Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phạm Trù Là Gì ?

         Đặt vấn đề:

          “Phạm trù” là cụm từ mà bất cứ sinh viên nào cũng đã từng được nghe nói đến, thậm chí còn là nhiều lần. Bởi, đó là một khái niệm cơ bản và rất quan trọng ở bộ môn triết học – một môn học mà mọi sinh viên ở bậc đại học và cao đẳng đều phải trải qua. Nhưng, cho dù đã được học và nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, thì hiện nay hầu như tất cả các bạn vẫn còn rất mơ hồ về bản chất chung cũng như về khái niệm phạm trù.  

          Đó là điều rất bình thường. Bởi, thực ra phạm trù đã được các nhà triết học quan tâm nghiên cứu từ Thời Cổ Đại. Nhưng, trong suốt hơn hai ngàn năm trăm năm qua, cùng với quá trình hình thành và phát triển của triết học, các nhà triết học cũng như các nhà nghiên cứu lý luận trên khắp các châu lục đã cố gắng nghiên cứu và đưa ra khá nhiều quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về bản chất của phạm trù, mà chưa ai có thể lý giải một cách rõ ràng vấn đề hóc búa đó. Thậm chí, người ta còn không đưa ra được một định nghĩa nào thực sự thuyết phục về nó. Vì thế, tất cả các hệ thống lý luận về phạm trù đã ra đời từ trước đến nay đều không thể giúp cho nhân loại có được sự hiểu biết thực sự đúng đắn và đầy đủ về bản chất cũng như khái niệm phạm trù.  

          Trong các tài liệu triết học đang lưu hành ở nước ta hiện nay, hầu hết các tác giả đều giải thích rằng: “Phạm trù là khái niệm cơ bản phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ chung nhất của các sự vật, hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định của hiện thực”; Hay: “Khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, thuộc tính hoặc mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực hiện thực nhất định thì được gọi là phạm trù”… Tức theo họ, bản chất của phạm trù và khái niệm chỉ là một, sự khác nhau cơ bản giữa chúng chỉ nằm ở chỗ mức độ rộng hay hẹp của khái niệm mà thôi. Những khái niệm rộng nhất thì được coi là phạm trù, còn những khái niệm hẹp thì vẫn chỉ là khái niệm! Theo chúng tôi, đấy là cách lý giải rất sai lầm về bản chất của phạm trù.   

          Vậy, bản chất của phạm trù thực ra là gì?      

 

          1- Bản chất của phạm trù

 

          Phạm trù thực ra không phải là một loại khái niệm nào cả. Phạm trù và khái niệm là hai loại công cụ tư duy mang hai bản chất hoàn toàn khác nhau.                 

          Khái niệm chỉ là một hệ thống tri thức khái quát hay hình ảnh chủ quan về từng đối tượng hay mỗi loại đối tượng cụ thể tồn tại trong thế giới khách quan. Còn phạm trù chính là cái đối tượng hay loại đối tượng cụ thể thực sự tồn tại trong thế giới khách quan đã được con người nhận thức thông qua những khái niệm tương ứng. Nói một cách khác, phạm trù là cái thực sự tồn tại trong thế giới khách quan, chứ nó không phải chỉ là những hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Tuy nhiên, không phải bất cứ cái gì thực sự tồn tại trong thế giới khách quan cũng đều là phạm trù, mà chỉ những cái thực sự tồn tại trong thế giới khách quan, nhưng đã được con người nhận biết và phân biệt trên cơ sở những khái niệm tương ứng, thì chúng mới trở thành phạm trù. Nghĩa là, mặc dù trong thế giới khách quan còn có rất nhiều cái tuy cũng tồn tại thực sự, nhưng nếu chúng chưa được loài người nhận biết và phân biệt trên cơ sở những khái niệm tương ứng với chúng, thì những cái đó không phải là phạm trù. Như vậy, phạm trù là cái xuất hiện đồng thời với khái niệm tương ứng với nó, nhưng nó không đồng nhất với khái niệm tương ứng ấy. Nói một cách khác, khái niệm chỉ là công cụ tư duy để chúng ta nhận biết và phân biệt các phạm trù. Còn phạm trù mới chính là công cụ tư duy để chúng ta nhận thức, hiểu biết sâu hơn về bản chất, quy luật và mối liên hệ phổ biến của các sự vật trong thế giới khách quan.     

          Vì phạm trù là cái thực sự tồn tại trong thế giới khách quan, đã được con người nhận biết và phân biệt trên cơ sở những khái niệm tương ứng, cho nên mỗi khi loài người tìm ra một phạm trù mới, thì cũng có thêm một khái niệm mới được hình thành và ngược lại. Tức, mỗi phạm trù đều phải gắn liền với một khái niệm cụ thể. Do vậy, khái niệm và phạm trù luôn gắn bó nhau như hình với bóng. Tên gọi của chúng cũng hoàn toàn trùng khớp với nhau. Chính vì thế mà rất nhiều người đã không phân biệt được, nên đã nghĩ rằng phạm trù và khái niệm có chung một bản chất, thậm chí có người còn đồng nhất chúng với nhau.

          Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể xây dựng một định nghĩa mới về “Phạm trù” với nội dung như sau:         

          Phạm trù là cái thực sự tồn tại trong thế giới khách quan đã được con người nhận biết và phân biệt trên cơ sở những khái niệm tương ứng.    

          Phạm trù và khái niệm tuy mang hai bản chất hoàn toàn khác nhau, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ phản ánh. Trong mối quan hệ phản ánh đó, khái niệm là cái phản ánh, còn phạm trù là cái được phản ánh. Về nguyên tắc, nếu không có cái được phản ánh thì không có nội dung để cái phản ánh thực hiện sự phản ánh. Nội dung của sự phản ánh trước hết do cái được phản ánh quy định. Vì thế, nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ về cái được phản ánh, tức không có sự hiểu biết nhất định về phạm trù, thì chúng ta không thể diễn tả một cách rõ ràng cái phản ánh nó, do đó nội dung của khái niệm không thể phản ánh đúng về phạm trù mà nó phản ánh. Vì vậy, muốn có một khái niệm đúng, thì chúng ta phải có những tri thức nhất định về cái phạm trù mà khái niệm đó phản ánh. Mặt khác, nếu không có cái phản ánh thì cũng không có sự phản ánh. Hơn nữa, không phải bất cứ cái phản ánh nào cũng phản ánh chính xác và đầy đủ các đặc điểm, tính chất của cái được phản ánh. Nói một cách khác, nội dung của khái niệm cũng có thể bị chi phối, làm nó phản ánh méo mó, thậm chí không đúng với chính cái mà nó phản ánh. Vì thế trong thực tế cuộc sống, rất nhiều khái niệm tuy đã được hình thành, nhưng nội dung của chúng lại phản ánh không đúng, không đầy đủ nội dung của phạm trù mà nó phản ánh. Do vậy, với một số khái niệm đã có, chúng ta vẫn cần phải chỉnh sửa, mài sắc, gọt giũa và bổ xung thêm những nội dung mới hay thậm chí thay thế nội dung cũ bằng một nội dung hoàn toàn khác để chúng phản ánh chính xác và đầy đủ hơn bản chất của phạm trù mà chúng phản ánh.  

          Mỗi khái niệm luôn có hai mặt, đó là nội dung và hình thức. Hình thức của khái niệm chính là cái thuật ngữ biểu thị tên gọi của khái niệm đó. Các thuật ngữ biểu thị tên gọi của khái niệm có thể là một từ hay một cụm từ, có thể là danh từ, đại từ, động từ, tính từ, trạng từ và các từ loại khác. Chứ không nhất thiết chỉ có mỗi danh từ chỉ tên của khái niệm như nhiều nhà triết học và nhà nghiên cứu lý luận trong lịch sử đã quan niệm. Do đó, ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các khái niệm. Không có ngôn ngữ, thì loài người không có khái niệm và do đó cũng không có cả phạm trù cũng như mọi tri thức nói chung. Còn nội dung của khái niệm là một hệ thống tri thức khái quát hay cái hình ảnh chủ quan về phạm trù tương ứng với khái niệm đó, chứ không phải là bản thân cái phạm trù được khái niệm đó phản ánh.

 

          2- Các yếu tố cơ bản của phạm trù

 

          Mỗi phạm trù đều có hai yếu tố cơ bản, đó là nội hàm và ngoại diên.

          - Nội hàm của phạm trù:

          Nội hàm của phạm trù là một hệ thống các thuộc tính quy định bản chất của nó, làm cho nó là nó chứ không phải là cái khác và nhờ nó mà người ta mới có thể nhận biết cũng như phân biệt được phạm trù đó. Ví dụ: Nội hàm của phạm trù “Con cá” là một hệ thống các thuộc tính quy định bản chất của nó như: Là loài động vật có xương sống, sống ở dưới nước, bơi bằng vây và thở bằng mang…   

          Bản chất của phạm trù do nội hàm của phạm trù đó quy định. Nói một cách khác, nội hàm của phạm trù là yếu tố biểu thị mặt chất của phạm trù. Nó giúp ta trả lời câu hỏi: Bản chất của phạm trù đó thực ra là cái gì?

          - Ngoại diên của phạm trù:

          Ngoại diên của phạm trù là giới hạn phạm vi những cái đơn nhất hay những đối tượng cụ thể có thuộc tính bản chất giống nhau mà phạm trù đó bao quát.

          Mỗi đối tượng cụ thể hay mỗi cái đơn nhất có thuộc tính bản chất giống nhau là một phần tử tạo nên ngoại diên của phạm trù, còn ngoại diên của phạm trù là tập hợp tất cả các phần tử cụ thể hay cái đơn nhất trực thuộc lớp đối tượng đó. Ngoại diên của phạm trù là yếu tố biểu thị mặt lượng của phạm trù. Nó giúp chúng ta trả lời câu hỏi: Phạm vi các đối tượng mà phạm trù đó bao quát rộng nhiêu? Bao gồm những cái đơn nhất nào?  

          Ngoại diên của phạm trù có thể là một số vô hạn, tức vô số các đối tượng. Ví dụ: Phạm trù “Ngôi sao” bao gồm vô số các vì sao trên Trời. Cũng có thể là một số hữu hạn các đối tượng mà ta có thể đo đếm được. Ví dụ: Phạm trù “Người Việt Nam” có khoảng 95 triệu cá nhân. Cũng có phạm trù mà ngoại diên của nó chỉ có 1 đối tượng duy nhất hay một cái đơn nhất. Ví dụ: phạm trù sông Hồng, phạm trù Ngài Tổng thống Putin… thì chỉ có một đối tượng. 

          - Mối quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên của phạm trù:

          Trong mỗi phạm trù, nội hàm và ngoai diên của nó có mối quan hệ gắn bó rất mật thiết với nhau. Mỗi nội hàm chỉ tương ứng với một ngoại diên nhất định. Mối quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên của phạm trù là mối quan hệ mang tính chất tỷ lệ nghịch. Có nghĩa là, ngoại diên của phạm trù càng rộng bao nhiêu thì nội hàm của nó càng nghèo nàn, đơn giản bấy nhiêu và ngược lại.  

          Để hiểu rõ hơn bản chất của phạm trù, chúng ta còn phải nghiên cứu về các loại phạm trù.  

 

          3- Các loại phạm trù

 

          Trong hiện thực khách quan chỉ tồn tại hai loại phạm trù cơ bản, đó là phạm trù cái chung và phạm trù cái riêng. Để hiểu hơn về hai loại phạm trù cơ bản đó, trước hết chúng ta cần phải hiểu về cái đơn nhất. Bởi, cái đơn nhất không những là cái chúng ta có thể dễ dàng nhận biết bằng trực giác, mà nó còn là cái đồng nhất với phạm trù cái riêng và chính nó là cái chứa đựng phạm trù cái chung.   

          - Cái đơn nhất:

          Thế giới xung quanh chúng ta là một mớ hỗn độn với vô vàn cái đơn nhất. Tất cả những gì mà hàng ngày chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy hay sờ tay vào được… đều chính là những cái đơn nhất.

          Cái đơn nhất là một đối tượng cụ thể thực sự tồn tại trong thế giới khách quan với những đặc điểm riêng biệt mà chỉ nó mới có, chứ không có ở bất cứ một đối tượng nào khác. Chẳng hạn, ngài Obama từng làm Tổng thống Mỹ là một cá nhân duy nhất tồn tại trong hiện thực mà không có ngài Obama thứ hai, tháp Eiffel ở Paris là cây tháp duy nhất mà không có cây tháp thứ hai nào khác giống y như nó trên thế gian này, cây đa Tân Trào là cây đa duy nhất sống ở tỉnh Tuyên Quang - Việt Nam mà không có cây đa nào khác giống y như thế, thậm chí chiếc iphone đã được sản xuất hàng loạt có vẻ giống y như nhau, nhưng chiếc iphone mà bạn đang sở hữu vẫn có những đặc điểm riêng mà không chiếc iphone nào khác có được đặc điểm ấy... Cái đơn nhất tồn tại dưới 7 hình thái cơ bản, gồm một sự vật, một hiện tượng, một quá trình, một thuộc tính, một mặt, một phương diện hay một mối liên hệ duy nhất. Từ những phân tích sơ bộ về cái đơn nhất như vậy, chúng ta có thể định nghĩa cái đơn nhất như sau:             

          Cái đơn nhất là một sự vật, một hiện tượng, một quá trình, một thuộc tính, một mặt, một phương diện hay một mối liên hệ tồn tại duy nhất trong Vũ Trụ này với những thuộc tính riêng mà chỉ nó mới có chứ không có ở bất cứ cái nào khác.

          Cần nhận biết sự giống và phân biệt khác nhau giữa “Cái đơn nhất” với “Phạm trù”. Cái đơn nhất là cái đồng nhất với phạm trù cái riêng, chứ nó không đồng nhất với phạm trù cái chung. Mỗi cái đơn nhất bao giờ cũng là một phạm trù cái riêng, đồng thời nó chứa đựng trong long mình nhiều phạm trù cái chung khác nhau. Vì đồng nhất với phạm trù cái riêng, mà mỗi cái đơn nhất luôn có rất nhiều thuộc tính, cho nên mỗi phạm trù cái riêng cũng có rất nhiều thuộc tính. Bên cạnh những thuộc tính riêng của mình, ở bất cứ cái đơn nhất nào cũng có một số thuộc tính chung với những cái đơn nhất khác. Do đó, mỗi cái đơn nhất còn có thể thuộc về nhiều phạm trù cái chung khác nhau. Ví dụ: Ngài Barack Obama là một cái đơn nhất hay là một phạm trù cái riêng. Với tư cách là cái đơn nhất, Ngài Obama cũng có thể thuộc về các phạm trù cái chung khác như phạm trù con người, người da màu, người Mỹ, người nam giới, người cha, người có gia đình, người giỏi làm chính trị, người giữ cương vị tổng thống nước Mỹ, động vật, sinh vật, vật chất… Bởi, ở ngài Obama hoàn toàn có các thuộc tính cơ bản đảm bảo cho sự tồn tại của những phạm trù cái chung đó.

          - Phạm trù cái riêng:

          Phạm trù cái riêng là loại phạm trù mà sự tồn tại của nó chỉ thông qua sự tồn tại của một cái đơn nhất hay của một sự vật, hiện tượng, quá trình, thuộc tính, mặt, phương diện hoặc mối liên hệ cụ thể.  

          Vì phạm trù cái riêng là loại phạm trù mà sự tồn tại của nó chỉ thông qua sự tồn tại của một cái đơn nhất hay của một sự vật, hiện tượng, quá trình, thuộc tính, mặt, phương diện hoặc mối liên hệ duy nhất trong thế giới khách quan, cho nên nó cũng chỉ có một hình thái tồn tại duy nhất. Có nghĩa là phạm trù cái riêng chính là cái đơn nhất. Ví dụ: Phạm trù Trái Đất là một hành tinh duy nhất trong Vũ Trụ mà loài người chúng ta đang sống, phạm trù Mặt Trời là một hành tinh duy nhất cung cấp năng lượng cho các hành tinh trong Hệ mặt trời, phạm trù Nguyễn Ái Quốc là một người Việt Nam duy nhất đã làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1969, phạm trù Putin là một người Nga duy nhất làm tổng thống Liên bang Nga hiện nay (Năm 2020)… Tên của phạm trù cái riêng bao giờ cũng là một danh từ riêng. Để gọi tên của phạm trù cái riêng, người ta thường ghép tên riêng của phạm trù đó cùng với danh từ chung chỉ lớp đối tượng chung mà phạm trù cái riêng đó trực thuộc. Ví dụ: Cây đa Tân Trào, con cừu Dolly, ngài Putin, nước Việt Nam, Trái Đất... Trong ví dụ trên, những danh từ như cây đa, con cừu, ngài, nước, trái... là danh từ chung. Còn những danh từ như Tân Trào, Dolly, Putin, Việt Nam... là danh từ riêng.

          Do phạm trù cái riêng và cái đơn nhất đồng nhất với nhau, cho nên các thuộc tính bản chất của cái đơn nhất cũng chính là các thuộc tính bản chất của phạm trù cái riêng. Vì thế, muốn nhận biết bản chất của phạm trù cái riêng, chúng ta chỉ cần nghiên cứu, tìm hiểu các thuộc tính bản chất của cái đơn nhất tương ứng.    

          - Phạm trù cái chung:

          Phạm trù cái chung là loại phạm trù mà sự tồn tại của phải thông qua sự tồn tại của nhiều sự vật, hiện tượng, quá trình, thuộc tính, mặt, phương diện hay mối liên hệ cụ thể, tức của nhiều cái đơn nhất.

          Tên gọi của phạm trù cái chung luôn luôn là một danh từ chung. Loại phạm trù cái chung lại có thể được phân tiếp thành ra hai loại, gồm loại phạm trù cái chung mà sự tồn tại của nó chỉ thông qua sự tồn tại của một loại cái đơn nhất và loại phạm trù cái chung mà sự tồn tại của nó phải thông qua sự tồn tại của nhiều loại cái đơn nhất.

          - Loại phạm trù cái chung mà sự tồn tại của nó chỉ thông qua sự tồn tại của một loại cái đơn nhất:

          Đây là loại phạm trù cái chung mà sự tồn tại của nó chỉ thông qua sự tồn tại của một loại cái đơn nhất và hình thái tồn tại của những cái đơn nhất đó cơ bản giống nhau, tức chúng thuộc về một loại đối tượng nhất định. Ví dụ: Máy bay là một phạm trù cái chung, thuộc về phạm trù máy bay có nhiều chiếc máy bay cụ thể đơn nhất, nhưng tất cả những cái máy bay đơn nhất đó cũng chỉ thuộc về một lớp sự vật nhất định, đó là chiếc máy bay. Con người là phạm trù cái chung, thuộc về phạm trù con người có nhiều cá nhân đơn nhất, nhưng tất cả những cá nhân đơn nhất đó cũng chỉ thuộc một lớp sinh vật nhất định, đó là lớp con người. Cốc uống nước là một phạm trù cái chung, thuộc về phạm trù cốc uống nước có nhiều cái cốc đơn nhất, nhưng tất cả những cái cốc đơn nhất đó cũng chỉ thuộc một lớp sự vật nhất định, đó là chiếc cốc… Tên gọi của các phạm trù cái chung loại này đều là một danh từ chung và nó cũng được dùng để gọi kèm với tên riêng của những cái đơn thuộc phạm trù cái chung đó.

          - Loại phạm trù cái chung mà sự tồn tại của nó phải thông qua sự tồn tại của nhiều loại cái đơn nhất:

          Đây là loại phạm trù cái chung mà sự tồn tại của nó phải thông qua sự tồn tại của nhiều loại cái đơn nhất và hình thái tồn tại của những cái đơn nhất đó rất khác nhau. Nghĩa là những cái đơn nhất được loại phạm trù cái chung này bao quát không cùng một chủng loại. Tên của loại phạm trù cái chung này là một danh từ chung và tên đó cũng khác hoàn toàn so với tên gọi của từng loại cái đơn nhất được phạm trù cái chung đó bao quát. Ví dụ: Năng lượng là phạm trù cái chung, thuộc về phạm trù năng lượng có nhiều loại cái đơn nhất, mà những loại cái đơn nhất đó có những hình thái tồn tại hay trực thuộc những lớp đối tượng rất khác nhau như: Lực, nhiệt độ, áp suất, điện năng…, Ngôn ngữ là phạm trù cái chung, thuộc về phạm trù ngôn ngữ có nhiều loại cái đơn nhất, mà những loại cái đơn nhất đó có những hình thái tồn tại rất khác nhau như: Lời nói, chữ viết, cử chỉ điệu bộ…, Sinh vật là phạm trù cái chung, thuộc về phạm trù sinh vật có nhiều cá thể sinh vật, mà những  cá thể sinh vật đó có những hình thái tồn tại rất khác nhau như: Con người, con cá, cây cổ thụ, vi trùng, con chim, tảo biển…  

          Tên của loại phạm trù cái chung này là một danh từ chung và tên đó cũng khác hoàn toàn so với tên gọi của từng lớp đối tượng trực thuộc phạm trù cái chung đó. Ví dụ: Tên của phạm trù năng lượng là “Năng lượng”, cái tên này rõ ràng khác với tên gọi của các loại cái đơn nhất trực thuộc phạm trù năng lượng, như lực, nhiệt độ, áp suất, điện năng… Tên của phạm trù sinh vật là “Sinh vật”, cái tên gọi này hoàn toàn khác với tên của các loại cái đơn nhất trực thuộc phạm trù đó như con người, con cá, con chim, cây cổ thụ…       

          Tóm lại, giữa phạm trù cái chung và phạm trù cái riêng có sự khác nhau rất cơ bản. Bởi, phạm trù cái riêng tồn tại chỉ thông qua một cái đơn nhất, còn phạm trù cái chung phải tồn tại thông qua một hay nhiều loại cái đơn nhất.   

          Giữa phạm trù cái chung và phạm trù cái riêng có mối quan hệ biện chứng. Để hiểu rõ hơn về phạm trù cái chung cũng như phạm trù cái riêng, chúng ta cần thiết phải nghiên cứu mối quan hệ biện chứng của chúng.

          - Mối quan hệ biện chứng giữa phạm trù cái chung và phạm trù cái riêng:

          Mối quan hệ biện chứng giữa phạm trù cái chung và phạm trù cái riêng biểu hiện trên một số khía cạnh cụ thể như sau:        

          - Phạm trù cái chung tuy là cái thực sự tồn tại trong thế giới khách quan, nhưng nó không thể tồn tại một cách độc lập thuần túy, mà phải thông qua sự tồn tại của những cái đơn nhất hay phạm trù cái riêng để bộc lộ ra sự tồn tại của mình. Nói một cách khác, phạm trù cái chung không thể tồn tại bên ngoài những cái đơn nhất, mà phải tồn tại thông qua những cái đơn nhất. Nhưng vì cái đơn nhất lại đồng nhất với phạm trù cái riêng. Do vậy, phạm trù cái chung luôn là cái ẩn giấu bên trong phạm trù cái riêng, thông qua sự tồn tại của phạm trù cái riêng để nó tồn tại. Chính vì thế chúng ta không thể trực tiếp tri giác các phạm trù cái chung, mà phải sử dụng sức mạnh của tư duy trừu tượng thì mới có thể nhận biết nó.

          - Mỗi phạm trù cái riêng hay mỗi cái đơn nhất được quy định bởi rất nhiều thuộc tính. Nhưng, những thuộc tính đó không tham gia hết vào việc quy định bản chất của phạm trù cái chung. Nói một cách khác, những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù cái chung chỉ là một phần trong số các thuộc tính của phạm trù cái riêng. Vì thế, nội dung của phạm trù cái chung thường không phong phú, súc tích, đầy đủ bằng phạm trù cái riêng. Tức, nội dung của phạm trù cái riêng bao giờ cũng phong phú hơn phạm trù cái chung. Nghĩa là nội hàm của phạm trù cái riêng thường đầy đủ và phong phú hơn phạm trù cái chung. Tuy nhiên, phạm trù cái riêng thì chỉ tồn tại thông qua một cái đơn nhất, còn phạm trù cái chung lại tồn tại thông qua rất nhiều cái đơn nhất. Do vậy, phạm vi bao quát những cái đơn nhất của phạm trù cái chung luôn rộng hơn so với phạm trù cái riêng. Nghĩa là ngoại diên của phạm trù cái chung bao giờ cũng rộng hơn phạm trù cái riêng.

          - Vì các thuộc tính quy định bản chất của phạm trù cái chung chỉ là một phần trong số rất nhiều thuộc tính của phạm trù cái riêng, tức ở phạm trù cái riêng vẫn còn những thuộc tính mà chúng không tham gia hết vào việc quy định bản chất của phạm trù cái chung. Chính những thuộc tính của phạm trù cái riêng không tham gia vào việc quy định bản chất của phạm trù cái chung đó làm cho nội hàm của phạm trù cái riêng sâu sắc, phong phú hơn nội hàm của phạm trù cái chung, đồng thời chúng là cái làm cho phạm trù cái riêng là chính nó chứ không phải là cái khác.     

          - Ở mỗi phạm trù cái riêng có rất nhiều thuộc tính và nhóm thuộc tính giống với những phạm trù cái riêng khác. Mỗi nhóm thuộc tính chung đó chính là yếu tố quy định bản chất của một phạm trù cái chung tương ứng và cùng tồn tại trong những phạm trù cái riêng đó. Do đó, ở mỗi phạm trù cái riêng có thể tồn tại đồng thời nhiều phạm trù cái chung khác nhau. Chẳng hạn: Ngài Barack Obama là một cá nhân, tức Ngài Obama là cái đơn nhất đồng thời là một phạm trù cái riêng. Vì là phạm trù cái riêng, nên ở Ngài Obama tồn tại rất nhiều thuộc tính. Trong đó, có những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù con người, có những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù người da màu, có những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù người cha, có những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù người làm tổng thống nước Mỹ, có những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù sinh vật, có những thuộc tính quy định bản chất của phạm trù vật chất… Do vậy, cá nhân Ngài Obama cũng đồng thời thuộc về nhiều phạm trù cái chung khác nhau như phạm trù con người, phạm trù người da màu, phạm trù người cha, phạm trù người làm tổng thống nước Mỹ, phạm trù sinh vật, phạm trù vật chất… 

 

          Lời kết:

 

          Hệ thống tri thức lý luận về phạm trù như vừa nêu trên không đơn thuần chỉ là giúp chúng ta hiểu biết bản chất chung cũng như khái niệm phạm trù, mà nó còn là tiền đề rất quan trọng đảm bảo cho quá trình nhận thức cũng như cải tạo hiện thực của chúng ta dễ dàng đạt được kết quả mong muốn. Bởi, thông qua hệ thống tri thức lý luận này chúng ta hiểu rõ rằng đối tượng nhận thức thực sự của mình chính là phạm trù, chứ không phải là cái đơn nhất và càng không phải là khái niệm. Từ đó, chúng ta sẽ tránh được cả hai kiểu sai lầm thường mắc phải: Một là coi đối tượng nhận thức của mình chỉ gồm những cái đơn nhất, điều đó dẫn đến việc bỏ sót loại phạm trù cái chung. Hai là coi đối tượng nhận thức của mình chỉ gồm các khái niệm, thì thay vì phải nhận thức thế giới khách quan chúng ta lại sa vào việc nhận thức những hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan ấy. Mà cái hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan, thì với nhiều lý do khác nhau, chính nó đã không phản ánh trung thực những gì mà chúng ta cần nhận thức. Từ đó, kết quả nhận thức của chúng ta rất dễ là sai lầm.  

          Tóm lại, hệ thống tri thức lý luận về phạm trù mà chúng ta vừa đề cập là một trong những công cụ quan trọng đối với sự nhận thức hiện thực của loài người nói chung cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học của giới trẻ và các bạn sinh viên nói riêng.

          Hy vọng bài viết này có ý nghĩa đối với các bạn./.

 

Tác giả: Bùi Văn Bình

Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100005200098477

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*)Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,259 lượt xem, 8,171 người xem - 8177 điểm