Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nỗi Ngộ Nhận Đáng Buồn Mang Tên "Loser" Của Thế Giới Hậu Tuổi Thơ

"Eo ơi sao mà nó giỏi thế, GPA những 3.8, IELTS thì 8.0, làm bao nhiêu hoạt động, lương 1k$/tháng, giúp đỡ bố mẹ bao nhiêu..., còn mình thì ngồi đây chả biết tối nay sẽ ăn cái gì nữa" 

Cái suy nghĩ này đã bao giờ xuất hiện trong đầu bạn chưa? Một sự ngưỡng mộ xen lẫn ganh tỵ, nhưng trên tất cả, là một niềm thất vọng và lạc lối. Điều này không lạ cũng chẳng mới, cảm giác đó có thể đến với bất kỳ ai bởi thước đo mỗi người là khác nhau và chắc chắn rằng ai cũng muốn mình tốt hơn. Tuy nhiên, muốn chỉ là một chuyện, đáng buồn là thế. Có những bạn trẻ vô cùng giỏi, rất thành công, CV như trong mơ, nhưng đôi khi vẫn bị cảm giác này theo đuổi, thậm chí nó còn là nỗi ám ảnh "Núi cao còn có núi cao hơn". Dẹp mấy câu chuyện đó sang một bên, ở đây vấn đề chính là bản thân cái nỗi ngộ nhận sai lầm đó, cái mà tôi mạn phép gọi là cảm giác "kinh khủng hơn cả sỉ nhục" mà những người đó bị gán cho cái mác "Loser".

                                                                                        Nguồn: Google



Bắt đầu từ góc nhìn thứ nhất - bản thân tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên một cách bình thường, mong muốn làm những điều phi thường, cuối cùng cũng nhận ra mình chỉ là một hát cạt vô thường, trôi nổi giữa thế giới tầm thươ này. Phải thành thật rằng, tôi đã từng trải qua rất nhiều cảm giác, bị gán rất nhiều nhãn mác lên người, dù chưa là gì với những người trưởng thành hơn. Nhưng may mắn thay, tôi có được trải nghiệm khách quan từ nhiều phía bời những cái "vai" tôi đã đóng. Có một điều không thể phủ nhận rằng, xuất phát điểm chính là khác biệt lớn nhất của mỗi con người, từ những gì là tự nhiên nhất. Xuất phát điểm của tôi chỉ là 1 gia đình làm công ăn lương rất đỗi bình thường, tôi lành lặn (vẫn may mắn hơn nhiều người), nơi tôi sống là 1 khu phố nhỏ nằm ngay giữa trung tâm đô thị tấp nập và một làng quê thơ mộng. Nói chung, tôi "bình thường" đến nỗi gần như vô sắc. Chính vì thế, tôi đã phấn đấu để không trở nên "bình thường" nữa, tôi muốn sự "khác biệt" nhưng vẫn muốn "giống như bạn bè đồng trang lứa". Đó quả thực là một đòi hỏi hơi phi thực tế, chính vì vậy, sao mà tôi có thể thực hiện được? Đó lại là một điều bình thường. 


                                "Bình thường như cân đường hộp sữa"

Ban đầu, tôi bị gán nhãn mác "thằng dị biệt", "bố thiên hạ chúa thiên nhiên", "nó-nghĩ-nó-là-ai-thế", vân vân. Có lẽ chúng tôi còn quá nhỏ để nhận ra những áp lực đó kinh khủng như thế nào với sau này. Chỉ khi lớn lên, khi dần dần cởi bỏ lớp áo tham vọng đó, tôi mới hiểu rằng ở bất cứ đâu, sẽ có những người muốn mình thất bại - hoặc ít nhất, là không thành công hơn họ. Cái mác "loser" dù hồi đó không rõ ràng, nhưng tôi cảm nhận được những hiệu ứng nó phát ra. Sự tách biệt, kì thị, xa lánh, thậm chí là một làn sóng tẩy chay. Tôi vốn không phải đứa ngu dốt, tôi vẫn cố gắng học bằng bạn bằng bè, nhưng có lẽ thế là chưa đủ. "Kẻ thua cuộc" ở đây chẳng cần phải là sự thua kém hơn ai, mà có thể chỉ là sự "dị biệt". Thế nhưng, đó là yếu tố khách quan hay chủ quan? Với góc nhìn mình tôi thì chưa đủ để có câu trả lời.


Một góc nhìn đối diện, ngôi thứ hai - những người xung quanh tôi.



Có lẽ bạn chẳng hề cô đơn, bởi xung quanh còn có rất nhiều người luẩn quẩn trong mớ hỗn độn của họ, chẳng ai 100% an tâm cả đâu. Tôi nhận ra lúc đó khi bản thân vừa bị điểm kém, than thở với một thằng bạn mà không hề biết rằng, tối hôm qua nó vừa phải chăm mẹ nó nguyên đêm ở bệnh viện. Mỗi khi nghĩ đến những rắc rối cá nhân, tôi lại thấy những người xung quanh sao lại bình thản đến thế. Hóa ra, họ cũng như mình, không muốn nói ra vì nỗi sợ hạ thấp bản thân mình. Ở câu chuyện "Loser" này, tôi từng chứng kiến và trò chuyện với rất nhiều anh/chị/em, nhiều nhất vẫn là bạn bè bởi họ đồng trang lứa với mình. Thực sự thì theo những gì mình thấy có 3 kiểu người: đa số là tự cho mình là "loser", rất ít người tỏ ra tự tin và "winner", còn lại là "kệ-mẹ-nó-er". Tôi xin phép hướng ống kính nhiều hơn tới đa số, bởi vì những người như họ nếu khách quan mà nói, chẳng hề "loser" một chút nào cả. Nhưng họ vẫn áp lực, thất vọng và chán, rất chán bản thân mình. Tôi từng cảm thấy chán chính mình, giai đoạn đó qua lâu rồi nhưng cảm nhận vẫn vẹn nguyên. Thế nhưng nó rất tiêu cực, chính vì thế nên chẳng ai xứng đáng với nó cả. Có một khái niệm là "peer  pressure", chỉ cái áp lực với bạn bè đồng trang lứa. Điều đó đang xảy ra khá nhiều và có xu hướng gia tăng ngày nay, nhất là khi mạng xã hội đang hoành hành. Vô hình trung, bạn bè và những người tôi quen, hiếm khi trân quý những gì họ có cả, họ chỉ thấy ghét nó thôi. Và rồi cố gắng theo đuổi những gì chẳng thuộc về mình, bỏ xa những điều xung quanh nhưng chẳng nhận lại được gì.


                                                        Kiếm từ google nốt

Tôi có một thằng bạn thân mà tôi hay tranh thủ hỏi thăm nó và hỏi han nhiều thứ, thứ tôi nghe nhiều nhất từ nó chính là "tao chịu". Không chỉ riêng mình nó, gần như những người xung quanh tôi đều bị cảm giác thất bại bủa vây. Tệ hơn, là so sánh, tôi còn bị đem ra so sánh và cả là chủ thể so sánh, sánh một lúc hai vế. Bản thân sự so sánh đã là khập khiễng giữa người với người rồi. Tôi hiểu, những người nói thế chỉ muốn tôi tốt hơn, nhưng không, không phải tốt hơn theo cách đó. Đừng vì mấy cái đó mà quên mất rằng mình là ai. Thế nên, hầu như tôi đều cố gắng nói với chúng bạn của tôi rằng: "Thứ khiến mày đau khổ mạnh mẽ nhất chỉ có thể là bản thân mày thôi, bỏ đi mà làm người".

Góc nhìn khách quan cũng như khó thấy nhất - ngôi thứ ba.


Với vốn hiều biết vẫn còn hạn hẹp của tôi, cái góc nhìn thứ ba này là khó khăn nhất. Mình phải đứng trên tất cả mới thấy được - tất nhiên là tôi không phái Chúa để làm được điều đó. Tôi chỉ biết tận dụng mọi cơ hội quan sát, tìm hiểu, khai thác thông tin và cố gắng suy luận chính xác nhất có thể. 

Thành thật mà nói, đúng là bây giờ vẫn tồn tại khoảng cách nhất định giữa những người cũng thế hệ, nhưng như tôi đã nói, "XUẤT PHÁT ĐIỂM". Đó là thứ bạn vô tình quên mất. Tại sao Bill Gates giàu có như vậy? Ông ấy có niềm đam mê với tin học và với gia thế khủng có thể tạo mọi cơ hội cho ông, điều đó hẳn là không khó khăn lắm. Tất nhiên ý của tôi không phải Bill Gates không xứng đáng. Thứ tôi muốn nói ở đây là, "loser" là một ngộ nhận sai lầm mà nhiều người tự gán lên mình, bạn hoàn toàn có thể trở nên tốt hơn, nhưng là tốt hơn "chính mình", chứ không phải tốt hơn "người khác". Còn một yếu tố quan trọng hơn mà nhiều người bỏ quên, tôi tìm hiểu được khi đọc cuốn "Những kẻ xuất chúng - Outliers" của Malcome Gladwell. Đó là "gặp thời", hay giới trẻ bây giờ hay nói là "thời tới cản không kịp". Bởi mọi thứ cứ như là lựa chọn sẵn khi nhiều người nổi tiếng trong cuốn sách có được cơ hội ngàn năm có một trong những thời điểm nhất định, thứ mà chỉ cần những người cùng khả năng khác đều có thể thực hiện được. Kiểu như, nếu không có Bill Gates thì sẽ có tôi nếu tôi sinh ra cũng thời vậy (chim cánh cụt). Tuy còn nhiều khía cạnh tôi chưa khai thác hết, nhưng tựu chung lại, vẫn là câu trả lời theo tôi là đúng từ câu hỏi "Cảm giác loser đến từ đâu" - chính là bản thân bạn.



Thế hả, vậy giờ làm gì?

Đơn giản thôi, như mọi cảm xúc tiêu cực khác, "loser" sẽ đến rồi đi, hãy giải quyết nó như cách bạn giải quyết nỗi buồn một cách bình thường. Theo tôi, hãy cố gắng lờ đi nó và tập trung vào những gì hiện tại. Hãy tránh xa mọi yếu tố có thể vẽ ra những thứ cao xa vời vợi với hiện thực của bạn - điển hình là mạng xã hội. Quan trọng nhất là mình bạn mà thôi. Cụ thể thì..

#1: Vào một ngày dù đẹp hay không đẹp trời, chỉ cần một chiếc tai nghe và một playlist của riêng mình.

Công thức để quên đi mình là thằng loser đấy, tin tôi đi nó hiệu quả cực, vì tôi thử nhiều lần lắm rồi. Bước một là hãy chắc chắn bạn có đầy đủ thiết bị để chill theo nhạc (với tôi là một cái tai nghe quèn và em iphone 6 nồi đồng nấu đá). Bước hai là hãy tự tìm cho mình một playlist chỉ riêng bạn thích nghe, tự trải nghiệm các bài hát thể loại bạn thích, cá bài trending gần đây và cả những bài bất hủ (tôi có 1 playlist indie Việt mà tôi èn joy lúc nào cũng được, tôi cực thích nghe Indie chẳng biết vì sao, dịp nào tôi sẽ share trên soundcloud về nhá). Bước cuối cùng, tìm một không gian không ai làm phiền, và ném mình vào đó cùng đống âm nhạc là xong. Bạn có thể vừa nghe vừa làm mọi việc khác, hiệu quả bất ngờ đấy. Tôi thề là khi bạn đã có niềm đam mê với việc này như tôi rồi, nó sẽ là liều thuốc vô cùng hữu hiệu để chữa lành cho tâm hồn của bạn, nhưng đừng lạm dụng nó nhé :p. Còn chờ gì nữa, đeo tai nghe vào và chill đi thôi.

#2: Phim ảnh có thể cứu rỗi cả một ngày đen tối.

Khi cảm thấy bản thân bất lực, hãy tìm kiếm một câu chuyện. Rõ ràng phim chính là thứ có thể cuốn hút chúng ta ngay từ đầu. Tôi khuyên bạn hãy dành thời gian tìm hiểu đôi chút, về thể loại và thông tin bên lề của phim. Đắm chìm vào chính những gì bạn thích sau khi tìm hiểu kĩ luôn là một giải pháp tuyệt vời. Phim ảnh cuốn hết mọi lo âu khác mà chỉ rẽ hướng quan tâm của bạn vào nó thôi. Có những bộ phim mà bạn muốn xem nhiều lần, còn có những bộ xem một lần thôi là đủ. Tôi cũng là một đứa mọt phim - hơi nerd một chút, nhưng chẳng sao cả. Phim ảnh cũng là một thứ để bạn đem ra bàn luận nếu mà chẳng có gì để nói. Với cảm giác thất vọng tiêu cực dai dẳng, hãy chọn một bộ phim lẻ dài 2-3 tiếng. Còn nếu cảm giác nó đến bất thình lình và dồn dập, hãy xem một bộ phim trong một series, bởi cảm giác háo hức và lôi cuốn giữa những tập phim có thể kéo bạn ra khỏi hố đen tiêu cực kia. Hãy lựa chọn khôn ngoan nhé.

#3: Rõ ràng khi bạn là một con vịt giữa bầy thiên nga thì thật đáng hổ thẹn, vậy tại sao không bơi lại chỗ bầy vịt ấy?

Rủ mấy thằng bạn chí cốt giải sầu chưa bao giờ là cách cũ. Tôi cá là những lúc “loser” như vậy rất khó để bạn bày tỏ với bố mẹ, đồng nghiệp, hay là người yêu (có đâu mà nói). Bạn bè, hay nói cách khác, bạn thân (ai nấy lo) sẽ là đối tượng để ta trút bầu tâm sự. Nếu bạn có một hội các bro, hội chị em hay gì gì đó, thì bất cứ hành động tự hành hạ mình sẽ chẳng bao giờ nhận lại sự vô tâm hay khinh thường. Thay vào đó là mấy cái vỗ vai, xoa đầu, hiểm hơn thì là mấy cái cười khằng khặc vào mặt bạn nhưng không hề ác ý chút nào. Thậm chí sẽ có một vài đứa kể những câu chuyện khác của chúng nó còn thảm hại hơn bạn, hoặc đơn giản mấy trò làm bạn cười phá lên cùng chúng nó. Những lúc như thế mình mới hiểu nếu có những người bên cạnh rồi thì sao còn thương hại bản thân làm gì, chúng nó cũng thế à.
Nếu bạn ngại, thì hãy lên mấy page hay group kín chia sẻ tâm tư của facebook ấy, à mà tôi thề là Voz không nằm trong số này đâu nhé, nhất định là không. Có rất nhiều nơi để bạn chia sẻ trên mạng xã hội, đó là một mặt phải rất tốt mà ít ai nhận ra khi nói về mạng xã hội. Khi bạn muốn tìm những ai cũng chung cảm giác thất bại như mình và tìm lời khuyên, với sự bùng nổ của gen Z, thật sự không thiếu những nơi để bạn tìm ra đồng đội. Tìm page/group thích hơn (một tips nhỏ là bạn có thể ghi “hội người x” với x là vấn đề mà bạn trầm cảm về bản thân), nếu là group thì hãy trả lời câu hỏi một cách thảm hại để và , tìm các bài đăng dở khóc dở cười, bình luận một vài câu, có thể bạn sẽ tìm được khá nhiều người có điểm chung với bạn đấy. Hoặc có thể bạn tự đăng post kể về cái sự “loser” của mình vào các group cũng được. Có một cách tích cực hơn là việc bạn thay vì tự nhục bản thân thì tự nhục cùng nhau, đó là tìm kiếm những câu chuyện “ấm lòng”. Nhưng nếu bạn quan tâm, thì hãy tìm group “Cháo hành miễn phí” nhé, nó sẽ không làm bạn thất vọng đâu.

#4: Và cuối cùng, hãy tiếp tục làm công việc mình đang làm với suy nghĩ: tôi tài giỏi, kệ mẹ bạn.

Đừng mất thời gian vào người khác, cũng đừng suy nghĩ tương lai sẽ đi về đâu. Nước xa chẳng cứu được lửa gần. Bài tập hay deadline còn chưa xong, cơm còn chưa nấu, hơi đâu mà nghĩ? Hãy nhớ rằng chẳng có ai là hoàn hảo, bạn cũng chỉ là một người bình thường, và nghĩ quá nhiều bản thân cũng là một điều tốt, bởi nó có nghĩa là bạn đang rất quan tâm về bản thân đấy. Đó là lời khuyên tôi nhận được từ một bạn (là nữ, là nữ đấy) khi tôi trải qua cái sự “chầm cãm” đó trong đời. Tôi là 1 gen Z, nên việc này cũng chả lạ lắm với tôi, nhưng những lời nói đó đã chữa lành tôi một cách ngỡ ngàng. Chúng ta đã nghĩ quá nhiều, đến nỗi ta quên mất rằng cuộc sống không chỉ để suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo mà còn là để cảm nhận. Think less, Feel more. Thế thồi.


Gán cái đoạn này thay lời kết cuối: 

– Sorry I’m always overthinking.
– I don’t mind.
– Why?
– You think a lot everything a lot because you care a lot about everything. I think It’s great. Very great.

(Lụm trên Dino comics)

Tác giả: Quang Minh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

620 lượt xem, 583 người xem - 583 điểm