Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phận “Vịt Giời” Trong Thế Giới Bình Đẳng

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng nói riêng và toàn xã hội nói chung không khỏi bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến những hài nhi bé bỏng bị chính người “mẹ” của các em bỏ rơi, có thể nói, một cách “máu lạnh” không thương tiếc. Và cùng với đó, làn sóng chỉ trích trong thiên hạ dâng lên với ánh nhìn cay nghiệt và những lời nguyền rủa đáng sợ nhất dồn về phía những người phụ nữ. Thế nhưng, các chị có thực sự đáng phải hứng chịu toàn bộ những chỉ trích và chịu đựng một cách đơn độc như thế không? 


“Trọng nam, khinh nữ” - ấy là cái định kiến tưởng chừng như chỉ tồn tại trong xã hội phong kiến khi xưa, thế nhưng, trong kỷ nguyên của thời đại mới, đâu đó trong đời sống hằng ngày vẫn còn tồn tại những hủ tục và định kiến áp đặt lên nữ giới như thế. Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI khi những người phụ nữ đã bắt đầu lên tiếng, phụ nữ đã bắt đầu có cơ hội được làm chủ cuộc đời mình và vấn đề Bình đẳng giới liên tục được đưa ra thảo luận trong các hiệp hội và tọa đàm quốc tế. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, với tất cả những nỗ lực ấy, phụ nữ đã thực sự có được bình đẳng hay chưa?


Những người “mẹ trẻ”, đáng thương hay đáng trách?

17h50’ ngày 18/8/2020, người dân phát hiện một cháu bé sơ sinh bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Và hai ngày sau, người ta đã tìm được danh tính mẹ em. 

Trước đó, ngày 8/6, cụ bà Đoàn Thị Bích ở xã Thanh Mỹ đã phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga trong thời tiết nắng 40 độ C. Và tương tự, cũng không lâu sau đó, danh tính của mẹ em cũng đã được Công an nhanh chóng vào cuộc xác minh. 

Những trường hợp như vậy, xã hội ngày nay chẳng còn lạ gì. 

Ngay bản thân mình cũng đã từng chứng kiến sự việc tương tự khi một gia đình hàng xóm nọ của mình nhận nuôi một đứa trẻ mà em cũng là “kết quả” của một “phút lầm lỡ”. Chỉ khác là em đã may mắn hơn khi đã tìm được một bến đỗ cho mình ngay khi mới lọt lòng chứ không phải khóc than và đau khổ như hai bé trong trường hợp trên. Vào giây phút em nằm trên tay người cha và người mẹ sẽ cùng em bước tiếp những năm tháng tuổi thơ sắp tới, người ta đã cho mẹ ruột em một cơ hội để ôm ấp và ngắm nhìn hình hài mà chị đã mang nặng suốt 9 tháng và rứt ruột đẻ đau. Thế nhưng, mẹ em đã quay lưng ngay sau khi trao em đi mà không một giây nhìn lại cả khuôn mặt hài nhi mới chào đời. 

Mình kể những câu chuyện này không phải để trách móc bất kỳ ai cả, vì mình biết, những người “mẹ” ấy, các chị cũng phải chịu đựng và có chăng là gánh lấy những nỗi đau đủ rồi. Vả lại, mình cũng chưa từng trải qua những hoàn cảnh như thế nên cũng khó để có thể thấu cảm một cách hoàn toàn hay đủ tư cách để trách mắng điều gì cả. Chỉ là, nhìn vào những câu chuyện vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách ấy, mình chợt nhận ra một điều. Liệu các bạn có nhìn ra một điểm chung len lỏi xuyên suốt 3 câu chuyện này không? Có một motif chung giữa những câu chuyện này mà mình nghĩ các bạn đã vô tình lãng quên hoặc có chăng nhận ra nhưng lại giả vờ lảng tránh. 

Đó là, nếu như “mẹ” bỏ rơi các em thì “bố”, các anh đâu rồi?

Cư dân mạng phẫn nộ, xôn xao và thi nhau “đào bới” thông tin để chỉ trích những “con hổ dữ ăn thịt con”. Họ dành những lời lẽ đay nghiến và cay nghiệt hết mức có thể để nguyền rủa những người “mẹ”. Họ cố tìm bằng được các tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội để kéo nhau vào tấn công những con người ấy. Thế nhưng, có ai nhận ra cái cán cân bất đối xứng khi tất cả những gì đau đớn và tủi hờn nhất lại chỉ dồn về một nửa bên này, nơi người phụ nữ đứng đó, trong khi chẳng ai đem chuyện này ra để chỉ trích nửa kia? Pháp luật điều tra, lùng sục và vào cuộc xác minh bằng được danh tính của người “mẹ”, nhưng có lẽ người ta đã quên rằng ADN của đứa trẻ kia, dòng máu chảy trong người các em ấy, có một nửa là của “bố”.

Đọc tới đây, có lẽ sẽ có không ít luồng ý kiến trái chiều hoặc các bạn có thể cho rằng lý lẽ của mình quá độc đoán và phiến diện. Nhiều người sẽ cho rằng, có thể các cô gái nọ, họ tự nguyện đến với các anh chàng kia, hành động của các cô gái này là đơn phương, độc lập và chẳng có gì can hệ tới phái nam cả. Các anh chàng kia, họ chẳng có tội tình gì cả! Nếu như bạn đang có quan điểm như thế thì xin thứ lỗi, bạn và mình, chúng ta không cùng chiến tuyến rồi!

Có bao giờ các bạn dừng việc chỉ trích lại, dừng việc nhìn vào bề nổi của một tảng băng chìm để mà suy ngẫm hay tìm hiểu về mặt tồn tại và sâu xa trong những tình huống đó? Bạn có tìm ra và cố hiểu lý do tại sao các chị lại ở trong hoàn cảnh đó, tại sao các chị lại đưa ra những quyết định mang tính “máu lạnh” không tình người như thế? Bạn có thử đặt mình vào tình huống ấy, vào sự hoảng loạn và đơn độc của những cô gái ấy để mà ngẫm chưa? Hay các bạn vẫn còn đang bận bịu với những lời oán than được tạo ra từ chiếc bàn phím phía sau những tấm màn hình lồi lõm rồi? 

Trong những tình huống này, về phía các “mẹ”, phía phái nữ, họ có lỗi và họ đáng bị chê trách, nhưng họ không đáng trách tới mức phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm. 

Giả dụ con người giống như một số loài vật có thể tự đẻ trứng và tự tạo ra con thì không nói, lẽ dĩ nhiên, những trường hợp này thì họ có thể tự làm tự chịu thật. Nhưng với con người thì lại khác, nếu tự người phụ nữ hay người đàn ông có thể tự duy trì nòi giống thì có lẽ, thế giới giờ đây chẳng còn chia làm hai nửa đàn ông/đàn bà hoặc là trái đất có thể diệt vong vì bùng nổ dân số và hỗn loạn giới tính. 

Chỉ khác là, phái nữ lại là người ấp ủ và nuôi dưỡng những hình hài kia, là người phải mang nặng một sinh linh suốt 9 tháng 10 ngày trong khi phái nam thì dường như chẳng có gì thay đổi, xét về mặt thể chất. Thế cho nên, chẳng may người phụ nữ có gây ra lỗi lầm gì, người ta đương nhiên như một phản xạ sẽ hướng ngón tay buộc tội về phía người phụ nữ. 


Các chị sinh ra con gái mà không phải con trai như ý muốn của dòng họ để nối dõi tông đường, các chị có lỗi. 

Các chị sinh con chẳng may khiếm khuyết cơ thể hay dị tật bẩm sinh, chắc là do các chị ăn uống không điều độ, không chăm sóc bản thân cẩn thận dẫn đến ảnh hưởng thai nhi trong quá trình mang thai, các chị có lỗi.

Các chị bất cẩn không may sẩy thai, dĩ nhiên, lại là các chị có lỗi.

Và trong những tình huống đã kể phía trên, các chị sinh con ra rồi vứt bỏ con đi một cách tàn nhẫn, các chị chịu hết lỗi. 

Vậy hóa ra, các chị luôn luôn có lỗi, trong bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào, các chị nên chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thật nực cười!

Các anh đâu rồi? Con của các “bố” mà? Các “bố” đi đâu để các “mẹ” phải đơn độc chăm con, phải tự mình chiến đấu? À hay các “bố” bận đi kiếm tiền xây dựng tổ ấm nhỉ? Có thể nhiều người cho rằng đàn ông họ phải gánh trách nhiệm trụ cột về mặt tài chính nên đàn bà phải biết thân biết phận mà chăm sóc bản thân để chồng không phải vướng bận, nhưng các anh nghĩ mang thai nó nhẹ nhàng và nhàn hạ vậy à? Các chị đâu đòi hỏi phải có chồng ở bên 24/24, có khi chỉ cần một lời hỏi han và động viên mỗi tối, một chút thức ăn tẩm bổ mỗi xế chiều sau khi tan tầm ở cơ quan, một vài lời thủ thỉ thể hiện tình thương và sự quan tâm, thế là đủ rồi!

Còn với những trường hợp như các “mẹ” bỏ rơi các con ấy, thử nghĩ xem mọi chuyện sẽ ra sao nếu họ có sự đồng hành, che chở và trên hết là tinh thần trách nhiệm từ phía những người đàn ông? Các chị đáng trách thật, nhưng họ cũng thật đáng thương! Và hơn cả, họ không nên phải hứng chịu toàn bộ “gạch đá” và chỉ trích, không tới mức phải đơn phương chịu đựng tất cả như thế.

Xã hội ngày nay đáng sợ lắm, chỉ sau một đêm thì dù trước kia con người ta có xây nghìn vạn tòa tháp, cứu nghìn vạn sinh linh hay tích đức cầu phước đến trăm ngàn lần vẫn có thể chỉ như hạt cát khi đem sánh với một vết nhơ. Và các chị cũng thế, suốt những ngày qua thông tin và hình ảnh của các chị đã đăng đầy báo mạng rồi, cũng chẳng kém cạnh gì độ hot của những gương mặt hotface hay lời nói của influencer cả. Rồi mai này, các chị ra đường sẽ “được” người ta nhớ mặt mà kể lể, còn chưa kể đến những hệ lụy méo mó và góc nhìn xuyên tạc trong câu chuyện qua tay các “bà hàng xóm”. Và thế là, tương lai “mẹ” chấm dứt, rồi còn ai dám làm việc với các chị, còn anh chàng nào muốn cùng chị gầy dựng hạnh phúc? Trong khi đó, “bố” thì vẫn còn tương lai sáng lạn, “bố” sẽ có một gia đình mới, hạnh phúc mới và cả những người con mới. 

Có ai nhận ra sự thiếu công bằng vẫn hiện hữu rành rành ra đó không?


Con gái và định kiến xã hội, thế giới này đang sai quá sai rồi!

Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay buộc tội của đàn ông luôn hướng về phụ nữ.” Đây là câu nói có thể coi là “bất hủ” được trích trong cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ của tác giả người Afghanistan, Khaled Hosseini. Câu nói này là lời răn dạy dành cho các bé gái đến từ một người phụ nữ đã phải trải qua biết bao cay đắng, rèm pha và định kiến áp đặt lên phái nữ trong xã hội Afghanistan thời bấy giờ. Nếu các bạn đang bật cười vì cho rằng câu triết lý này chỉ có trong những cuốn tiểu thuyết với những câu chuyện giả tưởng phi thực tế và lý lẽ của nó là phi lý thì hãy lắng lại mà nhìn vào thực tế, xã hội này đang sai quá sai rồi!

Một cô gái, nếu như ra đường chẳng may bị kẻ xấu lạm dụng hay quấy rối thì bên cạnh những lời lẽ chỉ trích và phê phán dành cho kẻ xấu kia thì đâu đó vẫn tồn tại những lời đàm tiếu hướng về phía các cô gái, rằng “không có lửa làm sao có khói”, rằng chắc có lẽ, những cô gái này ăn mặc lố bịch, hở hang nên những tên người xấu kia mới có cơ hội giở trò. Thật nực cười!

Tuổi vị thành niên, các em gái thường rất thích đọc truyện tranh và tiểu thuyết ngôn tình, nơi vẽ ra những câu chuyện tình yêu đầy màu hường phấn và mang đến cho các em những góc nhìn thật đẹp về tình yêu. Thế nhưng những câu chuyện này cũng có thể là nguồn cơn khiến các em bị đánh giá là đồ con gái ảo tưởng và mơ mộng hão huyền. Tuy nhiên, với các anh chàng thì sao? Các cậu thích đọc truyện kiếm hiệp hay xem phim superman thì lại chẳng hề có một ai gọi đó là ảo tưởng. Thậm chí, họ còn được khuyến khích nên mạnh mẽ và siêu phàm như các nhân vật trong những câu chuyện ấy trong khi nếu là con gái thì sẽ bị gạt phăng đi mơ mộng cùng với lời cảnh báo rằng đừng nên tin vào những câu chuyện tình yêu màu hồng như thế.

Các bé gái thường được các mẹ dặn dò rằng ăn nhiều là sẽ mập và sẽ xấu trong khi các cậu con trai thì cha mẹ thường khích lệ nên “ăn ngoan” để cho “chóng lớn”. Các cô nàng thường được người ta nói phải biết giữ dáng, phải thật xinh và phải biết cách gìn giữ nhan sắc, trong khi các anh chàng chẳng mấy khi đặt chuyện ngoại hình vào danh sách những thứ đáng quan tâm nhất. 

Một cô gái muốn có một người bạn trai, một người chồng như “chàng bạch mã” khôi ngô tuấn tú và sống tình cảm, người ta sẽ bảo con gái đòi hỏi cầu kỳ và làm giá. Trong khi đó, các chàng trai thì bao giờ chẳng muốn người yêu mình nào là công - dung - ngôn - hạnh, không những xinh mà còn phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ấy thế mà nếu như các cô gái chẳng lên tiếng kêu ca thì xã hội sẽ luôn cho rằng những đòi hỏi của các anh chàng này là hoàn toàn hợp lý. 

Nếu một người con gái đến độ tuổi lập gia đình, chọn một người con trai đủ đầy về tài chính và suy nghĩ một cách thực tế thay vì chọn cuộc sống “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” thì người ta nghiễm nhiên lại có thể đánh giá rằng cô nàng này sống thực dụng. 

Đó, cuộc đời này nó nghịch lý thế đấy, các bạn ạ!


Khi chính phụ nữ lại áp đặt định kiến lên phụ nữ

Mình có một cô bạn thân hồi cấp 3, một cô bạn nhỏ nhắn và đúng chất “nhỏ mà có võ”. Bạn mình đam mê với thiên văn và có hứng thú với công nghệ thông tin. Sau cùng thì nó cũng chọn ngành công nghệ thông tin tại một ngôi trường đại học uy tín trong lĩnh vực này làm điểm dừng cho 4 năm thanh xuân của cuộc đời. Tuy nhiên, trước khi đi đến được với quyết định ấy, nó cũng phải trải qua không ít rào cản và đặc biệt là những quan điểm trái chiều từ phía mẹ. Là con gái, mẹ muốn nó phải học Ngoại giao, Ngoại thương hay là học Kinh tế… bất kể một ngành nào mà phù hợp với con gái thay vì cái ngành kỹ thuật như công nghệ thông tin vốn dành cho con trai. Vả lại, ngôi trường kia mà nó chọn, mức học phí cũng khá cao và có thể gây cản trở về mặt tài chính đối với gia đình nó. 

Lên đại học, mình cũng có một cô bạn đã phải trải qua những khắt khe và giáo huấn vô cùng hà khắc từ chính người mẹ của bạn ấy. Chỉ khác là, người bạn này của mình thì có phần “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” hơn và kiên quyết đi tìm đam mê của chính bản thân mình. Là con gái, mẹ muốn bạn ấy theo ngành Y để học làm bác sĩ, muốn em gái bạn theo ngành Sư phạm để sau này trở thành giáo viên. Bác muốn con gái mình đi theo những ngành này chỉ đơn giản vì nó là những ngành ổn định. Bản thân mình cũng từng có dịp trao đổi quan điểm với bác trong chuyện chọn ngành, chọn trường nhưng như cái cách bác áp đặt suy nghĩ lên hai người con gái, những lý lẽ và lập luận của bác có phần khá “cổ hủ” thay vì có một cái nhìn đa chiều hơn về những sự thay đổi trong thời thế và xu hướng sống của thời đại ngày nay. 

Có nhiều lúc mình cảm thấy thực sự nực cười khi người ta cứ luôn mặc định rằng con gái thì chỉ cần theo những ngành học “nhẹ nhàng”, có một công việc ổn định hay một tấm chồng tốt mà vạch ra cho con của họ một con đường mà thậm chí bản thân họ cũng chẳng thể hiểu rõ. Và còn buồn hơn nữa khi những lời phản đối và sự can ngăn đa phần lại đến từ chính những người phụ nữ, những người đã từng trải qua tuổi mười tám chông chênh, tuổi đôi mươi hồn nhiên với khao khát khám phá bản thân như con gái họ bây giờ. Nhiều lúc mình tự hỏi nếu vẫn là các bạn mình, nhưng họ là con trai thì cha mẹ có ngăn cấm hay áp đặt định kiến lên như thế không? 


Làm con gái, sinh ra tựa như một cánh bướm mỏng manh


Trước đây, mình vẫn luôn tò mò không biết lý do tại sao những người doanh nhân thành đạt, những con người thực sự thành công cả về địa vị xã hội lẫn tiền bạc của cải lại đa phần là nam giới? Mình đã từng đặt ra câu hỏi này cho mẹ và câu trả lời của mẹ khiến mình không khỏi buồn lòng. Câu trả lời đơn giản lắm, đó là vì thanh xuân của con gái nó ngắn ngủi vô cùng. 

Một người đàn ông 30 tuổi vẫn mải mê lo chuyện sự nghiệp mà không màng tới vấn đề hôn nhân hay thậm chí là chưa từng quan tâm tới vấn đề trai gái, người ta sẽ coi anh ta thật giỏi giang và đáng được ngưỡng mộ. Anh ta có thể tiếp tục gầy dựng sự nghiệp cho tới khi thực sự thành công, khi ấy anh ta có “quá lứa lỡ thì” đi chăng nữa thì xã hội vẫn sẽ trọng dụng và không thiếu người sẵn sàng “làm mối” cho anh. Thế nhưng với con gái thì lại khác!

Một người phụ nữ tuổi 30, nếu chưa từng có người yêu hay bạn trai, người ta sẽ nghiễm nhiên coi chị có vấn đề gì đó khiến chẳng ai dám tiến tới với chị; nếu chị chưa kết hôn thì người ta có thể sẽ đồn đại rằng chị này có vấn đề về giới tính hay đang có một mối quan hệ nào đó lén lút hoặc đại loại thế, bất kể thứ gì người ta có thể suy diễn được; nếu chị đi theo đam mê và theo đuổi sự nghiệp thì người ta lại mang ra cái lý lẽ rằng “con gái thì cần gì phải sự nghiệp, sự nghiệp có theo mình được tới già không?” ra để thúc giục chị tiến tới hôn nhân. Chính vì thế nên có nhiều cô gái luôn mang trong mình cái cảm giác sợ hãi tuổi 30, thậm chí là sợ cả tuổi 20, 25, sợ “tuổi già” mà vồ vập lấy một mối quan hệ “tạm bợ” hay chọn cách thu mình lại trong chiếc vỏ bọc an toàn để lẩn tránh những lời ra tiếng vào của xã hội. 

Là phụ nữ, sau hôn nhân và nhất là sau khi sinh con, tuổi xuân của các chị dường như theo đó mà tan biến và kéo theo sau đó là nỗi sợ bị “xuống sắc” hay bị người ta chê cười, dè bỉu. Thế nhưng là đàn ông, sau khi lấy vợ, các anh vẫn vậy, thậm chí nhiều người còn béo khỏe và nhan sắc “đi lên”. Theo góc nhìn này thì hôn nhân chẳng khác nào cái vòng xuyến ở ngã tư đường nơi đàn ông và đàn bà đổi chiều tuổi xuân ấy nhỉ?


Mình muốn nói gì thông qua những câu chuyện này?

Những câu chuyện hay tình huống mình kể trên đây không phải là ảo tưởng, cũng chẳng phải suy diễn, chúng là sự thật, là những mảnh ghép của bức tranh toàn cảnh vẫn hằng ngày xuất hiện trước mặt chúng ta. Mình kể những câu chuyện này không phải để trách cứ, đổ lỗi hay buộc tội bất kỳ ai. Mình chỉ muốn cho mọi người được nhìn nhận một cách khách quan nhất, rằng đâu đó trong xã hội vẫn còn tồn tại một chiếc cán cân “lệch”, nơi phụ nữ dường như vẫn bị “lép vế” hơn so với đàn ông. 

Thế kỷ 21, trong chúng ta đã có những người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh, giương cao ngọn cờ và cất tiếng nói đòi bình đẳng dành cho nữ giới. Đó là cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Hillary Clinton; là nữ diễn viên Emma Watson, người thủ vai Hermione Granger trong series phim nổi tiếng Harry Potter; là phu nhân cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama,... Đây chỉ là một trong vô số những gương mặt tiêu biểu đã dũng cảm mang tiếng nói của mình đến với công chúng. 

Cũng thế kỷ 21 ấy, mặc dù chúng ta đã sống trong xã hội hiện đại và văn minh nhưng định kiến thì vẫn cứ như một bóng ma len lỏi vào đâu đó trong góc khuất của cuộc sống mà chẳng cách nào có thể loại bỏ hoàn toàn. Vẫn còn đâu đó những hủ tục lạc hậu, những định kiến áp đặt lên vai người phụ nữ, vẫn còn những cô gái nép mình trong bóng tối mà chưa dám bước ra.

Vậy chẳng nhẽ, con gái chúng mình, những người làm nên một nửa thế giới lại trở nên hoàn toàn vô dụng? 

Không, hoàn toàn không!


Thay đổi lớn nhất luôn xuất phát từ chính bản thân chúng ta

Tre già thì măng lại mọc, thành lũy tre xanh vững vàng kia hẳn chẳng thể đứng đó được mãi nếu lớp măng kia vươn mình phát triển với lớp “áo giáp” vững chắc nhất có thể. Định kiến thì muôn đời vẫn chỉ là định kiến, quan trọng là bạn có dám bước ra khỏi cái bóng ấy hay cứ thế chìm đắm rồi dần dần lặn hẳn trong xã hội đầy thị phi này hay không mà thôi. 

Trước khi đổ lỗi cho ngoại cảnh, hãy nhìn nhận lại bản thân mình đầu tiên, bất kể bạn thuộc phái đẹp hay cánh mày râu. 

Là con gái, liệu bạn đã trang bị cho mình kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân chưa, hay còn đang chờ đợi thầy cô phải uốn nắn, chỉ bảo? Các bạn đã “phá kén” chưa hay vẫn còn rúc mình trong chiếc vỏ bọc an toàn? 

Là con trai, các bạn đã nhận ra sự bất công mà nữ giới chúng mình vẫn luôn phải gánh chịu không? Các bạn có sẵn sàng đứng ra để bảo vệ những cô gái hay không? Hay vẫn còn chấp mê bất ngộ không chịu thay đổi để thoát ra khỏi cái hàng rào định kiến kia?


Là con gái, chỉ một cánh bướm rập rờn quanh cỏ hoa là đủ!

Mình có một cô bạn từng tâm sự rằng cảm thấy làm con gái thật khổ sở vì cậu ấy cảm thấy bản thân thiệt thòi đủ điều, từ những biến đổi về tâm sinh lý cho tới cách nhìn của xã hội đặt lên cậu ấy. Thế nhưng với mình thì lại khác!

Giả dụ như có ai đó hỏi mình rằng nếu được lựa chọn giới tính trước khi sinh ra, hoặc nếu trên trời cao linh thiêng có thực sự tồn tại “bà mụ” nặn nên hình hài những đứa trẻ và mình có được bàn tay diệu kỳ của bà ấy, hay kể cả thế gian có tồn tại luân hồi chuyển kiếp đi chăng nữa thì dù cho mình chọn lại, mình vẫn sẽ chọn được sinh ra dưới hình hài của một bé gái. 

Mình chẳng ước được làm chú chim tung cánh vút bay trên bầu trời cao vời kia, vì với mình, chỉ một cánh bướm mỏng manh rập rờn quanh cỏ hoa thôi là đủ! Bay cao mãi như cánh chim kia cũng thật thích, được vi vu đó đây, được ngắm nhìn thế giới rộng lớn, được sải cánh bay theo hướng đi mà mình muốn. Thế nhưng bạn nào đâu có cơ hội được cảm nhận một cách trọn vẹn cái hương thơm của bụi phấn hay cái tươi mát và trong lành của cỏ cây dưới mặt đất. Làm một cánh bướm rập rờn quanh cây cỏ, tuy mỏng manh và mưa gió có thể vùi dập các cậu đấy, nhưng hẳn là cuộc đời này chẳng thể cứ sóng gió được mãi. Mưa có làm ướt đôi cánh ta thì nắng lên rồi nó sẽ lại trở nên khô ráo và ta lại có thể tiếp tục bay mà thôi. Chẳng có gì đẹp hơn một cánh bướm non thụ phấn cho hoa mang ích cho đời cả, chúng ta được gần bên những gì thân thuộc nhất, được cảm mến dư vị của đất trời, được hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ mộc mạc, giản dị mà vẫn thật đẹp và tinh khiết nhất, chẳng cần cứ phải chu du khắp trời cao. 

Mỏng manh nhưng không có nghĩa là yếu đuối, dịu dàng nhưng chẳng đồng nghĩa với việc ủy mị hay quá hiền lành, chẳng cần vồ vập giữa cuộc sống xô bồ, cũng chẳng cần quá cầu kỳ nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thuần khiết, đó, một cánh bướm nó đẹp như thế đấy! Và vẻ đẹp của một cô gái, thậm chí nó còn trong trẻo và thanh cao hơn thế. Chính vì vậy, chúng ta có quyền tự hào về chính bản thân mình, những con người được sinh ra với vẻ đẹp tiềm tàng vốn có, những cánh bướm chỉ chực chờ cơ hội được vươn mình “phá kén”.


Vẻ đẹp của một con bướm chỉ được phơi bày khi nó phá kén, bay đi…

Làm một cánh bướm thật đẹp, đúng không nào? 

Nhưng các nàng ạ, muốn bay được và phô diễn hết vẻ đẹp thì trước tiên chúng ta cần phải phá kén đã, đừng chỉ làm con nhộng nằm mãi trong chiếc kén an toàn nữa. Có thể nhiều người sẽ sợ hãi rằng phiên bản mới của mình sẽ không được như kỳ vọng, nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, các bạn đều xứng đáng nhận được sự trân trọng vì đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Bởi lẽ, vẻ đẹp của một con bướm chỉ được phơi bày khi nó phá kén và bay đi mà thôi! Thế giới ngoài kia có thể đáng sợ nhưng còn đáng sợ hơn cả khi ta cứ tự kìm kẹp và bó buộc bản thân mình trong một chiếc vỏ tối tăm cùng sự đơn độc và lạnh lẽo. Phá kén cũng có thể rủi ro nhưng không bước ra khỏi vùng an toàn thì làm sao bạn có thể ngắm nhìn thế giới được một cách toàn diện? Hãy học cách bước ra khỏi vùng an toàn với những bước đi thật an toàn.

Các anh chàng ạ, nếu các anh có đọc được những dòng này thì mong rằng các anh sẽ trân trọng và cảm thông cho phái nữ chúng tôi hơn. Dù người ta có gọi các anh là “badboy” hay “goodboy chính hiệu” đi chăng nữa thì vẫn nên nhớ rằng “con gái là để yêu thương”. Phái nữ làm nên một nửa thế giới và nếu một mai họ cất cánh bay đi, các anh hẳn chẳng thể tự mang lại hạnh phúc cho nhau mãi, chỉ là Những người đàn ông không có đàn bà (*) mà thôi!

Các cô nàng ạ, nếu các bạn đã đọc tới những dòng này thì trước hết cho mình gửi tới các bạn lời cảm ơn chân thành nhất. Chúng ta sinh ra được người ta gán cho cái mác “vịt giời” hay “quả bom nổ chậm” của ba mẹ, nhưng như mình vẫn luôn tự nhủ, hãy sống sao để một mai nếu “vịt giời” của bố mẹ có cất bước theo con nhà người ta thì họ sẽ phải xót thương và rơi lệ vì đã trao đi một viên ngọc quý giá. Chỉ có vậy thì con gái chúng mình mới được trân trọng và không bị coi thường. Sống mãi với bố mẹ cũng vui, nhưng bố mẹ hẳn không theo chúng ta đến suốt đời được mãi. Hãy sống sao để thế gian này phải khóc than và tiếc nuối nếu một mai không-có-đàn-bà.

Các cô gái ạ, đừng “cứng” như một hòn đá, hãy “sống” như một viên kim cương! (**)

Là con gái, các cậu coi bản thân mình là viên ngọc của tạo hóa hay chỉ là một “quả bom nổ chậm”? Nếu cho chọn lại, các cậu có còn muốn tiếp tục làm con gái… ?


(*) Tên một cuốn sách của Murakami Haruki

(**) Lấy cảm hứng từ tiêu đề bài review sách “Cô gái, bạn sống quá cứng nhắc rồi đấy!” của Huy Dũng - Bookademy


Tác Giả: Annie @Bookademy - Ybox 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/annie312

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +11,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

556 lượt xem, 543 người xem - 547 điểm