Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nhìn Đời 20 Bằng Con Mắt 50 Tuổi


“Nếu cách bạn nhìn cuộc đời năm 50 tuổi cũng như cách bạn nhìn nó năm 20 tuổi, bạn đã lãng phí 30 năm cuộc đời” - Muhammad Ali - huyền thoại Boxer người Mỹ

 

Là một người trẻ dưới 30 tuổi, theo định kiến đã được chấp thuận bởi nhiều người và đặc biệt bởi chính những người trong giai đoạn này thì đây là giai đoạn hết sức quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng nhất) của một người, quyết định sự thành bại của người đó trong cả cuộc đời. “Thành công” thực sự là một nổi ám ảnh đến từ áp lực đối với người người trẻ trong giai đoạn này.

 

Không khó để tìm thấy những đầu sách, video, bài viết giai đoạn này về việc bạn nên cố gắng ra sao, dù phải đánh đổi mọi thứ cũng phải thành công. Để đạt được sự thành công đó, làm việc không ngơi nghỉ là cách thức được xem là duy nhất. 

 

Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, vậy liệu sau này khi bạn 50 tuổi,  liệu những niềm tin này có đúng đắn không? Nếu ngay ngày mai bạn qua đời, liệu bạn có tiếc nuối file làm việc chưa gửi, cuộc họp chưa tham gia, công việc chưa đúng hạn deadline?  

 

Hôm nay, người viết sẽ đưa các bạn vòng quanh phong cách làm việc không ngơi nghỉ là điều mà dưới con mắt của người 20 tuổi  là điều tối thượng để thành công. Và một số tư tưởng đã có tuổi đời hàng ngàn năm về cách con người nên sống và làm việc. 

 

 A.    CON MẮT CỦA NGƯỜI 20 TUỔI:

Một số hành động tiêu biểu người ta tin rằng làm căn cứ cho sự thành công"hơn người" là: 

1.      Muốn thành công, hãy đọc 4 cuốn sách mỗi tháng, ngủ 4 tiếng mỗi ngày, làm việc 80 tiếng một tuần (trung bình một người làm 40 tiếng/tuần- 8 tiếng/ngày).

2.      Khi người khác ngủ bạn hãy làm việc, khi người khác đi chơi bạn hãy làm việc, khi người khác nghỉ ngơi bạn hãy làm việc, và kết quả là khi đó bạn sẽ thành công.

3.      Tốc độ thành công của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ

Câu cuối cùng có một sự ảnh hưởng khá đặc đối với người trẻ trong xã hội Việt Nam, vì chữ hiếu đóng vai trò khá chủ đạo trong văn hóa của người Việt (tội bất hiếu là tội đầu tiên bất kỳ đứa trẻ nào cũng được nghe trước khi biết đến các loại tội khác).

Những nhận định trên tạo ra các trào lưu, văn hóa làm việc dài hơi, như văn hóa làm việc 996 tại Trung Quốc, tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, và nhiều người trẻ chấp nhận lối làm việc trên để đạt được thành công,

Không chỉ ở Trung Quốc, tại Việt Nam, không ít bạn trẻ có cùng suy nghĩ sẽ làm việc 200% thậm chí là hơn, overtime không xét giờ giấc vì niềm tin “chi phí cơ hội” cho sự thành công sau này

 

 Văn hóa làm việc "996" bị chỉ trích khi tạo áp lực quá lớn đối với người lao động. Ảnh: Aly Song/Reuters.


B. CON MẮT CỦA NGƯỜI 50 TUỔI

Trước tiên, người viết muốn làm rõ rằng: Người già hơn không đương nhiên thông tuệ hơn, nhưng có nhiều khả năng để thông tuệ hơn. Trong thành ngữ Việt Nam có câu: đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Hay ngạn ngữ Trung Quốc có câu: để thành công, tham khảo ý kiến ba người già. Sau khi hỏi "ba người già", người viết  nhận được một số ý kiến rất hay như sau:

1.     Văn hóa làm việc không ngơi nghỉ là một hiện tượng lạ

Cùng quay lại lịch sử về ngày Quốc tế lao động 1-5. Thời điểm từ năm 1827 cho đến năm 1890 là một cuộc chiến trường kỳ của giới lao động để đòi quyền làm việc 8 tiếng/giờ từ người làm chủ. Khẩu hiệu tại cuộc đình công lớn nhất thời điểm năm 1886 tại Chicago, Mỹ là: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”. Như vậy sau gần khoảng 200 năm, một phần lớn giới trẻ ngày nay dường như đi ngược lại những gì người lao động trong quá khứ đã đấu tranh.


Để tìm mục đích của văn hóa 996, ta có thể đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó, Vậy ai là những người khởi xướng điều này?

Văn hóa làm việc 996 đã kể ở trên trở thành xu hướng trong một thời gian dài bởi sự cổ động của nhiều người chủ doanh nghiệp trong đó có Jack Ma - người giàu nhất Trung Quốc vào thời điểm năm 2019-2020 và là chủ của Tập đoàn Alibaba, trong nhiều cuộc tiếp xúc với báo chí và giới trẻ, ông thường chia sẻ rằng làm việc không ngừng nghỉ là yếu tố tạo nên thành công của bản thân, và khuyên giới trẻ nên lấy văn hóa làm việc 996 làm thước đo nếu muốn thành công.

Về mặt kinh tế, hãy tưởng tượng bạn là một người làm chủ, mỗi tháng doanh nghiệp bỏ ra một số tiền để trả lương cho nhân viên làm 8 tiếng mỗi ngày, bạn muốn họ làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn nhưng không muốn chi thêm bất kỳ một đồng nào, bạn sẽ làm gì?. Tạo ra một mục đích – một động lực cho họ trong công việc, VÀ “thành công như sếp”  là một động lực tuyệt hảo.

Một câu chuyện châm biếm khá quen thuộc trong trường hợp này là:

Nhân viên: WOW, xe sếp thật tuyệt

Sếp: Nếu bạn làm việc chăm chỉ, dồn hết thời gian và hướng đến sự hoàn hảo trong công việc, năm sau, tôi sẽ có một chiếc nữa...


2  Sự phản ứng

Tuy nhiên, nhận diện và phản biện vấn đề là một khả năng đặc biệt của con người, không phải người trẻ nào cũng chấp nhận lối  làm việc tần suất cao kéo dài, sau khi một số lượng người trẻ chết vì kiệt sức tại nơi làm việc, không ít bộ phận người trẻ Trung Quốc từ chối văn hóa làm việc 996, hay thậm chí là làm việc bình thường khi họ nhận ra rằng khả năng bản thân mua được nhà hay dư dả tiền bạc trong xã hội là không thể khi tiền lương so với các chi phí sống quá cách biệt.

(Điều này rất tương đồng với tình hình của Việt Nam, bởi hiện tại sự cách biệt giữa lương và giá bất động sản đã cao ngất ngưỡng, lương hằng năm và giá nhà chênh từ 15-20 lần)

Tiêu biểu của sự phản kháng này là văn hóa “nằm thẳng” (Tang ping), những người trẻ này từ chối sống chết vì công việc và chỉ làm việc đủ để sống, hạ thấp các mong muốn, giảm khát vọng. 

Phong trào “nằm thẳng” – cuộc biểu tình trong im lặng của giới trẻ Trung Quốc

Ảnh: gagandeep.org



C.     NHỮNG "CON MẮT" NGÀN NĂM TUỔI

Một trong những bàn luận triết học mà người viết rất thích là:

"Nếu bạn là người sắp chết nằm trên giường bệnh hấp hối, bạn sẽ nuối tiếc điều gì?" 

Tại phần này, người viết sẽ giới thiệu về một vài học thuyết, tư tưởng có tuổi đời từ hàng ngàn năm để có cuộc sống trọn vẹn hơn, cụ thể là Phật Giáo, Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa Khắc Kỷ. Những tư tưởng này có tuổi đơn hàng ngàn năm và chứa nhiều sự khôn ngoan của vô vàn thế hệ. Do đó, chúng có những "con mắt" ngàn năm tuổi, vượt xa một người 50 tuổi, và rất đáng để nghiên cứu. 

Người viết sẽ trích dẫn một số lý luận từ các tư tưởng này để người đọc có thể tìm được lý luận nguồn "core ideology" của mình, làm kim chỉ nam cho cuộc sống trọn vẹn, cho dù đang ở giai đoạn nào. 


-Thứ nhất, “Hãy uống trà của ngài đi”


Thời Chính Pháp, có một vị vua lên núi gặp một vị thiền sư nổi tiếng, vị thiền sư pha cho ông một tách trà, với quá nhiều câu hỏi ở trong đầu, vừa uống trà nhà vua vừa hỏi tới tấp: “thầy ở đây được bao lâu rồi?”, “thầy đắc đạo lúc nào?”, “như thế nào là sống đắc đạo”…

 

Bỗng, thiền sư nói to “HÃY UỐNG TRÀ CỦA NGÀI ĐI !”.

 

Vị vua bị bất ngờ, nhưng cũng bắt đầu uống trà và không hỏi gì thêm. Sau một hồi, thiền sư giảng “Ta chỉ nên tập trung với với một việc mà ta đang làm, như uống trà, trà nó có vị như thế nào, tách trà nặng nhẹ ra sao, nếu ngài bị hỗn độn bởi những câu hỏi, ngài thực sự không có uống trà, mà đang uống cái sự hỗn độn, do vậy làm mất đi cái ngon, cái thực của việc uống trà, của trà, và....của việc sống”. 


"Uống trà của bạn một cách chậm rãi và tôn kính, như thể nó là trục mà trái đất quay trên đó - chậm rãi, đều đặn, không vội vã hướng tới tương lai." - Thích Nhất Hạnh

Tương tự, Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa khắc kỷ cũng có những điểm chung với Phật Giáo về sự tận hưởng thời gian ngay tại lúc ta đang hiện diện, để nhắc nhở rằng bản thân đang sống.

Điều này được giải thích rằng khi bạn làm một việc, bạn cần tập trung vào nó, vào người mà bạn đang trao đổi (nếu bạn đang nói chuyện), điều này đảm bảo rằng mỗi giờ phút của bạn trôi qua bạn đều sẽ được trọn vẹn. Bằng cách này, không chỉ bạn tiết kiệm được thời gian khi làm việc, học tập mà còn đảm bảo rằng bạn sẽ không còn cần nghĩ về nó khi làm việc khác nữa (bởi lúc này, việc khác mới là việc cần phải tập trung), từ đó, bạn mới thực sự sống.

 Một ví dụ khác, với sự tồn tại của công nghệ, hiện nay chúng ta thường cố gắng lưu giữ những khoảnh khắc bằng việc ghi hình, chụp ảnh các kỷ niệm. Nhưng đôi khi bởi vì quá tập trung vào việc lưu giữ kỷ niệm, ta không thể nào hòa làm một với không khí, thời đại đó. Giống như việc quay video bắn pháo hoa vào dịp lễ tết, vì quá tập trung vào quay làm sao để cho đẹp, để được nhiều like, ta ngắm pháo hoa thông qua con mắt camera, chứ không phải con mắt của mình, do đó lỡ mất khoảnh khắc. 


 - Thứ hai, hạ thấp tham vọng với vật chất

Quay trở lại với phong trào “nằm thẳng” của giới trẻ Trung Quốc, một điểm rất thú vị là có những đặc điểm tương tự với các lý luận để tìm kiếm sự hạnh phúc:

 -      Trong Phật Giáo, Tam Tham là một trong những loại nguồn cơn của sự đau khổ của con người, ba cái tham đó là: tài vật (tài sản như tiền, vàng, xe, nhà), sắc dục (tình dục, vọng sắc đẹp) và danh vọng (sự nổi tiếng, quyền lực, địa vị). Do đó, người tu hành Phật Giáo phải kiểm soát rồi từ từ loại bỏ ba cái tham này, từ đó mà bớt đau khổ.

-     Trong Thiên Chúa Giáo, tham lam là một trong 7 đại tội.

-    Trong chủ nghĩa Khắc Kỷ, kẻ giàu có là người biết đủ với những gì mình có, kẻ nghèo khó là người luôn muốn nhiều hơn.

Như vậy, bằng việc hạ thấp các mong muốn, giảm khát vọng, một mặt nào đó, giới trẻ Trung Quốc đang áp dụng một phần các biện pháp mà người tu hành Phật Giáo, Thiên chúa Giáo và chủ nghĩa Khắc Kỷ áp dụng để loại bỏ các đau khổ.

Điều này có lẽ sẽ làm “nóng mặt” nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn lao động sung sức nhất, muốn kiếm tiền nhiều nhất, không ai muốn làm thầy tu khi đang trong giai đoạn làm ra tiền cả. Xin bạn kiên nhẫn thêm một chút. 

Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, LÀ NHỮNG TÔN GIÁO VÔ CÙNG GIÀU CÓ !, với nhiều đền đài và tu viện tại những nơi đẹp nhất, đắt tiền nhất trên khắp thế giới. Ở trường hợp chủ nghĩa Khắc Kỷ, những nhà lãnh đạo của chủ nghĩa Khắc Kỷ cũng là những người rất dư dả về tiền bạc khi còn sống dù sau đó họ thường dùng chính số tiền này để đầu tư vào các học viện dạy tư tưởng Khắc Kỷ.  

Tuy nhiên, trong nguyên tắc hoạt động của mình, cả ba tư tưởng trên cho thấy tiền bạc là phương tiện và là điểm cộng khi họ được làm việc/ tu hành, tiếp tục hỗ trợ họ trên con đường đạo chứ không phải là mục đích của làm việc/ tu hành. Điều này cũng chỉ ra lỗ hỗng khổng lồ của phong trào "nằm thẳng" của giới trẻ Trung Quốc, bởi ngoài tiền, họ không còn mục đích nào khác cả. 

Vậy tại sao lại phải giảm ham muốn? chẳng phải con người luôn muốn những điều tốt đẹp hơn sao?

Theo luận giải của chủ nghĩa khắc kỷ, người có nhiều ham muốn vật chất dễ mất đi cái vui sướng của cuộc sống, cụ thể là, sự vui sướng của một người ăn tô mì khi nghèo đói sẽ không thể lặp lại nếu người này trở nên giàu có và ăn các món "sơn hào hải vị", dần dần người này chỉ muốn những món ngon hơn và ngon hơn nữa, như vậy người này mất đi cái khả năng cảm thụ sự yêu thích những điều bình thường, tương tự, bạn có nhận thấy rằng càng ngày bạn càng khó "chiều" không ?, và bạn không thể nào tìm lại sự yêu thích với những thứ "bình thường", hay nói cách khác, bạn trở nên khó khăn hơn trong việc tìm được trạng thái vui sướng.

Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam có câu chuyện “món ăn mầm đá” của Trạng Quỳnh về vấn đề này, khi nhà vua mất đi cái khả năng ăn ngon. Để đưa nhà vua về với cái vui sướng của việc ăn, Trạng Quỳnh đã phải cho nhà vua “khổ sở” và nhịn đói nhiều giờ liền để cơ thể nhà vua có thể trở về trạng thái vui sướng với cái đơn giản nhất: rau muống chấm tương.

Truyện cười dân gian: Món ăn mầm đá

Vì vậy, để có thể vui sướng ngay cả với những điều bình thường nhất, ta phải học cách xem xét sự may mắn của bản thân với điều mình đang có, và suy nghĩ rằng mình sẽ đau khổ ra sao nếu mất chúng (nếu bạn bị mất đi cánh tay đang bấm điện thoại, nếu bạn mất đi đôi mắt đang đọc bài viết này, bạn có đau khổ không?)


-         Thứ ba, mặt trái chọn tiền làm mục đích sống 

Dưới góc độ cá nhân, nếu một cá nhân không có một lý tưởng sống về mặt tinh thần, thì sẽ dễ dàng lấy vật chất - tiền làm lý tưởng sống. Đã có một thời gian, những người giàu không có tri thức bị xã hội mỉa mai là “trọc phú”, tuy nhiên khi đến thời đại vật chất lên ngôi, nhiều người mặc định cho rằng những người giàu là người thông minh, vì không thông minh thì làm sao giàu được?, Giàu có tự bản thân nó đột nhiên trở thành một sự thông minh trên mọi sự thông minh, và đôi khi là lý do bao biện cho nhiều hành động sai trái - “nó giàu nó có quyền”. Thực tế nếu tự mình kiểm tra, chúng ta có thể thấy rằng có nhiều người bất chấp thủ đoạn để trở nên giàu có, như buôn bán chấm cấm hoặc vi phạm pháp luật (trộm, cắp, đánh bạc…) hay “lùa gà” trong các hoạt động tiền điện tử. Không hiếm các vụ án như vậy xảy ra hằng ngày trên các mặt báo - “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”.

Ở đây người viết không cho rằng mọi người đều sẽ thực hiện các hành động phi pháp khi muốn làm giàu, nhưng nếu tiền là mục đích cuối thì sự không ngoan, đạo đức, nhân cách,... sẽ chỉ là phương tiện, mà đã là phương tiện thì đương nhiên được tùy ý dùng, bỏ. 

Dưới góc độ hôn nhân – tình yêu, xu hướng người trẻ sống theo vật chất thật sự đáng báo động, khi bắt đầu tìm hiểu một người, người ta ít quan tâm đến tính cách, phẩm chất người đó như thế nào, và chỉ có mối quan tâm đến tiền của và tài sản của người đó. Sự đánh giá một con người đều được quy về một thước đo vô cùng trực diện – tiền. Tuy nhiên, đây là một thước đo khá rủi ro. Thứ nhất, nếuchỉ quan tâm đến vấn đề tiền bạc, mối quan hệ giữa hai người đơn giản là sự trao đổi, giao dịch và không có yếu tố tình cảm. Những cuộc hôn nhân dựa trên tiền bạc cũng khó bền vững nếu gặp phải vấn đề tài chính. 

Thực sự lối sống chạy theo vật chất rất nguy hiểm cho cả nam và nữ đối với xã hội, khi người nữ chỉ tìm những người nam lý tưởng về vật chất (vốn rất ít và ngoài tầm với của họ), còn những người nam phù hợp với họ thì không thể nào lấy vợ. Bạn có thể tham khảo những câu chuyện kiểu này tại Trung Quốc, một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hóa hôn nhân và chính trị, 

Người viết  giới thiệu bạn cuốn sách “Vì sao tôi cứ mãi F.A” để hiểu thêm về góc nhìn từ những người phụ nữ “bà cô ế” tại Trung Quốc, tại sao điều đó xảy ra và làm sao để ngăn chặn chúng.

Lời kết:

Lý do bài viết này tồn tại:

Hãy làm những gì bạn muốn” nghe rất có lý nhưng là một lời khuyên tệ dành cho người trẻ, nếu bạn khuyên một đứa trẻ đang bị trầm cảm (như tôi đã từng) hãy làm gì chúng muốn, nhiều khả năng chúng sẽ chấm dứt cuộc đời của mình.

Bạn có thể làm điều đó, nhưng bạn có NÊN làm điều đó không?

(Bạn không muốn tập thể dục, nhưng bạn có nên tập hay không?; Bạn muốn nghỉ học đi chơi, nhưng có nên không?)

Người viết cho rằng, việc thiếu giáo dục về cách sống và đẩy trách nhiệm cho người trẻ phải tự quyết định mọi thứ là một phần lý do vì sao nhiều tội phạm là thần tượng của giới trẻ ngày nay. 

Bằng việc tiếp cận tri thức của những người đi trước, đặc biệt là chia sẻ tri thức từ những học giả lỗi lạc, người viết mong người đọc có cơ hội để “gần đèn, xa mực”, chọn được  lý tưởng sống cốt lõi "core ideology" đúng đắn và sống một cuộc đời mà mình nên sống.

Người đọc có thể tìm đọc thêm cuốn sách “chủ nghĩa khắc kỷ phong cách sống bản lĩnh và bình thản” và "Nghĩ như một vị hoàng đế La mã" để hiểu hơn về chủ nghĩa Khắc Kỷ,  cuốn “Đường xưa mây trắng”  đối với Phật giáo và đối với Thiên Chúa giáo thì có thể đọc Kinh Thánh như một tiểu thuyết dài tập. 

Tác Giả: Võ Trung.

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100070781786268

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng ⁰của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

356 lượt xem, 167 người xem - 170 điểm