Khánh An Lâm@Triết Học Tuổi Trẻ
3 tháng trước
Ranh Giới – Giữ Mình Trước Những Lằn Ranh Giới Mong Manh
Cuộc sống vốn chẳng hề dễ dàng và giữa những ngã rẻ, con người luôn phải đối mặt với những câu hỏi đầy trăn trở: Khi nào là đủ? Khi nào là quá mức? Chúng ta – những chú chim non nhỏ bé với đôi cánh mỏng manh, khát khao một ngày chấp cánh trên bầu trời rộng mở ấy, nhưng đôi khi chính điều ấy khiến ta lạc lối, liệu có khi nào bạn cảm thấy một bước đi quá nhanh, một lời nói quá thẳng, hay một cử chỉ quá mức có thể làm thay đổi tất cả? Mỗi quyết định, mỗi hành động đều ẩn chứa một điều gì đó, một điểm dừng hay một ranh giới vô hình mà ta không bao giờ biết trước. Mong manh đến vậy, chỉ cần một chút lơ là, ta đã vô tình bước qua mà chẳng hề hay biết. Nhưng cũng chính ta lại lo sợ, lại hoang mang vì một nỗi ám ảnh cứ mãi dai dẳng theo đuổi “Lỡ như mình quá đà vượt ra khỏi giới hạn thì sao?” Trong từng khoảnh khắc của cuộc đời, có lẽ điều quan trọng nhất không phải là việc ta đạt được gì, mà là ta biết dừng lại ở đâu.
Vậy “ ranh giới” được hiểu như thế nào?
Đó là sự ngăn cách giữa hai trạng thái khác nhau giữa tích cực và tiêu cực. Ranh giới tồn tại như một điểm cân bằng , giữ cho những phẩm chất, hành vi và giá trị của con người không bị lệch lạc. Đồng thời, ranh giới cũng là chuẩn mực sống bao trùm lên xã hội mà phần lớn mọi người đều không dám vượt qua. Và nó cũng được ví như một đường biên vô hình, chặn lại những bước chân khi con người muốn bước sang một bầu trời mới, một giới hạn mới đầy thử thách. Nó nhắc nhở rằng : mọi giá trị tốt đẹp của con người đều có một ranh giới mong manh, nơi sự thái quá có thể khiến chúng chuyển hóa thành điều tiêu cực. Qua đó, nhan đề “ranh giới” đã mang đến cho chúng ta bài học về cách giữ vững sự tỉnh táo và bản lĩnh để duy trì cách sống đúng mực và giá trị chân chính của con người. Khi ta giữ được ranh giới, phẩm chất của ta sẽ tỏa sáng; nhưng khi vượt qua, ánh sáng ấy có thể biến thành cái bóng mờ nhạt, làm lu mờ giá trị tốt đẹp vốn có của mình.
Trước tiên, phải chăng ranh giới chính là điều kiện cần thiết để bảo vệ sự cân bằng và giá trị cốt lõi của mỗi con người?
Ranh giới là một thứ vô hình, nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng lớn lao, nó được ví như một sợi dây mảnh mai nhưng bền bỉ, ngăn cách giữa ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn mỗi người. Ranh giới không phải là sự ràng buộc hay áp đặt, mà là một ngọn hải đăng soi sáng, giúp con người không lạc lối giữa biển cả của sự quá mức. Nhờ có ranh giới, sự tự tin không hóa thành ngạo mạn – thứ kiêu hãnh chói lòa nhưng rỗng tuếch. Nhờ có ranh giới, sự ngay thẳng không trượt dài thành thô lỗ – thứ sự thật mất lòng làm tổn thương người khác. Và nhờ có ranh giới, sự khiêm nhường không chìm đắm thành tự ti – thứ bóng tối phủ mờ lòng tự trọng. Nó còn giúp chúng ta giữ gìn những giá trị tốt đẹp, ngăn cản ta khỏi những lệch lạc có thể đánh mất bản chất. Đó là sự hiện diện cần thiết, là nguyên tắc định hướng cho cách sống đúng mực, để mỗi người biết yêu lấy điều đúng, chối bỏ điều sai, và không sa vào những cám dỗ thoạt đầu ngọt ngào nhưng mang theo nỗi đắng cay dai dẳng. Nhà văn Ma Văn Kháng, trong Mùa lá rụng trong vườn, đã từng viết: “Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không phân biệt nổi ranh giới thì kẻ đó còn ở trong trạng thái bản năng.” Chính vì thế, chúng ta cần luôn giữ vững giới hạn cho chính mình, duy trì sự chừng mực để không rơi vào những sai lầm và những điều đáng tiếc. Giữ được ranh giới, con người sẽ giữ được chính mình – một sự vững chãi giữa bao phong ba cuộc đời, một ánh sáng không bao giờ phai nhòa giữa những cám dỗ, thử thách.
Vậy tại sao lại có sự tồn tại của ranh giới trong cuộc sống con người ?
Ranh giới xuất hiện từ chính nhu cầu cân bằng và bảo vệ giá trị của con người trong cuộc sống. Cuộc đời vốn dĩ là một dòng chảy đầy những đối lập: sáng và tối, cái thiện và cái ác, thương yêu và thù hận. Nếu không có ranh giới, những giá trị tích cực dễ dàng bị cuốn trôi, hòa lẫn vào sự hỗn loạn của cái tiêu cực. Ranh giới sinh ra để con người biết đâu là điểm dừng, đâu là ngưỡng cần giữ để bảo vệ bản thân khỏi sự sa đà vào những điều thái quá. Ranh giới cũng là một quy luật tự nhiên, phản ánh sự cân bằng vốn có của vạn vật. Như con thuyền cần một cột buồm để định hướng, con người cần ranh giới để điều chỉnh hành vi, giữ mình không vượt quá giới hạn và không đánh mất giá trị cốt lõi. Đó là cách để sự tự tin không trở thành ngạo mạn, lòng tốt không hóa thành nhu nhược, và tình yêu không biến thành sự phụ thuộc. Cuộc sống không bao giờ dễ dàng, và trong những khoảnh khắc đối mặt với thử thách, cám dỗ, ranh giới chính là một hàng rào vô hình giúp con người phân định rõ đúng sai, tích cực và tiêu cực. Đó là một sự hiện diện cần thiết, bởi không có ranh giới, chúng ta dễ dàng lạc lối, đánh mất chính mình trong sự mù mờ giữa hai thái cực. Ranh giới, vì thế, sinh ra như một "luật ngầm" để giữ cho đời sống con người không chìm vào hỗn loạn và mất cân bằng.
Không chỉ vậy , liệu giữ đúng ranh giới có giúp con người nhận ra và trân trọng những giá trị sâu sắc hơn trong cuộc sống?
Đúng vậy, giữ đúng ranh giới sẽ khiến chúng ta nhận ra nhiều điều ý nghĩa hơn – nhưng bản thân mỗi người có thật sự đủ nhận thức và trí tuệ để nhận ra điều đó? Trong cuộc sống, ranh giới không chỉ là những đường phân chia rõ ràng giữa đúng và sai, xấu và tốt, mà còn là những điểm mốc “tinh tế”, giúp chúng ta bước đi vững vàng hơn trên con đường tự nhận thức và trưởng thành. Khi ta sống đúng đắn, biết giữ chừng mực, không chỉ trong hành động mà còn trong tư duy và tình cảm, ta sẽ hiểu rằng mỗi mối quan hệ, mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều có những giới hạn cần được tôn trọng. Và điều quan trọng là, khi giữ đúng ranh giới, ta sẽ nhận ra giá trị của những gì mình đang có: tình yêu thương, sự trung thực, sự quan tâm, sự đồng cảm – những thứ mà đôi khi ta chỉ thấy rõ khi biết ngừng lại, khi không vượt qua những ranh giới không cần thiết. Ranh giới tuy mong manh nhưng mang nhiều ý nghĩa, vậy làm sao để biết khi nào mình đang đi đúng, và khi nào mình đã vượt quá giới hạn? Làm sao để phân biệt được khi nào một bước tiến mới là cần thiết và khi nào đó là một sự sa ngã? Thứ chúng ta cần chính là trí tuệ, là tư duy sắc bén, là khả năng nhìn nhận đúng đắn mọi thứ xung quanh. Không có thước đo vật lý nào để đo lường ranh giới ấy. Nó không đo bằng cm hay ml, mà là đo bằng giá trị của chính con người – sự trưởng thành, sự hiểu biết, sự vững chãi trong việc giữ đúng những giới hạn mà bản thân đã đặt ra. . Chúng ta sẽ chỉ thực sự nhận ra giá trị khi biết trân trọng những ranh giới hiện tại, và khi đã đủ trưởng thành để bước qua những ranh giới mới.
Tuy nhiên, trong xã hội cũng tồn tại những ranh giới như một lời nhắc nhở, như một tiếng chuông cảnh tỉnh vang lên răn đe để con người không sa lầy vào những sai lầm đáng tiếc. Đó là pháp luật, là đạo lý và cả những chuẩn mực của nhân phẩm và giá trị làm người. Những điều đầy quy củ tưởng chừng khô khan ấy tồn tại như một lẽ dĩ nhiên là điều đúng đắn, mang trong mình sức mạnh bảo vệ con người khỏi sự lạc lối, giúp hộ giữ vững tâm hồn và lý trí giữa muôn trùng cám dỗ. Những ranh giới này không phải là gánh nặng áp đặt, mà chính là nền tảng để mỗi cá nhân sống một cuộc đời ngay thẳng, trong sạch, biết phân biệt đúng sai, thiện ác. Nhờ chúng, con người không chỉ sống với phần “người” trong bản thể, mà còn biết kiềm chế phần “con” của bản năng, để sống bằng nhận thức sáng suốt và nhân ái, chứ không lạc lối trong những khát khao tăm tối của bản năng, thú tính. Ranh giới ấy, vì thế, không bó buộc mà dẫn dắt, để mỗi người được là chính mình trong sự hoàn thiện tốt đẹp hơn.
Vụ việc nam sinh lớp tám bị đánh tử vong trong lúc chơi bóng rổ là một minh chứng đau lòng . Chúng ta có thể thấy được từ chàng thanh niên Trương Văn Minh với những phút bốc đồng, nóng nảy chỉ vì một xích mích nhỏ đã hành hung nam sinh đáng thương ấy đến mức gây thương tích nặng . Cuộc đời hắn từ đó chấm dứt chỉ vì không giữ được ranh giới, không biết giới hạn của sự tức giận và hành vi trả thù nên dừng lại tại đâu. Hành động này đã vượt qua ranh giới của nhân tính, đạo đức, cho thấy việc thiếu kiềm chế và không tôn trọng các giới hạn có thể dẫn đến những thảm kịch không thể vãn hồi.
Phân biệt và xác định được rõ ràng những ranh giới trong cuộc sống không hề đơn giản bởi chỉ một phút lơ là, một phút không cẩn thận thôi, con người sẽ ngay lập tức vượt quá giới hạn.
Có những lỗi lầm, những lần phạm sai mà con người sẽ không thế nào cứu vãn được tình hình, sẽ phải gắn liền cuộc đời mình với vệt đen đó không cách nào xoá nhoà được. Những lần vượt quá ranh giới chúng ta đều sẽ phải đánh đổi, dù ít hay nhiều, có thể là công việc, là một mối quan hệ hay thậm chí là cuộc sống bình yên vốn đang diễn ra của mình. Chính vì vậy, dù là ai, chúng ta đều phải thật lý trí khi nói năng, khi hành xử và làm việc. Chúng ta hãy cứ thử sức của mình, chúng ta hãy cứ thách thức năng lực bản thân bằng việc đặt ra cho mình những những thử thách vượt ra ngoài khuôn khổ trước đây. Chúng ta có thể thử cái mới, có thể sáng tạo những điều chưa từng có tiền lệ.Như Johann Wolfgang từng nói: “ Có thể bạn sống trong một thế giới không hoàn hảo, nhưng biên giới không khép kín và những cánh cửa không phải tất cả đều đóng chặt.” Nhưng dù làm gì, hay quyết định ra sao, chúng ta đều phải chắc chắn rằng, hành động đó của mình là không sai, sẽ không ảnh hưởng xấu đến bất kì ai hay việc gì. Và nếu chúng ta không thể vượt qua được ranh giới cho phép một cách thuận lợi, hãy chắc chắn rằng, hậu quả mà nó để lại không quá lớn để bạn phải trả một cái giá quá đắt cho sự mạo hiểm của chính mình.
Tuy nhiên giữ đúng ranh giới không có nghĩa là ta luôn sống trong trạng thái khép nép, giữ gìn mọi ranh giới một cách quá mức, luôn thu mình vào “vỏ ốc” của bản thân và sống một cuộc đời mờ nhạt, vô cảm. Những người như vậy sẽ không thể khám phá được những điều mới mẻ, không thể sáng tạo hay mang tính đột phá trong công việc, học tập. Các mối quan hệ cũng sẽ trở nên giới hạn, khi họ luôn e dè, lo lắng, và đề phòng quá mức. Cuối cùng, chính sự sợ hãi ấy sẽ làm ta lạc lối, đánh mất cơ hội để vươn lên, để sống trọn vẹn với bản thân và thế giới xung quanh. Như lời chiêm nghiệm đầy sâu sắc của Brian Tracy “Hãy giới hạn của bản thân, nhưng đừng bao giờ ngừng tìm cách vượt qua chúng”.
Liệu có phải lúc nào chúng ta cũng phải giữ im lặng và cam chịu trước mọi ranh giới ?
Tuy giữ được ranh giới là quan trọng, nhưng điều đó không đồng nghĩa là chúng ta chấp nhận những giới hạn có sự kìm hãm những quyền chính đáng của con người, kìm hãm con người vươn tới hạnh phúc hay thậm chí kìm hãm sự phát triển của xã hội, thì đó là ranh giới cần phải được phá bỏ. Đôi khi, sự đột phá là cần thiết để mở ra những chân trời mới, nhưng phải phù hợp với khả năng và mức độ của bản thân. Có những ranh giới, chỉ khi ta đủ dũng cảm bước qua, ta mới chạm đến những giá trị lớn lao hơn, mới thực sự trưởng thành và hoàn thiện chính mình. “Có thể người khác sẽ cố gắng giới hạn tôi, nhưng tôi không giới hạn bản thân mình.” – Jim Carrey . Sự vượt qua ấy không chỉ là một hành động táo bạo, mà còn là minh chứng cho sự hiểu biết, sự kiểm soát, và khao khát vươn lên không ngừng nghỉ trong cuộc sống.
Những bài học về cách giữ ranh giới của mọi người:
· Hiểu rõ giá trị của bản thân Trước khi thiết lập ranh giới, mỗi người cần hiểu rõ điều gì là quan trọng với mình, đâu là giới hạn không thể xâm phạm. Khi biết trân trọng giá trị của mình, ta sẽ không dễ dàng thỏa hiệp với những điều sai trái.
· Biết nói "không" khi cần thiết Trong những cuộc trò chuyện, đôi lần ta sẽ cảm thấy e ngại , sợ làm mất lòng người khác khi từ chối những điều vượt quá giới hạn của bản thân. Nhưng liệu chúng ta có biết rằng: một lời từ chối dứt khoát không chỉ giúp ta bảo vệ chính mình mà còn thể hiện sự tôn trọng với giá trị và nguyên tắc cá nhân. Đôi khi, một cái gật đầu miễn cưỡng có thể dẫn đến hối tiếc, trong khi một lời từ chối chân thành lại mở ra sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
· Giữ sự cân bằng giữa lòng tốt và sự lý trí
Tôi từng biết một người luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhưng chính vì quá tốt bụng mà cô ấy không ít lần rơi vào cảnh khổ sở. Có lần, cô cho một người bạn vay một số tiền lớn dù bản thân cũng không khá giả gì. Người bạn ấy hứa hẹn sẽ trả lại sớm, nhưng rồi lần lữa hết lần này đến lần khác. Khi cô nhắc nhở, người kia lại trách móc, khiến cô áy náy và tiếp tục chờ đợi. Mãi đến khi rơi vào cảnh túng thiếu, cô mới nhận ra mình đã quá dễ dãi, để lòng tốt bị lợi dụng mà quên mất bản thân cũng cần được bảo vệ. Nếu ngay từ đầu, cô biết đặt ra một ranh giới rõ ràng, có lẽ lòng tốt ấy đã không trở thành gánh nặng. Giúp đỡ người khác là điều đáng quý, nhưng nếu không đi cùng sự lý trí, ta rất dễ trở thành nạn nhân của chính lòng tốt của mình. Biết giới hạn ở đâu, biết khi nào nên giúp và khi nào cần dừng lại, đó mới là cách giúp đỡ bền vững nhất. Giúp đỡ người khác là điều tốt, nhưng nếu không có ranh giới, lòng tốt có thể biến thành sự dễ dãi, để người khác lợi dụng. Biết giới hạn của lòng tốt giúp ta vừa giúp được người, vừa không làm tổn hại đến chính mình.
· Biết cách kiểm soát cảm xúc
Có lẽ ngay trong chính cuộc sống mỗi người, ắt hẳn ta sẽ không còn quá xa lạ khi chứng kiến một người chỉ vì không kiểm soát được cơn tức giận mà gây ra hậu quả không thể lường trước. Đó là một chàng trai trẻ, chỉ vì một lời khiêu khích nhỏ trong lúc tranh cãi mà mất bình tĩnh, lao vào xô xát với người khác. Cơn nóng giận khiến cậu không còn suy nghĩ thấu đáo, để rồi chỉ sau một khoảnh khắc bốc đồng, một hành động thiếu kiềm chế đã đẩy cả hai vào bi kịch: một người chịu tổn thương nặng nề, còn bản thân cậu phải đối mặt với sự hối hận và trách nhiệm nặng nề. Nếu khi ấy, cậu có thể giữ được ranh giới giữa lý trí và cảm xúc, có thể kiềm chế và suy xét kỹ lưỡng hơn, có lẽ mọi chuyện đã không đi quá xa. Sự tức giận, nếu không được kiểm soát, sẽ biến con người thành nô lệ của chính cảm xúc tiêu cực. Bởi vậy, biết cách kiểm soát cảm xúc không chỉ giúp ta tránh khỏi những quyết định bốc đồng, mà còn là chìa khóa để giữ gìn những giá trị tốt đẹp trong mỗi người.
· Tuân theo những chuẩn mực đạo đức và pháp luật
Ranh giới không chỉ là giới hạn cá nhân mà còn là những quy tắc chung của xã hội. Tuân thủ đạo đức và pháp luật giúp con người tránh khỏi những hậu quả không mong muốn và giữ gìn nhân phẩm.
Có những lúc, vượt qua giới hạn giúp ta trưởng thành, nhưng cũng có những ranh giới cần được tôn trọng để tránh rơi vào sai lầm. Tôi từng nghe câu chuyện về một vận động viên leo núi giàu kinh nghiệm. Trong một chuyến chinh phục đỉnh cao, khi chỉ còn vài trăm mét nữa là đến đích, anh nhận ra thời tiết bắt đầu chuyển biến xấu. Lúc ấy, giữa khát khao chạm tới đỉnh núi và sự an toàn của bản thân, anh buộc phải đưa ra lựa chọn. Cuối cùng, anh quyết định dừng lại, quay về trước khi cơn bão ập đến. Có người tiếc nuối thay anh, nhưng với anh, đó là quyết định đúng đắn. Bởi lẽ, chinh phục không chỉ là đạt đến đỉnh cao, mà còn là biết khi nào nên dừng bước để bảo vệ chính mình. Không phải lúc nào cũng cần phá bỏ giới hạn, đôi khi, giới hạn chính là điểm tựa giúp ta đi xa hơn trên chặng đường dài phía trước. Hãy sáng suốt để biết đâu là giới hạn cần giữ vững và đâu là ranh giới có thể bước qua để phát triển bản thân.
Giữ đúng ranh giới chính là cách mỗi người bảo vệ bản thân trước những sai lầm và đánh mất giá trị. Ranh giới không phải để gò bó hay kìm hãm, mà để nhắc nhở chúng ta sống có chừng mực, biết đâu là đủ, đâu là quá. Bài học lớn nhất từ việc giữ đúng ranh giới chính là khả năng tự nhận thức: nhận ra giới hạn của mình, tôn trọng các chuẩn mực, và không để những ham muốn, cảm xúc bốc đồng cuốn ta vào con đường sai lạc. Từ đó, hành động cần đi đôi với sự tỉnh táo và kiểm soát. Trước mỗi quyết định, hãy tự hỏi mình: “Đây có phải là điều đúng đắn không? Nó có làm tổn thương người khác hoặc chính mình không?” Sống trong giới hạn không phải là từ bỏ tự do, mà là biết cách sử dụng tự do ấy để xây dựng một cuộc đời đáng sống. Giữ đúng ranh giới, chính là giữ lấy giá trị của chính mình, để mỗi bước đi đều là một bước tiến vững chắc hướng tới sự hoàn thiện.
Bài viết trên đây là những chia sẻ của mình về quan điểm “Ranh Giới – Giữ Mình Trước Những Lằn Ranh Mong Manh.” Còn các bạn thì sao? Mỗi người đều có những trải nghiệm và góc nhìn riêng về ranh giới trong cuộc sống. Có những giới hạn cần được tôn trọng để bảo vệ bản thân, nhưng cũng có những ranh giới chỉ tồn tại trong nỗi sợ hãi và sự do dự của chính ta. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ luôn sáng suốt để nhận ra đâu là ranh giới cần giữ vững, đâu là ranh giới có thể bước qua để hoàn thiện bản thân, trưởng thành hơn từng ngày và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Tác Giả: Lâm Khánh An
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Khánh An
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
814 lượt xem, 603 người xem - 646 điểm