề đó. Đến khi nói đến câu tạm biệt để quay trở lại làm việc thì bạn đã mất đến cả ba mươi phút đồng hồ và số việc cần giải quyết ngay thì vẫn đang đợi bạn. Để quay trở lại làm việc lại não bộ bạn lại cần phải làm việc lại một lần nữa, kích hoạt để lấy lại thông tin, kích hoạt để khởi động lại hệ thống nhận thức.

Sự thật là, khi bạn đa nhiệm  bản chất thực sự  chỉ là ta đang chỉ nhanh chóng chuyển đổi nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Khi liên tục chuyển hướng sự tập trung như thế, hiệu suất xử lý công việc sẽ bị giảm sút và mất nhiều thời gian hơn so với khi làm việc đơn lẻ. Điều này ảnh hưởng  trực tiếp đến năng suất làm việc của bạn.

 Brian Tracy, chuyên gia về phát triển bản thân và kinh doanh, tác giả cuốn sách về hiệu suất nổi tiếng “Eat that Frog” cũng chỉ ra rằng thay vì tiết kiệm thời gian, làm việc đa nhiệm sẽ khiến năng suất lao động của bất kỳ ai giảm tới 40%.

2.2. Đa nhiệm nhưng không bị mất tập trung và bị chậm lại

Những người làm việc đa nhiệm thường sẽ bị mất tập trung hơn những người làm việc đơn lẻ. Bởi lẽ những người làm việc đa nhiệm não bộ có xu hướng tập trung vào nhiệm vụ mới khi đó bản thân sẽ xao lãng nhiệm vụ cũ.

Mặc dù có vẻ trái ngược với suy nghĩ thông thường, nhưng chúng ta có xu hướng làm việc chậm hơn và kém hiệu quả hơn khi thực hiện đa nhiệm. Theo các nhà tâm lý học, đa nhiệm dẫn đến việc ta phải mất  "chi phí chuyển đổi nhiệm vụ”, hoặc những tác động tiêu cực đến từ việc chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Chúng ta gặp phải chi phí chuyển đổi nhiệm vụ ví dụ như  tốc độ làm việc chậm hơn do nhu cầu tinh thần tăng lên liên quan đến việc chuyển từ việc này sang việc khác.

Chẳng hạn một nghiên cứu vào năm 2003 đã chỉ ra rằng nếu 1 người cứ 5 phút lại check mail 1 lần, thì trung bình sẽ tốn thêm 64 giây để quay trở lại task trước đó.

2.3. Đa nhiệm mà không mắc lỗi

Như đã nói đa nhiệm có thể làm giảm hiệu suất làm việc của bạn, điều này cũng khiến bạn dễ mắc lỗi hơn. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sinh viên làm nhiều nhiệm vụ trong lớp có xu hướng có điểm trung bình thấp hơn (và nếu họ tiếp tục làm việc đa nhiệm ở nhà, họ thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành bài tập về nhà). Điều này cũng xảy ra ở người lớn, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy người lớn có khả năng mắc nhiều lỗi hơn khi lái xe nếu họ làm việc đa nhiệm.


3. CÓ MỘT SỰ NHẦM LẪN Ở ĐÂY: Chúng Ta Thường Nhầm Tưởng Mình là Multitasking?

Từ ba dấu hiệu trên rất khó để bạn trở thành 2% dân số kia đúng không nào. Thế nhưng nhiều người vẫn có xu hướng nghĩ rằng mình đang multitasking, thậm chí còn đang multitasking rất tốt:

Tôi vẫn vừa có thể vừa đan len vừa xem kênh truyền hình ưa thích.

Tôi có thể vừa nhảy nhót vừa nấu cơm.

Tôi có thể vừa đánh máy vừa đọc được chuyện.

Tôi có thể vừa đánh răng vừa lau mặt được, vừa mặc quần áo vừa xỏ được dép ngon lành…

Nhưng rất tiếc là những hành động trên không được tính là multitasking. Chính xác thì  những hành động đó là kỹ xảo (hành vi đã được luyện tập không có sự kiểm soát thường xuyên của ý thức, không cần có sự kiểm tra bằng thị giác. Động tác mang tính chất khái quát, nhuần nhuyễn không có động tác thừa, kết quả cao, ít tốn kém năng lượng thần kinh và bắp thịt) và hành vi tự động hóa thành thói quen ( Là những hành động mang tính chất nhu cầu, nếp sống, luôn gắn với tình huống nhất định, bền vững, và được đánh giá về mặt đạo đức đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo..).

Vì vậy đừng bao giờ nhầm lẫn  với những tác vụ phức tạp đòi hỏi sự tập trung và có sự "động não" nhiều đến vậy; những hành động đó chủ yếu ta không cần có sự kiểm soát thường xuyên của ý thức, hành động thói quen. Hoặc nó cũng là những hành động  thường không xử lý chúng cùng lúc, mà chỉ chuyển đổi qua lại liên tục giữa các đầu việc. Thay vì dùng từ  “multitasking” thì “task-switching” mới là từ mô tả chính xác cho kiểu làm việc này.


4. CÓ NÊN HÀNH ĐỘNG MULTITASKING?

Với những người thuộc 2% dân số thì multitasking rất hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích cho họ. Ở một vài vị trí cao, cần các kỹ năng tổng hợp như sắp xếp công việc, quản trị, điều hành, kiểm tra, đánh giá và đào tạo thì lại rất cần đến những người có khả năng đa nhiệm. Thực tế đã có những  người đa nhiệm thành công như vậy, đó là tỷ phú Elon Musk, Bill Gates, Mark Zuckerberg…

Thế nhưng, những người bình thường thuộc 98% dân số còn lại thì không nên đa nhiệm bởi vì: 

  • Đa nhiệm sẽ khiến bạn tụt giảm chỉ số IQ cụ thể: Năm 2011, nghiên cứu của đại học California đã cho thấy việc thay đổi liên tục hoạt động sẽ gây ảnh hưởng đến vùng nhớ thông tin tạm thời của não. Điều này dễ dẫn đến chứng đãng trí khi về già.  Có thể do tính đa nhiệm mãn tính làm thay đổi não bộ theo thời gian, dẫn đến mất tập trung nhiều hơn và các vấn đề về tập trung hoặc có thể những người có những đặc điểm này có nhiều khả năng làm đa nhiệm hơn ngay từ đầu. Dần dần, khả năng làm việc của não sẽ càng kém linh hoạt. Cụ thể, nghiên cứu tại đại học London chỉ ra rằng, những người làm việc đa nhiệm có thể bị giảm 15 điểm IQ.

  • Đa nhiệm làm giảm EQ và làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn. Chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác có thể gây khó khăn cho việc điều chỉnh các yếu tố gây mất tập trung và có thể gây ra các khối tinh thần khiến bạn chậm lại. Bạn luôn cảm thấy mình bị quá tải, khó tập trung trở lại, chán nản với công việc. Điều này dẫn đến việc bạn dễ nảy sinh cáu gắt, lo lắng. Bạn sẽ thường có tâm trạng khó chịu khi giao tiếp và tương tác với người khác, hoặc tự biến mình thành người “than thở”.

  • Ngoài ra đa nhiệm còn có nhiều tác hại khác chẳng hạn như ảnh hưởng đến năng suất làm việc, giảm khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề, giảm sự hạnh phúc của bạn….


5. CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÁ VỠ THÓI QUEN ĐA NHIỆM?

Trên thực tế, chúng ta vẫn thích đa nhiệm dù không thể. Bởi lẽ đa nhiệm luôn có một sức hút khó cưỡng và khiến chúng ta có cảm giác thoải mái hoặc siêu việt.

Vừa học bài, vừa xem ti vi  hay vẽ nghệch ngoạc một điều gì đó không khiến ta học hiệu quả nhưng lại khiến ta thoải mái và thư giãn hơn. Tương tự, vừa nghe nhạc vừa lái xe, vừa chơi thể thao cũng vậy. Nó không giúp bạn học nhanh hơn, lái xe tốt hơn cái nó khiến bạn tốt hơn đó chính là cảm xúc. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa hiệu quả công việc với cảm xúc đi kèm. Lâu dần, nó sẽ biến thành động lực thúc đẩy và khiến ta tái diễn hành vi đa nhiệm, biến nó thành một dạng thói quen tự củng cố dù không hiệu quả.


Vậy làm thế nào để từ chối thói quen này?

  • Hãy luôn tự nhủ rằng đây là thói quen không tốt nó khiến bạn giảm IQ, EQ, giảm trí nhớ và gây căng thẳng.
  • Hãy đánh giá nhanh những việc khác mà bạn đang cố gắng hoàn thành. Sau đó, xác định xem bạn cần tập trung vào nhiệm vụ nào trước. Hãy luôn nhớ rằng làm từng công việc một có thể giúp bạn trở nên năng suất hơn và nó có thể khiến mỗi công việc trở nên thú vị hơn.
  • Giới hạn số việc và sắp xếp nó vào  chỉ trong một nhiệm vụ. Nếu bạn cần làm nhiều việc cùng một lúc, hãy cố gắng kết hợp một việc tự động hóa nào đó. Ví dụ bạn có thể kết hợp việc giặt quần áo và gấp quần áo, vừa nấu cơm vừa nhặt rửa rau...
  • Sử dụng "quy tắc 20 phút". Thay vì liên tục chuyển đổi giữa các nhiệm vụ, hãy cố gắng tập trung hoàn toàn vào một nhiệm vụ trong 20 phút trước khi chuyển sang nhiệm vụ kia.
  • Lên lịch thực hiện hàng loạt nhiệm vụ tương tự. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chống lại sự hối thúc  kiểm tra email hoặc tham gia vào một công việc gây mất tập trung khác, hãy lên lịch vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày để giải quyết nó. Bằng cách gộp các nhiệm vụ tương tự lại với nhau và sắp xếp thời gian để xử lý chúng, bạn có thể giải phóng tâm trí của mình để tập trung vào việc khác.
  • Hạn chế sự phân tâm. Hãy tìm một nơi yên tĩnh hơn để làm việc, bạn có thể tắt điện thoại cũng như tắt thông báo và báo thức, tránh những sự phân tâm không cần thiết.
  • Làm chủ thời gian của bản thân: Nắm vững thời điểm mình làm việc năng suất nhất, khoảng thời gian để hoàn thành một công việc cụ thể là yếu tố tiên quyết để làm chủ quỹ thời gian vàng bạc của bản thân. Vừa làm, căn giờ, bạn sẽ sớm xây dựng được một bộ khung thời gian phù hợp nhất với mình, không có thời gian chết hay thiếu thời gian hoàn thành mục tiêu.
  • Thực hành chánh niệm. Thêm chánh nhiệm vào thói quen hàng ngày có thể giúp bạn nhận ra những lúc bạn đa nhiệm. Chánh niệm cũng có thể cải thiện khả năng tập trung và chú ý vào một thứ tại một thời điểm.

Chúc bạn may mắn thoát khỏi cảnh tự ép chính tinh thần và bộ não của mình làm những việc quá sức như đa nhiệm chẳng hạn!

Tác Giả: Anh Nguyen
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/anhnguyenna16
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

664 lượt xem, 583 người xem - 583 điểm