Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Những Đứa Con Trong Thành Phố!

    Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra một thời đại mới toàn cầu. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ,  của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, không gian ảo - thực (cyber world)... đã đưa con người đến tiệm cận với một cuộc sống hoàn hảo, đưa nền văn minh loài người lên một tầm cao mới.

    Chỉ trong vong vài chục năm kể từ khi Internet được phát minh (lần đầu xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ trước), con người đã có một bước tiến thần kỳ trong cuộc cách mạng 4.0. Đã có những hệ thống vận hành hoàn toàn bằng robot. Những cái máy đánh cờ thắng cả quán quân thế giới. Có Robot đã được cấp quyền là công dân đầu tiên, mở ra một thời kỳ phát triển trí thông minh nhân tạo vượt bậc. Thế giới liên kết thực - ảo đã thực sự đem lại ngạc nhiên, khi rất nhanh, một thuật toán đã cho ra những quảng cáo trang web, món hàng, đồ ăn... mà bạn có thể thích, nhiều khi trở thành phiền phức.

    Cuộc cách mạng 4.0 đang dần thay đổi đời sống của người dân. Đời sống người dân được nâng cao. Những khu đô thị cao cấp mọc lên như nấm sau mưa. Điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, ô tô thông minh, kể cả nhà thông minh... đang được phổ biến rộng rãi, kể cả những vùng nông thôn. Một thế hệ những tiện nghi "thông minh" đang phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày. Quả là đáng mừng cho sự phát triển của đất nước.

    Nhưng, nhìn lại. Nhìn kỹ hơn một chút. Được hưởng thành quả to lớn này, vâng, là thế hệ trẻ hiện nay và những thế hệ tiếp sau. Chịu trách nhiệm phát triển thời đại cũng là họ. Và, chịu hậu quả nhãn tiền, cũng vẫn là họ.

    Những đứa con trong thành phố. Những đứa con sống trong những tiện nghi "thông minh". Áp lực từ những thứ gọi là thông minh đặt lên vai những đứa trẻ. Người thành phố, tất nhiên rất bận rộn. Nếu chậm một chút, có thể mất đi vị trí, mất đi thu nhập, đối mặt với muôn vàn khó khắn. Tất cả là để lại chút thành tựu cho thế hệ sau. Hệ quả tất yếu, những đứa con sẽ "giao tiếp" với máy móc nhiều hơn với "con người". Nhìn vào thì thấy thật sướng, thật đủ đầy. Không những thế, áp lực lên những đứa trẻ này cungc không hề nhỏ. "Tao cung cấp những thứ tốt nhất cho mày, mày phải trả lại tao kết quả học tập thật tốt". Không chỉ đi học ở trường, rồi còn học thêm khắp muôn, để không bị tụt lại đằng sau, về nhà lại chẳng được tâm sự với bố mẹ, một câu học thế nào, hai câu điểm bao nhiêu, thật là uất ức khó bộc phát, lại chỉ có công nghệ làm bạn. Hẳn sẽ khiến không nhỏ một bộ phận giới trẻ tương lai đến nhìn người khác cũng chỉ qua màn hình điện thoại.

    Cách mạng. Luôn có rất nhiều mặt. Phát triển những thứ cần phát triển. Phát triển có thể vượt bậc, thần kỳ. Nhưng cũng để lại những vết thương khó lành.

    Internet là phát minh lớn của loại người, có thể coi là một trong những phát minh vĩ đại nhất kể từ khi loài người xuất hiện đến nay. Nhưng cũng không ít người trẻ trong thời gian ấy sử dụng internet vào mục đích giải trí thái quá, để lại hậu quả khôn lường. Dù chỉ là một bộ phận thiểu số, nhưng đọc qua cũng không khỏi rùng mình. Game online một thời tốn không biết bao giấy mực của báo giới. Những vụ giết người, cướp của phỏng theo trò chơi điện tử diễn ra nhan nhản, với mức độ thật sự nghiêm trọng. Hẳn vụ án cháu giết bà nội để lấy tiền đi chơi game xảy ra vài năm trước vẫn để lại nỗi hoang mang không nhỏ trong xã hội. Cùng với đó, khắp toàn cầu, những trang web đen, thế giới ngầm đã sản sinh ra một bộ phận những phần tử cực đoan với những vụ khủng bố, giết người, hiếp dâm...khiến cho thế giới thật sự rúng động... Những ví dụ rất nhỏ, khái quát nhất về những hệ quả do việc không thể kiểm soát được sự phát triển của công nghệ. 

    Trẻ con trong thành phố, 1 tuổi đã xem TV. 3 tuổi bấm smart-phone. 5 tuổi đeo kính. 6 tuổi lại vác cặp nặng nề bước  tới lớp... Phiến diện. Ai bảo thế? Vâng, tôi nói, cả bài viết vẫn là ý kiến chủ quan của cá nhân mà. Tôi nói chính từ em tôi, cháu tôi mà ra. Mấy đứa nhỏ không chỉ học văn hóa, còn học cả kỹ năng mềm, học múa hát, học võ, đàn ca sao nhị... Áp lực là không hề nhỏ. Nhưng thiết nghĩ, trong thời đại này, càng học được nhiều kỹ năng, càng có thể sống tốt. Phát triển cá nhân để chi phối công nghệ. Chứ không phải để công nghệ chi phối ngược. Có thể nói, những đứa trẻ trong thành phố đang được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất, nhưng cùng với đó sẽ là một trách nhiệm, nghĩa vụ đi kèm hết sức khó khăn. Nếu không được chuẩn bị tốt, hoàn toàn sẽ bị đào thải. Tuổi thơ chính là đang bị sự phát triển của thời đại bóp nghẹt. Đến phụ huynh cũng còn phải quay mòng mòng. 

    Sống trong thành phố. Điều kiện có thể tốt hơn một chút. Đầy đủ hơn một chút. Tiện nghi hơn một chút. Nhưng người thành phố, lại thèm sự yên bình nơi thôn quê. Ngày nghĩ không ở nhà, sẽ tìm đến một nơi xa khỏi thành phố. Thành phố bận rộn. Người lớn đã mệt mỏi. Trẻ con lại càng mệt mỏi hơn. Sức "đề kháng" non nớt, nếu không được trang bị, làm sao chống chịu với sự ồn ào, vội vã của phố thị? Nếu bố mẹ cũng vì mệt ỏi mà quay lưng, không phát triển tâm hông, tinh thần cho con, chỉ chăm vào vật chất, thì những đứa trẻ ấy phát triển chẳng phải sẽ rất sai lạc sao? Đừng nói là thời thế tạo anh hùng, vì anh hùng cũng phải được tôi rèn, uốn nắn từ nhỏ, lớn lên mới có thể phát tiết. Trẻ con thành phố, nếu chỉ hưởng thụ mà không tự rèn luyện, không có ai hướng dẫn, rất dễ phát triển sai lầm, như sự bùng nổ không kiểm soát của game online vậy.

    Tại sao tôi lại đặt tiêu đề là "trong thành phố"? Nông thôn bây giờ cũng đã phát triển là "nông thôn mới", đời sống đã được nâng cao, mức sống được cải thiện rất nhiều, tiện nghi "thông minh" cũng ngập tràn từng xóm làng, sóng wifi, 3g rộng khắp. Nhưng, để nói rõ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của những người thuộc thế hệ của tôi, của sau này, thì tôi lựa chọn những đứa trẻ trong thành phố. Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao. Những tiện nghi đầy đủ nhất mà trẻ em thành phố được hưởng chính là vũ khí, là sức mạnh, là "tiền vốn" dắt lưng để các em từ đó đi lên. Không phải ai sinh ra cũng là ở vạch đích, chính vì thế ngươi trẻ hiện nay cần phải có trách nhiệm với những gì mình đang có, từ đó phát triển lên thêm, để tự mình vùng vẫy với đời. Sống trong thời đại công nghệ chóng mặt, người trẻ phải tỉnh táo, trước khi chạy theo xu thế, cần phải nâng cao giá trị của bản thân. Không gì khác chính là những áp lực hiện tại, là động lực thúc đẩy phát triển bản thân. Nếu không suy nghĩ một chút, sẽ dễ rơi vào cái bẫy hưởng thụ, chịu chi phối của tiện nghi "thông minh", một bước cũng không thể đi tới đỉnh cao.

    Những đứa trẻ trong thành phố. Tự mình đứng bằng đôi chân của mình. Chính là những người đáng trân trọng nhất. Người ta chỉ nói về những tấm gương nghèo vượt khó. Chả ai nói đến người giàu vượt sướng bao giờ. Hồi trước có một câu nói, đại để như này: nếu bạn đang nằm chiếu đất, đưa bạn một cái nệm êm, bạn sẽ dễ dàng chọn cái nệm; nhưng đang nằm giường nệm mà bảo xuống đất thì sẽ thật sự khổ sở đến không ngủ được. Giàu có chính là thuốc độc. Hưởng thụ là cái bẫy ngọt ngọt. Vượt qua được những cám dỗ ấy, chính là thành công lớn nhất. Con chuột rơi vào chĩnh gạo, có một cái kết không hề tốt đẹp. Bản lĩnh của những đứa trẻ thành phố là chỗ vượt qua được áp lực, vượt qua được "tiện nghi" để tự khẳng định mình. 

Tác Giả: Mạnh Tuấn Nguyễn

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do

Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

737 lượt xem, 723 người xem - 749 điểm

lh-fulllh-x