Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nếu Một Điều Xấu Có Thể Xảy Ra, Nó Sẽ Xảy Ra, Vào Thời Điểm Tệ Nhất Có Thể!

Cảnh báo! Bài viết nhuốm màu đen đủi, bạn phải tích đủ điểm xui xẻo để đổi được một lượt xem.

Vừa hồng hộc chạy đến bến xe bus thì xe cũng vừa rời khỏi bến.

Hôm chuẩn bị đi tắm biển trúng ngay vào ngày đèn đỏ.

Thức cả mấy đêm học bài, đúng sáng hôm thi thì điện thoại bỗng dưng dở chứng không kêu báo thức trong khi mấy ngày trước vẫn hoạt động bình thường.

Ôi thần linh ơi! Cuộc sống luôn có những khoảnh khắc như cái bánh mì bơ sắp cắn được thì… A lê hấp, rơi bụp xuống, lại ụp ngay đúng mặt bơ vào đất. Be bét. Vào một ngày tồi tệ nào đó, rồi điều tồi tệ sẽ đến giáng xuống bạn một cảm xúc không-thể-tin-được. Vậy đấy, trong cái rủi thì luôn có cái xui.


Tôn giáo? Thần linh? May rủi? Số phận. Và bạn sẽ bất ngờ rằng những vận đen trong cuộc đời bạn hoàn toàn có thể giải thích bằng cả một định luật đấy?

Định luật Murphy (Định luật bánh bơ)

"Nếu một việc có thể diễn biến xấu thì nó sẽ diễn biến đúng như thế" (Anything that can go wrong, will go wrong) – một câu phát biểu từ định luật Murphy bao trùm bóng đêm u ám lên cuộc sống.

Năm 1949, khi còn là một kỹ sư làm việc tại Viện Công nghệ Hàng không Hoa Kỳ, Edward A. Murphy trong một lần thử nghiệm tên lửa giảm tốc đột ngột để xem tỉ số gia tốc tối đa mà một người có thể chịu đã gặp sự cố khi máy đo không thu về bất cứ một kết quả nào. Sau khi loay hoay mãi tìm ra nguyên nhân của sự việc hy hữu trên, ông phát hiện ra rằng tất cả cảm biến... đều bị lắp ngược.

Do vậy ông rút ra được một bài học là: Nếu việc xui xẻo có thể xảy ra, dẫu khả năng này nhỏ bé thế nào, thì nó hoàn toàn có thể xảy ra theo hướng đó và gây nên tổn thất rất lớn. Và “Định luật Murphy” nổi tiếng đã sinh ra từ đây:

1. Thấy thì dễ mà không phải vậy.
2. Việc gì cũng phải mất nhiều thời gian hơn ta nghĩ.
3. Việc gì có thể sai thì sẽ sai.
4. Nếu một số việc có khả năng sai thì việc nào gây thiệt hại nhiều nhất sẽ là điều sai.
5. Nếu đơn giản là một việc nào đó không thể sai thì nó vẫn sẽ sai.
6. Nếu bạn nhận thức rằng diễn tiến một sự việc có bốn hướng có thể sai và mãi loay hoay quanh đó thì sẽ đột xuất phát sinh ra một hướng thứ năm.
7. Buông thả những sự việc thì kết quả sẽ từ xấu cho đến tồi tệ.
8. Nếu bạn thấy mọi việc dường như đều tốt đẹp thì rõ ràng bạn đã coi thường một điều gì đó.
9. Thiên nhiên lúc nào cũng đứng về phía “cái xấu” tiềm ẩn.
10. Thiên nhiên “chó má” (cách nói yếm thế, bất mãn)
11. Không có việc gì tránh khỏi lỗi lầm, vì kẻ gạt gẫm rất tinh khôn.
12. Khi muốn khởi công làm một việc thì phải hoàn tất một việc khác trước đã.
13. Mỗi giải pháp đều phát sinh ra những vấn đề mới.

Chiếc bánh bơ dẫn đến định luật Murphy

Chả phải những người bình thường như chúng ta khi mới nghe đã nghi hoặc về câu chuyện bánh bơ của Murphy, các nhà khoa học lỗi lạc cũng không thể tin vào tai mình và cố gắng chứng minh sự phi lý của nó. Rất tiếc là đều thất bại.

Ngoài việc mặt bánh bơ nặng hơn, thì tại sao 90% sẽ xảy ra trường hợp mặt bơ úp xuống đất. Nhà toán Robert A. J. Matthews đã dùng kiến thức của nhiều ngành khoa học để tìm câu trả lời. Ông ngạc nhiên thấy rằng “Có mối liên hệ sâu xa giữa "hành động" của chiếc bánh bơ và các hằng số căn bản của vũ trụ. Mặt bơ của bánh mì sẽ không úp xuống đất nếu chiếc bàn đủ cao để lát bánh quay một vòng, nhưng chiếc bàn sinh ra là giành cho con người nên nó phải phù hợp với chiều cao của chúng ta”

Đến đây lại đặt ra một câu hỏi: Thế tại sao chúng ta lại có chiều cao đang có? Bởi vì tiến hóa của loài người theo hướng đứng bằng hai chân, nếu quá cao sẽ rất dễ chấn thương não khi ngã và khuyết điểm đấy sẽ làm loài người diệt vong lúc nào không hay. Để tránh được thảm họa đó, loài người chỉ có một giới hạn chiều cao nhất định, được quy định bằng các chỉ số giữa liên kết hóa học, vật lý của hộp sọ với lực hấp dẫn của trái đất. Cuối cùng, giáo sư Matthews cũng đưa ra kết luận rằng: “Chiều cao của con người chưa đến 3 mét, thấp hơn nhiều giá trị cần để mặt còn lại của bánh mì úp xuống đất. Nói một cách khoa học, mặt phết bơ úp xuống đất vì vũ trụ “mong muốn” như vậy.”

Khi “định luật bánh bơ” kiểm soát cuộc sống – Đối phó như thế nào?

Tục ngữ Hán Việt cũng có câu “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” ám chỉ sự may mắn thì không đến 2 lần, nhưng xui xẻo thì thường gặp nhiều lần. Có lẽ rằng định luật Murphy quá đỗi quen thuộc với những câu chuyện cuộc sống hằng ngày, trên nhiều lĩnh vực, khắp mọi nơi.


Tôi mong rằng bạn sẽ trang bị một bộ áo giáp thật tốt trước những tình huống “Murphy” luôn rình rập xung quanh ta.

Hãy luôn xinh đẹp

Bao nhiêu ngày không có cơ hội, nay vô tình đụng phải crush thì lại quên chưa chải đầu. Ngày thường thì lộng lẫy bao nhiêu, có mỗi một lần đi chợ trong bộ dạng nhếch nhác thì lại gặp phải đứa mình ghét. Cuộc sống sẽ luôn đẩy bạn vào những tình huống trùng hợp đến giật mình như vậy. Chả việc gì bạn phải sợ sệt nó nếu như mỗi ngày bước ra đường, luôn trong một tư thế tràn đầy sức sống, hấp dẫn và tự tin.

Sự tự tin toát lên ở một vẻ ngoài chỉnh chu, tươm tất thể hiện rằng bạn luôn sẵn sàng với thành công thậm chí là sẵn sàng đón đầu những bất ngờ khó chịu. Chưa kể rằng, với một ngoại hình được chăm chút sẽ giúp bạn nắm bắt được những cơ hội và đẩy lùi những vận xui không mong muốn.

Theo một nghiên cứu khoa học của trường ĐH Harvard, Mỹ, những người có ngoại hình đẹp thường có được nhiều sự cảm tình và lòng tin của người đối diện. Theo đó, để chứng minh điều này, các nhà khoa học đã tiến hành làm thí nghiệm, yêu cầu 1/2 số người tham gia tình nguyện trang điểm, số còn lại để mặt mộc. Cả 2 nhóm sẽ cùng tham dự một buổi ký kết hợp đồng.

Kết quả là, nhóm những người trang điểm thu được nhiều kết quả và ký được hợp đồng hơn. Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người biết làm đẹp hoặc có vẻ đẹp ngoại hình cuốn hút sẽ tạo được lòng tin, sự tin tưởng vào người đối diện và gia tăng các mối quan hệ xã hội nhiều hơn.

Tinh thần “hãy luôn xinh đẹp” không chỉ đơn giản nhắc nhở chúng ta phải luôn chăm sóc bản thân mà còn muốn nhấn mạnh rằng cơ hội hay khó khăn sẽ không hẹn bạn trước, nó có thể đến bất kì lúc nào. Chúng ta không nên chủ quan mà làm mọi thứ xuề xòa cho qua, phải luôn trong tư thế sẵn sàng và nghiêm túc và giữ một phong độ ổn định. Giống như trong trường hợp làm bài tập cả kì mà không được gọi lên bảng sửa bài, bỗng một hôm vội vàng đi học nên quên vở bài tập ở nhà thì lại bị kiểm tra.

Những tín hiệu Murphy luôn hiện diện quanh ta, nhận diện chúng sớm để thần xui xẻo không kịp trở tay. Nếu một sáng ngủ dậy thấy trời mưa tầm tả, áo quần thì còn ẩm ướt do phơi chưa kịp khô, còn buồn ngủ vì đêm qua xem Harry Potter muộn, khoan nảy ra ý định lười biếng nào, hãy cảnh giác ngay “Chắc chắn hôm nay là ngày điểm danh, liệu hồn mà đi học”.

Phòng bị rủi ro

Như trong trường hợp Murphy, thí nghiệm của ông thất bại vì lắp ngược một cảm biến. Như vậy, khả năng lắp theo hai chiều của cảm biến (If there are two or more ways to do something…) đã khiến tình huống xấu hơn xảy ra. Sai lầm hy hữu này khiến Murphy phải thốt lên: “Nếu trong nhiều cách có một cách sai - sẽ có người thực hiện cách sai đó”.

Tài năng, đam mê, nhiệt huyết vẫn chưa đủ, sự thông minh sắc bén trong việc đánh giá tình huống thật sự quan trọng cho những quyết định lớn. Điều gì sẽ đi chệch với những gì ta đã dự kiến? Nếu điều đó xảy ra, kế hoạch B sẽ như thế nào? Vẫn là câu nói “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Đừng sợ sẽ có xác suất rủi ro, không lường trước được rủi ro càng đáng sợ hơn. Nếu kế hoạch hoàn hảo không thể tồn tại, yên tâm, bạn còn tận 26 chữ cái từ A đến Z để đặt tên cho 26 kế hoạch với 26 tình huống có thể xảy ra.

Cẩn thận, cẩn thận, thật cẩn thận!

Đừng để mọi công trình bạn đã dàn dựng sụp đổ vì những cú quay xe phút chót. Icloud của iphone từng được xem là bất khả xâm nhập, an toàn tuyệt đối, cuối cùng thì FBI cũng đã mở khóa thành công mà không cần đến sự trợ giúp của Apple. Con tàu Titanic từng được các nhà chuyên môn đánh giá là con tàu không thể chìm và kết quả thì... Bạn thấy đấy, hàng đống câu chuyện “không thể ngờ tới” luôn có thể xảy ra, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối, vì vậy đừng chủ quan mà biến cuộc sống của mình thành câu chuyện rùa và thỏ. Dù đã sắp đến đích thì đó vẫn chưa phải là đích.

Bật chế độ “Fail-safe”

Liệu bạn có thấy phiền phức khi thỉnh thoảng phải cắm lại sạc macbook vì nó được thiết kế để kết nối với máy một cách lỏng 
lẻo, dù biết vậy thì cũng thật ơn trời rằng không bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng ra đi tàn khốc của của chiếc máy cưng chỉ vì thằng em nô đùa ngang qua vấp phải dây sạc đang cắm.

Fail-safe là một nguyên tắc của các thiết kế trong kĩ thuật cơ khí, theo đó các thiết bị sẽ được phòng ngừa trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, giảm tránh đi những thiệt hại thê thảm khi có sự cố. Chiếc cầu chì nhà bạn sẽ nóng chảy và ngắt nguồn điện để bảo vệ các thiết bị nếu như dòng điện bị quá tải. Các ví điện tử cho phép người dùng xác nhận chuyển các khoản tiền nhỏ bằng dấu vân tay, nhưng khi số tiền đến một hạn mức nào đó thì bạn sẽ phải xác nhận bằng mã OTP gửi về số điện thoại đăng kí, nhờ đó mà giúp bạn giảm thiểu sơ suất nhầm lẫn khi chuyển tiền và phòng tránh kẻ gian.  Trong ô tô có những cảm biến có thể phát hiện ra lỗi cơ học, thường là trong động cơ hoặc hệ thống truyền lực của xe, nó sẽ kích hoạt chế độ fail-safe của động cơ làm giới hạn khả năng lái xe bình thường. Điều này sẽ cho phép bạn đi khập khiễng về nhà hoặc đến ga-ra nhưng sẽ hạn chế hiệu suất hoặc tốc độ của xe, do đó, thiệt hại sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển nhưng vẫn không bao giờ chủ quan trước định luật Murphy, mà càng phải xem đó là nguyên tắc để lường trước các rủi ro có thể xảy đến.

Và chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các nguyên tắc Fail-safe trong cuộc sống hằng ngày. Đến buổi sáng cuối cùng trong deadline để hoàn thành bài báo cáo thì khu phố lại bị cúp điện, kéo theo đó là wifi cũng không hoạt động, thật Murphy! Nhưng không sao vì vẫn còn có 3G và sạc dự phòng. Còn nếu quên cả tỉnh dậy vì báo thức hỏng thì may là mẹ sẽ lên cằn nhằn và gọi dậy nếu ngủ quá 8 giờ sáng. Đôi khi những thứ chúng ta xem là phiền phức mỗi ngày lại hữu dụng cực kì vào những tình huống quan trọng. Bạn không thể lường trước hết mọi trường hợp xấu xảy ra khi nào, nhưng ít nhất sẽ không để nó rơi vào tình trạng tồi tệ đến mức không thể cứu vãn được.

Đôi lúc chỉ biết hét to lên… cuộc sống này thật Murphy!

Không biết có tồn tại cái gọi là định luật hấp dẫn Murphy không. Trách Newton sao được khi mặt bơ lúc nào cũng thích "hôn đất", chiếc điện thoại lỡ rơi thì đoán chắc là màn hình úp xuống (không phải tự dưng cần thiết mua kính cường lực hơn là mua ốp lưng), đến cả lúc trượt tay làm rơi quyển sách thì cũng phải là mặt chứa trang giấy lao đầu xuống cơ.

“Đời là bể khổ, mà hết bể khổ thì... hết đời” Giải quyết xong vấn đề này, bỗng dưng vấn đề khác lại từ đâu kéo đến. Một giải pháp mới thì lại sinh ra một vấn đề mới.

Nó giống kiểu bất lực chăng? Đúng vậy, bất lực một cách không hối tiếc. Dù là một chiến binh xuất sắc nhất cũng không thể tránh khỏi những “vận xui” phải không nào. Sẽ có những lúc phải chấp nhận phần thắng nghiêng về “Murphy” và chúng ta cũng hài lòng với những gì mình đã cố gắng hết sức, đến lúc đó hãy cứ xả giận lên gối và hét lên rằng : Ôi cuộc sống này thật Murphy!

Chẳng sao cả, vì còn sống, nên chúng ta vẫn sẽ còn vấp ngã, vẫn còn xui xẻo, vẫn rơi vào “bể khổ”, tránh sao cho hết được. Nếu bất giác nhận ra mọi thứ đang quá êm đềm thì chắc chắn có gì đó sai sai ở đây. Và dẫu có thể, chúng ta vẫn muốn rơi vào “bể khổ” đấy thôi!

Và có những lúc, ôi Murphy thật tuyệt vời!

“Quy luật bánh bơ” trớ trêu này cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim Đài Loan cho ra đời tác phẩm “Định luật tình yêu Murphy”, công chiếu vào năm 2015. Trong phim, Quan Hiểu Đồng và Kỷ Gia Úy luôn xung khắc và không hề có bất kỳ điểm tương đồng nào nhưng họ không thể nào cưỡng lại sức hút từ phía đối phương. Câu chuyện của hai nhân vật này chính là sự mô phỏng chuyện yêu đương của khá nhiều cặp đôi khác trong đời thường. Bạn có từng đặt ra hàng tá tiêu chuẩn về một bạch mã hoàng tử, thế rồi lại hạnh phúc với anh chàng thuộc kiểu mình từng thề với chính bản thân là không thích nổi. Và luôn có những tình bạn thân thiết bắt đầu từ câu nói “Hồi mới gặp mày, tao chẳng ưa tí nào”. Dẫu cho lý trí mách bảo không thể hòa hợp, trái tim vẫn cất lên thanh âm vẫy gọi, đó phải chăng cũng chính là sự can thiệp tất yếu của "Định luật Murphy" vào đời sống tình cảm con người?

Cuộc sống mỗi người đều là những chuỗi ngày Murphy đen tối?

Murphy, sau khi công bố định luật, từng nói: “Tôi không có ý bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các bạn đề phòng thường xuyên. Một khi đã đề phòng cẩn thận ta sẽ tránh được nhiều tình huống không vui. Thế thôi!”.

Có người tin thì cũng có người cho rằng Murphy chả có tí gì là khoa học. Mọi thứ đều là tương đối. Việc tin hay không tin miễn là nó có ích và hướng chúng ta đến một lựa chọn tích cực. Có vài người tin rồi hiểu ý nghĩa của nó theo hướng lệch lạc và cho rằng mọi điều xui xẻo mà mình gặp phải đều là do số trời định chứ không phải ở bản thân, thế là không chịu cố gắng khắc phục. Nhưng nếu bạn thuộc về phe nghi ngờ vào câu chuyện “bánh bơ” trên thì ít nhất Murphy cũng đã mang cho chúng ta điều hữu ích rằng: Con người vĩnh viễn không thể thấu hiểu vạn sự vạn vật trên hành tinh này. Phạm sai lầm là nhược điểm tất yếu của chúng ta, dẫu mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo đến mức nào thì mọi sự cố đều có thể xảy ra.

Sai lầm không phải là kết quả mà là nguyên nhân

Có câu chuyện kể rằng một cậu thanh niên đến thỉnh giáo một vị trưởng giả, cậu hỏi:

“Xin hỏi, làm thế nào mới có thể tích lũy được trí huệ nhân sinh?”

Vị trưởng giả ngước mặt lên nhìn khuôn mặt non nớt của chàng trai đáp:

“Rất đơn giản, hãy bắt đầu bằng cách lựa chọn.”

Chàng trai lại hỏi:

“Vậy làm thế nào mới có thể đưa ra những quyết định chính xác?”

Tiến hóa không bao giờ lựa chọn được những sinh

Vị trưởng giả nói: “Bắt nguồn từ kinh nghiệm”.

Người thanh niên hỏi tiếp: “Xin hỏi, kinh nghiệm đó bắt nguồn từ đâu?”

Vị trưởng giả mỉm cười: “Bắt đầu từ những lựa chọn sai lầm!”

Đúng vậy, chúng ta đều là những kẻ bất toàn. Việc thành công hay thất bại đều là cuộc hành trình của mỗi người vùng vẫy như thế nào trong việc thoát ra khỏi những “chuỗi ngày đen tối của Murphy”. Không dám thử vì sợ sai mới là sai lầm lớn nhất. Việc chăm chăm nghĩ đến những điều tồi tệ chính là cách nhanh nhất nhấn chìm bản thân vào những điều đen đủi. Vạch xuất phát của mỗi chặng đường có thể là con số không và cũng có thể là từ chính những sai lầm.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này, bạn vừa mất số điểm đen đủi đã nạp vào. Bây giờ, hãy quên chuyện xui xẻo đó đi và vui vẻ sống tiếp một cuộc đời đầy “Murphy” nào.

À mà khoan… dậy học bài ngay, đừng mong ngày mai sẽ thi trúng phần ôn tủ nhé!

Tác Giả: nh.phthao

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/haphuongthao.nguyen.56/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,702 lượt xem, 3,817 người xem - 3820 điểm