Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Quái Thú Thời Hiện Đại - Trầm Cảm

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một bệnh lý vô cùng phức tạp với nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân. Những nhân tố đóng góp đã biết bao gồm các đặc tính di truyền, mức độ nội tiết tố, các yếu tố kích phát từ môi trường, thuốc men, hệ quả của việc sống chung với một bệnh nặng, đau buồn và mất mát do cái chết của một người thân, trải qua việc bị hành hạ về thể chất hoặc tinh thần, sống với một người trầm cảm nặng, và những nhân tố khác. Không phải ai cũng trải qua những cảm xúc tiêu cực đi đôi với bệnh trầm cảm.

Mọi người đều có suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực khi này khi khác, nhưng khi những cảm xúc này mạnh hơn và làm cho bạn cạn kiệt sức lực, buồn rầu hoặc khó chịu đối với người thân, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh trầm cảm. Những quan ngại về bệnh trầm cảm xuất hiện khi cảm giác trống rỗng và khóc lóc không hết, hoặc khi những cảm xúc tiêu cực này cứ đến liên tục.

Sự đánh giá của người đời với cảm xúc trầm cảm thường là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là dấu hiệu của một điều gì đó đã mất cân bằng. “Vượt qua nó đi”, “chắc mình nghĩ nhiều rồi”, “làm gì đến mức đấy”. Việc phớt lờ hoặc chối bỏ những cảm xúc này sẽ không làm cho chúng mất đi, thậm chí còn khiến chúng trở nên càng nghiêm trọng hơn.

Những người mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng ít nói, không cởi mở giao lưu với cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên cũng có nhiều người, ban ngày bạn thấy họ năng động, nhiệt huyết, tươi vui với mọi việc, nhưng đêm xuống họ gần như chết lặng, ẩn sâu trong họ là nỗi cô đơn, sự buồn bã không biết chia sẻ cùng ai. Chính sự cô đơn đến cô độc đó đã đẩy họ vào khoảng tối trong cuộc sống của chính mình. Và khi đến quá sức chịu đựng, họ chọn cách giải thoát bản thân – cái chết.

 Dấu hiệu của trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh tâm lý bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân: một biến cố xảy ra trong cuộc sống, áp lực công việc học tập, những biến đổi về tâm lý,…Tất cả đều là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến trầm cảm.

Trầm cảm được chia thành 3 giai đoạn chính:

Ở giai đoạn đầu, tâm trạng buồn vu vơ, những suy nghĩ tiêu cực,…Lúc này, không ai nghĩ mình sẽ mắc phải căn bệnh tâm lý phổ biến này. Nhưng khi những suy nghĩ tiêu cực buồn bực này kéo dài một thời gian dài thì bạn nên có những suy nghĩ khác. Nếu bạn có xu hướng bộc lộ những dòng suy nghĩ tiêu cực, mất hứng thú với hầu hết mọi thứ, cảm thấy cô đơn không có người chia sẻ, thích ở một mình trong góc tối với suy nghĩ mình sẽ an toàn ở đó,…

Thật đáng buồn, bạn đang ở những giai đoạn đầu của trầm cảm.

Ngoài biểu hiện ở trạng thái tinh thần, ở mặt thể chất bạn có thể cảm thấy những triệu chứng như các cơn đau nhức khắp cơ thể, đau khớp, hồi hộp, mệt tim, khó thở…

Ở giai đoạn 2, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ tồi tệ.

Không chỉ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đêm trằn trọc khó ngủ, cơ thể suy nhược mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo,…Ở giai đoạn này, bạn có cảm giác cuộc đời mình như một bản nhạc tang sầu bi. Con quỷ trong đầu bạn ngày càng lớn dần, đứng sau bạn thì thầm vào tai bạn, lấn át hết thảy ý chí của bạn.

Bước đến giai đoạn cuối cùng, theo nghiên cứu có đến hơn 50% người mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ tự sát. Khi mà cuộc sống của bạn bị bó hẹp, tất cả những suy nghĩ của bạn nhuốm một màu đen tối tăm, bạn không có hứng thú với bất cứ điều gì, thì cái chết luôn được xem là sự giải thoát cuối cùng.

Thế giới của trầm cảm

“Chỉ cần một hôm trời ảm đạm, một chuyện buồn nghe từ người quen, thì dù trước mặt chị là chồng hay là con, tay trong tay, mắt nhìn mắt, nhìn mãi nhìn mãi, chị sẽ chỉ thấy một khoảng trống dẫn tới một không gian xanh tím, đặc quánh. Trong không gian đó, chị từ từ rơi qua nhiều tầng mà không thể bấu víu vào đâu. Bên trên, vầng sáng của mặt trời nhỏ dần và mời dần. Không có gì níu kéo sự tồn tại vật lý của Hoa nữa, xung quanh chị là lạnh lẽo, ẩm ướt và sợ hãi” – Đại Dương Đen, phần 1 những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm, Đặng Hoàng Giang.

Nếu bạn đã đọc qua Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang, bạn sẽ được một “cú sốc”: thế giới đó thì ra lại đen tối và đau đớn đến thế. Trong hầu hết câu chuyện được kể trong cuốn sách, gia đình của người mang bệnh trầm cảm không chịu thừa nhận đó là một căn bệnh, họ cho con cái mình làm trò, thích gây chú ý; cá biệt có trường hợp chính người bị bệnh không chịu thừa nhận mình có bệnh – như Xuân Thủy: “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được.”

Một cơ thể bị rút kiệt niềm vui, những cơn đau vô tình, sự giận dữ khó kiểm soát, một hành vi tự hoại bản thân…đã không được xem như triệu chứng của một căn bệnh. “Làm trò”, “điên khùng”, “lười biếng”, “kém cỏi”…,những lời phán xét, phàn nàn vây quanh.

Bạn biết câu nói “I have a black dog and his name was depression” không? Câu nói đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến. Câu nói là một sự biểu thị cho những người đang mắc chứng trầm cảm.

Thế giới của người trầm cảm vô cùng đen tối. Không gian đó, thế giới đó rất khó cho những người không bị bệnh tưởng tượng ra được. Họ đấu tranh, họ gắng gượng, muốn vùng dậy nhưng thế giới đó chỉ có một mình họ cùng với con quái vật đó.

Họ cô độc.


Sarah Schuster – biên tập viên về sức khỏe tinh thần của The Mighty đã từng hỏi cộng đồng thành viên của The Mighty trên Facebook: “Những hành động người trầm cảm đang làm mà người bình thường không nhận ra là gì?”

Tôi có thể đối mặt với trầm cảm, nhưng tôi không thể đối mặt với những người nói rằng "tất cả chúng ta đều có gian đoạn buồn bã, u tối và rồi chúng ta vượt qua nó", "tôi cũng chán nản và tôi vẫn tiếp tục cuộc sống của mình" - biểu hiện trầm cảm ở mỗi người không ai giống ai cả. Tôi mừng rằng một số người có thể đối phó với nó thật dễ dàng nhưng tôi thì không.


Giấu mình vào chiếc điện thoại. Vâng, tôi nghiện nó, nhưng không giống như những người khác. Tôi không giao tiếp với xã hội, tôi chơi trò chơi hoặc tìm kiếm các cửa hàng online để làm xao lãng bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực của mình. Đó là cái ''bong bóng'' an toàn của tôi.


Tôi đã từng sống với trầm cảm. Mọi người dường như không để ý đến nó bởi vì tôi luôn mỉm cười khi nói chuyện với họ và tôi thường xuyên đùa giỡn, khiến cho mọi người nghĩ tôi luôn vui vẻ và yêu đời. Trong khi trong lòng tôi luôn nặng trĩu những suy nghĩ, đầy những nỗi buồn và tuyệt vọng.


Nghệ sĩ người Ba Lan Dawid Planeta đã khắc họa hình ảnh những con quái vật to lớn khổng lồ trong bối cảnh tối tăm của một khu rừng. Anh dùng tác phẩm của chính mình với đề tựa “Mini People in the Jungle” kể về một người nghệ sĩ vượt qua khoảng thời gian đen tối cùng với căn bệnh trầm cảm. Planeta giải thích rằng: “Đây là câu chuyện về một người đàn ông đã đắm mình vào bóng đêm với sự hỗn loạn nhằm tìm lại chính mình.”

“Ánh sáng từ những đôi mắt tựa như sự dẫn đường trong đêm. Tôi đi theo ánh sáng để tìm lại chính mình, để biết được tôi là ai, để đối mặt với một phần còn lại của bản thể mà không một chút sợ hãi. Bởi lẽ bạn cần phải biết được tất cả trong cuộc sống đều có hai mặt tối và sáng, kể cả con người bạn. Đó là bản chất của con người mà bạn không thể nào bỏ qua” – Planeta chia sẻ.

Trong cánh rừng sâu thẳm với sương mù dày đặc trong đêm tối, hình ảnh những con quái vật khổng lồ là hiện thân của những điều tồi tệ mà trầm cảm đem lại cho người bệnh. Là thứ mà người mắc bệnh trầm cảm cần chấp nhận và vượt qua. 

Nhưng con người – người mắc bệnh lại thật nhỏ bé trước những con quái vật khổng lồ đó.

 Hãy cứu họ, chứ đừng giết họ

Đừng đem định kiến trầm cảm là “yếu đuối”, “chả là gì”, “chỉ muốn gây sự chú ý”  tấn công người trầm cảm. Bởi bạn sẽ không biết một lúc nào đó, bạn sẽ trở thành hung thủ giết người “gián tiếp” vì những lời mình nói.

Trầm cảm thường được cải thiện khi điều trị, tuy nhiên đây là một quá trình kéo dài. Ngay cả khi đã điều trị thành công, không phải lúc nào bệnh cũng có thể “khỏi hoàn toàn”. Bệnh trầm cảm không có lịch trình phục hồi rõ ràng. Kỳ vọng người bệnh sẽ trở về con người bình thường chỉ sau một vài tuần điều trị sẽ không giúp ích gì. Hãy kiên nhẫn.

Hãy cho người bạn trầm cảm của mình biết rằng họ không cô đơn, bạn vẫn quan tâm đến họ, kể cả khi bạn không thể dành nhiều thời gian cho họ thường xuyên. Hãy thường xuyên kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hoặc ghé thăm nhanh. Ngay cả việc gửi một tin nhắn nhanh với nội dung: “Tôi vừa nghĩ đến bạn xong” cũng có thể có hữu ích. Những người bị trầm cảm có thể trở nên thu mình hơn và khó tiếp cận, vì vậy bạn có thể thấy mình phải nhiều việc hơn để duy trì tình bạn. Tuy nhiên, điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt trong  cuộc sống của họ.

Đừng tỏ ra “Tôi hiểu, tôi cũng từng như vậy”, bạn chưa bao giờ thực sự đối mặt với chứng trầm cảm, nên đừng tỏ ra như vậy. Trầm cảm không chỉ đơn giản như một nỗi buồn, sợ hãi, lo lắng thoáng qua. Nó như một con quái vật bóng đêm, ngày đêm len lỏi vào trong trái tim đầu óc của người bệnh, nó như rễ cây bám víu cắm sâu trong người bệnh. Nó kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Nỗi đau của người trầm cảm là điều có thật đối với họ ngay bây giờ - thấu hiểu chân thành, đồng hành cùng họ trải qua nỗi đau đó là điều tốt nhất mà bạn có thể làm giúp họ.

Cuộc đời của những người mắc bệnh trầm cảm sẽ đặc biệt thay đổi, trở nên tốt hơn một chút nếu như có ai đó trong số chúng ta thực sự để tâm đến họ. Dòng chảy cuộc sống vẫn luôn trôi qua, mỗi người trong chúng ta vẫn đang rất nỗ lực để sống tốt. Ngày mai sẽ là một ngày đẹp trời, thật đáng tiếc nếu bạn rời đi.

Kết

Bất cứ ai trong xã hội đều có thể mắc trầm cảm. Nó được xem là con quái vật gặm nhấm tâm hồn chúng ta dần dần từ bên trong. Nếu bạn đang có dấu hiệu trầm cảm. Đừng trốn tránh nó, hãy đối diện nó. Cho dù bạn có chạy trốn bao xa, bóng tối đó vẫn sẽ bao trùm bạn mà thôi. Hãy chia sẻ thật nhiều, trút bớt gánh nặng trong suy nghĩ bởi bên bạn vẫn có những người quan tâm bạn, sẵn sàng lắng nghe bạn.

 Xin bạn, khi lúc đứng trước ngưỡng cửa tử, cho thế giới này, cho những người thân của bạn 13 giây suy nghĩ. Hãy nghĩ lại cuộc sống của mình, những thứ tươi đẹp dù nhỏ nhặt nhất. Ít nhất ngày mai sẽ là một ngày đẹp trời, không phải sao? 

Tác Giả: Lê Thị Minh Ngân
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +19,087,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

                                                                                                                                                           

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

424 lượt xem, 360 người xem - 360 điểm