Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Spoil Phim Có Giúp Tăng Tuổi Thọ Hay Không?

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các nhà khoa học trên thế giới đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra cách làm tăng tuổi thọ trung bình của con người. Vậy sau những nghiên cứu ấy, các nhà khoa học đã rút ra được những biện pháp gì? Họ nói rằng chúng ta cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau củ quả hơn. Họ nói rằng chúng ta cần phải xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, luôn giữ cho tâm hồn được thanh thản, tránh stress, tránh những suy nghĩ tiêu cực và hạn chế để áp lực đè nặng lên tâm trí. Họ cũng nói rằng chúng ta cần phải siêng năng vận động hơn nữa, cần tích cực rèn luyện thân thể và có một chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng của mỗi người. Nhưng cho đến ngày hôm nay, và có lẽ là cho đến khi quả địa cầu này nổ tung, cũng sẽ chẳng có một nghiên cứu nào trong lĩnh vực y tế chỉ ra rằng, spoil phim là một biện pháp giúp tăng tuổi thọ của loài người cả.

Ngày 26/04/2019, điện ảnh thế giới chào đón một “bom tấn” mang tên: Avengers: Endgame (tạm dịch: Avengers: Hồi kết). Sự ra đời của Avengers: Endgame đã tạo ra một cơn sốt trong các phòng vé trên toàn cầu và những cụm rạp chiếu phim ở Việt Nam không phải là ngoại lệ. Minh chứng cho điều này chính là doanh thu khổng lồ mà Avengers: Endgame đã đem lại cho các nhà sản xuất phim. Tính tới ngày 15/05/2019, doanh thu trên toàn cầu của Avengers: Endgame được ghi nhận đã cán mốc 2,5 tỷ USD – con số xứng tầm với những kỳ vọng về một “trái bom tấn” của năm. Trong những ngày vừa qua, tại những chuỗi rạp chiếu phim lớn ở Việt Nam như CGV Cinemas, BHD Star Cineplex hay tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, cảnh tượng hàng dài người xếp hàng chờ mua vé để có được một vị trí trong phòng chiếu Avengers: Endgame là vô cùng phổ biến. Chỉ như vậy là đủ để thấy được rằng cộng đồng đam mê điện ảnh trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng háo hức và mong chờ như thế nào với sự ra đời của “trái bom” được sản xuất bởi Marvel Studios – “trái bom” có cái tên: Avengers: Endgame.


Hãy hít một hơi thật sâu và giữ bình tĩnh trước khi đọc những dòng tiếp theo!

Bây giờ, bạn yêu quý, người đang đọc bài viết của tôi, hãy giúp tôi một việc nho nhỏ trước khi đọc những dòng tiếp theo nhé! Gửi lời cảm ơn tới bạn trước!

OK! Bây giờ, đây là việc tôi muốn nhờ bạn làm!

Hãy tưởng tượng bạn là một người đam mê điện ảnh và đang rất háo hức với sự ra đời của Avengers: Endgame. Bạn đón chờ “quả bom tấn” này cả tháng trời rồi, và, ôi trời ơi, cuối cùng cũng đến cái ngày mà nó ra rạp. Tan giờ học, bạn ngay lập tức “phi nước đại” tới CGV Aeon Long Biên. Bạn hạnh phúc vô cùng, và bất chấp hàng dài người đang đứng trước mặt, bạn vẫn xếp hàng, trong lòng thầm hi vọng mình sẽ có được một vị trí đẹp trong phòng chiếu. Đang hí hửng, hồi hộp và lo lắng vì không biết sẽ có những bất ngờ nào tới từ Avengers: Endgame, thì chàng trai xếp hàng ngay sau bạn “bô bô cái miệng cùng bờ môi quyến rũ” với cô người yêu lùn tịt của cậu ta:

“Chán quá! ***** chết, ***** cũng hi sinh theo. Nhưng em có công nhận là màn hi sinh của ***** thực sự rất đỉnh cao không? Anh mới xem Endgame tối hôm kia với hội thằng A rồi. Nói chung là phim cũng tạm được! Chút nữa phim chiếu, nếu có đoạn nào mà không hiểu thì cứ hỏi anh nhé baby cute!”

Bây giờ, hãy cho tôi biết cảm xúc của bạn nếu “chẳng may” rơi vào tình huống đó.


Nếu bạn nói rằng mình không bực tức, không khó chịu, thì bạn đang nói dối! Còn nếu như câu chuyện mà tôi tưởng tượng ra ở bên trên đã từng xảy ra trong thực tế với chính bạn thì cho tôi xin lỗi. Tôi rất lấy làm tiếc vì bạn đã phải trải qua cảm giác vô cùng tồi tệ đó!

Chàng trai với “bờ môi quyến rũ” ấy đã xem Avengers: Endgame và, không biết là vô tình hay cố tình, đã tiết lộ một vài chi tiết cao trào của “trái bom tấn” ấy trước khi bạn được tiếp cận với nội dung của bộ phim, và thật kém may mắn khi câu chuyện bị tiết lộ ấy lại “đập trúng” tai của bạn. Thế có đen không chứ!

Có một danh từ riêng mà chúng ta vẫn thường hay sử dụng để gọi những người có cách hành xử “kém sang” giống như chàng trai “miệng bô bô” kia. Danh từ đó là....

Spoiler – Động từ “Spoil” với “cái đuôi i a” (“er”)

Trong Từ điển Anh – Việt có một động từ bắt đầu bằng chữ S, đó là động từ: “spoil”. Nếu bạn tra cứu nghĩa của từ “spoil” thì nó có nghĩa là một động từ ám chỉ những hành động phá hoại hoặc làm giảm đi chất lượng, phẩm cấp của một thứ gì đó.

Và “spoiler” chính là danh từ tiếng Anh được sử dụng nhằm ám chỉ những người chuyên có những hành động spoil. Nói cách khác, “spoiler” chính là những “kẻ chuyên spoil”. Chẳng cần phải nói, ai ai cũng ghét spoiler. Người người ghét spoiler, nhà nhà ghét spoiler, toàn dân ghét spoiler, già trẻ gái trai ghét spoiler, bởi vì đơn giản là chẳng một ai lại đi thích những hành động spoil cả.

Spoiler có mặt ở trong mọi lĩnh vực của đời sống và điện ảnh không phải là ngoại lệ.

Trong điện ảnh, spoiler ám chỉ những người chuyên đi kể trước nội dung của bộ phim cho những người đang háo hức chờ được xem bộ phim ấy. Chính tại vì những tiết lộ của spoiler mà những người chưa được xem bộ phim ấy sẽ cảm thấy bị giảm sự hứng thú với bộ phim dù cho nội dung của nó rất hay. Trải nghiệm điện ảnh của những “nạn nhân bị spoil” sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi những lời tiết lộ của các spoiler, dù cho chúng được cất lên một cách vô tình hay cố tình.


Spoiler – Kẻ phá hoại hành trình thưởng thức điện ảnh của mọi người

Giả sử bạn chưa kịp mua vé đi xem phim Happy Death Day 2U (Sinh nhật chết chóc 2) mà lại thấy một người bạn cùng lớp của mình vừa đi xem về đã khoe ngay trên Facebook, “bô bô” kể trước cái kết của phim ấy bằng một status “dải dài dai” thì thử hỏi, bạn có còn muốn đi xem nữa hay không? Có thể bạn sẽ vẫn muốn đi xem, nhưng chắc chắn trải nghiệm trước màn ảnh của bạn sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ bởi status của người bạn ấy. Bạn sẽ vừa xem bộ phim vừa suy nghĩ về cái status đó, và nếu nội dung của status đó đã tiết lộ luôn cả cao trào của bộ phim thì bạn biết rồi đấy, bộ phim sẽ trở nên chán ngắt. Cảm giác khi ấy giống hệt như việc chúng ta ăn phải một “cái bánh bị ỉu” vậy. Đó chính là sự hụt hẫng trong trải nghiệm điện ảnh của chúng ta, và đó cũng chính là cách mà các spoiler đã phá hủy trải nghiệm điện ảnh của cộng đồng mê phim.

Thưởng thức điện ảnh có nhiều điểm tương đồng với một chuyến hành trình. Ở đó, bạn cũng có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, có cao trào và cao điểm, có những niềm vui xen lẫn sự thất vọng, và chắc chắn bạn sẽ trải nghiệm các cung bậc cảm xúc khác nhau trong mỗi giai thoại của bộ phim. Vì vậy, sẽ không quá nếu nói rằng khi bạn đang xem một bộ phim cũng giống như khi bạn đang phiêu lưu trong một “hành trình ảo” với các diễn viên vậy. Hành trình đó đối với bạn có thể thú vị, có thể chán ngắt, có thể thành công và cũng có thể thất bại.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, trải nghiệm điện ảnh của bạn sẽ là một thảm họa nếu trên “hành trình ảo” của bạn xuất hiện bóng dáng của các spoiler.

Các spoiler đã phá hoại trải nghiệm điện ảnh của chúng ta như thế nào?

Hãy quay trở lại với khái niệm “hành trình ảo”, tôi sẽ chỉ cho bạn cách mà các spoiler, hoặc vô ý hoặc cố ý, trở thành những “nhân vật phản diện” nguy hiểm nhất mà bạn phải đối phó trong trải nghiệm điện ảnh của mình.

Hạnh phúc trong trải nghiệm điện ảnh của chúng ta

Thế nào là một “hành trình ảo” thú vị? Hay nói cách khác, thế nào là một trải nghiệm điện ảnh hấp dẫn?

Một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời chưa chắc đã phải là một trải nghiệm khi bạn đã biết trước cái kết của nó. Hầu hết chúng ta đều có thể dự đoán được điểm đích của hành trình mà chúng ta đang “đặt chân” bởi chúng đã có những khuôn mẫu mà chúng ta biết. Hãy thử ngẫm lại mà xem! Cái thiện sẽ thắng cái ác; Siêu nhân sẽ chiến thắng kẻ xấu và sau đó sẽ giải cứu thế giới; Công chúa cuối cùng cũng sẽ gặp hoàng tử và trao nhau nụ hôn tình;.... Chúng ta đều biết hết hoặc đều có thể dự đoán được hết những kết cục ấy, nhưng chúng ta vẫn cứ xem, vẫn cứ say mê, vẫn cứ hồi hộp trước màn hình. Rồi thì với những bộ phim có kịch bản được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng thế giới thì sao? Harry Potter (Harry Potter), The Lord of The Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn), Twilight (Chạng vạng),..., nhiều người trong chúng ta thuộc nằm lòng nội dung của cốt truyện trước khi chúng được chuyển thể và đưa lên màn ảnh rộng. Thế mà chúng ta vẫn dán mắt dõi theo các nhân vật và cuộc hành trình của họ không sót một giây, cứ như thể đây là lần đầu tiên chúng ta được biết đến câu chuyện đó vậy. Nhưng chúng ta vẫn hạnh phúc với trải nghiệm điện ảnh ấy, hay nói cách khác, đó là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời.

Bạn có thể thấy rằng, không phải trong tất cả mọi trường hợp, nhưng hầu hết, việc chúng ta thấy hứng thú khi trải nghiệm một bộ phim không đến từ việc chúng ta biết được cái kết của nó. Vậy sự hấp dẫn của một bộ phim tới từ đâu?

Nó đến từ “hành trình” của bộ phim ấy. Sự hấp dẫn của một bộ phim chủ yếu đến từ cái cách mà bộ phim ấy đi đến đích chứ không phải đến từ việc vạch đích ấy có “hình thù” như thế nào. Như một nhà báo đã từng viết:

Hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến.


Với điện ảnh, cách chúng ta trực tiếp trải nghiệm nó sẽ quyết định việc chúng ta nhìn nhận vấn đề của bộ phim đó như thế nào, yêu hay ghét các nhân vật ra sao, và từ đó đưa ra quyết định rằng trải nghiệm của mình là hấp dẫn, thú vị hay chán ngắt, thất vọng. Một bộ phim hay chưa chắc đã bởi vì nó có một cái kết có hậu mà là bởi cái cách mà các nhân vật cùng đi tới cái kết có hậu ấy. Tương tự, một tập phim đem tới cho bạn cảm giác buồn ngủ chưa chắc đã tại cái kết “củ chuối” của nó mà có khi lại bởi vì các nhân vật đã có một “hành trình” quá “củ chuối”.

Khi các spoiler xuất hiện và “can thiệp” vào “hành trình” của bộ phim

Họ “can thiệp” bằng cách tiết lộ cốt truyện, tiết lộ những tình huống giật gân, những cao trào của bộ phim, dù là vô tình hay cố tình. Và khi đó, các spoiler đã làm mất đi tính bất ngờ của “hành trình” mà bạn đang trải nghiệm.

Đó chính là cách mà các spoiler đã phá hoại trải nghiệm điện ảnh của chúng ta. “Hành trình ảo” của chúng ta sẽ bị giảm đi sự thú vị và hấp dẫn khi nó mất đi tính bất ngờ. Và dĩ nhiên, khi “hành trình” không còn thú vị thì trải nghiệm điện ảnh của tất cả chúng ta ắt sẽ trở nên tệ hại. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc trong điện ảnh chính là khi chúng ta được trải nghiệm cốt truyện chứ không phải là chỉ quan tâm đến mỗi cái kết của bộ phim.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên “Social Media 4.0” (Kỷ nguyên số). Với sự phát triển như vũ bão của các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter hay Snapchat, các hình thức spoil cũng vì thế mà trở nên đa dạng hơn trước. Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện phiếm, những “lời nói gió thổi không bay vì bị vướng ở màng nhĩ”, các câu chuyện spoil xuất hiện dưới nhiều hình thức mới hơn như những bình luận dạo trên các trang mạng, những dòng status của các spoiler, những spoil videos,.... Tuy nhiên, dù cho các spoiler có tiết lộ nội dung của bộ phim dưới bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa, họ cần phải biết một điều rằng:

Các spoiler có quyền được kể lại câu chuyện về bộ phim mà họ đã xem, có quyền được thể hiện sự hào hứng của mình về những tình tiết giật gân, những cao trào của trải nghiệm điện ảnh mà họ đã có. Đó là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ được phép “tước đoạt” đi “quyền” được tưởng tượng bộ phim theo cách rất cá nhân của nhiều người chưa xem bộ phim đó. Họ không được phép lấy đi sự bất ngờ trong trải nghiệm điện ảnh của những người chưa được xem bộ phim ấy.


Spoil phim có giúp tăng tuổi thọ hay không?

Bạn có biết rằng, khi bạn spoil nội dung một bộ phim, dù là vô ý hay cố ý, sẽ có rất nhiều người trở thành “nạn nhân spoil” của bạn. Trải nghiệm của họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi hành động spoil của bạn, dù là đã được thực hiện dưới hình thức nào đi chăng nữa. Chỉ một spoil video trên mạng thôi cũng đã là quá đủ để khiến cho một cô gái quyết định sẽ hủy buổi xem phim của mình. Chỉ một lời tiết lộ vô tình thôi cũng đã là quá đủ để khiến cho buổi xem phim cuối tuần của một cặp đôi trẻ trở nên kém vui. Và cũng chỉ cần một bình luận spoil dạo trên một fanpage thôi cũng đã là quá đủ để Admin (Quản trị viên) của fanpage đó cấm bạn truy cập vĩnh viễn rồi.


Gần đây, trên các mặt báo bên Trung Quốc có đăng tải thông tin về một vụ việc khá hài hước. Bài báo kể rằng có một khán giả của Avengers: Endgame đã đứng giữa rạp chiếu Causeway Bay tại Hồng Kông, nơi các khán giả đang xếp hàng để đợi tới lượt mua vé, mà “bô bô” kể lể về bộ phim. Không những spoil nội dung của “bom tấn”, thanh niên này còn cố tình nói to cho rất nhiều người khác cùng nghe thấy. Kết quả là, anh chàng bị một số khán giả xông vào "tẩn" cho một trận “không trượt phát nào” và phải nhập viện. Đây chính là ví dụ điển hình của việc “Cái miệng hại cái thân”!

Với việc phải ăn một trận đòn nhừ tử tới mức nhập viện, chắc chắn tuổi thọ của anh chàng người Trung Quốc này sẽ giảm đi trông thấy. Trong trường hợp này, spoil phim không những không giúp cho anh ấy tăng tuổi thọ mà thậm chí còn làm cho tuổi thọ của anh ấy bị giảm đi.

Vậy, spoil phim có giúp chúng ta tăng tuổi thọ không?

Nếu câu trả lời là “Không”, vậy thì tại sao chúng ta lại đi spoil phim cơ chứ?

Tôi muốn nói gì thông qua bài viết này?

Thông qua bài viết này, tôi mong muốn được gửi gắm tới các bạn hai điều.

Điều thứ nhất, khi bạn spoil một bộ phim, dù là dưới hình thức nào, thông qua kênh mạng xã hội nào, bạn đều sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng tới trải nghiệm điện ảnh của rất nhiều người khác. Bạn không có quyền như vậy. Bạn không hề tồn tại độc lập trong xã hội này. Mỗi hành vi của bạn đều sẽ gây ảnh hưởng đến những người khác và spoil phim không phải là ngoại lệ. Xem phim và thưởng thức điện ảnh là một cách để con người chúng ta giải trí, thư giãn đầu óc sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng, vì vậy, đừng vì những hành động spoil cá nhân của mình mà gây ảnh hưởng tới những trải nghiệm tích cực của người khác.

Điều thứ hai, và cũng thay cho lời kết của bài viết, nếu bạn có là một spoiler, xin làm ơn hãy là một “spoiler văn minh”. Tôi hiểu tâm lý của các spoiler. Họ cũng giống chúng ta ở việc rất hào hứng với những trải nghiệm điện ảnh mà họ đã được trải qua. Chính vì vậy, không dễ gì có thể ngăn chặn việc spoil, bởi tâm lý của những người vừa đi xem một bộ phim “bom tấn” xong là họ rất muốn chia sẻ và bàn tán nhiều hơn về nó. Vì thế, khái niệm “spoiler văn minh” cần được ra đời và nhân rộng hơn trong cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng đam mê điện ảnh. Vậy khái niệm “spoiler văn minh” mà tôi muốn nói ở đây có nghĩa là sao? Đã là spoiler nhưng lại còn có cả “spoiler văn minh” nữa cơ à? Một sự thật nghe có vẻ rất phản trực giác.

Không, nó không hề phản trực giác một chút nào! Và không chỉ có vậy, tất cả các spoiler hoàn toàn có thể trở thành một “spoiler văn minh” một cách vô cùng đơn giản. Tất cả chỉ hơn nhau ở duy nhất một dòng chữ mà thôi. Chỉ một dòng chữ. Một dòng chữ chỉ hơn 10 ký tự nhưng lại có quyền năng cực kỳ lớn.

Trước khi spoil nội dung của một bộ phim, các spoiler hãy vui lòng thêm dòng chữ sau:

“Cảnh báo Spoil: Làm ơn đừng click vào nội dung bài viết nếu bạn không muốn bị spoil nội dung! Xin cảm ơn!”

Cá nhân tôi rất khuyến khích việc phát triển khái niệm “spoiler văn minh”, bởi nó sẽ dung hòa được mong muốn của cả hai bên. Các spoiler sẽ thỏa mãn được tâm lý muốn bàn tán và chia sẻ nhiều hơn về bộ phim mà họ vừa mới xem, còn những người chưa được xem bộ phim ấy sẽ không bị mất đi cảm giác bất ngờ khi tham gia vào hành trình trải nghiệm điện ảnh của họ.


Bạn thấy suy nghĩ của tôi như thế nào? Có hợp lý không? Hãy spoil cho tôi biết câu trả lời của bạn nhé! Và tôi xin hứa danh dự rằng tôi sẽ không gọi bạn là một spoiler đâu! 

Tác Giả: DO @ Bookademy – Ybox 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/i.am.king.of.assist

________________________

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả – Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

463 lượt xem, 446 người xem - 458 điểm