Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nhật Ký Bách Khoa

Nhật ký Bách Khoa, học kỳ 182, năm thứ 3 đại học.


























( Lớp TNHC K16 chụp trước khoa Hóa, ảnh tự chụp)


Tháng 3 năm 2019, Mô phỏng mô hình và tối ưu hóa.

Môn này khó cực kỳ.

Ai từng học ở Bách Khoa chắc đều biết nó khắc nghiệt thế nào. Nhưng mà vui. Bởi nếu qua cái nhìn lãng mạn thì các môn học khô cằn sẽ vô cùng tươi vui, ngộ nghĩnh.


Hay tại có những giảng viên rất “lập dị, lạ đời”? Thầy dạy môn này là người như vậy. Thầy bước vào lớp, ăn mặc giản dị, giản dị đến mức nhìn không ra một giảng viên nếu không có cái ba lô to chảng nặng trịch đằng sau. Thầy cười hiền hỏi “Mấy đứa biết tui là ai hông? Học khoa Hóa thì đã nghe danh thầy chưa?”

Cả lớp cười, biết tỏng rồi, người thầy tự xưng mình lập dị hồi học kỳ trước với môn cũng khó nhằn không kém đây mà.


Rồi mấy buổi học của thầy thực sự là sự lập dị đáng yêu nhất quả đất.

Thầy hỏi mấy đứa tính coi mình đi học tổng cộng hết bao nhiêu năm, khi nào thì ra đi làm kiếm tiền được? Rồi khi nào mấy đứa lập gia đình, có con, lo cho con, cho thế hệ sau?

Cả lớp cười, có đứa ngại, có đứa chua chát vì tới giờ này vẫn chưa có người thương người nhớ. Mà sự thực là chẳng đứa nào màng nghĩ tới cả. Ủa đang dạy toán tối ưu, giải lần hai chục cái nghiệm, khó lắm nha, thầy hỏi vậy chi ta?

Mấy tiết học của thầy đều vậy, đều là những buổi nói chuyện lung tung xen lẫn kiến thức kỹ thuật mà có cảm giác không đi về đâu, nhưng dần dà, đứa nào cũng cảm nhận được, là mấy buổi học đó nó bắt đầu có hướng, có đích đến.


Như tuần này thầy kể câu chuyện nhỏ đời thầy.

Thầy nói thầy kể ra mấy đứa đừng nghĩ thầy xạo nha, tại nhiều người nghĩ thầy xạo khi thầy kể cái này lắm á. Cả lớp cười, thầy có nhiều điều thú vị quá.

 

“Năm mà thầy làm xong nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ á, thầy về lại Sài Gòn, không ở nước ngoài nữa.”

 

Cả lớp nín thở lắng nghe, tất cả bây giờ đều mong ra trường, du học cao lên nữa, sống ở nước ngoài, hoặc ít nhất là được đi xem cho biết.

 

“Có công ty dầu khí ở Malaysia nó liên lạc cho thầy, phỏng vấn qua Skype.”

 

Dầu khí, công ty ở Malaysia. Đó là một cơ hội lớn. Mà nó lớn cỡ nào? Cả đám im lặng nghe.

 

“Nó kêu thầy qua làm cho nó. Thầy đòi lương MƯỜI LĂM NGÀN ĐÔ LA. Năm đó là năm 2012.”

 

Trời đất! Năm 2012! Nói thật là nhà tôi nghèo, năm đó tôi học độ lớp bảy, một tuần chỉ tiêu xài năm ngàn. Mà thầy được hưởng mức lương mọi đứa trong lớp đều mong muốn sau năm năm ra trường, tức là bảy, tám năm nữa! Tính thêm lạm phát này kia thì này không phải là con số lớn, mà là con số chưa tưởng tượng ra được!

 

“Tụi nó kêu lương là cái gì, salary là cái gì, cái đó khỏi lo. Thầy nói nhưng mà thầy nhớ nhà, cho thầy làm ở Việt Nam được không? Thầy sẽ chuyển giao hết mọi công việc cho bên đó mỗi ngày.”

 

Thầy không thích đi nước ngoài kìa. Tôi chưa từng được đi nước ngoài, dù là Thái Lan hay Campuchia. Tôi bắt đầu đợi chờ cái gật đầu của thầy với công ty nọ.

 

“Tụi nó nói không được, mày qua đây đi, tụi tao lo nhà cửa cho, cuối tuần mua vé hai chiều cho mày về Việt Nam chơi, có một hai giờ bay, gần mà.”

 

Cả lớp lại ồ lên. Chúng tôi bắt đầu mơ màng. Mười lăm ngàn đô với bao ăn ngủ bao đi lại. Bất cứ đứa nào đang ngồi miệt mài với tiểu luận hàng tuần, với đồ án hàng năm và với áp lực ra trường ngon lành, công việc ổn định hàng ngày thì đều khao khát những điều thầy vừa nói. Chúng tôi bàn luận được một lúc, thầy lại từ từ nói.

 

“Thầy nói với tụi nó, nhưng mà tao còn có gia đình, vợ con. Tụi nó nói ui giời con mày qua đây học trường quốc tế chung với con tụi tao, vợ mày biết tiếng Anh không qua đây tụi tao cho công việc. Cuối tuần nhớ Việt Nam cả nhà cùng bay về, tụi tao lo được hết, chỉ cần mày làm việc ở đây, từ thứ hai tới thứ sáu, còn lại tụi tao đồng ý hết.”

 

Chúng tôi lại ồ. Nồng nhiệt, háo hức và khao khát. Đó là tất cả những gì một công ty có thể cung cấp được, một cách chân thành, tôi ước ao mình mau chóng trở thành kỹ sư, mặc dù tôi chẳng ưa gì ngành này cũng như biết nó với tôi từ đầu chỉ là cuộc hội ngộ cho biết mùi gian khổ học đại học.

Cả lớp xì xầm và mong ngóng kết quả.

 

“Cuối cùng, thầy không đồng ý.”



 

Cảm giác của tôi lúc bấy giờ? Hụt hẫng, ý tôi là tôi đã đặt mình vào cơ hội đó, và tự gật đầu say yes vì như vậy là quá đủ, hoặc dư thừa, hoặc kinh ngạc đến nghẹt thở. Tôi cứ ngỡ mình là người từ chối. Nhưng đó là sự thật, thầy tôi đã từ chối cơ hội có được thứ mà nhiều người, ít nhất là tôi, mới chỉ nghe kể lại đã cuồng dại si mê.

 

“Thầy biết mấy đứa bây giờ nghĩ là thầy khùng (khà khà). Nhưng mà thầy đi du học mấy năm, cảm thấy chán rồi, nên thích về Việt Nam. Nơi đây mới là nơi thầy thuộc về. Thầy cảm thấy vậy. Thầy thích sáng lê la cà phê hít khói thuốc lá miễn phí (haha), chém gió ở mấy góc ngã tư, và làm giảng viên thường thường ở Bách Khoa. Có thể mỗi người mỗi khác, đứng trước lựa chọn của cuộc đời, tức là đang giải bài toán tối ưu hóa cho riêng mình, cái này thầy cô trường lớp nào dạy được?”

 

Tôi hơi giật mình, bài toán gần đây nhất tôi giải là chọn trường đại học, hoàn toàn cảm tính theo con điểm sàn trồi sụt của mấy trang web dự báo. Hay gần nhất là lựa ở lại ký túc làm cho xong deadline thay vì về nhà với mẹ? Tôi chẳng trả lời nổi, cũng chẳng biết trong hơn hai mươi năm qua tôi giải đúng được bao nhiêu bài toán tối ưu cho mình rồi, có khi đúng vài bài, hoặc là sai be bét cả. Nhưng dù sao tôi cũng đã ở đây rồi.

 

“Mấy đứa thấy đó, toán thầy giảng có cùng lắm chục nghiệm, lại có công thức hết rồi. Còn hàm mục tiêu của đời mấy đứa làm gì có công thức nào khớp. Hàm mục tiêu của đời thầy là hàm hạnh phúc, thì thầy chịu thôi, ở lại đây, lương thấp, mà VUI. Mà mấy đứa biết không, nó cho thầy nhiều quyền lợi, chắc chắn bắt thầy không tự do. Chắc chắn đi làm sẽ nhiều việc đến mức không dám ra sân bay về Việt Nam, lúc đó thầy có nhiều tiền, con thầy học trong môi trường quốc tế, nhưng hàm mục tiêu của thầy thì không giải được, vì thầy thích tự do, không tự do là bất hạnh, là giải sai hàm mục tiêu. Ước vọng cuối cùng của đời người là hạnh phúc. Thầy muốn hạnh phúc, muốn vui vẻ (khà khà).”

 

Tôi cũng muốn hạnh phúc. Ai cũng muốn điều đó, thường họ gắn nó với những cái mác cụ thể, như nhiều tiền, hoặc danh tiếng. Hạnh phúc là gì, hay bên kia dãy núi con sông, có cái gọi là hạnh phúc mà chỉ những ai biết cách đi mới tìm thấy?

 

"Bài toán tối ưu hóa hàm hạnh phúc là bài toán lớn và nan giải nhất, không phải giải hàm tìm nghiệm đơn giản như ở lớp hay trong phòng thi. Thầy có một điều tự hào, là đã DÁM từ chối một cơ hội như vậy. Mấy đứa sau này nhớ cân nhắc cẩn thận trước mọi quyết định, sao cho nó tối ưu nhất, cân bằng nhất.”

 

Tôi bất ngờ cái mà người thầy tự hào. Không phải là con số, không phải là bằng cấp, mà là sự từ chối. Bởi trên con đường đi tìm hàm tối ưu, không ít lần chúng ta thất vọng, chúng ta mệt mỏi, chúng ta lạc nhịp với những gì trước đó đặt ra và chúng ta dễ dàng thỏa hiệp với một chuẩn mực nào đó chúng ta cho là phù hợp, mà tiêu chuẩn nào cho sự tham lam vô độ gắn mác "hạnh phúc"?


(Một góc Bách Khoa, ảnh tự chụp)


Có lẽ là vào một chiều thứ bảy nắng đổ đầy bên ngoài cửa sổ, ngẫm nghĩ mấy năm qua hết đi bộ, đi bus đến đi xe rồi rãnh rỗi đi qua được một mớ cung bậc cảm xúc, dù chưa đủ để gọi là nhiều, nhưng tạm đủ để đặt tên là "trải nghiệm" để đúc kết rằng hôm nay hôm qua hay mai, ngày nào cũng có thể được gọi là "ngày hạnh phúc", chỉ cần ngày đó vẫn còn chạy tới chạy lui lo thuyết trình môn học, lo đồ án, lo mẫu thí nghiệm. Tại sao hả, tại vì những ngày như vậy thấy tất bật trong vui vẻ, trong công việc, trong cống hiến sức trẻ, và có ích, có đích đến.



Tác Giả: Ngân598

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hai598

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

174 lượt xem, 174 người xem - 177 điểm