Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sống, Để Làm Gì Và Không Để Làm Gì?


“Chúng ta sống để làm gì…?”    

        Có bao giờ, các bạn tự hỏi bản thân mình như thế? Với mình, mọi thứ trong cuộc sống đều có ý nghĩa tự thân của nó (một thứ gì đó mới sinh ra, bên cạnh ý nghĩa tồn tại của chính nó còn có ý nghĩa khác mà con người chúng ta gán vào cho nó. Ý nghĩa đó thay đổi dần theo quá trình tồn hiện, phát triển và suy thoái của sự vật, sự tình). Ý nghĩa của các thể siêu hình hoặc hữu hình mà chúng ta nói đến ấy sẽ biến chuyển (kết hợp hay phân tách) để lập nên một trật tự khác mà ta gọi là “sáng tạo”. Ví như sóng rung trong mỗi sự vật, con số, ngữ âm,... tự nó mang một ý nghĩa tồn tại tự thân khi vừa được sinh ra (phát hiện ra) và mang thêm một ý nghĩa quy ước, định đặt do con người gán vào “để thể hiện tính phù hợp (so với nhu cầu, trình độ nhận thức hiện tại) của con người.

        Từ nhận định này, để trả lời cho câu hỏi “Chúng ta sống để làm gì?”, mình lập luận tương tự. Một cá thể được sinh ra thì tự thân đã mang một ý nghĩa tồn tại cho các đặc điểm cá biệt và cho sự chiếm lĩnh một vùng không thời gian nhất định. Sau đó, một ý nghĩa mới được phát hiện, tri giác nhờ nhận thức, ý thức của con người (cá thể khác). Quá trình tri nhận ý nghĩa ấy lại biến chuyển không ngừng. Cái cách mà con người chúng ta nhận ra ý nghĩa của tồn tại có phải được lập trình một cách tự động khi vừa được đặt sinh mệnh vào thế giới loài người này không? Trong quá trình chúng ta sinh trưởng, ta va chạm với nhiều cá thể khác để gia tăng nhận thức, để nhận thấy sự trùng hợp và khác biệt giữa các bản thể. Để từ đó, ta nhận ra và xác định, khẳn định cho sự tồn tại của chính mình giữa muôn vàn những khác biệt và bắt đầu đặt ra câu hỏi truy vấn sâu sắc về ý nghĩa cuộc đời. Một mặt chúng ta nhận chân những định đặt được quy ước, mặt khác chúng ta ý thức sâu sắc bản thân từ bên trong thông qua những thể nghiệm, đúc kết của bản thân.

      Từ những căn cứ đó,  mình cho rằng: Một cá thể, đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, thực chất là đang xác định sự tồn tại của chính nó với mọi thứ xung quanh. Đó là quá trình tự nhận thức và cũng là nhu cầu nhận thức để nâng cấp tư duy, nâng cấp tinh thần trong một khoảng thời không xác định mà cá thể đó được đặt vào, tính từ mốc “kiếp này” (nếu tin theo thuyết luân hồi).

        Từ vấn đề mà mình đặt ra ban đầu, nếu chỉ đưa ra tư kiến cá nhân bằng tư biện chủ quan thì cách giải quyết vấn đề của mình vẫn còn tồn tại tính “suy diễn”. Thế nên, câu hỏi phản biện để lật ngược vấn đề và tìm ra bản chất gốc rễ với tư duy nguyên bản là không thể thiếu. Nhưng, ta biết được nguyên căn, bản chất của vấn đề để làm gì?  Cũng giống như việc học để hành, chứ không phải chỉ để biết. Chúng ta không phải cần câu trả lời mang tính bản chất mà chúng ta cần hành động để giải quyết những khúc mắc mà vấn đề đặt ra: Sống để làm gì? Rõ ràng rằng, vừa rồi chúng ta chỉ mới dừng lại ở “sống” và ý nghĩa bản chất của nó với những câu từ chuẩn chỉnh mà mình gọi là “triết học tuổi trẻ”.  

     Tiếp đến, “Để làm gì? Và không để làm gì?” là điều mà mình muốn nhẹ nhàng, từ tốn tâm sự ở đây:

    Từ khi được sinh ra, theo bản năng, chúng ta luôn tìm kiếm lý do và ý nghĩa cho những thứ mình làm, để trả lời những thắc mắc, đáp ứng những nhu cầu, mong cầu, “để làm gì, để được gì”. Và rồi chúng ta lớn lên, có mục đích riêng cho cuộc đời mình. Đó có thể là để hạnh phúc, để đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần, để tránh những trải nghiệm bất toàn, mang đến cảm giác không thoải mái với vô vàn các điều kiện A, B, C,… để thấy mình đi lên, hướng thượng hoặc xa xôi hơn là đạt đến mục đích tối hậtrong tâm linh: giải thoát. Chắc hẳn, ai trong chúng mình cũng đôi lần đặt câu hỏi cho bản thân rằng: “Giải thoát để làm gì?". Mình từng nghĩ “Để thoát khổ ư?” . Mà… “Tại sao sống lại khổ?”. Rồi liệt kê ra hàng loạt những nỗi đau, tổn thương, mất mát… Đấy! Khổ là:  X, Y, Z,… Vậy thì...  phải nhất định đi theo con đường của “tứ diệu đế” và “bát chánh đạo” trong Phật học để "giải thoát"? Và rồi…khi sự hiểu biết, thấu triệt lên đến nơi "tột cùng" ấy, liệu mình có còn đặt câu hỏi: “để làm gì?”.

        Có ai đó đã nói rằng: "Nếu vươn tới mặt trăng thì ít nhất bạn cũng sẽ lạc đường nơi những vì sao".  Mình đặt ra đích đời để không lạc lối giữa những hỗn độn, phù hoa chốn nhân sinh và tìm ra con đường đi đến nơi “đích di động”. Và vui thay, chính cái đích ấy di động, vận động theo mệnh, theo duyên, theo nhân quả của chính mình. Và rồi, những câu hỏi, những câu trả lời cứ thế  đan xen nhau tạo thành vô số các vòng lặp. Mình tự hỏi, vậy chính cái đích kia dẫn lối mình đến nơi hay chính nó đưa mình vòng quanh lạc lối với những mong cầu, chấp niệm hằng sâu. Sao đích mà lại di động nhỉ? Chợt nghĩ, khi có những bất trắc phát sinh, mình lại: “thôi, buông bỏ đi cho lòng bình yên, vô thường mà!”  Vậy, tại sao “vô thường” nhỉ? À, tại nhân - quả, duyên,… pla… pla… chứ không phải do mình đâu nhỉ, mình “vô ngã”. Đó không phải mình, đó là nhân, quả, duyên của mình. Vậy thì … mình tập trung điều chỉnh "nhân" là được. Ôi! Mình từng lạc lối trong chính suy tư của bản thân như thế đấy!

        Thế rồi câu hỏi theo thời gian dần được chuyển hóa thành:

 “Có đích đời để ta không lạc lối hay vì không có đích nên ta không lạc?”

“Hay ta không muốn/cần biết mình đang ở đâu và cũng không muốn/cần biết "lạc" là gì?”

         Mình từng phản ứng không tích cực với ngoại cảnh. Tại sao vậy nhỉ? Mình cũng từng né tránh hoặc tìm cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn mà bỏ qua bước để tâm cảm nhận và điều chỉnh (tâm) mình trong những xung đột đó. Vì đích của mình là sự an lạc? (đúng nhận sai cãi). Tại sao mình luôn nhìn về những điều được định đặt là đúng đắn và rồi dán tâm chấp niệm, phân biệt, nghi kỵ, đánh giá? Vì đích của mình là sự thông tuệ, minh triết ư? (đúng nhận sai cãi). Chính tâm mong cầu an lạc, thông tuệ nơi mình là cái đích dẫn mình tránh xa những hỗn loạn để tìm đến hài hòa và cũng chính nó làm mình thấy bất an hơn trong những lần được nghịch duyên, hỗn loạn dẫn đường, đưa lối. Và rồi, mình chấp vào hình tướng, âm sắc, sự chuẩn chỉnh đến hoàn hảo với các quy tắc, giới luật, lễ nghi uy nghiêm, chuẩn mực từ hình thức đến nội dung; cố tách biệt ra khỏi những cái được cho là tầm thường, dung tục… Xoay, lách, tránh, né cái gọi là “tấn trò đời” của sắc thân, hướng vào cái vọng thức, vọng cảnh, vọng tưởng đẹp đẽ bên trong, để được sống trong cái thế giới nho nhỏ, tách biệt, yên bình cùng lý do chính đáng, chính nghĩa: không tranh chấp, buông bỏ,...

    "Thật sự là buông bỏ hay thật ra là né tránh cảnh bất an đây?"

            Và một ngày, tâm yên bình sau những giông bão, chộn rộn, xác xơ, mình nhận ra rằng những câu hỏi mà mình từng đặt ra không phải chỉ để tìm câu trả lời mà là để tìm cách giải quyết, rồi mình nhận ra ý nghĩa của câu nói “Nghịch lý tối thượng của tư duy là nỗ lực để khám phá điều mà tư duy không thể tư duy được”. Và rồi thay vào khối mâu thuẫn, “tranh”, “chấp” trong những mảnh “nghĩ”, “nhớ” đan xen, đa chiều, đa hướng là những xúc cảm và thể nghiệm vẹn nguyên, thật chân từ vạn vật cảnh sắc, từ thiên nhiên hữu sự, hữu tình và từ những chuyển biến tế vi nơi thân tâm bình phàm “ai”, “ưu”, “y”, “cảm”. Để rồi, mình hiểu ra tự tính hoàn hảo của vạn vật, để thấy “mọi vật đều có tâm hồn và cuộc sống của riêng nó”, để mình nhận ra được rằng “vận động đưa chúng ta tiến vào một thế giới giác, và nghi thức tịnh hóa, cũng bởi vậy mà dẫn ta đến trí tuệ”.  

           Và rồi một ngày, trong căn phòng vắng điện, thiếu sáng mình nghĩ về phiên bản đã lâu với cái tôi cũ kỹ, reo ca thuở thức thì phát giác đã từng trầm tư trong ngạo khí. Rằng:“Bóng tối sẽ tồn tại khắp mọi nơi khi bạn chưa chủ động mở đôi mắt của mình ra. Ánh sáng không thể mang hình ảnh đưa vào điểm vàng của bạn trên màn hứng để thần kinh thị giác kết nối và phản chiếu nó vào não khi bạn nhắm nghiền đôi mắt ấy. Chân lý cũng tương tự, màn chắn của sự thiếu trí tuệ và tâm hồn bất ổn, bất bình, định, tĩnh ngăn cho hạnh phúc tìm đến bạn nơi cuộc sống bộn bề”. Rồi, cũng là nó – cái tôi cũ kỹ vừa reo ca, vài giây sau ngoắt đầu nhìn lại đã đổi mới đôi phần: “Việc mà mình cần làm ở đây có phải là luôn luôn mở mắt đón sáng không?” Ngây ngô phản tư trong ba phần định tĩnh, dăm bảy chút mơ hồ: “Có chắc rằng mình sẽ luôn mở mắt để ánh sáng thâu tóm rồi phản chiếu hình ảnh. Và mình cũng từng nhận thấy có những hình ảnh xuất hiện trong đầu không đến từ việc mình mở mắt đón ảnh nó trên màn hứng.” Rồi tự bao giờ, mặc nhiên tư lự, niệm từ thầm gieo: “có một thứ ánh sáng mà mình phát hiện ra nó không đến từ vật truyền sáng bên ngoài được đưa vào màn hứng nơi mắt – Đó chính xác là cảm nhận thoáng chốc lúc mình nhắm mắt lại và nhìn nhận nội tâm trong tĩnh lặng.”

           Và rồi một ngày nửa được tặng đến cho cuộc đời mình, đứng ở nơi non cao, lặn những ồn ào, gửi ánh nhìn đăm chiêu đường tầm mắt, mây đưa chút liên tưởng, gió mang nắng về mời gọi nghi vấn chen ngang: “Đỉnh núi kia có phải là nơi cao nhất? Chân núi ấy đã là nơi thấp nhất hay chưa?” Ừ thì đúng nếu mình nhìn xuống, lấy nước biển làm mực mốc so đo. Tầm nhìn nơi đỉnh đúng rộng hơn chân núi. Nhưng có phải, rằng ở nơi nào cũng thế khi bầu trời là hướng chúng mình đồng vọng? Rõ ràng rằng vật mốc, góc nhìn vừa đổi dời đã nhanh chóng quyết định thứ mà chúng mình nhìn được cũng đổi dời như thế. Vậy thì... mình đang ở đâu và hướng tới điều gì trong cuộc sống này đây? Có phải mình chọn leo lên đỉnh núi, để tầm nhìn không hạn định bởi vật cản không gian? Chúng ta từng đôi lần từng tiếp nhận những lời khuyên, lời truyền động lực trong những lúc khó khăn, uể oải. Để chiến thắng, để đứng được ở đỉnh kim tự tháp, mình hiển nhiên phải trải qua cảm giác cô đơn. Đôi khi ta quên mất rằng dù đứng ở bất kì nơi đâu, thì cũng là đáy so với bầu trời vô tận. Và khoảng cách nếu không lấy mặt đất nơi chân mình làm mốc thì cũng vô cùng, vô tận so với sự chuyển động và cách biệt của biết bao thực thể, hành tinh mà mình nghe đến, nhìn đến trên báo ảnh, truyền hình. Cứ thế, chúng ta thuộc về nơi mà bản thân đang tồn tại, dù có đứng ở bất kì đâu đi nửa. Khi cảm nhận mọi thứ quanh mình một cách chân thực nhất, bỏ qua những lập trình, định kiến để thấy những giới hạn tồn tại để lập nên sự phong phú cho những khu biệt của các chất liệu cuộc sống. Và khi bỏ qua sự khu biệt, dị biệt của các cá thể, thực thể biệt lập đó để kết hợp chúng với nhau một cách hài hòa thì những giới hạn nhỏ bé, riêng biệt ấy dường như không là vấn đề so với cái vô hạn lớn hơn mà mình vừa sắp xếp, kết hợp để tạo ra. Vậy thì đứng ở đâu bây giờ đã giảm đi mức độ quan trọng trong việc quyết định chiếm hữu niềm hạnh phúc của mình rồi đúng không?     

          Mở ra những nút thắt được đặt định, dính mắc vào nhau, mình sắp xếp lại trật tự của hỗn độn theo những tọa độ, viễn cảnh khác nhau. Và rồi, sự sáng tạo và trí tuệ đến với mình không phải duy chỉ được gửi gắm, khu biệt trong câu chữ, triết lý, ngôn từ mà còn đến từ sự sắp xếp lại nó theo đúng từng tọa độ trải nghiệm trong cuộc đời mình. Hợp. Không giản đơn là hợp thức, hợp cách mà là hợp với vô ngã, vô biên và vô thường. Là gió đến nghe gió, mưa đến nghe mưa, nhân sinh trăm vị, vạn sự tùy duyên, tâm không sinh diệt, tách tâm khỏi ý, tùy ý giữ tâm. Và rồi đáp án cho câu hỏi “để làm gì ?” trong đích đời tối hậu của mình là câu trả lời “không để làm gì?”

Tác Giả: Võ Thị Tường Vi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: [https://www.facebook.com/vivi369369369369369]

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bn quyn bài viết thuc v Cuc thi Triết hc Tui tr do Ybox đồng sáng lp và t chc. Khi chia s, cn phi trích dn nguđầđủ tên tác gi và ngun là "Tên tác gi - Ngun: Triết Hc Tui Tr". Các bài viết trích ngun không đầđủ cú pháđều không được chp nhn và phi g b

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

971 lượt xem, 594 người xem - 637 điểm

lh-fulllh-x