Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

"Nghệ Thuật" Sợ Hãi

Có lẽ mọi người đều cho rằng, “Sợ hãi” thường được coi là một cảm xúc tiêu cực; khiến bạn bồn chồn, bất an, lo lắng khi mà bản thân nhận thức được bất cập hay mối đe dọa nào đó xảy đến với bạn. Nhưng nếu bạn có “sở hữu” những nỗi sợ trong mình thì xin CHÚC MỪNG bạn, điều đó là hoàn toàn bình thường. “Sống là phải biết sợ”, sống mà không biết sợ là gì thì đó mới là điều đáng sợ nhất!


Tại sao lại như vậy? Có thể bạn coi sự sợ hãi là một điều gì đó thật khủng khiếp, thật tệ hại ngay chính bởi cái tên của nó; vì nó tồi tệ, tiêu cực đến thế nên chúng ta thường có xu hướng muốn trốn tránh hay phủ nhận những nổi sợ ấy ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Nhưng hãy thử nghĩ một cách đơn giản và thuần túy nhất thì thật ra “sợ hãi” chẳng qua cũng chỉ là một trạng thái đơn thuần xảy ra để cân bằng xúc cảm của con người. Hay đôi khi tôi cảm thấy rằng sự sợ hãi cũng giống như một “lớp bảo vệ” bản thân mình khỏi những phiền toái, rắc rối mà tôi linh cảm được. Bởi khi nỗi sợ được sản sinh, khả năng phán đoán và phân tích trong con người có lẽ cũng được nhân lên nhiều lần.


Bên cạnh những cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc tất yếu sẽ phải có những cảm xúc trái ngược. Mọi việc đều có tính hai mặt, âu cũng chỉ là một quy luật tự nhiên của cuộc sống. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt! Khi những nỗi sợ của bạn càng lớn, tỉ lệ thành công của bạn càng nhỏ. Nếu bạn có quá nhiều mối lo sợ, bạn sợ những gì mà mình phải đối mặt thì làm sao bạn có đủ nghị lực và ý chí để có thể thực hiện những điều mà bạn muốn, kéo theo đó là sự mất tự tin và tin tưởng vào bản thân mình.

“Nỗi sợ là sự thiếu tin tưởng vào khả năng bản thân có thể tìm ra các giải pháp hữu hiệu.” - T. F. Hodge   

Có những nỗi sợ tưởng chừng như chẳng đem đến tác động gì lớn lao cho cuộc đời của bạn, nó đã xuất hiện ở rất nhiều người hay thậm chí từ khi chúng ta còn nhỏ. Đó có thể là những tháng ngày đi học mà ta thường lo sợ bị điểm kém; e dè không dám nêu lên ý kiến của bản thân, lo lắng khi đứng trước đám đông, sợ thất bại và còn vô vàn những nỗi sợ khác.



Nếu ta cứ “ôm ấp” sự sợ hãi thì trên thế giới sẽ chẳng có sự hiện diện của những người thành công. Walt Disney đã từng bị nhận xét là thiếu sáng tạo, nghe thật vô lí phải không khi bây giờ chúng ta nhận thấy được Walt Disney thành công như thế nào. Hay tỉ phú Bill Gates đã phải chứng kiến công ti đầu tiên của mình bị sụp đổ. Thậm chí, bạn có tin rằng Steve Jobs đã từng bị chính công ti của mình sa thải. Ngoài những con người vĩ đại ấy, còn biết bao những tài năng phải đối mặt với những nỗi sợ to lớn và khủng khiếp biết chừng nào. Thế nhưng tất cả những nhân tài trên thế giới đều sở hữu một điểm chung đó là họ tự “tạo ra” khả năng giúp họ có thể vượt qua những mối lo sợ và mang lại thành tựu lớn lao cho bản thân họ và đáng nể hơn là cho cả nhân loại.


Thế nhưng có quá nhiều nỗi sợ theo tôi vẫn chẳng đáng sợ bằng việc bạn chẳng cảm thấy sợ hãi một điều gì cả. Hãy thử tưởng tượng xem bạn chẳng có một chút cảm giác gì trước những bất cập hay mối hiểm nguy, bạn không nhận thức được những mối đe dọa và cứ thế “đâm đầu” vào những rắc rối. Thực tế, các nhà khoa học đã nghiên cứu về “hội chứng không biết sợ” này. Người không biết sợ bất cứ điều gì đôi khi còn gây tổn hại đến xã hội bởi vì họ chẳng sợ ai, họ chẳng hề phán đoán đúng sai về những điều họ thực hiện.


Vậy làm sao để ta có thể điều khiển được sự sợ hãi và khiến nó trở thành “nghệ thuật”. Muốn khống chế được nỗi sợ thì trước hết phải tìm hiểu về nó, như vậy khi có được nhận thức sâu sắc hơn về mối lo sợ mà mình gặp phải, bạn sẽ dễ dàng chinh phục nó.


Kết quả hình ảnh cho đối mặt với nỗi sợ hãi art


Theo những gì mà tôi được biết, có vô vàn kiểu “sợ” mà chúng ta phải đối mặt. Có những nỗi sợ mang tên gọi là nỗi sợ hãi bẩm sinh. Chẳng hạn như từ khi còn nhỏ ta có thể đã gặp phải nỗi sợ bóng tối, sợ người lạ hay sợ một số loài động vật, ... Ngoài nỗi sợ thuần túy nhất ấy của con người thì chúng ta đôi khi cũng gặp phải những mối lo về tâm lí. Đa phần chúng ta có cảm giác sợ hãi một điều gì đó khi bị định hướng suy nghĩ từ trước. Ví dụ như ta thường có tâm lí sợ hãi khi phải đi trong bóng tối một mình, bản thân thường tự tạo ra một cảm giác khiến ta cảm thấy như có ai đó đi theo mình hay gặp phải ma trong bóng tối ấy mặc dù bạn chưa gặp phải ma bao giờ. Bên cạnh những nỗi sợ vô hình thì ắt phải có cả những nỗi sợ hữu hình. Đây là sự sợ hãi, lo lắng xảy ra thực khi bạn phải đối mặt với mối đe dọa hay sự tấn công, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và thể chất của bạn. Thế nhưng, nỗi sợ mà tôi muốn đề cập nhất ở đây là những mối lo sợ hay đúng hơn là những áp lực mà ta phải đối mặt, trải qua trong cuộc sống thường nhật. Đối với tôi, sự sợ hãi ấy được biểu hiện ra chính là những công việc mà tôi cần phải hoàn thành mỗi ngày, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn mà tôi đề ra để thực hiện. Chính những điều đó đã từng chút, từng chút tạo cho tôi những áp lực và dần dần biến thành nỗi sợ.


Nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ và không dám vượt qua những rào cản ấy. Sợ hãi có muôn kiểu nên cũng vì thế mà cách để “thống trị” những nỗi sợ cũng vô cùng phong phú. Bạn có thể làm bất cứ điều gì để giúp bản thân tránh khỏi sự sợ hãi hoặc có thể làm theo các bước sau để vượt qua nó. Trước hết, bạn cần nhận thức được nỗi sợ của mình là gì, nếu bạn nhận ra được cả nguyên căn của mối lo sợ đó là từ đâu thì việc điều chỉnh rào cản sẽ càng trở nên dễ dàng hơn nữa. Tiếp đến, giờ thì bạn phải hành động thôi – tiếp cận dần dần với nỗi sợ của chính mình. Giả sử khi bạn lo sợ việc phải đứng phát biểu trước một đám đông, bạn lo sợ người khác nhận xét về bạn thì hãy tưởng tượng ra điều mà bạn mong muốn rằng bạn có thể làm tốt việc đó và mọi người có những phản hồi tích cực, hình dung rằng nỗi sợ ấy chẳng hề khủng khiếp như mình từng nghĩ. Quan trọng nhất có lẽ là bản thân chúng ta cần phải đối mặt với nỗi sợ ấy. Khi đối điện với nỗi sợ, ta cần tập cho bản thân một sự bình tĩnh, thả lỏng cơ thể và coi nỗi sợ như một điều gì đó vô hại. Đây ắt hẳn là một quá trình khá khó khăn bởi bản thân tôi cũng đang cố gắng để khống chế sự sợ hãi. Bởi tôi thường coi những “nhiệm vụ” mà tôi cần phải hoàn thành là áp lực, là nỗi sợ nên để giảm nhẹ điều đó hơn, tôi đã tạo cho mình một thói quen là ghi những sự bất an đấy vào tờ giấy ghi chú để có thể tổng hợp những điều phiền muộn đó và hoàn thành nó một cách dễ dàng. Sau khi hoàn thiện một nỗi sợ, tôi có thể gạch bỏ đi một nỗi lo âu. Giờ nghĩ lại tôi mới nhận ra việc sử dụng các tờ ghi chú mỗi ngày chính là việc bạn đang ghi ra những nỗi lo lắng. Bên cạnh việc ghi chú, bạn cũng có thể tận dụng các ứng dụng quản lí công việc nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Tôi nghĩ đây là một cách vô cùng hiệu quả để ta sẵn sàng đối mặt và vượt qua những điều phiền muộn. Cuối cùng bạn có thể thấy rằng sự sợ hãi mang lại cho ta vô vàn những cơ hội và ích lợi bởi nó tạo cho ta áp lực, khiến ta phải sống trách nhiệm, kỉ luật hơn, vì sợ nên ta càng phải tìm tòi, học hỏi nhiều hơn nữa để không còn cảm giác sợ hãi. Hơn nữa, như đã nói nỗi sợ còn khiến ta tăng khả năng phán đoán, phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách rõ nét.


Hình ảnh có liên quan


Như vậy, có lẽ giờ thì sợ hãi quả là “nghệ thuật”. Đừng cảm thấy lo lắng khi bạn gặp phải nỗi sợ nào đó bởi đó không phải là rào cản mà chỉ là động lực giúp bạn vượt qua, hiểu và nhận thức rõ ràng hơn về bản thân cũng như cuộc sống. Và đừng quên cân bằng trạng thái cảm xúc của mình để biến nó từ rủi ro thành lợi ích.

“Đừng lấy sợ hãi là cái cớ để dừng lại. Sợ hãi chính là động lực thúc đẩy để bước tiếp và tạo đột phá.” - Arthur Ashe



Tác Giả: Mạc Khánh Vi
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

533 lượt xem, 508 người xem - 510 điểm