Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nhân Loại Có Thật Sự Tiến Bộ - Điều Người Trẻ Cần Nhận Thức

Khi nhìn toàn cảnh sự trỗi dậy và sụp đổ của quốc gia, đạo đức và tôn giáo, quan niệm về sự phát triển trở nên mơ hồ thấy rõ. Phải chăng tiến bộ chỉ là lời khoa trương vô nghĩa mà thế hệ “hiện đại” nào cũng vẽ ra cho đời sau? Như chúng ta đã thấy, bản chất của con người không thay đổi mấy qua bao giai đoạn lịch sử; đích đến và mục tiêu sống cuối cùng cũng chẳng thay đổi, mọi “tiến bộ” công nghệ cũng chỉ được xem là công cụ mới cho những mục tiêu ấy thôi: tích góp tài sản, chinh phục giới tính còn lại, ganh đua và chiến tranh. Một trong những khám phá đáng thất vọng nhất của thể kỷ XX đầy những vỡ mộng này là sự trung tính của khoa học: nó sẵn sàng giúp ta giết chóc cũng như cải cách, nó sẵn sàng chữa bệnh cho ta, và nó sẵn sàng giúp ta tiêu diệt còn hơn cả nó có thể xây dựng nữa. Châm ngôn “Kiến thức là sức mạnh!” đầy tự hào của Francis Bacon bây giờ nghe mới kệch cỡm làm sao. Đôi khi ngẫm lại, ở thời Trung Cổ và thời Phục Hưng – hai thời đại chú trọng vào thần thoại và nghệ thuật hơn là khoa học và sức mạnh – nhiều khi còn thông thái hơn chúng ta bây giờ, thế hệ chúng ta liên tục đẻ ra những cỗ máy lớn hơn, mạnh hơn mà không màng cải thiện và phát triển mục đích của mình.


Tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật đã làm nhuốm màu cái xấu xa vào cái tốt đẹp. Các tiện nghi mà chúng ta đang hưởng có thể làm sức bền thể chất và giá trị đạo đức suy giảm. Chúng ta đã phát triển nhiều phương tiện di chuyển vượt trội, nhưng lại có nhiều người sử dụng chúng để thi hành tội ác như giết người hoặc làm tổn thương chính bản thân họ. Chúng ta đã tăng tốc độ của mình lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp trăm lần, nhưng khi làm vậy thần kinh và cơ thể chúng ta cũng bị tổn hại; và khi ngồi bay ở tốc độ hai nghìn dặm một giờ, chúng ta cũng chỉ như những con khỉ mặc áo quần như khi chúng ta còn chạy trên đôi chân trần. Chúng ta tán thưởng những phương pháp của y khoa hiện đại, miễn là các tác dụng phụ chúng đem lại đừng tồi tệ như chính căn bệnh đan g được chữa. Chúng ta trân trọng những bác sĩ chuyên cần luôn chạy đua với những vi khuẩn kháng thuốc và những căn bệnh biến hóa khôn lường. Chúng ta biết ơn vì y khoa giúp ta sống thêm được vài năm, miễn là những năm tháng ấy không phải là khoảng thời gian nặng nề kéo dài thêm những đau yếu, khuyết tật và tuyệt vọng. Chúng ta đã phát triển gấp hàng trăm lần phương thức thu thập và báo cáo tình hình trên toàn thế giới, nhưng đôi khi chúng ta lại ao ước được bình yên như cha ông ta ngày xưa, chỉ bận tâm với tin tức trong làng. Rất đáng khen, chúng ta đã cải thiện điều kiện cuộc sống cho công nhân lành nghể và giai cấp trung lưu, nhưng đáng buồn thay, mưng mủ trong thành phố của chúng ta là những khu ổ chuột tối tăm và nhầy nhụa.

 

Chùng ta hả hê vì được giải phóng khỏi thần học, nhưng liệu chúng ta đã hình thành được một nền tảng luân lý tự nhiên đủ mạnh, không phụ thuộc vào tôn giáo hay chưa? Nền tảng luân lý này phải đủ vững để kìm hãm cái bản năng xâm chiếm, hiếu chiến và tình dục của con người, ngăn cho xã hội không sa lầy vào cướp bóc, tội ác và những cơn mê thác loạn. Chúng ta có thật sự vượt ra khỏi lòng bất bao dung chưa, hay chỉ chuyển từ sự căm ghét tôn giáo sang căm ghét quốc gia, tư tưởng và chủng tộc? Tác phong và tập quán của chúng ta có thật sự tốt hơn ngày xưa, hay thực chất đang tồi tệ hơn? Một lữ khách ở thế kỷ XIX từng nói: “Cách con người cư xử đi từ Đông sang Tây càng ngày càng kém đi. Nó đã tệ hơn khi ở châu Á rồi, sang châu Âu cũng chẳng khá hơn, và sang những bang miền Tây của Mỹ thì cũng không có gì để nói”; vậy mà bây giờ phương Đông cũng bắt chước phương Tây luôn rồi. Về luật pháp, chúng ta có đang bảo vệ tội phạm khỏi xã hội và chính quyền hay không? Liệu chúng ta có ban cho mình quá nhiều tự do mà bộ óc chúng ta còn chưa thể nào đủ sức hiểu và mường tượng hết? Hay là chúng ta sắp bước vào gia đoạn hỗn loạn của xã hội và đạo đức, để rồi những bậc cha mẹ lòng nơm nớp lại vội trở về với Giáo Hội, cầu xin Giáo Hội giáo huấn, kỷ luật và uốn nắn con cái của họ lại, dù có phải mất đi chút tự do trí thức trong xã hội. Phải chăng tiến bộ trong triết lý từ thời Descartes chỉ là một nước đi sai lầm và thất bại, vì nhũng triết lý đó đã không thấy được vai trò của thần thoại trong việc hướng dẫn và an ủi con người. Phải chăng người nào càng biết nhiều thì lại càng phiền muộn, càng thông thái thì lại càng buồn khổ”

 

Liệu có chút tiến bộ nào trong triết học kể từ thời Khổng Tử hay không? Hay trong văn chương kể từ thời Aeschylus? Chúng ta có chắc chắn rằng âm nhạc thời nay, với cấu trúc phức tạp và dàn nhạc hùng hậu, đã sâu sắc hơn âm nhạc của Palestrina, hay êm ái và truyền cảm hứng hơn những khúc nhạc đơn âm mà người Ả Rập trung đại chơi trên nhạc cụ giản đơn của họ? (Edward Lane từng nói về những nhạc sĩ thành Cairo ở Ai Cập như sau: “Tôi đã bị mê hoặc trước âm nhạc của họ…nó mê hoặc hơn bất cứ thứ âm nhạc nào tôi từng nghe). Kiến trúc hiện đại của chúng ta, dù có táo bạo, độc đáo và ấn tượng tới đâu, liệu có thể đem ra so sánh với những ngôi đền của Ai Cập và Hy Lạp cổ đại hay không? Hay những bức tượng điêu khắc của ta so với tượng Chephren và Hermes? Thế còn những bức chạm nổi của chúng ta so với những tác phẩm ở Persepolis hoặc Parthenon? Tranh vẽ của chúng ta so với những tác phẩm của anh em nhà văn Eyck hoặc của Holbein? Nếu thật sự “việc thay thế sự hỗn độn bằng trật tự là tinh túy của nghệ thuật và văn minh nhân loại, thì có khác nào môn hội họa đương đại ở Mỹ và Tây Âu đang thay thế trật tự bằng hỗn loạn, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền văn minh của chúng ta đang bước lùi về một thời kỳ suy tàn đầy bấn loạn và không có một thể thống nào?

 

Lịch sử vốn giàu tư liệu đến nỗi nếu muốn minh chứng cho giả thuyết nào thì ta đều có thể chọn ra một nhóm sự kiện làm dẫn chứng được. Nếu lựa chọn dẫn chứng với tinh thẩn lạc quan hơn thì nhiều khi chúng ta đã đi đến những kết luận dễ nghe và dễ thở hơn chút rồi. Nhưng trước hết, có lẽ ta nên định nghĩa “tiến bộ” là gì. Nếu tiến bộ chỉ là sự gia tăng hạnh phúc thì thôi, thì khó có thể nói thế hệ chúng ta thật sự tiến bộ. Con người có khả năng phiền muộn thần sầu, dù có vượt qua được bao nhiêu khó khăn, ý thức được bao nhiêu lý tưởng thì chúng ta vẫn tìm được lý do để khổ sở và buồn rầu. Có một chút sự thích thú âm thầm khi ta từ chối thế nhân và vũ trụ, cho rằng chẳng một điều gì xứng đáng sự ưng thuận của chúng ta. Nếu ta định nghĩa tiến bộ như trên thì một đứa trẻ con bình thường chẳng phải là tiên tiến hơn một người lớn hay một bậc hiền nhân hay sao, vì đứa trẻ đó chắc chắn là hạnh phúc nhất trong ba người rồi! Vậy có cách nào định nghĩa nó một cách khách quan hơn không? Ở đây, chúng ta có thể định nghĩa tiến bộ là sự gia tăng khả năng kiểm soát môi trường quanh ta. Định nghĩa này có thể áp dụng cho những sinh vật đơn giản nhất và cho cả con người.



Chúng ta không thể đòi hỏi tiến bộ là điều phải diễn ra liên tục và phổ quát cho đại chúng được. Chắc chắn phải có những thời kỳ suy thoái, cũng giống như con người trải quia thất bại, mệt nhọc và cần nghỉ ngơi; miễn sao ở thời điểm hiện tại chúng ta có thể kiểm soát môi trường và ngoại cảnh tốt hơn xưa thì tức là chúng ta đã tiến bộ rồi. Có thể cho rằng gần như ở bất kỳ thời điểm nào đó trong lịch sử, có nhiều quốc gia đang tiến mà cũng có nhiều quốc gia đang lùi. Trong cùng một quốc gia, có thể có mảng hoạt động nào đó tiến bộ, còn mảng khác thì suy thoái; chẳng hạn như nước Mỹ đang phát triển về công nghệ nhưng lại đi lùi trong nghệ thuật đồ họa. Dễ dàng thấy ở các quốc gia trẻ như Mỹ và Úc, ta bắt gặp nhiều nhân tài ở mảng ứng dụng, sáng chế, khoa học, điều hành hơn là ở mảng thơ văn, mỹ thuật, điêu khắc và hùng biện; tuy nhiên, ta phải hiểu rằng ở mỗi thời kỳ và địa điểm con người lại có những mục đích kiểm soát môi trường khác nhau, vì thế các tài năng ta cần khai thác cũng rất riêng biệt là vậy. Chúng ta không nên so sánh thành quả của một đất nước tại một thời điểm nào đó với mọi công trình đẹp đẽ chắt lọc từ các thời đại đã qua. Vấn đề cần quan tâm là liệu một người trung bình đã kiểm soát được những điều kiện trong cuộc sống họ tốt hơn hay chưa.

 

Nếu ta nhìn nhận lại sự tồn tại của con người ở tầm dài rộng xuyên suốt tự cổ chí kim, khi so sánh những sự hỗn loạn, giết chóc, bấp bênh của thời nay với sự thờ ơ, mê tín, bạo lực và dịch bệnh của người nguyên thủy, thì thật sự cũng tràn đầy hy vọng đó chứ. Có thể những tầng lớp quốc gia thấp kém nhất của ngày nay không khác gì bọn man rợ của ngày xưa mấy, nhưng trừ những tầng lớp ấy ra thì có hàng ngàn, hàng triệu người đã đạt đến trình độ dân trí và đạo đức hiếm thấy ở tộc người nguyên thủy. Trong xã hội phúc tạp này, đôi lúc ta bị hấp dẫn trước sự đơn giản của thời đại tiền văn minh; tuy nhiên nếu bớt lãng mạn lại một chút thì ta có thể thấy đây là một phản ứng trốn chạy những trách nhiệm trước mắt. Như những cái mốt khác, việc lý tưởng hóa những kẻ man rợ nguyên thủy là một biểu hiện vụng về của ý thức non dạ và thích nghi chưa đủ tầm. “Người mọi thân thiện và hồn nhiên” cũng đáng yêu thật đấy, nếu họ không dùng dao róc da đầu của người khác hay người ngợm họ sạch sẽ và ít chấy rận hơn một chút. Một nghiên cứu về những bộ tộc nguyên thủy còn sót lại cho thấy tử suất của trẻ sơ sinh ở họ rất cao, tuổi thọ lại thấp, sức bền và tốc độ kém và họ dễ sinh bệnh tật hơn.Nếu tuổi thọ cao là biểu thị của sự kiểm soát môi trường tốt hơn, thì nhìn bảng tử suất cũng có thể thấy con người đã tiến bộ, vì tuổi thọ trung bình của người da trắng ở Mỹ và châu Âu đã tăng gấp ba lần trong suốt ba thế kỷ qua. Một thời gian trước, một hội nghị của những người lo tang lễ đã lo lắng rằng ngành của họ sắp nguy kịch vì con người ta ngày một lâu chết. Những người này đã thật sự buồn rầu, lo thất nghiệp, vậy thì taht65 sự ta đã có sự tiến bộ.

 

Khi tranh luận so sánh người cổ xưa với người hiện đại, chưa chắc người cổ xưa sẽ thắng. Làm sao ta có thể xem nhẹ thành tích của các quốc gia hiện đại khi họ không những loại bỏ thành công nạn đói mà còn gửi hàng triệu giạ lúa cho những quốc gia nghèo đói khác? Liệu ta có sẵn sàng từ bỏ khoa học khi cái bộ môn này đã giúp ta khử trừ mê tín dị đoan, chủ nghĩa ngu dân và sự kỳ thị tôn giáo? Hay ta có thể quên lãng kỹ thuật không, khi nó cho ta đầy đủ thức ăn, nhà cửa, tiện nghi, giáo dục và nhiều hoạt động giải trí hơn bao giờ hết? Ta có thật sự thích những nơi tụ họp cổ xưa như quảng trường Agora ở Athen hay Hội Đồng La Mã hơn là Quốc Hội ở Anh và Mỹ hay không? Hay ta có thỏa mãn khi sống ở nơi có quyền công dân hạn hẹp như ở Attica, hoặc nơi mà chính quyền được bầu cử bởi cận vệ pháp quan? Liệu ta có muốn sống dưới luật lệ của Cộng Hòa Athens hay Đế Quốc La Mã hơn là dưới chế độ hiến pháp được tạo ra để bảo vệ sự tự do chính đáng thông qua việc phán xét của bồi thẩm đoàn, cho ta quyền tự do tôn giáo và trí tuệ? Phẩm hạnh của chúng ta dù chúng ta có buông thả đến đâu thì làm sao có thể tệ hơn Alcibiades dâm dật và lưỡng tính ngày xưa? Hay có một tổng thống Mỹ nào lại đi bắt chước Pericles ăn nằm công khai với người hầu gái có học của ông ta? Ta có bao giờ phải xấu hổ bởi những trường đại học danh giá, những nhà xuất bnả nhiều vô kể, và những thư viện công cộng đầy quý giá của chúng ta hay không? Đã có nhiều nhà soạn kịch đại tài của Athens, nhưng có ai vỹ đại hơn Shakespeare hay không, và Aristophanes cóv sâu sắc, nhân bản như Molìere hay không? Demosthenes, Isocrates và Aeschines cò hùng biện hay hơn Chatham, Burke và Sheridan hay không? Hay liệu ta có thể đặt Gibbon dưới Herodotus và Thucydides không? Còn văn xuôi cổ xưa, có tác phmẩ nào xứng tầm với phạm vi và chiều sâu của tiểu thuyết hiện đại hay không? Ta có thể cho rằng những nghệ thuật thời cổ ấn tượng và cao cấp hơn, nhưng vẫn có nhiều người thích Nhà Thờ Đức Bà Paris hơn là Đền Parthenon. Nếu các vị cha đẻ khia sinh ra nước Mỹ có thể trở lại Mỹ, hay Fox và Bentham trở lại Anh, hay Voltaire và Diderot trở lại Pháp, liệu họ có mắng ta vô ơn khi ta không nhận ra mình đã may mắn được sống ở thời này mà không phải ở thời quá khứ, dù là thời của Pericles hay Augustus đi nữa?

 

Chúng ta không nên phiền muộn chỉ vì nguy cơ sụp đổ của nền văn minh hiện giờ. Vua Frederick của vương quốc Phổ đã từng hỏi đạo quân đang thoái lui của ông tại trận chiến Kolin rằng: “Các ngươi có muốn sống mãi mãi không?” Có lẽ ta nên mong muốn cuộc sống luôn đổi mới, để những nền văn minh v à trung tâm thế giới được hình thành. Cho đến lúc đó thì phương Tây lại có thể hồi sinh khi họ gắng sức đáp ứng những thách thức đặt ra bởi một phương Đông đang trỗi dậy.

 

Tôi đã nói rằng một nền văn minh vỹ đại thì không bao giờ chết đi hoàn toàn. Có nhiều thành công và phát kiến quý báu vẫn sống sót sau bao thăng trầm của các quốc gia: khám phá ra lửa và ánh sáng, sáng chế bánh xe và những dụng cụ cơ bản; ngôn ngữ, chữ viết, nghệ thuật và âm nhạc; nông nghiệp, chế độ gia đình, bổn phận cha mẹ; tổ chức xã hội, đạo đức và từ thiện; và giáo dục để truyền lại những tinh hoa và truyền thống của gia đình, nòi giống cho đời sau. Đây là những yếu tố của nên văn minh, và chúng đã được gìn giữ cật lực qua bao gian truân và thay đổi, từ nền văn minh này sang nền ăn minh kế tiếp. Chúng là những tế bào kết mạc của lịch sử nhân loại.

 

Nền giáo dục là sự truyền đạt thì chúng ta chắc hẳn đang tiến bộ. Văn minh đâu phải là được thừa hưởng; nó phải được dạy và tiếp thu ở mỗi thế hệ mới. Nếu sự truyền đạt này bị cắt ngang ở một thế kỷ nào đó thì nền văn minh sẽ biến mất và chúng ta sẽ lại trở thành dân mọi rợ. Vậy nên, thành quả tuyệt với nhất của thời đại này đó là chúng ta đã đầu tư tiền bạc và sức lực nhiều chưa từng thấy cho việc phổ cập giáo dục. Ngày xưa, đại học là một nơi xa xỉ dành cho đàn ông của giới ăn không ngồi rồi; còn ngày nay, có nhiều trường đại học đến nỗi ngỡ như ai cố gắng cũng có thể đạt được bằng cấp tiến sĩ. Chúng ta có lẽ không giỏi hơn những thiên tài nhặt nhạnh ra của thời thượng cổ, nhưng chúng ta đã nâng tầm giới hạn và mức trung bình của kiến thức vượt hơn bất kỳ thời đại nào trước đây trong lịch sử.

 

Không ai ngoài đám trẻ nít rằng cớ làm sao nhà giáo vẫn chưa thể khai trừ hết mười ngàn năm sai sót và mê tín dị đoan. Thí nghiệm lớn này chỉ mới bắt đầu, nhưng nếu sinh suất của những hộ dân bướng bỉnh và cố ý lan truyền sự vô học thì xem chừngthí nghiệm vẫn có nguy cơ thất bại. Nhưng nếu mọi đứa trẻ đều được đi học cho đến ít nhất năm chúng 20 tuổi, được ra vào miễn phí những kho tàng báu vật tri thức và nghệ thuật như các trường đại học, thư viện, bảo tàng, thì thành quả tối ưu đạt được cho xã hội sẽ là như thế nào? Ta không nên xem giáo dục là học vẹt, là chồng chất những sự kiện, ngày tháng và các triều đại. Đúng vậy, ta phải nhìn nhận giáo dục như là sự truyền đạt những di sản tư tưởng, đạo đức, kỹ thuật và mỹ thuật một cách thấu đáo, đầy đủ nhất, cho n hiều cá nhân nhất có thể, nhằm giúp nhân loại mở mang tầm hiểu biết và biết tiết chế tốt hơn, giúp họ tô vẽ và hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

 

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta đang rất giàu di sản văn hóa mà ta có thể truyền lại được. Cái di sản đó giùa hơn thời của Pericles, vì nó bao gồm những tinh hoa văn hóa Hy Lạp hình thành sau thời của ông ấy; nó cũng giàu hơn thời của Leonardo da Vinci, vì ngoài da Vinci ra thì nó còn chứa đựng cả phong trào Phục Hưng ở Ý; bvà nó cũng giàu hơn thời của Voltaire, vì trong nó là kỷ khai sáng ở Pháp và sự lan tỏa, đại phổ biến của thời kỳ ấy. Nếu sự tiến bộ là thật (dù ta có than vãn thế nào đi nữa), thì không phải ta đã sinh ra đã khỏe hơn, tốt hơn, gthông thái hơn trẻ sơ sinh thời xưa, mà là vì khi sinh ra ta đã được vây quanh bởi một di sản văn hóa giàu có hơn, được đặt trên bệ móng cao hơn, được chống đỡ nhờ sự tích lũy vô vàn kiến thức và nghệ thuật từ trước tới giờ. Khi cái di sản đó nâng tầm thì loài người cũng nâng tầm tỷ lệ thuận với những gì họ nhận được từ di sản ấy.

 

Trên hết thảy, lịch sử là sự hình thành, ghi nhận và lưu giữ những di sản văn hóa; sự tiến bộ được đo bởi sự gia tăng, bảo tồn, truyền đạt và cách sử dụng di sản đó. Đối với những ai học lịch sử không chỉ để tránh những tội ác và sai lầm ngu dốt của người xưa mà còn để được nhắc nhớ, động viên bởi những linh hồn sáng tạo trong lịch sử thì quá khứ sẽ không còn là căn phòng kinh dị đầy ưu phiền nữa; nó trở thành một thành phố thiên đường, một đất nước rộng lớn của trí óc, nơi mà hàng ngàn vị thánh, chính khách, nhà phát minh, nhà khoa học, thi sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, ái nhân và triết gia vẫn còn sống mãi, vẫn nói, vẫn dạy, vẫn chạm trổ, vẫn hát ca. SDử gia sẽ không than vãn khi họ nhận thấy ý nghĩa duy nhất cho sự tồn tại của loài người là những ý nghĩa con người tự cho lấy; hãy xem đó là niềm kiêu hãnh của loài người chúng ta khi ta tự tạo nên cho cuộc sống của mình một ý nghĩa mà đôi lúc có thể vượt trên cả cái chết. Người may mắn là người cả đời đã góp nhặt thật nhiều di sản văn minh và truyền lại chúng cho con cháu của mình. Đến hơi thở cuối cùng, họ vẫn sẽ biết ơn cái gia tài đồ sộ vô cùng trác tuyệt đó, và biết rằng nó chính là người mẹ nuôi dưỡng ta, cũng chính là cuộc sống vĩnh hằng của ta.

Tác Giả: Thần Ánh Sáng 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/minhhoang.nguyen.5855594/ 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

231 lượt xem, 224 người xem - 224 điểm