Phạm Từ Thiên Ân@Triết Học Tuổi Trẻ
4 năm trước
Sự Mơ Hồ Của Hiện Tại, Sự Tiếc Nuối Của Tương Lai
A. Tuổi trẻ và thanh xuân – đáng quý hay đáng sợ?
Trên mặt lý thuyết, “tuổi trẻ” hoặc “thanh xuân” được định nghĩa là khoảng
thời gian trong cuộc sống nằm giữa thời thơ ấu và thời trưởng thành. Tại thời
điểm này, con người có đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, năng lượng, nhiệt
huyết và khát khao để tạo ra câu chuyện đời mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, “tuổi trẻ”
và “thanh xuân” không đơn giản như sách vở thường nói. “Tuổi trẻ”, “thanh xuân”
có thể xem là lúc chúng ta dại khờ, dễ sai lầm nhất khi chập chững bước vào đời;
là những năm tháng mà người trẻ chênh vênh, đối mặt với công việc, gia đình,
tình cảm, các mối quan hệ xung quanh; là một chặng đường dài nỗ lực, kiên trì đạt
được điều mình mong muốn.
Ước mơ luôn nằm trong số những tiêu chí hàng đầu không thể thiếu để nói về
giới trẻ. Nhưng nếu nói rằng ai cũng phải có ước mơ thì hoàn toàn là chuyện
không thể. Có một sự thật trần trụi vẫn tồn tại hằng ngày ở xã hội của chúng
ta, chính là ước mơ, hoài bão đã và đang trở thành gánh nặng cho người trẻ. Từ
bao giờ, nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên “sự mơ hồ” dần xuất hiện ngày càng nhiều
và việc sống trong thời đại tân tiến, nơi mà con người dễ dàng dùng lời nói để
phán xét nhau, thì cái người trẻ cảm nhận được chỉ là sự bất lực.
Hãy thử nhìn mà xem. Từng giờ trôi qua, hàng triệu người trẻ tiếp tục siêng năng, miệt mài làm việc, kiếm tiền. Nghe có vẻ khá tuyệt nhưng được bao nhiêu người thật sự biết họ đang cố gắng vì điều gì? Hay chỉ là đang loay hoay trong vô vọng vì sợ không có tương lai? Tôi tự đặt ra cho bản thân một câu hỏi, thế thì tuổi trẻ và thanh xuân có đáng quý như người ta hay nói với nhau không, liệu đó có phải lời nói dối để che đậy nỗi sợ về sự mơ hồ khi con người ta ở độ tuổi đôi mươi?
B. Sự mơ hồ đang trở
thành xu hướng?
Khi chúng ta hỏi một đứa trẻ: “Ước mơ của con là gì?”, tôi chắc chắn hầu hết những đứa trẻ chẳng cần suy nghĩ nhiều để đưa ra câu trả lời, ví dụ một số ước mơ của những đứa trẻ như giáo viên, bác sĩ, công an, diễn viên,... Nhưng kết quả sẽ ngược lại nếu hỏi như thế với những người ở độ tuổi thanh niên. Vậy, ước mơ phải chăng là điều gì đó quá xa vời và mông lung đối với phần lớn người trưởng thành?
C. Không có ước mơ, lỗi
của ai?
1. Mối lo ngại mang
tên “áp đặt”
Theo bài viết “Hội chứng không ước mơ ở giới trẻ” thuộc trang báo điện tử
Zing ngày 3 tháng 9 năm 2009, ta có thể thấy người trẻ không có ước mơ còn là hậu
quả của việc gia đình sắp đặt. Được biết, một cựu học sinh giỏi tại một trường
Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh tên Ngọc Lan đã khiến cả lớp bất ngờ khi trong
bài thuyết trình, Lan nói rằng mình không có ước mơ gì bởi từ nhỏ đến giờ, ba mẹ đã
lo cho em đủ thứ, từ tinh thần đến vật chất.
Nhận ra điều
mình phát ngôn là sai, Ngọc Lan chia sẻ trên blog của mình: "Mọi chuyện đã
được ba mẹ tôi vạch sẵn: từ việc học trường nào cho đến việc khách sạn của gia
đình đang chờ tôi quản lý sau khi xong đại học. Vì vậy, tôi chẳng cần phải lo
nghĩ về tương lai, việc làm. Đến hôm nay, khi bị ‘quê’ trong lớp, tôi mới nhận
ra suy nghĩ đó thật ấu trĩ. Có ước mơ thì ta mới có mục tiêu để sống và sống có
ích thực sự. 20 tuổi tôi mới nhận ra điều này, liệu có muộn?"
Tâm lý của những bậc phụ huynh, cha mẹ luôn muốn con mình nhận được mặt tốt nhất trong mọi lĩnh vực như học tập, công việc, ngay cả hôn nhân,... Nhưng vô hình trung, sự kỳ vọng của cha mẹ lại đưa con mình vào suy nghĩ chủ quan bởi lúc nào cũng được định hình sẵn cho một khuôn mẫu nào đó để nghe theo và không phải lo nghĩ về tương lai. Làm cha, làm mẹ, ai mà chẳng thương con, nhưng hãy thương sao cho đúng cách. Một đứa trẻ bị áp đặt một tư tưởng sai lệch sẽ vội vàng bỏ cuộc nếu không có cha mẹ ở bên, hoặc nếu chúng có dám nghĩ đến ước mơ, thì cũng không dám hé nửa lời vì nguyện vọng của cha mẹ quá lớn, chỉ biết răm rắp làm theo. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh dùng quan điểm cá nhân áp đặt lên tình cảm, hôn nhân của con cái. Vấn đề này hiện nay được gọi là “cổ hữu” nhưng đâu đó vẫn còn xuất hiện. Thế thì chẳng phải cha mẹ chỉ đang cố bao biện cho việc ích kỷ, nghĩ cho bản thân bằng hai từ “thương con” sao?
Nguồn: CafeLand
2. Không hiểu ước mơ là gì
“42,7% thiếu lý
tưởng và hoài bão lập thân, lập nghiệp là kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu
giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra”, trích
bài báo “Không có hoài bão vì không biết đó là gì” được đăng ngày 20 tháng 12
năm 2015 trên trang báo Tuổi trẻ online. Đây là một con số đáng buồn về giới trẻ
hiện nay. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Từ báo chí, mạng
xã hội, Youtube,... bất kì nơi nào con người có thể gõ tìm kiếm hai từ “ước
mơ”. Tuy nhiên, có được bao nhiêu người trẻ làm việc này? Hay chỉ lãng phí thời
gian cho những trang mang về ăn uống, trò chơi điện tử và mải mê với hàng loạt
các nội dung giải trí khác, mặc cho đầu óc phải rơi vào tình trạng trống rỗng?
Một cú nhấp
chuột, Internet sẽ đưa ra hơn cả nghìn kết quả. Nhưng tất cả lại quay về con số
không nếu ta chẳng biết áp dụng vào thực tế. Lý thuyết vẫn mãi là lý thuyết.
Toàn bộ chia sẻ, kinh nghiệm và lời khuyên đến từ những người đã đi trước đóng
vai trò quan trọng giúp bạn thêm kiến thức cũng như không đi vào vết xe đổ. Mấu
chốt vẫn nằm ở chính bản thân chúng ta, đọc nhưng không hiểu, xem mà không thấm,
thì có bao nhiêu nguồn tài liệu đi chăng nữa cũng vô ích.
Song song với
sự tiện lợi của những phương tiện truyền thông, khả năng cao người trẻ có thể
rơi vào “cái bẫy” được đặt sẵn để chờ đợi con mồi. Thông tin trên Internet là
vô cùng đa dạng, đồng nghĩa với việc có mặt tốt thì cũng có mặt xấu, không ai
dám đảm bảo tất cả đều hoàn toàn chính xác. Những bài viết mang tính chất sai sự
thật, hô hào giới trẻ nghe theo để lừa đảo, sẽ đem đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng
cho tư duy, lối suy nghĩ và cách hành xử của người trẻ. Chẳng hạn như một số
người giả làm giám đốc, doanh nhân với cái danh xưng “người thành công” để tạo
ra các lớp học, diễn đàn tuyên truyền về việc sống có ước mơ. Những người này dễ
dàng che mắt các bạn trẻ đang trong quá trình phát triển bản thân bằng hàng tá
câu nói truyền động lực và tập hợp vô số bằng chứng được làm giả, nhằm mục đích
lừa đảo, bòn rút túi tiền. Sau khi thực hiện được ham muốn, họ nhanh chóng biến
mất, không để lại một dấu vết và người thiệt thòi nhất vẫn là người trẻ.
Bên cạnh đó, ước mơ vốn dĩ bắt nguồn từ lòng yêu thích, sự kiên trì và khát khao giúp người trẻ vươn lên, phấn đấu. Ước mơ không giống như việc mua một món đồ mà muốn thì có, không muốn cũng chẳng sao. Ước mơ thật sự xuất phát từ trái tim say mê, khao khát đạt được điều gì đó và chắc chắn ta phải để điều đó xảy đến một cách tự nhiên nhất, chẳng thể ép buộc. Qua những trải nghiệm, va vấp, người trẻ sẽ chạm đến được cái chúng ta hằng tìm kiếm. Thế nên, đừng bao giờ so sánh và áp đặt ước mơ, mong muốn của người khác lên chính bản thân mình. Bên cạnh đó, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu có thể khiến bạn hứng thú, nhưng không hẳn đó là ước mơ. Việc dại dốt nhất chính là dùng suy nghĩ tức thời để biến nó thành ước mơ, bởi “tức thời” có nghĩa là ngắn hạn, mà ngắn hại thì trái nghĩa với kiên trì.
3. “Tôi không dám ước mơ, vì tôi sợ”
Sự phán xét là
một trong những yếu tố không thể thiếu của con người ở bất kì xã hội, thời đại
nào. Mặc dù chúng ta đã và đang sống trong một nền văn minh mang đậm nét hiện đại,
nhưng cũng chẳng thể nào kiểm soát được lời nói thốt ra. Sự tân tiến, mới mẻ của
cuộc sống ngày nay vô tình tạo cơ hội cho một bộ phận người thích săm soi, chỉ
trích người khác và bao biện bằng hai từ “góp ý”. Sự phán xét có thể xuất hiện ở
mọi nơi, từ ngoài đời thật cho đến các trang mạng xã hội.
Có một sự thật
rằng khi bạn làm một điều gì đó không hợp ý những người xung quanh, số đông họ
sẽ vội vàng phán xét bạn mà chẳng cần suy nghĩ. Ví dụ, bạn quyết định phát biểu
ý kiến mới lạ của mình trong một cuộc họp hay một tập thể. Nếu trên 50% tổng số
người phản bác quan điểm của bạn, thì coi như những người đồng tình xuất hiện đều
là vô nghĩa. Điều này càng tác động mạnh mẽ hơn nữa khi lời nói của họ chạm đến
ước mơ của bạn. Ai sinh ra mà không có quyền được mơ ước? Nhưng trong một cuộc
chiến, nơi mà bạn phải một mình chống lại sức ép của dư luận, bạn có nghĩ mình
sẽ đáp trả nổi chứ? Đến một lúc nào đó khi giới hạn đã đi quá mức cho phép, bạn
chính là người cần đấu tranh với lý trí, cảm xúc, ước mơ của bản thân để quyết
định giữa hai con đường: ấp ủ hay từ bỏ?
Một lời chê bai cũng đủ làm ai đó suy nghĩ cả ngày. Vậy, hãy thử tưởng tượng xem, lời chê bai sẽ biến thành lời phán xét, không chỉ có một, mà rất nhiều người chê trách ước mơ của bạn, điều đó tồi tệ như thế nào? Khi bị người khác chỉ ra sai lầm, con người ta thường hay biện minh cho việc làm của mình, chẳng hạn như nói rằng tôi muốn góp ý, muốn giúp người khác tốt lên chứ không có ý gì cả. Có đôi chút nực cười khi chúng ta lại nhầm lẫn giữa ranh giới của “góp ý” và “phán xét”. Trước khi nói ra thứ gì đó, luôn phải cẩn trọng xem điều đó có xứng đáng để nói ra hay không. Nếu chưa chắc chắn, thì nên nhớ ông bà ta từng có câu tục ngữ “Im lặng là vàng”. Những người bị phán xét bao giờ cũng đổ lỗi cho chính mình, thậm chí là ghét bản thân với vô vàn câu hỏi liên tục xảy đến trong đầu. Phán xét về ước mơ của người khác cũng giống như việc âm thầm hủy hoại sự tự tin, nhiệt huyết và suy nghĩ tích cực của họ. Không dao, không máu, nhưng một khi tinh thần, tâm lý đã mang vết thương hằn sâu và nỗi sợ, thì đến việc yêu bản thân mình họ còn chẳng thể làm được, chứ đừng nói đến việc dám sống với ước mơ.
Nguồn: THEKI.VN
Theo bài báo
“Mạng xã hội và nguy cơ trầm cảm” trên trang báo Thanh Niên ngày 21 tháng 12
năm 2020 cho biết: “Các chuyên gia khảo sát khoảng 1.000 người từ 18 - 30 tuổi,
không bị trầm cảm ngay từ đầu. Tất cả đều báo cáo về thời gian sử dụng mạng xã
hội thông thường của họ và được đánh giá mức độ trầm cảm 6 tháng sau đó. Kết quả
của cuộc khảo sát là nguy cơ trầm cảm tăng tỷ lệ thuận với thời gian dành cho mạng
xã hội. So với những người dùng ít nhất (ít hơn 2 giờ/ngày), những người dùng mạng
xã hội nhiều nhất (ít nhất 5 giờ/ngày) có nguy cơ trầm cảm cao hơn 3 lần. Trong
khi đó, nguy cơ này cao hơn gấp 2 lần ở những người dùng mạng xã hội khoảng 3,5
- 5 giờ/ngày.” Thế giới ảo là nơi hội tụ những “anh hùng bàn phím”, bạn có thể
dễ dàng bị tẩy chay, phán xét bất cứ lúc nào. Nhưng điều đáng sợ nhất ở đây là
tất cả chỉ là ảo, bạn không thể phân biệt được họ thật sự là ai, liệu chỉ là những
người xa lạ cách nhau qua màn hình điện thoại, máy tính,... hay lại chính là những
người bạn tin tưởng và yêu thương nhất? Bên cạnh đó, sức lan truyền của mạng xã
hội là vô cùng khủng khiếp.
Tôi tin chắc rằng có một số bạn trẻ đang đọc bài viết này, vẫn giữ trong lòng những ước mơ được xem là “lập dị”. Ví dụ: bạn mong muốn trở thành một họa sĩ, nhưng hiện tại các bức tranh của bạn vẫn chưa phải là xuất sắc. Trong khi đáng ra điều bạn cần làm duy nhất là cố gắng hằng ngày và không nản chí, thì những kẻ phán xét lại hùa vào chỉ trích bạn vẽ chẳng ra gì, không có năng khiếu, hoặc cho rằng ước mơ của bạn là tầm thường. Năng khiếu là kho báu của mỗi con người, nhưng đâu phải cứ không có năng khiếu bẩm sinh là đồng nghĩa với việc mọi nỗ lực sẽ thất bại? Mọi định kiến, sự ích kỷ của dư luận chỉ là gánh nặng cho bạn và thật đáng buồn khi vẫn còn nhiều người trẻ không có, nói đúng ra là không dám vì sợ bị phán xét. Không có ước mơ nào là rẻ mạt, chỉ có một cái đầu trống rỗng và một trái tim vô tâm mới chẳng đáng một xu.
4. Thất bại là rào cản đẩy người trẻ ra xa ước mơ
Ai ai cũng muốn
đạt được thành công, vinh quang, giàu có và danh vọng trong cuộc sống. Sự mong
muốn đó lúc nào cũng xuất hiện nhiều nhất ở người trẻ. Tuy nhiên, tất cả những
điều chúng ta mơ ước đều bắt buộc phải đánh đổi. Tiền bạc và địa vị sẽ không
bao giờ đến với những kẻ lười biếng; cũng như trái ngọt chẳng thể rơi vào tay kẻ
chỉ biết nghĩ chứ không biết làm. Trên đường đời, tất cả chúng ta phải trải qua
trăm nghìn đắng cay, thách thức và đôi khi có cảm giác như bị dồn vào bước đường
cùng. Ước mơ càng lớn, bạn cần phải đối mặt với càng nhiều gian nan, khó khăn.
Còn nếu ước mơ của bạn không quá lớn lao, bạn sẽ ít vấp ngã hơn.
Tâm lý sợ thất
bại phần lớn bắt nguồn từ việc ta chưa thật sự khát khao chạm đến ước mơ, hoặc
bạn là người nhút nhát, không muốn gặp phải thất bại. Khi đã dám mơ, thì tự bản
thân nên nhắc nhở mình rằng sự thất bại hay nản chí chỉ là bức tường được tạo
ra để xem độ mạnh mẽ của bạn đến đâu. Đủ kiên trì, nhẫn nại và đam mê, bạn dễ
dàng phá vỡ bức tường, phá vỡ giới hạn của chính bạn.
Ông Phạm Thanh
Hưng (còn gọi là Shark Hưng), chủ tịch công ty cổ phần và phát triển bất động sản
thế kỷ Cen Invest, phó chủ tịch hội đồng quản trị Cen Group cũng từng nói: “Đã
bắt đầu làm thì đừng nghĩ đến thất bại.” Suy nghĩ quyết định hành động. Người
trẻ một khi đã sợ thất bại, thì khái niệm thành công vẫn mãi là sự tưởng tượng.
5. “Chủ quan”, một căn bệnh nan giải
Chúng ta phải
công nhận rằng, hầu hết người trẻ đang sống trong một thế hệ không phải
"vượt khổ" mà cần "vượt sướng”. Chính vì sự nuông chiều, lối sống
sung sướng và buông thả của giới trẻ nên việc chủ quan là điều không thể tránh
khỏi. Ngày xưa, cuộc sống của ông bà, cha mẹ được thể hiện qua từ “vượt khổ” vì
để học một cái gì đó mới lạ, nguồn thông tin duy nhất chỉ có thầy cô, sách vở
và những kiến thức ấy khá hạn hẹp, chưa rộng mở như thời nay. Bên cạnh đó, ta
có thể ví “chiến tranh giống như cơm bữa” và sự ấm no dường như là điều gì đó
quá xa xỉ.
Còn bây giờ, chúng ta được tận hưởng công lao của ông cha ta đã hy sinh cho nền hòa bình, no đủ. Tuy nhiên, nhiều người trẻ lợi dụng điều đó nhằm đua đòi, ăn chơi, rồi mải mê chìm đắm trong sự sung túc của hiện tại, bán rẻ tương lai. Ta luôn nghĩ mình còn nhiều thời gian, đâm ra vừa chủ quan, vừa tự khiến mình trở thành kẻ thất bại vì không có ước mơ. Chỉ có một con đường cho người trẻ lựa chọn để thoát khỏi lớp vỏ bao bọc sẵn có, chính là “vượt sướng”, nghĩ đến ước mơ và cho bản thân va chạm vào đời. Khi đó, tôi chắc chắn bạn sẽ không còn hứng thú cho việc lãng phí thời gian nữa.
*Đúc kết lại:
1. Lỗi không bắt nguồn 100% ở người trẻ
Hiện tượng người
trẻ không có ước mơ là hậu quả của:
- Gia đình bảo
bọc quá kỹ lưỡng ngay từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, tạo cho người trẻ sự
lười nhác, ỷ y, không biết tự phấn đấu
- Không hiểu
rõ ước mơ là gì, chưa được định hướng đầy đủ, dễ bị đưa vào cạm bẫy nên vẫn mơ
hồ, mông lung
- Sự phán xét
của xã hội khiến người trẻ sợ là trung tâm của việc soi mói, chỉ trích
2. Người trẻ không hoàn toàn vô tội
Lý do một số
người trẻ vẫn thản nhiên khi không có ước mơ:
- Nhiều thanh
niên mang “thất bại” ra nhằm biện minh cho tính lười biếng, mau nản chí, dễ bỏ
cuộc
- Chủ quan về
thời gian, trì hoãn ước mơ
3. Giới trẻ cần thức tỉnh sớm!
Sự sai lầm tiếp
tục liên lụy những thế hệ tương lai:
Khoảng thời
gian còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng được dạy rằng con người sống phải có
ước mơ. Tuy nhiên, đời thực lúc nào cũng khác so với tưởng tượng. Nhiều người hằng
ngày đi làm, có người lại theo học một lĩnh vực nào đó để phục vụ công việc sau
này. Nhưng được bao nhiêu người trong số đó thật sự biết bản thân ước mơ điều
gì?
Vấn đề nghiêm trọng hơn, chính là nếu những anh chị, cô chú ở độ tuổi 20 đến 30 còn chưa có ước mơ, thì làm sao có thể hy vọng ở các em học sinh đang cắp sách đến trường sẽ thay đổi điều đó? Khả năng tiếp diễn của sự mơ hồ về đam mê, khát vọng là rất cao và tương lai của một tập thể, cộng đồng, xã hội sẽ như thế nào? Thế nên, việc định hướng ước mơ cho học sinh, con em còn đi học là ưu tiên hàng đầu dành cho bậc cha mẹ, thầy cô.
Nguồn: Thích Văn Học
D. Ước mơ đúng, khó hay dễ?
1. Hiểu mình, hiểu chuyện, hiểu đời
Điều đầu tiên
chúng ta nên chú tâm chính là bản thân. Trước khi ước cái gì đó, ta phải hiểu
mình thích gì, muốn trở thành ai và có dám kiên trì để theo đuổi mục tiêu hay
không. Sự dại dột nhất chính là nghe theo lời người ngoài nói, làm theo mong muốn
của những người xung quanh áp đặt lên bạn. Đây là một trong những nguyên nhân
chính gây ra tỉ lệ học sinh, sinh viên chọn sai ngành nghề lên đến 60%. Theo
bài báo “60% sinh viên chọn sai ngành học” của trang báo Dân Trí ngày 6 tháng 1
năm 2019: “Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và
Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết qua khảo sát sinh viên với nghề
nghiệp cho thấy tỉ lệ sinh viên chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ 5% học
sinh có hiểu biết về ngành mình học.” Hậu quả nặng nề chính là dẫn đến tình trạng
sinh viên mau chóng chán nản, thậm chí là bỏ học. Hoặc nếu có theo được để nhận
tấm bằng Đại học, thì cũng chẳng thể giữ nổi lòng kiên trì để sống với công việc
bằng ngành nghề đã chọn.
Ước mơ nào
đóng góp được cho xã hội, nước nhà, mới đáng quý. Trước khi mơ cái gì đó lớn
lao, hãy nghĩ đến lợi ích của nó mang đến cho mọi người, công việc nào cũng xứng
đáng được trân trọng và không có ước mơ nào hèn hạ cả. Tất cả mọi ngành nghề đều
góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiên tiến; miễn là không vi phạm pháp luật,
bất kể là nghề công nhân, hay giám đốc.
Đã chấp nhận ước
mơ thì phải đồng ý đánh đổi. Cuộc đời không cho miễn phí ai một điều gì. Con đường
dẫn đến thành công trải đầy thách thức, gánh nặng, chông gai chờ những người trẻ
bản lĩnh, có ý chí vượt qua. Thất bại chỉ là nhất thời, sớm bỏ cuộc, bạn càng
lâu chạm tới vinh quang. Tuổi trẻ là những ngày tháng trải nghiệm, chặng hành
trình dài vấp ngã để trưởng thành, thế mới đáng tự hào.
2. Ngưng “tham lam” để không tự đẩy mình vào mồ
chôn
Nhiều người trẻ quá ngây thơ, luôn muốn đạt được điều mình mong muốn mà không tha thiết hành động. Chẳng hạn như việc một số người trẻ bỏ học để trở nên giàu có như những người thành đạt. Ví dụ ông Michael Dell, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành tập đoàn Dell Inc từng tự rời khỏi trường Đại học Texas ở Austin, Mỹ để tập trung bán máy tính và trở thành người giàu thứ 33 thế giới. Một số thanh niên mang câu chuyện của ông Michael Dell hoặc những người thành công khác ra như cái cớ để bào chữa cho việc bỏ học. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng, những người thành đạt từ lâu đã có ước mơ, kế hoạch và vạch sẵn tương lai, điều họ muốn thực hiện. Bên cạnh đó, họ dũng cảm theo đuổi ước mơ bằng đôi bàn tay trắng và trường Đại học, nơi xuất phát của họ là những ngôi trường thuộc top đầu. Nhưng nhiều bạn trẻ không hề nhận ra và quyết định bỏ học trong khi chưa có ước mơ, dự định cụ thể và bản thân cũng chưa đủ khả năng để tự lực gánh sinh. Khởi nghiệp mà không có mục đích rõ ràng chẳng khác gì con thuyền đi mãi chẳng thấy bến đậu. Ước mơ một cách vô lý và tham lam chỉ khiến người trẻ ngày càng lún sâu vào sai lầm.
Nguồn: NovaJob
3. Chuẩn bị chưa bao giờ là thừa
Ngày 10 tháng
10 năm 2019, trang báo Dân Trí cho đăng bài báo với tiêu đề “Hơn 80% người trẻ
không dám dấn thân vào đời” cho biết: “Đó là kết quả nghiên cứu của Viện nghiên
cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) công bố ngày 9/10 về nghiên cứu ‘Nhận thức
& thái độ của học sinh/ sinh viên về định hướng tương lai’ thực hiện trên
2.000 học sinh THPT và Sinh viên tại 4 thành phố lớn bao gồm TPHCM, Hà Nội, Đà
Nẵng và Cần Thơ.”
Sau khi thoát
khỏi sự mơ hồ về ước mơ, người trẻ lại gặp một chướng ngại vật khó khăn hơn
chính là phải làm gì tiếp theo? Phần lớn người trẻ đều chú trọng khả năng
chuyên môn, xem thường những kỹ năng mềm. Trong các trường Đại học, nhiều sinh
viên coi trọng điểm số, bằng cấp quá đà và bỏ quên việc ngoài kiến thức, công
việc nào cũng yêu cầu kinh nghiệm. Vì vậy, phần đông sinh viên đã ra trường
nhưng không biết bắt đầu từ đâu, cảm thấy chênh vênh, lạc lõng, mất phương hướng;
bởi vốn dĩ họ chưa đủ trải nghiệm thực tế, cũng chưa từng áp dụng kiến thức được
học ra đời thực.
Bên cạnh đó,
khá nhiều ngành nghề hiện nay ưa chuộng người trẻ có trình độ giao tiếp, giải
quyết vấn đề, làm việc theo nhóm,.. Để theo đuổi ước mơ, tri thức không phải là
tiêu chí duy nhất, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Các doanh nghiệp tuyển
chọn năng lực của bạn, chứ không phải bằng cấp. Thế nên, linh hoạt trong nhiều
lĩnh vực, công việc khác nhau chính là một lợi thế to lớn cho người trẻ. Bạn có
thể đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ, hoạt động trong đội tình nguyện của trường,...
Tất cả những hoạt động này vừa trau dồi
tính hoạt bát, cách ứng xử,... vừa giúp hồ sơ của bạn thêm nổi bật trong mắt
các nhà tuyển chọn.
4. Tạm biệt “vùng an toàn”
Chúng ta luôn
thích có được cảm giác an toàn, dễ chịu, không phải cảnh giác. Tuy nhiên, nếu bạn
lựa chọn sống trong vùng an toàn để theo đuổi ước mơ, tôi e rằng bạn sẽ sớm muộn
thất bại. Tuổi trẻ không đáng bị chôn vùi và lãng phí. Bước ra khỏi vùng an
toàn, người trẻ nhận được “lợi” nhiều hơn “hại”. Bên ngoài vùng an toàn, người
trẻ dám can đảm, tò mò, hứng thú và lòng khao khát chinh phục ước mơ càng cao.
Từ bỏ sự an yên trong vùng an toàn để khám phá, dấn thân vào hàng loạt những thử thách, gian nan trước mắt. Sự khác nhau giữa người thất bại và người thành công chính là khi vấp ngã. Người chọn kêu than, oán trách. Người thì chấp nhận, rút kinh nghiệm và tiếp tục đứng dậy bước tiếp. Khái niệm “ngoài vùng an toàn” sẽ không còn đáng sợ như chúng ta thường nghĩ nếu bản thân nhận ra rằng luôn sống trong vùng an toàn là tự giam cầm mình trong một giới hạn mà mãi chẳng thoát ra được.
*Câu trả lời: Ước mơ đúng khó hay dễ tùy vào bạn quyết định. Chặng đường theo đuổi ước mơ bao giờ cũng dài và cần nhiều sự nỗ lực. Ước mơ đúng với bản thân, không tham lam là chìa khóa giúp người trẻ rút ngắn thời gian chạm đến thành công. Có hành động thì mới có kết quả. Trong khoảng thời gian khổ cực ấy, đôi lúc bạn cần lựa chọn giữa vùng an toàn hay bứt phá giới hạn của chính mình. Sự lựa chọn nằm ở bạn, nhưng nên nhớ rằng cơ hội rất hiếm hoi, là một người trẻ, ít nhất nên dũng cảm một lần, còn hơn nhút nhát để rồi về sau phải sống trong ân hận.
Nguồn: CafeBiz
E. 3 chữ “ĐỪNG” dành cho các bạn trẻ
1. Đừng nỗ lực ảo
Cụm từ “nỗ lực
ảo” là việc bạn luôn miệng nói phải học hỏi, chăm chỉ như thế nào, suy nghĩ những
điều vĩ đại, lớn lao nhưng kết quả vẫn quay về con số không.
Một số biểu hiện
của nỗ lực ảo:
- Nói ra thật
nhiều mục tiêu ấp ủ, viết ra sẵn những việc cần thiết nhưng đến lúc làm thì lại
chán nản, dễ bỏ cuộc
- Tham gia các
khóa học truyền cảm hứng, khi ra về thì đầu óc không đọng lại được gì
- Mua cả tủ
sách dự trữ năm này qua tháng nọ nhưng chưa đụng tới dù chỉ là một trang
- Biết rằng đi
làm việc thì sẽ tốt hơn nhưng tay vẫn không thể bỏ chiếc điện thoại xuống
-...
Nỗ lực ảo làm
người trẻ nghĩ mình đang cố gắng nhưng sự thật thì ngược lại. Khi nỗ lực mãi mà
chẳng có kết quả, chúng ta nhanh rơi vào trạng thái nản chí và rất khó để chấp
nhận tất cả chỉ do mình tưởng tượng. Nhưng nếu đã mắc bệnh nỗ lực ảo thì bạn phải
chấp nhận, dừng ngay việc mơ mộng viễn vông và kỷ luật bản thân chặt chẽ.
2. Đừng sợ thất bại
Mỗi lúc va phải
sai lầm, chúng ta có 2 lối đi:
1 là giậm chân
tại chỗ, chấp nhận thất bại, cho rằng bản thân không thể thành công
2 là không chịu
đầu hàng ngay tại thời điểm đó, nhận ra bài học sau những vấp ngã và chuẩn bị sẵn
sàng để bước tiếp, đối mặt với thử thách đang chờ phía trước
Bạn thuộc dạng
người nào?
Nên nhớ rằng không
một ai chưa từng nếm mùi vị đau thương, thua thiệt mà được đứng trên bậc thềm
vinh quang.
3. Đừng ngủ quên trên chiến thắng
Thành công của ngày hôm nay là bước đệm cho thành công của ngày mai. Hãy tiến lên không ngừng nghỉ từng ngày. Ngủ quên trên chiến thắng, khi bạn tỉnh dậy thì đã quá muộn, những người xung quanh đang bỏ xa bạn từ lâu rồi.
Nguồn: Cafef
F. 2 cuốn sách tôi khuyên các bạn trẻ
nên đọc:
1. “Xin Cho Tuổi Trẻ Can Đảm, Nguyện Cho Thanh Xuân Rực Sáng” _Hoàng Học Quân_ (Hân Vũ dịch)
Nguồn: Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội
Cuốn sách do Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam phát hành năm 2020 với độ dày 303 trang cùng 10 chương chính. Xuyên suốt cuốn sách là toàn bộ những chia sẻ, lời khuyên của tác giả gửi đến những bạn trẻ đang đi trên con đường thực hiện ước mơ, đam mê. Một trong các bài học đắt giá nhất của cuốn sách chính là hãy mạnh mẽ vươn lên, vượt qua chông gai để chạm đến nhiều cơ hội mới mẻ và vô vàn hy vọng vẫn đang chờ đón chúng ta ở phía trước. Đúng như tên gọi, giá trị nhân văn của cuốn sách mang lại giúp người trẻ có thêm niềm tin, nghị lực phấn đấu và dũng cảm phá vỡ giới hạn bản thân để thanh xuân, tuổi trẻ được chính đôi tay ta tô thêm sắc màu rực rỡ, tươi sáng.
2. “Mỗi Lần Vấp Ngã Là Một Lần Trưởng Thành” _Liêu Trí Phong_ (Trần Yến dịch)
Nguồn: Chiasehay
Cuốn sách được Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2019 với 8 chương cốt lõi và độ dày là 375 trang. Tác giả sử dụng hướng kể chuyện và phân tích, qua đó nhằm truyền đạt đến tất cả các độc giả những thông điệp ý nghĩa. Cuốn sách đã khẳng định một vấn đề rằng vấp ngã là chuyện thường tình, mỗi ai trong chúng ta cũng đều phải trải qua. Điều quan trọng nhất chính là sau mỗi lần như thế, ta học được cách trưởng thành, vững vàng và kiên cường hơn. Mặt biển phẳng lặng cũng có lúc sóng lên dữ dội. Cuộc sống có hạnh phúc thì cũng có bi thương. Lối sống đẹp, dám đối đầu và kiên trì mới là điều đáng tự hào nhất.
G. 1 lời nhắn nhủ chân thành tôi muốn gửi
đến những bạn trẻ ngoài kia
Ước mơ là một sự kì diệu. Nó có khởi nguồn từ sở thích, trải nghiệm và lòng hăng say theo đuổi. Cái hay của ước mơ là truyền nguồn cảm hứng, động lực mãnh liệt cho mỗi người phấn đấu, nỗ lực và cháy hết mình với con đường mình đã chọn. Trên con đường ấy, chúng ta ắt hẳn phải nếm trải vô vàn gian khổ, đôi khi ta cảm thấy kiệt sức, mệt nhoài và muốn dừng lại. Tuy nhiên, lý do bắt đầu cũng là lý do bước tiếp. Cũng giống như những lần thất bại, thua cuộc chỉ là cơ hội giúp ta rèn luyện thêm ý chí, sự nhiệt huyết mà thôi.
Nguồn: Kênh 14
Hãy nhớ rằng:
“Bạn là một vì sao sáng giữa hàng triệu vì sao trên bầu trời. Nhưng sự khác biệt
mà chỉ có bản thân bạn có được chính là khoảng thời gian bỏ đi cái ‘tôi’ vì muốn
chinh phục thách thức đầy gian nan, xóa bỏ giới hạn bản thân qua chặng hành
trình không ngừng tiến lên sau thất bại và nhẫn nại đủ lâu để chạm tới những
đích đến bạn từng cho là không thể.” Thanh xuân và tuổi trẻ chỉ có một, chúng
ta phải sống sao cho khi nhìn lại không cảm thấy có lỗi với bản thân, đừng giam
mình trong sự mơ hồ quá lâu, rồi tương lai lại bị ràng buộc trong hối tiếc.
Thời gian không chờ đợi bạn, bạn cũng chẳng có quyền lãng phí thời gian!
Tác Giả: Phạm Từ Thiên Ân
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/thienan.phamtu.3/
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,326 lượt xem, 1,186 người xem - 1230 điểm