Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội - Căn Bệnh Tiềm Tàng Của Sát Nhân Vị Thành Niên

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội ( tiếng Anh là Antisocial Personality Disorder, viết tắt là ASPD) là một trạng thái bất ổn thay đổi về mặt tính cách, biểu hiện ở các hành vi không thích ứng được với các quy tắc đạo đức và pháp luật. Đây là một trong những dạng của nhóm bệnh rối loạn nhân cách. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu từ nhỏ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội và không được chữa trị tâm lý kịp thời sẽ có khả năng cao trở thành những sát nhân trong tương lai.


Những “sát nhân” mang trong mình chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội đã biểu hiện như thế nào?

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường thể hiện sự coi thường người khác và pháp luật bằng cách quấy rối, trộm cắp tài sản, thậm chí là gây tổn thương người khác. Những người mắc phải chứng rối loạn này khá bốc đồng, thường hành xử không theo kế hoạch, không quan tâm đến hậu quả và ngay cả sự an toàn của bản thân, họ cũng không màng tới. Vì vậy, họ có thể đột nhiên thay đổi công việc hiện tại, nơi ở và cả các mối quan hệ xung quanh. Nếu ở thanh thiếu niên, họ rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội, có những hành vi bạo lực, sử dụng các chất kích thích như ma tuý, cần sa. Chứng rối loạn nhân cách chống đối đối xã hội khiến họ cảm thấy hưng phấn, họ có thể tăng tốc ,uống rượu quá nhiều khi lái xe, và cuối cùng là những tai nạn thảm khốc.

Người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường không có trách nhiệm về mặt xã hội và tài chính. Họ chi tiêu phung phí và không thể chi trả các khoản nợ. Người trẻ mắc hội chứng rối loạn này thường sẽ phụ thuộc vào gia đình, nếu như không được cung cấp đủ tiền chi tiêu, họ có thể trộm cắp và làm bất cứ thủ đoạn gì để có tiền chi trả cho những thú vui của bản thân mình, thậm chí là giết người. Đã có những vụ án giết người hết sức thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây như cháu giết bà để lấy vài trăm ngàn chơi game hay con giết cha chỉ vì vài triệu đồng….. Chính vì mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội nên nhiều người rất dễ bị khiêu khích và kích thích hành động, họ rất dễ xảy ra xô xát, lạm dụng người khác và khi không thể khống chế được hành vi và cảm xúc của bản thân, họ có thể gây tổn thương đối phương.

Thanh thiếu niên mắc phải hội chứng này sẽ thường phá vỡ các quy tắc mà gia đình và nhà trường đặt ra như bỏ học, không về nhà… Sự trách phạt và cấm đoán của người lớn không làm chúng sợ mà còn làm chúng càng trở nên thích thú hơn trong việc phá vỡ các nguyên tắc. Chính vì vậy, những người trưởng thành mắc căn bệnh này khi còn nhỏ sẽ có các hành vi cực đoan hơn các bệnh nhân khác. Người mắc phải chứng rối loạn hành vi phản xã hội thường thể hiện sự phá hoại với mức độ tăng dần : trộm cắp, đột nhập vào người khác, thích sử dụng các chất kích thích và bạo lực, có thể tấn công người khác. Ngay cả khi phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, chúng vẫn tiếp tục thực hiện để thỏa mãn mong muốn của bản thân.


Bệnh nhân trẻ có chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thích các hoạt động liên quan đến bạo lực, bao gồm: liên tục tổn thương đến người khác, kể cả người thân ; tra tấn động vật; xúc phạm người khác qua cả lời nói và hành động…. Các hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhi trở thành tội phạm khi chúng đến tuổi trưởng thành.


Vậy những mối nguy cơ dẫn đến chứng rối loạn nhân cách này là gì?

Cả hai yếu tố di truyền và môi trường (ví dụ, lạm dụng trong thời thơ ấu) đều góp phần vào sự phát triển của rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Không quan tâm đến sự đau đớn của người khác trong thời thơ ấu có liên quan với hành vi chống đối xã hội vào giai đoạn sau của thời kỳ thanh thiếu niên.

Một số thanh, thiếu niên sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những băng nhóm cướp để có tiền tiêu xài. Bên cạnh đó, sự áp lực không ngừng từ gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên dễ rơi vào con đường tội lỗi. Lấy một ví dụ cụ thể, trong vụ án “Quỷ hoa hồng” rợn người của Nhật Bản, hung thủ chỉ mới 14 tuổi. Đi tìm nguyên nhân khiến cậu bé sát hại bạn học một cách dã man, gốc rễ ở gia đình của cậu bé. Họ gây áp lực cho đứa con đầu lòng của mình phải trở thành học sinh xuất sắc ở trường, mặc dù chuyên gia cảnh báo rằng Sakakibara không ổn định về mặt tinh thần. Sakakibara thường xuyên hành hạ và giết hại động vật như một "sở thích". Từ động vật, đứa trẻ này bắt đầu tấn công các bé gái trên đường đến trường. Sakakibara mang theo vũ khí từ khi còn học tiểu học. Năm 12 tuổi, Sakakibara thể hiện sự tàn nhẫn với động vật như cắt xén xác mèo và giết bồ câu.Trong một phân tích về vụ án, nhà báo Gamal Nkrumah đã viết: "Điều tồi tệ nhất về vụ án Sakakibara là người ta có thể đã ngăn chặn được nó. Tuy nhiên, cả gia đình thủ phạm cũng như Nhật Bản không chú ý đến những dấu hiệu báo trước. Trẻ em Nhật Bản phải đối mặt với một kỳ thi cực kỳ khó khăn ở tuổi lên 6. Thành tích vào một trường tiểu học tốt sẽ quyết định toàn bộ tương lai của chúng". 


Rối loạn nhân cách chống đối xã hội phổ biến hơn trong số những họ hàng bậc 1 của bệnh nhân so với trong dân số chung. Nguy cơ phát triển rối loạn này tăng lên ở cả trẻ được nhận nuôi và cả trẻ là con đẻ của cha mẹ có rối loạn. Hơn hết, nếu lớn lên trong một gia đình không hòa thuận hay bị lạm dụng từ bé, đứa trẻ ấy sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội rất cao. Chúng bị tổn thương về mặt tâm lý sâu sắc, dẫn đến nhiều hành vi trái với đạo đức, dần dần sẽ hình thành suy nghĩ lệch lạc. Nếu không được phát hiện kịp thời, những đứa trẻ mang theo những thương tổn tâm lý này sẽ hình thành “sát nhân tiềm ẩn” trong con người của chúng, nếu có sự việc kích thích, khả năng cao  chúng trở thành những tên sát nhân thật sự.Những rối loạn hành vi từ thời thơ ấu có thể được xem là một yếu tố nguy cơ cao cho việc phát sinh các rối loạn ở tuổi trưởng thành, đặc biệt là rối loạn nhân cách chống đối xã hội. 


Vậy làm cách nào để ngăn chặn căn bệnh “sát nhân” - rối loạn nhân cách chống đối xã hội ?

Những năm gần đây, số lượng sát nhân vị thành niên tăng lên một cách chóng mặt báo hiệu một sự bất ổn về mặt tâm lý của các em thanh thiếu niên. Vì vậy, cần phải những biện pháp để giảm thiểu tỷ lệ sát nhân trẻ tuổi và giúp các em vượt qua các trở ngại về mặt tâm lý và hoà hợp được với cuộc sống xung quanh.

Hầu hết những bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều không muốn điều trị và nghĩ rằng họ không cần điều trị. Việc điều trị tốt nhất là sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhân. Đây là một quá trình dài, cần có sự phối hợp của các bác sĩ tâm lý và gia đình, người thân của bệnh nhân. Hơn hết, việc trang bị kỹ năng cho các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng. Các bậc phụ huynh xin hãy quan tâm nhiều hơn đối với con cái, hãy lắng nghe, chia sẻ với chúng để chúng cảm thấy được yêu thương và có người bên cạnh mình. Hầu hết những đứa trẻ bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều phải trải qua những đau đớn về cả thể xác lẫn tâm hồn, nếu chúng ta có gặp phải những đứa trẻ đáng thương này, hãy mở rộng vòng tay để yêu thương chúng, giúp chúng vượt qua những ám ảnh về mặt tâm lý, trở lại con người vốn trong sáng và hồn nhiên. Những đứa trẻ sinh ra là để được yêu thương, chúng vô tội, có lẽ do hoàn cảnh buộc chúng phải trở thành người xấu, nhưng nếu được giúp đỡ đúng cách, chúng vẫn mãi là những con người tốt đẹp của xã hội.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội chính là một căn bệnh rối loạn tâm thần thường có ở những kẻ sát nhân man rợ. Họ đều có những mảng ký ức đen tối từ thời thơ ấu, dần dần suy nghĩ và hành động trái với các chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, hãy cứu rỗi những tâm hồn trẻ nhỏ, hãy để chúng lớn lên với tình yêu thương thật sự. Chúng ta, từ bây giờ, quan tâm nhiều hơn đối với thế hệ trẻ vì thật ra chúng vẫn còn nhỏ để đối mặt với hiện thực tàn khốc của cuộc sống. Nếu chúng ta, cả bác sĩ và gia đình -  gốc rễ của mỗi người, cùng chung tay thì tỷ lệ các “sát nhân trẻ tuổi” sẽ nhanh chóng được giảm thiểu, sẽ có nhiều hơn những đứa trẻ được hạnh phúc và vui vẻ. 

Tác Giả: Lâm Nhã Trúc
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

291 lượt xem, 273 người xem - 276 điểm