Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Muốn Một Cuộc Đời Hạnh Phúc Và Ý Nghĩa, Bạn Chỉ Cần Chọn Một Lẽ Sống Cho Mình

Là một người rất thích thú trong việc tìm hiểu tâm lí, cảm xúc và hành vi của con người, tôi dành khá nhiều sự quan tâm đến những khái niệm trừu tượng trong cuộc sống, nhưng gắn liền và ảnh hưởng sâu sắc đến hành động và tư duy của mỗi người chúng ta.

Hai trong số đó chính là “Tôi có mặt ở cuộc đời này có nhằm mục đích gì không?” và “Tôi có thể có được hạnh phúc và duy trì nó không?”.

Từ rất lâu rồi, khái niệm “Theo đuổi hạnh phúc” (The pursuit of happiness) đã tồn tại trong các bản tuyên ngôn độc lập của nhiều quốc gia, tiêu biểu là Pháp và Hoa Kỳ. Kể cả Việt Nam cũng có khái niệm này, dưới cái tên “Quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuy vậy, người ta lại không sao có được một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc cũng như phương thức đạt được nó.

Đã có nhiều bậc toàn tri trong lịch sử cố gắng đưa ra khái niệm về điều này, và mỗi người thì nhìn nhận theo một cách khác nhau. Người ta không thể định nghĩa chính xác được nó, nhưng người ta cảm nhận được hạnh phúc khi mà nó tới, và rồi người ta chia sẻ với nhau về điều đó.

CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC - HENDONISM

Theo thời gian, cùng sự phát triển của ngành công nghiệp, đã làm của cải, vật chất sung túc hơn bao giờ hết, và chủ nghĩa khoái lạc (Hendonism) bắt đầu lên ngôi. Hệ tư tưởng này cho rằng để đạt được hạnh phúc, con người phải duy trì liên tục việc thoả mãn cảm xúc (khoái lạc) và tránh né, loại bỏ mỗi nỗi đau khổ nhiều nhất có thể.

Bạn có thể dễ dàng quan sát được trong các quán nhậu ở thành phố luôn luôn có khách ngồi, sáng thì thưa thớt và chiều tối thì kín đặc, bất kể là ngày làm việc hay cuối tuần. Chuyển sang các bạn ở độ tuổi thiếu niên hơn thì có thú vui tụ tập với nhau sau giờ học, giờ làm rồi cùng nhau chìm trong làn khói của thuốc lá, shisha. Dường như bất kể khi nào thuận tiện, sẽ luôn có người tìm đến các tác nhân kích thích, để rồi ra về trong sự hứng phấn và vui vẻ.

Sau những trải nghiệm "hưng phấn" bất tận thì kết thúc luôn là một thể xác uể oải cùng một
tâm trí bạc nhược.

Vì ảnh hưởng từ ý thức hệ của chủ nghĩa khoái lạc, cộng thêm sự nhạy cảm về tinh thần trong thời đại mạng xã hội kết nối người ở xa và chia cắt người ở gần, không khó để đồng ý rằng đang có một bộ phận khá lớn, đặc biệt là người trẻ, tin rằng mình cần phải luôn thoả mãn cảm xúc và tinh thần, bằng mọi cách và mọi lúc có thể.

VÒNG LẶP ĐỊA NGỤC CỦA KHOÁI CẢM

Trong thời đại hiện nay, xã hội của chúng ta đang đề cao giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, một cách tinh vi và ngày càng mạnh mẽ hơn. Thông qua truyền thông, báo đài hay thậm chí là nhà trường, đã ngầm quy ước với nhau và truyền tải một ý tưởng rằng, bạn chỉ có thể hạnh phúc khi:

MUA ĐƯỢC những tài sản vật chất hữu hình: nhà cửa, xe cộ, trang sức,…


ĐẠT ĐƯỢC những giá trị về tinh thần: phải ăn được hết các món ngon vật lạ bạn tìm thấy trên mạng, đi du lịch ở những nơi đẹp và sang trọng được quảng cáo,…


GIÀNH ĐƯỢC cho mình những chủ thể là con người phù hợp với mong muốn có họ: những chàng trai giám đốc có thân hình sáu múi, những cô nàng người mẫu xinh đẹp và giàu có, những người nổi tiếng có địa vị cao trong xã hội...

      Ban đầu bạn có thể cảm thấy xa lạ với những khái niệm này, vậy thử cùng nhau ngẫm lại một chút xem. Có phải ngày nay thứ chủ yếu bạn thấy khi lướt Facebook, Instagram, các trang mạng truyền thông khác là gì?


- Có phải là về các món ăn bắt mắt, mốt quần áo mới nhất, các thiết bị điện tử hiện đại nhất vừa được ra mắt, các siêu xe hàng chục triệu đô?


- Có phải là khu du lịch với những thắng cảnh tuyệt đẹp cùng dòng chữ “Những nơi bạn nhất định phải đến trước tuổi 30” chẳng hạn?


Hay là những người nổi tiếng, ngôi sao, thần tượng, KOLs (Key Opinion Leaders) cùng cuộc sống sung túc, có thể thoải mái mua bất cứ thứ gì, làm bất cứ điều gì và đi đến bất cứ đâu?


Tất cả những thứ trên xuất hiện để khuyến khích bạn sở hữu chúng. Nếu không làm như vậy, làm sao họ có thể bán được hàng cho cho bạn? Làm sao để bắt bạn nai lưng ra từ 9 to 5 (làm 8 tiếng công sở) và phục vụ cho doanh nghiệp của họ?

Mối quan tâm, sở thích của bạn có thể đa dạng, nhưng hình ảnh về cuộc sống mà bạn hằng mong muốn trong tương lai gần như đã được định hình phải dính líu đến những thứ ở trên kia.

Bạn có thể khá an tâm về bản thân khi không sử dụng thường xuyên các chất kích thích. Ấy vậy, còn rất nhiều con đường khác dẫn đến khoái cảm kia mà.

Tương tự như bao loại hình “nghiện ngập” khác: rượu cồn, thuốc lá, ma túy, mua sắm, ăn uống, chạy theo mốt thời trang, công nghệ, những trò đỏ đen, nghiện game, nghiện sex…

Vòng lặp địa ngục của khoái cảm

Chúng đều giống nhau ở cách này hay cách khác, đều mang lại cảm giác hưng phấn nhất thời, cho đến khi cảm phai nhạt đi người ta lại phải tìm đến chúng, ở những dạng thức khác, hết lần này đến lần khác. Bạn thấy không, vòng lặp của địa ngục đã ở ngay đây chứ không đâu xa, và cái tên của nó cũng chẳng nói quá một chút nào. 

HẠNH PHÚC THẬT SỰ BẮT NGUỒN TỪ TINH THẦN

Tất nhiên ở đây tôi không cổ suý bạn hãy từ bỏ mọi đam mê, sở thích liên quan đến vật chất và chỉ ngồi ở nhà ngâm thơ ca hát, sáng thưởng ngoạn chiều thưởng trà đạo. À chí ít thì chưa phải lúc này, nếu sức bạn vẫn còn trẻ, tuổi bạn vẫn còn trâu. Tuy vậy, một hành động tốt, một lối sống tốt đều bắt đầu từ một tư duy đúng đắn trước tiên.

Vì vậy, xin giới thiệu với bạn một khái niệm để tham khảo cho bản thân:

MUỐN MỘT CUỘC ĐỜI HẠNH PHÚC VÀ Ý NGHĨA,

BẠN CHỈ CẦN CHỌN MỘT LẼ SỐNG CHO MÌNH.

Nhà thần kinh học người Áo Viktor Frankl đã khám phá ra ý tưởng này,  khi ông có dịp ngộ ra và tự kiểm nghiệm nó ở trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, trong những ngày tháng đen tối nhất và khốc liệt nhất ở châu Âu thời điểm giữa thế kỉ 20. Nổi tiếng với Liệu pháp ý nghĩa (Logotherapy) và tác phẩm kinh điển “Đi tìm lẽ sống” (Man’s Search For Meaning), có thể nói ông là một trong những người đã nếm trải gần như mọi đau khổ có thể tồn tại trên thế gian này, khi từ một người đàn ông có sự nghiệp danh giá trong giới thần kinh học Áo cùng cha mẹ, vợ con trở thành người sống sót duy nhất trong gia đình,  may mắn quay về được với quê hương.

 Viktor Emil Frankl là một nhà thần kinh học người Áo, tác giả của cuốn sách "Đi tìm lẽ sống".

Ngoài ra, ông cũng được mời diễn thuyết tại nhiều trường đại học nổi tiếng như Harvard, Stanford và được 29 trường đại học trao học vị danh dự. Ông mất tại Vienna, Áo vào năm 1997 ở tuổi 92.

Với tư cách là một bác sĩ tâm lý, sau từng ấy đau đớn thể xác lẫn tinh thần, Frankl vẫn kết luận rằng ngay cả trong hoàn cảnh vô nghĩa và nhẫn tâm nhất, cuộc sống vẫn tiềm ẩn ý nghĩa, và từ đó họ có được hạnh phúc thật sự. Không chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, dù ông không thể miêu tả nó một cách rõ ràng, ông đã cảm nhận được nó, khi chứng kiến một số ít ỏi những người tù đã không tha hoá như phần đông kia, mà trái lại còn giúp đỡ và chia sẻ thức ăn, đồ dùng với ông và với những người khác.

Frankl đã chỉ ra rõ để tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, nguồn gốc của hạnh phúc thật sự, chúng ta cần có một lẽ sống, gồm tất cả những gì bạn tin tưởng và làm trong cuộc đời, theo cả ba cách cụ thể như sau:


(1)  Tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó, nhằm đạt được thành công hoặc

thành tựu nào đó.


(2)  Trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ người khác, cụ thể là lòng tốt, cái đẹp, chân lý và

tình yêu thương dành cho một người nào đó.


(3) Chọn một thái độ đối mặt với đau khổ, bất hạnh và tìm kiếm ý nghĩa trong chúng.


Ở cách 1 và cách 2 thì khá là dễ hiểu và nhìn chung thì phần đông ai cũng sẽ cảm thấy ý nghĩa và mãn nguyện. Ở cách thứ 3 thì có phần khó hiểu, vì đau khổ còn có ý nghĩa nào khác ngoài việc bất hạnh, mất mát dành cho người hứng chịu nó?

Frankl nắm bắt được suy nghĩ này nên ngoài ví dụ của về khoảng thời gian ông ở trong trại tập trung, ông cũng đề cập đến một ví dụ khác để làm rõ quan điểm này. Đó là về một bệnh nhân của ông, một bác sĩ đa khoa mắc chứng trầm cảm vì mất vợ.

Vị này chia sẻ rằng ông không tài nào vượt qua được nỗi đau mất vợ từ hai năm trước. Lúc này Frankl có hỏi ông hãy tưởng tượng rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông là người ra đi và vợ ông mới là người ở lại. Vị bác sĩ đa khoa này thốt lên “Ồ, thật khủng khiếp! Làm sao mà bà ấy có thể chịu đựng nổi?” Frankl ân cần đáp lại rằng, vợ ông bác sĩ đã không phải gánh chịu nỗi đau mất đi người bạn đời chung sống với mình, và chính ông đã gánh chịu điều đó thay cho bà. Giờ đây, việc ông tiếp tục sống và thương tiếc cho bà đã tồn tại một ý nghĩa sâu sắc của nó rồi. Sau khi nghe Frankl nói, vị này không nói gì, chỉ cầm tay Frankl và thanh thản ra về.

Bản thân cái chết của vợ ông bác sĩ vẫn y như thế, vẫn là mất mát, bi thương. Ông bác sĩ cũng chẳng tự đánh lừa cảm xúc của mình. Và rồi lần đầu tiên sau 2 năm, ông đã hiểu ra một điều gì đó, và tìm thấy ý nghĩa trong đau thương này.

Phải chăng thứ chúng ta đang tìm kiếm là một cuộc đời có mục đích và ý nghĩa mà không cần phải hứa hẹn sự hoàn thành hay hạnh phúc? 

HẠNH PHÚC BAO GỒM CẢ Ý NGHĨA TỪ THƯƠNG ĐAU

Với quan điểm cá nhân, tôi tin là chúng ta đã thật may mắn khi có được sự tự nhận thức (Self – Consciousness) về bản thân, về những người xung quanh, về hiện tại và tương lai. Điều tương tự đã không tồn tại ở loài vật khác. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì nó cũng là một lời nguyền, khi chúng ta luôn phải lo toan cho ngày mai, cho tương lai, luôn phải kiểm điểm và mài dũa bản thân liên tục, với hy vọng sẽ có được một cuộc sống tốt hơn.

Và khi bước ra xã hội ngoài kia, trong hành trình mưu cầu vật chất và trải nghiệm tinh thần, dù với bất kì mục đích nào, đều đã để lại đau khổ và bất hạnh trong chính chúng ta. Mỉa mai thay, chúng ta lại thường nhớ rất rõ những gì mình đã mất mát, đã thất bại nhưng lại hiếm khi nhận ra và biết ơn những gì mình đã được nhận. Và rồi chúng ta dùng chính những mất mát, thất bại ấy để định nghĩa con người chúng ta, đánh giá cuộc sống mà mình đang sống là “vô nghĩa”, “không hạnh phúc”.

Giống như Frankl, tôi cũng xin được mạnh dạn chia sẻ một câu chuyện của bản thân, dù có hơi xấu hổ một chút.

Trong ngày tốt nghiệp đại học, tôi đã có cơ hội tìm đến một cô bạn mà mình rất yêu quý, đã tặng quà và chụp hình cũng như đăng tải tấm hình đó, cùng những chia sẻ về tình cảm, lời chúc tốt đẹp nhất mà tôi dành cho cô bạn ấy. Sau cùng chúng tôi đã "đường ai nấy đi" (nghe thật lãng xẹt nhỉ) và tôi đã có một khoảng thời gian tạm gọi là "đau buồn" vì sau từng ấy kỉ niệm và cố gắng thì kết quả như thể tôi đã không làm gì cả. 

Không có một tí tự đánh lừa bản thân, việc không thể hẹn hò và có cô bạn ấy trong cuộc đời đối với tôi quả là một điều đáng tiếc, dù chúng tôi cũng đã chia sẻ khá nhiều thứ. Và rồi tôi lại nhớ đến những gì Frankl nói, tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng mọi ham muốn của bản thân sẽ thật tốt nếu được đáp ứng và cũng chẳng sao cả nếu không có chúng. Bạn đã thấy vòng lặp địa ngục ở trên rồi đấy!

Quan trọng hơn, tôi cũng nhận ra điều thật sự có ý nghĩa, chính là việc tôi dành thời gian và nỗ lực gây ấn tượng, tặng quà và chụp hình cùng cô bạn ấy, chỉ để thể hiện sự yêu quý tôi dành cho cô. Tất cả những chuyện này đã có ý nghĩa rồi. Có thể tôi sẽ vui hơn nếu có thêm thời gian với cô bạn này, nhưng tôi đã hạnh phúc khi thể hiện được sự yêu thương của mình với cô bạn ấy rồi.

Vậy kho báu sau cùng trong bài viết này là gì? Tôi sẽ đóng gọn toàn bộ chúng vào một hòm báu và gửi cho bạn nhé, đó là:

Hãy định nghĩa và tìm kiếm hạnh phúc bằng lẽ sống, không phải bằng việc đạt được vật chất, bên cạnh việc nhớ rằng những bất hạnh bạn đã và đang chịu đều có ý nghĩa của riêng chúng.

Cho dù bạn không tài nào tìm ra ý nghĩa trong đau khổ của bản thân, thì xin hãy cứ tin tưởng vào điều đó. Ví như một chú khỉ được dùng để thử nghiệm vắc xin, có thể nó sẽ không bao giờ biết được rằng mạng sống của nó đã góp phần cứu hàng triệu người khác, nhưng chúng ta thì lại biết rõ điều đó. Cá nhân tôi tin rằng, vào đúng thời điểm nhất định, ý nghĩa tối hậu của những đau khổ trong cuộc đời mỗi chúng ta, sẽ được giải đáp. Và từ đó, hạnh phúc thật sự sẽ tìm đến.

 

Ừa thì không có cô bạn ấy trong cuộc đời cũng buồn *khóc*, mà lúc đó thì vui lắm, có ý nghĩa và mục đích rõ ràng ra mà *cười*

MỘT NGÀY MƯA KHÔNG THỂ XOÁ HẾT MỘT MÙA NẮNG

Kết lại bài viết ở đây, tôi hy vọng rằng những người trẻ có thể tham khảo thêm một ý tưởng về lẽ sống, có thể thực sự có được hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là một thứ gì đó viễn vông và không có thật. Cũng như không khí, hạnh phúc thật khó để thấy và cảm nhận. Nhưng mà, chúng ta đã, đang và sẽ luôn cần đến chúng, đến khi nào còn có mặt trong cuộc đời này.

Con người quả là một sinh vật khá thú vị. Nói như Viktor Frankl thì chúng ta chỉ hướng sự chú ý đến những vụ thu hoạch ngắn ngày và bỏ quên một kho thóc đầy ắp của quá khứ, nơi họ đã từng được cứu vớt, được lưu lại toàn bộ thành tựu, niềm vui và nỗi buồn trong đời. Những gì đã hoàn thành sẽ không thể nào xoá bỏ. Một ngày mưa sẽ không thể xoá tan hết những gì một mùa nắng đã để lại. Chính chúng đã tạo nên một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc.

Một ngày mưa không thể xoá hết một mùa nắng. Những gì bạn đã đạt được sẽ luôn ở lại đấy, và luôn có ý nghĩa.

Tái bút: Nếu bạn có nhận xét gì về bài viết hay có một ý tưởng nào khác muốn được chia sẻ và trao đổi, thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới hoặc nhắn tin cho tôi nhé. Chúc chúng ta sẽ có được một cuộc đời thật ý nghĩa và hạnh phúc của riêng mình!

 

Tác Giả: Huỳnh Phát @ Ybox Authors 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: facebook.com/Phat.Huynh.97

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: ybox.vn/cuoc-thi/xuat-ban-cuon-sach-cua-ban-and-gianh-giai-nhat-voi-tong-tri-gia-21880000-vndthang-cung-cuoc-thi-viet-online-triet-hoc-tuoi-tre-cua-yboxvn-lien-tuc-hang-thang-5aea4ed90cdaf44b70355965 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,608 lượt xem, 1,573 người xem - 1612 điểm