Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Muốn Bứt Phá, Thứ Ta Cần Làm Hóa Ra Lại Là Thừa Nhận Sự Ngu Dốt Của Bản Thân

Tại sao người thành công không phải lúc nào cũng là người học giỏi nhất !?

Thời còn ở Việt Nam, không ít lần tôi đã nghe những câu đại loại kiểu « Nhìn lại cả đám mà xem. Giờ những đứa thành công không phải là mấy đứa học giỏi ngày xưa mà lại là những đứa học tầm tầm trong lớp. » « Nhìn thằng B mà xem, này xưa đi học ăn rồi toàn nghịch phá, trốn tiết là thế, giờ mới đi làm 4, 5 năm nghe nói sắp lên phó phòng. Còn Q, ngày xưa học giỏi nhất lớp này nọ, hình như ra trường chưa xin được việc nên đăng ký học cao học » « Thôi, sau này có con cái đừng bắt ép tụi nó học nhiều làm gì cho mệt. Học cho lắm, điểm cho cao để mà làm gì !? Sau này chắc gì chúng nó đã kiếm tiền bằng mấy đứa nghịch phá trong lớp ! »

Từ bé đến lớn, chúng ta lúc nào cũng được nghe bố mẹ, anh chị, thầy cô bảo rằng phải học, phải học thật giỏi thì mới kiếm được một công việc tốt, mới kiếm ra tiền. Thế là chúng ta đều như những con thiêu thân lao vào học gạo, học vì điểm số, học vì những kỳ thi. Có bỏ ra, ắt có thu vào. Một khi bỏ công sức, tập trung học thì chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ đạt được một vài thành tựu nhất định trên con đường học hành. Đậu vào những lớp chọn, trường chuyên, đậu vào những trường đại học tốp đầu, kiếm được vài suất học bổng…

Nhưng rồi thì sao ? Khi tốt nghiệp, ra trường, vào đời, bước vào cuộc chiến thực sự, ta mới thấy rõ sự khốc liệt mà không phải ai cũng được trang bị sẵn để đối mặt. Đa phần, chúng ta đều như những chú cừu non với bộ lông trắng muốt bước vào cái lu nhuộm cuộc đời. Rồi ta nhận thấy, hóa ra, không phải thời đi học cứ điểm cao, có nhiều kiến thức thì tỷ lệ thành công khi vào đời. Thậm chí một số người đi học rất giỏi, cực kỳ giỏi nhưng ra trường, vào đời lại chẳng thành công, cứ lận đà lận đận mãi trên con đường sự nghiệp, xây dựng gia đình. Phải chăng vì thế, nhiều người quay ra nghi ngờ giá trị của việc học?

“Chúng ta không biết” và tấm bản đồ trống


Trong cuốn Sapiens – Lược sử loài người, tôi ấn tượng về một câu chuyện mà tác giả Yuval Noah Harari kể, lý giải vì sao những người châu Âu lại có thể xoay xở thoát khỏi vùng đất hẻo lánh của họ để chinh phục thế giới. Điều mà những người Trung hoa hay người Ottoman không làm được. Theo Yuval, thứ thúc đẩy, góp phần làm nên sự thống trị của người châu Âu mở đầu bằng việt thừa nhận sự ngu dốt.

« Các nhà khoa học và kẻ chinh phục đã bắt đầu bằng việc thừa nhận sự ngu dốt – họ đều nói rằng: « Tôi không biết có những gì ở ngoài kia ». Họ đều cảm thấy bắt buộc phải đi ra ngoài kia để có những khám mới. Và cả hai bên đều hy vọng những kiến thức mới có được sẽ giúp họ trở thành những ông chủ của thế giới. »

Với việc thừa nhận những thứ không biết, những người châu Âu tiếp tục với những tấm bản đồ trống. Trong cuốn sách của mình, Yuval có viết, « Trong thế kỷ XV và XVI, người châu Âu bắt đầu vẽ bản đồ thế giới với rất nhiều khoảng trống - một dấu hiệu của sự phát triển tư duy khoa học, cũng như sự cố gắng của đế chế châu Âu. Những tấm bản đồ trống là một bước đột phá về tâm lý và tư tưởng, một sự thừa nhận rõ ràng rằng những người châu Âu đã không biết gì về những phần rộng lớn của thế giới».

Đây còn là khởi nguồn của sự kiện tìm ra châu Mỹ của Christopher Columbus nhưng cái tên được đặt cho lục địa này lại theo tên của Amerigo Vespucci.

Ngày 12 tháng 10 năm 1492, đoàn thám hiểm của Christopher Columbus tiếp cận một lục địa chưa từng được biết đến. Columbus tin rằng ông đã đặt chân đến một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Đông Á và nghĩ rằng mình đã đổ bộ lên Ấn Độ. Ông đã mang theo sự nhầm lẫn này trong suốt phần đời còn lại…

Trong khi đó, Amerigo Vespucci thì sao? Amerigo Vespucci là một thủy thủy người Ý đã tham gia vào nhiều cuộc thám hiểm tới châu Mỹ những năm 1499 – 1504. Ông lại lập luận rằng vùng đất Columbus tìm ra không phải là những đảo ngoài khơi bờ biển Đông Á mà là một lục địa chia từng được biết đến. Bị thuyết phục trước những lập luận này, một người vẽ bản đồ có tiếng ở châu Âu thời bấy giờ đã cập nhật lại tấm bản đồ thế giới mới, đặt tên lục địa mới là America. Và cũng từ đây, tấm bản đồ thế giới mới ngày một được truyền bá rộng rãi, bổ sung…cho đến thời điểm hiện tại.

Yuval cho rằng, việc Columbus phát hiện ra lục địa mới trong thời gian này nhưng người được đặt tên cho lục địa mà Columbus tìm ra lại là Amerigo, một thủy thủ người Ý ít tiếng tăm là : « sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự thật là một phần tư của thế giới, và hai trong số bảy lục địa của nó, được đặt tên theo một người Ý ít tiếng tăm, người đã có can đảm để phát ngôn tuyên bố độc nhất khiến ông trở nên nổi tiếng, “Chúng ta không biết”. »

Trong khi đó, “Với việc từ chối thừa nhận sự ngu dốt, Columbus vẫn là một con người thời trung cổ. Ông tin rằng mình đã biết trọn vẹn về thế giới, và thậm chí chính sự khám phá lớn lao của ông cũng không thuyết phục ông nghĩ khác đi.”

Hãy thử bắt đầu lại bằng việc thừa nhận sự ngu dốt


Đọc về câu chuyện khám phá, làm chủ thế giới của người châu Âu khiến tôi nhận ra một vài tương quan với cuộc đời của chúng ta - những người trẻ đang chênh vênh tìm hướng đi cho mình.

Nếu ví cuộc đời mỗi người là một thế giới, thì kể từ khi sinh ra, chúng ra đã được đặt lên con thuyền do chính bản thân làm thuyền trưởng bắt đầu hành trình dong buồm ra khơi. Trên con thuyền ấy, mỗi người đều được trang bị một tấm bản đồ. Ban đầu, những tấm bản đồ này đều trắng như nhau. Theo năm tháng, theo những trải nghiệm, theo sự dẫn dắt của những người bên cạnh, mỗi người trong số chúng ta đều tự vẽ lên các lục địa, hòn đảo cho riêng mình.

Tôi nghĩ, nhiều người trong số chúng ta mắc phải sai lầm như Columbus. Columbus là người như thế nào ? Lịch sử đã ghi lại hàng hoạt dẫn chứng chứng minh ông là một thuyền trưởng, một nhà hàng tải tài ba, đầy kinh nghiệm, gan dạ. Ông đã tạo nêu nhiều dấu ấn trong cuộc đời lênh đênh trên biển của mình.

Chúng ta, tuy không thể nói là đặt lên bàn cân để đo đếm, so ngang sánh dọc với Columbus, nhưng nhìn nhận một cách nào đó, chúng ta đã gặt hái được một vài thành quả đáng ghi nhận trên hành trình vào đời. Người thì chinh phục được những bài toán khó, người thì đạt giải trong những cuộc thi viết, người thì vẽ, người thì soạn ra vài bản nhạc, người thì chế tạo nên tác phẩm dự thi khoa học, đậu vào trường đại học mình mong muốn… Chúng ta giỏi không ? Ừ, chúng ta có thể không quá giỏi, quá xuất sắc nhưng tổng quan lại số công sức, thời gian, kiên nhẫn đã bỏ ra, chúng ta có quyền tự hào về khả năng của mình.

Khổ một nỗi, cuộc đời là vậy. Hễ cứ giành được thành tích nào đó, con người chúng ta lại nhanh chóng quên rằng ngoài kia còn muôn vàn thứ phải học. Ấy cũng là lúc chúng ta lại lặp lại sai lầm. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã biết đủ, rằng những thành tích mình đạt được từ trước đến nay là minh chứng rõ ràng, rằng tấm bản đồ chúng ta nắm trong tay đã được vẽ hoàn chỉnh. Chúng ta chìm đắm mãi trong đó, bơi mãi trong khoảng không tưởng rộng mà hóa ra lại chật hẹp này.

Ngẫm lại thử xem, thứ ngăn cản đa phần chúng ta tiến lên phía trước, bứt phá chẳng phải là lúc nào bản thân cũng nghĩ mình đúng, mình có lý ư !? Từ chuyện học tập, yêu đương, gia đình, công việc. Từ trong những cuộc nói chuyện với bố mẹ, anh chị em trong nhà ; hay những cuộc tranh luận với bạn bè, thầy cô ; cho đến những cuộc họp với đồng nghiệp, sếp ; cho tới những vụ tranh cãi vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội…

Chẳng phải chính cái tâm lý bản thân đã biết, bản thân nắm rõ cả rồi đã tạo một thứ rào cản, một bức tường vô hình ngăn học hỏi với thế giới xung quanh, cầm chân bó buộc trong một phạm vi hẹp. Như điều đã diễn ra với nhiều bạn học cũ giỏi giang thời đi học và trong đó có cả bản thân chúng ta?

Một khi đã hiểu rõ điều này, chúng ta thử đổi lại một góc nhìn, một tư duy khác hơn. Hãy thử bắt đầu bằng việc thừa nhận sự ngu dốt, thiếu hiểu biết của bản thân. Rằng dù ta có giỏi ở một số lĩnh vực nhưng giữa biển kiến thức cuộc đời này thì những điều học hỏi được chỉ là rất nhỏ, rất bé. Tôi cho rằng, ngày nay, bài học lớn nhất mà ta cần học chính là về sự thiếu hiểu biết của bản thân, rằng chúng ta chẳng hề thông minh như chúng ta vẫn nghĩ. Khi tiếp cận bất kỳ vấn đề nào dưới góc độ này, tâm trí con người trở nên cởi mở để đón nhận, từ kiến thức cho đến những tư tưởng trái ngược với bản thân.

Hiển nhiên, việc chấp nhận cái ngu dốt, thiếu hiểu biết của bản thân đâu phải là thứ dễ dàng trong ngày một ngày hai. Thay đổi tư duy luôn cần một quá trình và kiên nhẫn. Nhưng tôi tin rằng, mỗi người rồi sẽ tìm ra cách chấp nhận sự thiếu sót của bản thân để từ đó tìm được cách bứt phá vươn lên về phía trước.

Tác Giả: Chu Thanh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100000276858694  

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

747 lượt xem, 684 người xem - 684 điểm

lh-fulllh-x