Phương Nguyễn@Triết Học Tuổi Trẻ
4 năm trước
Phía Sau Lớp Vỏ Xù Xì
Sầu riêng là một loại trái cây vô cùng độc đáo. Vỏ
ngoài sần sùi gai góc, mùi rất nồng và khó chịu, thế nhưng vẫn được coi là vua
trái cây ở Đông Nam Á. Bạn có biết vì sao không?
Với những người chưa ăn bao giờ, nó có thể là một
món ăn kinh dị. Nhưng nếu đã quen rồi, bạn sẽ thấy sầu riêng không hề đáng sợ,
ngược lại còn có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe của chúng ta đấy! Chỉ
có điều, vị ngon ấy lại bị vùi lấp bởi một lớp vỏ xấu xí và mùi hương kì quái,
khiến cho người ta vừa nhìn là lập tức tránh xa.
Trong cuộc sống, có những người chúng ta vừa gặp đã
có ấn tượng không mấy tốt đẹp, khiến chúng ta có định kiến với họ. Vì vậy, từng
cử chỉ, hành động của họ dù là nhỏ nhặt nhất, cứ lọt vào tầm mắt là ta lập tức
có suy nghĩ tiêu cực về hành vi đó.
Con
bé này chả thấy nói với mình câu nào, chắc nó khinh mình rồi
Thằng
kia trên người đầy hình xăm, chắc cũng là hạng du côn, đầu đường xó chợ
Nhìn
mặt nó câng câng thế ghét thật!
Đã là con người, ai cũng yêu thích cái đẹp. Chúng ta
sẽ dễ dàng có cảm tình trước một dáng vẻ cuốn hút, giọng nói ngọt ngào hay năng
động, cởi mở hơn là một đứa khó gần, “không cảm xúc”. Chỉ với lần gặp đầu tiên,
một số bạn đã đóng đinh chắc nịch rằng “À,
bạn này trông thân thiện, dễ thương ghê, chắc chơi được đó!” hay “Nhỏ ngồi góc lớp im re suốt, chẳng giao lưu
gì cả, coi bộ khó tiếp xúc lắm”
Ấn tượng ban đầu là cửa ngõ quan trọng nhất để xây dựng và phát triển một mối quan hệ lâu dài. Với những người sống nội tâm, có cá tính “độc, lạ”, đó là một rào cản vô hình ngăn cách họ với những người khác. Họ không giỏi lấy lòng người khác, không biết thể hiện tình cảm sao cho phù hợp, vậy nên không mấy ai chú ý đến họ từ cái nhìn đầu tiên.
Khi bạn quá khác biệt so với những người khác
Tôi không phải là một người khéo léo tinh tế trong
việc giao tiếp, cho nên tôi từng rất bị động khi trò chuyện với người khác, bạn
nói một câu, tôi chỉ đáp lại đúng một câu, không hơn. Và tôi tin chắc rằng mình
không phải là người duy nhất gặp khó khăn với việc nói chuyện cùng các bạn đồng
trang lứa.
Có phải do chúng tôi thù hằn, ghét bỏ các bạn nên mới
“lười” mở miệng, “im như thóc” chăng?
Hay là do chúng tôi làm cao, muốn ra vẻ ta đây nên
không tỏ thái độ gần gũi, ân cần như những người khác?
Hoàn toàn không!
Chúng tôi không tự dưng lại trở thành một người xù
xì, gai góc mà trong mắt bạn bè chẳng khác kẻ lập dị là bao.
Mỗi một người đều có một câu chuyện
của riêng mình, không cách nào nói ra, chỉ có thể giấu kín tận đáy lòng. Có người
vì phải chịu đựng quá nhiều tổn thương và phẫn nộ cùng cực dẫn đến hoài nghi những
người xung quanh mình, luôn có cảm giác thiếu an toàn, thiếu niềm tin. Họ muốn
biết đối phương rõ hơn trước khi gắn kết, xác nhận sự tin tưởng của mình rồi mới
tháo bỏ lớp mặt nạ khô khan xuống. Có người lại vì bản tính nhút nhát rụt rè,
quá để tâm đến suy nghĩ của người khác nên sợ mình nói sai điều gì làm bạn bè
không vui, cứ do dự không dám tiến tới. Đến lúc chia tay lớp rồi, có bạn vẫn
không thể nói chuyện với bạn mình một cách thoải mái và tự nhiên, cứ phải “rào
trước đón sau”.
Tuy nhiên, cũng có người do bị ảnh
hưởng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình, không dám làm trái với sắp xếp của
họ, cả ngày vùi đầu vào học và làm một cách điên cuồng thay vì ra ngoài chơi với
bạn.
Nghe có vẻ rất kì lạ và khó tin phải không? Có lẽ
tôi cũng sẽ không tin vào điều đó, nếu như chính mình không được trải nghiệm
qua một lần.
Bất cứ ai mỗi khi tiếp xúc với tôi đều có cảm nhận rằng
đây là một con bé khó gần, lạnh lùng và cả “nhạt” nữa. Đó cũng là lí do khiến
các bạn cùng lớp không mấy ấn tượng về tôi, thậm chí họ còn cho là tôi kiêu ngạo,
chảnh, bất bình thường (điểm số của tôi cao hơn họ). Tôi đã phải chịu đựng 7
năm liền làm bạn với sự cô độc lạnh lẽo, mặc dù điều đó đã phần nào giúp tôi phát
hiện ưu điểm của mình. Người ngoài chỉ biết tôi hướng nội, thích ở một mình nên
mới không có bạn, nhưng mấy ai biết rằng trong lòng tôi luôn tồn tại một nỗi sợ
vô hạn.
Các bạn ạ, tôi sợ làm quen với người khác, đúng ra là sợ bị tổn thương một lần nữa. Bài học đau đớn tuổi dậy thì đã biến tôi thành một người lãnh đạm, kiệm lời, luôn cố tỏ ra khô khan, kém nổi bật để người ta không chú ý đến mình, qua đó bảo vệ “thế giới riêng” của mình.
Người mà bạn nghĩ là khó ưa, xấu tính, hay cáu bẳn, có thể họ cũng có nỗi khổ riêng đấy! Nhiều người vì bị phản bội, bị bỏ rơi, sống trong sự khinh miệt và phủ nhận mà tự tạo ra một lớp vỏ sần sùi để che giấu bản thân. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm đến bạn, không yêu quý bạn đâu nhé! Bởi vì không muốn người khác nhìn thấu mình, cho nên cách những người sống nội tâm thể hiện tình cảm rất đặc biệt.
Thờ ơ như không khi có mặt bạn, nhưng chỉ cần bạn đi
mất lại bí mật đặt vào ngăn bàn một món quà.
Âm thầm giúp bạn làm một việc gì đó, đến khi bị phát
hiện thì chối đây đẩy hoặc viện cớ nào đó để không bị nghi ngờ.
Đôi lúc những người “xù xì” ít nói sẽ biến thành một
con người khác khi mà họ tìm thấy được sự an toàn ở một hay một vài người bên cạnh.
Với những người mình yêu mến, trân trọng, họ luôn dịu dàng và ôn hòa, không câu
nệ gì cả. Thậm chí, nếu như họ gặp được “cạ cứng” có chung sở thích, chung chí
hướng, chắc chắn họ sẽ nói không ngừng nghỉ như một cái máy. Bao nhiêu vui, buồn,
hờn, giận chất chứa trong lòng, họ đều không giấu giếm như đối với người ngoài
cuộc.
Giống như trái sầu riêng, người “xù xì” không hề tạo
cho người khác cảm giác dễ chịu, thu hút ngay từ lần đầu gặp gỡ. Nhưng, chỉ cần
bạn có con mắt tinh tế và kiên trì đủ lâu, rồi bạn sẽ dần dần phát hiện ra “vị
ngọt” bên trong con người họ.
Vậy
chúng ta cần phải làm gì để có thể “chinh phục” được một người có cá tính đặc
biệt như vậy?
Thứ nhất, hãy tôn trọng sự khác biệt của họ. Tôn trọng là nền móng đầu tiên để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Bạn không nên phán xét họ một cách tiêu cực chỉ với vài ba lần gặp gỡ không suôn sẻ, càng không nên thúc giục họ phải hòa đồng, phải giao lưu. Thói quen, tính cách không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai. Nếu bạn thật sự muốn giúp họ, bạn cần cho họ một khoảng thời gian để tiếp nhận và tin tưởng bạn. Nếu thấy họ có những sở thích rất khác lạ, đừng hùa theo bạn bè trêu chọc họ mà hãy tôn trọng nó, nếu điều đó không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh. Đừng cố gây áp lực với những bạn ít nói, trầm tính, ép họ làm những việc khiến họ lo lắng hoặc tới những nơi họ không thích.
Hãy biết lắng nghe và trao cho họ sự chân thành
Thứ
hai, hãy thử đặt chân vào thế giới của họ. Chúng ta không
nhất thiết phải tìm hiểu hay trải nghiệm hết tất cả những gì họ từng đi qua. Thử
ngồi lại bắt chuyện với họ một lúc, lắng nghe những tâm sự của họ - có khi những
điều họ mong muốn ở bạn và mọi người sẽ ẩn giấu đằng sau những lời nói vu vơ, đầy
tâm trạng đó. Khi họ nhận thấy rằng bạn là một người biết lắng nghe, biết quan
tâm, họ sẽ dần bỏ xuống lớp phòng bị kiên cố, bắt đầu “bật đèn xanh” cho bạn.
Trên
hết, hãy đối xử với họ chân thành và trung thực.
Như tôi đã chia sẻ từ trước, những người “xù xì” rất trân trọng những người mà
họ tin tưởng, yêu quý. Một khi đã hiểu hơn về người bạn “sầu riêng” của mình và
khó khăn họ đang gặp phải, chúng ta cần tạo cho họ cảm giác thoải mái, không bị
áp lực. Hãy đảm bảo rằng họ được nhận lại những lời lẽ chân thành và trung thực.
Sự chân thành sẽ là chìa khóa mở toang cánh cửa đưa bạn đến với thế giới của
riêng họ. Khi đã xác định được bạn là một người gần gũi, đáng tin cậy, họ mới sẵn
sàng đưa tay ra với bạn.
Có thể chúng ta sẽ mất 3 tháng, 6 tháng hoặc thậm chí là 1 – 2 năm để xích họ lại gần với chúng ta, nhưng với tôi, cho dù là bỏ ra 3 tháng hay 1 năm cũng đều rất đáng để đổi lấy một người bạn tốt với một tương lai tươi sáng hơn cho bạn ấy.
Sắc đẹp không phải là vẻ bề ngoài. Nó là ánh sáng chiếu rọi từ bên trong (Katrina Mayer)
Thật vậy, những con
người có vẻ ngoài bị đánh giá là cao ngạo, kì quái sẽ luôn có một vài nét đáng
quý ẩn dưới lớp vỏ thô cứng của mình. Điều mà tất cả chúng ta nên làm không
phải là liên tục xoáy sâu vào khiếm khuyết của họ mà bỏ qua những điều đẹp đẽ
nhất bị che giấu. Chỉ cần chúng ta có đủ lòng kiên nhẫn và sự chân thành, bức
tường ngăn cách giữa bạn với họ sẽ sớm biến mất.
Tác giả: Phương Nguyễn
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
612 lượt xem, 591 người xem - 591 điểm