Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

“Muôn Kiếp Nhân Sinh” Đã Đến Lúc Chúng Ta Quay Vào Thế Giới Bên Trong Của Chính Mình

Đọc xong hai cuốn “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong, tôi thực sự có một cảm xúc rất đặc biệt. Bài viết này là những khai thác, chiêm nghiệm, đúc kết và liên kết với thực tế dưới góc nhìn và dòng chảy cảm xúc của bản thân, người viết hy vọng sẽ truyền tải được phần nào đó những thông điệp ý nghĩa.

 

Những cuộc phiêu lưu vượt không gian và thời gian của Thomas (doanh nhân thành công ở New York) “hóa thân” thành các nhân vật thời tiền kiếp của chính mình. Một con người có thể trải qua vô số lượng kiếp với những mối lương duyên tiền định, tu học nhiều bài học giá trị dưới tác động bởi các quy luật của vũ trụ.

Luật quan trọng đầu tiên áp dụng trong thế giới loài người là luật Luân hồi, quan niệm rằng có nhiều kiếp sống khác nhau. Khi sinh lực chuyển hóa thành cá nhân riêng biệt, nó sẽ tái sinh nhiều lần qua những kiếp sống khác nhau để học hỏi những bài học có thể học và biết thanh lọc các yếu tố ô nhiễm qua kinh nghiệm của những kiếp sống.”

Luật quan trọng thứ hai tác động đến con người là luật Nhân quả. Mọi tư tưởng, lời nói hay hành động phát xuất từ con người đều sinh ra kết quả tương ứng rõ rệt và kết quả này phải được giải quyết ít lâu sau đó hay qua nhiều kiếp sống để học hỏi, rút kinh nghiệm. Luật này rất đơn giản vì gieo nhân nào, gặt quả đó.

Bất cứ một hành động nào cũng tạo ra một nhân và đã có nhân thì phải có quả. Đó là quy luật của vũ trụ.

Luật Chu kỳ cho rằng thế giới thay đổi theo những vòng xoáy, mỗi vòng là một chu kỳ bao gồm bốn giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Diệt trước khi chuyển qua một chu kỳ khác.

Hiểu được Luật chu kỳ và Nhân quả thì sẽ thấy mọi sự thay đổi, chuyển hóa không ngừng.

Cuộc sống là một ngôi trường và con người phải học những bài học cần thiết. Có người học nhanh có người học chậm, do đó họ phải trải qua nhiều kiếp sống trong chu kỳ đó để học những bài học cần thiết.

 

1. Những bài học “cần phải học”

Bài học quan trọng nhất là tình yêu thương

Tình thương là một loại năng lực sáng tạo có thể làm chuyển hóa, có thể chữa lành mọi bệnh tật, có thể thay đổi tất cả mọi thứ.

Kiếp sống ở Ai Cập, Thomas là một vị Paraoh. Ngài phải lòng cô gái Cihone thánh thiện. Cô là con của y sĩ già ở trong một khu xóm vắng vẻ, xiêu vẹo, tồi tàn. Khi được hoàng hậu Nedjem hỏi về tình yêu thương, Cihone đã thẳn thắn rành mạnh trả lời: “Khi được yêu thương con người có thể mạnh mẽ, khỏe mạnh hơn. Tình yêu đôi lứa phải đến từ hai phía chứ không thể gây đau khổ cho người khác được. Tình yêu thương thật sự là không tha thiết bám víu hay đòi hỏi một điều gì cả. Nên là người cho đi, giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không thuộc về mình và hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì sẽ hạnh phúc.”

 

Cô đã dùng tình yêu thương chữa lành cho những đứa bé bị bệnh, thiếu thốn sự yêu thương và chăm sóc vì cha mẹ chúng phải ngày đêm đi xây dựng lăng tẩm, đền thờ cho Pharaoh và các giáo sĩ. Cô không nề hà cầu xin ân huệ cho một thai phụ phải đi đày ở sa mạc, chuẩn bị phần ăn và ân cần chăm sóc vết thương cho những người nô lệ. Những gì cô làm được xuất phát từ chính tấm lòng lương thiện và yêu thương bao la với tất cả.

Trong cuốn “Yêu những điều không hoàn hảo”, Đại đức Hae Min có chia sẻ về một người bạn thân thời cao học. Nhân dịp đến Úc giảng pháp và ghé thăm người bạn thân khi cả hai đã ở tuổi trung niên. Người bạn đó luôn có một nỗi bất an trong lòng khi không làm việc. Anh là người làm việc chăm chỉ, thành công trong sự nghiệp giảng dạy. Từ nhỏ, anh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu tình yêu thương của cha mẹ. Anh đã luôn sống trong sự căng thẳng và nỗi sợ hãi với những tật xấu và đòn roi của người cha khi say xỉn, phải chăm sóc các em những lúc mẹ không ở cạnh. Ít được bố mẹ quan tâm và dành cho những lời khen, luôn nghĩ rằng phải làm tốt việc gì đó mới được cha mẹ công nhận. Chính lẽ thế mà sau này trưởng thành và ở vị trí của người cha, anh cảm thấy bất an và sự tồn tại của bản thân là vô nghĩa dưới nhiều yêu cầu của xã hội đặt ra. “Thì ra trong tôi vẫn tồn tại một đứa trẻ luôn run rẫy sợ hãi vì không được yêu thương.

Có lẽ, chính vì thế mà tình yêu thương được xem là điều cần thiết nhất đối với mỗi con người.

Bài học hiệu quả nhất là sự đau khổ

Khi sung sướng thì không ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ đau, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao. Khi mạnh khỏe, mấy ai quan tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ khi mắc bệnh thì họ mới hiểu ra…

 

Thomas có một kiếp sống là nữ giới, có tên Seriram, con thứ 3 trong gia đình người Assyria sống du mục trên sa mạc, cha là tù trưởng của một bộ lạc. Cô thông minh, sắc sảo, biết lo toan tính toán cẩn thận cho gia đình, thường được cha giao phó làm việc trông nom, kiểm soát, buôn bán hàng hóa với các đoàn thương buôn. Cô được mọi người nể phục nhưng tính tình lại kiêu căng, tự phụ, thích gây gổ, lúc nào cũng cho rằng mình đúng còn người khác sai. Cô hay cãi và không tôn trọng mẹ, người phụ nữ đã sinh ra cô và chăm sóc lo toan cho gia đình. Cha cô luôn khuyên giải và giảng dạy cho Seriam hiểu nhưng cô vẫn cứng đầu không thay đổi. Cho đến khi được gả cho gia đình Nabu tầm trung ở Ashur, cô mới nhận về nhiều bài học cho chính mình.

Mẹ chồng Garu hà khắc, cay nghiệt, độc địa, coi việc hành hạ người khác như một thú vui. Môn “võ công” của bà là mỗi khi tức giận, quát tháo sẽ lên cơn hen suyễn, vừa ho khan vừa khó thở. Cô làm gì cũng không bao giờ hài lòng bà. Với bản tính mạnh mẽ và không chịu thua ai, những khi cô phản kháng thì bà nổi trận lôi đình. Ngay lập tức, người chồng Azhida, vũ phu đầy thú tính đến dạy dỗ cô bằng những “bài học” ngấm đòn vào xương thịt hoặc bị nhốt và bỏ đói.

Cuối cùng, cô được cha chuộc về và phải dời đến sống nương nhờ ở nơi xa lạ. Những năm tháng ngắn ngủi còn lại của cuộc đời, cô vẫn luôn tự vấn những điều không thể được giải đáp về số phận của con người.

Giá như, khi được cha cảnh báo về những lỗi sai và tính nết của mình, Seriram chịu sửa chữa thì chí ít cô cũng sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng và bớt thương đau hơn.

 

Có một bài học mang tên “vô sở cầu”

“Một người có làm việc tốt mà vẫn ẩn chứa một ham muốn riêng tư cho bản thân. Đó là một tham vọng vi tế nằm sâu bên trong bản ngã. Bất cứ việc làm nào mà có yếu tố cá nhân xen vào thì người làm sẽ bị ràng buộc bởi hành động hay kết quả.[…]Khi biết thản nhiên với thành công cũng như thất bại trong lúc vui cũng nhưng buồn, trong khi vinh cũng như nhục, trong tình thương cũng như oán hận thì họ đạt đến trạng thái quân bình, không bất động (tamas) và cũng không náo động (rajas)[…]Khi sự vật bên ngoài đến, họ không xua đuổi, khi chúng rời đi, họ không tiếc nuối và họ có thể sống trong mỗi hoàn cảnh.[…]”

Vô sở cầu hoàn toàn khác với vô cảm. Là khi làm việc tốt mà không cầu mong gì hết, dù là sự biết ơn hay cảm mến. Ta có thể thản nhiên và bình tĩnh trước mọi sự, cả khi thăng lúc trầm với muôn hình vạn trạng của sự sống. Không khước từ hay chối bỏ những gì xảy đến, vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc và bình thản trước mọi kết quả. Đạt được những điều như vậy, trước hết tâm thái của ta cũng được bình an lạ thường.

 

2. Khi chúng ta hướng vào “bên trong”

Moses Ben Maimon (Maimonides), nhà thần học nổi tiếng và uy tín về giáo luật Toral của Do Thái giáo, đã viết: “Sự ý thức được chính mình là quy luật căn bản của truyền thống tâm linh vì biết mình tức là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình.”

 

Tri thức hiện nay là hướng ngoại, là sự suy luận, phân tích, tính toán và phân biệt. Tuy nhiên tâm thức con người không phải chỉ là tri thức mà còn có phần khác, ta tạm gọi là tâm linh. Tâm linh là yếu tố sáng suốt, thanh kiết, mỹ lệ, là phạm trù của tình thương yêu và sáng tạo vượt qua khỏi điều kiện giới hạn của thời gian và không gian. Người ta chỉ có thể nhận diện và phát triển được tâm linh khi tâm thức hướng ngoại được xoay chiều, quay vào bên trong.”

 

Tất cả những gì hướng ra bên ngoài đều không mang lại kết quả lâu dài được - bởi vì hiểu biết thật sự phải đến từ bên trong. Khi thế giới bên ngoài biến động lớn đến mức không còn điểm tựa nào nữa thì chính là đến lúc chúng ta nuộc phải quay vào bên trong.

 

Karma Yoga

Theo truyền thống được viết trong kinh Veda: có ba môn phái/con đường Yoga, Karma Yoga (con đường hành động), Jhana Yoga (con đường minh triết), và Bhakti Yoga (con đường sùng tín). Khởi đầu là ba con đường khác nhau nhưng cuối cùng hợp lại làm một (vì tất cả chỉ là phương tiện) đó là trở về hợp nhất với Thượng Đế.

 

Tất cả mọi vật đều phát xuất từ một nguồn gốc thiêng liêng và phải trở về với nguồn gốc đó - ‘vạn vật đồng nhất thể’. Ấn giáo và một số tôn giáo gọi nguồn gốc này bằng danh từ ‘Thượng Đế’. Phật giáo gọi là ‘Phật tánh’, và khoa học gọi là ‘năng lượng uyên nguyên’(primal energy).

Tinh hoa của Karma Yoga là hành động qua sự hiểu biết chứ không phải chỉ tập luyện những tư thế (Asana) mà thôi. Dĩ nhiên, các tư thế Yoga giúp việc điều hòa sinh lực (Prana) trong cơ thể, giúp sự lưu chuyển hữu hiệu hơn. Nếu biết hít thở đều và sâu thì sẽ gia tăng hiệu quả và cơ thể được khỏe mạnh. Đó là phần nhập môn và điều khí. Nhưng sẽ là sự thiếu sót lớn nếu không nói đến dinh dưỡng đúng cách, vừa đủ, giảm bớt sát nghiệp; và giữ gìn tư tưởng, lời nói, hành động làm sao để không gây ra những kết quả xấu.

 

Phương pháp tĩnh tâm và trạng thái “định”

Tĩnh tâm là sự phát triển trí thức, đạo đức tâm linh để làm chủ tư tưởng và cảm xúc. Không phải là sự phát triển khả năng thần thông để đạt đến một cái gì đó.”

Tĩnh tâm là để cho đầu óc thoải mái, loại bỏ các tư tưởng không cần thiết, không phải là cố gắng qua cách hít thở làm cho phổi và tim hoạt động bất bình thường.

Khi bắt đầu cần cẩn thận và chỉ nên coi đó là phương pháp tĩnh tâm, để đầu óc yên lặng, không căng thẳng để điều tư tưởng và cảm xúc trước khi đi xa hơn.

Điều quan trọng là phải duy trì thời gian luyện tập đều đặn, nên vào buổi sáng khi mặt trời bắt đầu mọc vì đây là lúc những luồng từ điện trong thiên nhiên rất mạnh.

Thời gian có thể bắt đầu từ 15 phút hoặc hơn nữa.

Khi tập được một thời gian, thân thể hoàn toàn thoải mái, hơi thở được điều hòa, nhẹ nhàng hãy để cho tư tưởng tập trung vào một điều gì đó tốt đẹp để tránh tư tường lăng xăng hay bị xáo trộn bởi công việc hàng ngày.

Phương pháp tĩnh tâm giúp cho con người có thể tu tập và khám phá ra những năng lực bí hiểm từ sâu tâm thức của mỗi người.

Quá trình tu tập cần phải thản nhiên, không can thiệp, không bị ảnh hưởng, giữ vững hơi thở thì theo thời gian sẽ có định (samadhi). Định lực phát xuất từ lòng kiên nhẫn.

Trong thời buổi công nghệ hiện nay, có rất nhiều thứ làm đầu óc chúng ta xao lãng, nên rất khó thực hành theo những phương pháp người xưa đã làm. Do đó, ta phải bắt đầu từ những bước căn bản, tuân thủ đúng thời khắc, tạo thành thói quen và chăm chỉ để đạt được hiệu quả và tiến xa hơn mỗi ngày.

 

Dinh dưỡng đúng cách

Chế độ ăn uống nhiều rau, ít thịt cá được khuyến khích thực hiện.

Thực thẩm ăn uống hàng ngày cũng có nhiều ảnh hưởng và tác động đến sức khỏe của mỗi người. Trong dạ dày và ruột chúng ta có chứa hàng tỷ vi sinh vật bao gồm cả tốt và xấu. Vi sinh vật “tốt” giúp tiêu hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch, ngược lại “xấu” có thể gây ra bệnh tật. Khoa học cũng chứng minh các men vi sinh có lợi đều tiêu thụ các loại rau củ, trái cây rồi tiết ra các chất giúp tiêu hóa, tái lập sự cân bằng trong cơ thể… Phần lớn các vi trùng xấu đều tiêu thụ các chất dầu mỡ, đường…Mỗi loại thực phẩm đều có những dinh dưỡng nhất định và hoàn toàn không khuyên chúng ta nên ăn chay. Tuy nhiên, lựa chọn thực phẩm như thế nào để giúp chúng ta sống khỏe mạnh và cơ thể được nhẹ nhàng thoải mái là điều cần phải suy xét và có quyết định đúng đắn.

 

Khi sự cô đơn chẳng thể gọi tên

Thomas với kiếp sống ở Ai Cập đã thú nhận một nỗi lo sợ thực sự, đó chính là sự cô đơn. Là một vị Paraoh quyền uy, đã đạt đến tột đỉnh của danh vọng nhưng ngài thấm thía một nỗi cô đơn đáng sợ trong cung điện nguy nga, lộng lẫy. Không có ai để tâm sự, chia sẻ; sống trong lo âu sợ hãi, sợ bị phản bội, sợ phải trải lòng với người khác. “Người ra không thể chạy trốn nỗi cô đơn bằng bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, cung nữ xinh đẹp, công việc triều chính bận rộn, trò vui giữa đám đông náo nhiệt, cô đơn vẫn theo họ đến tận cùng.

Những chân thành, yêu thương thực sự mới có thể lấp đầy dần khoảng trống cô đơn.

 

Sự phát triển và tác động của khoa học - công nghệ “dưới lăng kính của chiều sâu tâm thức”

Khoa học công nghệ đang chiếm ưu thế đến mỗi lĩnh vực, ảnh hưởng đến khắp nơi trên thế giới, mang lại rất nhiều tiện ích, tiến bộ,… giúp ích cho con người. Bên cạnh đó, cũng tồn tại vấn đề cần chúng ta xem xét một cách nghiêm túc để giữ thái độ sống quân bình trong thế giới thay đổi này.

Hiện nay, các sản phẩm công nghệ tinh vi đang hút hết sinh lực của con người. Mọi người khắp nơi đều dán tâm, dán mắt vào những thứ này và hoàn toàn quên hết tất cả mọi việc đang diễn ra chung quanh. Khi không quan tâm, con người trở nên vô cảm, không còn biết rung động hay trắc ẩn với mọi sự nữa.”

Những trò chơi điện tử giải trí vô hại, song lại làm con người dễ bắt chước những điều nguy hại, không phân biệt được giữa thế giới ảo và thật. Máy móc thông minh sẽ thay con người làm hầu hết nhiều thứ. Chúng ta sẽ dần trở nên thụ động, bị chi phối, ít lâu nữa không còn ai muốn suy nghĩ hay phát triển sự hiểu biết thật sự. “Suy cho cùng, robot có thể thông minh nhưng không thể có được trí tuệ uyên bác thực sự - thông minh và trí tuệ rất khác nhau rất xa.”

Trí tuệ là sự chuyển hóa vô cùng tinh tế bên trong, thông qua quá trình tu tập.”

Công nghệ có thể kết nối mọi người ở khắp nơi nhưng trong chính gia đình lại bị ngăn cách vô thức bởi những chiếc điện thoại thông minh…Con người ngày càng bỏ lơ và xa cách với thiên nhiên. Chúng ta cần sử dụng công nghệ với sự sáng suốt và tình nhân ái.

 “Vấn đề không phải là công nghệ mà là cách chúng ta áp dụng công nghệ như thế nào.

Tôi nhớ đến đôi lần, khi lên tới chỗ làm mới chột dạ nhận ra mình để quên điện thoại ở nhà. Thật may, công việc cả ngày của tôi cũng không bị ảnh hưởng khi xa cách “vật bất ly thân”. Tôi nhận thấy 8 tiếng đồng hồ trôi qua, tôi vẫn rất ổn đồng thời không bị cuốn vào nhiều thứ không cần thiết.

 

3. Kết

Thời điểm đọc xong hai cuốn sách này, tôi buông điện thoại, gập màn hình laptop, lấy xe chạy quanh khu mình sống dưới chiều tà đang nồng nàn nhịp sống của bao người ngược xuôi. Gió mát thổi miên man khắp khuôn mặt, làn da có nhiều giờ ở trong văn phòng máy lạnh. Những hàng cây gần chìm trong ánh đèn điện đang dần lên. Mùi vị phố xá, quán ăn nào đó thơm nức hành phi…

Mùi hương cỏ mần trầu vương vấn từ những bãi đất ngay mép đường. Những giọt sương long lanh e ấp trên những cọng cỏ chờ đến ngày mai đón nắng sớm.

Một cảm giác thực tế mà không phải là nằm ở nhà xem những chiếc clip chạy mượt mà trên màn hình di động.

Tôi dùng hết các giác quan của mình thu nhận tất cả những gì có thể để cảm nhận mọi thứ xung quanh mình. Thấy trong lòng phơi phới một niềm khó tả mà dường như đã lạc mất từ lâu.

Tôi chạy xe chầm chậm, nhưng lần này với một tâm thế khác, lắng nghe lòng mình, vì vô vàn lý do mà trước đây bị phớt lờ đi. Một cảm giác rất dễ chịu đang choáng lấy cơ thể và tâm trí.

Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc này, lắng nghe tiếng nói bên trong của chính mình, tiếp thu và học hỏi nhiều điều phía trước trong cuộc sống mà như trong sách chỉ ra rằng: “Đời sống là một trường học mà người ta đến để học những bài học cần thiết.


Tác giả: Nguyễn Thúy

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,058 lượt xem, 909 người xem - 915 điểm