Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phải Làm Gì Để Chống Lại Nỗi Sợ Mang Tên “Vòng Lặp”


Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác mỗi một ngày trôi qua lại lặp lại giống như ngày hôm trước chưa? Giống như khi bạn chơi game nhập vai phải làm các nhiệm vụ hằng ngày luôn luôn lặp lại đến mức nhàm chán. Cảm giác không còn muốn thực hiện việc đó nữa nhưng nó vẫn cứ diễn ra đều đặn như vậy. Cảm giác này tôi gọi tên nó là “vòng lặp”.

  • Vậy cảm giác vòng lặp này là gì?

Bạn có thể hình dung đây là một trạng thái cảm xúc bên trong luôn lặp đi lặp lại và được khuấy động bởi những yếu tố ngoại cảnh. Đây là một cảm giác mà chúng ta đã gặp rất nhiều lần rồi, đôi khi chúng ta đã nghĩ rằng “vết thương” cũ đã lành lặn. Vậy mà bây giờ chỉ vì một điều nhỏ bé liên quan đến chuyện cũ mà cảm xúc ấy lại ùa về và bạn thực sự bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn mà bạn không thể tìm thấy lối ra.

  • Bạn đã bao giờ trải qua vòng lặp hay chưa? Cảm giác như thế nào?

Với tôi, khi tôi gọi tên nó là vòng lặp thì tức là bản thân mình không hề muốn trong một vòng lẩn quẩn đó chút nào cả. Chỉ muốn kiếm lối ra, tìm cách quên đi những gì đang xảy ra trong vòng lặp đó. Ví dụ điển hình nhất cho chuyện này đó chính là sau khi chia tay, chúng ta thường đi chơi nhiều hơn, gặp bạn bè nhiều hơn, ít khi ở một mình hơn. Có những người xem đây là cách ăn mừng sau khi chia tay, nhưng có những người khác lại cho rằng dùng cách này có thể quên đi được nỗi buồn. Bởi vì khi ở một mình cảm giác đau lòng, nhớ nhung sẽ cứ lặp đi lặp lại khiến họ dằn vặt chính mình. Có những người chỉ cần ba ngày sẽ mất đi cảm giác này nhưng có những người khác lại cần đến nửa năm, một năm để thoát khỏi vòng lặp đau lòng ấy. Thường thường tâm trạng của chúng ta khi rơi vào vòng lặp đó là: khó chịu, bất lực, tồi tệ, muốn thoát ra khỏi mọi chuyện đang xảy ra. Và bạn biết đâu là điều đáng sợ nhất khi rơi vào vòng lặp không? Đó là khi bạn nhận ra bạn đang tự lừa mình dối người, bạn nghĩ mọi thứ đã ổn rồi nhưng thật ra chẳng đâu vào đâu cả, mọi thứ chỉ là bạn tự cho rằng đã qua. giống như bỗng dưng, có một chuyện gì đó liên quan đến vấn đề cũ khiến bạn nhớ lại và lại phải trải qua cảm giác đau lòng cũ, rồi lại phải vất vả vượt qua nó một lần nữa. Điều đó rất đáng sợ đúng không?

  • Điều làm bạn nhớ nhất khi trải qua cảm giác lặp đi lặp lại đó là gì?

Với tôi, điều khiến tôi nhớ nhất đó là cảm giác bất lực. Tôi biết rõ tôi đang rất khó chịu với những gì đang lặp lại, tôi cũng biết rõ tôi không nên như thế nhưng chẳng có cách nào vượt qua được. Tôi tìm đủ mọi cách cố gắng tránh né, lãng quên đi nó nhưng lãng quên là lãng quên không thể nào làm nó biến mất được. Cứ mỗi một ngày mới đến, điều tôi chán nản nhất vẫn sẽ ở đó, không hề mất đi và dường như tôi luôn đắm chìm trong đó. Giống như tôi vùng vẫy cách mấy vẫn không thể thoát được, chỉ có càng ngày càng lún sâu vào mà thôi. Bạn có như thế không? Mãi đến sau này tôi mới nhận ra, phải đi tìm nguyên nhân, nguồn gốc bắt đầu của nó trước rồi mới tìm ra được cách giải quyết phù hợp nhất. Chứ không phải cứ trốn tránh là giải quyết được, vấn đề nó sẽ luôn nằm ở đó mãi thôi.

  • Vậy bạn có biết vì sao chúng ta rơi vào vòng lặp không?

Thứ nhất, như tôi cũng đề cập ở trên chúng ta rơi vào vòng lặp vì chúng ta đang lừa dối chính mình, nghĩ rằng không có việc gì cả, nghĩ rằng đã vượt qua nhưng mọi thứ vẫn như thế.

Thứ hai, vì chúng ta lười biếng, chưa đủ ý chí, chưa đủ kiên cường để vượt qua. Trong thời đại mà mạng xã hội phổ biến như thế này thì chúng ta thường đắm mình vào trong những đoạn video ngắn và khó có thể thoát ra được. Bạn biết không, tôi đã đi hỏi những người xung quanh tôi, đa số họ biết điều này là xấu nhưng vẫn khó có thể sửa được. Họ đi học, đi làm rồi về nhà rồi lại lướt mạng xã hội đến khi ngủ, việc này cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác. Có những người đã cố gắng từ bỏ nhưng rồi lại đâu vào đó vì họ chưa đủ động lực, chưa đủ ý chí để vượt qua cám dỗ.

Thứ ba, có thể là do thói quen cũ đã khiến chúng ta rơi lại vào vòng lặp cũ. Như ví dụ ở trên thì khi chúng ta về đến nhà sau một ngày dài, chúng ta sẽ có xu hướng cho phép bản thân giải trí, lướt mạng xã hội để nghỉ xả hơi sau khi làm việc. Và việc này cứ kéo dài thì sẽ hình thành thói quen không tốt, mà đã là thói quen thì khó mà sửa được. Chính vì vậy mới khiến cho việc từ bỏ khó mà thành công được.

Thứ tư, do chính bản thân chúng ta không muốn thay đổi vì đã quen với mọi thứ rồi. Điều này cũng tương tự như việc chúng ta biết chúng ta rơi vào vòng lặp nhưng khó lòng mà thay đổi. Tôi coi đây là giai đoạn buông xuôi, tức là sau những cố gắng mà chẳng có kết quả gì khiến chúng ta buông xuôi. Bởi vì quá bất lực đâm ra chán nản và từ bỏ, chấp nhận mọi thứ cứ như vậy tiếp diễn.

  • Cách để bạn thoát khỏi nỗi sợ mang tên “vòng lặp”:

Nếu gọi đây là cách thoát khỏi vòng lặp thì không đúng. Bởi vì cuộc đời của chúng ta vốn là một vòng lặp. Con người sẽ chết đi sau đó tái sinh ở một kiếp khác. Chúng ta sẽ đói, sẽ buồn ngủ và nó tạo thành một vòng tuần hoàn. Chúng ta sẽ thất tình rồi sẽ lại yêu. Không phải vòng lặp nào cũng là đau khổ, tùy theo cách chúng ta nhìn nhận mà thôi. Cho nên tôi gọi đây là cách thoát khỏi nỗi sợ, không còn bị ám ảnh bởi việc mọi thứ cứ lặp lại gây ra nhàm chán.

Thứ nhất, đó là tận hưởng cuộc sống. Bởi vì, cuộc sống còn rất nhiều điều thú vị. Bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra điều đó nếu chỉ buồn chán vì mọi thứ cứ lặp đi lặp lại. Cuộc đời của con người nói ngắn không ngắn nhưng nói dài cũng không dài, chúng ta sống vốn không biết trước được ngày mai. Và con người khi sinh ra cũng đã bị trói buộc bởi đạo đức và pháp luật. Nếu đã vậy thì việc gì bạn phải thêm một nỗi sợ để bó buộc mình chứ. Việc khiến chúng ta sợ rất nhiều nhưng việc khiến chúng ta hứng thú, vui vẻ thì khó kiếm hơn nhiều, vậy nên chuyện buồn thì cứ ở đó còn chuyện của bạn đó là vui vẻ mà sống thôi.

Thứ hai, tìm kiếm những điều mới mẻ, thú vị. Khi bạn cảm thấy mình quá nhàm chán, không có gì khiến bạn cảm thấy thú vị nữa. Đó chính là lúc bạn nên đi ra ngoài, đi học những thứ bạn chưa học, đi làm những điều bạn chưa bao giờ dám thử. Bạn có biết vì sao khi buồn người ta thường đi du lịch không? Đó là bởi vì khi nhìn những khung cảnh mới, tâm trạng của bạn cũng sẽ tốt hơn. Đặc biệt là màu xanh của biển, của trời sẽ khiến cho tâm trạng bạn thoải mái hơn.

Thứ ba, tập trung vào một thứ khác. Khi bạn có việc phải làm, có việc để suy nghĩ, để bận rộn thì bạn sẽ không còn tâm trí để ý đến việc nỗi buồn có ập đến nữa hay không. Không còn quan tâm đến nỗi buồn thì bạn còn sợ gì vòng lặp nữa.

Thứ tư, làm bạn với chính mình, thay đổi góc nhìn, suy nghĩ. Đây cũng là điều quan trọng nhất, đối với một sự việc nào đó, khi chúng ta nhận định nó là như vậy thì nó sẽ là như vậy. Suy nghĩ chủ quan của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến những sự vật, sự việc và đặc biệt là ảnh hưởng đối với bản thân. Bạn thấy điều đó xấu thì sẽ chẳng bao nghĩ đến ngoài mặt xấu nó sẽ có những điều tốt gì. Vì vậy việc vòng lặp có ảnh hưởng đến bạn hay không cũng là do bạn suy nghĩ, vòng lặp có tốt hay không cũng là do bạn nhận định. Chúng chỉ khác mỗi góc nhìn nhưng ở mỗi góc nhìn khác nhau sẽ đem lại cho bạn những điều khác nhau. Và để có thể thay đổi được góc nhìn thì chúng ta cần phải thấu hiểu bản thân, cần phải nhìn nhận lại những gì chúng ta đã biết. Đó là điều cần thiết nhất khi đối diện với một nỗi sợ. 


Tác Giả:Nguyễn Kim

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +45,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,026 lượt xem, 936 người xem - 940 điểm

lh-fulllh-x