Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sáng Tạo - Giới Hạn, Nhiễu Âm Và Khoảng Cách


Phần 1 - Hoá ra, giới hạn của mình chính là vạch đích. 



“If your creativity is driven by a desire to get attention, you’re never going to be creatively fulfilled.” - Joseph Gordon-Levitt


"Nếu sự sáng tạo của bạn được dẫn dắt bởi khát khao có được sự chú ý, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn đắm mình vào trải nghiệm sáng tạo ấy." - Joseph Gordon - Levitt.


Điều đầu tiên, mình chưa bao giờ dám tự nhận mình là người sáng tạo. Trong tất cả những điều tốt đẹp trên thế giới này, có lẽ, đó sẽ là tính từ cuối cùng mình dám thiết lập mối quan hệ giữa nó và bản thân. Từ khi bắt đầu đi học tới khi tốt nghiệp phổ thông, luôn giữ gìn vị trí "con nhà người ta" trong mắt tất cả mọi người, mình vẫn luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời: Tại sao dường như mình không thể sáng tạo?


Mình của khi ấy, luôn nhìn những người bạn có thiên phú nghệ thuật bằng một con mắt ngưỡng mộ vô cùng. Mình của khi ấy, gửi gắm mong ước về khả năng sáng tạo vào những người bạn, vào thần tượng, vào những tiểu thuyết phiêu lưu. Mình cho rằng, càng có được nhiều chất liệu, có lẽ khoảng cách của mình và cái vạch đích mang tên "sáng tạo" sẽ càng được thu hẹp.

Để rồi mãi tới hôm nay, mình chợt nhận ra, vấn đề không phải kho chất liệu mà mình có được, cũng không phải phương thức mà mình lựa chọn. Vấn đề là ở vạch đích. Từ trước đến giờ, vạch đích của mình không phải "sáng tạo", mà là "được chú ý".


Có một câu chuyện nhỏ như thế này. Ngày xửa ngày xưa, khi lần đầu tiên cầm bút vẽ, mình đã rất miệt mài và hăng say dành ra nửa ngày để vẽ vời trang trí cho cuốn vở nháp mang theo mỗi khi tới lớp. Màu sắc, hoạ tiết... tất cả đều thật hấp dẫn với một con bé 5 tuổi. Sau đó, bố mình vào phòng, nhẹ nhàng nói, "Tại sao con không dành thời gian để học mà lại vẽ vời linh tinh như vậy?". Sau đó, mình lặng lẽ cất quyển vở nháp đi, mở sách toán ra bắt đầu học. Sau đó, không còn sau đó nữa.


Câu chuyện nhỏ này, rất nhỏ rất nhỏ, nhưng vẫn mãi in sâu vào tâm trí của mình. Trước đây, mình từng nghĩ, bởi vì bố nói như vậy, cho nên ảnh hưởng tới thiên hướng sau này của mình, hay nói cách khác, phương diện nghệ thuật thiếu hụt của mình, bắt nguồn từ câu nói này của bố. Thật ra, không phải là như vậy.


Các vấn đề, mình cho rằng, không bao giờ bắt nguồn từ những điều đã xảy ra (thuyết nhân quả), mà bắt nguồn mục đích chúng ta thực hiện chúng (thuyết mục đích). Thiên hướng học tập điên cuồng sau này được hình thành bởi mục đích của mình khi ấy - được bố mẹ chú ý. Mình nhận ra, nếu như học thật tốt, được điểm tuyệt đối, đứng đầu tất cả những nơi có thể đứng đầu,  bố mẹ sẽ chú ý tới mình. Mình nhận ra, nghệ thuật, hội hoạ, âm nhạc... những thứ này sẽ không giúp ích gì cả. Và từ ấy, thiên hướng được hình thành. 


Bởi vì đi theo mục đích “được chú ý", mình dành thời gian vào những việc khác, và “sáng tạo" trở thành một phần mình khao khát có được để hoàn thiện bức tranh một đứa trẻ hoàn mĩ đang khuyết thiếu. Mình học vẽ, học nhạc cụ, để tìm cách thêm vào sự chú ý mà mình nhận được. Nhưng nó không còn đem đến cho mình niềm vui nguyên bản như cuốn vở nháp ngày nào nữa, và đương nhiên, nó không hiệu quả.


Liệu mình có hối hận vì đã đi theo con đường học tập này không? Không, bởi vì cái gì không thể thay đổi thì không nên mong ước thay đổi. Không, bởi vì tới đây mới chỉ là một phần của câu chuyện. Không, bởi vì trên con đường điên cuồng học tập ấy, mình tìm được niềm yêu thích, tìm được những điều mình quan tâm, tìm được những người tri kỉ, và cũng tìm được rất nhiều đáp án cho riêng mình, bao gồm cả phần sau của câu chuyện này. Mục đích của mình khi học cũng thay đổi, không còn là bởi vì bố mẹ nữa, mà bởi vì theo đuổi niềm yêu thích của bản thân.


Điều mình muốn nói đến ở phần này, là mong bạn đừng như mình, đừng để khát khao được chú ý đó ngăn cản những hành vi sáng tạo đang tiềm tàng.


Phần 2 - Nhiễu âm


“Đừng để khát khao được chú ý ngăn cản những hành vi sáng tạo đang tiềm tàng”

Câu nói này, giống như một lời an ủi kiểu mẫu khi đối diện với một người thất tình “Đừng buồn nữa”. Đúng vậy, nói thì dễ, làm thì khó, nhưng nhất định phải được nói ra.


Mình luôn cảm thấy quá trình tiếp nhận một bài học của con người nhất định phải trải qua ba giai đoạn - Nhận biết, Trải nghiệm, và Thức tỉnh. Đọc một lời khuyên trong cuốn sách self-help, gật gù tán thành, là Nhận biết. Trải qua sai lầm, suy nghĩ lại, cố gắng lí giải nguyên nhân, là Trải nghiệm. Giật mình nhận ra nguyên nhân đó vô tình là điều mình đã từng đọc vào một ngày rất xa, là Thức tỉnh. Nếu như chưa từng Nhận biết, quá trình từ lí giải đến Thức tỉnh này sẽ khó khăn và lâu dài hơn. Đây cũng là lí do, nói thì dễ, làm thì khó, nhưng nhất định phải được nói ra.


Quay trở lại với câu chuyện sáng tạo, điều khó nhất để gạt khát khao được chú ý đó đi là giải quyết những nhiễu âm. Giống như một diễn viên đứng trên sân khấu, nếu như điều anh ấy chú ý tới là những tràng pháo tay của khán giả, là những cặp mắt đang dõi theo mình, liệu anh ấy có thể tập trung? Chỉ khi những nhiễu âm đó được đẩy ra ngoài, chỉ còn anh ấy với nhận vật, anh ấy với cảm xúc, anh ấy với niềm đam mê diễn xuất của mình - anh ấy mới có thể hoàn toàn nhập vai.


Chúng mình đang sống ở một thế giới tràn ngập sự chú ý. Facebook, Twitter, Instagram... đang cung cấp "sự chú ý" tới hàng trăm triệu những người khao khát nó. Những thông báo được cập nhật hàng ngày về việc bạn đang nhận được bao nhiêu sự yêu thích, bao nhiêu sự quan tâm... có lẽ đã trở nên quá quen thuộc. Đôi khi, nó làm mình hoang mang về giá trị của bản thân, của tác phẩm mà mình tạo dựng. Cảm giác an toàn mà những lời khen ngợi mang đến là một cảm giác vô cùng bất ổn, bởi vì nó sẽ đến và đi như một làn sóng dồn dập, để lại dư âm là một khoảng trống đầy hoang mang.


Đôi khi rất khó để đẩy tất cả những nhiễu âm đó ra ngoài, mình biết. Thế nhưng, chắc hẳn bạn đã từng say mê vẽ một bức tranh, say mê lắp ráp một mô hình, say mê viết một bài thật dài để bày tỏ những suy nghĩ sâu thẳm của mình rồi phải không? Đúng vậy, cảm giác lúc ấy, so với những lời tán dương và những sự chú ý, thực sự sảng khoái và đáng theo đuổi hơn rất nhiều. 


Một cách để mình có thể đẩy lùi những nhiễu âm, đó là xây dựng cảm giác an toàn từ bên trong. Khi mình chuyên tâm vào cảm giác say mê có được trong quá trình thực hiện công việc, những nhiễu âm cũng từ từ biến mất. Khi hiểu rõ rằng, mình đang tạo ra giá trị và giá trị là điều duy nhất mình hướng tới, những phản ứng bên ngoài không còn chạm tới tâm trí của mình nữa. Ý nghĩa của chúng chỉ còn là đối chiếu để mình tiến bộ hơn, chứ không còn là đáp án mà mình mong đợi.


Phần 3 - Hoá ra, xa tận chân trời, gần ngay trước mặt

Phần sau của câu chuyện thật ra rất đơn giản và đã nằm ngay trong những câu chuyện ở phía trên.

Mình không còn e dè với hai từ “sáng tạo" nữa.

Mình nhận ra, ngay trong lúc viết những điều này, rằng - Nghệ thuật, hay sáng tạo -  đều đang nằm ở những điều rất gần. Không nhất định phải là một tuyệt tác hội hoạ, không nhất định phải là một ca khúc đầy tính duy mĩ, nó có thể là một bài viết, một công thức nấu ăn, một triết lý, hay đơn giản là một chính kiến mới này ra trong tâm trí mà thôi.

Quan trọng nhất, nó ra đời, chẳng phải là bởi vì ai khác, mà chỉ bởi vì, bạn thích nó. 

Chúc những người đọc được bài viết này, luôn tìm được niềm hạnh phúc trong những trải nghiệm sáng tạo của mình.


Bài viết lấy cảm hứng từ Tedtalks -Joseph Gordon Levitt - How craving attention makes you less creative



Tác Giả: Pu, Blogger tại Moon và Pu 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/corner492/ 

-------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

249 lượt xem, 242 người xem - 245 điểm

lh-fulllh-x