Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Những Quả Tim Chết

 “Là sỏi hay là đá ?”

Đây không đơn thuần là câu hỏi về cái cách mà con người gọi tên một viên cuội già nằm hoài bên một góc đường chết. Nó cũng không mang tính chất chọn lựa để định danh cho cái viên tròn méo đủ hình dạng nằm vùi trong đất cát, cái viên sống thì chẳng sống, chết cũng chẳng chết, lạnh tanh, đầy vô vị. Đây là một ý nghĩ được tách bạch ra từ sâu trong tiềm thức của tôi, khi tôi liên tục hoài nghi về hành động khước từ sự cầu khẩn của con người trước hoàn cảnh người gặp nạn. Thế giới đang ngày càng nóng lên, băng ở hai cực đang tan chảy, còn con người thì ngày càng nguội lạnh. Bạn biết mà, trái tim chúng ta không thể đóng băng, vì chúng cách vũ trụ này một lồng ngực, nhưng nếu chúng ta không dùng đến chúng, những quả tim sẽ chết. Dẫu rằng nó vẫn đập, nhưng từng tế bào thì tím ngắt, nó teo tóp lại như đôi má của một người tầm tuổi gần đất gần trời, và bốc mùi khó ngửi như con cá chết dạt vào bờ biển. Chỉ có điều mấy mươi năm sau nó mới được vùi vào đất mẹ. Đó khả dĩ là một sự hối tiếc cho chính chủ thể, nhưng biết đâu đó cũng có thể là một niềm vui sướng bởi tước hiệu mới mà họ nhận được: người sống với quả tim tử vận.

Những minh chứng cụ thể

Bạn có thể cho rằng điều này vốn xa vời và chỉ mang tính sách vở, hay chỉ nằm trong triết ngôn của nhà thuyết giáo. Nhưng thực tế cho thấy việc ngại ngùng, lưỡng lự, trước khi giang tay giúp đỡ đồng loại hoặc thậm chí quay lưng lại với người cần giúp đỡ đang xảy ra trước mắt chúng ta.

Năm 1964, Kitty Genovese, một người phụ nữ 28 tuổi ở New York bị theo dõi, tấn công tình dục và giết chết bên ngoài tòa nhà chung cư của cô ấy. Điều đáng nói là cảnh sát đã tìm được 38 người được xem là nhân chứng của vụ án, thế nhưng không mảy may một ai đứng ra giúp đỡ nạn nhân ngoài việc đứng nhìn.

Vào ngày thứ tư, 10/8/2016, Matibool (36 tuổi), người làm nghề kéo xe ở Delhi, Ấn Độ, đã bị một chiếc ô tô đi với tốc độ cao đâm ngã vật ra đường, tử vong tại chỗ. Tại hiện trường vụ tai nạn, một chiếc CCTV ghi lại một đoạn video dài 30 phút cho thấy 140 chiếc ô tô, 82 xe ba gác, 181 xe đạp và 45 người đi bộ đã đi qua người đàn ông khốn khổ thế nhưng tất cả không ai mảy may đếm xỉa xem ông còn sống hay đã chết.

Vào 17:25 ngày 13/10/2011, tại thành phố Phật Sơn (Nam Hải, Trung Quốc), một bé gái tầm 3 tuổi đang chơi ở trong khu chợ, bỗng nhiên một chiếc xe tải đi qua và… cán cả bánh xe vào người cô bé! Cô bé nằm trên đường, không thể di chuyển được. Một số người qua đường có nhìn thấy, nhưng không quan tâm. Một vài phút sau, một chiếc xe tải chạy qua một lần nữa và lại chẹt vào người cô bé. Cô bé vẫy tay kêu cứu, nhưng không ai giúp đỡ em cả, cũng không ai gọi điện thoại cho cảnh sát. Trong tổng số 20 người qua đường, tất cả đều bỏ mặc bé gái. – Kênh 14 cho hay.

Ngày 11/12/2020, trên đường DT.741, thuộc ấp Vinh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, một nam thanh niên đang điều khiển xe máy hướng Bình Dương đi Bình Phước, bị té ngã lăn ra đường. Lúc này lần lượt có bốn người điều khiển xe máy đi ngang qua nhưng không ai có ý định cứu giúp. Họ đứng lại nhìn rồi điều khiển phương tiện đi tiếp. Sau đó do trời tối, không có đèn chiếu sáng, một xe khách cán ngang người, kéo lê nạn nhân. Lúc này nhiều người mới chạy tới, nhưng nạn nhân đã tử vong. – Theo báo điện tử VOV.

 

Chúng ta không thể ghi lại tường tận cũng như không thể kể hết tất cả những hành vi thờ ơ vô cảm của con người. Nhưng chúng ta có thể nhắc đến một thói quen phổ biến của nhiều người khi trông thấy người bị nạn, đó chính là quay lại vụ việc bằng điện thoại khi trông thấy tai nạn. Kiểu người này không khác mấy người vô cảm chỉ theo dõi vụ việc trực quan bằng mắt mà không có ý định giúp đỡ, chỉ có điều con mắt của họ được thông qua một thiết bị hiện đại khác. Trông thấy người chết đuối, quay phim lại. Trông thấy chồng bạo hành vợ, quay phim lại. Trông thấy người gặp tai nạn giao thông, quay phim lại….Tính hiếu kỳ của con người đã vượt lên trên cả tình thương đồng loại. Giới khoa học cho rằng Trái Đất ngày càng chật chội vì dân số gia tăng. Tôi thì không mặc nhiên tin điều này là đúng. Nếu Trái Đất chật chội đến vậy thì tại sao con người ngày càng xa cách nhau đến thế ?


 

Nguyên nhân thứ nhất: Sự khuếch tán trách nhiệm

Có thể bạn chưa biết, chúng ta hành động như thể chúng ta vô tâm bởi vì chúng ta đang mắc phải Hiệu ứng Người Ngoài Cuộc (By Standers Effect). Hiệu ứng này cho rằng ở giữa một cuộc tai nạn bất ngờ, càng nhiều người chứng kiến thì càng ít sự giúp đỡ được đưa ra. Khi xem bản thân là một phần của đám đông, trách nhiệm giúp đỡ người khác cũng được gán ghép chung cho một tập thể. Khi gánh nặng được san sẻ bớt, đồng nghĩa với việc trách nhiệm đã được khuếch tán cho nên một số người cho rằng giúp đỡ không phải là nghĩa vụ bắt buộc của họ. Tất cả mọi thứ đều tương đối một cách tuyệt đối, tất nhiên điều này sẽ không đúng hoàn toàn nhưng nó diễn giải được phần nào những hành động của con người trong xã hội hiện đại. Đổi lại, khi chúng ta tình cờ trông thấy một người rủi vận trên đường, mà xung quanh hầu như không có thêm bất kì nhân chứng nào, tiềm thức sẽ thúc đẩy để chúng ta đưa ra một lựa chọn mang tính tích cực hơn.  Khi chỉ có duy nhất bản thân trông thấy sự khẩn cầu mà không giúp đỡ, cơ chế của ăn năn sẽ được tiết ra. Và dù rằng chúng ta không phải là căn nguyên đẩy họ vào đường cùng, chúng ta vẫn sẽ chịu bị giày vò bởi sự dằn vặt suốt một khoảng thời gian dài, thậm chí là suốt cuộc đời.

Nguyên nhân thứ hai: Tâm lý đám đông

Tâm lý đám đông là một phản ứng tâm lý gây ra bởi phản ứng sợ hãi áp lực lên tâm lý cá nhân làm xuất phát ra hành động để tránh cảm giác "bị loại ra khỏi nhóm". Trong trường hợp đám đông đứng trước một vụ tai nạn, chúng ta sẽ mang một trạng thái tâm lý hợp thể nhất biến. “Không ai giúp đỡ, thì việc gì mình phải giúp”, hoặc “Có thể đó là người không đáng giúp nên mọi người đứng nhìn, việc của mình là hành động theo mọi người” .Đây chính là suy nghĩ phổ biến của người đứng trong đám đông. Theo đó chúng ta mang tâm lý e ngại rằng đứng ra giúp người bị nạn một mình là một hành vi kỳ quặc đi ngược lại với đa số. Chúng ta cho rằng điều này sẽ bị cười nhạo và chỉ trích thế nên tốt nhất việc của mình là trốn tránh. Chẳng có gì an toàn hơn là trốn trong vỏ bọc của đám đông.

Nguyên nhân thứ ba: Sợ mang vạ

Tất cả chúng ta đang bị truyền thông dẫn lối. Điều này không hoàn toàn cho rằng báo chí đang che mờ mắt chúng ta. Đơn giản là vì thời sự luôn đưa tin xấu để con người tránh khỏi mắc sai lầm, hoặc tránh bị lừa gạt. Người ta sẽ đưa tin một thanh niên giàn cảnh tai nạn giao thông để cướp của, chứ chẳng ai đưa tin thành phố XX tuyên dương anh A, chị B hay em C vì đã giúp đỡ đưa người bị nạn vào bệnh viện. Người ta sẽ đưa tin một người ăn xin nhờ quá giang rồi cướp luôn xe máy, chứ chẳng ai đưa tin một cô gái cho người ăn xin một ổ bánh mì vì lòng thương người,... Tất cả điều này nói lên rằng, chúng ta đang nhìn thế giới bằng một đôi mắt đơn chiều. Trái Đất đang quay quanh Mặt Trời, một mặt tối cũng có một mặt sáng, thế nhưng con người chỉ độc nhất nhìn vào mặt tối của nó. Bởi đơn giản, cảm giác lo sợ luôn chiến thắng lòng thương hại của chúng ta. Thà rằng để mặc người gặp nạn, xem như họ xui xẻo, còn hơn nhỡ đâu đó là người xấu đang lợi dụng lòng tốt mà hãm hại chúng ta. Bạn biết mà, giống như việc đưa người tai nạn giao thông đến bệnh viện rồi khai báo với cảnh sát, , việc giúp đỡ đôi khi ngốn chúng ta một đống thời gian. Mà đối với người trong bất kỳ tầng lớp xã hội nào, thời gian là vàng là bạc. Tất nhiên cũng sẽ hiếm có ai chịu vứt đống vàng bạc đó ra cửa sổ chỉ vì một người xa lạ. Vikas Swarup từng viết trong Triệu phú khu ổ chuột rằng: “Bất cứ chuyện gì xảy ra trong bốn bức tường của một gia đình đều là chuyện riêng của gia đình đó và chúng ta không thể can thiệp. Cậu còn là một thằng bé mồ côi còn ít tuổi. Cậu chưa hiểu đời. Nhưng tôi thì biết những chuyện đánh vợ, ngược đãi, loạn luân và hãm hiếp xảy ra hàng ngày tại những khu Chawl ở khắp Mumbai này. Tuy nhiên, không ai làm gì hết. Người Ấn Độ có khả năng tuyệt vời là nhìn thấy những đau đớn khổ cực quanh mình mà vẫn không bị ảnh hưởng. Vậy nên, như một người Mumbai đích thực hãy nhắm mắt, bưng tai, ngậm miệng lại, và cậu sẽ vui vẻ giống như tôi.”  Thế đấy, quyền năng không cho phép chúng ta giúp đỡ tất cả mọi người mà không tránh mang vạ vào thân. Chúng ta không phải thượng đế, cũng không phải một đấng toàn năng nào. Tất cả chúng ta đôi lúc vẫn phải sống ích kỉ chỉ vì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống riêng tư.



Nhưng bạn ơi, một trái tim không đập vì bất bình, vì cảm thông, vì ưu tư, vì xót xa trước những phận người bé nhỏ sẽ mãi mãi là một trái tim chết. Sẽ chẳng là gì nếu chúng ta chỉ là những con chim quý của bầu trời nhưng lại khuyết một chiếc cánh nên chẳng thể bay. Việc của ta sẽ là sống một cuộc đời bé nhỏ, rồi ăn năn đến chết. Hay tuy phí vài khắc đồng hồ nhưng cứu được một phận người lắt lay. Tất cả đều là lựa chọn của bạn vì tôi chẳng thể ngăn bạn, hay khuyên bạn làm gì, vì chúng ta chỉ là những đường thẳng song song cách biệt trong xã hội này. Nhưng đời người vốn hữu hạn, dẫu có vội cũng chắc gì ta đã sống đến trăm năm. Yêu thương nhau khi còn có thể là điều duy nhất ta có thể làm để chứng minh rằng dù ta có mất đi, trái tim này còn đập hoài vạn năm.

Tác Giả: Trương Ngọc Bích

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ngbch492/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

185 lượt xem, 180 người xem - 184 điểm