Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Người Nhạy Cảm Lành Mạnh: Làm Thế Nào Để Ngăn Chặn Dòng Cảm Xúc Trào Dâng?

  

Tôi luôn cảm thấy mình kết nối sâu sắc với người khác. Đặc biệt là khi ai đó bị tổn thương, cho dù là về thể xác hay tinh thần, tôi như thể đang có chung những cảm giác ấy cùng họ. Tôi thừa nhận rằng mình chẳng bao giờ thích cảm giác đó. Mặc dù nhiều người cho rằng điều này như một phép màu, rằng hiểu được ý nghĩ hay sự đau đơn bên trong người khác, thì tôi lại luôn cảm thấy mình có một sự thiệt thòi lớn về cảm xúc. Hơn hết, nó còn là một lời nguyền đối với những người khó kiểm soát cảm xúc của chính bản thân mình. Chính vì vậy, tôi hàng ngày phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực, như một lẽ dĩ nhiên, bất cứ ai nhạy cảm cũng vậy, phải trải qua những thời điểm rất khó khăn – thường xuyên cảm thấy căng thẳng và lo lắng, mặc dù vấn đề đó đôi khi chẳng liên quan đến mình.

 

Cho đến khi dòng cảm xúc tiêu cực trào dâng, tôi cảm thấy mình sắp phát điên đến khó thở, tim tôi đập nhanh, tay tôi run lên từng nhịp. Dường như mọi cảm xúc tiêu cực đó đang nhấn chìm tôi mỗi ngày, như một nồi áp suất sắp sửa đến ngưỡng chực tràn đầy hơi, rồi phát nổ.

 

Tôi đã không hiểu tại sao mình lại thế này? Đó là kể từ khi tôi biết sâu sắc rằng mình là người nhạy cảm. Và mình cũng không phải người duy nhất nhạy cảm trong xã hội này.


Sunset

 

Những người nhạy cảm thường có mong muốn mạnh mẽ kết nối với người khác và thụ động tiếp nhận bất cứ điều gì mà người khác cảm thấy. Đến một lúc nào đó, họ bị quá tải. Họ không biết giải nghĩa thế nào về những dòng cảm xúc cứ khuấy đảo, pha trộn lẫn nhau đang diễn ra từng thành từng vòng xoáy với tốc độ ngày càng nhanh và mạnh. Họ càng không thể giải thích những dòng cảm xúc áp đảo này cho người khác hiểu, họ chỉ có thể tiếp tục và tiếp tục tiếp nhận bất kỳ điều gì đến từ khắp nơi và vẫn phải giả vờ tỏ ra rằng "chúng tôi vẫn ổn".

 

Lúc đó điều này với tôi là một điều hết sức khó khăn. Tôi đã trải qua vô số những đêm khóc vì những câu chuyện tận đẩu tận đâu từng liên quan đến người khác – gia đình, bè bạn, những người đang trải qua đau khổ xuất hiện trên mạng xã hội… thậm chí là một người lạ mặt mà tôi bắt gặp trên đường.

 

Sau này, tôi mới biết mình phải làm mình phải làm gì đó với vấn đề này. Tôi không thể ngày ngày chìm trong bầu trời chứa đầy những u ám tuyệt vọng ngập ngụa sự tiêu cực, tôi không thể sống tiêu cực suốt ngày mà không dùng bất cứ biện pháp nào để can thiệp đến nó. Vì thế, tôi tìm cách giải thoát cho mình – trở thành một người nhạy cảm lành mạnh.


 

Và dưới đây là một số cách tôi tìm ra được trong suốt quãng thời gian chìm trong u tối của mình, hi vọng nó có thể giúp ích cho bạn trong nhiều trường hợp hơn trong cuộc sống:

 

Cảm nhận những cảm xúc tiêu cực và “chạm” đến chúng

 

Đừng cố gắng kìm nén cảm xúc tiêu cực của bạn. Chấp nhận chúng như hiện tại và làm bất cứ điều gì để thể hiện chúng một cách lành mạnh.

 

Điều này có thể khó khăn đối với người nhạy cảm vì họ quan tâm rất nhiều về cảm giác của người khác. Họ không muốn cảm xúc của mình trở thành gánh nặng hoặc trở thành điều gì đó gây cản trở người khác. Cho nên việc bộc bạch cảm xúc của mình ra ngoài hẳn là một điều không hề dễ dàng. Và điều này không phải là yếu tố làm nên một người nhạy cảm lành mạnh. Cứ thế cảm xúc bị ức chế lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng. Đó cũng là những gì xảy ra với tôi.

 

Bất cứ cảm xúc nào mà bạn cảm thấy, có thể là sự tức giận, buồn bã hoặc thất vọng, hãy tìm cách thể hiện nó. Nếu bạn không muốn làm ảnh hưởng đến người khác, hãy tìm cách thể hiện nó bằng mọi cách. Hãy thử viết về nó trên một mẩu giấy, rồi sau đó ném nó đi. Hét thật to ở một khoảng không tĩnh lặng, hoặc có thể khóc thật nhiều cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn cả. Nếu bạn có một người bạn đáng tin cậy, người sẵn sàng bên bạn mỗi khi bạn cần, hãy nói chuyện với họ.

 

there's someone in my head but it's not me...

Nhận thức rõ cảm xúc này thuộc về ai

 

Một điều tốt cho những người nhạy cảm là luôn trải nghiệm những cảm xúc của người khác (bạn bè, người thân…)  một cách dễ dàng cảm nhận được những dòng chảy cảm xúc của người đối diện ra sao, và dễ dàng nói chuyện, xoa dịu, an ủi người kia thế nào. Người nhạy cảm tinh tế ở chỗ biết phải nói gì và không nên làm gì khiến người khác cảm thấy tốt hơn.

 

Mặt khác, điều tồi tệ là họ có thể trở nên kết nối với người khác đến nỗi họ cũng trải qua nỗi đau giống như những người kia, giống như chuyện tồi tệ hay mừng vui này cứ kéo dài mãi vậy, và điều này có thể khiến người nhạy cảm kiệt sức.

 

Tệ hơn nữa, người nhạy cảm nhầm lẫn cảm xúc của chính mình với cảm xúc của người khác. Tôi thường tự hỏi, liệu mình có cảm thấy buồn vì những gì đã xảy ra hay không? Hay tôi buồn vì người khác, một nỗi buồn không-phải-của-mình?

 

Giải pháp ở đây là thiết lập những ranh giới. Xác định những cảm nhận và hiểu rõ về lý do tại sao mình cảm thấy chúng. Một bài tập đơn giả của tôi làm điều này hiệu quả là viết ra những cảm xúc mà mình cảm thấy, viết ra những gì mình cảm nhận được và tại sao mình cảm thấy như vậy.

 

Nếu đây là những cảm xúc của riêng bạn, hãy thể hiện chúng khi cần thiết (như đã đề cập ở giải pháp đầu tiên). Nếu cảm xúc tiêu cực thuộc về người khác, bạn có thể buông bỏ nó đơn giản bằng cách yêu cầu nó rời đi. Nghe có vẻ quá đơn giản phải không? Nó thật sự có hiệu quả! Chỉ cần gọi tên cảm xúc mà bạn muốn buông bỏ “Này (tên cảm xúc), tôi đang cảm thấy bạn thật gần, và tôi hiểu bạn cảm thấy rất tồi tệ. Nó thực sự không sao mà. Và tôi sẽ ổn vì cảm xúc này không thuộc về tôi. Bạn có thể rời đi ngay bây giờ nếu bạn sẵn sàng.”

 

Khi bạn quá choáng ngợp và khó có thể buông bỏ những tiêu cực, hãy nghỉ ngơi. Học cách nói không khi bạn cảm thấy năng lượng của mình cạn kiệt.


Buồn 

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác (nếu có thể hãy tìm đến chuyên gia)

 

Tôi hiểu cảm giác mệt mỏi về tinh thần như thế nào khi năng lượng tiêu cực từ người khác vô tình hấp thụ vào chính mình.

 

Tôi muốn giúp đỡ bạn bè và gia đình khi họ buồn, vì vậy tôi không bao giờ quay lưng lại với họ bất cứ khi nào họ cảm thấy tệ và muốn trút cảm xúc. Tôi luôn là người kiên nhẫn sẵn sàng an ủi họ, ngay cả khi tôi có những căng thẳng và những nỗi thất vọng của riêng mình.

 

Tôi bắt đầu mất kiểm soát cảm xúc. Tôi bị mở van cảm xúc dễ dàng bởi những điều nhỏ nhặt. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn khi mọi người đến với tôi chỉ vì mong muốn có một người để lắng nghe. Tôi không thể giữ bình tĩnh và đôi khi phản ứng thái quá với một vài người bạn. Sau đó tôi cảm thấy lo lắng vì liệu tôi có đang vô tình làm tổn thương họ.

 

Cho đến một ngày, tôi bắt đầu cảm thấy chán nản vì muốn được ở bên cạnh bạn bè hoặc gia đình của mình khi họ cần sự động viên giúp đỡ, nhưng cuối cùng, tôi không còn khả năng để chăm sóc nhu cầu đó nữa.

 

Khi tôi nhận ra rằng cần phải thay đổi điều gì đó, tôi đã tìm hiểu và đến gặp nhà trị liệu tâm lý. Chuyên gia trị liệu đã hướng dẫn tôi thoát khỏi vòng lặp tiêu cực bằng cách cho tôi nhiều góc nhìn khác về vấn đề, những điều mà tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi cũng học được các kỹ thuật hữu ích để quản lý cảm xúc của mình tốt hơn.


purple headers | Tumblr

 

Nếu bạn đã thử mọi cách bạn biết hay đã học được từ sách báo mà vẫn đang vật lộn với những cảm xúc kia, hãy cân nhắc việc liên hệ với chuyên gia trị liệu để nhận được sự giúp đỡ. Bạn sẽ phải trả tiền cho dịch vụ này, nhưng hãy coi đó là một khoản đầu tư giúp bạn hạnh phúc và lành mạnh hơn.

 

Trên đây là những gì tôi đã từng áp dụng và còn rất nhiều cách khác nữa, nếu bạn là một người nhạy cảm không ngừng tìm hiểu và đương đầu với những khó khăn mà mình đang phải oằn mình gánh chịu mỗi ngày. Đôi khi, cảm xúc của người rất nhạy cảm là một gánh nặng, nhưng khi bạn học cách điều chỉnh cảm xúc của mình, bạn sẽ thấy sức mạnh mà bạn thực sự có.

 

 Tác Giả: Yến Nhi@Khoa Tâm lý học - ĐHKHXH&NV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

              --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng củaYBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,174 lượt xem, 3,155 người xem - 3163 điểm