Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Người Bình Thường Ngu Muội Và Người Đặc Biệt Thông Thái

Trong một lần phỏng vấn apply câu lạc bộ gần đây, chị H hỏi tôi: “Nhưng ở ngoài kia cũng đầy những người như em, bạn nào apply Nội Dung cũng đều thích đọc, thích viết, thế em có gì đặc biệt để chị chọn?” Chị cao giọng và nội dung câu hỏi của chị làm tôi tổn thương, đến thời điểm hiện tại – đã có độ lùi thời gian nhất định kể từ ngày chị H hỏi tôi, nếu nhớ lại vẫn còn lợn cợn. Tôi viết những dòng này chẳng hòng than phiền về chị hay bất kể cá nhân và tổ chức nào, tôi chỉ đang chữa lành cho chính mình. Đó là một câu hỏi bình thường mà, nhỉ? Dẫu chị H lên giọng để tạo một tình huống phỏng vấn cho tôi – thì nó vẫn là một câu hỏi rất bình thường. Thậm chí tôi của thời điểm hiện tại hay tôi của khoảnh khắc bị tổn thương cũng hiểu chị chẳng công kích hay châm chọc gì tôi. Chẳng ai định tổn thương ai ở đây hết. Nhưng tôi vẫn bị tổn thương, thế đấy. Vấn đề nằm ở tôi, trong sát na, não bộ của tôi phân tích một cách nhanh chóng và đưa ra câu hỏi: đây có phải lối diễn đạt khác của câu “EM chẳng có gì ĐẶC BIỆT để chị phải chọn em cả”? Sau đó, não bộ cũng nhanh chóng quyết định thay tôi: tổn thương, khóc cái đã, không dừng được, dù đang phỏng vấn.

Thoạt nhớ lại, chị có lẽ cũng hơi… thảng thốt vì tôi khóc. Sau đó, phải dành chút thời gian để tôi bình tĩnh lại, thậm chí chị H còn trả lời thay tôi (như một cách an ủi chăng?). Chị nói tôi đặc biệt vì sự nhạy cảm của mình, vì dám phơi bày với chị sự tổn thương của mình, khác với mọi người luôn tỏ ra mạnh mẽ trong quá trình phỏng vấn, che giấu hết những tổn thương (nếu có) mà người phỏng vấn vô tình gây ra cho họ.

Ngẫm lại tôi cũng không thấy thuyết phục lắm.

Bởi vì, mặc dù hơi lạ, nhưng cũng sẽ có người khóc trong quá trình phỏng vấn. (Có lẽ phỏng vấn một vị trí làm việc thì không, nhưng ngày trước phỏng vấn vào câu lạc bộ thì tôi đã từng chứng kiến).

Vẫn có người nhạy cảm và thành thực với thương tổn của chính mình đấy… thôi. Thế thành ra, ấy cũng chẳng phải điểm đặc biệt của tôi nữa?

Thế nào là ĐẶC BIỆT?

Theo đuổi sự đặc biệt, nhưng thế giới này gần như chẳng có cái gì nguyên bản – độc nhất?

Tôi là độc nhất nhưng tôi cũng không phải độc nhất.

Nếu tôi độc nhất, tôi không sống ở xã hội loài người nữa rồi! Để hình thành một xã hội như ngày nay, người ta chung nhau những điểm tương đồng. Không ai hoàn toàn độc nhất trên thế giới này, đâu đó, ngóc ngách nào đó, xó xỉnh nào đó luôn có những người cùng những sở thích, cùng một vài trải nghiệm. Vì sự tương đồng mà người ta học cách hiểu nhau, từ đó thông cảm cho cả những điểm không tương đồng và chung sống thuận hoà với nhau. Chứ ai nấy cũng là một cá thể độc nhất hoàn toàn – thì chẳng có xã hội này đâu!

Nhưng tôi độc nhất, vì tổ hợp những trải nghiệm nhỏ xíu trên đường đời của tôi tạo thành chính tôi. Chỉ một trải nghiệm nhỏ xíu thôi – thì của tôi vẫn sẽ là của tôi. Chẳng ai bắt chước được, chẳng ai có đặc quyền được hưởng một trải nghiệm y hệt trải nghiệm tôi đã từng.

Mình khóc trên chính xác chuyến xe ấy, chính xác ngày 1/3/2020 ấy, vì bộ phim hoạt hình Klaus (Câu chuyện giáng sinh). Mình khóc vì phim đẹp quá! Nhưng mình biết mình khóc vì phim đẹp, nhưng cũng khóc vì lòng mình sẵn có những xúc cảm phù hợp cho những giọt nước mắt. Là vì buổi sáng vừa bị tổn thương bởi câu hỏi của chị H, là vì xa nhà sau một kì nghỉ dài và lòng đầy hụt hẫng, là vì xa đứa bạn một năm chỉ gặp một lần. Những trải nghiệm trước đó làm mình vừa xem Klaus vừa khóc. Klaus là phim đẹp, nhưng không quá buồn, nếu xem Klaus vào một thời điểm khác, mình đã không khóc. Nhưng lúc đó đã khóc vì phim đẹp. Những xúc cảm trước đó tạo nên mình của chính thời điểm đó, đủ nhạy cảm để khóc vì bộ phim. Khóc vì đời đẹp quá chứ không phải vì đời buồn quá. Khóc vì sự hồn nhiên của đám trẻ kéo gần kẽ nứt giữa hai gia tộc thù hằn nhau dai dẳng. Khóc vì cảnh Klaus được bất tử hóa. Lan man rồi, nhưng chỉ để nói rằng phải đúng những trải nghiệm như thế xếp đặt lại với nhau mới tạo thành mình của 14h ngày 1/3/2020 sẽ khóc trên chuyến xe lên Hà Nội, sẽ khóc khi xem một bộ phim hoạt hình cho thiếu nhi.

Đặc biệt vì tệp trải nghiệm riêng biệt của mỗi người.

Tôi đặc biệt không phải vì có thể viết, thích đọc sách, hay là người nhạy cảm.

Ngoài kia, rất nhiều người thích viết, thích đọc sách, thậm chí có người còn là người rất nhạy cảm (Highly Sensitive Person – HSP). So sánh với người khác để tìm ra điểm đặc biệt của bản thân chỉ là nhảy từ phạm vi “người bình thường ngu muội” rộng lớn hơn vào một phạm vi “người bình thường ngu muội” nhỏ hơn. Tức là trước kia tôi thấy mình bình thường trong cả tập thể nhân loại này. Còn bây giờ tôi thấy mình bình thường trong tập thể nhỏ hơn là tập thể những người thích đọc, thích viết và tâm tính nhạy cảm.

Và rồi như câu hỏi của chị H, tôi lại phải tiếp tục đi tìm sự đặc biệt của mình.

Tôi sẽ tiếp tục bị tổn thương và tiếp tục cảm thấy chán nản nếu người ta cứ hỏi tôi em có gì đặc biệt. Và rồi tôi tủi hờn cho rằng những gì mình kể ra về bản thân vẫn chưa đủ đặc biệt.


Sẽ chẳng có thứ gì ta tìm được có thể chứng minh bản thân hoàn toàn đặc biệt. Tôi sẽ nhảy từ một tập thể lớn hơn sang một tập thể nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa, rồi lại nhỏ hơn nữa. Bởi vì giữa cuộc đời này, làm gì có ai hoàn toàn độc nhất? Hoàn toàn độc nhất, thì sẽ cô độc lắm, vì chẳng có cơ may nào để gặp ai đó đồng điệu với tâm hồn mình, mà như thế thì bất hạnh quá!

Em có gì đặc biệt? Sẽ luôn có những người mang lại cảm giác còn đặc biệt hơn cả mình, họ là “người đặc biệt thông thái”, họ đặc biệt và họ đạt được những thành tựu mà mình chưa sở hữu được.

Mải miết tìm kiếm điểm đặc biệt làm gì?

Trong khi mình đã biết rằng mình sẽ không bao giờ là người đặc biệt cuối cùng?

Thế có nghĩa là nên từ bỏ chuyện đặc biệt hay bình thường ấy hả?

Có lẽ thế.

Và thừa nhận rằng ai cũng là người bình thường, hoặc ai cũng là người đặc biệt. Hết chuyện.

Nhưng bạn hẳn sẽ không bằng lòng nếu tôi dừng ở kết luận này.

Chúng ta vẫn đặc biệt chứ! Nhưng đặc biệt theo cách khác. Đặc biệt không phải thứ cần tìm. Đặc biệt không lẩn trốn ở đâu để mà phải vắt tay lên trán nghĩ ngợi làm sao để tìm nó. Ta vốn dĩ đã đặc biệt, ta sinh ra đã tự thân có sự đặc biệt. Suốt hành trình đằng đẵng ta sống và cảm cuộc đời này, chỉ để bồi tụ cho sự đặc biệt ấy ngày một dày thêm. Ta bồi đắp vào thứ sẵn có – chứ không phải tìm một cái có để đắp vào cái không. Suy nghĩ tìm điểm đặc biệt – tức là suy nghĩ tìm cái có để đắp vào cái không – chỉ khiến ta lúc nào cũng bối rối về việc thứ ta tìm được vẫn chưa đủ đặc biệt, và ta cứ phải tìm mãi, tìm mãi.

Ai cũng là người bình thường, hoặc ai cũng là người đặc biệt

Điều đặc biệt ở mỗi cá nhân là tệp trải nghiệm của riêng mỗi người. Sẽ không tìm được ai trải nghiệm chính xác những điều tôi đã trải nghiệm và suy nghĩ chính xác những điều tôi đã suy nghĩ. Người khác bị hỏi chính câu hỏi như thế “Em có gì đặc biệt để chị phải chọn em?”, người khác sẽ ngẫm đây là một thử thách mà người phỏng vấn đặt ra, người phỏng vấn muốn hỏi vặn là một tín hiệu tốt. Thành thực mà nói, đây là câu hỏi nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm, và dường như ai cũng phải cố gắng chứng minh.

Người khác sẽ không cảm thấy bị tổn thương, như tôi cảm thấy bị tổn thương.

Điều đó khiến tôi nhận ra rằng bản thể của mình vốn dĩ đã là một hệ thống đặc biệt khôn tả. Một sự kiện gõ vào lòng, rồi trong tâm trí diễn ra một quá trình nhanh đến mức tôi không biết – những ký ức xô nhau, chúng nối vào nhau, chúng co kéo nhau, một sự kiện bé tin hin xưa cũ có thể tác động vào tôi của bây giờ và gây cho tôi một xúc cảm khác với những người khác.

Thứ đặc biệt của mỗi người là chuỗi trải nghiệm của riêng mình, chúng ta đã đi qua hàng tỉ khoảnh khắc để đến được đây. Và tôi chắc chắn rằng không ai có một tệp trải nghiệm với hàng tỉ khoảnh khắc y như nhau. Ngay từ đầu, cuộc đời vốn đã trao cho chúng ta quyền được đặc biệt. Tôi đặc biệt vì tất thảy là tôi. Tôi đặc biệt vì tôi chính là như thế. Rằng tôi đặc biệt vì đã đi qua chính xác ngần ấy khoảnh khắc.


Việc nhận ra điều đó cho tôi cơ hội tôn trọng tất thảy mọi người – tôn trọng sự đặc biệt cũng như sự bình thường của tất cả mọi người.

Ai cũng chỉ là người bình thường trong thế giới rộng lớn này. Chúng ta là người bình thường. Nhưng mỗi người bình thường này lại không giống với những người bình thường khác, bởi vì chúng ta có những trải-nghiệm-bình-thường khác nhau. Vì thế, chúng ta bình thường trong sự đặc biệt và đặc biệt trong sự bình thường.

Tôn trọng sự bình thường như thể tôn trọng sự khác biệt

Tại sao phải sợ sự bình thường? Tại sao lại cho rằng bình thường là không có tài cán?

Vấn đề là, hãy tôn trọng bản thân – như bản thân vốn có.

Chúng ta là những tổ hợp rất đặc biệt, chúng ta là kết quả của vô vàn sự trùng hợp nảy sinh giữa những vận động của vũ trụ rất nhiều năm mới tạo thành. Chẳng hạn, cụ bà của mình phải lấy cụ ông của mình, phải sinh ra bà mình để bà mình gặp ông mình, rồi bố mình phải gặp mẹ mình mới có mình bây giờ. Chẳng hạn, ngày nhỏ mẹ đã dạy mình đúng một thói quen này, là hãy mỉm cười bất kể lúc nào con có thể, và thế là bỗng dưng nhiều năm về sau có người say nắng đúng mỗi khoảnh khắc cười ấy.

Mẹ tôi kể ngày xưa có nhiều người đẹp trai hơn, tài giỏi hơn bố theo đuổi mẹ, nhưng thế đấy, mẹ mà chọn chú nào đẹp trai hơn hoặc tài giỏi hơn bố là chẳng có tôi ngồi đây viết mấy dòng này. Bà ngoại tôi kể giá hồi xưa bác cả ở lại tỉnh bớt cạnh tranh hơn thành phố lớn thì có khi đã xây được biệt phủ ở đấy (nói đùa hơi quá rồi). Bác mới bảo, thế thì không có cái G rồi (vì nếu bác cả ở quê, gia đình sẽ không chuyển sang thành phố, và thế là mẹ không có cơ hội gặp bố).

Tôi đặc biệt. Đặc biệt vì bản thân là tổ hợp trải nghiệm và trùng hợp không tìm thấy ở người khác nữa. Tôi có thể giống người khác ở muôn vàn đặc điểm, nhưng chỉ có tôi sống trọn vẹn cuộc đời của mình. Dẫu nó có dở hơi thấp kém tột cùng hay lấp lánh thành công tột đỉnh thì vẫn là cuộc đời của riêng bản thân tôi.


Chấp nhận bình thường không phải chấp nhận lười biếng, mà là vui thú với hành trình của mình. Ai cũng xuất phát điểm là một người bình thường. Thay vì phấn đấu từ một người bình thường lên một người đặc biệt, hãy phấn đấu là một người bình thường làm tốt những việc bình thường trong cuộc đời bình thường của mình.

Rồi, đời thì chỉ ngắn có thể, ai hơi đâu theo ai cả đời để đánh giá người ta có đặc biệt hay không. Ai hơi đâu. Để yên cho chúng ta sống cuộc đời bình thường. Để yên cho chúng ta làm người bình thường.

Hãy yên lòng rằng mình bình thường. Chẳng có vấn đề gì, vì xuất phát điểm của ai cũng bình thường như thế. Mình sống trọn vẹn cuộc đời bình thường của mình là đủ hạnh phúc, cần gì phải sống một cuộc đời đặc biệt theo đánh giá của người khác!

Đâu cần vẽ ra cái đặc biệt để người khác yêu quý hay nể phục. Bởi vì mọi thứ đặc biệt nhất đều sinh từ lòng mình ra. Nó ở trong mình và được mình nhặt nhạnh mỗi ngày trong cuộc sống. Mình bồi đắp cho cái-sự-bình-thường của mình, trở nên cái-sự-đặc-biệt của riêng mình. Trở thành người đặc biệt trong mắt người khác thì cũng hạnh phúc chứ! Tất nhiên rồi, cái cảm giác tuyệt diệu làm sao! Nhưng lạ kì thay, khi ta cố công đuổi theo sự đặc biệt, ta chẳng bao giờ có cảm giác ta đã sở hữu được nó. Nhưng khi ta cho rằng mình đã chẳng có nó ngay từ đầu, thì hành trình thu nhặt những điều đặc biệt lại diễn ra hàng ngày, từng chút, từng giờ, từng sát na… 


Tác Giả: Lưu Thị Thu Giang

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vi.nguyet.9

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +8,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info <3  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,394 lượt xem, 1,385 người xem - 1396 điểm