Nếu Ngày Mai Là Ngày Tận Thế
Lời mở đầu
Bạn có nghe thấy gì không? Đó là âm thanh tích tắc trôi qua của kim đồng hồ. Âm thanh ấy cứ thế liên tục, liên tục mà chẳng khi nào dừng lại và thời gian cũng như thế. Thời gian chính là dòng chảy không ngừng, vĩnh cửu trên thế giới này. Khi chúng ta bắt đầu sống chậm lại một chút, nhìn ngắm và chiêm ngưỡng kĩ càng hơn vẻ đẹp của thực tại thì ta sẽ bất chợt nhận ra rằng đôi khi chúng ta đã bỏ lỡ những điều nhỏ bé, chẳng hạn như sự chảy trôi của thời gian. Tuy nhiên, mặc dù con người ta thường hiểu về việc thời gian luôn tiếp tục bước đi mà không đợi chờ ai, nhưng có bao giờ người ta tự đặt câu hỏi rằng sẽ ra sao khi thời gian dừng lại?
À, ý tôi không phải là như vậy, tôi không khẳng định là thời gian có thể dừng lại vì điều này nghe rất phi lý, mọi người đều biết thời gian có dòng chảy vô tận, không gì ngăn cản nó ngưng lại được. Mà ý của tôi là khi chúng ta thấy thời gian đang dừng lại với chính mình, nghĩa là ta không còn được sống, không còn khả năng nhận biết thời gian trôi qua nữa. Hay tôi thường tưởng tượng về sự xuất hiện của ngày tận thế, thời gian bỏ lại chúng ta. Có lẽ là không có dự đoán chính xác nào về sự tồn tại của ngày tận thế, tôi cũng không mong muốn sự kiện ấy sẽ xảy ra, chắc hẳn ai cũng vậy, cũng không mong đợi nó. Nhưng chỉ là chúng ta hãy thử suy ngẫm và chất vấn bản thân rằng: “Nếu ngày mai là ngày tận thế, tôi sẽ làm gì để sống một ngày thật trọn vẹn?”. Đây không đơn thuần là một câu hỏi, mà là một lời thức tỉnh giúp chúng ta sống tốt hơn.
1. Sống chậm lại
Với sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, số đông mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thường có xu hướng bị cuốn theo guồng quay học tập và công việc. Khi một cộng đồng, một xã hội có bước tiến mới thì cũng đồng nghĩa với việc những công dân trong xã hội ấy cần nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Yêu cầu và kỳ vọng mà người trẻ đặt lên chính mình ngày càng nhiều khiến họ gặp phải các vấn đề về tâm lý, như câu tục ngữ “Con giun xéo lắm cũng quằn”.
Bắt kịp nhịp sống hiện đại và đáp ứng đủ tiêu chuẩn của thời đại công nghệ là điều đáng học hỏi nhưng cũng đừng vì thế mà đánh mất bản thân mình, chạy theo những cơ hội ngay trước mắt để rồi quên mất thực tại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói rằng: “Mỗi ngày của bạn vẫn luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần bạn sống chậm lại, để tâm một chút thì bạn sẽ nhìn thấy những điều tốt đẹp này”. Đôi khi, chúng ta cũng cần lắm những khoảnh khắc bình yên, gác lại mọi dự định tương lai và quan sát, lắng nghe xung quanh. Khi một sớm mai thức dậy không còn nỗi lo âu về thành tích, về tiền tài, ta thấy chậu cây trước sân nhà thật xanh, thấy con đường thân thuộc dẫn về nhà thật đông đúc. Ta nghe tiếng xe cộ thật tấp nập, nghe tiếng nói chuyện ngoài phố thật rôm rả và nghe tâm hồn mình như sống lại, sống một cách chậm rãi.
2. Biết ơn với những gì mình đang có
“So sánh” là từ quá đỗi quen thuộc đối với người trẻ. Phần lớn chúng ta đã từng rơi vào sự so sánh ít nhất một lần trong đời, dù là tự so sánh mình theo hướng chủ động hoặc bị so sánh theo hướng bị động. Phép so sánh chỉ thật sự có ý nghĩa nếu nó là nguồn động lực để con người ta phấn đấu, hoàn thiện bản thân và ngược lại nó sẽ là kẻ thù của sự tự tin. Khi ta không so sánh mình với người khác, ta dần nhìn nhận rõ hơn những giá trị của mình và học cách yêu lấy chúng. Càng so sánh, con người càng bỏ quên điều tốt đẹp của mình mà tập trung vào ưu điểm của người khác.
Hãy biết ơn với những gì mình đang có, bởi lẽ sẽ có một lúc nào đó chúng ta phải ra đi, tạm biệt thế gian này và không giữ được gì bên mình cả. Vào năm 2021, khi phim truyền hình "Hometown Cha-Cha-Cha" (Điệu Cha-Cha-Cha làng biển) lên sóng, có một câu nói rất đáng suy ngẫm của bà Gam Ri dành cho Hong Doo Shik, chính là: "Cuộc đời tưởng chừng rất dài, nhưng sống rồi mới biết ngắn lắm. Phải vứt hết suy nghĩ thừa thãi và sống thật với chính mình". Giống lời bà Gam Ri nói, chỉ cần mỗi người trong chúng ta biết bản thân muốn gì và cần làm gì, chắc chắn chúng ta sẽ có được hạnh phúc. Nhưng để biết đủ và có thể gạt bỏ hết tham vọng ẩn sâu trong mỗi con người thì là việc khó thực hiện. Những thứ mất thì cũng đã mất, phải chăng trân trọng cái ở hiện tại liệu rằng nên làm hơn là cứ mong chờ, tham lam kiếm tìm những điều xa vời? Lòng tham của con người là vô đáy. Người xưa có câu: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”, nuốt không được lại cũng chẳng không muốn nhả ra. Người không biết đủ là người khó tìm thấy được hạnh phúc, vậy mong cầu mà không biết điểm dừng cũng vô ích.
3. Buông bỏ gánh nặng trong lòng
Khi bạn lấy một cái ly và rót nước vào bên trong nó rồi cầm trên tay trong khoảng một phút, chắc hẳn bạn không có cảm giác gì cả. Tuy nhiên, khi bạn vẫn cầm trên tay ly nước ấy không buông trong một tiếng đồng hồ thì có vẻ tay của bạn rất mỏi và cần đặt ly nước xuống. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu chúng ta cứ giữ mãi những muộn phiền trong lòng thì về lâu về dài những lo toan càng ngày càng lớn lên, người mệt mỏi và thiệt thòi nhất vẫn là chính bản thân chúng ta. Quá nhiều sự tiêu cực được chứa đựng bên trong ta thì đến một lúc nào đó ta sẽ không thể gồng mình chịu đựng được nữa và mất kiểm soát cảm xúc lẫn hành vi của mình như thành ngữ “Giọt nước tràn ly”.
Đôi khi, có những nỗi đau, những vết thương quá lớn khiến ta không thể tự chữa lành, không thể quên và càng không thể buông bỏ một cách nhẹ nhàng. Vậy bạn cũng chẳng nên cố gắng tìm cách trốn tránh cảm xúc của bản thân, mà thay vào đó hãy đối diện và chấp nhận chúng. Chấp nhận rằng trái tim bạn tồn tại vết thương để có thể dễ dàng thấu hiểu tâm hồn mình hơn. Có câu khuyết danh sau: “Một số người nghĩ rằng mạnh mẽ tức là không bao giờ thấy đau. Nhưng trong thực tế, những người mạnh mẽ nhất lại là những người cảm nhận được nỗi đau, thấu hiểu nó và chấp nhận nó”. Những vết thương tâm hồn không xấu, cách ta phớt lờ chúng mới xấu. Việc sống chung và làm bạn với cảm xúc tiêu cực không có nghĩa là chúng ta phải đắm chìm trong sự bi quan, chỉ là chúng ta đang lắng nghe chính mình mà thôi. Theo thời gian, những vết thương trong lòng rồi cũng sẽ lành.
4. Trò chuyện với bản thân
Độc thoại nội tâm hay nói chuyện với chính mình không phải là một bệnh lý mà điều này còn giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn con người mình. Từ những năm 1880, hành vi tự nói chuyện với bản thân đã được nghiên cứu. Theo nhà tâm lý học Lev Semyonovich Vygotsky, nói chuyện một mình là cách để trẻ em tiếp nhận và tự lý giải những gì đang diễn ra xung quanh mình, nhờ đó giúp chúng rèn luyện được tư duy độc lập. Do quá trình hoàn thiện khả năng ngôn ngữ diễn ra chủ yếu trong giai đoạn đầu đời, đối tượng tự nói chuyện với bản thân thông thường là trẻ em. Thói quen này cũng có thể vẫn tiếp tục trong suốt giai đoạn trưởng thành. Vậy nên, việc tự nói chuyện với bản thân là hành động hoàn toàn bình thường, thuận theo cơ chế tiến hoá của con người.
Chúng ta vẫn thường hỏi thăm những người xung quanh rằng họ có khoẻ không khi lâu ngày gặp lại hoặc cuộc sống họ dạo gần đây như thế nào. Vậy đã bao lâu rồi bạn chưa tự hỏi thăm chính bản thân mình? Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi ví dụ sau đây mà tôi đã tự hỏi mình để nâng cao sự thấu hiểu bản thân:
• Ngày hôm nay của tôi ra sao, có tốt không?
• Tôi có đang gặp áp lực hoặc cảm xúc bất an với việc gì không?
• Tôi vẫn vui vẻ, hạnh phúc với những lựa chọn của mình chứ?
• Liệu tôi có muốn thay đổi điều gì trong cuộc sống hay không?
• Hiện tại tôi có nuối tiếc vì điều gì không?
Khi bạn đứng trước gương và tự hỏi, tự trả lời mình thì không phải bạn mắc bệnh tự kỷ đâu nên đừng lo lắng, càng tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi của bản thân, bạn càng xác định được mình muốn gì, cần gì và nên làm gì.
5. Ngưng lo lắng
Tôi không khẳng định là chúng ta nên loại bỏ cảm xúc lo lắng. Bởi vì lo lắng là một cảm xúc vô cùng bình thường của con người, là bản năng giúp ta nhận biết sự bất thường xung quanh. Tuy nhiên, nếu cảm xúc lo lắng được kéo dài sẽ gây ra sợ hãi, căng thẳng quá mức dẫn đến rối loạn lo âu và không thể kiểm soát được.
Nếu ngày mai là ngày tận thế, ta hãy ung dung và tận hưởng mỗi phút giây trôi qua trong ngày hôm nay thay vì mắc kẹt trong sự lo lắng của chính mình.
6. Ghi lại điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc
Ban đầu, tôi có ý định sẽ viết là “Ghi lại 10 điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc”. Nhưng lại nghĩ rằng “10” hình như là hơi nhiều, nên tôi chuyển thành “5”. Và rồi tôi nhận ra hạnh phúc đối với mỗi người là khác nhau, chúng ta không nên áp đặt nó chỉ ở trong một con số nhất định. Kết quả là tôi không nêu rõ bạn cần ghi lại bao nhiêu điều. Có người chỉ nhớ đến một hay hai điều, có người thì ghi lại rất nhiều điều. Cái tôi muốn nói tới không nằm ở việc ai hơn ai về số lượng các điều bạn ghi ra, mà là sau khi kể tên được những điều hạnh phúc trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ nhìn thấy xung quanh mình còn có những điều tốt đẹp.
Bạn ơi, hạnh phúc nào ở đâu xa, nó như “xa tận chân trời gần ngay trước mắt”, hạnh phúc lắm lúc là những điều nhỏ bé. Đó có thể là khi bạn cùng ngồi lại với các thành viên gia đình để ăn một bữa cơm, là khi bạn còn khoẻ mạnh để làm được việc mình thích, là khi bạn vẫn được ở bên cạnh những người mình yêu thương. Bấy giờ, những câu hát trong bài “Những Điều Nhỏ Nhoi” của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cứ xuất hiện trong tâm trí tôi:
“...
Có lúc tôi gục ngã nhìn ngày trôi hững hờ
Có lúc tôi thầm mơ sẽ hái sao trên trời
Mà nào có biết rằng hạnh phúc luôn bên mình
Là những điều nhỏ nhoi thường ngày
Mà tôi tìm mãi nơi phù du.
Bỗng thấy yêu đời quá yêu ngày xanh nắng vàng
Bỗng thấy yêu thời gian hạnh phúc đến nhẹ nhàng
Yêu sao những tiếng cười và những khi bên người
Ngày chẳng còn lo toan mệt nhoài
Cuộc đời vì thế nên đẹp tuyệt vời.”
7. Nói “không” với sự thù hận
Khi bạn không thể buông bỏ cảm giác oán giận người đã đối xử tệ với mình, lúc bấy giờ lòng thù hận sẽ xảy ra. Sự thù hận khiến bạn liên tục nghĩ về người hoặc sự việc đó một cách lặp đi lặp lại tạo thành vòng luẩn quẩn bao quanh những cảm xúc tiêu cực trong tâm trí. Vì vậy, để sống một ngày, hay một cuộc đời trọn vẹn, bạn nên học cách tha thứ cho lỗi lầm của người làm tổn thương bạn trong quá khứ. Nếu không, mối hận thù sẽ mãi bị giam cầm bên trong tâm hồn bạn chờ đến ngày bộc phát và dẫn đến hậu quả nặng nề.
Trong trường hợp bạn vẫn không thể tha thứ cho những người có lỗi với bạn, thì hãy tự tha thứ cho chính mình. Mặc dù người sai là người khác, nhưng việc bạn cứ giữ trong lòng sự tức giận và tiêu cực chỉ khiến bạn ngày càng dằn vặt bản thân, tự làm khổ mình mà thôi. Nhưng những người sau khi làm tổn thương bạn có thể họ không còn nhớ về việc mình đã làm nữa, tiếp tục sống cuộc đời riêng của họ và chỉ có người chịu tổn thương là bạn mới luôn nghĩ về điều đó. Không hờn, không giận, là không có lỗi với mình, là không cho để mình sống mãi trong những lỗi lầm mà người khác gây ra. Khi bạn tha thứ cho chính mình, bạn cũng sẽ tha thứ được cho người khác. Như câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn. Khi một người biết tự tha thứ cho mình thì đồng thời cũng phải biết tha thứ cho kẻ khác”.
8. Dành thời gian cho đam mê của chính mình
Chắc hẳn rằng mỗi ai trong chúng ta cũng đều có những sở thích, những hoài bão của riêng mình. Nhưng đâu phải tất cả mọi người đều may mắn để có thể làm đúng công việc mình yêu thích theo đam mê của bản thân. Bởi vì nhiều lý do khác nhau như kỳ vọng từ gia đình, áp lực đồng tiền hay định kiến của xã hội mà con người ta tạm gác lại đam mê rồi miệt mài học tập và làm việc.
Tạm gác lại nhưng cũng đừng nên đánh mất đam mê của chính mình. Nếu ngày mai là ngày tận thế, bạn có chắc mình sẽ không hối hận khi chưa được sống với đam mê của mình không? Tôi chẳng biết đam mê của bạn là gì. Có người thích đắm chìm trong thế giới âm nhạc, có người say mê sáng tác những áng thơ, có người phấn khởi khi được chạy trên sân bóng, có người tận hưởng việc nấu một món ăn, có người mong muốn khám phá địa điểm mới qua những chuyến du lịch, có người… Nhưng miễn là đam mê ấy khiến bạn hạnh phúc thì đừng ngần ngại mà dành một ít thời gian ra để thực hiện. Như Kedar Joshi từng nói: “Đam mê chính là linh hồn của tuổi trẻ”, phải chăng chúng ta đang phí hoài khoảng thời gian tươi đẹp nhất của đời người nếu không dành sự quan tâm cho đam mê của mình? Hãy tưởng tượng ngày hôm nay là ngày cuối cùng bạn được sống và hãy hết mình với những đam mê của bản thân.
9. Trao gửi yêu thương
Mỗi con người trong chúng ta là một cá nhân của cộng đồng, của xã hội và của đất nước. Chúng ta không thể chỉ sống đơn độc mà không có mối liên kết nào với những người xung quanh. Chúng ta bao giờ cũng cần có gia đình, bạn bè và người mình yêu thương. Bạn hãy tự hỏi bản thân rằng mình đã dành đủ sự quan tâm và lắng nghe cho những người quan trọng đối với cuộc sống của mình hay chưa. Bởi lẽ nhiều người trẻ hiện nay vì mải mê theo đuổi ước mơ, dự định riêng nên đôi khi bỏ lỡ cơ hội để liên lạc với những người đặc biệt đối với mình. Một tin nhắn hỏi thăm hoặc một cuộc gọi ngắn cũng khiến cha mẹ của chúng ta vui lòng. Nhiều người trẻ đi học, đi làm xa nhà không có thời gian nói chuyện với gia đình là điều cần được thông cảm nhưng cũng đừng do đó mà quên liên lạc với cha, với mẹ. Chắc hẳn họ cũng rất nhớ bạn. Đối với bạn bè cũng vậy, có thể họ không gọi cho bạn thường xuyên vì sợ làm phiền, sợ gây ảnh hưởng đến bạn mặc dù vẫn mong chờ sự chủ động từ phía bạn.
“Trao gửi yêu thương”, không có nghĩa là bạn phải luôn bên cạnh và tặng những món quà cho người khác. Thay vào đó, “trao gửi” yêu thương mà tôi muốn đề cập đến chính là khi có thời gian rảnh rỗi sau nhiều giờ đồng hồ học tập và làm việc, bạn nên thể hiện sự quan tâm của mình với các thành viên trong gia đình, với những người bạn qua các tin nhắn hay cuộc điện thoại. Hãy trao đi sự thấu hiểu và sẻ chia, nếu không thể gặp mặt trực tiếp thì chúng ta có thể giao tiếp thông qua những ứng dụng mạng xã hội. Bày tỏ sự yêu thương ngày hôm nay, mai này chúng ta sẽ chẳng hối hận nếu lỡ không còn cơ hội gặp lại nhau nữa. Lúc bấy giờ tôi lại nhớ đến những câu hát trong bài “Điều Tuyệt Vời” mà người ca sĩ tôi ngưỡng mộ, chị Mỹ Tâm đã trình bày:
“Điều tuуệt vời nằm ở nơi chính ta
Ϲhẳng cần tìm đâu xa
Hãу уêu thương những người đặt niềm tin xung quanh ta
Ϲám ơn thật nhiều cuộc sống
Mang lại từng giâу phút thêm nhẹ nhàng
...”
10. Ưu tiên sự tử tế
Dù những người bạn gặp đối xử với bạn như thế nào, hãy đối xử tốt với tất cả mọi người. Chúng ta không nên xem sự tử tế là một lựa chọn, mà hãy nghĩ đến nó như một sự ưu tiên, tức là bất kể trong hoàn cảnh nào thì bạn luôn có thể lịch sự, mỉm cười và đề nghị giúp đỡ. Đúng là chúng ta thường cho rằng thái độ của ai đó trong một thời điểm nhất định phản ánh chính xác tính cách của họ, nhưng thật ra, chỉ là họ đang có một ngày tồi tệ mà thôi. Có thể là họ thất tình, mất đi một người thân yêu, công việc bị trục trặc, hoặc gặp vấn đề về sức khoẻ. Cái họ cần hơn bất cứ điều gì là một nụ cười chân thành hoặc một lời nói an ủi và bạn có thể dễ dàng trao cho họ. Một khi bạn bắt đầu cho đi sự tử tế, bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự tử tế đó được đáp lại cho bạn nhanh như thế nào và bạn không chỉ cải thiện một ngày của người khác mà còn làm đẹp cả ngày của mình.
Khi bạn tử tế với người khác, bạn chợt nhận ra bên trong mình thật đẹp, cái đẹp ở đây là vẻ đẹp của tâm hồn. Như trong cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo” của mình, Đại đức Hae Min từng viết rằng:
“Nếu bạn tử tế với người khác, dù chỉ một chút thôi
Khi tự nhìn lại bản thân sẽ thấy mình thật đẹp.
Những người đang gặp khó khăn vì thiếu tự tin
Hãy thử một lần tử tế với người khác.
Khi bạn cảm thấy mình trở nên tốt đẹp hơn, sự tự tin cũng sẽ tăng theo.”
Nếu ngày mai là ngày tận thế, nếu một mai bạn phải rời bỏ cuộc sống này, những gì ở lại không phải là của cải vật chất, cũng chẳng phải danh vọng mà đó chính là cách bạn đã sống như thế nào. Cách sống tử tế của bạn là điều còn mãi trong lòng của mọi người và không bị phai mờ theo thời gian. Thế nên, bất kể bạn làm gì, hãy luôn là người tử tế.
Lời kết
Trong xã hội đầy biến động ngày nay, ắt hẳn sống tốt là việc có đôi chút khó khăn đối với chúng ta, đặc biệt là những người trẻ. Khi ngoài kia càng xuất hiện nhiều cạm bẫy, xã hội này vạn biến thì bạn cần nuôi dưỡng cho mình một lối sống tốt để sẵn sàng đối diện và thích nghi với tốc độ nhanh của nhịp sống hiện đại. Bạn không nhất thiết buộc mình phải hoà chung vào cuộc sống của cộng đồng hay cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người để ai cũng thấy bạn là một người tốt, điều đó chỉ càng khiến bạn tự làm khổ mình mà thôi. Bạn nên giữ cho mình những tiêu chuẩn, nguyên tắc riêng để không bị cuốn theo cuộc sống của người khác nhưng vẫn biết cách đối nhân xử thế.
Nếu ngày mai là ngày tận thế, chúng ta hãy sống thật trọn vẹn ngày hôm nay. Và cũng chẳng cần ngày mai là ngày tận thế thì cũng hãy để những gì bạn làm ngày hôm nay không khiến ngày mai bạn phải hối tiếc, bạn nhé!
Tác Giả: Phạm Từ Thiên Ân
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Ngạn Tử Ân
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
771 lượt xem, 615 người xem - 663 điểm