Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sống Như Thế Nào?


Đã có bao giờ bạn tự hỏi mình : Mình có nên tồn tại không ? Sự tồn tại của mình trên đời có thật sự vô nghĩa không ? Rộng hơn nữa thì sự tồn tại của sự sống có ý nghĩa gì ?
-  Nếu mình không ra đời hay một mai mình chết đi , dường như cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như vậy: trái đất vẫn quay , mặt trời vẫn mọc, dòng người vẫn tấp nập và dường như , hầu như không có ai để ý đến sự tồn tại của mình , đúng không ?

Nhìn chung thì những câu hỏi trên đều hướng tới 1 vấn đề duy nhất: Ý nghĩa của sự ra đời của chính bạn.Vấn đề này lại có sự liên quan đến vấn đề: “Sống như thế nào?”. Tôi cho rằng vấn đề này là nền tảng cho lời giải của vấn đề đầu tiên.   Vấn đề thì cần phải có cách giải quyết của nó, vậy phải giải đáp thế nào? Theo tôi , vấn đề này có rất nhiều câu trả lời , tiêu cực có nhiều mà tích cực cũng nhiều.

woman wearing backpack facing concrete building

Tôi năm nay 19 tuổi , sự nghiệp vẫn còn chênh vênh , con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn , nhưng tôi cũng học  được 1 chút kinh nghiệm về cách sống , mình nhận ra rằng : Nhận thức , ý thức  và thay đổi “cách sống” của chính mình  sao cho “đúng đắn” là điều vô cùng quan trọng và phức tạp đối với ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người. Vậy thì thế nào là “ đúng đắn”? Ở đây ta hãy tìm hiểu “đúng đắn” ở đây là gì và hãy coi nó như 1 ẩn số cần có lời giải đáp.
- Khá khó hiểu và trừu tượng đúng không nào?
Từ “đúng đắn” đối với mỗi người về cách sống sẽ có rất nhiều cách hiểu khác nhau , vì thế giới quan mỗi người  , nhận thức về đúng sai của mỗi người là khác nhau. Nhưng “Đúng đắn” mang nghĩa tích cực thì tôi tin vẫn phải có 1 điểm chung nào đó để chúng ta phân tích , tìm hiểu và ứng dụng nó.

Nếu tôi viết ra một tràng lý thuyết nghe có vẻ “ tươi đẹp” , hợp lý , chắc hẳn các bạn các bạn sẽ lại ngán ngẩm : chắc cũng sẽ như bao nhiêu bài viết giáo điều , nhàm chán khác mà ai cũng biết, rồi lướt qua. Vậy thì , tôi sẽ minh họa bằng câu truyện của chính tôi vậy , để các bạn có thể “trải nghiệm” qua quá khứ của tôi để thấu hiểu cảm giác , tâm lý của một người đã từng trải qua những thời khắc khủng hoảng về tâm lý, trầm cảm nhiều lần và đã vượt qua. Tôi cũng sẽ phân tích kĩ lưỡng thế nào là “ đúng đắn”  theo quan điểm của tôi , từ đó rút ra được phương pháp sống và câu trả lời của các câu hỏi trên. Mặt khác , tôi cũng sẽ tìm hiểu thêm những bài học cần thiết để trang bị cho chính mình , cho mọi người và cũng rất mong mọi người nếu có thấy quan điểm sống của mình bị sai lệch điều gì đó , hãy góp ý , phê bình để tôi tham khảo ý kiến , học hỏi thêm. 
Mục đích viết của mình bao gồm:
- Truyền cảm hứng , cách sống đúng cho những bạn đang trong khoảng thời gian bị khủng hoảng về mặt tâm lý, hi vọng các bạn ấy sẽ thấy được hình ảnh của chính mình thông qua quá khứ của tôi và vượt qua nó.
-Mang tới những lời gợi ý cho những ai đang tìm mục đích sống.
- Nhận được những ý kiến, phê bình của các bạn cho dù là đồng tình hay phản bác , mình xin được học hỏi và tiếp thu.
- Một điều cũng rất quan trọng đối với tôi là rèn luyện cách viết , lập luận sao cho rõ ràng hơn. Đây là bài viết đầu tay của mình.

Tuổi thơ màu xám
Vào những năm tôi học lớp 6 – lớp 7. Trong một lần họp phụ huynh , tôi được cô giáo chủ nhiệm đánh giá là “ có khả năng cao bạn này bị trầm cảm”. Bản thân tôi lúc đó cũng không biết hai từ ngữ “trầm cảm” có nghĩa là gì. Bây giờ nhìn lại , tôi mới thấy đúng. Đó là một giai đoạn tồi tệ , tôi năm đó luôn chậm chạp , buồn bã ,ít bạn và hầu như chẳng mấy khi vui vẻ. Tôi còn nhớ rõ đã nhiều lần , tôi có ý định muốn tự tử vào những khoảng thời gian đó.

person looking out through window

Tại sao vậy? Nhìn rộng ra thì nó cũng rất rõ ràng. Nếu các bạn đã có cơ hội đọc qua quyển sách “Cha mẹ độc hại” của Susan Forward thì sẽ nhận thấy ngay trường hợp của tôi là bị bạo hành về tâm lý và đó là những hệ lụy. Mở rộng quá khứ hơn trước và trở về những năm tôi còn đi học mẫu giáo và cấp 1: Những trận đòn khi đi chơi , cấm không được giao du với những đứa trẻ trong xóm , những ngày bị ép học bởi những đòn roi, những câu mắng chửi tựa như :“Đồ học dốt “ , “Chậm hiểu, đần độn”, “Sao mày chậm chạp , lần khần vậy , sau này mày cũng chỉ là công nhân vác đất vác đá ngoài đường thôi”… . Những từ ngữ này được ném thẳng vào mặt tôi hàng ngày ngay khi tôi còn là một đứa trẻ mẫu giáo bởi những bậc phụ huynh đáng kính. Khi còn là một đứa trẻ thì tôi luôn tin vào cha mẹ tôi và luôn cho rằng những điều đó là thật,  nên luôn cho rằng mình yếu kém , một đứa trẻ không ra gì và luôn mặc cảm xa lánh mọi người. Mặt khác tôi lại khao khát  thể hiện cái “tôi” của mình để thể hiện cho mọi người tôi cũng giỏi như mọi người và thậm chí là hơn. Tôi luôn có một cảm giác không an toàn lắm với cha mẹ mình ngay từ khi còn nhỏ, nên mỗi khi có vấn đề gì về cá nhân , tôi thường không chia sẻ với họ mà hay chia sẻ với anh trai của mình (Gia đình tôi có 4 người). Hồi nhỏ, do bị ép học từ sớm nên khởi đầu tôi học rất tốt , học rất nhanh. Khi tôi lên lớp 1 , đi học thêm môn toán gần nhà và tôi trở thành đứa trẻ sáng dạ nhất lớp lúc đó và được cô giáo chủ nhiệm khen là rất thông minh. Lúc đó tôi đã ngờ vực cha mẹ tôi , cả chính mình, cho dù không thể diễn tả bằng lời lúc đó , nhưng khi biểu diễn dưới ngôn ngữ hiện tại thì nó đại loại như:
“Lẽ nào cha mẹ mình đã sai? Mình có thật sự giỏi như vậy không? ”
Tâm lý của 1 đứa trẻ là rất tin tưởng cha mẹ mình. Vậy đấy ,mâu thuẫn ở chỗ là từ đó tôi luôn nghi ngờ những lời nói của bố mẹ và cho rằng mình là 1 đứa trẻ khác biệt , giỏi hơn mọi người. Sự kiêu căng đã xâm chiếm lấy đứa trẻ ấy và khiến cho bạn bè rời xa mình bởi tính khí thất thường , ngạo mạn. Tuy rằng tôi dậy thì  sinh lý vào những năm lớp 8 , lớp 9 nhưng tư tưởng chống đối cộng với tính khí nổi loạn đã xuất hiện từ rất sớm. Tôi ít khi chơi với bạn bè vì cho rằng họ kém cỏi hơn mình và tất nhiên , với những người như vậy rất dễ bị hắt hủi , “phát xít” bởi những đứa trẻ trong xóm. Tôi luôn cô đơn và buồn tủi , mặc dù không rõ vì sao.
 (Bây giờ nhìn lại , tôi cũng không muốn trách cứ gì cha mẹ tôi hồi ấy! Họ cũng muốn tốt cho tôi vì đa phần hồi ấy , xung quanh gia đình tôi sống đầy rẫy những nguy hiểm và sự ô nhiễm: Đó là những con nghiện được biết đến tràn lan xung quanh , đó là những gia đình tan vỡ thông qua những lời đồn tệ hại và những người con bị ảnh hưởng , sẵn sàng lây lan sự “vô giáo dục” của họ sang tôi - một đứa trẻ còn đang dễ dàng bị tác động, ảnh hưởng bởi người khác.Tôi hiểu điều đó , nhưng cái cách họ bảo vệ tôi khỏi những cái đó và cái cách học giáo dục tôi về việc học cũng rất sai trái!Mặt khác tôi cũng thấu hiểu rằng: Cha mẹ đều xuất thân từ những người ít học, thiếu suy nghĩ nên không có phương pháp giáo dục hiệu quả, dù sao tôi cũng thông cảm cho họ. Dù vậy , tôi cũng vẫn luôn biết ơn và yêu quí họ vì họ là một trong những mảnh ghép kí ức để hoàn thiện tôi , giúp tôi hiểu được nhiều điều.)
Trở lại năm tôi học cấp 2 , đó là những năm tháng chẳng tốt đẹp gì lắm. . Tôi còn nhớ mãi 2 câu nói ấn tượng trong tôi khi cô giáo chủ nhiệm phát biểu trước lớp:
- Học để thi!
- Các anh các chị đừng có sáng tạo theo cái kiểu gì khác ! Cứ làm theo cách của tôi là anh chị sẽ được điểm cao! Anh chị nào chống đối tôi thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Qua những lời nói trên đã ,chú bé cấp hai đáng thương ấy rút ra  được 2 điều và 1 câu hỏi:
- Đây là một cô giáo theo chủ nghĩa cực đoan , không quan tâm đến cảm giác của học sinh và chỉ vui khi học sinh  làm đúng theo ý mình.( Một cô giáo không có sự đồng cảm và áp đặt)

-Rất bảo thủ và sẵn sàng răn đe học sinh bằng những hình phạt  cho dù là không phải thể xác , nhưng sẵn sàng làm tổn thương đến tâm lý của học sinh để đạt được những thành tích giảng dạy do mình đề ra.

- 4 năm có độ dài như nào nhỉ? Nó có đủ để làm mình biến chất không?
Nếu bạn tinh ý , thì những cô giáo như thế này chỉ có thể dạy 1 lớp toàn những học sinh cá biệt!
Vậy đấy , đối một đứa trẻ sớm hình thành tư tưởng chống đối , đó là một mối đe dọa tinh thần. Sau này “Tư tưởng chống đối” ấy tôi mới hiểu ra đó là chính kiến , quan điểm riêng của mỗi cá nhân về cuộc đời. Do bị ép học từ nhỏ , được gắn liền với những đòn roi , những câu mắng chửi nên tôi thường học trong cảm giác lo sợ và buồn chán. Không còn những đam mê , những hứng thú, thích chí khi lần đầu tiên nhìn những con số , những câu chữ mới mẻ. Chán học , lo sợ , tôi đắm mình vào game để tìm kiếm thú vui tinh thần. Những cuộc chơi game thâu đêm suốt sáng cùng anh tôi khiến điểm số ngày càng tụt giảm. Những lời mắng chửi của bố mẹ , sự đè nén xúc phạm về tinh thần của cô giáo ngày càng chất lên, những trận đòn cũng thường xuyên diễn ra. Lúc đó tôi cũng không còn tin tưởng vào chính bản thân mình. Khi chỉ có 1 mình tôi cũng hay dày vò bản thân. Nhiều lần tôi cũng muốn tự tử lắm nhưng không hiểu sao không dám. Ở trường , tôi phải tìm cách đối phó với cô giáo , chịu đựng sự xa lánh của bạn bè vì tính khí cao ngạo , thay đổi thất thường của mình. Ở nhà thì là những sự xúc phạm tinh thần lấp phủ lên tình yêu thương mà một đứa trẻ không thể hiểu được một cách sâu sắc. Tôi ấn tượng nhất là một lần tôi bị dí đầu vào chiếc hố xí và bị mắng chửi một cách không thương tiếc bởi mẹ tôi vì điểm số thấp kém. Tôi muốn học chăm , muốn được điểm cao lắm chứ , nhưng mỗi lần tôi muốn ngồi vào học thì cảm giác lo sợ khi không hiểu , buồn chán theo phản xạ có điều kiện lặp lại , rồi lại thôi. Và rồi , căn bệnh trầm cảm xâm chiếm lấy tôi lúc nào không hay , điều này tạo nên một hình ảnh cậu bé gầy gò , xanh xao và luôn buồn bã mỗi khi ở 1 mình, cùng với ý định tự tử xuất hiện ở khắp mọi nơi.Mỗi khi thoát ra khỏi cái thế giới ảo để trở về với cuộc sống thực tại , tôi thấy trong lòng mình là một cảm giác trống rỗng ,vô định và chơi vơi. Những đau đớn thể xác bởi những trận đòn là nhất thời , nhưng vết thương tinh thần thì bị xé toạc ra một cách không thương tiếc theo từng ngày : Sự xúc phạm của cô giáo , những trận đòn và những tiếng quát của cha mẹ, sự dày vò của chính bản thân.
Tôi còn nhớ mãi một trong những ngày đen tối ấy: Vì tôi ghi chép bài không đầy đủ , cô giáo ấy đã ném thẳng quyển vở vào mặt tôi trước lớp và nói những lời xúc phạm mà chính bản thân tôi còn cảm thấy run sợ khi nhắc lại. Rồi cô gọi điện cho cha mẹ tôi. Những cái tát , những lời xỉ vả không ngớt và đuổi tôi ra khỏi nhà cho tới khuya.
Tôi phải công nhận rằng hồi ấy tôi chơi game rất giỏi, cũng được nhận xét là học thông minh (chẳng qua là đôi khi tôi được bạn bè, hay chính thầy cô “khiêu khích” giải những bài tập khó và thật tình cờ , tôi đã được làm trước ở nhà và lên bảng làm), nhưng chủ yếu điểm số của tôi vẫn khá là thấp và chỉ đứng phần cuối của lớp(Đó là 1 lớp rất nhiều học sinh cá biệt và những học sinh “đúp”). Ở lớp , mọi người hay xa lánh tôi và thường hay gọi tôi là “thằng tâm thần”, “thằng điên” và hay trêu chọc tôi chỉ để thỏa mãn sự vui miệng của mình , tôi đã nhiều lần đánh nhau với bọn bạn.
Vậy đứa trẻ đấy sẽ có tính cách như thế nào? Ở đây đứa trẻ ấy thiếu hụt sự tôn trọng của mọi người và đầy những mặc cảm , tự ti. Nhưng chính “Tư tưởng chống đối” tiềm ẩn trong nó sẽ một lúc nào đó sẽ trỗi dậy và đảo ngược mọi thứ nếu gặp thời cơ. Và đó là cơ sở cho tính cách của tôi những năm cấp 3.
person standing on in a dim-lit stair

Ở đây tôi rút ra một số bài học sau, khi tôi của hiện tại nhìn lại cậu bé quá khứ ấy:
- Tại sao tôi lại cảm thấy buồn chán khi học tập và lại cảm thấy vui sướng, đam mê trong việc chơi game? Điểm chung của 2 điều trên đều là những câu đố phức tạp: 1 câu đố để dẫn tới lời giải cho những bài toán trong học tập và 1 câu đố để từ đó dẫn tới sự chiến thắng trong game? Chúng đều mang đến những khó khăn như nhau : “Một bài toán khó” và “Một trận đấu game”, đều bắt nguồn từ những câu đố ?
Lời giải thích hợp lý có lẽ là thuở nhỏ , tôi đã gắn liền việc học tập trên trang giấy với cảm xúc buồn chán (Vì đó là phản xạ có điều kiện được hình thành) và tâm trạng tiêu cực bởi cách dạy dỗ của cha mẹ tôi và nay nó được củng cố bởi cô giáo cấp 2. “Giải đố trong sự ép buộc” có cảm xúc khác với “Giải đố từ sự thôi thúc , tò mò của bản thân”. Cảm xúc buồn chán , lo sợ kìm hãm sự phát triển của chúng ta và sự tò mò , thích thú thì ngược lại : cho dù bạn có mệt mỏi đến đâu bạn vẫn luôn tràn đầy năng lượng để bước tiếp. Đó là lí do vì sao tôi có thể chơi game thâu đêm dù cơ thể đã mệt mỏi mà chỉ có thể học 5 phút để chuyển cơ thể từ trạng thái minh mẫn đến mệt mỏi rã rời!
Thử tưởng tượng , chúng ta hãy hoán đổi vai trò của việc học với công việc “chơi game”: Những đứa trẻ đến trường học cách làm sao để “chơi game” giỏi. Vậy thì hồi nhỏ, tôi sẽ bị ép chơi game. Ai mới chơi thì lúc đầu chả chơi kém! Cha mẹ của bạn muốn bạn “chơi” giỏi đến tầm cỡ thế giới và ra sức mắng chửi bạn , đánh đập bạn vì “chơi game” không như ý, tạo áp lực cho bạn và dán những cái mác như :” Mày chơi game thế thì cả đời  chỉ đi làm công nhân thôi” , “Mày chơi ngu lắm con ạ”,”Thằng ngu”… . Thì bạn có còn tự tin vào khả năng của mình nữa không ? Rồi bạn bỏ bê “việc chơi game” ,  rồi ai cũng “chơi game” giỏi hơn bạn và cũng coi bạn là gánh nặng , sự nhục nhã . Bạn có còn muốn “chơi game” nữa không? Mặt khác , tại sao  đôi khi tôi lại có thể giải được những bài toán khó? Như đã nói trên , tôi bị khiêu khích bởi nhóm bạn cô giáo và họ đánh thẳng vào tính tự kiêu của tôi nhằm mang ngụ ý:” Thằng ngu như nó thì làm sao giải được bài này”. Điều đó khiến tôi bực tức và dành nhiều tâm huyết để giải nó với cảm xúc tự tin rằng :” Tôi có thể giải được”. Và kết quả thì thật là ngoài mong đợi. Nhưng thú thật , ý nghĩ này lúc đó tôi vẫn chưa nhận ra , và khi tôi nhìn lại quá khứ và suy xét , tôi mới để ý tới điều này.
 Vậy đấy , thái độ làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. 
Có một lượng lớn số người rất ích kỉ trong xã hội , luôn sẵn sàng chà đạp người khác chỉ để thỏa mãn thú vui mồm , dục vọng của mình. Những người này thường có mục đích sống là để thỏa mãn dục vọng thể xác ,tinh thần và vật chất(cụ thể như: thú vui thể xác , sự tự cao tinh thần và tiền bạc) của mình. Và hiển nhiên , những người này không có sự đồng cảm và lý tưởng sống!Điển hình ở đây chính là cô giáo.
- Tại sao tôi chơi game giỏi? Cho dù biết mới đầu chơi game tôi còn khá kém , và cần phải có nhiều nỗ lực để giỏi hơn? Đó là do sự thích thú nói trên và truy cầu sự tiến bộ là một bản năng thú vị mà ai cũng có và thường bị lấp đi bởi sức ì bản thân , định kiến, cảm xúc… . Bản năng này chỉ xuất hiện khi dòng chảy của sự hứng thú và đam mê đi qua.

Còn có những đánh giá khác nữa nhưng chưa thực sự rõ ràng. Tôi sẽ đề cập đến sau vì cuộc sống cấp 3 và năm đầu đại học của tôi sẽ củng cố những đánh giá đó. Các bạn có thể dễ dàng thấy rằng , suốt năm cấp 2 , tôi vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh trầm cảm.
Những năm tháng cấp ba...
Tôi thi đỗ cấp 3 với số điểm cũng không quá tệ , thuộc mức trung bình. Tôi được vào một lớp thường (gọi là lớp “dốt” cũng được). Tôi vẫn không thay đổi gì nhiều  từ lúc cấp 2 đi lên : Vẫn còn vương vấn những cảm xúc thời nổi loạn , vẫn tự cao  nhưng ngu dốt và bảo thủ , vẫn cho mình là nhất và khác biệt(mâu thuẫn ở chỗ là đôi khi ở 1 mình tôi vẫn hay dày vò bản thân và luôn lấy lí do biện hộ cho việc thất bại của mình), vẫn bị căn bệnh trầm cảm hành hạ.
May mắn thay , tôi gặp được một người thầy dạy môn toán . Người này nhận ra được niềm đam mê về môn học này ẩn giấu trong tôi mà chính tôi cũng không biết (bởi lẽ mỗi lần ngồi vào bàn học lúc đó , cho dù là môn gì tôi cũng đều cảm thấy nhàm chán , bất lực). Bằng những lời khích lệ và động viên , tôi đã từng bước một đi lên với môn học này. Chẳng hạn như “Năng lực của em có thể sánh ngang với các bạn học lớp chuyên”. Tôi biết rằng tôi không có 1 tí gì được gọi là thiên bẩm hay thông minh , nhưng ít nhất điều này đã khích lệ được cái “tôi” trong tôi và thôi thúc tôi học tập. Thầy đưa cho tôi những bài toán có thể gọi là dễ nhưng vẫn cứ bảo tôi là “khó” để động viên tôi mà khi ấy tôi cũng không nhận ra. Tôi tưởng mình thông minh thật , và lao đầu vào học môn này với một tâm thế :” Muốn đứng thứ nhất , mình phải thể hiện mình thật thông minh”. Dưới sự chỉ dẫn tận tình của thầy giáo ấy , tôi đã đạt được khá nhiều thành tích như giải cấp huyện và thành phố về bộ môn này. Tôi đã được chuyển sang lớp chọn sau vỏn vẹn 1 năm , đúng như tôi hằng mơ ước. Tính khí tự cao và kiêu ngạo luôn đẩy tôi ra xa khỏi bạn bè và thầy cô. Tôi cho rằng tôi mình giỏi nhất , thông minh nhất và cố gắng chăm chỉ 1 cách mù quáng để chứng minh điều đó. Tôi nghĩ mình là 1 học sinh gương mẫu của trường và ai cũng phải học hỏi từ tôi. Vậy đấy , chắc các bạn cũng tưởng tượng được rằng tôi có rất ít bạn? Không phải , tôi cũng học cách thể hiện đạo đức giả , tức là giả khiêm tốn , giả hòa đồng , giả nhút nhát, bề ngoài đẹp đẽ  nhưng bên trong không đổi!Tại sao vậy? Vì tôi muốn chứng minh mình là một học sinh với hình mẫu lí tưởng mà ai cũng ghen tị . Tôi kết bạn với những người giỏi trong lớp , cố gắng thể hiện là mình giỏi hơn họ với mọi thủ đoạn. Khi họ giỏi hơn mình về lĩnh vực gì , tôi đều biện hộ với những mệnh  đề đúng:”Chẳng qua là…” .Nhưng vì đó là sự chăm chỉ có định hướng từ người thầy dạy toán của tôi (Thầy ấy dạy cả lớp chọn lẫn lớp thường), có thể nói tôi đã trở thành người giỏi nhất lớp về những môn liên quan đến toán. Tính khí kiêu ngạo lại càng tăng , lúc nào cũng phải thể hiện mình theo 1 khuôn mẫu , đeo những mặt nạ cảm xúc giả tạo thể hiện mình là học sinh gương mẫu khiến tôi mệt mỏi.Tôi luôn chà đạp , khinh bỉ người khác bằng những cử chỉ , điệu bộ rất “khéo léo” mà ai cũng biết là tôi đang giả vờ . Tôi cũng không còn tin tưởng ở tôi nữa , trong đầu tôi luôn vang lên một giọng nói :” Cậu giả tạo thế đã mệt chưa?” Là lương tâm hay lý trí?. Đầu tôi lúc nào cũng âm u , mệt mỏi. Tôi cho rằng một học sinh gương mẫu phải là một học sinh chăm chỉ , ham học , ít đi chơi. Tôi muốn đi chơi lắm , nhưng vì sĩ diện , vì sự tự cao của bản thân với mọi người không cho phép tham gia những cuộc vui của thời học sinh. Cha mẹ tôi đã nhìn tôi với ánh mắt khác : một người con ngoan trò giỏi, một người con hoàn hảo. Tôi đã sống để đáp ứng mọi kỳ vọng của mọi người? Không , phải nói là tôi đã “tồn tại” để đáp ứng mọi kỳ vọng của mọi người! “Sống” và “tồn tại” , hai từ này rất khác nhau. Tôi không còn là chính mình nữa , tôi “là” những kỳ vọng của mọi người hiển hiện một cách hữu hình , sự sống trong tôi đã chuyển hóa thành sự kiêu ngạo , sự đáng ghét , sự thù hận, sự thất vọng… .Khoảnh khắc sung sướng nhất là khi tôi khoác lác với bạn bè rằng mình đã giải được những câu đố khó , mình giỏi hơn bạn này nhiều nhưng những khoảnh khắc ấy hiếm khi xuất hiện , mà nếu có thì cũng chỉ một thoáng chốc và sau đó lại là sự dằn vặt của lí trí  .Nhìn bề ngoài , tôi là một học sinh gương mẫu của trường, luôn được tung hô , nhưng bên trong là sự mục ruỗng , thối nát từ bên trong tâm hồn! Và rồi tôi nhận ra rằng : căn bệnh trầm cảm vẫn còn đó. Vì tôi luôn cho rằng mình giỏi nhất , nên tôi không tiếp thu ý kiến của ai , tôi cho là tôi phức tạp , không ai hiểu nổi. Trong đầu tôi bấy  giờ chỉ có quan tâm đến 1 điều:”Mình là số 1”.Bởi thế nên tôi  luôn phụ bạc lại tình bạn, sự tin tưởng của họ. Đêm tôi thường thiếu ngủ , tôi thức để học bài nhưng trong lòng tôi lại không cảm thấy sung sướng, hứng thú khi được học.Vì lí do gì? Tôi học bài để thể hiện mình chăm trong mắt cha mẹ , anh trai. Tôi muốn chứng minh cho họ thấy rằng tôi đã không còn là một kẻ ngu si , đần độn, chậm chạp trong mắt họ. Tôi tin là tôi đang đi trên đúng con đường của mình và họ đã sai lầm về tôi. Nhưng tại sao tôi vẫn cảm giác được bờ vực tuyệt vọng đang ở ngay sát mép đôi chân của mình? Tại sao mặc dù tôi đã đạt được những danh hiệu rất tốt về học tập  tôi từng mơ ước mà vẫn cảm thấy luôn hụt hẫng , đau đớn từ bên trong?Nhiều đêm trằn trọc , thỉnh thoảng tôi cũng khóc không biết tại sao.Tôi thường tự nhủ với mình như sau: Mình có thành tích học tập xuất sắc , mình có những người “bạn” xung quanh , mình là một học sinh “gương mẫu”, mình được cha mẹ tự hào và đi khoe khoang nở mày nở mặt với họ hàng. Mình có trong tay tất cả những dự định , những mơ ước của năm cấp hai. Lẽ ra mình phải luôn cảm thấy tự hào , sung sướng chứ? Tại sao vậy?

(Các bạn thời cấp ba của tôi nếu có ai đó đã đọc bài viết này và đọc đến dòng này , thì tôi muốn gửi lời rằng:” Mình xin lỗi các bạn và cảm ơn các bạn rất nhiều. Các bạn hẳn phải là một con người có lý trí sâu sắc lắm để thấu hiểu tôi và trái tim bao dung , tha thứ và rộng lượng lắm mới chứa chấp một con người với danh nghĩa là một người bạn như tôi lúc đó, một con người chỉ biết có một mục đích là chà đạp, xúc phạm người khác, kể cả bạn thân. Bây giờ ngẫm lại , các bạn là những người bạn tuyệt vời nhất mà mình đã từng gặp, cảm ơn các bạn nhiều lắm , nhiều lắm!!)

Bước ngoặt cuộc đời hay là đường mòn trải dài?
Kì thi đại học đã tới. Tôi hi vọng có thể quên đi quá khứ tồi tệ của những năm tháng cấp ba và rồi bắt đầu cuộc sống lại từ đầu với bao nhiêu dự định tươi đẹp . Bằng sự siêng năng mù quáng có định hướng bởi thầy giáo tôi , tôi đạt được một điểm số cũng khá cao và vào trường đại học danh tiếng.Nhưng đây không thật sự là nguyện vọng của tôi , mà là của bố mẹ với một mục đích là kiếm thật nhiều tiền. Lí do hợp lí có thể là cha mẹ tôi thuộc “lớp người từ những thế kỷ nghèo khó” , mà những người đi lên từ những người nghèo khó không phải từ chính sự nỗ lực của mình (đa phần gia đình tôi được sự trợ giúp của những người họ hàng giàu có), họ sẽ mang nặng những vấn đề về tiền bạc và vật chất. Tôi cũng thấu hiểu được phần nào! Một con người mà đến cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như cơm , áo , gạo , tiền mà còn không đáp ứng được , thì làm sao có thể tiến bộ được trong suy nghĩ? Còn chưa kể có thể họ đã bị ràng buộc bởi tinh thần và lý tưởng “Làm giàu” từ nhỏ bởi những người quá cố. Tôi xin nhắc lại là tôi không muốn trách cứ họ. Trong mắt tôi , họ vẫn là những người cha , người mẹ luôn yêu thương , hết lòng vì con cái. Chỉ là tư tưởng của họ quá lệch lạc và áp đặt mà thôi! 
person sitting on gray stair
Rất tệ hại là họ lại luôn cho là mình đúng và mang những tư tưởng bảo thủ , nên bằng lời lẽ , lý thuyết và sự áp đặt , tựa như “Mày chẳng làm gì được đâu , tay chân thì ốm yếu , vụng về như mày thì chỉ có thể đi làm thầy giáo dạy kiếm tiền mà thôi , mày có thấy rất nhiều thầy giáo dạy toán xung quanh mày đi dạy thêm không ? Họ kiếm được trăm triệu một tháng chỉ nhờ vào dạy thêm , ví dụ như thầy giáo dạy toán của mày đấy!”, họ đã thuyết phục được tôi tin tưởng vào những điều này. 
Tại sao tôi tin vào những lí lẽ đó? Vì đó là môn sở trường của tôi , nhưng có cái gì đó trong tâm trí tôi hỏi tôi rằng:
-“Cậu có thật sự thích nghề này không? Hay chẳng qua chỉ là phương tiện để thể hiện cái “tôi” của mình? Mỗi khi làm toán mình có thật sự thích thú không? Hay chẳng qua chỉ là để thỏa mãn dục vọng tự hào của ai đó?”
Tôi cũng không trả lời được câu hỏi này lúc đấy , nói thẳng ra là tôi không dám trả lời.Mục đích sống “Mình là trung tâm của vũ trụ” là lí do để tôi tồn tại. Tôi không tin vào chính mình và cố gắng quên đi những câu hỏi kia và luôn nghĩ rằng mình yêu cái nghề dạy học này. Nhưng có một điều tôi luôn phủ nhận và phản đối với ý kiến của gia đình : Sống vì tiền!


Hãy thử tưởng tượng , chuyển hóa mục đích sống Cái “tôi” là nhất” thành “Tôi giàu nhất”. Vậy đấy , các bạn có thấy sự tương đồng không nào? Điểm chung ở đây chỉ là muốn thể hiện cái “tôi” là tài giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó và điểm mong muốn của người sở hữu cái lí tưởng này là quyền lực và sự thỏa mãn khi thể hiện mình. Do vậy , nếu như tôi chuyển mục đích sang những đồng tiền vật chất , thì cảm giác , cảm xúc , sự dày vò trong tôi vẫn không đổi. Tôi vẫn sẽ thể hiện mình là “Thông minh” nhất khi kiếm được nhiều tiền nhất thay vì “giải được nhiều bài toán khó nhất”. Tôi cũng không phủ nhận sự cần thiết của đồng tiền , bởi lẽ đó là tượng trưng cho sức lao động của con người. Nhưng theo tôi, đồng tiền chỉ cần vừa đủ cho những cuộc sống hàng ngày: Có một chiếc giường để nằm , có một ngôi nhà để ở , có một chiếc xe để đi… và hạnh phúc với công việc hàng ngày là đủ. 
Suy cho cùng , mục đích “Kiếm nhiều tiền” vẫn chỉ là để thể hiện cái tôi và giả tạo!
Tôi đã có những suy nghĩ này ngay từ những năm lớp 12 . Bởi lẽ tôi đã biết chuyển hóa cảm xúc từ “Người giỏi nhất” thành “Người giàu nhất” từ khi ấy. Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ xa hơn , nghĩ rộng hơn về vấn đề này lúc đó. Tôi sẽ đề cập thêm vấn đề này ở cuối bài viết.



Tôi đã vào được trường đại học cũng danh tiếng ấy với chuyên ngành là toán học và dạy học. Tôi thi đậu vào lớp tài năng của trường này. Nơi đây niềm tin và mục đích sống “Trở thành số 1” của tôi bị sụp đổ. Những con người khổng lồ đã vật ngã niềm tin , mục đích sống của tôi. Họ thực sự tài giỏi , tài giỏi hơn tôi rất nhiều. Ban đầu tôi cũng không chấp nhận sự thật , bởi lẽ điểm số đại học của tôi cao hơn họ , nhưng khi nhập học , tôi với họ lại có khoảng cách xa đến vậy. Tôi cho rằng: Chẳng qua họ chăm chỉ hơn mình thôi, mình mà cũng chú tâm thế nào cũng hơn họ. Tôi không chấp nhận sự thật rằng :” Họ giỏi hơn mình nhiều”. Điều đó khiến tôi luôn đau khổ , dằn vặt. Tôi lại lao mình vào những thú vui nhất thời như xem điện thoại , lướt facebook , chơi game hàng ngày… , và dần dần , nó đã trở thành thói quen của tôi. Kì thi đến và điểm số không được như mong muốn , tôi vẫn lấy cái lí do biện hộ như trên rồi lại lặp lại thói quen cũ của mình.Dường như trong tôi lúc bấy giờ có 1 niềm tin duy nhất để tin vào  :” Mình là số 1 , không ai giỏi như mình , chẳng qua…” và tôi không muốn đánh mất niềm tin ấy.
 Và thế là cuộc sống bê tha , vô kỉ luật ấy đã ngấm dần vào tôi từ lúc nào không hay , tôi nằm nhiều hơn là ngồi , kè kè bên mình là chiếc điện thoại.Tôi luôn lấy lí do biện hộ cho mọi việc thất bại ,  tất nhiên cũng sinh ra tâm lý thích đổ lỗi cho người khác. Căn bệnh trầm cảm càng thêm trầm trọng , sâu bên trong lớp bảo vệ niềm tin “số 1” ấy , là tiếng nói vang vọng của lương tâm: “ Cậu nên chấp nhận sự thật đi , cậu còn kém lắm” .Mỗi khi nằm chơi điện thoại , tiếng nói của lý trí lại xuất hiện:” Tại sao cậu không ngồi dậy , học bài nhỉ?”hay là “Chàng trai trẻ à , hình như cậu đang đi lạc đường đấy!” . Nhiều đêm mất ngủ , nằm trằn trọc và trò chuyện với chính mình , luôn tự hỏi mình những câu hỏi tựa như :”Mình sẽ mãi mãi như này sao?, mình phải tìm cách nào đó thoát khỏi trạng thái tồi tệ này.” Tôi biết tôi cần phải thay đổi cách sống. Và điều đầu tiên tôi nhận ra rằng:  mình đã là nô lệ của cái thể xác này từ lúc nào rồi? Chỉ vì chiều theo sở thích của dục vọng  cá nhân và tinh thần, đã bao nhiêu lần mình “thôi để khi khác mình học” hay là “tập thể dục sau” chỉ để nằm chơi game , xem điện thoại? Chỉ vì muốn thỏa mãn thú vui nhất thời , đã bao nhiêu lần , tôi từ chối tất cả những gì đã là “mình” để dựng lên những câu chuyện giả dối để che đậy con người thật của mình và người bị lừa ở đây là chính mình? Tôi tự mình dằn vặt hằng đêm . Đôi khi , tôi lập nên một bản kế hoạch hoàn hảo cho ngày mai  với mong muốn sự thay đổi  và rồi , thói quen trì hoãn cố hữu trong tôi lại nói rằng “để mai cũng được”  và mọi thứ lại đâu vào đấy. Nhiều lần như vậy và cũng đôi khi tôi cũng thực hiện được một chút xíu , nản quá rồi lại thôi. Vậy đấy , tôi cũng đã từng trải qua cảm giác của những người “Tích cực nhất thời , bê tha bền vững.” Nhưng điều đó cũng thể hiện rằng , sâu trong tâm trí tôi , hình như người bạn lý trí của tôi đang nhất quyết trỗi dậy và muốn thay đổi những cảm xúc độc hại đang ngày một xâm chiếm tâm hồn tôi lúc này.

Đó là những biến đổi nội tâm trong tôi. Ngoài ra khi nhìn thấy hình ảnh của tôi của những năm cấp 2 bắt đầu tái hiện lại , bố mẹ tôi cũng bắt đầu thay đổi thái độ đối với tôi. Họ bắt đầu mắng chửi tôi thậm tệ , họ coi tôi là đứa ở nhờ trong nhà , tôi cũng ghét họ và luôn khóa chặt cửa phòng. Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi vô cùng : sự dằn vặt từ bên trong và những lời lẽ cay nghiệt(mà tôi không dám nhắc lại) từ bố mẹ ở bên ngoài. Tôi thường xuyên bỏ bữa , đắm mình vào trong thế giới ảo trong không gian hình chữ nhật chật hẹp của chiếc điện thoại. Tôi thức rất khuya và thường phải dậy sớm để đi học nên sức khỏe cũng suy giảm trầm trọng và điều quan trọng hơn cả: Tôi cũng không biết mình là ai nữa và cũng không cảm giác được sự tồn tại của mình. Đôi lúc , tôi muốn tự tử để kết thúc cái cuộc sống tàn nhẫn này! Nhận ra rằng : Căn bệnh trầm cảm của mình đã ngày càng nghiêm trọng hơn… . Nhưng điều kì diệu duy nhất trong tôi vẫn là tiếng nói của lý trí , dường như có điều gì đó trong tôi muốn trỗi dậy từ bên trong, thôi thúc tôi thay đổi.

Giữa những năm tôi 18 tuổi , anh tôi mất vì bạo bệnh . Anh tôi ra đi đột ngột bởi căn bệnh đột quỵ.Tôi đã khóc rất nhiều: mất đi một người thân duy nhất mình có thể chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui. Mất đi người bạn thân duy nhất để có thể trò chuyện, yêu thương. Tôi tự dằn vặt mình một cách vô cớ và đổ lỗi cho mình rằng mình đã gây ra cái chết cho anh ấy. Tinh thần tôi ngày một xuống dốc.Đêm tôi thường mất ngủ , ôm đầu và khóc.Tôi hay tự hành hạ mình cả về thể xác lẫn trong tâm trí. Những lần tự làm đau bản thân bằng những lời nguyền rủa, xúc phạm chính mình khi nhìn vào gương, hay những lần tự mình dộc đầu vào tường cho tới khi chảy máu... .Tôi thường hay nằm trên giường hầu hết phần lớn thời gian để đắm mình vào những thú vui ảo của chiếc điện thoại và quên đi thực tại tàn khốc này.Tôi thấy cuộc sống sao mà vô nghĩa quá, đau đớn quá , tàn nhẫn quá! Tại sao tôi tồn tại? 

 Một đêm , tôi đi ngủ sớm và  nghiêm túc suy nghĩ về điều này và đặt ra những vấn đề:
Có gì đó không ổn với mình! Tại sao có những người xuất phát từ hoàn cảnh đáng thương hơn cả mình , cũng bị trầm cảm , cũng bị khủng hoảng tinh thần , lại có thể vượt qua và sống một cách mãnh liệt và hạnh phúc như vậy? Có nhiều người được cho là ngu dốt và đần độn , tại sao từ con số “0” tròn trĩnh ấy họ lại có thể vươn lên và thành công trong sự nghiệp , trở thành người “đứng thứ nhất” và là ngôi sao của giới trẻ? Thông minh thiên bẩm ư? Không phải , điển hình như Edison hay Beethoven. Chăm chỉ ư? Cũng không phải , vì mình đôi khi cũng rất chăm chỉ cơ mà? Điều duy nhất hợp lí ở đây có lẽ chính là lối sống vô kỉ luật của mình và sức ì của mình! Vậy thì trước hết làm thế nào để thoát khỏi lối sống bê tha này?Khi làm một việc gì thì tất nhiên phải có mục đích. Vậy thì mình sẽ kỷ luật vì mục đích gì ? Học giỏi hơn để thể hiện mình là giỏi nhất? Không. Tôi không muốn quay trở lại con người của năm cấp ba của mình. Để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn ư? Quá mông lung và vô hình! Hình như mọi sự cố gắng của mình đều là vô nghĩa? Mình muốn được luôn hạnh phúc và vui vẻ , vậy hạnh phúc là gì? Ai chả biết , vậy thì hạnh phúc như thế nào? Vậy thì mình phải sống như thế nào?Kiếm nhiều tiền ư?Điều đó có mang lại hạnh phúc không? Giả sử mình có tiền và rồi mình sẽ làm gì sau đó? Mình đã tưởng tượng rồi và cảm thấy cũng chả khác mấy khi thể hiện cái “tôi” là nhất. Vậy thì mình phải làm sao?Phải có cách gì để thoát khỏi điều này chứ! ... .

Buổi sáng kì diệu - lăng kính màu vàng
 Sáng hôm sau , tôi dậy sớm vào lúc 6 giờ, không báo thức.  Tôi đã ngủ một giấc rất say vì hôm đó là ngày nghỉ của tôi. Thật kì lạ , đã bao lâu rồi tôi mới ngủ đủ giấc và dậy sớm? Một cảm giác khoan khoái và hạnh phúc tràn đầy trong tôi! Tôi thử tự nấu ăn vào buổi sáng , uống một cốc cà phê và tắm nắng. Hình như đã rất lâu rồi mình mới ăn sáng thì phải? Thì ra là thế , cảm giác hạnh phúc chính là đây chứ đâu! Nó đến từ mỗi buổi sáng dậy sớm và tự nấu ăn , thưởng cho mình một tách cà phê và rồi ngồi trầm ngâm suy nghĩ?
white ceramic mug on table

 Buổi sáng hôm ấy , tôi vẫn đắm mình vào trong thế giới ảo của chiếc điện thoại , nhưng có một điều gì đó đã khác: tôi không còn nằm nữa , tôi đã bắt đầu ngồi và đôi môi bắt đầu mỉm cười! Buổi chiều hôm ấy tôi đã đi tập gym , lúc về tôi cảm thấy người mệt nhoài nhưng trong lòng rất sung sướng vì tôi cảm thấy rằng : mình đã tiến bộ hơn hôm qua rất là nhiều! Mình muốn cứ mãi như hôm nay , cứ mãi tươi vui như thế này. Tối hôm ấy , vẫn thói quen cũ , tôi “ngồi” xem điện thoại. Đến giờ ngủ giống hôm qua , tôi vẫn muốn chơi tiếp vì mọi lần tôi ngủ rất muộn , nhưng trong đầu tôi chợt có ý nghĩ:”Mày có muốn mãi như buổi sáng hôm nay không , mày có muốn lại quay trở lại cuộc sống cũ không?”. Thế là tôi dũng cảm tắt điện thoại và đi ngủ sớm.Hôm sau cũng vậy , vẫn buổi sáng tuyệt vời bên tách cà phê nóng ấy , trong tôi dường như bắt đầu lóe lên những ánh sáng hi vọng của sự thay đổi, và cũng thật bất ngờ rằng nó lại xuất phát từ những điều rất đơn giản. Tôi bắt đầu tập thể dục mỗi ngày vào buổi chiều, dậy sớm và đi ngủ đúng giờ giấc.  Tôi  tạm thời dừng việc học lại trong vài ngày và dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những điều này : Tôi luôn cảm thấy trong mình luôn tràn đầy năng lượng và vui vẻ hơn trước, lý do rất rõ ràng rằng là do tôi đã ngủ đủ giấc và sinh hoạt có điều độ , à thì ra đây chính là bước đầu của kỷ luật! Tôi bèn lên mạng và tìm hiểu về tính kỷ luật , luôn mang trong mình suy nghĩ rằng “ Mình còn phải học hỏi nhiều về vấn đề này”. Tôi sinh hoạt có điều độ hơn , bắt đầu coi trọng việc nhà và  luôn nghĩ rằng:” Làm những điều này sẽ giúp mình thay đổi , có kỷ luật hơn”.Tôi luôn tự mình nấu ăn, rửa bát , lau dọn nhà cửa (mỗi lần làm điều này tôi thường tự nhủ rằng,mình đang rèn luyện tính kỉ luật) và dành nhiều thời gian suy nghĩ về cách sống và đi ngủ đúng giờ, điều này khiến tôi luôn có một cảm giác tích cực và vui vẻ. Tôi thường hay lên những trang mạng như YBOX hay A Crazy Mind để tìm hiểu, ứng dụng thêm về cách sống tốt đẹp.Tôi học được nhiều cách để kiểm soát mình hơn và tôi nhận ra rằng :Mình đã không còn thực sự là nô lệ của những dục vọng nữa rồi, đúng không!.Tôi đã nghĩ nhiều về vấn đề này và cho rằng : Sống theo kỉ luật , lý trí chính là lối thoát khỏi lối sống cũ. Mỗi khi tôi có ý định làm gì đó , tôi thường tự hỏi trong đầu rằng :Lý trí à, cậu nghĩ sao về việc này? Nó có ảnh hưởng đến việc kỉ luật bản thân không? Mình có đang giả dối với chính mình không?". Vậy đấy , tôi bắt đầu tôn thờ lí trí và cho dù dục vọng cá nhân có mạnh mẽ như nào đi chăng nữa , câu hỏi ấy luôn xuất hiện trong đầu và sẽ có những câu trả lời thích hợp tương ứng rồi tôi nhất quyết hành động theo nó. Tôi luôn hỏi người bạn “lí trí” trước khi hành động , do đó tôi luôn thành thật với chính bản thân mình. Tôi bắt đầu chịu trách nhiệm cho những việc mình làm , không còn tâm lý thích đổ lỗi . Tôi còn nhận ra rằng chính sự kiêu căng kiêu ngạo và giả dối  trong “tôi” đã xây dựng bức tường cản trở tôi với mọi người và luôn làm cho tôi mệt mỏi , đau đớn. Tôi còn nhận ra rằng chăm chỉ chưa đủ , phải có mục đích và những suy nghĩ khôn ngoan, nếu không thì cũng giống như liều chết nhắm mắt phi xe qua con đường đầy ổ gà. Tôi bắt đầu dám nhìn vào gương và nói lên 3 tiếng “Tôi yêu bạn”, vậy là tôi đã bắt đầu yêu chính bản thân mình. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng , để thành lập một thói quen hay kỉ luật tốt , cần nhiều thời gian. Tôi tin vào quy luật: “4 giây , 2 phút , 72 giờ, 21 ngày và 10000 giờ”.Tôi cũng ít dùng điện thoại dần và rồi dần dần , tôi hầu như chẳng còn phụ thuộc vào chiếc điện thoại ấy nữa .Tôi gần như không còn quan tâm ai nói gì về mình nữa , tôi chỉ quan tâm mình như thế nào với chính mình thôi. Tôi cũng không còn sợ thất bại nữa và tôi quý trọng những thất bại vì từ đó tôi mới có thể học hỏi, tiến bộ và bước về phía ánh sáng.Đôi môi tôi luôn trong trạng thái mỉm cười cùng với suy nghĩ:”Cứ cười thôi , mặc kệ đời!”  .Nhờ trải qua những ngày tháng khủng hoảng , tôi đã học được cái nhìn sâu sắc về mọi thứ! Tôi yêu quí tôi , trân trọng quá khứ và luôn tha thứ cho tôi. Và còn nhiều điều khác khi tôi suy nghĩ và học hỏi , rút ra từ quan điểm sống của nhiều người khác.. . Mỗi ngày tôi thay đổi tôi từng chút , từng chút một , sau một tháng nhìn lại,  tôi đã trở thành con người hoàn toàn khác!

Tôi cũng vỡ lẽ ra, hiểu được nhiều điều hơn. Tôi tìm lại được ước mơ học toán của tôi thuở nào , tôi thử học cách viết , cách vẽ và tìm lại được những cảm xúc hào hứng của một đứa trẻ khi được viết , tô lên những giấc mơ của chính mình.Phải , tôi yêu môn toán lắm! Có những lúc buổi sáng tôi thử ngồi vào bàn học cùng với tách cà phê bên cạnh , nhìn vào trang sách và nếu như trước đây tôi đã từng hờ hững xem qua để hiểu vội với mục đích đối phó trước khi thi thì bây giờ , tôi tìm hiểu kĩ ý nghĩa của nó , định nghĩa của nó ,suy xét tìm hiểu mọi góc cạnh của nó và sáng tạo ra nhiều điều mới mẻ từ những định lí đó . Tôi cũng không thể tin rằng mình đã có những ý nghĩ sâu sắc như vậy tự bao giờ.Ra thế! “Học để thi” là  một quan niệm hoàn toàn sai lầm! Mình đã tìm lại được đam mê của mình ngày nào rồi . Mặt khác , tôi còn tìm thấy sự thích thú của mình trong  viết văn và học tiếng anh, những môn trước đây tôi luôn bị điểm kém. 


Nhưng trước mắt vẫn đầy khó khăn , cha mẹ tôi vẫn luôn nhìn tôi với ánh mắt áp đặt và cổ hủ. Họ luôn so sánh tôi với những bạn trẻ thành công khác: “Con nhà X nó dành được học bổng nước ngoài… Con nhà Y nó giỏi hơn mày nhiều, nó kiếm được rất nhiều tiền còn mày 18 tuổi chưa làm ra cái gì cho tao cả, chỉ loanh quanh luẩn quẩn mãi trong cái gia đình này.” Những lời nói mang tính tổn thương đó đánh thẳng vào trong tâm trí tôi diễn ra hàng ngày. Tại sao tôi để tâm? Bởi lẽ tôi lúc đó đang trong quá trình hoàn thiện và học cách đè nén cái “tôi” khủng khiếp còn vương vấn từ thời cấp 3. Tôi bực dọc và muốn thoát khỏi căn nhà này , tôi muốn thi lại vào một trường quân đội để được thoát khỏi cái gia đình tồi tệ này. Bằng lời lẽ và sự thuyết phục và tinh thần “dám làm”, tôi đã khiến cho cha mẹ đồng ý và bảo lưu 1 năm học để thi lại. Thế nhưng lại có nhiều điều không may ập đến , họ hàng tôi đều phản đối điều này và tiêm nhiễm vào trong đầu cha mẹ tôi những sự phản đối quyết liệt, cha mẹ không còn muốn nghe những lời tôi nói nữa , họ bắt ép tôi phải quay lại trường đại học cũ với những sức ép tinh thần và tôi buộc phải nghe theo. Chuyện này mới xảy ra cách đây khoảng 3 tháng trước bài viết này và tôi cũng có những chia sẻ khá thú vị cho điều này:
       Cha mẹ tôi ,  những người lớn , đã đều gần 60 tuổi , nhưng nhìn vào sâu bên trong họ , tôi thấy họ như những đứa trẻ. Họ vẫn thích đổ lỗi cho người khác,hầu như bao giờ , hình ảnh tôi luôn bắt gặp họ đa phần là nằm xem điện thoại. Họ sống không có kỉ luật và tôi để ý họ hiếm khi cười , mà có thì cũng chỉ là những tiếng cười giả tạo. Khi tôi thay đổi , họ vẫn luôn nhìn tôi với ánh mắt tiêu cực và luôn phán xét tôi , cũng đúng vì trong mắt họ , những người không làm ra tiền là những người vô dụng và họ cho là họ thông minh, hiểu biết hơn tất cả những người không làm ra tiền. Họ sẵn sàng khoe khoang , khẳng định con của mình sẽ làm được một việc nào đó khi chỉ mới nhìn sơ qua họ nghĩ là "dễ" chỉ để thỏa mãn cái “tôi” tự hào của mình . Mỗi khi gặp điều gì có vẻ thú vị và khó khăn , họ biện hộ rằng mình đã già và không làm được , ép tôi phải làm thay họ (Ví dụ như khi tôi đề xuất việc mở rộng cửa hàng may của mẹ tôi khi tôi thấy công việc có vẻ phát triển,mẹ tôi đã nói như sau:”Mày có biết tao bận như thế nào không? Sao mày không phát triển hộ tao? Tao đã gần 60 tuổi rồi thì còn phát triển cái gì nữa?Trẻ như mày mới nói đến sự phát triển chứ, sao mày không đi làm đi!” .Mâu thuẫn ở chỗ là mẹ tôi đa phần nằm ở nhà và xem tivi, xem điện thoại và lúc nào cũng nói rằng muốn kiếm được thật nhiều tiền , dù tôi biết cha mẹ tôi đã có một khoản tiết kiệm khổng lồ khi về già) . Cha mẹ tôi cho rằng những người lớn tuổi hơn bao giờ cũng hiểu biết ,thông minh hơn những người trẻ tuổi.Các bạn có thấy hình ảnh “tôi” của những năm tháng lớp 12 trong họ không? Cũng chính những điều khủng khiếp về mặt tâm lý họ gây ra cho tôi , tôi thấu hiểu được sự tồi tệ của chính mình trong quá khứ.


 Vậy đấy ,may mắn là họ có một tấm lòng yêu thương con của một người cha , người mẹ , họ luôn yêu thương con cái.Những gì họ làm đều nhằm mục đích muốn tốt cho những đứa con.Tôi trân trọng và yêu quí họ ở mặt này. Chỉ là họ không biết cách sống , không có sự đồng cảm và thấu hiểu , làm sai phương pháp mà thôi! Vả lại , họ không có mục đích sống trong tương lai , mà con người sống là cần phải có mục đích để tồn tại , nên tất nhiên họ cũng phải có một mục đích hợp lý và hữu hình , đó chính là “Tiền bạc”. Họ không quan tâm tôi lớn lên như thế nào , họ chỉ quan tâm tôi lớn lên có kiếm được nhiều tiền hay không, đó là lý tưởng sống sai lệch ở họ. 

Tôi sẽ quay lại học ở ngôi trường cũ , nhưng với một tâm thế mới. Tôi sẵn sàng đối đầu với gia đình tôi và quyết tâm thay đổi họ bằng những hành động. Tôi cũng nhận ra rằng họ đã nhìn tôi bằng ánh mắt khác , đối xử với tôi ngày càng tôn trọng hơn và nhìn tôi như một người lớn , dù mới chỉ là một cậu bé 19 tuổi. Tại sao vậy? Có lẽ họ đang dần bị cảm hóa bởi cách sống của tôi? Tôi cũng không rõ nữa! Tôi sẵn sàng đối mặt với những lời lẽ của họ, tôi nhìn trong đó có một lợi ích là để rèn luyện cái “tôi” của mình, sự bình tĩnh và kiên nhẫn.Vậy đó , tôi đã và đang rèn luyện  tính cách nhìn ra cái tích cực trong cái tiêu cực của cuộc sống . Tôi cũng nhận ra rằng mình dần không để tâm những lời phán xét, xúc phạm không đúng với tính cách của tôi và không còn thấy tức giận với điều đó. Tôi luôn mỉm cười , học hỏi , làm những điều mình thích và luôn yêu thương , trân trọng mọi người! Có một niềm tin tích cực trong chính mình , đôi mắt nhìn thẳng về phía tương lai lấp lánh cùng với đôi môi luôn mỉm cười , còn điều gì để mong đợi hơn nữa?

Những mảnh vỡ kí ức đã được ghép lại , có thể có một số bạn đã nhận ra chìa khóa của hai từ “đúng đắn” và tôi xin phép được giải thích rõ ràng hai câu hỏi ban đầu:
   Tôi có thể định nghĩa lại hai từ “đúng đắn” thành hai từ "Trưởng thành". Vậy đấy , đó chính là đáp án của ẩn số mà ta cần tìm kiếm.
Trưởng thành , là một điều rất khó để đạt được. Nó chính là điểm chung của những lối sống tích cực. Tất nhiên , những điều gì vĩ đại và tốt đẹp thì rất khó để có được nó. Tôi nhận thấy những yếu tố sau đây rất quan trọng để trở nên Trưởng thành: suy nghĩ sâu sắc, trải nghiệm những đau đớn về mặt tinh thần và dám làm, dám thay đổi bản thân. Ví dụ ở đây là cha mẹ tôi: Họ là những người lớn , cũng đã trải nghiệm nhiều đau đớn về mặt tinh thần , nhưng đã có bao giờ họ dừng lại , suy nghĩ kĩ về những vấn đề này? Hay là họ dành thời gian rảnh vào những thú vui nhất thời? Giả sử đã suy nghĩ ra đi chăng nữa , họ có dám hành động không? Hay là sức ì của bản thân và thói quen “Ngựa quen đường cũ” đã ăn sâu vào máu họ và khiến họ quay lại lối sống tồi tệ như trước? Tôi khẳng định một điều rằng: Họ là người lớn , nhưng họ chưa “Trưởng thành”, cho dù họ đã 60 tuổi.
Tôi xin nhắc lại rằng “người lớn” và “Trưởng thành” là hai từ mang ý nghĩa rất khác nhau!
Khi đã hiểu được điều này , tôi đã có lời giải cho vấn đề ”Ý nghĩa sự tồn tại của mình” theo quan điểm của tôi:
Bạn không cần phải quan tâm mọi người có chú ý tới bạn hay không , bạn cũng chẳng cần phải quan trọng vấn đề mình tồn tại thì trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn mọc và dòng người vẫn chạy.Bạn tồn tại và sống là có ý nghĩa rất lớn đối với chính bạn .  Đúng vậy, chỉ cần bạn quan tâm đến mình , yêu lấy bản thân mình , thì sự sống của bạn đã có ý nghĩa với chính bạn nhiều lắm. Trước đây có thể bạn chỉ là một cọng cỏ , một nhánh lá cây vô tri vô giác không cảm nhận được cuộc đời, không cảm nhận được không gian xung quanh và chìm sâu trong giấc ngủ vạn năm, nay bạn đã có cơ hội trở thành người và cảm nhận được sự sống! Và sự sống này cũng chỉ trong hữu hạn năm thôi và rồi bạn sẽ trở lại giấc ngủ vĩnh hằng ấy. Vậy đấy ,bạn hãy luôn trân trọng những giây phút mình đang sống , luôn tha thứ cho bản thân mình , hãy yêu thương mình như một đứa trẻ và cảm nhận những khoảnh khắc, những hơi thở, những vẻ đẹp ở hiện tại. Hãy để đôi môi mỉm cười , đôi tay nắm chặt cùng với lí trí sắc bén, trái tim nhiệt huyết cùng với đôi mắt nhìn thẳng vào tương lai , những khó khăn gian khổ phía trước. Hãy biến những đau đớn , khó khăn thành cơ hội để “Trưởng thành” hơn và sống tốt hơn. Hãy suy nghĩ sâu sắc, lý trí hơn nữa :để hiểu được mọi thứ theo nhiều chiều , cảm nhận bằng trái tim nhiều hơn nữa: để đưa những cảm xúc chân thật của bạn vào mọi thứ và hiểu rõ chính mình  ,sống có kỷ luật nhiều hơn nữa: để bạn luôn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng,  và yêu thương nhiều hơn nữa:để lan tỏa những cảm xúc tích cực đến cho vạn vật và mọi người!. Khi bạn mệt mỏi , hãy dừng lại và suy nghĩ , sẵn sàng thay đổi bản thân theo hướng tích cực.  Cho dù mọi chuyện có tệ đến đâu, hãy cố gắng giữ đôi môi mỉm cười , lý trí tỉnh táo để giải quyết sự việc , biến đổi nó thành kinh nghiệm và thành điều tích cực để lan tỏa đến cho mọi người.
Tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm qua quá khứ của tôi:
- Hãy cố gắng tập thể dục đều đặn mỗi ngày! Đây là nền móng và cũng là biểu tượng của kỷ luật và khởi đầu của những nguồn năng lượng tích cực , khởi đầu của sự trưởng thành và thay đổi.Một lý trí sáng suốt luôn ngự trị trong một thể xác tráng kiện.
- Bạn không thể thay đổi người khác , nhưng bạn có thể thay đổi chính bạn để hạnh phúc hơn!

Luôn bình tĩnh suy nghĩ và biến đổi một cách linh hoạt , thông minh để tạo nên những cảm xúc tích cực và tạo lập nên những thói quen tốt .Ví dụ , mỗi buổi sáng ngủ dậy và cảm thấy khỏe khoắn , hãy uống một tách cà phê, khi ấy cảm xúc tích cực sẽ được gắn liền với những tách cà phê ấy. Và trong những trạng thái tốt nhất như vậy , hãy làm những công việc bạn thích và móc nối , liên hệ cảm xúc ấy với công việc của bạn.
- Hãy luôn khiêm nhường và học hỏi, sự tự cao và bảo thủ làm nên những kẻ ngu dốt và đần độn cho dù người đó có năng lực đến đâu.
- Cách sống rất quan trọng. Nó ảnh hưởng nhiều đến cách làm việc , định nghĩa con người bạn và sự thành công trong công việc của bạn. Vì vậy , hãy dừng mọi thứ lại và tạm thời dành thời gian suy nghĩ về cách sống của bạn.
- Hãy cứ mơ ước , theo đuổi những giấc mơ của bạn .Bạn không nhất thiết phải kiếm được bằng chứng nhận , bạn không nhất thiết phải được mọi người công nhận. Những thứ bạn mơ ước là những thứ bạn làm mà luôn cảm thấy hạnh phúc cho chính bạn chứ không phải để thể hiện cái “tôi” rằng mình đang thực hiện điều đó với mọi người.Nếu bạn chưa biết mình muốn gì , hãy tìm nó! Bạn cũng không cần phải sợ hãi khi đặt ra những ước mơ! Tôi được đánh giá là 1 đứa trẻ từng được gắn mác là "ngu ngốc, chậm hiểu", vậy mà sự chăm chỉ có định hướng(của cá nhân hoặc người khác) đã gặt hái cho tôi 1 số thành công nhất định đó thôi, như vậy có thể nói rằng khả năng của con người là không giới hạn!
Mark Twain đã từng nói: 
"Đừng tời xa ảo mộng của mình. Khi chúng không còn nữa , bạn vẫn có thể tồn tại, nhưng bạn cũng không sống nữa."
Vậy đấy, bạn đã từng mơ những giấc mơ chưa? Những giấc mơ "hão huyền", "vô bổ" và tươi đẹp ấy? Như là hái sao trên trời , bay giữa những vì sao , câu cá trong dải thiên hà?Hay là hòa mình vào những tia nắng, hướng theo nó để khám phả mảnh đất ánh sáng mang tên "Mặt trời" ?Hay là phiêu lưu dưới lòng đất trong trí tưởng tượng?Hãy cứ mơ mộng đi! Nó làm giàu thêm trí tưởng tượng, óc sáng tạo của bạn.Nó nhuộm lên tấm vải cuộc đời đơn sắc bằng những sắc màu cầu vồng. Mặt khác , biết đâu bạn có thể thực hiện được ước mơ đó trong tương lai thì sao?Ai mà biết trước được tương lai kia chứ?


Làm việc để thực hiện những giấc mơ rất quan trọng. Thời gian trong một ngày khi bạn thức , đa phần là bạn phải làm việc. Vậy thì phần lớn thời gian của con người khi còn thức trong một đời là làm việc, vậy trước hết, bạn phải yêu chính công việc của mình và coi nó là một phần của chính mình. Hãy yêu những ngày thứ hai , thứ 3 ,và những ngày trong tuần và đừng bao giờ sống theo kiểu mong đợi những ngày thứ bảy , chủ nhật đến.
Cũng có những hiểu nhầm giữa những người có và không có ước mơ. Đã sống và là con người thì phải có mục đích sống, những người không có giấc mơ để theo đuổi sẽ nghiễm nhiên mặc định cái ước mơ là “Kiếm thật nhiều tiền”. Khi bạn hỏi họ tại sao vậy, họ sẽ trả lời:” Để đi du lịch , để mua ô tô, biệt thự, mua những chiếc đồng hồ đắt tiền , không có tiền thì cạp đất mà ăn à? …” Steven Jobs đã nói những câu như thế này trước khi mất:

Một chiếc đồng hồ mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì suy cho cùng, kim giờ kim phút cũng chỉ cùng một thời gian.

Một chiếc túi xách mệnh giá 300 USD hay 30 USD thì suy cho cùng, số tiền bên trong đều có cùng giá trị như nhau.

Một chiếc xe ô tô mệnh giá 150.000 USD hay 30.000 USD thì suy cho cùng, con đường, khoảng cách và địa điểm cuối cùng chúng ta đi đều giống nhau.

Một chai rượu vang mệnh giá 300 USD hay 10 USD thì suy cho cùng, say rượu vẫn chỉ là đau đầu và nôn mửa.

Một ngôi nhà rộng 300 hay 30 mét vuông thì suy cho cùng, nỗi cô đơn có thế nào vẫn cứ tồn tại.  

Một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc thực sự không đến từ vật chất.

Cho dù bạn chọn ghế hạng nhất hay hạng phổ thông thì khi máy bay hạ cánh, bạn cũng phải bước xuống.

Vì vậy, tôi hi vọng bạn nhận ra khi nào bạn còn có bạn bè, người thân bên cạnh để cùng trò chuyện, nói cười, vui vẻ đàn hát với nhau, tám đủ thứ trên trời dưới biển… thì lúc ấy là lúc hạnh phúc thực sự.

 

 Đối với những con người không có giấc mơ , họ luôn sợ hãi và không dám lao ra khỏi vòng tròn an toàn để thám hiểm mọi thứ , do đó đi du lịch đối với những con người như vậy cũng chỉ là dời chỗ ăn , chỗ ở trong một vài ngày, cũng chỉ là đổi chiếc giường với những căn phòng mới để chơi điện thoại, lao vào những sở thích , thú vui của dục vọng… .
Cái “tôi” của những con người không có mục đích thường rất lớn! Khi họ biết được dù chỉ 1 chút về 1 lĩnh vực nào đó , họ sẽ sẵn sàng thể hiện mình như một chuyên gia. Khi bạn hỏi họ câu hỏi như” Mơ ước của bạn là gì?” , câu trả lời đa phần sẽ là “Kiếm thật nhiều tiền” cùng với lập luận hợp lí và “sâu sắc” :” Có tiền là có quyền , có quyền là có tất cả!”
  Đối với những con người không có giấc mơ ,  họ luôn thu mình trong những chiếc lồng tư tưởng và thường hay thỏa mãn với những thành công trước mắt và tạm thời. Để rồi những giây phút cuối đời họ sẽ hối hận nhiều thứ. Loại người này không hiếm!
-  Đừng sợ cô đơn. Nhờ có cô đơn , bạn học được cách suy nghĩ , trò chuyện với chính bạn và hiểu rõ bạn hơn. Qua đó hoàn thiện chính mình , hoàn thiện cách sống.
- Hãy luôn có trách nhiệm với bản thân mình về mọi việc, đừng bao giờ biện hộ hay đổ lỗi cho ai vì điều gì! Hãy nhìn vào Beethoven , nhà soạn nhạc bất tử của mọi thời đại. Ông ấy đã mắc những căn bệnh đáng sợ dày vò thể xác và tâm trí ông hơn bất kì ai hết, thậm chí là còn bị điếc.Vậy mà ông vẫn sáng tác ra nhiều bản nhạc bất hủ và luôn sống hết mình cho những ước mơ.


- Những thứ vĩ đại cần nhiều thời gian, vì vậy hãy học cách kiên nhẫn!
Bạn không thể nào thay đổi ngay tức khắc chỉ trong một ngày mai được , hãy thay đổi từ từ , dần dần để trở thành một con người khác hoàn thiện , trưởng thành hơn. Hãy thử tượng tượng ai cũng thay đổi ngay chỉ sau một đêm, vậy thì thế giới này toàn những con người vĩ đại, thật mâu thuẫn phải không nào?


- Đừng bao giờ sống để đáp ứng những kì vọng của người khác! Đó là cách sống ngu ngốc nhất tôi từng biết vì đó là điều không thể, bởi lẽ nếu như bạn có thể làm vừa lòng được họ bạn cũng sẽ bỏ quên người mà bạn cần đáp ứng, làm hài lòng nhất là chính bạn!  Nó chỉ đem lại cho bạn cảm giác đau đớn, mệt mỏi qua sự giả tạo , lừa dối chính bản thân bạn. Các bạn cứ nhìn vào tôi những năm cấp ba là hiểu ngay.
- Hãy sống theo lý trí và cảm nhận bằng trái tim! Đặc biệt, các bạn phải luôn phát triển lý trí của mình.
Bạn hãy luôn nghe theo tiếng nói của lý trí bạn , người bạn bị "lãng quên" khi bạn đắm mình vào những dục vọng của thể xác. Lý trí là người bạn dẫn đường hoàn hảo để đưa bạn đến lối sống hạnh phúc. Đôi khi , hãy cảm nhận bằng trái tim để hiểu rõ lý trí của mình hơn. Nếu không có lý trí , bạn sẽ mãi là nô lệ bị kìm kẹp trong cái thể xác của chính bạn. Điều này sẽ tạo nên lối sống vô kỷ luật và bạn sẽ luôn mang trong mình những cảm xúc tiêu cực: mệt mỏi , buồn chán... . Bạn cũng sẽ có được những cảm xúc tích cực nhất thời khi đáp ứng những dục vọng trước mắt của bản thân nhưng phần lớn , đó là những thú vui không cần thiết như xem điện thoại , lướt facebook hàng giờ... và sau đó chỉ là cảm giác dằn vặt bản thân vì đã lao đầu vào những trò vô bổ . Rèn luyện lý trí cũng khiến bạn suy nghĩ sâu sắc hơn , từ đó cũng giúp bạn trở nên thấu hiểu và đồng cảm hơn khi cảm nhận bằng trái tim.
- Bạn là duy nhất bạn có thể tin tưởng và cũng chính là người mà bạn đang tìm kiếm bấy lâu nay
Hãy yêu thương chính mình , đó là điều đầu tiên, rồi sau đó mới học cách yêu thương người khác. Khi học được cách yêu thương chính bản thân bạn, bạn mới hiểu được giá trị của bản thân, tìm được ý nghĩa cuộc sống. Hãy chăm sóc nó như một đứa trẻ , yêu thương vô điều kiện. Bạn là người hoàn hảo nhất trong mắt bạn : Cho dù bạn không hoàn thiện , nhưng ít nhất , bạn có khả năng để hoàn thiện mình hơn bằng cách khiêm nhường và học hỏi theo từng ngày. Hãy ngừng so sánh với người khác , mà hãy so sánh bạn với chính bạn trong quá khứ.


 Và còn nhiều điều khác nữa mà tôi vẫn đang tìm kiếm và học hỏi , tôi muốn các bạn tự mình đứng lên , trải nghiệm mọi thứ! Hãy sống hết mình và sống cho những giây phút cuối đời!

Không trải qua những đêm dày cùng cực
Làm sao chạm đến nắng mai hồng?

Tác Giả: Bách Phạm

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

767 lượt xem, 765 người xem - 785 điểm