Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sách Self-help Có Help Yourself? – Bài Học Cuộc Sống Về Self-control

Khi nghe thông tin cuốn sách về chủ đề yêu thích được xuất bản, tôi liền háo hức chạy ra nhà sách hoặc lên trên mạng để đặt ngay về một cuốn. Ngấu nghiến đọc được vài ngày, chưa xong hết cuốn sách này lại nghe tin, tác giả yêu thích của tôi mới ra lò thêm một cuốn sách mới. Rồi lại mua nữa, đọc qua loa vài trang rồi lại… để đó, tủ sách có vẻ ngày càng nhiều sách nhưng kiến thức thì chẳng thu thập được nhiều tương ứng. Nhìn kỹ lại từng cuồn sách thì hầu như cuốn nào cũng mới!

Tôi đã từng như vậy và tôi nghĩ có thể bạn cũng có thói quen này giống tôi. Thói quen này chưa hẳn đã xấu nhưng nếu thực sự không để tâm và tìm cách hạn chế thì có lẽ chúng ta đang hoang phí tiền cho những thứ không tạo ra giá trị. Chúng ta đang tự huyễn hoặc bản thân mình về sự tích cực của hành động này, dựa trên quan điểm: “Tôi đầu tư mua sách và dành thời gian đọc sách vậy đã là một thói quen tốt rồi!” hay “phải có thời gian để tôi thấm nhuần sách chứ!”. Nhưng nó có thực sự tốt? Đó thực sự là một khoản đầu tư có lãi? Và chúng ta đã thực sự tận dụng nó một cách có tâm, không hời hợt?


Tôi sẽ trả lời câu hỏi này cụ thể ở cuối bài viết này, còn bây giờ hãy cùng tôi trải nghiệm những câu chuyện bên dưới, do tôi quan sát và tích cóp lại để làm kinh nghiệm cho bản thân và hi vọng nó sẽ có ích với bạn. Từng câu chuyện với những góc nhìn và cách phân tích khác nhau, hi vọng sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên - một cách thành thật với bản thân nhất có thể.

Tôi không thích lãng mạn và những lập luận bay bổng, xa rời thực tế của một bộ phận nhỏ bạn trẻ bây giờ. Tôi chỉ muốn nói ra “sự thật mất lòng” để giới trẻ nói riêng ý thức rõ ràng hơn về những điều cần thay đổi trong tư duy và hành động. Cho phép tôi được đổi tên những người bên dưới vì sự riêng tư cá nhân của họ.

Câu chuyện 1: Nam tốt nghiệp á khoa của một trường đại học có tiếng về kinh doanh. Cậu có một bề dày thành tích đáng nể khi còn học ở trường và giữ vị trí quan trọng trong một câu lạc bộ sinh viên. Tôi ngưỡng mộ cậu ta bởi sự toàn diện cả về tài năng, năng lực học tập lẫn khả năng giao tiếp. Và dĩ nhiên mọi thứ tốt đẹp chờ đón cậu ngay khi tốt nghiệp, được nhận thực tập vị trí nhân viên kinh doanh tại một công ty nước ngoài với mức hoa hồng khá cao và gắn bó với công việc này đến thời điểm hiện tại.

Bẵng đi một thời gian kể từ lúc ra trường đi  làm, chúng tôi gặp lại nhau. Tôi nghe cậu trải lòng về công việc và những thành tích quá khứ, cậu chia sẻ với tôi những điều mà cậu không dám nói với ai vì sợ mọi người không cảm thông và nghĩ cậu quá tham vọng, rằng thực sự cậu không hài lòng về bản thân hiện tại dù cho mọi thứ có vẻ là “ổn” dưới con mắt của mọi người xung quanh.

Cuộc sống của cậu xoay quanh những câu chuyện ăn nhậu để bán hàng, chăm sóc khách hàng và chạy theo doanh số. Cậu không sợ yếu kém về mặt chuyên môn nghiệp vụ nhưng cảm giác “có cái gì đó sai sai” vẫn đeo bám cậu, khiến cậu mỗi ngày trở về nhà là mệt mỏi và uể oải, năng lượng bị rút cạn và cần phải có không gian riêng để cân bằng lại. Cậu luôn tự hỏi giá trị của những việc cậu đang làm là gì khi nó không đem đến cho cậu hạnh phúc? Nó phải là bản chất con người cậu hay không?

Cậu xin công ty nghỉ khoảng 2 tuần để có thời gian dành cho bản thân, khoảng thời gian này cậu cố gắng định hình xem cái gì mới là cái đem lại cho cậu niềm vui khi làm việc. Cậu bắt đầu viết ra những suy nghĩ của cậu về cuộc sống làm việc khốc liệt ở môi trường công sở. Và cậu nhận ra, cậu chỉ cảm thấy hạnh phúc khi được giao tiếp ở cấp độ cá nhân với khách hàng, giúp họ nhận ra tính năng sản phẩm thật sự cần cho nhu cầu của họ, sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm đó và duy trì mối quan hệ tốt với cậu, kể cả khi họ không sử dụng sản phẩm của công ty cậu nữa.

Cậu không cảm thấy hạnh phúc khi tham gia vào những buổi nhậu nhẹt không có hồi kết, mặc dù cậu có tửu lượng rất khá, nhưng chỉ đơn giản cậu thấy thời gian nhậu nhẹt là khoảng thời gian vô ích và rất ít những câu chuyện ý nghĩa còn ở lại sau những cuộc vui. Cái mà người nhậu cho rằng “để kết giao mối quan hệ” thực chất ra chỉ là sự ngụy biện cho “thói ăn chơi vô tổ chức” vì rất ít ai tỉnh táo sau cuộc vui để thực sự kết nối với người khác.

Câu chuyện 2: Vân là một con mọt sách chính hiệu, cô thường dành rất nhiều thời gian cho việc đọc sách. Trong khi bạn bè quay cuồng với đám sách chuyên ngành thì cô vẫn có thời gian để đọc sách phát triển bản thân. Tôi đánh giá cô là một người biết đọc sách, có tư duy phân tích và hiểu những kiến thức trong sách rất nhanh, dù đó là thuật ngữ khó của chuyên nghành.

Nhưng có lẽ, vì khả năng và lợi thế này, mà mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của cô chỉ quẩn quanh ở những cuộc cãi vã không hồi kết. Trong giao tiếp thường nhật, cô thích trích dẫn từ sách và tỏ ý chê bai những ai lập luận và nói chuyện không có căn cứ. Cô nói đúng, “nói không có sách, mách không có chứng” là điều nên tránh trong giao tiếp, nhưng cách hành xử của cô như vậy có phù hợp hay không khi bạn bè ngày càng xa lánh với cô. Và gắn cho cô cái mác: “nhà triết gia cực đoan”.

Cô bạn thân nhất của cô cũng dần “né” cô ra, cô cảm nhận được “cả thế giới có vẻ đang chống lại cô”. Hành động đó của cô bạn thân đã làm thay đổi suy nghĩ của cô về cách nói chuyện của mình, cô bắt đầu tìm cách để trở nên biết lắng nghe hơn trong giao tiếp. Bắt đầu tìm cách hạn chế cái tôi của mình…

Câu chuyện 3: Cậu bạn tôi tên Minh, nhưng hơi kém “thông minh” một chút trong khoản học tập. Nhưng luôn “rất thông minh” trong việc tìm cách đầu tư thời gian bên ngoài lớp học vào việc kinh doanh kiếm tiền. Đến lúc sắp vào chuyên ngành rồi mới loay hoay “cày điểm” để xét vào “ngành ngon” một chút nhưng vô ích vì điểm tích lũy quá thấp do thời gian đầu tư không đủ. Cậu không để tâm và vẫn lao vào kiếm tiền, để mặc cho việc học tập ngày càng đi xuống.

Tất nhiên, sự nỗ lực đầu tư vào công việc bên ngoài của cậu đem lại thành quả ngọt ngào, khi cậu là đứa duy nhất trong lớp kiếm được tiền ở mức gần 8 con số khi chỉ mới là sinh viên năm thứ 3. Phần lớn thu nhập của cậu đến từ việc kinh doanh riêng, nhưng khó khăn ở chỗ cậu bị hổng kiến thức về quản lý dòng tiền nên để tiền thất thoát nhiều, một phần là do người tư vấn dòng tiền mà cậu tin tưởng đã tìm cách lấy một phần doanh thu của cậu về túi riêng. Khi phát hiện ra chuyện này, trong cậu nổi lên một suy nghĩ: “Mọi chuyện xảy ra do mình kém hiểu biết và việc này thì mình hoàn toàn có thể chủ động thay đổi được, chứ không phải bất lực do khách quan ngoại cảnh”. Cậu liền đăng ký một khóa học về phân tích tài chính cho công ty Star-up và học ngấu nghiến vì cậu không muốn tiền mình kiếm ra lại bị thất thoát bởi sự “không thông minh” của bản thân như vậy.

Cả ba câu chuyện trên, mỗi câu chuyện là một vấn đề khác nhau trong cuộc sống của Nam, Vân và Minh. Điểm chung lớn nhất của 3 câu chuyện trên, là cách mà 3 người bạn của chúng ta đối mặt và xử lý vấn đề. Họ đều tạm dừng, ý thức vấn đề và nhìn lại bản thân, nhìn lại thật rõ những xung đột đang xảy ra trong nội tâm, phân tích nguyên nhân và hành động để thay đổi vấn đề đó.

Vậy thì 3 câu chuyện này liên quan như thế nào đến chuyện thói quen mua sách của tôi ở đoạn mở đầu?

Tôi vẫn tiếp tục hành vi mua sách, mà không nhận thức được thực tế là tôi chỉ đọc cho biết thông tin, thỏa mãn về mặt thông tin xong lại có nhu cầu muốn tìm kiếm sự thỏa mãn mới cho cái mà tôi gọi là “đầu tư tri thức cho bản thân”. Có thực sự là đầu tư tri thức nếu tôi tiếp tục đọc sách kiểu như vậy? Chỉ cần ý thức lại một chút, nhìn nhận cho kỹ vấn đề một chút khi chuẩn bị ra quyết định nào đó, chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của hành động sau đó của chúng ta là thực sự vì mục tiêu phát triển bản thân, hay chỉ đơn thuần là thỏa mãn về mặt cảm xúc.

Kết quả của những câu chuyện trên là gì?

Nam đã nhận thấy bản thân mình bất ổn vì tham gia quá nhiều vào những hoạt động “rút cạn năng lượng” và không đem lại hạnh phúc. Cậu tự cho mình những phút tỉnh thức để xem thực sự bản thân cậu muốn gì và nên làm gì. Bây giờ, cậu hoàn toàn hạnh phúc với công việc mới – chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, nơi cậu có thể kết nối sâu sắc hơn với khách hàng và thực sự là chuyên gia tận tâm, luôn có phương án bảo vệ tài chính cá nhân của khách hàng một cách tốt nhất có thể. Khi cậu nói “không” với hành động vô ích đó, thế giới cậu thực sự thay đổi theo hướng cậu mong muốn. Nam nói với tôi: “Đừng bao giờ tỏ ra trông ổn hơn người khác khi thực sự bản thân cảm thấy không ổn”.

Vân chú tâm vào việc phát triển mối quan hệ giao tiếp, hơn là chỉ chăm chăm vào bắt lỗi lý luận từ những câu nói của người khác. Cô chỉ sử dụng kiến thức sách vở trong những trường hợp mà cuộc đối thoại giao tiếp nặng về tính chuyên môn. Quan trọng là cô luôn giữ thái độ lắng nghe để thấu hiểu và sử dụng kiến thức mình có để giúp phát triển giao tiếp chứ không phải chỉ để thể hiện kiến thức. Ngoài ra, cô còn chủ động thêm thắt vào giao tiếp những câu chuyện thú vị khiến mọi người luôn cảm thấy vui vẻ và không nhàm chán khi tiếp xúc với cô. Bạn bè khi xưa “xa lánh” cô, thấy được thiện chí và sự thay đổi tích cực của cô nên dần dần trở nên thích cô. Và tôi chắc chắn, thế giới của cô bây giờ sẽ chỉ là những câu chuyện vui của thời đại học, chứ không phải là câu chuyện bị “lạnh nhạt” nữa rồi.

Minh không chỉ chủ động học các khóa học online mà còn tìm đến những người giỏi trong lĩnh vực cậu quan tâm, thậm chí là thầy cô bạn bè có kiến thức về chủ đề quản lý tài chính để học hỏi và phát triển chuyên môn. Giờ đây, cậu không cần hợp tác với người quản lý dòng tiền nào khác nữa, vì cậu hoàn toàn có thể quản lý và phát triển kinh doanh riêng. Cậu tạo nên đội ngũ tư vấn riêng cho cậu những khi cậu cần học hỏi điều gì đó mới để giải quyết vấn đề phát sinh trong công việc. Quan trọng hơn hết, cậu nhận thấy sự quan trọng của việc nắm vững kiến thức chuyên ngành và bắt đầu dành thời gian học hành đàng hoàng lại để không bị hổng những kiến thức nền.

Còn riêng bản thân tôi, khi tôi ý thức lại việc mua sách của mình, lúc đó thái độ của tôi đã khác. Tôi tìm cách khai thác giá trị của cuốn sách mình đang đọc và trì hoãn việc mua sách mới. Chỉ khi tôi hoàn thành xong cuốn sách cũ và ứng dụng được một điều gì đó vào trong cuộc sống, thì tôi mới cho phép bản thân chuyển sang đọc một cuốn sách mới.

Vân, Nam và Minh không đọc quá nhiều sách self-help như tôi, nhưng vẫn có những cách giải quyết thỏa đáng cho vấn đề xảy ra trong cuộc sống của các bạn. Như vậy, cách mà chúng ta đối diện vấn đề, suy nghĩ, hành động và ứng dụng thực tế mới là câu trả lời phù hợp nhất cho câu hỏi: “Có phải cứ đọc sách là cuộc sống mình sẽ trở nên tốt đẹp hơn?”. Chắc chắn bạn sẽ hiểu, không có sự thay đổi nào xảy ra với bản thân chúng ta nếu chúng ta làm một điều gì đó xong và để đó - không ý thức được mục đích, không kiểm soát bản thân. Sách chỉ thực sự tốt nếu bản thân chúng ta đọc nó và ứng dụng nó một cách chủ động. Kiến thức từ sách chỉ trở thành tri thức của chúng ta nếu chúng ta đọc có kiểm soát. Ý thức bản thân và hành động kiên trì tôi mô tả bên trên chính là khái niệm của Self-control. Một định nghĩa ngắn gọn, Self-control là việc bạn có khả năng kiểm soát cảm xúc và hành động của bản thân trong những tình huống khó khăn.

Một ví dụ của self-control trong việc đọc sách bên dưới sẽ là lời gợi ý của tôi dành cho bạn để bạn vừa có thể tận dụng được sức mạnh tri thức từ sách vào cuộc sống và vừa nâng cao được tinh thần Self-control. Tôi xin đưa ra các chiến lược các bước đọc sách hiệu quả cụ thể như bên dưới:

Bước 1: Xác định vấn đề bản thân đang phải đối mặt, tự hỏi bản thân đang cần cải thiện điều gì, nhận thức được điều gì là quan trọng. Bước này cực kỳ cần thiết để bạn hiểu sâu về bản thân bạn hơn, hãy lấy một tờ giấy và ghi chú ngắn gọn lên đó những điều mà bạn không hài lòng về bản thân và muốn thay đổi.

Bước 2: Chọn sách bằng cách lên các trang mạng tìm kiếm, đọc một vài review về sách hoặc trực tiếp đọc thử 1 vài trang cuốn sách. Bước review này chỉ để nhận diện tổng quan những cuốn sách nào phù hợp với kiến thức và nhu cầu hiện tại của bạn. Tránh mua sai sách về, đọc không hợp rồi lại để đó.   

Bước 3: Tiến hành đọc sâu và bôi xanh đỏ tím vàng những ý mà bạn tâm đắc. Bạn có thể take-note tùy ý những suy nghĩ của bạn về một đoạn nào đó mà bạn đọc ngay trên lề sách. Đừng sợ dơ sách, mình đang tận dụng sách cơ mà!

Bước 4: So sánh lại với những ghi chú ở bước 1, tự hỏi mình: “Thực sự cuốn sách này có giúp mình giải quyết vấn đề và phát triển khía cạnh nào đó của bản thân mình hay không?”. Nếu câu trả lời là không thì bạn biết mình cần phải làm gì tiếp theo rồi đấy!

Bước 5: Viết 3 điều cần làm khi đọc xong cuốn sách. Cố gắng viết ra những hành động thật cụ thể để bộ não nhận thức được nên làm gì, ghi chung chung thì kết quả cũng sẽ “chung chung”, không rõ ràng.

Bước 6: Hành động và kiểm soát kết quả của hành động. Phân tích rõ tại sao bản thân lại không làm hay có làm nhưng không hiệu quả và cách khắc phục. Tự hỏi bản thân: “Nếu làm lại lần sau, thì làm phải làm thế nào cho tốt”. Từ suy nghĩ đến kết quả rất cần sự hành động nhất quán của bản thân và kiên trì trong những tình huống khó khăn nhất.

Tôi hi vọng những bước trên sẽ giúp bạn có được cách đọc sách hiệu quả hơn và tận dụng được thời gian tốt hơn khi quyết định đầu tư vào một cuốn sách nào đó. Hãy đưa các bước này tham chiếu vào cuộc sống và chỉnh sửa cho phù hợp với bản thân bạn nếu muốn. Nhưng đừng thoái thác việc hành động một khi bạn đã ra quyết định làm điều gì đó.

Xây dựng self-control thông qua việc đọc sách có định hướng là một cách làm khôn ngoan. Khi bạn làm tốt việc này, bạn sẽ có động lực và niềm tin vào bản thân để self-control vào những lĩnh vực khác của cuộc sống. Dần dần, mọi chuyện sẽ đi vào quỹ đạo và bạn sẽ nắm trong tay quyền kiểm soát những vấn đề khó khăn đang xảy ra - bằng chính nội lực của bản thân chứ không phải vì một điều gì đó khác không phải là quyết định của chính bạn.

Khai thác triệt để sách self-help và tự help bản thân mình bằng self-control, bạn nhé!


Tác Giả: Phúc Nguyễn

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nguyen.t.phuc.9

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ





----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,492 lượt xem, 6,484 người xem - 6527 điểm