Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Quyết Định Và Tự Do

MỘT CÂU HỎI KHÓ 

Bạn có bao giờ tự hỏi mình rằng: liệu con người chúng ta thật sự tự do để kiểm soát số phận này, hay chính số phận này kiểm soát chúng ta? Theo bạn, tất cả những hành động bạn thực hiện đều là kết quả của một thứ gì đó phía trước và con người chúng ta không thể nào thay đổi được (bạn ham học vì ba mẹ bạn khiến bạn tin rằng học hỏi là điều tốt, tội phạm làm việc xấu vì họ đã bị ảnh hưởng của cuộc đời khó khăn họ gánh chịu) hay theo bạn, tất cả những gì chúng ta làm đều là tự do lựa chọn và có thể thay đổi được (bạn ham học vì bạn trở nên như thế, nhưng bạn hoàn toàn có thể trở nên lười biếng, tên tội phạm làm chuyện xấu vì hắn ta đã chọn làm như thế, trong khi hắn vẫn có thể nghe theo lương tâm, chống lại mong muốn làm việc xấu đó). 

Tại sao bạn đang ở đây đọc những dòng chữ này? Liệu đó là hoàn toàn do sự lựa chọn của bạn vì bạn cảm thấy muốn tìm thấy một điều mới mẻ sau khi đọc chúng, hay là vì quá trình lớn lên đã khiến bạn trở thành một người thích đọc, và thời gian này thật là thuận tiện để bạn nhìn vào từng con chữ?


Không chỉ là một vấn đề nan giải xa xôi của triết học, đây còn là một câu hỏi liên quan trực tiếp đến mỗi người chúng ta, đặc biệt là lớp trẻ. Nếu có thể trả lời được liệu con người được sinh ra để thay đổi số phận của họ hay chỉ là để bị số phận thay đổi, chúng ta có thể trả lời được những câu hỏi về giới hạn và khả năng của mình, biết được liệu chúng ta nên gắng sức gian nan trong thực tại vì một  tương lai tốt đẹp hơn hay nên an nhàn với thực tế cho một cuộc đời bình yên; trả lời được liệu những chuyện bất như ý xảy đến là vì những sai lầm của chúng ta hay là vì những quyết định của số phận, và chúng ta nên phản ứng lại như thế nào đối với sự bất như ý đó: thay đổi chúng theo mong ước của mình hay chấp nhận sự việc một cách bình tâm. 


Nguồn ảnh: The Book of Life


Để tôi giới thiệu các bạn đến một trong những tác phẩm có ảnh hưởng sâu đậm và giá trị tư tưởng cao nhất trong lịch sử loài người chúng ta, Oedipus Rex. 

Oedipus Rex, một thanh niên Hy Lạp cổ đại, nhận được một lời tiên tri rằng số phận của anh ta là sẽ giết chết cha của chính mình và cưới mẹ của chính mình. Chàng ngay lập tức khăn gói và bỏ đi thật xa để tránh khỏi số mệnh ấy. Đến thành Thebes, chàng đã va chạm với một toán người và sát hại hầu hết bọn họ. Không lâu sau, hoàng hậu xứ Thebes phải lòng  chàng, và Oedipus trở thành vua thành Thebes, cho đến khi sự thật kinh khủng được phơi bày nhờ vào người hầu già của hoàng hậu. Có lẽ các bạn cũng đã đoán được sự thật. Oedipus thực chất là hoàng tử Thebes. Nhà vua và hoàng hậu sau khi hạ sinh chàng đã được nghe về lời tiên tri nọ và lệnh cho người hầu giết chết hoàng tử. Người hầu này thay vào đó lại đem Oedipus cho một cặp vợ chồng không con khác nơi thật xa. Đoàn người kia chính là đoàn tùy tùng của đức vua. Kinh hãi bởi số phận tàn độc và sự thật gớm ghiếc này, hoàng hậu đã dùng dao tự tử, còn Oedipus thì khoét đôi mắt ra để không phải nhìn thấy sự thật ấy một lần nào nữa. 


Vậy theo bạn Oedipus cũng chỉ là một nạn nhân của số phận, bị đẩy đưa thực hiện lời tiên tri bởi chính mong muốn né tránh lời tiên tri đó; hay theo bạn đó vẫn là lỗi của Oedipus vì anh đã có thể chọn không giết một người và cứu một người khi chưa biết rõ 

về họ.

 

Nguồn ảnh: Pinterest, từ vở kịch Oedipus Rex


Bạn có thể là một người tin vào ý chí tự do và cho rằng những gì Oedipus gây ra là do lỗi của anh ta, và anh ta đã có thể chọn khác đi. Ý chí tự do cho rằng chúng ta tự do bởi vì việc chúng ta làm gây ra bởi chính chúng ta và không phụ thuộc vào nhân tố nào khác. Bạn đọc một cuốn sách vì bạn đã chọn đọc, chấm hết. Tuy nhiên những người tin vào thuyết quyết định lại nghĩ khác. Họ cho rằng vì bạn bị kiểm soát bởi não, mà não bị ảnh hưởng bởi hằng hà sa số các tác nhân khác lớn hơn nó, đặc biệt là gene và thông tin mà não tiếp nhận, thì chẳng phải tất cả những quyết định của bạn đều là do đã bị quyết định bởi các tác nhân đó, mà các tác nhân đó lại bị quyết định bởi những thứ trước đó nữa, vậy chẳng phải số phận là một thứ đã được quyết định sao? Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng nếu những cậu bé từ nhỏ đã được nuôi dạy để trở thành những kẻ khủng bố, như những gì nhà nước ISIS hay Đức Quốc xã đã làm, thì số phận của các em đâu còn có cơ hội thay đổi, vậy thì có phải cuộc đời bạn sẽ ảnh hưởng bạn, đưa bạn đến những lựa chọn mà bạn không thể chọn khác. 

Cuộc tranh luận cứ mãi tiếp tục, kéo theo không chỉ các nhà triết học mà cả những nhà tu hành, những nhà tâm lý học, và đặc biệt hơn cả là những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ. Mary Shelley với tác phẩm nổi danh “Frankenstein” đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của xã hội đối với một cá thể, Shakespeare với Macbeth đặt ra câu hỏi về vận mệnh và sự tàn ác của con người để thay đổi vận mệnh đó. Ngày nay, lớp trẻ của chúng ta tiếp tục đi tìm câu trả lời. Tuy nhiên, cả hai hướng đi, dù là nghe theo thuyết quyết định và sự an bài của số mệnh, hay là ý chí tự do và sự cố gắng không ngừng nghỉ, có vẻ đang đặt ra rất nhiều khó khăn cho chúng ta ở thời hiện đại. 


Nếu chúng ta đặt niềm tin quá nhiều vào bản thân, đặc biệt là vào khả năng thay đổi vận mệnh nhờ sự cố gắng, cũng chính là đẩy chúng ta đến dự thất vọng cùng cực hoặc khổ đau không đáng có khi những chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đã có lần nào bạn thất vọng khi nhìn thấy mọi sự cố gắng của mình lại không đem về kết quả mong muốn? Có thể đó là một cuộc thi nào đó bạn thật sự mỏi mong chiến thắng, có thể là một người thân bạn không thể thuyết phục, hay là một sự kiện đau buồn xảy đến bất ngờ mà bạn không thể nào đổi thay.

Có thể thấy, rất nhiều thứ chúng ta sẽ gặp hoàn toàn không nằm trong khả năng kiểm soát của mình, và việc nhận ra điều ấy là một điều cần thiết để chúng ta có thể hiểu được bản thân tốt hơn, có cái nhìn đúng đắn hơn về những thứ xung quanh cũng như hơn thế nữa là chuẩn bị cảm xúc, tinh thần và hành động phù hợp trước những sự kiện bất như ý. 

Nhưng những người với niềm tin quá mức vào sự an bài của số phận cũng không thể nào có một cuộc sống hoàn toàn tốt. Đặc biệt là những người còn trẻ, với nhiều tiềm năng và khả năng đáng trân trọng, đáng được phát huy và giữ gìn. Rất nhiều điều trong cuộc sống này chúng ta có thể thay đổi, dựa vào chính khả năng, sức lực và sự cố gắng của chính mình. Có thể đó là thay đổi một thói quen xấu, luyện tập một thói quen tốt; có thể hơn nữa là những con điểm tốt nơi trường lớp; và quan trọng nhất, đó là có một cuộc sống đủ đầy, về mặt vật chất, tinh thần, tình cảm. Một cuộc sống không tiếc nuối không cần phải bắt đầu với một gia đình giàu sang vật chất, có thể nó chỉ cần một ý chí tiếp tục gánh gồng công việc của mình khi chúng ta biết mình còn có thể; có thể một cuộc sống đầy đủ không nhất thiết phải là một cuộc đời vắng bóng đau thương, phần lớn thời gian nó chính là một cuộc sống mà con người chúng ta biết đối diện và vượt qua đau thương đó một cách hợp lý. Và như bạn thấy đấy, có những người quá tin vào sự an bài của số phận, đến nỗi khi gặp một vấn đề khó khăn, họ quá nhanh chóng đi đến quyết định đầu hàng trước nó để tận hưởng một sự “nhàn” vô thực khi thậm chí chưa tìm hiểu bản chất vấn đề đó là thế nào. Bạn thấy đấy, người trẻ nói riêng và chúng ta nói chung, nếu sống như vậy thì thật đáng tiếc lắm. 


MỘT CÁCH TRẢ LỜI


Vậy có lẽ đó không nên là cách tiếp cận của chúng ta. Có lẽ câu trả lời cần một chút sự linh động, hài hòa, và cả sự gần gũi, thiết thực với đời sống con người nữa

Đó là những suy nghĩ của giáo sư triết học Patricia Churchland trong một bài nghiên cứu về thần kinh học năm 2006. Giáo sư lập luận rằng: câu hỏi không nên là chúng ta có quyền kiểm soát hay không, mà là chúng ta có thể kiểm soát tới mức nào.

Khi đọc được ý nghĩ này, tôi cảm thấy thật sự ấn tượng bởi chính sự đúng đắn của nó.

Bà cho rằng sự tự do kiểm soát là một thước đo, và trong từng trường hợp ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành động của mình khi đang bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh khác. Nhà giáo dục ngời Mỹ Hank Green lấy một ví dụ sinh động cho chủ đề này rằng: “Tôi không bắt lỗi bạn nếu bạn hắt xì, bạn chẳng thể nào kiểm soát được chuyện đó. Nhưng nếu bạn hắt xì lên bữa trưa của tôi thì chắc chắn tôi sẽ rất tức giận, vì bạn đã có thể kiểm soát được con mắt bạn nhìn thấy bữa trưa ấy và kiểm soát được cái mũi bạn hắt xì đi đâu”.

Những nhà triết học phái khắc kỉ cũng có những suy nghĩ như thế. Họ tin rằng cuộc đời chúng ta có hai phần lớn, những gì chúng ta kiểm soát được (cảm xúc, hành động của riêng mình) và những gì không (hành động của người khác, những sự kiện bất ngờ).

Hãy tưởng tượng giúp tôi hình ảnh này: một chú chó, với chiếc cổ bị xích vào một chiếc xe kéo bởi một đoạn dây dài, rất dài. Chiếc xe kéo ấy chạy liên tục, liên tục, và rẽ những ngã rẽ bất ngờ, khó chịu, gây nên nhiều khó khăn cho chú chó ấy. 


Theo những học giả của triết học khắc kỷ, đó là cách hình dung về cuộc đời của chúng ta một cách chính xác và gần gũi nhất. 


Cũng như chú chó không thể kiểm soát được chiếc xe sẽ lăn bánh về hướng nào, con người chúng ta không thể biết những chuyện bất ngờ nào sẽ xảy ra, và khi nó thực sự xảy đến, sẽ có những chuyện tác động rất nhiều đến chúng ta mà ta chẳng thể nào thay đổi. Cũng như chú chó nên nhớ rằng nó không thể tự đi theo ý của mình, và nó không nên bỏ công sức ra dằn vặt chính bản thân nó về việc đó, chúng ta không nên làm chính mình bất an khi cố gắng sửa chữa những thứ mình chưa thể sửa được. Nhưng không chỉ vậy, hãy nhớ sợi dây ràng buộc ấy rất dài. Chú chó có thể chọn chỉ đi theo chiếc xe một cách cam chịu, hay nó có thể chạy quanh, tìm kiếm những niềm vui nhỏ, khiến chuyện bị cột thú vị hơn, vui vẻ hơn. Chú chó hoàn toàn có thể chọn nó sẽ làm gì vào mỗi bước chân trên con đường đi ấy, dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sợi dây buộc; chúng ta hoàn toàn có thể chọn sẽ làm gì trong từng khoảnh khắc, dù nhiều ít những điều ấy bị tác động bởi những chuyện trước đây. 

Phần nào bị tác động bởi gia đình và xã hội, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn gục ngã trước những sức đẩy ấy. Có khả năng theo đuổi mong ước của mình, nhưng không có nghĩa mọi thứ sẽ đổi thay theo ý muốn của ta. 


VẬY CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?


Đừng làm khó bản thân với những cảm xúc tồi tệ khi một điều không may xảy đến với bạn, có thể đó là mất đi một ai đó hay là lạc mất những thứ gì, có thể đó là những sự tiêu cực. Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát mọi thứ, và cuộc đời chúng ta thì có biết bao khó khăn chờ đợi. Hãy để chúng xảy ra và bình tĩnh chấp nhận. Vì đó là một phần trong chúng ta

Nhưng cũng đừng buông thả. Hãy nhớ rằng có những thứ vẫn nghe theo lời bạn nói. Đó là những hành động bạn có thể làm, những câu từ bạn có thể nói và những ý tưởng bạn có thể nghĩ ra. Có thể bạn không thể chọn nơi mình sinh ra, và có thể bạn đã gặp thật nhiều chuyện khó khăn và những người xấu tính, nhưng đừng chọn để những điều ấy định nghĩa bạn, bởi vì bạn vẫn có quyền kiểm soát chính mình. Những chuyện không hay xảy ra đấy, nhưng đừng chọn đắm chìm trong nỗi buồn; bạn vẫn có thể chọn cố gắng một chút, thay đổi một chút để tự tạo cho mình một điều tiếp theo tốt đẹp hơn. 


Vậy đấy, nhiều người sẽ cho rằng cách lí giải này thật không thỏa đáng, rằng đây chỉ là một câu trả lời chung chung cho cả hai bên, vô thưởng vô phạt. Nhưng như Tác giả The Book of Life đã chỉ ra rằng, quan trọng không phải những cuộc tranh luận cao siêu, mà quan trọng là một câu trả lời thiết thực, đưa con người, thúc đẩy con người, làm cho cuộc sống của họ được tốt hơn; đó mới chính là lý do chúng ta học triết học. Để kết thúc, tôi xin đưa ra một dòng ý kiến từ tác giả cuốn “The Faults in our Stars” được các bạn trẻ yêu thích. John Green, người anh em song sinh của Hank Green với câu chuyện cú hắt xì, đã viết rằng: “Tôi tin rằng chúng ta có sự lựa chọn, về cách kể những câu chuyện buồn, và chúng ta chọn những cách thật buồn cười”. 



John Green và Hank Green, hai nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ. Nguồn ảnh: fastcompany.com




Tác Giả: Dionysus

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/huybao.nguyenphuc

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

 


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

966 lượt xem, 950 người xem - 978 điểm