an lê@Triết Học Tuổi Trẻ
11 tháng trước
Nỗ Lực Ảo - Khi Sự Cố Gắng Chỉ Là Cảm Giác
NỖ LỰC ẢO - KHI SỰ CỐ GẮNG CHỈ LÀ CẢM GIÁC
Lời nói đầu
Lạc giữa những giấc mộng đơn hoàng của tuổi trẻ, đắm mình vào những cuộc phiêu lưu phương trùng ngàn dặm, để đến giờ đây khi tôi ngẫm lại mới thấy bản thân thực sự quá đỗi phi thường. Bởi đã từng có một tôi luôn cố gắng, luôn hết mình, luôn cháy bỏng vì những đam mê, vì ước mơ mà bản thân tự đặt ra. Tôi thích lắm, thích cái cảm giác đạt được gì đó và ngẫm nghĩ lại những dấu mốc mình trải qua. Nhưng, những chốc thoáng qua, tôi đã ngẫm nghĩ:”Liệu mình đã thực sự cố gắng chưa, hay đơn giản là tự mình cảm thấy sự nỗ lực đó nhưng lại chẳng thể tiến thêm bước nào cả”. Đó là khoảng thời gian tôi đã thực sự nghi ngờ bản thân, dày vò tâm trí tôi với những suy nghĩ:”Liệu rằng mình có thực sự xứng đáng với những gì mình đạt được?”. Sau đó tôi bỗng hiểu ra, căn bản ngay từ đầu tôi chưa từng cố gắng, một chút cũng không, chỉ là tôi đang hão huyền với những giấc mộng của tôi mà thôi, đó chính là “nỗ lực ảo”.
Mời độc giả cùng theo dõi bài viết này để chúng mình có thêm hiểu biết về “nỗ lực ảo” nhé!
Mộng tưởng về nỗ lực “ảo”
Mỗi chúng ta, khi bắt tay làm bất cứ điều gì đó đều mong mọi chuyện đến nơi đến chốn, đó là suy nghĩ đầu tiên của chúng ta. Song khi những ngày chẳng còn chút năng lượng nào, ta nhìn lại mới thấy rằng những thứ mình làm trở thành công cốc đến chừng nào. Đó được gọi là “nỗ lực ảo”. Để nói rõ hơn về vấn đề này, có thể hiểu nỗ lực ảo là tình trạng nhận thức được tầm quan trọng và lên rất nhiều kế hoạch học tập, làm việc nhưng lại không thực hiện được. Thay vì tập trung vào những việc cần làm, chúng ta lại dành thời gian vào những việc khác, cuối cùng không đạt được kết quả khả quan nào. Và càng ngày, dưới sự phổ biến của mạng xã hội, áp lực ngày càng nặng nề của chương trình học và các kỳ thi, cũng như trào lưu chạy đua theo thành tích, cụm từ “nỗ lực ảo” ngày càng trở nên quen thuộc hơn, trở thành tình trạng chung của rất nhiều bạn trẻ. Chính điều này dần dần khiến con người ta vướng mắc thêm về những hệ lụy về cả xác thịt lẫn tâm trí, khi liên tục mong cầu một thứ gì đó nhưng luôn bị vướng mắc trong suy nghĩ của chính mình.
Những người “nỗ lực ảo” và hành vi của họ
Nỗ lực ảo có thể hiểu là những nỗ lực không mang lại kết quả thực sự, mà chỉ tạo cảm giác là đã cố gắng. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong nhiều tình huống, từ cá nhân đến tổ chức. Giống như các căn bệnh khác, “nỗ lực ảo” là một căn bệnh không hiếm gặp song cũng không có bất kỳ liều thuốc riêng biệt nào có thể chữa khỏi. Sau đây là một số hành vi của những bệnh nhân mắc bệnh “nỗ lực ảo":
-Một người hoặc một tổ chức có thể thực hiện nhiều công việc nhưng không có kế hoạch cụ thể hay mục tiêu rõ ràng. Những công việc này thường chỉ mang tính hình thức, tượng trưng chứ không đóng góp được chút chất xám nào vào mục tiêu cuối cùng.
-Một số cá nhân hoặc tổ chức có thể đầu tư nhiều vào việc làm đẹp bề ngoài, báo cáo, hoặc các sự kiện quảng cáo để tạo ấn tượng về sự chăm chỉ, trong khi nội dung và hiệu quả thực tế lại không được chú trọng.
-Khi gặp khó khăn, những người có xu hướng nỗ lực ảo thường dễ dàng từ bỏ hoặc không kiên trì đến cùng. Họ có thể bắt đầu nhiều dự án nhưng hiếm khi hoàn thành một cách trọn vẹn.
-Họ lạm dụng những công cụ công nghệ mà không hiểu rõ cách thức hoạt động, hoặc chỉ sử dụng để "trình diễn" thì kết quả thường không thực chất.
-Những người có nỗ lực ảo thường có xu hướng biện minh cho việc không đạt được kết quả bằng các lý do bên ngoài như hoàn cảnh, tài nguyên, hoặc thiếu may mắn, thay vì nhận trách nhiệm và tìm cách cải thiện.
-Người có nỗ lực ảo thường hay nhấn mạnh vào thời gian làm việc hơn là kết quả đạt được, họ thường bỏ rất nhiều thời gian ra để làm một việc gì đó nhưng lại không quá tập trung vào quá trình, điều đó dẫn đến việc không hoàn thành được mục tiêu song vẫn mất thời gian và công sức, khiến tự “ảo tưởng” về những điều mình đã làm được.
Nguồn virus dẫn đến căn bệnh “nỗ lực ảo”
"Nỗ lực ảo" có thể hiểu là những nỗ lực không mang lại kết quả thực sự hoặc chỉ là biểu hiện bên ngoài mà không có sự thay đổi từ gốc rễ. Nó giống như việc bạn ở trên miệng giếng và lôi sợi dây lên, tay bạn thấy đau không có nghĩa là bạn sắp lấy được nước, nhưng bản thân bạn lại cho rằng mình sắp lấy được rồi. Điều này thực sự nghiêm trọng, đặc biệt trong thời đại số ngày nay. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:
-Chúng ta không có mục tiêu rõ ràng và cụ thể, mọi nỗ lực có thể trở nên mơ hồ và thiếu trọng tâm, dẫn đến việc chúng ta không biết nên làm sao cho đúng, và cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
-Có mục tiêu nhưng thiếu cam kết và kiên trì để thực hiện các bước cần thiết cũng dẫn đến nỗ lực không hiệu quả. Nhiều người bắt đầu với nhiều động lực nhưng dần dần mất hứng thú và từ bỏ giữa chừng, khiến mọi việc không thành và cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức.
-Không có đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện công việc, khi đó mọi nỗ lực của chúng ta có thể trở nên vô ích. Vì vậy việc học hỏi và nâng cao năng lực đối với việc bạn muốn làm là rất quan trọng để đạt được thành công.
-Đôi khi chúng ta mơ mộng rất nhiều, nghĩ ra rất nhiều viễn tưởng về một tương lai sáng lạn. Nhưng chúng ta lại quên mất việc lập kế hoạch. Có thể bạn chưa hiểu được tầm quan trọng của nó, nhưng chính việc này sẽ dẫn đường chỉ lối bạn như ngọn hải đăng để đạt được mục tiêu như đã đề ra.
-Nỗ lực cá nhân đôi khi có thể bị hạn chế nếu thiếu sự hỗ trợ từ người khác hoặc thiếu các tài nguyên cần thiết. Đôi khi nếu bạn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc các nguồn lực tài chính, công nghệ có thể làm tăng khả năng thành công.
-Quá trình nỗ lực cần được chính bạn kiểm tra và đánh giá liên tục để phát hiện và điều chỉnh sai sót. Nếu thiếu sự đánh giá và điều chỉnh có thể dẫn đến việc tiếp tục sai lầm và lãng phí những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra.
-Ngoài ra, môi trường xung quanh, bao gồm cả văn hóa tổ chức và môi trường làm việc, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của nỗ lực. Nếu bạn ở trong một môi trường không khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới có thể làm giảm hiệu quả của nỗ lực cá nhân.
Những gặm nhấm ăn mòn con người ta - hậu quả của “nỗ lực ảo”
Có thể đôi khi chúng ta không để ý rằng cơ thể và tâm hồn của chúng ta mỗi phút, mỗi giây đều linh hoạt thay đổi. Chúng diễn biến xấu, cũng có thể diễn biến tốt. Song nhiều người không để ý rằng, những nạn nhân của “nỗ lực ảo” đang dần bị chúng hút đi năng lượng đến hao mòn tâm trí, giống như một thứ thuốc nghiện không thể cai. Và dần dần, chúng ta cứ hoang tưởng trong vòng xoáy đấy mà chẳng bao giờ có thể thoát ra được. Ôi thật khủng khiếp biết bao!
Hãy cùng mình điểm qua một vài mối nguy hại từ căn bệnh “nỗ lực ảo” này nhé:
-Khi các nỗ lực và thành tựu không thực chất bị phát hiện, uy tín của cá nhân hoặc tổ chức sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến mất lòng tin từ đồng nghiệp, khách hàng và đối tác.
-Nỗ lực ảo thường đi kèm với việc thiếu hiệu quả trong công việc. Điều này có thể dẫn đến hiệu suất làm việc giảm sút, không đạt được các mục tiêu đề ra và ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh.
-Khi bản thân họ thấy rằng những nỗ lực thực sự của họ không được công nhận, hoặc những người chỉ "nỗ lực ảo" lại được khen thưởng, tinh thần làm việc chung có thể bị suy giảm. Điều này tạo ra môi trường làm việc tiêu cực và thiếu động lực.
-Thời gian, tiền bạc và tài nguyên bị lãng phí khi các nỗ lực ảo không đem lại giá trị thực sự. Điều này có thể gây lãng phí nguồn lực quý giá của chính bản thân họ.
-Cá nhân dựa vào nỗ lực ảo sẽ không phát triển kỹ năng và năng lực thực sự của mình. Điều này hạn chế sự phát triển cá nhân và cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Cứu rỗi con người ta khỏi “nỗ lực ảo”, tại sao không?
Dù rằng là một căn bệnh khó có thể cứu vãn, nhưng khi nào còn 0.01% thì tức là chúng ta còn hy vọng. Ngay sau đây, hãy cùng tôi tìm ra những liều thuốc có thể giúp chúng ta chữa khỏi căn bệnh thế kỷ này nhé:
-Đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường được. Điều này giúp mọi người hiểu rõ họ cần làm gì và vì sao điều đó quan trọng.
-Học cách tự đánh giá và nhận xét hiệu suất công việc của chính mình một cách minh bạch và chính xác. Điều này giúp bạn có thể phát hiện sớm những lỗ hổng và có biện pháp khắc phục kịp thời.
-Muốn khắc phục nỗ lực ảo, bạn phải tránh xa sự trì hoãn. Hãy học cách làm một công việc vào một thời gian nhất định, phân chia thời gian rõ ràng giữa học tập, làm việc và giải trí, tránh xa các vật dụng làm xao nhãng như điện thoại, máy tính bảng,..
-Nếu ôm đồm quá nhiều khiến ta mệt mỏi, tại sao không bỏ bớt những thứ không cần thiết? Thay vì liệt kê quá nhiều mục tiêu to lớn, hãy chỉ đặt mục tiêu vừa đủ, phù hợp với sức mình. Điều đó có thể giúp ta dễ dàng đối mặt với khó khăn mà ta gặp phải, hay thực hiện nó mà không cần phải mơ tưởng “rồi mình sẽ làm được”. Hãy thành thật đối mặt với những thiếu sót, những điều bản thân chưa làm được nhé!
Lời kết
Suy cho cùng, chẳng ai trong chúng ta muốn mình trở thành một phiên bản mà bản thân không yêu thích. Ai cũng muốn cố gắng, nỗ lực để đạt được ước mơ, hoài bão mà chính mình hằng ước. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều mà bản thân đang làm là đúng hay sai. Điều đó dẫn đến việc sai quá trình, và cũng sai kết quả. Một cái kết mà chẳng ai mong muốn xảy ra. Tuổi trẻ của chúng ta dài rộng lắm, chúng ta hãy cứ đi tiếp, hãy cứ ước mơ, hãy cứ đam mê và hãy cứ dại khờ. Nhưng đừng cho phép chúng ta quá đắm chìm trong một thứ gì đó, bởi nó sẽ làm con người ta mụ mị trong tiềm thức. Và “nỗ lực ảo” cũng là một ví dụ điển hình, đừng để ước mơ của bạn bị căn bệnh quái đản này làm cho lu mờ con đường mà bản thân đã chọn!
Tác Giả: Tâm An
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/antleez?mibextid=ZbWKwL
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
880 lượt xem, 767 người xem - 815 điểm