Nguyen Thien Tuan@Triết Học Tuổi Trẻ
4 năm trước
Sự Thiên Vị Của Những Sản Phẩm Xã Hội
Khi được giao nhiệm vụ viết một bài viết về vấn đề các bạn trẻ đang gặp phải, tôi đã làm một cuộc khảo sát ý kiến giữa những người bạn của mình. Tôi hỏi những người bạn của tôi, những người mà tôi hay nói chuyện nhất, về ý kiến của họ và một người trong số họ phàn nàn về sự thiên vị trong cách tuyển lao động tại một số công ty hành nghề luật.
Một số cá thể trong xã hội lo sợ rằng những sự thiên vị trong môi trường làm việc bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cá nhân của bản thân các cá thể đó. Nhưng chúng ta hãy dừng lại một chút và tự nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong ký ức phải chăng chúng ta luôn luôn tạo sự thiên vị trong cuộc sống?
‘Đúng vậy’.
Hãy nhìn vào cách khảo sát của tôi mà xem, việc tôi hỏi những người bạn của mình trước cũng là một sự thiên vị với bản thân tôi và với những người bạn của tôi. Nếu xét việc tôi hỏi họ vì việc thu thập thông tin khảo sát của họ là dễ nhất thì là tôi đang thiên vị với chính bản thân mình. Hoặc nếu nhìn theo một hướng khác là tôi muốn dành ra chút sức lực để viết về những vấn đề mà họ quan tâm nhất thì đó chính là tôi đang thiên vị với họ. Chúng ta hãy lấy một ví dụ khác, hãy thử tưởng tượng bạn đi mua hàng, bạn đang đứng trong siêu thị và giữa một thế giới hàng hóa khổng lồ với các nhãn hiệu khác nhau, cho dù bạn có phân vân đến đâu thì cuối cùng bạn cũng sẽ lựa chọn được một hàng hóa vì bạn đánh giá nó hơn những hàng hóa cùng chức năng khác vì rằng một vài tiêu chí mà bạn tự đặt ra hay do những thước đo của những người khác được đưa vào nhận thức của bạn từ bên ngoài. Một dẫn chứng cuối cùng để mọi người thấy được sự thiên vị của bản thân đó là tình yêu. Tình yêu là sự thiên vị khi đạt tới mức độ cao nhất. Trong tình yêu, đối tượng của sự thiên vị sẽ biến thành đề tài của sự thiên vị. Khi đang yêu, các bạn trẻ luôn nghĩ về đối tượng của tình yêu, đó có thể là một cá thể hay một sự vật hiện tượng hoặc thậm chí đôi lúc là một lý tưởng. Các bạn sẽ đặt đối tượng của tình yêu lên trước những điều khác kể cả chính tình yêu đó. Vậy bản thân tình yêu đã là những sự đặc cách, là những sự ngoại lệ, là sự thiên vị và chúng ta chấp nhận nó như một sự thật ngầm hiểu, một sự việc phải thế, một lẽ phải. Và rồi, chúng ta vui mừng vì điều đó.
Chúng ta đang, vẫn và sẽ vui mừng vì những sự thiên vị đó và chắc chắn lòng biết ơn và sự thành kính cũng sẽ được bày tỏ ra. Ví thử Bác không vì lòng yêu nước, yêu đồng bào liệu Bác có đi tìm những con đường mới cho đất nước ta, hay những người lính nếu không có tình yêu với tổ quốc liệu họ có sẵn sàng hy sinh nhiều điều đến vậy, cả những người hoạt liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật nữa, liệu họ có đặt tiếng nói tâm hồn ở phía sau và cống hiến cho xã hội những tác phẩm quần chúng và không thể không nói tới những người làm việc quần quật từ sáng đến tối, gương mặt đại diện cho tầng lớp căn bản và quan trọng nhất trong xã hội chúng ta, nếu họ không vì gia đình và những người họ quan tâm liệu họ có làm như thế.
Từ đó dễ thấy một sự thật giản đơn, sự thiên vị là cần thiết vì nó làm khăng khít các mối quan hệ trong xã hội, và vì nó tôn vinh lên nét đẹp của quần chúng. Hãy cùng tôi quan sát sự thiên vị theo một nghĩa toán học hơn, sự thiên vị sẽ là kết quả của những sự phân loại giữa các thành phần nhận thức của xã hội trong những ràng buộc nhất định. Sẽ luôn luôn phải có sự hiện diện của phân loại mà các cá nhân hay quần chúng mới tìm được những đối tượng được “hưởng” sự thiên vị. Nếu không có việc phân loại trong sự thiên vị thì sẽ không còn sự thiên vị nữa.
Việc những sự thiên vị đó là tốt hay xấu, là đúng hay sai sẽ tùy vào mức độ nhận thức của mỗi cá nhân hay mỗi tập thể. Trong bài viết này tôi sẽ không nói về việc đúng hay sai của những sự thiên vị vì đó là công việc của những nhà xã hội học và những nhà sử học và vì nó là công việc của tất cả mọi người. Trong những dòng tới, tôi sẽ nói về những sự thật. Trong các đoạn trên của bài viết, tôi có đưa ra một số ví dụ của sự thiên vị và tôi tin rằng đa số những ví dụ đó chúng đều được tất cả quần chúng đón nhận và ủng hộ. Vậy hãy nói về những sự thiên vị mà quần chúng không thể chấp nhận được và tự hỏi vì sao. Việc một vài cá nhân trong xã hội có những quyền hạn nhất định mà sử dụng quyền hạn đó để vì những sự thiên vị cá nhân sẽ không được đa số quần chúng chấp nhận. Ví dụ nổi bật là sự tham nhũng. Những cá nhân có thẩm quyền mà sử dụng chúng vì mục đích cá nhân hay vì một cộng đồng rất nhỏ so với quần chúng nhân dân là điều không thể chấp nhận bởi quần chúng. Những việc làm tham nhũng trước hết sẽ ảnh hưởng tới những người dân mà sự thiên vị của nhà nước đáng nhẽ được dành cho họ sau đó sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người dân đối với bộ máy chính quyền và cách thức cũng như phương pháp hoạt động của nhà cầm quyền. Hoặc một vài người nghệ sĩ cho phép tác phẩm của họ vượt qua mọi rào cản và cả chuẩn mực của đạo đức thời nay. Những người tạo nên những tác phẩm như vậy nên biết rằng mọi người không thể chấp nhận một linh hồn như vậy vì mọi người sẽ ghen tỵ với nó và đồng thời sợ nó. Hay việc một vài nhân viên trong công ty được hưởng một số quyền lợi đặc biệt vì họ có những mối quan hệ xã hội nằm ngoài hợp đồng. Báo Lao Động đã dành rất nhiều mực và ngòi bút cho về vấn đề đó, những cá nhân được cho là ‘dẻo mồm mép’ được đánh giá cao hơn những người làm việc chăm chỉ và chú tâm vào công việc mà họ được thuê. Một lần nữa quần chúng sẽ không thể dung túng cho những hành động như vậy.
Vậy tại sao có những sự thiên vị được tung hô và có những sự thiên vị bị bài trừ bởi quần chúng. Điểm khác nhau đó là sự cao thượng và những thứ tầm thường (một điểm cần lưu ý tôi đang đánh giá sự cao thượng và tầm thường bằng thước đo chung của xã hội hiện tại). Ở sự thiên vị của Bác, chúng ta thấy sự hy sinh cái tôi bản thân vì lợi ích lớn hơn của tập thể, cũng giống như vậy trong những người lính, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, những người lao động chân chính. Và ở những sự thiên vị đó chúng ta thấy được cái lớn lao, chúng ta nhận ra rằng nó đại diện cho một tập thể, một dân tộc, một quốc gia và một lý tưởng.
Vậy ở những sự thiên vị mà xã hội cho là cần được đào thải thì đó là những sự thiên vị mang bản chất ích kỷ, vị kỷ. Bản thân những cá thể liên quan đến những sự thiên vị như vậy cũng không được chấp nhận kể cả họ là đối tượng của sự thiên vị, kể cả họ có là con, cháu của những người quyền thế và làm những công việc không phù hợp với năng lực của họ.
Nhưng liệu những sự thiên vị ích kỷ này có khi nào chấm dứt? Tôi chưa có đủ kiến thức để đưa cho các bạn một câu trả lời tuy nhiên tôi sẽ đưa ra một hướng giải quyết, một ý tưởng sẽ chấm dứt nhiều cuộc tranh luận và mở ra những cuộc tranh luận mới.
Làm gì khi có những sự thiên vị ích kỷ nơi mình sống, phát triển và làm việc? Câu trả lời là các bạn hãy cố làm tốt nhất những công việc của các bạn, tập trung vào nó và dâng hiến chất xám cho nó, hãy đưa thành quả lao động của các bạn thành những tác phẩm nghệ thuật theo cách của riêng nó, hãy khiến nó hát lên những tiếng nói của tâm hồn. Và nếu các bạn vẫn cảm thấy sự thiếu vắng của đức tin thì hãy đi tìm kiếm lòng can đảm. Điểm chung của cuộc tìm kiếm lòng can đảm đó là mỗi người có con đường khác nhau và điểm khác là không phải ai cũng nhận ra lòng can đảm trong cuộc sống.
Hãy thử nhìn những con người đó làm việc và hợp tác, những con người với lý tưởng không thể bị lay chuyển, giữa họ là sự phục tùng tuyệt đối ở những lĩnh vực khác nhau và sự bình đẳng tuyệt đối cũng tại những lĩnh vực khác nhau.
Tác giả: Nguyễn Thiên Tuấn
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
184 lượt xem, 172 người xem - 172 điểm