Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nỗ lực ảo - Căn bệnh

Từ lúc các tỉnh thành bắt đầu thực hiện lệnh giãn cách xã hội, chắc hẳn không ít bạn đã hào hứng lên kế hoạch tận dụng khoảng thời gian này để đổi mới cho bản thân mình. Nào là học thêm một ngôn ngữ mới; tập thể dục hàng ngày để có một thân hình "nuột nà" sau dịch; hay đọc những quyển sách nổi tiếng mà trước đây bạn mua về nhưng lại không có thời gian xem qua... 

Thế nhưng cái khí thế hừng hực ấy chỉ bùng cháy được vài ngày rồi lại theo cơn gió mà dần lụi tắt. Không ít bạn sẽ dùng vô số lý lẽ để biện minh cho hành vi của mình, nhưng suy cho cùng, đó chỉ là một cái cớ cho một chứng bệnh được gọi là "Nỗ lực ảo".


Vậy Nỗ lực ảo là gì?

Chắc hẳn nhiều bạn cũng thắc mắc tại sao đã gọi là nỗ lực - một sự phấn đấu để đạt được mục tiêu nào đó, lại còn bị gắn cái mác "ảo" phía sau?

Vậy đã bao giờ bạn nhìn lại tủ sách của mình, rồi đếm lại xem số lượng sách mua so với số lượng sách bạn đã đọc qua chênh lệch bao nhiêu không? 

Sách là tri thức. 

Điều đó không sai. Cho dù ở giai đoạn nào, việc đọc sách luôn là một trong những thói quen tốt được mọi người khuyến khích. Cũng chính vì lí do này mà nhiều hội sách được diễn ra ở khắp mọi nơi, thậm chí Chính Phủ nước ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc mà ký Quyết định số 284/QĐ-TTg vào ngày 24/2/2014, chọn ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. 

Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, bạn bắt đầu tìm hiểu thông tin về các hội sách, tra cứu mọi trang điện tử bán sách, hay săn cả đống mã giảm giá sách. Bạn nghĩ rằng mua sách không bao giờ là thừa, nên những cuốn sách mọi người khen hay, những cuốn bạn nghĩ mình nên đọc, những cuốn mua vì bìa đẹp... dần dần chất đầy trên kệ.



Thế rồi bạn chợt nhận ra mình không thể đọc nổi những gì mình đã mua, thậm chí có nhiều cuốn sách bạn còn chẳng dành thời gian lướt thử vài trang xem nội dung thế nào. Cứ thế những "tri thức" ấy dần chất đầy trong nhà bạn, chứ không phải trong đầu bạn.

Hay lấy một ví dụ khác. 

Chắc hẳn phong trào Eat Clean và hướng về lối sống "Xanh" trong những năm gần đây không còn xa lạ đối với mọi người. Đây là một chế độ ăn rất có lợi cho sức khoẻ nhờ sử dụng các loại thực phẩm tươi, sạch và "thuần túy" nhất. Ở Việt Nam, làn sóng Eat Clean bắt đầu lan tỏa từ năm 2017. Sau đó, vô số influencers, bloggers, YouTubers đua nhau chia sẻ kinh nghiệm hay thực đơn lành mạnh, cân bằng giữa các lượng thịt - tinh bột và rau. Các cộng đồng về Eat Clean bắt đầu lớn mạnh lên, mình tin là trong số các bạn ở đây, chắc hẳn cũng có nhiều người là thành viên trong các hội nhóm đó. 

Vậy chúng ta cùng mở lại mục “Đã lưu” trên Facebook, để xem có bao nhiêu công thức, bao nhiêu thực đơn được thực hiện thành công rồi? Tương tự như những quyển sách nằm trên kệ, những thông tin bạn lưu trữ trong thiết bị của mình cũng chỉ nằm yên một góc, hiếm khi nào bạn lấy ra nghiền ngẫm, hay suy nghĩ xem khi nào mình sẽ áp dụng những kiến thức ấy vào cuộc sống. Là vào ngày mai? Hay thôi ráng nốt tuần này, tuần sau làm cũng được?

Ngày mai là khi nào và kéo dài bao lâu, chẳng ai có thể hình dung chính xác. Sự chần chừ đó cứ kéo dài đến một ngày, bạn chợt nhận ra: A! Sao mình chẳng thể làm được việc gì cho ra hồn vậy nhỉ? 

“Chứng bệnh nỗ lực ảo” là như thế đó.

Mình cũng đã từng rơi vào trường hợp như thế, cho đến khi mình nhận ra thời gian của bản thân đang bị lãng phí. Khi mình dễ dãi với bản thân, cứ cho phép mình tiếp nhận mọi thứ một cách không có chủ đích thì thực chất mình sẽ chẳng tiếp thu được cái gì cả. 

Cái gì cũng muốn, nhưng lại không biết muốn gì

Tiếp nhận mọi thứ một cách không có chủ đích nghĩa là thấy cái gì hay ho cũng đều muốn thử, chẳng hạn như thấy một quyển sách hay cũng muốn mua về đọc, thấy một công thức nấu ăn ngon cũng lưu lại định làm… Bạn cứ mơ hồ trong sự hứng thú, tò mò của vô vàn thứ hay ho trên đời, muốn nỗ lực để được như thế, nhưng khi đào sâu vào vấn đề, làm thế nào để đạt được những điều đó, kế hoạch cụ thể ra sao… thì bạn vẫn chưa có sự hình dung rõ ràng về nó.

Nếu như bạn không thật sự cố gắng thì bạn không chỉ mãi rơi vào vòng lẩn quẩn giữa hứng thú - góp nhặt - bỏ xó không lối thoát, mà còn phải trả giá cả về thời gian, tiền bạc, hay cả chi phí cơ hội của bản thân. Và tất nhiên, chẳng có con người hoàn thiện cũng như sự thành công nào được nhắc đến ở đây cả.

Muốn cố gắng làm một việc gì đó, trước tiên bạn cần phải xác định được sự cố gắng của mình mang lại mục đích gì. Nhiều người cảm thấy họ như con thuyền đang lênh đênh trên biển, cho dù bản thân vẫn đang làm việc chăm chỉ, nhưng dường như không đạt được điều gì đáng giá.

Bởi, họ đã không dành đủ thời gian nhìn lại bản thân, thận trọng suy nghĩ về những điều mình muốn để thiết lập mục tiêu chính thức. Suy cho cùng, bạn sẽ chẳng thể đi đến đâu nếu không biết rõ đích đến của mình.

Khi xác định được hành động của bạn mang lại giá trị gì, bạn sẽ biết mình cần tập trung nỗ lực ở đâu để đạt được những giá trị đó. 

Hãy bắt đầu lập mục tiêu cá nhân

Việc lập mục tiêu cho bản thân sẽ khiến bạn tự tạo cho mình một áp lực vô hình, thôi thúc bạn phải hành động thay vì rơi vào tình huống mông lung không biết làm gì.

Theo Wikipedia, “Mục tiêu là một ý tưởng của tương lai, hoặc kết quả mong muốn của một người hay một nhóm người đã hình dung ra, kế hoạch và cam kết để đạt được. Những nỗ lực để đạt được mục tiêu trong một hữu hạn thời gian, bằng cách đặt ra hạn chót”. 



Hay nói cách khác, khi đã có những mục tiêu cụ thể, mỗi người chúng ta sẽ tự có trách nhiệm hơn trong mỗi hành động của mình. Áp lực vô hình cũng chính là nguồn động lực khiến bạn nỗ lực hơn, tập trung hơn vào việc làm thế nào để hoàn thành được những mục tiêu đề ra trước mắt.

Có nhiều cách để thiết lập mục tiêu

Không quá khó để bạn có thể tự tìm cho mình một phương pháp thiết lập mục tiêu phù hợp. Lúc mới bắt đầu, bạn chỉ nên đặt ra những mục tiêu nhỏ, như đọc hết một quyển sách trong 1 tuần, hay hoàn thành một bức tranh trong vòng 3 ngày chẳng hạn. 

Đừng xem thường những mục tiêu nghe có vẻ không đáng kể này. Nếu việc đặt mục tiêu quá cao so với khả năng của bản thân là nguyên nhân khiến bạn dễ bị “quá sức” và dẫn đến thất bại, thì những mục tiêu nhỏ lại chính là bàn đạp vững chắc, giúp cho bạn từng bước hình thành thói quen, sự kiên trì để hoàn thành mục tiêu lớn hơn.

Bạn có thể sử dụng phương pháp thiết lập mục tiêu thông minh SMART của George T. Doran. Phương pháp này bao gồm các tiêu chí khác nhau, đảm bảo mục tiêu có thể đạt được trong một khung thời gian nhất định.

    S-Specific: cụ thể

    M-Meaningful: ý nghĩa

    A-Attainable: khả thi

    R-relevant: phù hợp, liên quan

    T-Trackable: có thể theo dõi được



Mỗi một tiêu chí trong SMART đòi hỏi bạn phải xây dựng cho mình kế hoạch những việc cần làm, từ đó giúp bạn biết được khi nào mình sẽ thành công nếu tiếp tục duy trì theo tiến độ ấy. Phương pháp này cũng giúp loại bỏ những suy nghĩ chung chung và phỏng đoán, bạn sẽ không sợ bị rơi vào trạng thái mơ hồ, không chắc chắn như trước đây.

Lấy một ví dụ đơn giản, nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe của bản thân, hãy cân nhắc đến việc tham gia các hoạt động thể thao, đi đến phòng gym, hoặc ít nhất thì bạn cũng có thể xem YouTube rồi tự tập luyện tại nhà. Hãy căn cứ vào các tiêu chí trong phương pháp SMART để xác định xem đâu là phương thức tập luyện mang tính khả thi dành cho bạn.

Bạn có thể bắt đầu hành trình cải thiện sức khỏe của mình bằng việc đi bộ mỗi sáng 30 phút, sau đó tăng dần mức độ hoạt động lên thành chạy quanh công viên 1 tiếng một ngày. Khi có khung thời gian rõ ràng cho việc tập luyện, cho dù bận đến mấy, bạn vẫn phải cố gắng bỏ ra vài phút để tập thể dục theo đúng như kế hoạch đã định. Lâu dần, sự kiên trì cùng tính kỷ luật sẽ được hình thành. Khi bạn cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể dù chỉ là một chút, bạn sẽ không còn cảm thấy lười biếng hay bị áp lực mỗi khi phải tập luyện, mà việc chạy bộ giờ đây đã trở thành một thói quen hàng ngày.

Lưu ý rằng bạn có thể không đạt được 100% mục tiêu mình đặt ra mọi lúc, nhưng điều đó không quan trọng. Chủ yếu là bạn nhận ra bản thân đang tiến bộ, và căn bệnh mang tên "Nỗ lực ảo" kia cũng dần dần tiêu biến, thì đó chính là một sự thành công đáng trân quý của bạn rồi.


Nếu mỗi ngày ta chỉ cần cố gắng 1% khả năng của chính bản thân mình, thì sau 365 ngày, chúng ta sẽ tốt hơn 3,6 lần version hiện tại. Ngược lại, nếu chúng ta cứ loay hoay gom góp những cái hay của người khác mà không biết chắt chiu, đào sâu hơn tìm hiểu để cải thiện bản thân mình, thì version của chúng ta sau một năm không phải là con số 0, mà có thể sẽ về tới “âm vô cùng”.

"Nỗ lực ảo" là một căn bệnh khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Mặc dù dễ mắc phải nhưng căn bệnh này cũng không phải là không có cách trị nếu chúng ta xác định được đâu là nguyên nhân cốt lõi. Hy vọng bài viết này sẽ bắt đúng bệnh để bạn có thể bắt đầu thiết lập mục tiêu cho mình ngay từ bây giờ. Hãy luôn nhớ rằng chưa bao giờ là quá muộn để phát triển bản thân cả. 

Nguồn hình ảnh: freepik

Tác giả: Trần Thị Hoài Thương

  --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,419 lượt xem, 2,736 người xem - 2736 điểm