Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Ngồi Xuống, Cầm Bút, Vẽ Lại Cuộc Đời

“Carpe diem” từng là một cụm từ tôi rất yêu thích, và dành hẳn một trang trong cuốn Art Journal cũ để trình bày về ý niệm của cái cụm nghe hay ho, đẹp đẽ ấy. Nó có nghĩa là “Hãy sống với ngày hôm nay”. Và bạn biết không, đó cũng chính là cách sống khó nhất đối với tôi. Không phải vì tôi sống trong quá khứ hay tương lai quá nhiều, mà là vì tôi luôn lo âu về những “sự thiếu hụt” hiện có của bản thân. Sự lo âu ấy đôi khi choán hết tâm trí, tràn ra bên ngoài che phủ hết những khoảnh khắc thời điểm, khiến tôi khó tận hưởng được trọn vẹn mọi giây phút – enjoy every moment, cái ý nghĩa “đừng bao giờ hoãn lại hạnh phúc hiện tại” được thay bằng những khắc khoải mong ngóng mau chóng làm cho xong việc này để nhảy qua việc kia, bằng nỗi sợ mình chưa làm đủ nhiều thứ ý nghĩa, bằng nỗi buồn thấy mọi ngày trôi qua mình cứ bình bình ổn ổn nên luôn thúc ép bản thân phải tiến lên thật mau, thật mau khi mà chẳng biết chính bản thân đang kiệt quệ đi mỗi ngày.

Dạo gần đây, tôi hay tự hỏi: ý nghĩa cuộc đời mình là gì? Mình thực sự muốn làm gì trong cuộc sống? Nào phải tôi chưa vẽ ra được cả một bức tranh hoàn chỉnh về những gì muốn làm và cần làm trong cuộc sống đâu. Nhưng khi bị xã hội tác động, chẳng hạn thấy một thành tựu kha khá của một ai đó, tôi lại lung lay ý chí và nghĩ ngợi nhiều về việc “chuyển đổi ước mơ” để được như họ, hoặc vì tư tưởng “sợ bỏ uổng”, việc ấy có vẻ ngon nghẻ, lương cao mà sao lại không thử làm. Một kiểu tư tưởng tham lam, đứng núi này trông núi nọ và cuối cùng sẽ chẳng có cơ hội tận hưởng quang cảnh hùng vĩ khi mà chỉ cần cố gắng đứng được trên một đỉnh ngọn núi thôi, chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng rồi.

Như thể rằng: “Nhiều người biết rất rõ vị trí của người khác, nhưng không biết rõ vị trí của chính mình vậy.”

Hoặc chúng ta liệu có đang khổ sở vì những lời hỏi thăm dưới mức lịch sự của những người thân quen không? “Lương con bao nhiêu?”, “Con bác một tháng cả mấy chục triệu!” Và chúng ta có buồn rầu về nét mặt biến đổi của họ sau khi nhận được một câu trả lời không xứng đáng được tôn trọng (theo như họ) từ chúng ta. Để rồi chúng ta bắt đầu hoài nghi về chính mình. Tại sao cho đến giờ này, tuổi này, khi biết bao người đã đạt được vô số thành tựu ngoài kia, ta lại mới chỉ đang dò dẫm bước đi chậm chạp trên con đường phát triện sự nghiệp và cuộc sống. Tiền – một thứ đáng lý ra nên trở thành một động lực thúc đẩy tích cực cho chúng ta – giờ lại khiến chúng ta tự động đánh giá thấp bản thân mình chỉ vì một vài “nét mặt” nhận xét của người khác.

Cái khó ở đây chính là sống không dây mơ rễ má với những nguồn tiêu cực, để thực hành khắc kỷ, “carpe diem” một cách trọn vẹn nhất, tận hưởng được mọi khoảnh khắc nhỏ bé trong cuộc sống, và làm mọi thứ nhỏ bé “với một tình yêu vĩ đại” (trích ý Mẹ Têrêsa).

Đó chính là lúc chúng ta tạo ra cuộc sống đáng sống của mình. Đừng đi tìm, hãy tạo ra nó. Vì “Nghĩ nhiều, thành vấn đề; làm nhiều, thành đáp án”. Như Gerorge Bernard Shaw đã từng nói: “Life isn’t about finding yourself. It’s about creating yourself” (Đừng tìm kiếm con người mình nữa, hãy kiến tạo nó). Nhưng phàm tạo ra những điều cao cả luôn khó, nó đòi hỏi đức tính kiên trì, nhẫn nại và đầy sự cảm thông. Hơn hết, chúng ta phải thực sự hiểu mình đang tạo ra thứ gì.


Và đây là một số cách có thể hướng dẫn bạn tạo ra được bản sắc cá nhân, kèm theo là một cuộc sống sinh động với không một phút giây nào bị bỏ lỡ. Đây cũng chính là những bài luyện tập hằng ngày về việc sống của tôi.

 

8 loại thông minh: Bạn vẫn tỏa sáng kể cả khi bạn không hiểu Sin Cos là gì.

Bạn đã từng nghe về thuật ngữ sapiosexual chưa? Thuật ngữ này chỉ những người bị hấp dẫn bởi trí tuệ của người khác. Trên các ứng dụng hẹn hò như Tinder và Bumble, người dùng cũng bắt đầu mô tả bản thân là sapiosexual. Nhưng trí tuệ thế nào là đủ để thu hút? Không ai chứng minh được rằng việc làm những bài toán khó nhanh như chớp là biểu hiện duy nhất của sự thông minh. Tương tự, một người lúc nào cũng đạt điểm cao trên trường lớp không đồng nghĩa với việc sẽ hiểu biết tất cả mọi kiến thức đời sống. Và việc đánh giá sự giỏi giang của một ai đó thông qua điểm số/ ngành học/ trường học cũng là một sự ngu xuẩn mà đến nay vẫn còn tồn tại.

Nhiều người cho rằng họ không thông minh, khi cảm thấy bản thân khá chậm chạp trong việc tính toán. Nhưng bạn biết không, có tới 8 loại thông minh khác nhau, dựa trên nghiên cứu của khoa học.

Lý thuyết về đa trí thông minh được nhà tâm lý học Howard Gardner giới thiệu lần đầu trong cuốn sách “Frames of Mind” xuất bản năm 1983. Trong đó, ông chỉ ra rằng Trí thông minh không phải bất biến, đóng khung trong 1-2 loại nhất định. Mỗi người sẽ có những đặc điểm của một hoặc vài loại trí thông minh khác nhau. Và việc của chúng ta là xác định xem mình thông minh thế nào, để phát triển sự nghiệp theo hướng ấy.

1. Trí thông minh logic và suy luận (Mathematical/ Logical Intelligence):

Khả năng xử lý tốt các loại số liệu, phân tích và giải quyết vấn đề một cách logic, nghiên cứu vấn đề dựa trên các giả thuyết hợp lý và suy luận, tính toán khoa học.

Nghề nghiệp phù hợp: nhà toán học, kế toán, chuyên gia phân tích dữ liệu, nhà khoa học, chuyên gia máy tính…

2. Trí thông minh ngôn ngữ (Linguistic Intelligence):

Khả năng xử lý tốt các loại chữ nghĩa thông qua nói và viết, khả năng cảm thụ văn chương cao, dễ học tốt các loại ngôn ngữ, nắm rõ các kiến thức về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, phân tích thông tin tốt.

Nghề nghiệp phù hợp: nhà văn, nhà báo, luật sư, nhà ngoại giáo, diễn giả…

3. Trí thông minh thể chất (Bodily Kinesthetic Intelligence):

Khả năng vận dụng tốt toàn bộ chuyển động của cơ thể, phối hợp nhịp nhàng các động tác chuyển động khác nhau để giải quyết vấn đề.

Nghề nghiệp phù hợp: vũ công, vận động viên thể thao, bác sĩ phẫu thuật, kĩ sư, nhà điêu khắc, nhà trị liệu vật lý…

4. Trí thông minh không gian (Spatial Intelligence):

Khả năng hình dung và vận dụng tốt các cấu trúc không gian.

Nghề nghiệp phù hợp: phi công, bác sĩ phẫu thuật, kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa, nhà thiết kế nội thất.

5. Trí thông minh âm nhạc (Musical Intelligence):

Khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, có kĩ năng trình diễn, kết hợp tốt các nhịp điệu.

Nghề nghiệp phù hợp: nhạc sĩ, ca sĩ, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm/ vĩ cầm…

6. Trí thông minh tương tác và giao tiếp (Interpersonal Intelligence):

Khả năng thấu hiểu ý định, động cơ và nhu cầu của người khác tốt, có kĩ năng tương tác với con người.

Nghề nghiệp phù hợp: giáo viên, nhà tâm lý học, nhà quản lý doanh nghiệp, nhân viên bán hàng, các công việc liên quan đến quan hệ công chúng…

7. Trí thông minh nội tâm (Intrapersonal Intelligence):

Khả năng thấu hiểu bản thân tốt, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến bản thân, xác định rõ ý định, động cơ, nỗi sợ hãi và sức chịu đựng giới hạn của bản thân.

Nghề nghiệp phù hợp: nhà trị liệu, nhà tâm lý học, nhà tư vấn, doanh nhân, giáo sĩ, tu sĩ…

8. Trí thông minh tự nhiên (Naturalist Intelligence):

Khả năng nhận biết và phân loại tốt các loại sinh vật trong tự nhiên, có sự hòa hợp cao giữa bản thân và thiên nhiên. Những người này cũng có xu hướng thích ra ngoài trời nhiều hơn. Do đó, các sở thích của họ thường là leo núi, đi bộ đường dài, chèo thuyền, câu cá, đi săn hoặc thả bộ dọc bãi biển…

Nghề nghiệp phù hợp: nhà động/ thực vật học, nhà địa lý học, nhà sinh vật học, nhà khí tượng học, nhà thiên văn học; người làm vườn, nông dân, người thiết kế quang cảnh…

 

Lá số chiêm tinh: Đôi khi cuộc sống được tạo nên từ những ý tưởng.

Để kiến tạo cuộc sống, đôi khi bạn sẽ cần tới một vài ý tưởng. Vì khi xã hội ngày càng phức tạp với đủ thứ mới được hình thành, việc phát triển sự nghiệp và cuộc sống không còn là một thứ dễ dàng vì muôn vàn ngã rẽ. Bạn thấy đấy, đến việc học ngành gì cũng là một sự lựa chọn khó khan.

Nếu vẫn chưa rõ lắm về cuộc sống mình muốn tạo dựng, hãy thử tham khảo “tính cách đặc trưng” của bạn dựa trên tác động và ảnh hưởng của vũ trụ, chiêm tinh trong thời khắc bạn ra đời. Đây là trang web lấy lá số chiêm tinh miễn phí mà bạn có thể xem qua.

Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức cẩn thận khi xem xét cuộc sống liên quan đến chiêm tinh. Cách tham khảo đúng đắn nhất chính là tìm hiểu và phân định rõ ràng hai mặt tốt – xấu trong phong cách bản thân dựa trên chiêm tinh, và tuyệt đối không được nương theo những điều ấy hoàn toàn. Mà là nhận thức để thích nghi, thay đổi và hoàn thiện.

Ví dụ: Nếu lá số chiêm tinh bảo rằng bạn có xu hướng cứng đầu, ngang bướng và ít chịu thay đổi, đừng viện vào lý do ấy để giải thích cho tính cách không có chí tiến thủ trong cuộc sống của mình.

Thay vào đó, hãy nhận thức rõ nhược điểm ấy của bản thân, và tập cho bản thân loại bỏ nó, một cách bình tĩnh và dịu dàng.

 

Mô hình QVCA của Alex Ikonn: Không chỉ là làm việc, hãy trở nên “cống hiến” một cách vô tư.

Alex Ikonn là một doanh nhân, Youtuber, người sáng lập thương hiệu The five minutes journalBe productive, đồng thời nổi tiếng với hình mẫu một người chồng, người cha hoàn hảo, “cha đẻ” của mô hình QVCA nổi tiếng giúp mọi người đạt được đỉnh cao trong một lĩnh vực cụ thể.

Bước đầu tiên, chúng ta cần định hình rõ mục tiêu của mình: ước mơ mình muốn theo đuổi, con đường mình muốn đi, sự nghiệp mình muốn làm. Sau đó, bắt đầu vẽ ra định hướng sống mỗi ngày để phát triển mục tiêu ấy, dựa trên 4 tiêu chí quan trọng:


Q – Quality (Phẩm chất).

Dù bạn chọn con đường nào, hãy luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Nếu bạn là Tiktoker, hãy đảm bảo nội dung và chất lượng video đăng tải, tương tự với các bức ảnh bán hàng trên instagram. Nếu bạn là một người viết lách, bán chữ lấy tiền, hãy nghiên cứu tìm tòi trước khi đặt bút viết để bài viết có giá trị cao nhất có thể. Những nội dung chất lượng sẽ luôn có chỗ đứng, và bạn phải cố gắng hết sức để tạo ra nó.

 

V – Value.

Đừng bán sản phẩm của bạn theo cách thông thường là mời gọi mọi người mua bằng những câu sáo rỗng tâng bốc những điểm tốt của sản phẩm, vì điều đó quá hiển nhiên và bạn chẳng có gì nổi bật. Thay vào đó, bên cạnh việc bán, hãy đem đến một vài giá trị cho cộng đồng những người mua.

Alex Ikonn cùng vợ và con gái ban đầu đã thành lập ra thương hiệu Luxy Hair với hơn 3 triệu subscribers trên Youtube, họ chú trọng đến nội dung “tóc”, và chỉ tóc mà thôi, đồng thời ngoài việc quảng bá sản phẩm, họ còn dạy mọi người cách chăm sóc và làm đẹp bằng nhiều kiểu khác nhau cho tóc. Đó chính là nội dung ý nghĩa dành cho cộng đồng mà họ hướng tới.

“Những người quan tâm sẽ mua hàng, đặc biệt là khi bạn mang lại giá trị cho cuộc sống của họ. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn mua hàng của ai hơn: Ai đó đang giới thiệu sản phẩm; hay Ai đó đã dạy bạn điều gì đó và làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn theo một cách nào đó?” Alex chia sẻ. “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mang lại giá trị cho mọi người là công thức cuối cùng để thành công.”

 

C – Consistency (Sự nhất quán).

Chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Nhưng để cho đầy đủ hơn, hãy thêm vào rằng: Trên con đường ấy, những dấu chân kia cũng cần phải đều đặn từ đầu chặng tới cuối chặng. Đó chính là quá trình đạt được vinh quang.

Trên quá trình ấy, nhiều người nản chí, bỏ cuộc vì lẽ không nhận thấy được quá nhiều thành tựu đao to búa lớn xảy ra ngay lập tức. Nhưng, như định luật cây tre gần gũi đã dạy chúng ta rằng: Cây tre non phát triển từ mầm, khi mới mọc thì tốc độ sinh trưởng rất chậm. Sau một khoảng thời gian, nó sẽ phát triển với tốc độ rất nhanh, mỗi ngày 30cm. Chỉ trong thời gian 6 tuần, nó có thể cao đến 15m. Sự tích lũy là một khái niệm cần được hiểu trong quá trình đi tới thành công này.

 

A - Authenticity (Tính chân thực).

Đây là điểm quan trọng nhất của tất cả. Bạn có thực sự quan tâm đến nội dung truyền tải, đến cộng đồng và sản phẩm của bạn không? Bạn có tin vào điều đó không, vào việc bạn có thể thay đổi nhận thức cộng đồng và giúp họ trở nên tốt hơn mỗi ngày không chỉ bằng sản phẩm của bạn, mà còn bởi nhiều giá trị hữu ích khác bạn đem lại? Chỉ khi bạn tin tưởng, bạn mới có đủ tự tin để tiếp tục cuộc hành trình của chính mình.

 

Tháp nhu cầu Maslow: Đảm bảo đủ đầy trên mọi phương diện.

Abraham Maslow lần đầu tiên đưa ra khái niệm về hệ thống cấp bậc nhu cầu trong bài báo năm 1943 của ông, có tiêu đề "Lý thuyết về động cơ thúc đẩy con người".

Hệ thống phân cấp này gợi ý rằng mọi người có động lực để hoàn thành các nhu cầu cơ bản trước khi chuyển sang các nhu cầu khác, nâng cao hơn.

Là một nhà nhân văn, Maslow tin rằng con người bẩm sinh đã có mong muốn được trở thành tất cả những gì họ có khả năng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng này, một số nhu cầu cơ bản hơn phải được đáp ứng.

Tháp nhu cầu Maslow là gì? Ứng dụng mô hình trong Marketing 

Nếu bạn thích một cuộc sống yên bình mà vẫn có chỗ cho sự bản sắc cá nhân phát triển, hãy vẽ ra 5 tầng tháp Maslow và đánh giá xem bạn đã có đầy đủ ở tầng tháp nào và chưa có đủ ở tầng tháp nào để bổ sung và hoàn thiện.

- Tầng nhu cầu sinh lý - thực phẩm, nguồn nước, không khí, giấc ngủ,…;

Hầu hết mọi người đều đã đạt đầy đủ tối thiểu ở tầng này. Để nâng cao hơn, bạn chỉ cần bổ sung thêm những nguồn mà bạn sẽ tin tưởng tiêu thụ để đảm bảo về sức khỏe. (Ví dụ: bạn sẽ mua thực phẩm và nguồn nước lấy ở đâu; …)

- Tầng nhu cầu được an toàn - an toàn về thể chất, sức khoẻ, an ninh gia đình, an ninh tài chính hoặc việc làm và an toàn trong gia đình;

Nếu bạn có một hoặc vài vấn đề về thể chất, ví dụ béo phì hay viêm xoang, hãy cố gắng xác định và tìm cách loại bỏ hoặc giảm chúng đến mức tối thiểu.

Vấn đề gia đình là một điều khó nói vì liên quan đến vấn đề đạo đức, nhưng, giả sử rằng bạn sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, bạn hoàn toàn có thể rời bỏ họ để xây dựng cho mình một gia đình nhỏ khác hạnh phúc hơn trong tương lai.

Về tài chính, nếu bạn còn nợ, hãy trả nợ. Sau đó, xác định lại mức lương mong muốn hàng tháng, lập kế hoạch chi tiêu, và tích lũy một khoản tiền dự phòng nhất định trước khi vung tay quá trán cho nhiều thứ.

- Tầng nhu cầu xã hội - được hoà nhập trong một cộng đồng nào đó, muốn có một gia đình hạnh phúc, những người bạn bè gần gũi, thân thiết, yêu và được yêu.

Hãy xác định lại những người có ý nghĩa trong cuộc đời bạn, và tập sống cân bằng, vừa dành thời gian cho công việc, vừa có thời gian cho họ.

- Tầng nhu cầu được kính trọng từ người khác: xây dựng lòng tự trọng tăng cao để chúng ta dần trở nên thành thạo, tự tin, độc lập và tự do hơn trong suy nghĩ và hành động;

- Tầng nhu cầu được thể hiện bản thân: bắt đầu tìm hiểu về tiềm năng của bản thân và mong muốn đạt được tất cả mọi thứ trong lĩnh vực của mình, ao ước đứng đầu và không ngừng hoàn thiện những gì mình đang sở hữu.

 

Mô hình đơn giản hóa của Vision board: hãy tìm một kim chỉ nam.

Đây là mô hình đã được tôi áp dụng trong 1 năm nay, lấy cảm hứng từ gợi ý của chị Aileen Xu (chủ kênh Lavendaire). Mô hình này giống như kim chỉ nam giúp tôi cảm thấy đỡ lênh đênh trống trải trong một hành trình có vô vàn những gã rẽ đầy hấp dẫn mời gọi (mà đôi khi tôi vẫn lung lay vì chúng). Theo chị Aileen, chúng ta cần xác định rõ “Desire” (Khao khát) của bản thân trước khi vạch sẵn ra con đường sự nghiệp muốn chọn.

Bảng Desire của tôi khá giống với chị - tôi muốn có một (hoặc vài) công việc như sau:

- tôi tự làm chủ (my own boss).

- tự do/ tự chủ về thời gian và địa điểm (time and location freedom).

- công việc tôi YÊU THÍCH. (jobs I love doing).

- có thể giúp tôi đạt được tự do tài chính (financial free).

- truyền cảm hứng và sáng tạo (inspired and creative).

Sau khi vạch sẵn Desire, chúng ta bắt đầu giới hạn vòng tròn công việc và sự nghiệp bạn muốn đạt được, càng cụ thể càng tốt. Ví dụ: thay vì là “trở thành giáo viên tiếng Anh cấp cao của trung tâm tiếng Anh” thì bạn hãy tìm luôn một trung tâm có chế độ đãi ngộ và danh tiếng tốt để apply, và ghi lại vào mục tiêu cá nhân thành “trở thành giáo viên tiếng Anh cấp cao của trung tâm tiếng Anh ABC.” Như vậy, những bước tiếp theo để đạt được mục tiêu đó cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.


Sau đó, chúng ta cần vạch ra thêm 2 bảng nữa: 

* Bảng 1: Main job(s) – Công việc chính mà chúng ta chịu trách nhiệm nhiều nhất.

Ở đây, bạn hoàn toàn có thể ghi nhiều hơn 1 công việc. Có ai dám đảm bảo rằng bạn sẽ không thể nào vừa làm quản lý cấp cao tại một công ty, vừa là một tiktoker chuyên về lifestyle có tiếng?

* Bảng 2: Passive incomes – Các nguồn thu nhập thụ động.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thu nhập thụ động lên ngôi vì tính toàn cầu hóa nhờ các nền tảng xã hội kết nối đa phương tiện, và chúng ta hoàn toàn có thể bán sản phẩm của mình cho mọi người kể cả khi chúng ta không có mặt tại đó.

Tại bảng 2 này, bạn nên viết ra các nguồn thu nhập thụ động mà bạn có khả năng đạt được, vừa để nhắc nhở bạn rằng bạn cũng nên tập trung nâng cao kiến thức về mảng đó (bất động sản/ youtube/ khóa học online…), đồng thời truyền cho bạn nguồn cảm hứng sớm đạt được tự do tài chính trong tương lai.

 ---

Tôi viết những kiến thức này, không phải vì bản thân đã thực hành chúng một cách xuất sắc và đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống vì chúng. Tôi cũng chỉ là một người đi tìm, học hỏi và tận dụng những "bộ óc" của người khác để cải thiện bản thân. Việc chia sẻ những điều này cũng là một cách để tôi tự răn dạy lại chính mình về cách sống "carpe diem" mà mình đã từng rất thích thú và ngưỡng mộ. Tôi chúc bạn "carpe diem" hết mực, chúng ta chỉ có một lần để sống, tại sao lại chọn cách sống vô nghĩa trong từng phút giây làm chi?


Tác Giả: Jadie

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nhinhut214/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

140 lượt xem, 65 người xem - 67 điểm