Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Self-reflection: Thói Quen Giúp Mình Vượt Qua Những Trăn Trở Của Tuổi 18

Bạn có đang giữ liên lạc với chính mình không?


Cuộc sống luôn đưa ta đến những hành trình mới mẻ. Bạn - một người lữ hành đang vội vã đi tìm những điều mới, để trải nghiệm, để khám phá, để theo đuổi những hình mẫu lí tưởng mà bản thân mong muốn trở thành. Cũng là bạn, khi được hỏi: “Dùng 3 từ để miêu tả bản thân mình” thì lại không thể bật ra ngay.

Chúng ta từ khi sinh ra đã được dạy rất nhiều điều để nhận thức về thế giới, từ văn hóa, lịch sử, địa lý, toán học. Lớn lên, chúng ta được dạy làm sao để nắm bắt tâm lý của người khác, để nhìn nhận và đánh giá vấn đề, hoàn cảnh xung quanh. Nhưng hầu như, chúng ta chưa từng được dạy cách nhận thức chính mình. Việc hướng ra bên ngoài hình như là thuộc tính được cài đặt ngay trong cơ thể chúng ta. Tai để nghe những thứ bên ngoài, mắt để nhìn cái thế giới, mũi để ngửi ngoại vị,... ta không có gì gì để nhìn vào tâm hồn của chính ta.

Chúng ta vẫn luôn chạy theo một guồng quay sẵn có của xã hội. Đi học thì phải học giỏi, rồi phải đậu đại học, rồi phải trở thành ai đó có sức ảnh hưởng trong xã hội, kiếm nhiều tiền mới bằng đời bằng người. Từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè, báo chí truyền thông ai cũng bảo thế. Chúng ta cũng tin và làm theo như thế. Đó là những ngày cấp 3 ôn thi sống chết phải đỗ đại học. Đó là những năm đại học muốn chứng tỏ bản thân. Đó là những năm đi làm đầu đời muốn bứt phá có được thành tựu. Chúng mình cứ làm, cứ chạy theo những gì người ta nạp vào đầu mình, cứ bị động mà chưa một lần chủ động dừng lại hỏi bản thân mình. “Mình có đang ổn chứ? Đây có phải là cuộc sống mình thực sự muốn hay không?”

Chúng ta trôi theo dòng đời, bận rộn và vội vã giữa thế giới ồn ào ngoài kia. Cứ chạy mãi mà không chịu trở về với bản thân mình, nên chẳng bao giờ biết mình là ai, mình đang ở đâu, đang làm gì thế này. Chúng ta giết dần mình với công việc không phù hợp mỗi ngày, với những mối quan hệ rút cạn năng lượng, những những người quen biết khiến chúng ta căng thẳng, bực dọc và mệt mỏi. Không, bạn không là một sinh viên cõng đầy deadline trên giảng đường Đại học, bạn không là nhân viên công sở hàng ngày đau đầu với KPI. Bạn - không ở thế giới ngoài kia. Bạn - đang lạc lối trong thế giới mà chỉ có chính mình trong đó. 

Thời gian cho bản thân còn không có, làm sao có thể thấu hiểu chính mình? Không hiểu chính mình, làm sao có thể biết bản thân cần làm gì là tốt nhất? Khi đã hiểu mình mạnh chỗ nào, yếu điểm nào, mình sở hữu gì, mình thiếu điều gì thì mới hình dung được con đường phát triển của bản thân. Có người cần rèn luyện kỹ năng. Có người cần trau dồi kiến thức. Có người học qua việc tự trải nghiệm, có người rất cần một mentor dẫn dắt. Có người cần học quản trị cảm xúc, có người cần học cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. 

Trong rất nhiều trường hợp, ta phản ứng sai khi gặp thách thức, đáng lẽ phải làm thế này nhưng ta lại làm thế kia. Rõ ràng có thể giải quyết gọn gàng hơn nhưng ta lại tạo ra vấn đề mới cho chính mình, rồi lại loay hoay với mớ bòng bong mình vừa gây ra, rồi lại bận bù đầu, mệt mỏi và áp lực bởi vô số vấn đề trong cuộc sống này. 


Khoan, vậy dừng lại, nhìn nhận một chút, đừng tạo ra vấn đề mới nữa được không? Hãy nói chuyện với bản thân và chọn ra hướng đi tốt nhất, tốt nhất với năng lực của bạn.


Mình nhớ hồi đó mình đã vướng phải một vấn đề trending trong thế giới gen Z: peer pressure (áp lực đồng trang lứa). Chuyện dễ nhất mà ai cũng làm, cũng bởi vì nó dễ nên ai cũng mắc phải - đó là so sánh bản thân với người khác xong “chằm Zn” vì mình chẳng bằng ai. So sánh riết rồi mất tự tin, rồi sợ hãi, rồi chẳng dám lăn lộn, chẳng dám gặp gỡ bạn bè, chẳng dám tham gia hoạt động cộng đồng chung. Nỗi sợ hãi vô lý này đã nhốt mình vào một căn phòng u ám, làm thui chột ý chí và dập tắt ngọn lửa nhiệt huyết trong mình. Mình đã sống như thế rất lâu cho tới khi mình nhận ra tất cả, tất cả chỉ là sự suy diễn. Thật khập khiễng và mù quáng khi so sánh hậu trường của bản thân và sân khấu của người khác. Đó cũng là hành động tàn nhẫn nhất mà mình đã làm ra cho bản thân.

Mỗi người chúng ta là một “nguyên bản”. Chúng ta khác nhau từ cấu trúc gen, từ tâm tính, tài năng đến khuyết điểm, ưu điểm. Và dù chúng ta có giống nhau về màu da, màu tóc, hay đặc điểm ngoại hình nào đó do di truyền, do đặc trưng vùng miền. Thì chúng ta vẫn là con người, là một giống loài sinh sống trên Trái Đất. Thực vật nhận biết nhau bằng hình dáng, kích cỡ, màu sắc loài hoa; động vật nhận biết nhau bằng mùi, tập tính, thức ăn... Riêng con người, chúng ta phân biệt, nhận biết nhau bằng cái tôi cá tính của mình. Đó là thế giới nội tâm đầy bí ẩn nhưng mạnh mẽ ẩn giấu đằng sau lớp da thịt "từa tựa nhau" ở bên ngoài. Nó chứa đựng tính cách, sở thích, suy nghĩ, quan điểm, quy tắc, ước mơ và khát vọng của mỗi người. Giữa xã hội rộng lớn, mênh mông, chúng ta phân biệt nhau bằng tiếng nói của cái tôi ấy. 

Vì vậy, điều bạn nên làm là hiểu thật rõ thế mạnh và điểm yếu của bản thân, để hiểu rõ mình là ai, mình đang đứng ở đâu. Sau đó phát huy thế mạnh sẵn có, dần dần cải thiện khuyết điểm và bước đi trên đường đua của mình. Bạn không đua với người khác, bạn chỉ đua với chính mình. Đơn giản vậy thôi. 

Đơn giản lắm, việc bạn trò chuyện với chính mình, lắng nghe tiếng nói cất lên từ sâu trong con người bạn. 


Mình sẽ giới thiệu đến bạn khái niệm “self-reflection” (phản tư, suy tư).

Self-reflection là quá trình suy nghĩ kỹ lưỡng và cẩn trọng về những gì chúng ta đã làm, học được hoặc trải nghiệm trong quá khứ để qua việc đó bạn hiểu bản thân hơn, hiểu mình muốn gì, mình cần gì và mình sẽ làm gì.

Việc self-reflection không đơn giản dừng lại ở mô tả sự việc bằng “What, Who, When, Where, How” mà còn là dựa vào sự việc để tiến xa hơn đến các yếu tố “What is the problem? Why did it happen? How can I change it?”.

Self-reflection đã mang lại cho mình những kết quả tốt đẹp như thế nào?

Thứ nhất, mình hiểu rõ chính mình. Qua việc nhìn nhận bản thân mỗi ngày, mình hiểu được mình thích gì, mình có thế mạnh gì, điểm yếu gì, mình hợp với những điều như thế nào. Từ việc mình có thể nói ra mình thích gì trước bạn bè, cho đến việc mình thoải mái bày tỏ những quy tắc, giới hạn của bản thân và phong cách làm việc, câu chuyện theo đuổi đam mê của mình trong buổi phỏng vấn. Đó là lúc mình hiểu rõ mình muốn gì và sẵn sàng đạt được nó. Đó cũng là lúc mình chẳng cần để ý rằng xung quanh mình có biết bao nhiêu người giỏi. Mình còn cảm ơn vì được làm bạn với người giỏi, lắng nghe câu chuyện của họ và đúc kết làm bài học cho bản thân mình. Bởi mình hiểu rõ rằng họ đang chinh phục mục tiêu của họ, và mình có lý tưởng của riêng mình. Con đường chúng mình đi không giống nhau, những thành tựu của chúng mình cũng chẳng liên quan gì đến nhau hết.

Thứ hai, mình học sâu hơn về mọi vấn đề. Việc suy ngẫm về những trải nghiệm của bản thân khiến mình nhận ra những bài học quý giá. Không phải những thứ được chỉ dạy, truyền đạt mới là kiến thức. Chính những hành động, suy nghĩ của mình trong quá trình trải nghiệm mới là kinh nghiệm thuộc về mình. Khi dành thời gian để phản chiếu, suy nghĩ và phân tích, mình có thể kết nối, cũng như lưu giữ và nhớ lại thông tin tốt hơn. Đồng thời, mình cũng biết nhìn nhận những lỗi sai và đúc kết chúng thành kinh nghiệm cho riêng mình. Mình đã tự học như thế.

Thứ ba, mình cảm thấy tự tin hơn. Khi mình ngẫm lại bản thân, đó chính là lúc mình nhìn nhận mình đang ở đâu trên con đường mình đã chọn. Mình đã đi bao xa? Mình đã thu hoạch được những gì? Lúc này, mình cũng biết được hướng đi của mình có đang giúp mình đúng hướng hay giá trị nó mang lại có giúp ích cho mục tiêu lớn của mình hay không. Khi nhìn bản thân tiến bộ lên từng ngày, chẳng còn thứ peer pressure nào có thể làm mình stress cả.

Thứ tư, mình biết mình cần làm gì tiếp theo. Tất nhiên, phản chiếu - rút kinh nghiệm - lên kế hoạch để tiếp tục tiến bước.

Vậy, mình đã thực hiện self-reflection như thế nào?

Về cách thức, mình lại muốn giới thiệu với các bạn về mô hình có tên gọi Gibbs Reflective Cycle. Đây là mô hình giáo sư Graham Gibbs giới thiệu năm 1988 trong cuốn “Learning by Doing” của ông. Mô hình này rất phổ biến và hữu hiệu để hướng dẫn các bạn mới bắt đầu tư duy mạch lạc qua các giai đoạn của một trải nghiệm.

Mình đã ứng dụng mô hình này trong hành trình reflect của bản thân.

  1. Mô tả: Chuyện gì đã xảy ra (What happened?)
  2. Cảm nghĩ: Bạn suy nghĩ và cảm nhận như thế nào (What were you thinking and feeling?)
  3. Đánh giá: Điều gì tốt và chưa tốt về trải nghiệm của bạn (What was good and bad about the experience?)
  4. Phân tích: Bạn hiểu và lý giải điều xảy ra như thế nào? (What sense can you make of the situation?)
  5. Kết luận: Có điều gì khác mà đáng nhẽ ra bạn đã có thể làm (What else could you have done?)
  6. Kế hoạch hành động: Nếu tình huống tương tự xảy ra, bạn sẽ làm gì? (If it rose again, what would you do?)

Về thời gian, thì thành thực mà nói, việc suy ngẫm và phản chiếu đã trở thành thói quen của mình.

Mình nhớ mình bắt đầu khi trend bullet journal nổi lên trong vài năm trước. Khi mình làm đến tháng cuối năm, một template có sẵn trên mạng đã gợi ý cho mình về việc reflection. Mình đã xem lại những gì mình làm được trong năm, chuyện gì mình làm tốt, chuyện gì mình làm chưa tốt. Mình cũng viết lại cảm nghĩ trong những ngày cuối năm và nghiêm túc đặt mục tiêu cho năm mới.

Lần thứ hai mình làm reflect là lần sinh nhật ngay năm đó. Mình đã suy nghĩ về mình của mười mấy năm trên đời. Mình đã đạt được thành tựu gì, mình đã thực sự cố gắng hay chưa? Mình biết ơn về điều gì? Nếu cứ duy trì nhịp sống như thế này, liệu 5 năm nữa, 10 năm nữa hay tới lúc 30 tuổi, mình có trở thành mẫu người mà bản thân mong muốn hay không?

Tới năm thứ hai, mình bắt đầu phản chiếu bản thân định kỳ theo tuần, theo tháng.

Cho tới năm 2021 này, có lẽ vì dịch bệnh, mình được ở nhà nhiều hơn và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn. Vậy nên, mình đã thực hiện phản chiếu mỗi ngày. Vì vậy, mặc dù ở nhà, mọi dự định đều hoãn hết nhưng không ngày nào của mình trôi qua một cách vô vị cả. Mỗi ngày mình đều có to-do-list để theo đuổi mục tiêu và rút kinh nghiệm hàng ngày. Đương nhiên, mình có cả kế hoạch cho những ngày tiếp theo. 

Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa còn tạo cơ hội cho mình phản chiếu qua mỗi sự kiện mà Câu lạc bộ tổ chức. Lúc đấy tụi mình sẽ thực hiện team-reflection để nhìn nhận cả quá trình xem ai làm chưa tốt, ai làm tốt, khâu chuẩn bị nào còn lập cập, khó khăn xảy ra đã được giải quyết triệt để chưa… 

Mình phát hiện ra là mình càng reflect nhiều thì mình càng tiến bộ nhiều và khỏe về tinh thần hơn. Bạn có thể cân nhắc xem lịch trình nào là phù hợp với bạn và thực hiện nó. Tuy nhiên, nếu giờ đây bạn đang lạc lối với chính mình, thì thời điểm lý tưởng để thực hiện self-reflection là ngay-bây-giờ. 

Bạn là ai? Điểm yếu, điểm mạnh của bạn là gì? Bạn sẵn sàng chịu khổ vì điều gì? Bạn dành năng lượng cho những hoạt động nào là nhiều nhất? Bạn muốn cuộc sống của bạn sẽ diễn ra như thế nào?... 

Sẽ nhanh thôi, bạn sẽ tìm thấy lối đi cho bản thân.

“𝑊𝑒 𝑑𝑜𝑛’𝑡 𝑙𝑒𝑎𝑟𝑛 𝑓𝑟𝑜𝑚 𝑒𝑥𝑝𝑒𝑟𝑖𝑒𝑛𝑐𝑒, 𝑤𝑒 𝑙𝑒𝑎𝑟𝑛 𝑓𝑟𝑜𝑚 𝑟𝑒𝑓𝑙𝑒𝑐𝑡𝑖𝑛𝑔 𝑜𝑛 𝑒𝑥𝑝𝑒𝑟𝑖𝑒𝑛𝑐𝑒.”

_ 𝐽𝑜ℎ𝑛 𝐷𝑒𝑤𝑎𝑦 _

Bằng cách nào cũng được, nhưng hãy thành thật với chính mình. Vì đây là quá trình bạn nhìn nhận lại bản thân nên thành thực là yếu tố kiên quyết. Bạn cần đào sâu và chấp nhận mình có điểm chưa tốt, phần việc nào đó vẫn chưa được hoàn thành. Đồng thời, bạn cũng cần đón nhận và khích lệ bản thân vì đã có nhiều biểu hiện tốt. Hãy học cách tôn trọng cảm xúc của chính mình. Đôi khi nó là điều bạn không muốn nhắc tới nhưng né tránh là cách bạn tự chặn đường phát triển của bản thân. Tất cả những diễn biến đều cần được ghi nhận một cách rõ ràng.

Nếu self-reflection chưa phải là một phần trong cuộc sống của bạn lúc này, thì bài viết này là lời "nhắc nhở mạnh mẽ" cho bạn đó! 

Tác Giả: Đào Yến Thanh

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,641 lượt xem, 1,350 người xem - 1366 điểm