Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

"Sống Xanh": Lối Sống Hay Trào Lưu?

Vào lúc này là 00:30 AM ngày 19 tháng 07 năm 2019, mình thử tìm kiếm trên Google thì nhận được Khoảng 138.000.000 kết quả (0,57 giây) cho từ khoá “Sống xanh”. Điều này cũng đủ để chúng ta thấy rằng mức độ phổ biến của lối sống này trong thời điểm hiện tại rồi đúng không? Hôm nay mình muốn bàn về một góc nhìn khác về “Sống xanh” qua những sự việc có thật và khá phổ biến mình chứng kiến trong thời gian vừa qua.


Sống xanh (Zero waste) là gì?

Có rất nhiều định nghĩa nói về “sống xanh”, mình xin được nói vắn tắt về định nghĩa này như sau: Sống xanh là một lối sống giúp hạn chế việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên như nước sạch, than… và giảm thiểu việc gây ra tác động có hại đến môi tường thông qua sinh hoạt hằng ngày của chúng ta như giảm rác thải nhựa, tắt điện khi không sử dụng,…

Vì sao chúng ta phải “Sống xanh”?

Trong thời gian gần đây, các kênh thông tin, báo đài liên tục báo động về tình trạng rác thải nhựa thải ra từ hoạt động sinh hoạt của con người gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các động vật cũng như môi trường xung quanh. Mình xin được đưa ra một vài hậu quả nghiêm trọng từ rác thải nhựa mà mình đã đọc được như sau:



Không chỉ ảnh hưởng đến các loài động vật, rác thải nhựa còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người thông qua các hạt vi nhựa. Bạn có biết ước tính trung bình mỗi người ăn phải khoảng 5g nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng (theo nghiên cứu từ Đại học New Castle, Úc năm 2018)? Lượng nhựa được cơ người hấp thu này thường tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa có trong thực phẩm, nước uống hàng ngày. Đây là một số liệu đáng báo động đối với sức khỏe con người và cả môi trường sống xung quanh. Có thể nhiều người nghi, chỉ cần không dùng đồ nhựa nữa và vứt chúng đi, mặc kệ môi trường thì chẳng ảnh hưởng gì nữa đến mình. Nhưng không, rác thải nhựa không đi đâu cả, nó sẽ nhanh chông trở lại và phá huỷ sức khoẻ chúng ta thông qua các hạt vi nhựa lẫn trong nước sinh hoạt, muối ăn và các thực phẩm khác.

Hiểu được ảnh hưởng nghiêm trọng đó, chúng ta cần phải hành động, chung tay bảo vệ môi trường sống và cũng chính là bảo vệ sức khoẻ của chính mình.

Nào hãy cùng mình điểm qua một số cách “sống xanh” đang được truyền bá trong giới trẻ nói riêng và người dân nói chung để góp phần hạn chế rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung:

1.     Dùng ống hút tre, inox có thể tái sử dụng

2.     Hạn chế mua nước uống đóng chai và mang một chiếc bình inox theo bên mình.

 

3.     Mang túi vải, hộp đựng thức ăn khi đi chợ


4.Mang hộp đựng thức ăn cá nhân

5.     Tắt điện khi không sử dụng

Và vô số các cách khác mà bạn có thể tìm thấy qua các bài báo trên mạng, trong đó có chụp ảnh và quay video để truyền bá rộng rãi tầm quan trọng của sống xanh đến với mọi người xung quanh.

Mình không phủ nhận lợi ích của việc “sống xanh” được lan truyền và áp dụng rộng rãi đến việc bảo vệ môi trường và chính sức khoẻ của chúng ta. Và mình cũng đang cố gắng từng bước sống xanh hơn từng ngày để góp một phần nhỏ vào việc ý nghĩa đó. Tuy nhiên trong bài viết này mình muốn đề cập đến những góc nhìn “đằng sau” việc theo đuổi lối sống xanh mà mình đã nhìn thấy:

1.     Bạn có đang quá cực đoan với “ống hút nhựa”?

 

Chuyện là hôm trước mình vào quán cà phê ngồi thì gặp một bạn có vẻ đang theo “trào lưu” sống xanh. Bạn kêu một ly cà phê sữa nhưng quên dặn pha chế không lấy ống hút ngay từ đầu, thế là khi phục vụ mang ra thì bạn ấy lại kêu: “Chị mang ống hút vào giúp em, em đang sống xanh nên không dùng ống hút nhựa được?” Nghe có vẻ giới trẻ ngày nay rất có ý thức bảo vệ môi trường đúng không? Nhưng mình lại không nghĩ vậy, cái ống hút đó sẽ đi đâu, chẳng lẽ lại bỏ vào ly cho khách khác, có phải nó cũng sẽ được cho vào sọt rác nhưng chỉ khác ở chỗ là không phải từ tay bạn đang theo trào lưu sống xanh đó mà từ tay bạn phục vụ phải không? Vậy thì hà tất gì phải làm như vậy, tại sao không để chiếc ống hút nhựa đó có giá trị sử dụng trước khi nó đi vào con đường phá hoại môi trường? Có ai cho mình giải pháp hay hơn khi xử lý trường hợp này không? Muốn ống hút nhựa thật sự biến mất, chúng ta phải ngăn chặn ngay từ gốc rễ của nó chứ không phải chỉ vì muốn không có lỗi với bản thân mà thôi.

 

2.     Mang ống hút gỗ theo để “chụp hình” lan truyền tinh thần sống xanh.

Cái này mình không nói tất cả mọi người đều như vậy tuy nhiên mình cũng được chứng kiến một trường hợp khá buồn cười về chuyện này. Hôm đó có hai bé mang theo ống hút tre đi uống trà sữa, một bé kêu: “Để tao chụp hình post facebook để người ta biết tụi mình sống xanh.” Chắc là chụp hình đăng facebook xong rồi hai bé mới dùng ống hút tre uống trà sữa, nhưng hình như không hút trân châu lên được, mình mới nghe bé lúc nãy kêu: “Thôi để tao đi xin hai cái ống hút chứ kiểu này uống ngon lành gì.” Có vẻ như mình hơi hóng chuyện rồi, nhưng hôm đó mắc cười không chịu nổi nhưng cũng không kém phần bức xúc. Chắc chỉ thể có thể nói một câu về vấn đề này như sau: “Tinh thần “sống xanh” rất cao độ nhưng ống hút tre thì không cho phép.”

 

3.     Bây giờ ai cũng dùng túi vải hết vậy thì mấy cái túi ni lông cũ đi đâu rồi?

Chuyện không có gì nếu mình không nghe được hai vợ chồng nọ nói với nhau.

Người vợ: “Em phải đi mua túi vải để đi chợ để theo cái trào lưu sống xanh gì đó giống mọi người bây giờ đây?”

Người chồng: “Ủa mấy cái túi ni lông trong nhà mình đó sao không lấy mà sử dụng lại, cớ gì phải mua thêm cái khác?”

Người vợ: “Vậy sao được, xài túi cũ người ta đâu có biết mình sống xanh, lại tưởng mình dùng túi ni lông thì lại bàn tán.”

Ủa gì kì vậy, giờ là mang túi vải ra đường mới là sống xanh hay sao, rồi mấy cái túi ni lông cũ bỏ đâu, chẳng lẽ “quăng” sọt rác? Mình thắc mắc, bộ giảm tiêu thụ rác thải nhựa mới là những rác thải nhựa cũ nó được phân huỷ ngay và luôn hay sao, nó cũng mất mấy trăm năm mới phân huỷ được thôi. Vậy tại sao không tận dụng những túi ni lông cũ để tái sử dụng mà cứ phải là túi vải. Chúng ta cũng thôi quy chụp những người cầm túi ni lông ra đường là phá hoại môi trường đi, người ta có sống xanh hay không là do ý thức của mỗi người, không cần chúng ta phải đánh giá.

4.     Trục lợi thông qua hai chữ “Sống xanh” xuất hiện ngày càng nhiều.

Mình xin kể ra một vài ví dụ như sau:

Kinh doanh ống hút gỗ/inox: Sẽ không có gì xảy ra nếu như các nhà cung cấp và bán lẻ nói rất hay về thông điệp bảo vệ môi trường nhưng chụp hình ống hút gỗ lên thì ống hút bằng gỗ nhưng kế bên là cái đồ vệ sinh bằng nhựa và cái vỏ cũng bằng nhựa. Thế thì có vẻ, nhựa không bao giờ biến mất, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi.

Hay trường hợp các quán cà phê thông báo sẽ giảm tiền hay free up size nếu bạn tự mang ly của mình đến mua. Nếu bạn chưa biết, đây gọi là hiệu ứng “chim mồi”, có phải bạn vì cái mác sống xanh mà đã góp phần làm tăng doanh thu cho các tổ chức biết cách “nhân cơ hội” đó rồi không?

 

Tóm lại, mình thấy “sống xanh” sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta thực sự có Ý THỨC thay đổi từng chút một mỗi ngày chứ không phải đùng một phát biến nó thành “trào lưu” rồi đằng sau đó xuất hiện một đống vấn đề dở khóc dở cười như thế. Thông qua những câu chuyện trên mình đã dần có Ý THỨC hơn với việc giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường xung quanh. Nếu bạn cũng như thế, thì hãy cùng mình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa và “sống xanh’ hơn từng chút một mỗi ngày nhé. Đừng gấp, hỏng hết đấy!


 Tác Giả: Huỳnh Thị Diễm Thy, Content Creator 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: [https://www.facebook.com/huynh.thy.71 

________________________

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả – Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

947 lượt xem, 927 người xem - 932 điểm