Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phải Làm Sao Khi Bỗng Một Ngày Bạn Nhận Thấy Đích Đến Của Mình Lại Là Xuất Phát Điểm Của Người Khác ?

 Đích đến của bạn lại là xuất phát điểm của người khác

I. 

Hồi mới vừa tốt nghiệp, trong thời gian chờ tìm việc ở Hà Nội, tôi và đám bạn đại học đôi khi ngồi cà phê với nhau. Đứa thì than thở, đứa nói về công việc vừa mới tìm được, đứa thì tính học lên tiếp...

- Này, bọn mày có nhớ cái A lớp bên không, cái con bé xinh xinh mà thằng C lớp mình từng tán một thời gian mà không đổ ấy? một đứa bạn vẫn được xem như cái loa thông tin của lớp bắt đầu. 

- Ừ, nhớ, mà sao? chúng tôi cũng tò mò. 

- Đợt này, tao qua ở chung với bà chị họ. Mới biết cái A là hàng xóm cách nhà chị tao có 1 nhà. Nghe chị tao kể, nhà nó ở quê giàu lắm. Lên đại học bố mẹ mua cho hẳn cái chung cư chỗ chị tao đang ở. Tốt nghiệp một cái, tìm được việc, bố mẹ nó lại sắm thêm cho con xe 4 bánh, bảo là cho con gái đi lại đỡ vất vả nắng mưa, bạn tôi kể tiếp. 

- Sinh ra ở vạch đích sướng tụi mày nhỉ. Như cái A thì giờ chỉ cần kiếm anh chồng, sinh đứa con nữa là xong. Chẳng cần phải cố gắng gì nhiều. Còn đám tụi mình, giờ vẫn chật vật tìm việc, tiền nhiều khi còn không đủ tiêu trong tháng. Sau này, chẳng biết có kiếm nổi tiền để đổi xe máy mới hay không, chứ chưa dám nói là mua ô tô, mua nhà ở cái Hà Nội đắt đỏ này! một cô bạn khác của tôi tiếp lời. 

Cảm thán thì cảm thán vậy, dẫu sao cũng chỉ là chuyện của người, chẳng phải chuyện mình. Rồi chúng tôi lại quay sang tào lao về những chuyện khác. 

II. 

Bẵng một thời gian, theo ngã rẽ số phận, mỗi đứa một nơi. Trong số những người bạn thời đại học và cả thời cấp 3, tôi chỉ giữ liên lạc với một số người bạn thân thiết. 

Năm nay, một đứa bạn thời cấp 3 của tôi xin được học bổng thạc sĩ ở Mỹ. Học bổng bán phần, miễn phí tiền học, vé máy bay, thủ tục làm visa. Còn các các chi phí sinh hoạt thì tự túc. Sau khi tạm ổn định chuyện nhà cửa, đi học, đi làm thêm, nó gọi điện kể với tôi về tình hình bên đấy. 

Nó bảo, sang rồi mới thấy mình thua thiệt bao nhiêu. Rằng hồi còn ở Việt Nam, nó còn tự hào vì có tiếng Anh tốt, sang thì chẳng là gì vì bên đó tiếng Anh là tiếng bản địa. Trong lớp học, tụi bạn nó biết được 2,3 thứ tiếng nữa là chuyện thường tình. Nhiều đứa sinh ra trong gia đình đa quốc gia thì chuyện nói sõi 2,3 thứ tiếng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi tốt nghiệp, tụi nó có nhiều cơ hội tìm việc hơn. 

Nó kể, đôi lúc nó cảm thấy tụi kia như ở đích sẵn rồi, còn bản thân thì đang loay hoay, bò lóp ngóp đâu đẩu đầu đâu tận điểm xuất phát. 

III. 

Tôi hiểu phần nào cảm giác của bạn vì đã sống ở Pháp một thời gian.

Thú thật, lúc còn ở Việt Nam, tôi ít khi cảm thấy mình thua kém hay chưa bao giờ ganh tị bất cứ ai hoặc thấy cuộc đời này bất công với mình. Dẫu tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ chỉ là công nhân, không có nhiều thời gian chăm sóc việc học hành, không định hướng được nhiều cho tương lai của tôi. Tôi chẳng quan tâm khi nghe người này "sinh ra ngậm thìa vàng", người kia "sinh ra ở vạch đích". Bởi tôi tin, tôi có năng lực, tôi có khả năng, tôi có thể theo đuổi những thứ tôi thích. 

Ấy vậy mà, lúc sang đây, có nhiều thời điểm, niềm tin của tôi lung lay. Đó là khi hồ sơ xin học thạc sĩ của tôi bị đánh rớt so với những bộ hồ sơ khác khi ngành tôi đăng ký cần thông thạo thêm một ngoại ngữ như Anh, Tây Ban Nha, Italia hoặc Trung Quốc (tiếng Pháp là tiếng bản địa). Là khi tấm bằng đại học ở Việt Nam của tôi không có giá trị bằng những tấm bằng ở các quốc gia khác. Là những kỹ năng làm việc tôi có ở Việt Nam chẳng giúp ích được mấy khi ở bên này. Là ngoài trăm thứ phải lo như bao sinh khác, tôi còn phải lo chuyện làm giấy tờ của sinh viên quốc tế với đủ thứ giấy tờ bị hoạnh họe, yêu sách quan liêu. Rồi nỗi lo kinh tế khi tình hình dịch bệnh càng ngày càng đi theo chiều hướng xấu khiến việc làm thêm vốn đã ít nay càng khó tìm hơn. 

Lâu lắm rồi, tôi mới lại cảm thấy bị bỏ lại. Người ta ở một xuất phát điểm tốt, rất gần đích rồi mà tôi thì loay hoay ở vạch bắt đầu. Tôi thậm chí nghi ngờ năng lực của bản thân. 

Cuộc đời này có công bằng không? 

Một lẽ thông thường, khi bản thân đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều để tiến về phía trước. Nhưng lúc gần đến nơi, chưa kịp nghỉ ngơi, bạn mới hay rằng điểm đến này, lại chỉ là xuất phát điểm của một người khác. Còn người này đã đi cách bạn rất xa.

Mệt nhoài, chán chường, bạn cất tiếng tự hỏi "Cuộc đời này liệu có công bằng không?" 

Tôi tin rằng, bất cứ ai, bất cứ người trẻ nào cũng ít nhất một lần tự vấn bản thân câu này. Câu trả lời thì người có, người không. 

Từ trước đến nay, bản thân tôi luôn tự nhận mình may mắn. May mắn vì công việc giúp tôi có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện, số phận nhiều mảnh đời. May mắn vì được đi đây đó mở mang thêm tầm mắt hạn hẹp, gặp gỡ trò chuyện với những con người đến từ các nền văn hóa. Có lẽ nhờ vậy, tôi vẫn tin có một thứ gọi là công bằng trong cuộc sống này. 

Kể cả có đôi lúc, đứng trước những tháng ngày chông chênh, buồn bã nhất, tôi tự hỏi lại, cái niềm tin của mình trước đây vào lẽ công bằng ở cuộc đời liệu có còn đúng!? Bình tâm ngẫm nghĩ, một lần nữa, câu trả lời của tôi vẫn là “có”. 

Tôi thích một câu của Dương Minh Tuấn, một bác sĩ trẻ, một cây viết hài hước, hóm hỉnh đã chia sẻ như thế này: "Bố tôi dạy cuộc đời vốn rất công bằng, nhưng phải hiểu được rằng công bằng không có nghĩa là bằng nhau, thì con người mới bỏ đi được những tị hiềm, sân si mà sống với nhau trọn tình, vẹn nghĩa".

Ừ đúng vậy. Công bằng không có nghĩa là bằng nhau. Công bằng trong cuộc sống này không phải người ta được một thì bạn phải có một, người ta bỏ ra hai thì bạn phải được nhận hai.

Cuộc đời này vốn phức tạp, chẳng thể nào vận hành như cách một cộng một bằng hai. Thế nên càng không thể có cái thứ gọi là công bằng ngang nhau. Nếu cứ đăm đăm hiểu công bằng theo nghĩa định lượng, định tính thì chỉ khiến tâm trí con người ta thêm muộn phiền, khổ đau. 

Hãy tin vào bản thân thêm một lần nữa.

Con người chúng ta lúc mới sinh ra, chẳng ai có thể tự lựa chọn cho mình bố mẹ hay gia cảnh. Đã, đang và sẽ luôn có những người có điều kiện, địa vị tốt hơn rất nhiều so với người khác. Nhưng vậy thì sao?! 

Trên con đường trưởng thành, chắc chắn không bao giờ thiếu gian nan, vất vả, khổ cực, ấm ức, tủi hờn... Bất kỳ ai trong số chúng ta, kể cả những người có xuất phát điểm tốt hơn hay sinh ra ở vạch đích, không một ai có thể từ chối những khó khăn, cũng chẳng thể trốn được những bi kịch mà cuộc đời đem đến. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được tự do lựa chọn thái độ của mình trước những gì xảy ra. Hiển nhiên, thái độ này sẽ quyết định con đường của chúng ta. Vậy, chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào? 

Ta sẽ lựa chọn ngồi một chỗ than vãn, ỉ ôi về số phậm hẩm hiu, về cuộc đời đáng ghét đầy bất công đã trải qua. Hay ta sẽ đứng lên đối mặt, tiến bước về phía trước? Có thể, chúng ta không nhanh bằng người khác, nhưng điều này có quan trọng chăng. Điều quan trọng là chúng ta biết mình ở đâu, mình thiếu gì và cần phấn đấu những gì. 

Khi định vị được mình, hãy đặt niềm tin vào bản thân ta. Hãy cho bản thân thêm một cơ hội. Hãy tin vào khả năng ta có thể đương đầu với thất bại trong cuộc đời để khám phá bí ẩn cuộc sống và khám phá tiềm lực chính mình. Và tôi tin, một khi phấn đấu hết mình, rồi ai trong số chúng ta đều hái được quả ngọt cuối con đường. 

Tác Giả: Chu Thanh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100000276858694  

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

646 lượt xem, 614 người xem - 614 điểm