Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nhận Diện Bản Thân Trong Mảng Đời Nghiêng Ngả

Lúc nhỏ, nhìn vào những chiếc gương lồi lõm, tôi cùng đứa bạn cười ngặt nghẽo bởi những phản ảnh méo mó, xô lệch, với khuôn mặt dài thượt ra và con mắt to nhỏ khác nhau.

Một ngày mưa, tôi soi xuống chiếc bóng dưới dòng nước, bị vỡ ra và mờ nhoè liên hồi bởi những chấn động từ những mảnh mưa nhỏ. Nhìn chiếc bóng xiêu vẹo ấy, tôi lại tự cười: "Gì đây, mình đấy à?". 

Và tôi chợt nhận ra, mỗi lần tôi cố tìm mà hiểu bản thân mình cũng hệt như mỗi lần tôi soi vào những thấu kính biến dạng. Những gì tôi nhận được chỉ là những hình ảnh bị khúc xạ đi, rất mờ nhạt, rất mơ hồ. Chẳng bao giờ ta tìm đến được chân bản thể của mình. Cuộc sống chưa từng cho ta một chiếc gương phẳng. 


Bạn đã bao giờ hiểu bản thân mình chưa?

Nhà triết học của Hy Lạp cổ đại - Hales đã đặt một câu hỏi: "Khó khăn là gì?". Ông đã tự trả lời sau đó: "Đó là tự thấu hiểu bản thân mình". Đấy hoàn toàn không phải lời nói bông đùa nhất thời, mà là sự thức nhận sau tất cả những buổi trầm tư và chiêm nghiệm.

Hiểu bản thân mình không đơn thuần là biết mình thích ăn món gì, nghe loại nhạc nào,... Đó chỉ là những hiểu biết ở bề mặt mà ta tự nhận ra và phỏng đoán tính cách, sở thích của mình thông qua trải nghiệm, va chạm với nhiều kiểu hình sống khác nhau. Có thể nói sự hiểu biết đó chỉ nằm ở mức độ thấp nhất trong quá trình thấu cảm nội tâm mỗi người. Hãy làm một thử nghiệm nhỏ:

1. Bạn thích màu gì?

2. Bạn cho rằng ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?

3. Rốt cuộc thì bạn là ai?

Thừa nhận đi, rằng càng về sau ta càng mất thời gian hơn để tìm kiếm một câu trả lời đích đáng, càng về sau càng chững lại, càng về sau càng phải nghĩ ngợi nhiều. Bởi càng đi sâu vào bản chất của bản ngã, ta lại càng hoang mang, vì ta chưa từng hiểu nó, vì ta thậm chí chưa từng biết về nó.

Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một chú vẹt. Đó là con vẹt giỏi nhất rừng, có thể bắt chước đến độ hoàn hảo tiếng kêu của tất cả những con vật khác, đến nỗi những loài kia ngỡ như đó là tiếng nói của chính chúng. Một ngày, một con chim khác bay đến tò mò hỏi: "Này, vậy đâu là giọng hót thật của bạn?". Câu hỏi hồn nhiên ấy làm chú vẹt cứng đờ. Vì nó đã quên mất giọng nói của mình, từ lâu nó đã không còn biết đến âm thanh thật sự của nó nữa. Con người cũng vậy, có những lúc giật mình tự hỏi, ta chẳng biết mình là ai. Ta sống trên đời này để làm gì? Ta cần gì và muốn gì? Tại sao ta lại thế này mà không phải thế kia? Có những câu hỏi đặt ra để rồi bỏ ngỏ, nhường lối cho một nỗi hồ nghi vô tận. 


Chúng ta không biết những cấu trúc sâu xa bên trong mình, cái gì cấu thành nên con người mình, suy nghĩ gì ẩn chứa trong vỏ não, và những ẩn ức nào bị ức chế, đẩy sâu xuống đáy tâm hồn. Đó là lý do vì sao ta cứ phải tham dự những lớp học về tâm lý, sinh học,... những bộ môn phân tích, mổ xẻ vào sâu bên trong con người để hiểu rõ hơn bản thân. 

Chúng ta rất sợ chính mình, như sợ hãi một kẻ lạ mặt nặc danh. Bởi lẽ càng đi sâu vào bên trong, ta càng cảm giác như lạc vào một thế giới xa lạ. Hội chứng monophobia là hội chứng chỉ nỗi sợ hãi khi phải ở một mình trong tình trạng cô độc. Một trong những nguyên nhân cơ bản là bởi người mắc bệnh bị ám ảnh hay ám thị về những tư niệm của mình, sợ hãi khi phải đối diện với bản thân. Tuy đó chỉ là hội chứng tâm lý với một vài cá nhân, nỗi sợ phải đối diện với bản thân lại là tình trạng khái quát cho cả một cộng đồng người. 

Trong con người tồn tại nhiều cái tôi khác nhau. Con người đang sống là sự kết hợp và thay phiên nhau của những cái tôi ấy. Có những cái nổi trội, ta dễ nhận thấy, có những cái bị chìm, đè nén vào vùng mù của tri nhận, khiến ta lơ đãng bỏ qua. Nhưng ta không ngờ rằng những ẩn ức ấy mới là chìa khoá để ta có thể thấu hiểu mình hơn. So sánh như biểu tượng phân tâm học, chúng là những bọt nước bay lên khỏi mặt nước, để người ngồi trên thuyền nhận thức được rằng có một thứ gì đó bên dưới mà tạm thời họ không thể nhìn ra. Hiểu chính mình không phải hiểu bề nông, mà là đi tìm bề sâu; không phải nhìn thấy mặt nước, mà là biết về cái bên dưới mặt nước; không phải nhận xét, đánh giá thông qua những cái tôi nổi trội mà là xem xét bản thân ở mọi ngóc ngách, mọi góc nhìn, như một chỉnh thể. Như lời khẳng định của Thales, đó không phải công việc dễ dàng.

Tại sao ta không hiểu nổi bản thân?

Nhận ra mình chưa hiểu hết bản thân cũng là lúc ta có quyền tự hỏi "nhưng vì sao?". Vì sao ta lại có thể mù mờ về điều đó trong khi chính ta là người gần gũi ta nhất, chính ta là người sở hữu tâm trí và tâm hồn, chính ta chiếm lĩnh toàn bộ bản thân mình?

Có thể chính vì bản ngã đã là một phần của mình, người ta mới có dũng khí mà lờ nó đi. Điều đó tương tự việc người ta thường vươn tới những thứ cao xa hơn mà ruồng rẫy những điều thân thuộc bên cạnh mình. Ảo giác rằng mình đã nắm nó trong tầm tay làm người ta gỡ bỏ mọi tò mò nghi hoặc, và tự cho rằng mình biết rõ về nó, vô cùng thân quen với nó. Chính sự tự tin ấy khiến ta phải giật mình, sụp đổ ngay khi nhận ra ta chẳng biết gì về mình cả. 

Ta vùi đầu trong những tựa sách kỹ năng đọc vị, thấu hiểu kẻ khác, cách nhìn sâu vào tâm lý đối phương… ta luôn cố để hiểu người khác. Nhu cầu kết nối với mọi người trong xã hội số, xã hội của mạng lưới thông tin đã làm lu mờ đi một nhu cầu thiết yếu khác - kết nối với bản thân. Ai biết được không phải những đứt gãy phía xa kia, mà chính những đứt gãy kề cận mới hoá người ta trở nên một tinh cầu cô độc. 

Và khi cô đơn, ta mơ hồ lạc lõng vì không hiểu nổi mình, không biết làm sao để bắt chuyện với chính mình...

Sống trong những mối quan hệ, ta mải chú tâm đến cách người khác nghĩ hay nhận xét về mình, mà ít khi tự đánh giá bản thân. Nếu cứ tin vào những ý kiến đó, lâu dần nó thành một định kiến thâm căn cố đế trong óc mỗi người. Tệ hơn là định kiến ấy không phải bao giờ cũng đúng. Ý kiến của ai đó suy cho cùng chỉ là một ý kiến chủ quan. Không ai sống chung một cuộc đời với bạn, không ai trải qua những gì bạn phải chịu đựng, làm sao họ có thể đánh giá đúng về bạn? Nghe theo những chủ kiến sai lệch sẽ dẫn đến những định hướng sai lệch, khiến người ta ngày càng xa rời bản chất của mình. 

Làm thế nào để kết nối với bản thân?

  1. Hãy thử trò chuyện với bản thân

Nghe có vẻ kỳ quái, nhưng đó là cách để ta "bắt sóng liên lạc" với đứa trẻ nội tâm bên trong mình. Hãy đánh thức nó dậy, để nó được lên tiếng. Cái tiếng nói nội tâm nhỏ bé mà bền bỉ ấy đáng để lắng nghe hơn những tạp âm náo loạn bên ngoài. Khi cậu chăn cừu Santiago hỏi nhà giả kim cách để nhìn thấy kho tàng, ông đã mỉm cười: "Đừng hỏi ta, nhưng hãy hỏi trái tim cậu".

Có một kiểu tư duy gọi là tư duy phản biện, tức chính mình sẽ dùng những lối nghĩ khác nhau để tự đối thoại, bổ sung lẫn nhau, tìm tới câu trả lời xác đáng nhất. Kiểu tư duy đó là sự phân thân của những cái tôi, giúp mọi khía cạnh của con người được phơi bày và lên tiếng. Ở đó, ta có thể bắt gặp những mặt mới mẻ của mình


  1. Đi đến tận cùng của những suy nghĩ

Trịnh Công Sơn từng ủi an: "Đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như những đoá hoa". Vậy vấn đề không phải góc nhìn hay bản chất của sự tuyệt vọng, mà là ở chữ "tận cùng". Ý nghĩa của mọi thứ sẽ bộc lộ khi ta đi đến chặng cuối của nó. Ở đó chất chứa một câu trả lời. 

Chúng ta hay để suy nghĩ của mình trong trạng thái lơ lửng - chợt nghĩ, chợt tan. Có lẽ do đó chỉ là những ý nghĩ vô tình thoáng qua không đáng lưu tâm, có thể do ý nghĩ đó bị những suy nghĩ khác chồng chất lên. Tuy nhiên, thay vì bỏ lửng nó, hãy đi đến tận cùng, đi đến nguồn căn của nó: Vì sao mình lại nghĩ như vậy? Ý nghĩ ấy thể hiện suy tư gì ở ta?

  1. Dành nhiều thời gian cho chính mình 

Công việc, học tập, gặp gỡ,... Xoay cuồng trong những mối quan hệ, chúng ta ngày càng lấp đầy những khoảng trống cuộc sống mà vì vậy đồng thời đánh mất những thời gian riêng dành cho bản thân. Dù biết rõ bước chân phải bắt kịp nhịp sống, nên có những lúc cần nuông chiều bản thân, ưu ái cho nó một khoảng lặng, một phút "bước chậm lại giữa thế gian vội vã", không phải sao? 


  1. Hãy thử và trải nghiệm

Cách duy nhất để khám phá những khả năng cũng như giới hạn, điểm yếu của mình là sự thử nghiệm. Nhiều bạn nữ khi được hỏi rằng: "Bạn có biết đá bóng không?" đều trả lời: "không". Lại hỏi: "Bạn đã đá bóng lần nào chưa?", họ lại bảo "chưa". Thật lạ lùng nhỉ? Chưa thử, sao biết mình không thể? Chưa chạy hết tốc lực sao biết mình không có khả năng về đích? Bạn vẫn chưa hiểu rõ chính bạn đâu. Khả năng và tiềm lực của bạn lớn lao hơn bạn tưởng.

Christine Hà, đầu bếp khiếm thị người Mỹ gốc Việt đã tham gia chương trình Masterchef với ánh nhìn ngạc nhiên, lo lắng của mọi người. Không ai nghĩ cô có thể thành công. Nhưng rồi cô tiến xa, xa hơn nữa, xa hơn cả kỳ vọng ban đầu của bản thân và xuất sắc đoạt cúp Vua đầu bếp Mỹ. Nói như Nguyễn Khải, đời này chỉ tồn tại những ranh giới, vấn đề là ta có dám vượt qua ranh giới ấy hay không. Mỗi lần vượt qua là mỗi lần mở rộng đường biên cho chính mình, mỗi lần nhìn nhận lại khả năng và nội lực của bản thân. 

  1. Ghi chép những suy nghĩ

Hãy tạo một thói quen ghi chép - về những điều nhỏ nhặt thường ngày, những suy nghĩ làm bạn có chút bận tâm. Đó chính là nhật ký tâm hồn, bản tự thú về chính bạn, cách bạn nghĩ, cách bạn sống. Nó rõ ràng và chân thực hơn bất kỳ bản sơ yếu lý lịch nào. Đừng lo lắng rằng nó sẽ trở nên vô nghĩa khi đó chỉ là những mẩu ghi chép lặt vặt. Bởi chính những điều bạn quan tâm, chính cách bạn viết về chúng đã bộc lộ phần nào con người của bạn rồi.

Hậu thấu hiểu

Nhưng thấu hiểu rồi ta được gì?

"Tôi luôn không nhận ra chính mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày tôi nhận ra tôi?" - tôi vô tình đọc được trong một cuốn sách nào đó. Đấy lại là một câu hỏi khác. 

Bạn sẽ có phút bất ngờ về bản thân, cả khi bạn biết về những khả năng tuyệt vời của mình lẫn khi nhận ra những góc tối, những xấu xa và hạn chế. Bạn nhận ra mình không bất tài hay vượt trội như đã tưởng tượng. Bạn quay về một thực tế khách quan, một chiếc gương phẳng, mà nơi đó, bản ngã hiện ra một cách chân thật, toàn vẹn, không bị méo mó, xiêu vẹo. 

Có thể bạn sẽ như Edison vào cái ngày phát hiện ra tài năng phát minh của mình. Có thể bạn sẽ như Forrest Gump ngày nhận ra ý nghĩa cuộc đời. Bạn không còn bận tâm những gì xung quanh nữa, không còn để ý những bàn tán của người khác, bởi đã không còn ai hiểu rõ bạn hơn nữa. 

Có thể bạn sẽ như Socrates, khi nhận ra "điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả". Bạn bắt đầu nhìn thấy những khiếm khuyết và sự bất toàn rõ rệt của bản thân, cảm thấy tệ hại, khi tượng đài trước nay mình tự xây dựng cho mình đã sụp đổ. Nhưng như đã nói, "nếu đi đến tận cùng", bạn sẽ yêu lấy sự bất toàn đó, đối thoại với những cái tôi sâu thẳm, để hiểu vào bao dung với chính mình hơn. 


Vài người phát triển theo khuynh hướng thứ nhất, vài người phát triển theo khuynh hướng thứ hai, cũng có thể là sự kết hợp của cả hai khuynh hướng đó. Tôi không biết bạn sẽ thay đổi thế nào. Tôi chỉ biết một khi hiểu được mình, "hậu thấu hiểu" sẽ là một thế giới mới, một cuộc sống mới được thiết lập cho riêng bạn. Ở đó, người bạn thân yêu nhất của bạn là chính mình.

Vì ngay cả bản thân cũng không hiểu...

Ngay cả bản thân cũng không hiểu, đừng buồn hay phẫn uất khi người khác không hiểu được mình. Đó là một điều tất yếu, cố hữu. Đó không phải thứ để ta băn khoăn, mà sinh ra để ta học chấp nhận nó.

Ngay cả bản thân cũng không hiểu, đừng tự tin rằng mình hiểu được người khác một cách toàn vẹn. Bởi ngay cả ta cũng chưa hiểu hết ta, bản thân họ cũng chưa hiểu hết họ, ta lấy cơ sở nào để cho rằng cả hai có thể hiểu hết nhau? Những lời như "tôi biết rõ bạn hơn cả bạn nữa" toàn là những lời nói dối. Đó là lối suy nghĩ áp đặt, phiến diện, nhận định sai lệch bản chất con người. Đừng đem dạ tiểu nhân đo lòng quân tử. 

Ngay cả bản thân cũng không hiểu, đừng đề cao quá mức hay hạ thấp giá trị của mình. Bạn không tuyệt vời, cũng không tồi tệ như bạn nghĩ. Làm sao bạn có thể khẳng định bản thân là loại người thế nào? Thấu hiểu, rồi hãy nói đến chuyện nghiêm khắc hay bao dung.

Ngay cả bản thân cũng không hiểu, vậy còn chần chừ gì nữa mà không bước lên hành trình đi tìm chính mình? Hành trình sống dường như cũng là hành trình tìm kiếm cái tôi, tìm kiếm bản ngã. Không phải bạn được định danh, thiết lập trước rồi mới sinh ra. Bạn sinh ra để thiết lập ý nghĩa cho sự tồn tại của mình, để trả lời cho nan vấn: Tôi là ai? 


Tác Giả: Tuyết Nhi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/letuyetnhi11

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

430 lượt xem, 407 người xem - 412 điểm