Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

“Sạc Pin” Cho Những Mối Quan Hệ Đang Nhạt Dần

Không biết bạn đã từng nghe đến những thứ như "lời nguyền bảy năm", "lý thuyết ba năm" chưa? Đại khái nội dung là những người yêu nhau thường không quá ba năm, hoặc khi yêu tới bảy năm thì sẽ chán nhau. Điều này đã được kiểm chứng qua nhiều người đến nỗi nó đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều mối quan hệ.

Bỗng, một sáng thức dậy, đột nhiên cảm giác chẳng còn muốn yêu đương nữa. Người bên cạnh giờ đây trở thành cảm giác "có cũng được, không có cũng chẳng sao". Có người sẽ cảm thấy hoảng loạn, lo lắng vì thấy có lỗi với đối phương. Có người sẽ nhẹ nhàng cho mọi chuyện trôi qua như một lẽ rất bình thường, chia tay và yêu người khác thôi.

Vậy rốt cuộc thì tại sao mối quan hệ của chúng ta lại nhạt dần? Khi đó thì ta phải làm thế nào? Liệu đó có phải là báo hiệu sắp chia tay chăng?

Tình yêu là một quá trình hóa học

Khi con người ta bắt đầu bước chân vào một mối quan hệ mới. Các hoóc-môn tình yêu khiến chúng ta có những cảm giác phấn khích lạ kỳ. Mối quan hệ mới chớm nở thường đi kèm với những mối nguy hại đáng lo. Con người ta sẽ hay suy nghĩ vẩn vơ, đây có phải người phù hợp với mình không? Mối tình này liệu có lâu dài không? Họ có yêu mình nhiều như mình yêu họ không? Bên cạnh họ còn có ai khác nữa hay không? Chúng ta trở nên bất an về nhiều thứ. Những nỗi lo đó khiến con người ta nỗ lực và cố gắng để duy trì mối quan hệ. Họ luôn tìm kiếm những điều mới mẻ trong câu chuyện giữa hai người. Những địa điểm hẹn hò hấp dẫn, những dòng tin mùi mẫn ấm áp, hay những hành động lãng mạn, những món quà bất ngờ... Khi đó, ta dành tất cả sự tập trung và gần như toàn bộ quỹ thời gian của mình để vun đắp cho mối quan hệ mới bắt đầu.

Ở giai đoạn trên, cơ thể ta tiết ra một loại hoóc-môn gọi là Serotonin. Đây là một hóa chất được sản sinh trong giai đoạn đầu của tình yêu, nó khiến những kẻ mới yêu trở nên “điên cuồng”, luôn khao khát được ở gần nhau đến nỗi chỉ vừa tạm biệt nhau ba mươi phút liền nhớ nhung khôn xiết. Có thể gọi đây là giai đoạn “tuần trăng mật” của một mối quan hệ. Tuy nhiên, đúng như cái tên của nó, “tuần trăng mật” chỉ kéo dài được vài tuần, xa lắm thì gần một tháng. Sau đó, “tuần trăng mật” kết thúc cũng là lúc chúng ta dần quen với việc có một người mới trong cuộc sống của mình, những cảm xúc cũng không còn quá điên cuồng như ngày đầu nữa.

Cùng với Serotonin, cơ thể còn sản sinh ra hoóc-môn Dopamine và Oxytocin. Hai loại hoóc-môn này được tiết ra khi có sự tiếp xúc gần gũi giữa hai người yêu nhau, giúp họ luôn trong trạng thái hưng phấn, muốn được gần gũi với nhau. Đồng thời, khi họ dành càng nhiều thời gian bên nhau, cơ thể lại càng sản xuất ra nhiều hoóc-môn. Quá trình đó cứ lặp đi lặp như thế khiến con người ta lúc nào cũng ở trong trạng thái “lâng lâng” khi yêu đương.


Đáng tiếc, những hoóc-môn tình yêu chỉ được tiết ra trong khoảng ba năm đầu tiên. 

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, quá trình hóa học này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, cụ thể là ba năm. Sau thời gian đó, số lượng hoóc-môn do cơ thể sản sinh giảm sút rất nhiều khiến con người ta rơi vào trạng thái chán nhau.

Tình yêu là một cây đàn piano

Nếu trong lý giải về mặt khoa học, tình yêu là một quá trình hóa học, thì theo lý giải “đời thường”, tôi thấy tình yêu chính là một cây đàn piano.

Bạn đã từng thấy đàn piano chưa? Nếu chưa thì chắc bạn cũng đã từng nghe qua về cây đàn quen thuộc này rồi chứ? Trên đó lúc nào cũng có những phím đen xen kẽ giữa những phím trắng. Những phím trắng tựa trưng những mảng màu sáng sủa trong tình yêu, còn những phím đen đại diện cho những nốt trầm trong mối quan hệ giữa hai người. Những phím đen và trắng luôn đi cùng với nhau, xen lẫn vào nhau và không thể tách rời khỏi nhau bởi chúng là một tổ hợp hoàn hảo cho mọi bản nhạc.

Giả sử chúng ta ví những nốt trắng như những khoảng thời gian tốt đẹp, bình yên và những nốt đen thì giống như những thăng trầm, sóng gió. Nếu tình yêu là một cây đàn thì đàn bản nhạc nào là tùy vào lựa chọn của mỗi người. Có người sẽ thích sự sôi động, mới mẻ, có người lại thích êm đềm, lặng lẽ. Thế nhưng, trong những mối quan hệ tình cảm, dù là quá bình dị hay quá thăng trầm cũng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Bình yên quá, lặng lẽ quá khiến con người ta mất dần những cảm xúc hưng phấn, hứng khởi thuở đầu và đi đến giai đoạn nhạt dần trong tình cảm. Ngược lại, thăng trầm quá, sóng gió quá lại khiến người ta cảm thấy mệt mỏi với việc ở cạnh nhau. Vì thế, việc cân bằng giữa giữa những nốt trầm và bổng trong một mối quan hệ là điều rất cần thiết.    


Tình yêu là một cây đàn piano, đàn bản nhạc nào là tùy mỗi người, đàn hay hay dở cũng là tùy mỗi người. 

Những phím đen là một chất xúc tác nên có trên “cây đàn” tình yêu, nhưng vốn dĩ, chúng bao giờ cũng phải ngắn và ít hơn những phím trắng. Tương tự như thế, chán nhau là một trạng thái thuộc về tự nhiên và là một gia vị luôn xen kẽ cùng những trạng thái hưng phấn khác. Đó là điều chúng ta không thể tránh được và cũng không cần phải cảm thấy quá tồi tệ. Bởi vì, như đã nói ở trên, tình yêu là một cây đàn piano, những phím đen luôn hiện diện ở đó và góp phần không nhỏ đến sự thành công của vô số bản nhạc.

Trên đây là hai khái niệm nhằm giải thích cho hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến cảm giác nhạt dần trong những mối quan hệ. Ở đây tôi chỉ lý giải vấn đề theo chiều hướng tích cực, tức là đây là một trạng thái mà bạn không mong muốn. Còn nếu nguyên do chính lại đến từ việc bản thân bạn đã hết tình cảm hay bạn muốn kết thúc mối quan hệ đó, thì chẳng có lý do gì để nhấn chuột vào bài viết này, phải không?

Sau khi đã biết được nguyên nhân tại sao những mối quan hệ lại nhạt dần thì việc còn lại là tìm cách để vượt qua giai đoạn thử thách này. Thực ra, so với việc tìm giải pháp thì việc nhận định rõ ràng vấn đề ngay từ bước tìm nguyên nhân quan trọng hơn rất nhiều. Bởi nếu không thể làm rõ được những cảm xúc của mình thì người trong cuộc rất dễ bị lầm tưởng cảm giác chán chường này với sự không chung thủy, dấu hiệu chia tay, đổ vỡ…

Nếu tình yêu là một chiếc điện thoại…

Trong thời đại hiện nay thì có lẽ vật dụng không thể thiếu đối với tất cả mọi người chính là chiếc điện thoại. Bạn đã tìm ra điểm chung nào giữa tình yêu và điện thoại chưa? Nếu vẫn chưa thì hãy giúp tôi trả lời một câu hỏi nhỏ này nhé: Điện thoại của bạn có vết nứt nào không?

Chúng ta sẽ trải qua một vòng lặp giống nhau với những chiếc điện thoại của mình. Khi vừa mua về thì “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tuyệt nhiên không để bám một tí bụi chứ chưa nói đến có vết trầy nào. Thời gian thấm thoát trôi qua, giai đoạn “mới yêu” ấy cũng chóng tàn. Đến một ngày, sự quan tâm của ta đã dần bị chiếm lấy bởi những thứ mới mẻ khác, sự hiện diện của chiếc điện thoại đã không còn mang đến cho ta những cảm giác hưng phấn như lúc đầu. Ta quên mất rằng mình đã từng nâng niu nó thế nào. Giờ đây, ta tùy tiện sử dụng, thích đặt đâu thì đặt đó, bẩn một chút cũng chẳng sao.


Chiếc điện thoại được nâng niu ngày nào, giờ đây đã đầy những vết trầy xước. 

Ngày qua ngày, chiếc điện thoại ngày nào giờ cũng đã không còn được giữ gìn như trước, vài vết trầy, xước không khiến ta bận lòng. Ta vẫn thoải mái tiện đâu đặt đấy. Rồi cũng đến ngày chiếc điện thoại bắt đầu xuất hiện vết nứt. Những lần đầu tiên, ta còn giật mình đôi chút và tự nhủ mình sẽ cẩn thận hơn, nhưng rồi đây lại vào đó. Thêm một chút, một chút, cũng chẳng sao.

Tình yêu cũng tương tự như thế. Bước qua giai đoạn nồng thắm thuở đầu, mọi thứ dần đi vào trật tự thì cũng là lúc sự hiện diện của đối phương không còn là một điều gì đó quá mới mẻ nữa. Chúng ta đã dần quen với việc có họ trong cuộc sống của mình. Cảm giác thích thú khi tìm kiếm những điểm hẹn hò hay ho, tạo cho nhau những bất ngờ lãng mạn không còn nữa. Dần dần, ta quên mất việc thắp lửa cho mối quan hệ của đôi bên. Sự quen thuộc và lãng quên cứ liên tục làm trầy xước lên tình yêu của chúng ta.

Bạn đã từng nghĩ đến cảnh một ngày kia nếu điện thoại không lên nguồn nữa thì sao?

… thì còn đợi gì mà không mau chóng “sạc pin” đi nào!

Có nhiều cách “sạc pin” cho những mối quan hệ sắp “sập nguồn”. Mỗi cách có thể phù hợp với tình huống này, nhưng cũng có thể vô dụng trong tình huống khác. Quan trọng là chính bản thân ta hiểu rõ về mối quan hệ của mình để có những cách “sạc pin” hiệu quả. Nếu bạn vẫn còn khá hoang mang, thì hãy xem qua ba gợi ý của tôi để tham khảo thử nhé!

Thứ nhất, “đổi gió” cho phong cách hẹn hò. “Đổi gió” ở đây có thể đến từ nhiều khía cạnh. Đừng cho rằng hai bạn đã ở bên nhau quá lâu, quá hiểu nhau, không cần phải câu nệ, khách sáo. Sai lầm! Lâu lâu, một sự đổi mới sẽ khiến cả hai tìm lại được những cảm xúc “rung rinh” thuở đầu đó. Bạn có thể lên lịch cho một cuộc hẹn ở một địa điểm mới với một phong cách hoàn toàn khác mà cả hai chưa từng thử trước đây, một chuyến du lịch chẳng hạn. Gợi ý nho nhỏ đó là cơ thể cực kỳ hưng phấn với những buổi hẹn hò “sôi động”, những hoạt động mạnh sẽ khiến nhịp tim tăng lên, cả hai đều cảm thấy rộn ràng hơn. Thêm vào đó, những sự đổi mới trong phong cách ăn mặc cũng có thể khơi gợi lại những xúc cảm ngày đầu khi cả hai vừa gặp nhau và bị hấp dẫn bởi nhau.

Thứ hai, tìm lại “tần số” chung cho cả hai. Có những mối quan hệ gặp trục trặc vì hai người đang đi về hai hướng khác nhau. Có thể, sự quan tâm của bạn không phải điều đối phương cần, mà điều đối phương mong muốn lại là thứ bạn không hề nghĩ đến. Sự “chệch sóng” tưởng như ngây ngô này có thể giết chết vô vàn cuộc tình. Nếu nhu cầu không được thỏa mãn, căng thẳng sẽ sinh ra, nếu căng thẳng bị dồn ép, bùng nổ bất đồng là điều khó tránh khỏi. Vì thế, thi thoảng hãy thử cùng nhau ngồi lại để tìm “tần số” chung. Có người thấy tình yêu đơn giản là được cạnh nhau, có người lại thích những món quà nho nhỏ, có người chỉ cần được quan tâm, nâng niu, có người thích nghe lời yêu thương, có người hưng phấn với những cái chạm…


"Trong tình yêu cũng cần những khoảng lặng để chúng ta học được cách trân trọng nhau hơn". 

Thứ ba, dành thời gian để F5 bản thân mình. Có những sự nhàm chán đến từ việc con người ta cảm thấy đối phương đã trở thành một lẽ hiển nhiên, một điều quen thuộc trong cuộc sống. Thậm chí, có những người cảm thấy mệt mỏi với việc phải tỏ ra quan tâm nhau một cách gượng ép. Vậy đây là lúc ta cần giúp bản thân nhận ra được vị trí của người yêu trong lòng mình. Cả hai hãy ngồi lại và cùng thống nhất tạm thời dành không gian riêng cho mình một khoảng thời gian, vài ngày hoặc vài tuần chẳng hạn, nhớ là đừng quá lâu đấy nhé! Không còn những tin nhắn hỏi thăm, không còn những buổi hẹn hò quen thuộc, không còn những cái nắm tay thật chặt, những cái ôm vỗ về hay những nụ hôn ấm áp, bạn có cảm thấy thiếu vắng điều gì không? Có thêm thời gian tụ tập chơi bời cùng bè bạn, đồng nghiệp thì vui đấy, nhưng sau đó về nhà bạn có thấy cô đơn không? Có những thứ chỉ khi mất đi con người ta mới biết trân trọng. Vì thế, trong tình yêu cũng cần những khoảng lặng để chúng ta học được cách trân trọng nhau hơn.

Tóm lại, không có mối quan hệ nào không trải qua những gian đoạn chán nản hay nhạt dần, nó không phải là dấu hiệu của sự không chung thủy hay hai bạn không hợp nhau gì cả. Nó đơn giản chỉ là một điểm nhấn cho mối quan hệ của bạn, và việc còn lại phụ thuộc vào bạn có muốn vun đắp cho tình yêu của mình hay không mà thôi. 

Tác Giả: LYs.

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/plzluvurself

---------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

12,329 lượt xem, 11,385 người xem - 11390 điểm