Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Self Love - Trước Lạ Sau Quen

1. Self love là gì?

Self love dịch ra tiếng Việt là yêu bản thân. Trong thần thoại Hy Lạp, có một câu chuyện tên là Truyền thuyết Hoa Thủy Tiên. Câu chuyện như sau:

Chàng Narcissus là con trai của các vị thần, chàng mang trong mình vẻ đẹp hoàn hảo khiến biết bao người phải thương nhớ. Nhưng Narcissus lại chưa từng thấy gương mặt mình, bởi mẹ chàng nhận được một lời tiên tri về chàng: muốn sống đến già thì đừng biết khuôn mặt của chính mình, đó là lý do bà đem giấu tất cả gương soi trong nhà đi. Dù vậy Narcissus lớn lên, tuy không biết khuôn mặt mình ra sao, nhưng vẫn nhận ra sự đặc biệt của bản thân, nên kể cả là già trẻ, trai gái, bất cứ lời tỏ tình, cầu hôn nào đến từ họ chàng đều từ chối, vì cho rằng không một ai xứng đáng với mình. Không yêu thì thôi, nhưng Narcissus lại từ chối rất phũ phàng, khiến một người trong những người cầu hôn chàng đã đặt ra lời nguyền rằng Narcissus sẽ phải trải qua tình yêu đơn phương khắc khoải với người đầu tiên mà chàng nhìn thấy trong ngày.

Hôm ấy Narcissus đi lang thang trong rừng, chàng đến bên một hồ nước trong vắt để uống nước. Đây là lần đầu tiên chàng soi mình xuống nước. Narcissus nhìn thấy gương mặt đối diện, không biết là do tác dụng của lời nguyền hay do chính vẻ đẹp mà bản thân không hề biết – Narcissus rơi vào tình yêu với bóng hình ấy.

Narcissus cúi xuống chạm tay vào khuôn mặt người ấy, nhưng những gì chàng cảm nhận được chỉ là làn nước lạnh buốt, khuôn mặt đối diện nhanh chóng gợn sóng và biến mất; chàng muốn nói chuyện với hình bóng đó, nhưng chẳng ai trả lời, người đẹp chỉ im lặng buồn bã nhìn chàng. Narcissus tuyệt vọng, đây là tình yêu đơn phương sao?

Nhìn thấy mà không thể chạm vào, không thể nói chuyện, Narcissus mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày chỉ ngồi cạnh bờ hồ. Dần dà, Narcissus cũng ngã gục bên hồ, cho đến lúc chết Narcissus vẫn muốn ở bên hình bóng của mình, chàng biến thành hoa Thủy Tiên, loài hoa luôn mọc ở những nơi sông hồ, để mãi mãi có thể soi bóng mình xuống, mãi mãi ở bên người mình yêu, dù tình yêu ấy không được hồi đáp.

 


Như vậy, bên cạnh tác dụng tạo ra một loài hoa mới cho thế giới, câu chuyện của Narcissus được lưu truyền khiến tên chàng được lưu danh sử sách, trở thành từ gốc để miêu tả chứng “Ái kỷ”. Dĩ nhiên cái gì quá cũng không ổn, nếu một người lúc nào cũng tự làm khó hoặc mặc kệ bản thân, anh ta trở thành kiểu người lãnh cảm và bỏ mặc bản thân; ngược lại, quá yêu bản thân thì sẽ thành ích kỷ hoặc ái kỷ, sự tập trung luôn chỉ xoay quanh chính bản thân mình. Yêu bản thân thì ở giữa, có tình yêu, và yêu vừa đủ, còn mức đủ ra sao còn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người, đến một lúc nào đó khi bạn nhận ra bản thân quan trọng, người khác cũng quan trọng, lúc ấy có thể coi là bạn đã yêu bản thân.

Tôi kể câu chuyện trên không phải để mỉa mai những người yêu bản thân, vì căn bản những người yêu bản thân sẽ không giống Narcissus. Đúng là Narcissus dành tình cảm cho hình bóng của mình, nhưng chàng có biết đó là hình bóng mình không? Narcissus chẳng có một chút thông tin nào về người mình yêu, cũng như về chính bản thân chàng. Nếu hỏi tôi câu chuyện về Hoa Thủy Tiên mang ý nghĩa gì, thì tôi cho rằng đó là một câu chuyện gợi nhắc cho người ta biết hậu quả của việc không yêu thương bản thân.

Tại sao lại là hậu quả của việc không yêu thương bản thân? Chúng ta cùng nhìn lại một số chi tiết trong câu chuyện nhé. Đầu tiên, Narcissus chưa từng nhìn thấy khuôn mặt mình, vậy chàng cũng không muốn tìm hiểu sao? Có vẻ Narcissus cũng không coi trọng việc tìm hiểu bản thân cho lắm. Thứ hai, lần đầu tiên biết yêu, Narcissus sẵn sàng chết đói vì tình yêu, để đó trở thành tình yêu đầu tiên cũng là tình yêu cuối cùng của chàng, nghe thì có vẻ lãng mạn, nhưng chàng không biết bóng hình trên mặt hồ là bản thân, chàng coi đó là một người khác, vậy thực chất chàng chẳng hề yêu bản thân, chàng đang yêu một thứ khác, nếu yêu bản thân, chàng sẽ có lòng thương xót cho chính mình, sẽ thấu hiểu những cảm nhận của bản thân. Như vậy, bất kỳ sự không thấu hiểu nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng là cái chết từ thể xác đến tinh thần.

2. Chẳng có ai yêu tôi hơn anh ấy!

Bạn đã từng nghe tiêu đề trên bao giờ chưa? Nếu bạn trả lời là “Chưa” thì tôi đoán chắc bạn chưa từng xem phim, đọc truyện tình cảm hay gặp những tình huống của các cặp đôi yêu nhau. Còn nếu bạn hiểu ý tôi là gì, thì chúc mừng nhé! Bạn đã/đang trải qua giai đoạn khó khăn rồi đấy!

Không dông dài nữa, tôi sẽ giải thích vấn đề qua... một câu chuyện nữa.

Tôi có một người bạn, bạn tôi có người yêu (lại là tình yêu). Mỗi khi nói về người yêu, bạn tôi đều rất hạnh phúc, ánh mắt bạn rực rỡ, miệng cũng cười không ngừng, có vẻ bạn rất yêu người đó. Nhưng (lại là cái từ này, tôi cũng không mong nó xuất hiện đâu) một ngày nọ người ta không thèm đếm xỉa đến bạn tôi nữa, bạn tôi khóc nguyên một buổi tối vì cuộc tình tan vỡ. Tôi nghĩ nước mắt bạn tôi có thể chảy đủ bằng bát tô rồi, quyết định học cách nói chuyện của Ông Bụt trong Tấm Cám hỏi:

-        Làm sao con khóc?

-        Anh ta bỏ em rồi!

Ơ khoan đã, sao giống lời bài hát của Hương Giang thế? Ngồi tâm tình thêm hồi lâu, hóa ra bạn tôi biết người kia vốn tình cảm đã không còn như trước, trước đó vài ngày lại nghe bạn bè nói thấy anh này đi cùng một cô gái khác, bạn tôi mới chỉ nhắn tin hỏi đôi câu đã thành gọi điện cãi nhau, rồi bây giờ dứt khoát chia tay.

Chia tay... cũng được, nhưng lý do bạn tôi cứ níu kéo mối tình chẳng còn lại chiếc dép nào này là vì trước giờ chưa từng có ai đối xử tốt và yêu thương bạn như người đó. Nghe cũng hợp lý, mà thấy hơi sai sai. Hợp lý ở chỗ ngoài bạn tôi có rất nhiều người cũng từng nghĩ như vậy, theo xu hướng đám đông tự dưng thành chẳng có gì lạ. Nhưng sai ở hai chỗ:

Thứ nhất, theo câu chuyện này thì đối xử như vậy là tốt sao? Có thể trước đây người ta tốt với bạn, nhưng bây giờ không tốt nữa, vấn đề này vẫn mang tính tương đối, và còn dựa rất nhiều vào yếu tố chủ quan, khách quan. Vậy mà bạn tôi vẫn dựa vào bóng hình quá khứ để nhận định con người hiện tại, sau đó đưa ra kết luận.



Thứ hai, bạn tôi hay rất nhiều người vẫn chưa tính đến các trường hợp đặc biệt khi nhận định ai đó yêu thương mình nhất. Tôi xin phép không bàn luận đến các bậc sinh thành vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nói cách khác là tùy suy nghĩ mỗi người mà nhận định xem cha mẹ có yêu thương bản thân nhất hay không. Nhưng vẫn còn một nhân vật chúng ta bỏ quên đó là chính bản thân chúng ta. Khi ta bị ngã, chắc chắc bản thân ta là người đầu tiên cảm thấy đau, đói hay khát, buồn ngủ, đều là cơ thể thông báo cho não bộ đầu tiên, chứ không phải miệng nói với ai đó về tình trạng của bản thân trước.

Thật đáng buồn làm sao, hình như không mấy ai quan tâm đến bản thân mình – nhân vật thấu mọi nỗi đau, cảm xúc của ta trước. Cách đây không lâu, khi tôi có đọc được mấy bài đăng trên Facebook về việc người ta nói hướng ngoại thì cuộc sống xã hội dễ dàng ra sao, dễ tìm được việc như thế nào,... nói chung là ưu thế hơn hẳn hướng nội. Nhưng đại dịch vừa qua, khi việc tương tác xã hội trở nên khó khăn, chúng ta mới phần nào đó tĩnh tâm lại và sống hướng vào bên trong. Tôi thấy rất nhiều người bắt đầu ngồi thiền, chăm lo dọn dẹp nhà cửa, không ý đến vật chất nhiều như trước nữa (có tiền để làm gì khi không thể ra ngoài, không còn sức khỏe, mà cũng có làm ra được tiền đâu...). Có vẻ đại dịch đã giúp chúng ta có thời gian để ngồi nói chuyện với bản thân.

3.    Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã – Vòng lặp tình yêu!

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là một câu thành ngữ xuất phát từ Trung Quốc, dịch nôm là Trâu giống trâu, ngựa giống ngựa. Ta có thể hiểu là những thứ cùng loại thường sẽ đi với nhau, tương tự như “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” của Việt Nam (Nhưng câu tục ngữ này của chúng ta nhấn mạnh vào ý nghĩa lựa chọn người, môi trường tiếp xúc thì mới học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải, nếu không sẽ là học theo những thói hư tật xấu). Trung Quốc cũng có một câu nữa mà tôi không nhớ nguyên văn tiếng Hán, chỉ nhớ dịch ra tiếng Việt sẽ là “Mây tầng nào gặp gió tầng ấy”.

Giải thích đơn giản của hai câu trên như sau: người tốt sẽ gặp người tốt, người không tốt sẽ gặp người không tốt. Mà phàm ở đời thì chẳng ai muốn mình gặp người xấu cả, trong tình yêu cũng vậy. Có nhiều người tính tình hiền lành, rất tốt bụng, nhưng vẫn yêu phải người đối xử không tốt với mình. Lại nói về câu chuyện trên của bạn tôi, sau này khi tâm sự nhiều, tôi mới biết chàng trai đó là mối tình thứ hai của bạn, trước đó bạn cũng có người yêu đầu tiên được gần 1 năm, nhưng bạn kể người đầu tiên cứ gần sinh nhật bạn, các ngày lễ là lại cãi nhau với bạn, có vẻ cả hai khắc khẩu, với chàng trai thứ hai dù lúc đầu tán bạn rất ngọt ngào, luôn ra chiều bảo vệ bạn, đến giai đoạn cuối cuộc tình, vẫn là những lần cãi vã bắt đầu từ sinh nhật bạn, đến khi chúng tôi có một tháng học quân sự ở cơ sở khác, bạn nam thứ hai cũng không nói rõ ràng chia tay mà cố mất hút, khiến bạn tôi khóc không ra hơi. Về sau, bạn tôi lại có một tình yêu mới, một chàng trai rất dễ thương, ngày nào cũng nói lời yêu với bạn. Cuộc tình ấy kết thúc sau vài tháng, chàng trai thứ ba tức giận chia tay qua điện thoại.

Ngạc nhiên không? Bạn tôi cũng bẽ bàng lắm, bạn nói “lần nào cũng vậy”, bạn cũng đã khóc nhiều, bạn không hiểu sao cả ba người đều làm vậy với bạn. Còn tôi thì hiểu một chút. Bạn tôi sau mỗi cuộc tình cũ đều nhanh chóng có người mới, tôi chợt nghĩ: vậy thời gian để bạn “hồi sức” sau mỗi cuộc tình tan vỡ đâu? Có nhiều người cho rằng muốn hết yêu một người thì nên tìm một người khác để yêu, ta tạm gọi là tình yêu hướng ngoại. Tình yêu hướng ngoại chẳng có gì sai trái, một cuộc tình tan vỡ cũng mang lại rất nhiều bài học quý giá, nhưng học đại học cho tôi biết rằng nếu không đạt điểm qua môn sẽ phải thi lại, học lại. Liên hệ tới vấn đề trên, nếu sau một cuộc tình tan vỡ mà ta vẫn chưa học được bài học cần học, ta sẽ phải tiếp tục gặp những trải nghiệm như vậy cho đến khi học được bài học ấy, cụ thể là các cuộc tình tan vỡ, gặp nhiều kiểu người, nhưng cùng chung kết cục.



Bạn tôi kể mỗi lần cãi nhau hay giận dỗi, là bạn xin lỗi trước, chủ động nói chuyện trước, bạn luôn cho rằng lỗi là do bạn, luôn tự trách bản thân. Lâu dần thành quen, chỉ có bạn chủ động đi tìm người ta. Những gì bạn làm, những người bạn gặp cứ như một vòng lặp bao kín cuộc đời bạn, nếu muốn thoát ra chỉ có thể nhận thức: YÊU BẢN THÂN.

4.    Yêu bản thân hay ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân?

Có nhiều người luôn cho rằng yêu bản thân tức là theo chủ nghĩa cá nhân, là ích kỷ, nhưng những khái niệm này vốn không hề giống nhau.

Ích kỷ đúng là luôn đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu, nhưng ích kỷ khác yêu bản thân ở chỗ, yêu bản thân là dành tình yêu đúng cách cho thể chất, tâm hồn chủ thể và những người xung quanh, còn tình yêu của ích kỷ thì không được rộng lớn như vậy. Ích kỷ có thể biến con người trở nên nông cạn và héo úa, như nước Biển Đen vì chỉ giữ mãi trong lòng hồ chật hẹp, không có dòng chảy để thoát nước, nên quanh năm nước mặn, rất ít sinh vật sống được; Ngược lại, những người biết yêu bản thân luôn mang năng lượng tích cực như ánh Mặt trời buổi sáng, con người thiếu vitamin D thì không thể sáng mắt, tăng chiều cao.

Yêu bản thân thì mang lại ích lợi gì? Dĩ nhiên là có rất nhiều rồi.

Điều kể đến đầu tiên là ta không còn những nỗi bận tâm thường ngày về việc người khác sẽ nhìn nhận mình như thế nào, việc mình làm đã hợp ý mọi người hay chưa,... đại khái là thoát khỏi việc sống mà luôn nơm nớp lo sợ người khác đánh giá mình. Chúng ta không phải là người hoàn hảo, chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, mà kể cả khi có thể làm vừa ý tất cả mọi người, thì trong cụm từ “Tất cả mọi người” ấy cũng đã bao gồm bản thân mình, chúng ta cũng nên ưu tiên làm vừa lòng bản thân trước.

Điều thứ hai, tình yêu bản thân giúp ta trở nên tích cực và vượt qua khó khăn. Trước đây chúng ta lo sợ làm phật ý người khác thì sẽ khó sống, nhưng bây giờ đằng sau khuôn mặt luôn hướng ra bên ngoài luôn đối diện với xã hội là một nội tâm mạnh mẽ làm hậu phương vững chắc, lúc ấy ta tự cho mình cái tư tưởng không dựa vào ai ngoài bản thân nữa, lấy nội tâm làm chỗ dựa, đi sâu vào nội tâm ta sẽ cảm nhận được sự quen thuộc như được về nhà. Cuộc sống xã hội yêu cầu việc sống cùng tập thể, chúng ta có những mối liên kết xã hội, nhưng đừng để người khác làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, điều đó chỉ khiến ta thêm mệt mỏi, lệ thuộc tạo nên áp lực, nhất là lệ thuộc về mặt cảm xúc.

Điều thứ ba, yêu bản thân giúp ta trở nên thấu cảm, không chỉ hiểu được những cảm xúc, nỗi đau và nhu cầu của chính mình mà còn hiểu được người khác. Ai cũng có những khuôn mặt giấu không cho xã hội thấy, như một tảng băng trôi trên biển, bề mặt nổi lên chỉ 30%, phần chìm xuống lên đến 70%, chúng ta nhận thức được những gì đang diễn ra, cảm nhận được mọi người, chúng ta yêu đúng cách và có được tình yêu đẹp bên ngoài.



Cuối cùng, hãy cùng nhẩm thầm trong đầu rằng: muốn yêu ai thì trước hết hãy yêu bản thân mình trước đã. Yêu bản thân không phải là sự ích kỷ, mà chỉ đơn giản là tình yêu đến chính bản thân mình. Nếu bản thân còn không thể yêu chính mình thì dù khó có thể trao cho ai một tình yêu thực sự, cũng khó nhận được một tình yêu thực sự. Khi ta hiểu nỗi đau, cảm xúc của ta, tự dưng ta cũng thấu cảm được với những nỗi đau và cảm xúc của những người khác. Ta trở thành bản thể toàn vẹn nhất ngay thời điểm đó, những bản thể toàn vẹn khác cũng tự tìm đến ta. Có thể coi đó giống như quy luật nhân quả: gieo nhân nào gặt quả đấy; Cũng có thể coi là quy luật phù hợp về năng lượng, muốn bắt sóng được với những tần số cao thì bản thân hãy là tần số cao trước đã.

5.    Tình yêu đẹp nhất đời tôi!

Tình yêu là gì? Có mấy ai hiểu được tình yêu? Có đôi khi tình yêu chỉ là cảm nhận, cũng là ký ức,... Đó là một phạm trù rất khó giải thích.

Nhưng tôi biết không có cái gì tốt nhất, chỉ có những thứ tốt hơn, vì vậy dù đôi khi ta cảm thán tình yêu là cái gì đó, nhưng trong thâm tâm ai cũng mong gặp được một tình yêu đẹp. Có rất nhiều câu chuyện tiểu thuyết nói về việc tình yêu cảm hóa con người, cũng có những câu chuyện kể về những người vì yêu mà sẵn sàng làm rất nhiều việc man rợ, bao gồm cả giết người, hành hạ, tự sát,... Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng gặp một người có ham muốn sở hữu cao, muốn ép buộc mình thì đồng nghĩa với việc người đó dành tình yêu rất lớn cho mình; những câu nói như “Em/anh là CỦA anh/em”, nghe thì lãng mạn lắm, nhưng chẳng hợp lý chút nào cả, vậy mà rất nhiều người luôn tìm kiếm hình mẫu như thế.

Tình yêu đẹp, trước tiên là yêu bản thân đúng cách. Cũng có nhiều người khi biết được tầm quan trọng của việc yêu bản thân, đã luôn tâm niệm: “Mình PHẢI yêu bản thân”. Giả sử bạn bị mẹ bắt kết hôn với một người bạn không biết là ai, bạn có nổi đóa lên không? Nếu bạn không nổi đóa thì cũng hơi lạ, có thể do bạn đã buông xuôi hoặc vừa thất tình. Áp ví dụ này lên bạn và bản thân bạn, cứ coi như bạn đồng ý yêu bản thân bạn, một mực hết lòng vun đắp tình cảm đôi ta, nhưng bản thân bạn lại gào lên: “Không yêu đương gì hết, quen biết gì đâu mà yêu!”. Tình yêu không phải là một công trình xây dựng, thích đẩy nhanh tiến độ là đẩy nhanh tiến độ, tình yêu luôn cần thời gian và những cuộc trò chuyện để đôi bên thấu hiểu nhau hơn, nhất là quá trình vun đắp tình yêu với bản thân, không chỉ là một quá trình dài từ vài tháng đến vài năm, mà còn là sự cố gắng; có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng bạn luôn phải chú ý tới trực giác, cảm nhận trái tim và có những cuộc trò chuyện. Có đôi khi là những hiểu lầm, vì ngày trước bạn luôn bỏ bê bản thân, bây giờ bỗng dưng quay lại đòi yêu đương, bản thân bạn chắc chắn sẽ quay mặt đi giận dỗi, hoặc gào lên “Không tin”, nên bạn cần có những cuộc trò chuyện, hoặc những cái ôm nhẹ nhàng để đôi bên bớt căng thẳng, đàm phán trong hòa bình vẫn hơn là tham chiến.



Tình yêu đẹp cũng đến từ việc bạn dọn dẹp tâm trí, dọn dẹp nhà cửa và các mối quan hệ không còn phù hợp nữa. Kể cả loại sách bạn đọc, loại nhạc bạn nghe, thông tin và tin tức cũng ảnh hưởng rất nhiều. Ban nãy tôi đã lấy ví dụ về những kiểu biểu hiện tình yêu kiến người ta tim đập thình thịch (một số bạn vì xúc động, còn cá nhân tôi là thấy sợ), những thứ bạn tiếp nhận xung quanh ảnh hưởng rất lớn tới cảm xúc và tiềm thức của bạn, bạn có thể tạo nên hình mẫu lý tưởng từ việc đọc tiểu thuyết, cũng có thể thấy buồn vì những tin tức tiêu cực, bạn xem một bộ phim kinh dị và bộ phim đó theo bạn vào giấc mơ, bạn đã gặp các trường hợp này bao giờ chưa?

Sau khi dọn dẹp mọi thứ, cải thiện mối quan hệ với bản thân, việc của bạn bây giờ là lấy một tờ giấy và phác họa hình mẫu lý tưởng mà chính bản thân bạn mong muốn, cuối cùng là thêm công tác tư tưởng: người này sẽ xuất hiện và yêu bạn. Nghe có vẻ vô lý, nhưng vẫn hơn việc bạn đi tìm giữa một biển người mênh mông một bóng hình mà bạn còn không biết hình dáng, đến người mò kim đáy bể thì người ta còn biết là người ta đang đi tìm một cây kim, và giới hạn là bể cơ mà.

Cuối cùng, hôm nay là một ngày đặc biệt đối với bạn và tôi:

CHÚC CHÚNG TA SỚM TÌM ĐƯỢC TÌNH YÊU ĐẸP CHO MÌNH!!!


Tác Giả: Bùi Thị Ngọc Ánh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100014394584331

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

967 lượt xem, 944 người xem - 971 điểm